(LLCT) - Kỷ niệm 100 năm Ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên cho Đảng tại Quảng Châu, Trung Quốc (1925 - 2025), chiều ngày 20-01-2025, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Lớp học đầu tiên thời dựng Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn” theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu: Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh.
MAI ANH
Dự và chủ trì Hội thảo có GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Cùng chủ trì có đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS,TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành ở Trung ương; lãnh đạo các Học viện trực thuộc, các viện chuyên ngành, các đơn vị nghiên cứu, xuất bản cùng các chuyên gia - nhà khoa học quốc tế, các nhà nghiên cứu - giảng viên của Học viện.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: “Hội thảo là dịp để chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu và làm sâu sắc hơn truyền thống vẻ vang, pho lịch sử bằng vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có công tác huấn luyện cán bộ - công việc gốc của Đảng; về vai trò, tầm quan trọng chiến lược và ý nghĩa to lớn của công tác huấn luyện cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, là dịp để cán bộ, đảng viên bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người thày đầu tiên trong công tác huấn luyện cán bộ của Đảng”.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu, nhà khoa học tham dự Hội thảo tập trung làm rõ: (1) Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời dựng Đảng; từ việc khai mở những lớp cán bộ đầu tiên, cuốn giáo trình đầu tiên “Đường Kách mệnh” và trở thành người thầy đầu tiên của những thế hệ học viên đầu tiên, lớp cán bộ tiền bối tiêu biểu thời dựng Đảng; (2) Giá trị lý luận và thực tiễn của những lớp học đầu tiên thời dựng Đảng; những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị và đã trở thành cẩm nang trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng; từ đó tiếp tục kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo trong giai đoạn mới. (3) Bằng những tư liệu và bằng chứng lịch sử, các tham luận đã làm rõ và sâu sắc hơn về 100 năm truyền thống vẻ vang của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng gắn liền với truyền thống của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - ngôi trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 9 tham luận trong tổng số 55 tham luận của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, quận, huyện trên phạm vi cả nước được gửi đến, in trong kỷ yếu Hội thảo, đặc biệt là có sự tham gia, tham luận của các bạn bè quốc tế.
Các báo cáo tham luận đã phân tích tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, để lại những giá trị to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Phác họa chặng đường cách đây tròn một thế kỷ, sau khi tiếp nhận ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng, huấn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng. Tầm nhìn chiến lược đúng đắn, xa rộng của Người, thành quả của Lớp học đầu tiên thời dựng Đảng, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị bền vững, đặt cơ sở nền tảng về lý luận và thực tiễn cho sự hình thành và phát triển quan điểm của Đảng ta về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; soi sáng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay và tương lai.
Nhà nghiên cứu Trương Vệ Ba - Ban Nghiên cứu và Giảng dạy Lịch sử Đảng, Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh, việc Nguyễn Ái Quốc mở Lớp đào tạo chính trị cán bộ thanh niên yêu nước Việt Nam tại Quảng Châu năm 1925 có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử đào tạo cán bộ của dân tộc Việt Nam, đồng thời, cũng đóng vai trò tích cực và có ảnh hưởng sâu rộng trong việc thúc đẩy cách mạng Trung Quốc. Theo đó, Lớp đào tạo chính trị dành cho cán bộ trẻ yêu nước Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu đã đào tạo hơn 70 cán bộ, một số cán bộ sau này vào Trường Quân sự Hoàng Phố. Trong số họ, nhiều người đã trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam sau này trở thành lực lượng trung kiên của cuộc đấu tranh vũ trang ở Việt Nam.
Các ý kiến và tham luận khẳng định những lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên, đã để lại cho Đảng và cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý như cách thức Đảng tuyển chọn đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược... Một số tham luận đề cập đến công tác xây dựng hệ thống trường Đảng từ tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh: Theo đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương về xây dựng hệ thống trường Đảng từ Trung ương đến địa phương, góp phần quan trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kịp thời đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng CNXH, tiến hành đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...
Các báo cáo đều thống nhất, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phải phấn đấu xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam. Trong đó, đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống chính trị phải không ngừng đổi mới, tiến cùng nhịp bước khẩn trương của thời đại để thực hiện thành công “công việc gốc” của Đảng trong kỷ nguyên mới.
Hội thảo đã góp phần tổng kết sâu sắc về phương diện lý luận và thực tiễn của công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ - một trong những nhiệm vụ rất cần kíp, then chốt của công tác cán bộ; khẳng định những thành tựu, đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời kỳ mới, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trí tuệ, bản lĩnh, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.