(LLCT) - Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(1). Thấm nhuần tư tưởng của Người, ngày 16-6-2008, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” nhằm phát huy vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ. Bài viết đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW tại tỉnh Hưng Yên. Từ đó, đề xuất giải pháp góp phần phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Hưng Yên trong thời kỳ mới.
Liên hoan văn nghệ quần chúng các làng, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu tỉnh Hưng Yên năm 2020 - Ảnh: https://sovhttdl.hungyen.gov.vn
Tỉnh Hưng Yên được tái lập tháng 01-1997, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Cùng với sự phát triển kinh tế của cả nước, Hưng Yên là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, hội nhập, giao lưu tiếp xúc văn hóa ngày càng được mở rộng.
Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (Nghị quyết 23) và Kế hoạch số 73-KH/BTGTW ngày 09-3-2009 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, trong đó tiêu biểu là: Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 15-8-2014 thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 23-11-2021 về Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 08-12-2021 về Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030…
Cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai với các nhóm việc cụ thể, giao Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Nội vụ; Sở Tài chính; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên; UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức thực hiện. Nhờ đó, hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật (VHNT) ở tỉnh Hưng Yên phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, về số lượng và chất lượng, diễn ra sôi nổi trong tất cả các loại hình: văn học, sân khấu, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật,…
1. Những kết quả tích cực
Trong lĩnh vực sáng tạo
Công tác văn hóa, VHNT luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, mục đích để có nhiều tác phẩm VHNT hay, chạm đến cảm xúc của nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố lý tưởng, niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Từ đó, các hoạt động sáng tạo nghệ thuật ở Hưng Yên diễn ra khá sôi nổi trong tất cả các loại hình. Nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thể hiện qua các đề tài về lịch sử, chiến tranh cách mạng, lao động sáng tạo; chủ nghĩa nhân văn; phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, thoái hóa về nhân cách, lối sống, đạo đức,... Các cấp làm tốt công tác phát hiện, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn như nghề cổ truyền, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp; văn nghệ dân gian như hát chèo, ca trù, trống quân… được nhân rộng. Quan tâm động viên, khuyến khích cán bộ làm công tác VHNT, chăm lo bồi dưỡng nhân tố mới để các nghệ sĩ có những tác phẩm hay cống hiến cho xã hội. Tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm tranh, ảnh, sách, giới thiệu thơ. Tạp chí Phố Hiến của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phát hành 2 tháng/kỳ với 1.200 cuốn/kỳ; tổ chức Cuộc thi sáng tác ca khúc về tỉnh Hưng Yên năm 2011, 2016 và 2021,...
Hiện nay, Hưng Yên bảo lưu được 1.802 di tích, trong đó 445 di tích đã được xếp hạng (gồm: 03 di tích - cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt; 175 di tích - cụm di tích xếp hạng quốc gia; 267 di tích - cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh) và 07 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, cùng hàng nghìn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị(2).
Kho tàng văn hóa phi vật thể Hưng Yên hiện có hơn 500 lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội có quy mô lớn, đặc sắc, có 02 lễ hội truyền thống được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội đền Tống Trân (xã Tống Trân, Phù Cừ) và Lễ hội Cầu mưa (xã Lạc Hồng, Văn Lâm). Đây là những di sản quý báu, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc và là niềm tự hào của mỗi người Hưng Yên. Tỉnh có 01 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 34 Nghệ nhân ưu tú, đây là các nghệ nhân có tài năng, có nhiều cống hiến, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh.
Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh Hưng Yên được quan tâm, chú trọng tính đặc thù, chuyên biệt. Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường có chức năng, nhiệm vụ đào tạo các bộ môn về VHNTtrên địa bàn tỉnh, hướng dẫn nghiệp vụ, tăng cường đào tạo các bộ môn văn học, nghệ thuật như: âm nhạc, mỹ thuật, hát trống quân, ca trù,... Hưng Yên đã có nhiều thế hệ học sinh tài năng được đào tạo, đoạt giải cao trong các cuộc thi, liên hoan toàn quốc. Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên chú trọng đào tạo các ngành, nghề như: quản lý văn hóa, thanh nhạc, hội họa, biểu diễn sân khấu chèo, giáo viên âm nhạc, mỹ thuật và bồi dưỡng văn hóa cơ sở tại các địa phương; chủ động mở các lớp bồi dưỡng.
Những hạt nhân cơ sở, trưởng ban văn hóa cấp xã, các trưởng, phó thôn được bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên. Công tác bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ cơ sở được đẩy mạnh. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng hạt nhân chèo ở cơ sở được quan tâm, do vậy các chiếu chèo trong toàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Đến nay, trên toàn tỉnh Hưng Yên có gần 200 chiếu chèo. Tỉnh Hưng Yên đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch, đào đạo, bồi dưỡng, lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý VHNT; quan tâm bổ sung, kiện toàn bộ máy quản lý hoạt động VHNT bảo đảmhoạt động hiệu quả.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội VHNT tỉnh thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Hội VHNT tỉnh chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ thông qua tổ chức và phối hợp tổ chức các trại sáng tác dành cho học sinh trong tỉnh và các trại sáng tác dành cho hội viên. Qua đó, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, định hướng sáng tác cho thanh thiến niên.
Công tác củng cố, đổi mới hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật
Năm 1997, Hội VHNT tỉnh Hưng Yên được thành lập trên cơ sở tách ra từ Hội VHNT tỉnh Hải Hưng. Thời gian đầu, Hội chỉ có 38 hội viên và 07 ban chuyên môn. Năm 2008, Hội phát triển lên 116 hội viên(3). Đến nay, số lượng hội viên đã tăng lên 196, có 09 ban chuyên môn và hàng trăm cộng tác viên, thành viên các câu lạc bộ văn học, nghệ thuật cấp huyện, thành phố. Tại Hưng Yên có 6 chi hội chuyên ngành trực thuộc Trung ương Hội gồm: Chi hội Nhà văn, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn nghệ dân gian, Mỹ thuật và Kiến trúc.
Từ năm 2015, Hội VHNT tỉnh Hưng Yên đã có trụ sở làm việc riêng với cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên có môi trường làm việc, hoạt động văn hóa, văn nghệ thuận lợi. Hội VHNT tỉnh đã làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh. Đã có nhiều tác giả đoạt giải cao tại các cuộc triển lãm, hội diễn khu vực, toàn quốc và Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam, các cuộc thi trong và ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế.
Công tác hỗ trợ sáng tạo và công bố, xuất bản tác phẩm được tỉnh Hưng Yên chú trọng, với hàng trăm lượt hội viên của Hội VHNT tỉnh được hỗ trợ sáng tạo và công bố tác phẩm. Tác phẩm được sáng tác và công bố ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Cụ thể, từ năm 2008 đến nay, Hội VHNT tỉnh đã hỗ trợ sáng tạo tác phẩm cho 162 tác phẩm văn học, 491 tác phẩm nghệ thuật(4). Việc xuất bản ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh luôn được quan tâm, nhiều ấn | Kho tàng văn hóa phi vật thể Hưng Yên hiện có hơn 500 lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội có quy mô lớn, đặc sắc, có 02 lễ hội truyền thống được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội đền Tống Trân (xã Tống Trân, Phù Cừ) và Lễ hội Cầu mưa (xã Lạc Hồng, Văn Lâm). Đây là những di sản quý báu, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc và là niềm tự hào của mỗi người Hưng Yên. |
phẩm có giá trị như: tái bản Sách ảnh “Hưng Yên trưởng thành cùng đất nước” (năm 2009), “Hợp tuyển Văn học Hưng Yên hiện đại” (năm 2008), “Tục ngữ - ca dao Hưng Yên” (năm 2010), Tập thơ - văn xuôi “Nguồn nước ngọt ngào” (năm 2011), Tập thơ “Vang mãi khúc quân hành” (năm 2012), xuất bản Sách “Hội Văn học nghệ thuật Hưng Yên 35 năm xây dựng và trưởng thành” (năm 2013), Sách “Tình thơ Phố Hiến 1997-2020” và sách “Nhiếp ảnh - Mỹ thuật Hưng Yên 1997 - 2020”, Tập ca khúc “25 năm âm nhạc Hưng Yên” mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (1997-2022). Bên cạnh đó, hàng chục đầu sách của các hội viên Hội VHNT tỉnh được xuất bản mỗi năm.
Cùng với xuất bản tác phẩm văn học, tỉnh Hưng Yên đã xuất bản các CD ca khúc chèo, ca khúc sáng tác cho địa phương. Đặc biệt, năm 2011 tổ chức sản xuất và công bố 01 DVD “Thăm quê em”.
Công tác tổ chức, phối hợp tổ chức các cuộc thi, vận động sáng tác giữa Hội VHNT tỉnh với các cơ quan luôn được quan tâm, chú trọng. Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức phát động Giải thưởng sáng tác tác phẩm VHNT, báo chí viết về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Năm 2018, tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh sáng tác tác phẩm văn học, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Hưng Yên; tuyển chọn những tác phẩm đoạt giải để in sách. Hội VHNT tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác VHNT phát triển sâu rộng.
Công tác giao lưu và hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật
Tỉnh Hưng Yên có cơ chế tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ, các tác giả, nghệ nhân tham gia giao lưu, biểu diễn, dự thi các cuộc thi quốc tế và đạt nhiều giải thưởng. Tham dự các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế, có 42 tác phẩm được giới thiệu tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế(5); phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đưa Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 6 về trưng bày tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh (năm 2012); có 02 tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh và Triển lãm tranh đồ họa ASEAN do Hội Mỹ thuật Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước ASEAN và Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam tổ chức.
Công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng
Tỉnh Hưng Yên đã đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, khuyến khích khả năng sáng tạo trong nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; các công trình văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được ưu tiên xây dựng ở vị trí trung tâm, thuận lợi để nhân dân tham gia sinh hoạt, phù hợp với đặc trưng văn hóa của tỉnh. Tổ chức các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, các hoạt động văn nghệ nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị - xã hội của đất nước, của tỉnh, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, góp phần vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.560 câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật và đội văn nghệ quần chúng; trung bình hằng năm có hơn 300 hoạt động văn hóa, nghệ thuật cấp tỉnh, gần 400 hoạt động văn hóa văn nghệ cấp huyện, hơn 3.000 hoạt động văn hóa văn nghệ cấp xã, hơn 15.000 hoạt động văn hóa văn nghệ ở thôn, tổ dân phố được tổ chức, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia(6).
Tỉnh có 01 thư viện tỉnh, 10 thư viện huyện, thị xã, thành phố, 02 thư viện xã và 808 thư viện, tủ sách thôn, làng. Hằng năm, hệ thống thư viện công cộng tỉnh Hưng Yên tổ chức và phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị tổ chức nhiều sự kiện văn hóa để đẩy mạnh và phát triển văn hóa đọc, góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Hưng Yên toàn diện, như: Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, Giới thiệu sách trực tuyến, Liên hoan Giai điệu tuổi hồng và thiếu nhi kể chuyện, tổ chức các cuộc triển lãm, tuyên truyền giới thiệu sách báo, tư liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị...
Các hoạt động VHNT ở Hưng Yên có bước phát triển mới, mang tính chuyên nghiệp, nhiều tác phẩm có giá trị góp phần định hướng tư tưởng thẩm mỹ của nhân dân. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển, nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật ra đời góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá, phát huy các giá trị nghệ thuật cổ truyền, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, ca trù, trống quân… nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở cơ sở, góp phần không nhỏ vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đội ngũ hạt nhân văn nghệ cơ sở được hình thành, phát triển và rèn luyện, là lực lượng nòng cốt trực tiếp xây dựng phong trào ở địa phương và tham gia các hoạt động hội diễn văn nghệ quần chúng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong thời kỳ mới.
Công tác xã hội hóa các hoạt động VHNT được đẩy mạnh. Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được triển khai tích cực. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ các hoạt động VHNT ở cơ sở được đầu tư. Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, VHNT đã nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chú trọng thể chế hóa, tạo điều kiện cho hoạt động VHNT của tỉnh, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hoạt động VHNT ngày càng phát huy vị trí, vai trò, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, có tác dụng tích cực trong việc hình thành nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ.
2. Một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân
Tuy đã đạt được nhiều thành tích, nhưngcôngtác văn hóa, VHNT của Hưng Yêncũng còn những hạn chế, bất cập:
Tổ chức bộ máy và số lượng cán bộ quản lý VHNT còn thiếu, chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ; Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác quản lý VHNT chưa thường xuyên. Một số hội viên chưa hoạt động tích cực trong sáng tác. Hoạt động VHNT có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ giữa sáng tác và phổ biến tác phẩm. Số lượng tác phẩm nhiều nhưng tác giả, tác phẩm tiêu biểu có giá trị nội dung, nghệ thuật và giá trị tư tưởng cao chưa nhiều. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực VHNT chưa cao...; nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực VHNT còn hạn chế. Chưa tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho những người làm công tác VHNT, nhất là các nghệ nhân, văn nghệ sĩ tham gia sáng tác, lao động sáng tạo các sản phẩm văn hóa cho xã hội. Công tác hỗ trợ đào tạo tài năng VHNT còn hạn chế.
Nguyên nhân củanhững hạn chế trên là do một số văn bản quy phạm pháp luật còn có điểm bất cập; cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ; một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện về vị trí, vai trò của VHNT, chưa xác định rõ trách nhiệm đối với xây dựng và phát triển VHNT; còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Công tác quản lý nhà nước về VHNT còn nhiều bất cập. Hội VHNT tỉnh chưa thường xuyên làm tốt công tác hội viên; trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm trong hoạt động VHNT và xây dựng tổ chức hội của một số hội viên, văn nghệ sĩ còn hạn chế. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận, bồi dưỡng năng lực sáng tạo cho cán bộ hoạt động văn hóa, VHNT, nhất là nguồn lực trẻ ở địa phương, cơ sở còn hạn chế.
3. Nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Hưng Yên trong thời kỳ mới
Với mục tiêu tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam nói chung, con người Hưng Yên nói riêng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ; phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, thời gian tới, cần tập trung vào một số nội dung sau:
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về VHNT; thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nâng cao trách nhiệm công dân, đạo đức, ý thức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ. Đẩy mạnh các hoạt động của Hội VHNT tỉnh, thu hút, tập hợp, đoàn kết, động viên, phát huy tài năng sáng tạo đội ngũ văn nghệ sĩ. Xây dựng và phát triển văn nghệ quần chúng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Thông báo Kết luận số 213-TB/TW ngày 02-01-2009 của Ban Bí thư về Đề án “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”; cácchủ trương của tỉnh về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật; về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch; về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nhằm tạo động lực cho hoạt động VHNT trên địa bản tỉnh ngày càng phát triển.
Tăng cường hoạt động của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp; phát triển phong trào quần chúng hoạt động văn hóa, nghệ thuật; phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa.
Tiếp tục đầu tư cho hoạt động sáng tác, sưu tầm, gìn giữ, quảng bá những tác phẩm VHNT có giá trị. Tạo điều kiện cho hoạt động VHNT phát huy tiềm năng và trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ nhằm tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Phát triển đào tạo, bồi dưỡng tài năng VHNT kế cận. Mở rộng các hoạt động giao lưu VHNT, thu hút cácnguồn lực hỗ trợ cho phát triển VHNT.
Thực hiện kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể, trong đó chú trọng kiểm kê ngữ văn dân gian (ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết); nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác). Hoàn thành các dự án, đề tài khoa học và tiến tới xuất bản các sách về ngữ văn dân gian, nghệ thuật truyền thống Hưng Yên.
Để đẩy mạnh xây dựng và phát triển VHNT, Nhà nước cần nâng cao mức kinh phí cho Quỹ Hỗ trợ sáng tạo VHNT, có các cơ chế chính sách ưu tiên hỗ trợ, động viên, khuyến khích cho tài năng VHNT có điều kiện phát triển trong tương lai; ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ,phát triển VHNT, nghệ thuật truyền thống; quy định về tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc của Hội VHNT và các tờ báo, tạp chí văn nghệ địa phương.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, trại sáng tác VHNT để văn nghệ sĩ học hỏi, trao đổi nghiệp vụ, nắm bắt xu hướng sáng tạo VHNT mới; các ngành có những biện pháp hữu hiệu hơn trong việc quản lý các blog, ngăn chặn các website có nội dung xấu và các ấn phẩm phản động;… nhằm mục tiêu giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của VHNT dân tộc. Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch.
_________________
Ngày nhận bài: 5-4-2023; Ngày bình duyệt: 8-4-2023: Ngày duyệt đăng: 12-5-2023.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.246.
(2), (3), (4), (5), (6) Tỉnh ủy Hưng Yên: Báo cáo số 263-BC/TU “Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 - NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, ngày 31-3-2023, tr.9, 10-11, 13, 15, 15.
NGUYỄN TUẤN VIỆT
Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hưng Yên
TS ĐÀO THỊ HOÀN
Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh