(LLCT) - Ngày 22-9-2021, Học viện Chính trị khu vực IV tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề “Học viện Chính trị khu vực IV - 15 năm hình thành và phát triển 2006-2021”. PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chỉ đạo Hội thảo.
Ảnh: TS Phan Công Khanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV phát biểu đề dẫn Hội thảo
Dự Hội thảo có tập thể cấp ủy, lãnh đạo và cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị khu vực IV; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành; lãnh đạo các viện nghiên cứu, trường chính trị, trường đại học… ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu đề dẫn, TS Phan Công Khanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV cho biết lúc mới thành lập ngày 18-4-2006, Học viện chỉ có 3 cán bộ lãnh đạo, cơ sở vật chất chưa có gì, đến nay Học viện Chính trị khu vực IV đã có khu làm việc và khu ký túc xá rộng rãi, bộ máy gồm 16 đơn vị với 106 cán bộ, viên chức. Với đội ngũ 22 tiến sĩ, 59 thạc sĩ, hàng chục nghiên cứu sinh, hiện nay Học viện đã đảm nhận toàn bộ chương trình giảng dạy cao cấp lý luận chính trị, các chuyên đề cao học, hợp tác với các địa phương trong khu vực mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm.
Giám đốc Phan Công Khanh nhấn mạnh: 15 năm không phải là dài nhưng trước sự phát triển của đất nước, của đồng bằng sông Cửu Long, những yêu cầu đặt ra đối vối công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và những chuyển biến quan trọng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, việc đánh giá những thành tựu và hạn chế, chỉ ra nguyên nhân, đề ra định hướng và các giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển Học viện là rất cần thiết. Thay mặt ban chủ trì hội thảo, đồng chí đề nghị quí đại biểu tập trung vào 4 vấn đề: Một là, định hướng xây dựng một trường Đảng Tây Nam bộ phát triển, giàu bản sắc, thực hiện thành công Nghị quyết số 14-NQ/ĐU của Đảng uỷ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về phát triển Học viện Chính trị khu vực 4 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Hai là, các giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là giảng viên và nghiên cứu viên của Học viện Chính trị khu vực IV trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Ba là, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động các mặt công tác: đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, hợp tác với các địa phương, các trường Chính trị, trường đại học, cơ sở nghiên cứu ở đồng bằng sông Cửu Long, hợp tác quốc tế… Bốn là, công tác qui hoạch và xây dựng cơ sở vật chất của Học viện IV.
Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo tại Học viện Chính trị khu vực IV
Hội thảo đã tiếp nhận 38 tham luận. Các nội dung tham luận đã nêu bật những thành tựu đạt được và định hướng phát triển của Học viện thời gian tới. Trong đó, khẳng định sự ra đời Học viện Chính trị khu vực IV là đúng đắn và cần thiết, xác định chiến lược phát triển Học viện luôn gắn với chiến lược phát triển đồng bằng sông Cửu Long; Học viện đã góp phần quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Tây Nam Bộ. Với 18 lượt ý kiến tham luận tại hội thảo, mong muốn Học viện Chính trị khu vực IV tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; gắn kết giữa lý luận và thực tiễn; nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Học viện Chính trị khu vực IV với các trường chính trị địa phương và đề xuất nhiều giải pháp có giá trị nhằm tăng cường hợp tác trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, khảo sát, đánh giá hiệu quả sau đào tạo...
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao sự phát triển của Học viện Chính trị khu vực IV về xây dựng đội ngũ cán bộ, chất lượng giảng dạy thời gian qua, từ đó đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ. Sau 15 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các mặt, góp phần khẳng định uy tín, vị thế của Học viện Chính trị khu vực IV tại khu vực Tây Nam Bộ nói chung và uy tín, vị thế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Qua 3 năm tập trung thực hiện đồng bộ (nhưng có trọng tâm, trọng điểm) các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 14-NQ/ĐU của Đảng uỷ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện giờ đây đã có nhiều thay đổi cả về diện mạo và chất lượng.
Mặc dù Học viện đạt được những kết quả tích cực, nhưng so với mục tiêu Nghị quyết số 14-NQ/ĐU đề ra thì từ nay đến năm 2025, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm yêu Học viện cần tập trung, quyết liệt một số nội dung chủ yếu như sau: Thứ nhất, tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất. Với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; ngoài chương trình, giáo trình và đội ngũ cán bộ, giảng viên thì cơ sở vật chất là một tiền đề rất quan trọng, tuy không phải là nhân tố quyết định nhưng có một vai trò không thể thiếu trong quá trình thực hiện đào tạo, bồi dưỡng. Thứ hai, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng uy tín, vị thế của Học viện trong phạm vi quốc gia với tư cách là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở khu vực Tây Nam Bộ. Thứ ba, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại. Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu có trình độ lý luận và thực tiễn vững vàng. Rèn luyện cho học viên khả năng tư duy độc lập, sáng tạo. Học viện phải là một môi trường giáo dục toàn diện. Thứ năm, tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đối với các mặt công tác của Học viện; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các đơn vị chức năng, các đơn vị, nghiên cứu giảng dạy và các Học viện trực thuộc để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; phối hợp và phát huy tối đa sự giúp đỡ của các tỉnh, thành ủy khu vực Tây Nam Bộ trong xây dựng, hoàn hiện cơ sở vật chất của Học viện.
Kết thúc hội thảo, với sự tham gia nhiệt tình của Quí đại biểu qua đường truyền trực tuyến và phần mềm công nghệ, với những nội dung tham luận và ý kiến phát biểu đóng góp chân tình, sâu sắc, những vấn đề đặt ra tại hội thảo càng làm sáng tỏ, gợi mở cho Học viện Chính trị khu vực IV những nội dung mang tầm chiến lược cho sự phát triển trong thời gian sắp tới, nhằm “Xây dựng Học viện IV trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị và trung tâm nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở khu vực Tây Nam Bộ”.