THÙY LINH
(LLCT) - Chiều ngày 21-9-2023, tại Hà Nội, Tạp chí Lý luận chính trị tổ chức Hội thảo khoa học “Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với xây đựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên nghiệp”. Chủ trì Hội thảo có PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Học viện; PGS, TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Học viện. Tham dự Hội thảo có đại biểu Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, các Chi hội Nhà báo Học viện cùng đông đảo hội viên, biên tập viên các tạp chí, bản tin của Học.
PGS,TS Dương Trung Ý báo cáo đề dẫn Hội thảo - Ảnh: HCMA
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện khẳng định: Liên Chi hội Nhà báo Học viện là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm công tác báo chí thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; gồm 14 Chi hội nhà báo với tổng số hơn 200 hội viên, trong đó có 12 Chi hội cơ quan tạp chí, 2 Chi hội ở đơn vị nghiên cứu - giảng dạy. Trong những năm qua, để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ báo chí ngày càng vững mạnh, Liên chi hội Nhà báo Học viện đã có nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, xuất bản, tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học về công tác hội, tọa đàm về chuyển đổi số báo chí… Đây là những hoạt động có ý nghĩa, quy tụ sự tham gia của đông đảo hội viên Liên Chi hội Nhà báo Học viện.
Đồng chí nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ báo chí Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa là nhà báo, nhà giáo, nhà khoa học; đồng thời là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng, có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục tư tưởng lý luận, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu và tin tưởng vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Do đó, Hội thảo khoa học “Liên Chi hội Nhà báo Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với xây đựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên nghiệp” là hoạt động quan trọng, thiết thực, là một diễn đàn cởi mở để các nhà khoa học, các chuyên gia, các đồng chí hội viên nhìn nhận, đánh giá khách quan về thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí của Học viện, qua đó xây dựng phương hướng, giải pháp phát huy vai trò của Liên Chi hội trong nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị chung của Học viện.
Hội thảo diễn ra trong hai phiên:
Phiên thứ nhất: Một số vấn đề chung về vai trò của Hội nhà báo với xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí
Phát biểu tại Hội thảo, TS Hoàng Anh Tuấn, đại diện Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, đóng vai trò quan trọng, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, động viên, cổ vũ người làm báo hoàn thành tốt trọng trách của mình. Hội chú trọng công tác chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi, không ngừng học tập, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, cập nhật công nghệ làm báo hiện đại để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí mang tính chuyên nghiệp, giàu tính nhân văn, giàu tính chiến đấu, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Các ý kiến tại Hội thảo cho thấy, trong thời gian qua, hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, với nhiều sự kiện nổi bật, góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả của một tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp của người làm báo và có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Các mặt công tác như: xây dựng hội, nghiệp vụ, kiểm tra, đối ngoại, báo chí, văn phòng, bảo tàng, văn hóa thể thao… đều có nhiều chuyển biến tích cực. Hội đã tổ chức thành công nhiều hoạt động như: các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm, diễn đàn báo chí, các giải báo chí quốc gia và các khóa huấn luyện bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, các chương trình giao lưu nghệ thuật, văn hóa, nghiệp vụ nhân các ngày kỷ niệm lớn, ngày truyền thống báo chí.
Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: HCMA
Phiên thứ hai: Thực trạng và giải pháp phát huy vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Học viện với xây dựng đội ngũ báo chí chuyên nghiệp
Các tham luận tại Hội thảo đánh giá, đội ngũ cán bộ báo chí Học viện nhìn chung đều có năng lực, trình độ chuyên môn cao, hầu hết cán bộ, biên tập viên có học vị thạc sỹ, tiến sỹ, một số hội viên có học hàm, có trình độ lý luận chính trị cao, là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực, có uy tín trong giới khoa học và uy tín xã hội cao. Các hội viên Liên Chi hội Nhà báo Học viện đồng thời là cán bộ công tác ở nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống Học viện, vừa làm công tác tạp chí, vừa tham gia công tác nghiên cứu, giảng dạy; nhiều hội viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Một số hội viên cũng là nhà báo, là cộng tác viên của nhiều cơ quan báo chí trên cả nước. Đây là đặc thù riêng của đội ngũ người làm công tác báo chí của Học viện.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, đội ngũ hội viên Liên Chi hội nhà báo Học viện còn một số thiếu sót, hạn chế trong công tác nghiệp vụ. Theo PGS, TS Đinh Văn Thụy, Phó Viện trưởng Viện Triết học, việc xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên nghiệp gặp một số trở ngại, khó khăn do một bộ phận hội viên của các chi hội chưa được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, xuất bản, ít kinh nghiệm trong công tác biên tập, trị sự và quản lý tòa soạn. Cán bộ làm công tác báo chí, bản tin tại các viện chuyên ngành hầu hết là cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên viên làm việc kiêm nhiệm, nên chưa dành thời gian thỏa đáng và công sức cần thiết để phát triển hoạt động nghiệp vụ báo chí. Bên cạnh đó, các tạp chí Học viện có đặc thù vừa là các tạp chí khoa học chuyên ngành có tính chất hàn lâm, học thuật cao, đồng thời là các tạp chí lý luận chính trị, do đó đặt ra yêu cầu các cán bộ báo chí, biên tập viên phải có trình độ lý luận chính trị để đáp ứng yêu cầu công việc.
Tham luận về thực trạng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí của Liên Chi hội Nhà báo Học viện, TS Nguyễn Dương Hùng, Tạp chí Chủ nghĩa xã hội: Lý luận và thực tiễn cho rằng: Việc Liên Chi hội Nhà báo Học viện tích cực tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ báo chí, xuất bản, nghiệp vụ công tác hội; lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý báo chí; bồi dưỡng kỹ năng chế bản, trình bày ấn phẩm tạp chí; các hội nghị chuyên đề trao đổi nghiệp vụ và kinh nghiệm biên tập bài lý luận chính trị; v.v.. đã giúp hội viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong các hoạt động của tạp chí, qua đó nâng cao chất lượng, nội dung và hình thức các tạp chí lý luận chính trị trong hệ thống Học viện.
Các chi hội cũng hết sức quan tâm công tác xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí, tiêu biểu như: Chi hội Nhà báo Tạp chí Lý luận chính trị là đơn vị đầu mối tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, xuất bản cho toàn thể cán bộ báo chí Học viện, Chi hội Viện Báo chí là cơ sở đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ báo chí lớn và chủ chốt trong cả nước, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các khóa bồi dưỡng báo chí - truyền thông, Chi hội Khoa Phát thanh - Truyền hình tổ chức Giải Báo chí Sóng trẻ dành cho các nhà báo tương lai...
Trên cơ sở đó, các ý kiến tại Hội thảo đã đề xuất phương hướng, giải pháp để pháp phát huy vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Học viện trong xây dựng đội ngũ báo chí chuyên nghiệp.
Trước hết, Liên Chi hội cần xây dựng được chiến lược, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ báo chí Học viện đáp ứng yêu cầu tình hình mới; Chú trọng công tác bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, trình độ cho hội viên; Tạo điều kiện để các hội viên tham gia nghiên cứu thực tế, nghiên cứu khoa học; Cần định hướng cho các tạp chí hoàn thiện quy chế quản lý tòa soạn, quy trình biên tập xuất bản tạp chí, quy trình tác nghiệp của biên tập viên; Định hướng các chi hội thực hiện tốt công tác tạo nguồn cán bộ báo chí, bố trí công tác đúng người, đúng việc. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, khích lệ, động viên đội ngũ những người làm báo phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí Học viện ngày càng vững mạnh.
Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh, việc xây dựng đội ngũ giảng viên báo chí chuyên nghiệp có vai trò và tầm quan trọng đối với việc phát triển nền báo chí chuyên nghiệp, góp phần định hướng phát triển lý luận báo chí và thúc đẩy lĩnh vực báo chí - truyền thông. Trước hết, việc tuyển chọn giảng viên báo chí dựa trên các tiêu chí về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng giảng dạy, kỹ năng viết và nghiên cứu, tính cách và đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, đánh giá và thăng tiến của giảng viên là một phần quan trọng của quá trình quản lý và phát triển đội ngũ. Để đảm bảo công bằng, minh bạch và thúc đẩy sự phát triển của giảng viên, cần chú trọng vào các yếu tố: tiêu chí đánh giá rõ ràng, hệ thống đánh giá đa chiều, đánh giá mục tiêu cá nhân và phản hồi cho giảng viên sau mỗi chu kỳ đánh giá, đồng thời quy trình đánh giá cần công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, khuyến khích tinh thần sáng tạo và năng động của giảng viên báo chí.
Kết luận Hội thảo, PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Học viện khẳng định: Hội thảo khoa học học “Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên nghiệp” đã hoàn thành mục tiêu, nội dung chương trình đề ra và đạt kết quả tốt đẹp.
PGS, TS Dương Trung Ý đánh giá cao các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã phân tích làm rõ các vấn đề về tính cấp thiết của việc xây dựng đội ngũ báo chí chuyên nghiệp và những phẩm chất cần có của cán bộ báo chí chuyên nghiệp; đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ báo chí của Học viện: những thuận lợi, khó khăn; làm rõ vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Học viện; qua đó đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của Liên Chi hội trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên nghiệp.
Trên tinh thần đó, đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, Liên Chi hội Nhà báo Học viện cần tiếp tục phát huy sứ mệnh là đại diện của những người làm công tác thông tin, tuyên truyền trên các tạp chí khoa học trong hệ thống Học viện; tham mưu Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xây dựng các cơ chế, chính sách đối với hoạt động báo chí của Học viện; tập hợp, đoàn kết lực lượng, động viên, hướng dẫn, tạo điều kiện để hội viên phát huy tài năng, trí tuệ, tâm huyết, năng lực; thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ báo chí; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên nghiệp, hiện đại.