(LLCT) - Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã kết thúc và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, làm thay đổi toàn diện nền hành chính nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được của Chương trình, phân tích những thách thức trong CCHC hiện nay, bài viết đưa ra 6 trọng tâm cần ưu tiên trong CCHC giai đoạn tiếp theo.
Từ khóa: cải cách hành chính, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
1. Những kết quả đạt được của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 là sự tiếp nối, kế thừa và phát triển những quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về CCHC từ năm 1986. Chương trình đề ra 6 nhiệm vụ cần thực hiện là: (i) cải cách thể chế hành chính; (ii) cải cách thủ tục hành chính; (iii) cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; (iv) xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); (v) cải cách tài chính công và (vi) hiện đại hóa hành chính. Chương trình cũng xác định 3 trọng tâm cải cách: (1) Cải cách thể chế; (2) Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để CBCCVC thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; (3) Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.
Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã đạt được những kết quả tích cực là:
Một là, làm thay đổi nhận thức về CCHC
Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của toàn hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp về CCHC, đặc biệt là tư duy của CBCCVC. Chuyển từ tư duy “cai trị” sang tư duy “phục vụ”, từ “quản lý” sang “quản trị”, từ “tôi có quyền cung cấp dịch vụ” sang “tôi có nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm phục vụ” cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Mọi chủ thể đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật. Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trở thành thước đo, chỉ số quan trọng trong đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước.
Trình độ dân trí nâng cao, người dân và doanh nghiệp thực sự ý thức được quyền làm chủ của mình, chủ động tham gia nhiều hơn, thực chất hơn vào quản lý và giám sát hoạt động hành chính nhà nước. Người dân và doanh nghiệp trở thành một chủ thể trong tiến trình CCHC nhà nước, tạo động lực thúc đẩy tiến trình và hiệu quả của CCHC.
Hai là, đem lại sự thay đổi căn bản, toàn diện nền hành chính nhà nước
Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được định hình và phát triển, tạo xung lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiến pháp năm 2013 cùng hệ thống các văn bản pháp luật được ban hành từng bước tạo hành lang pháp lý mang tính kiến tạo, công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho các chủ thể vận hành theo tinh thần thượng tôn và bình đẳng trước pháp luật.
Thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao góp phần tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, thuận tiện, hiệu quả. Tinh thần, thái độ, phong cách làm việc của công chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thay đổi với tâm thế phục vụ, coi trọng sự hài lòng của công dân. Tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện thủ tục hành chính đã góp phần phòng ngừa xung đột lợi ích; ngăn ngừa, đẩy lùi tham nhũng vặt trong thực thi công vụ. Niềm tin và sự hài lòng của người dân tăng cao. Người dân cảm nhận được sự thân thiện, cởi mở của công chức và cơ quan hành chính khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Tổ chức bộ máy có sự chuyển biến theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp. Phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh, cơ bản khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi, đối tượng quản lý giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính. Nền hành chính vận hành theo hướng thông suốt, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Chính phủ và các cơ quan hành chính Trung ương tập trung vào vai trò, chức năng điều hành vĩ mô, hoạch định chính sách, kiểm tra, giám sát và phân bổ nguồn lực. Chính quyền địa phương tập trung vào chức năng thực thi, triển khai thực hiện, cung ứng dịch vụ công phù hợp với đặc thù của địa phương. Thiết kế, vận hành bộ máy hành chính từng bước dựa trên cơ sở khoa học tổ chức, xác định rõ quyền hạn và năng lực quản trị tương ứng.
Giai đoạn 2011-2020 đạt kết quả quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng gia tăng các đơn vị hành chính, các cơ quan hành chính. Nhiều bộ, ngành, địa phương chủ động sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy theo hướng chính quy, hiện đại, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị.
Công tác quản lý CBCCVC chặt chẽ, bài bản, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương. Cơ cấu CBCCVC, tiêu chuẩn chức danh, ngạch, bậc từng bước được xác lập trên cơ sở khoa học quản trị, chú trọng chất lượng, phẩm chất, năng lực, tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ. Chất lượng đội ngũ CBCCVC được nâng lên rõ rệt. Tuyển dụng công chức, thi nâng ngạch được thực hiện công khai, minh bạch, cạnh tranh. Có nhiều đổi mới, cải cách trong công tác đánh giá, phân loại, thi đua, khen thưởng, tạo cơ chế khuyến khích, động viên CBCCVC an tâm thực thi công vụ.
Cải cách tài chính công theo hướng chú trọng hiệu quả, bảo đảm kỷ luật tài chính. Thực hiện phân cấp quản lý tài chính gắn liền với trách nhiệm của từng cấp chính quyền, từng cơ quan đơn vị. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính được tăng cường làm tăng tính hiệu quả chi tiêu công; ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí trong mua sắm, chi tiêu công. Việc phân bổ ngân sách, kinh phí theo nhiệm vụ và kết quả công việc làm tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực công. Phân cấp, tự chủ về tài chính từng bước đồng bộ với tự chủ về tổ chức và nhân sự.
Công tác hiện đại hóa hành chính có bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đồng bộ, liên thông, liên ngành. Từ Chính phủ cho tới các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả mô hình “Chính phủ điện tử”, “Chính quyền điện tử”, “Chính quyền thông minh”. Các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử diễn ra nhiều hơn, thường xuyên hơn. Nhiều địa phương, bộ, ngành, lĩnh vực thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 100% ở mức độ 3, mức độ 4. Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý hành chính đã làm thay đổi phương thức quản lý, điều hành hành chính theo hướng mọi lúc, mọi nơi, thông suốt, kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện.
Ba là, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước
Người dân, doanh nghiệp, xã hội nhìn nhận nền hành chính đã thực sự chuyển động theo hướng: minh bạch, hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ. Các ngành, địa phương, cơ quan có chỉ số đánh giá CCHC cao cũng đồng thời là những nơi có các chỉ số đo lường phát triển kinh tế - xã hội (GRDP, PCI, HDI, PAPI,...) cao, tăng trưởng nhanh và bền vững trong nhiều năm. Nhiều tỉnh, thành, bộ, ngành thực hiện CCHC hiệu quả trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thí dụ như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh,... Nhiều địa phương đưa các bộ chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC vào trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xác định là một trong những giải pháp căn bản tạo sự cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển địa phương. CCHC đã thực sự tạo nên bước đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Bốn là, CCHC mang tính đồng bộ, hệ thống và có sự gắn kết chặt chẽ với đổi mới, cải cách về chính trị, văn hóa, xã hội
Nếu như trước đây, những điểm sáng về CCHC thường ít và mang tính đơn lẻ, cục bộ, thiếu sự kết nối, thì Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 đã tạo nên sự đồng bộ, hệ thống xuyên suốt trong toàn bộ nền hành chính. Cùng với đó, những đổi mới của hệ thống chính trị đã tạo tiền đề thúc đẩy tiến trình CCHC. CCHC thúc đẩy những cải cách về văn hóa, xã hội. Các lĩnh vực của đời sống xã hội có sự dịch chuyển theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch.
2. Những thách thức trong thực hiện cải cách hành chính giai đoạn tiếp theo
Chương trình CCHC đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong “trạng thái bình thường mới” với bối cảnh môi trường kinh tế - xã hội của đất nước, thế giới và khu vực mang tính Biến động (Volatility) - Bất định (Uncertainty) - Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity) - VUCA, đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho chặng đường CCHC tiếp theo.
Trước hết, bối cảnh môi trường nhiều biến động, nhiều thông tin nhưng không rõ ràng, khó đoán định, thường làm cho đội ngũ hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật mất nhiều thời gian xử lý thông tin, hoặc dễ đưa ra những quyết sách sai lầm. Điều này đòi hỏi năng lực tổng hợp, xử lý thông tin để đưa ra quyết sách đúng đắn của đội ngũ CBCCVC trong bối cảnh VUCA.
Xã hội ngày càng dân chủ, hiện đại, buộc các chủ thể trong xã hội phải không ngừng học hỏi để làm chủ những kiến thức, kỹ năng mới. Yêu cầu của người dân và xã hội về khả năng đáp ứng, sự phục vụ của hệ thống hành chính ngày càng lớn. Những cải cách, đổi mới mang tính chất đột phá để thích ứng với sự vận động và phát triển của môi trường thường bị vấp phải sự phản kháng, xung đột nội bộ ngay trong chính hệ thống hành chính. Bởi lẽ, cải cách, đổi mới luôn là lựa chọn giữa một bên là “thiểu số” có tư duy vượt trội, bứt phá với “đa số” hài lòng với những gì đã có và đang có. Thách thức của CCHC là làm thế nào để bảo đảm lợi ích của cả hai bên.
Những kết quả của sự công khai, minh bạch về thể chế và thủ tục hành chính đã góp phần ngăn ngừa xung đột lợi ích, giảm nguy cơ tham nhũng. Thủ tục hành chính đã được cắt giảm, tinh gọn nhưng có biểu hiện xung đột lợi ích ngay trong quá trình ban hành chính sách, pháp luật. Tuy tham nhũng vặt đã giảm, nhưng tham nhũng chính sách, trục lợi chính sách có biểu hiện gia tăng và ngày càng tinh vi. Điều này đặt ra thách thức trong xây dựng thể chế để ngăn ngừa, triệt tiêu những xung đột lợi ích ngay trong các quy phạm, quy định tầm chính sách, pháp luật.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trung tâm phục vụ hành chính ra đời, dịch vụ công trực tuyến, cổng dịch vụ công quốc gia đang là một điểm sáng về kết quả CCHC. Mô hình hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công, cổng dịch vụ trực tuyến được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao vì tính hiệu quả, nhanh chóng, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi chất lượng đội ngũ CBCCVC thực thi phải được nâng cao, đặc biệt là động lực, chính sách tiền lương, cơ chế để duy trì thực hiện tốt các mô hình này.
Chức năng của bộ máy hành chính nhà nước được điều chỉnh rõ ràng hơn, nhưng nhiệm vụ và khối lượng công việc lớn hơn, tăng nhanh hơn trong điều kiện sức ép và đòi hỏi xã hội ngày càng lớn. Điều này tạo nên thách thức về năng lực thực thi của CBCCVC và năng lực tổ chức quản trị hệ thống của nền công vụ.
Hoạt động cung cấp dịch vụ công chịu sự giám sát chặt chẽ của người dân và xã hội, đặt ra thách thức đối với xây dựng, tạo lập và vận hành thể chế minh bạch, trách nhiệm giải trình; phân biệt rõ cơ chế hợp tác công tư trong cung cấp dịch vụ công.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa hành chính diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn. Các cơ quan hành chính nhà nước có điều kiện và cơ hội ứng dụng những tiến bộ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, thành phố thông minh... Nhưng thách thức đi kèm là phải làm thế nào để vận hành hệ thống bảo đảm tính đồng bộ, cập nhật, liên thông, thông suốt, kết nối, chia sẻ và năng lực đáp ứng của nền hành chính.
Phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tính tự chủ của địa phương, nhưng sẽ tạo ra thách thức về năng lực quản trị của chính quyền địa phương và khả năng kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa vi phạm. Đòi hỏi phải nâng cao năng lực của chính quyền địa phương, năng lực phân bổ nguồn lực và kiểm soát của chính quyền Trung ương với chính quyền địa phương.
3. Trọng tâm cải cách hành chính giai đoạn tiếp theo
Một là, nhiệm vụ xuyên suốt của CCHC trong giai đoạn tiếp theo là nâng cao năng lực đội ngũ CBCCVC là điều kiện tiên quyết để xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Trong bối cảnh VUCA, CBCCVC cần có năng lực quản lý, năng lực thích ứng với sự biến đổi, bất định khó lường của môi trường. Năng lực của CBCCVC phải được chú trọng ở trên cả 3 phương diện: tâm lực, trí lực và thể lực. Trong đó, tâm lực của CBCCVC luôn là “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” để đem lại những giá trị thực sự tốt đẹp cho cộng đồng. Về trí lực, CBCCVC phải có tri thức, khả năng hoạch định, phát hiện và lựa chọn vấn đề để ra quyết sách. Thể lực là phải có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, chịu được cường độ áp lực công việc ngày càng gia tăng. Để bảo đảm điều đó, Nhà nước cần quan tâm tới việc tạo động lực về vật chất và tinh thần để CBCCVC toàn tâm, toàn ý cống hiến cho nền công vụ, trong đó, vấn đề then chốt là chính sách tiền lương hợp lý.
Hai là, xây dựng “chính quyền điện tử”, “thành phố thông minh”, nâng cao năng lực tổ chức, quản trị hệ thống là trọng tâm của nội dung hiện đại hóa hành chính trong thời gian tới. Hoàn thiện thể chế phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương; từng bước thiết lập mô hình chính quyền tự quản địa phương. Chuyển giao mạnh mẽ việc cung cấp các dịch vụ công cho chính quyền địa phương, chính quyền Trung ương tập trung vào điều tiết, phân bổ nguồn lực và chức năng hoạch định thể chế, chính sách vĩ mô.
Ba là, cải cách thể chế phải tạo hành lang pháp lý bảo vệ và khuyến khích sự tham gia của người dân và xã hội vào quản trị nhà nước. Huy động được sự tham gia của công dân thúc đẩy công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên. Tiếp tục thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công, lấy sự hài lòng và đánh giá của người dân là tiêu chí trọng tâm để đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế hợp tác công tư, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chủ thể trong hợp tác công tư.
Bốn là, hoàn thiện các bộ chỉ số theo dõi, đánh giá hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Từng bước thiết lập và vận hành nền hành chính chuyên nghiệp. Thực sự chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, trọng tâm là kiểm soát rủi ro trong hoạt động quản lý hành chính.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2021
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ: Kỷ yếu Hội thảo “Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030”, Bộ Nội vụ, 2020.
2. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội: Kỷ yếu Hội thảo “Lãnh đạo và quản trị tổ chức công trong bối cảnh hiện nay”, 2020.
TS Trương Quốc Việt
Khoa Hành chính học,
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội