ThS NGUYỄN LAN HƯƠNG
Viện Kinh tế,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Xuất khẩu nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các quốc gia đang phát triển, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân và giải quyết việc làm. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của Thái Lan và Ấn Độ trong việc vượt qua các rào cản thuế quan và phi thuế quan trong điều kiện thực hiện hiệp định thương mại tư do để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, từ đó, rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.
Trái cây Thái Lan tại Hội chợ Asia Fruit Logistica - Ảnh: The Nation
Xuất khẩu nông sản là hoạt động kinh tế đối ngoại diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện hoạt động này trong điều kiện thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã ký kết còn chưa phát huy hết được tiềm năng. Vấn đề quan trọng nhất là phải vượt qua các hàng rào phi thuế quan, bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm, như Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS), Hiệp định về hàng rào kĩ thuật trong thương mại(1)…
1. Kinh nghiệm xuất khẩu nông sản của Thái Lan sang thị trường EU
Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia nằm trong khu vực tiểu vùng sông Mê Công, có điều kiện tự nhiên tương tự nhau về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng đất đai và các nguồn lực để phát triển sản xuất nông nghiệp,như lực lượng lao độngdồi dào.
Bảng 1: Ngành nông nghiệp Việt Nam và Thái Lan
Thái Lan | Việt Nam | |
Diện tích đất nông nghiệp (ha) | 21.060.000 | 27.994.319 ha |
Tỷ lệ lao động nông nghiệp (%) | 30,43 | 34 |
Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GDP (%) | 10 | 13,96 |
Giá trị gia tăngngành nông nghiệp (tỷ USD) | 672,36 | 345,35 |
Đối tác xuất khẩu chính | Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam | Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc |
Nguồn: Nation Master(2) và WB
Thái Lan là nước nông nghiệp truyền thống với nền văn minh lúa nước,khí hậu nhiệt đới, có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp như mía, gạo, cao su, ngô và nhiều loại trái cây nhiệt đới như xoài, dứa, ổi…
Thái Lan là một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu nông sản ở các lĩnh vực như thuỷ sản, cây trồng và vật nuôi. Đặc biệt, Thái Lan nhiều năm dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu nông sản của Thái Lan đã đạt được kết quả tích cực bởi Chính phủ Thái Lan đã chú trọng thực hiện những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế.
Thái Lan xác định nông nghiệp, nông thôn là xương sống của đất nước, là lĩnh vực giúp thoát khỏi tình trạng tụt hậu. Từ những năm 1970, Thái Lan đã thực hiện chính sách “hướng vào xuất khẩu”, với các thị trường chính là ASEAN, Mỹ, Nhật, EC. Trong kế hoạch 5 năm 1977-1981, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế hướng vào xuất khẩu, duy trì đóng góp của khu vực nông nghiệp trong nền kinh tế(3).
Để mở rộng hoạt động xuất khẩu nông sản, Thái Lan đã có sự chuẩn bị kỹ càng để vượt qua các rào cản phi thuế quan như rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT), chống bán phá giá (ADP), trợ cấp xuất khẩu (XS), tự vệ đặc biệt (SSG) và hạn ngạch thuế quan (TRQ). Cụ thể là:
Thứ nhất, coi giống là một trong những khâu tạo ra lợi thế so sánh bền vững khi đưa sản phẩm nông sản thâm nhập thị trường thế giới. Nguyên tắc của giống là: nguồn gốc rõ ràng, có địa chỉ, có hướng dẫn quy trình thâm canh, có minh chứng giống đó đã được trồng thực nghiệm và có kết quả tốt. Chính phủ thực hiện các biện pháp trừng phạt nặng nếu người cung cấp giống cố tình vi phạm quy định hoặc cung cấp giống không bảo đảm chất lượng. Chính phủ dành ngân sách đáng kể để nhập khẩu giống; hỗ trợ cơ quan nghiên cứu lựa chọn, lai tạo các loại giống tốt; trợ giá cho việc phổ biến các loại giống tốt.
Thứ hai, chú trọng đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nông sản một cách khoa học, vừa giúp thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng vừa giảm cạnh tranh lẫn nhau trong tiêu thụ do thâm canh trùng lặp cùng một loại nông sản ở các vùng khác nhau.
Thứ ba, chú trọng đầu tư các dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, bảo đảm điều kiện vận tải, kỹ thuật đóng gói tiên tiến, thỏa mãn được các yêu cầu chất lượng của EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc...
Thứ tư, Thái Lan là nước có lượng khách du lịch lớn, các nhà kinh doanh nông sản đã tận dụng lợi thế này để xuất khẩu tại chỗ với kim ngạch đáng kể. Hằng năm, Thái Lan đón khoảng 15 triệu khách du lịch, mỗi khách bình quân mua 5 USD sản phẩm nông sản, chủ yếu là trái cây thì doanh số cũng đạt khoảng 75 triệu USD. Đây là một hình thức tiếp thị hiệu quả(4).
Thứ năm, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng có liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản: thành lập các cơ quan, chi nhánh trực thuộc ngành nông nghiệp để làm các dịch vụ phục vụ xuất khẩu nông sản, như:cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cây trồng, thực phẩm tại các vùng sản xuất nông sản trọng điểm; giúp các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu; thành lập trung tâm đóng gói Thái Lan trực thuộc Bộ Khoa học và Năng lượng để hướng dẫn cách đóng gói thích hợp với các loại nông sản.bảo đảm giữ được chất lượng.
Thứ sáu, hỗ trợ nông dân sản xuất và xuất khẩu các loại nông sản có giá trị cao: Bộ Nông nghiệp hỗ trợ nông dân trong việc nghiên cứu, chọn giống cây tốt, cải tạo đất trồng và hệ thống tưới tiêu để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản; Bộ Thương mại hỗ trợ các nhà xuất khẩu qua các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
2. Kinh nghiệm xuất khẩu nông sản của Ấn Độ
Ấn Độ là quốc gia nằm ở khu vực Tây Nam Á với diện tích gần 33 triệu km2, trong đó có 141,23 triệu héc ta là đất nông nghiệp. Hệ thống sông ngòi phong phú với lưu lượng nước lớn đã tạo ra những đồng bằng rộng lớn bậc nhất trên thế giới. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho canh tác, sản xuất các loại cây lương thực, thực phẩm đa dạng và phong phú, góp phần hình thành và phát triển các vùng kinh tế trù phú. Cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, với quy mô dân số trên 1 tỷ người, Ấn Độ cũng là quốc gia có thế mạnh về lao động để phát triển ngành nông nghiệp. Những tiềm năng và lợi thế đó đã góp phần giúp Ấn Độ trở thành một trong những nhà sản xuất và cung cấp ngũ cốc, đường, sữa, rau quả, gia vị, trứng và hải sản hàng đầu thế giới.
Năm 2019, theo số liệu của WTO, Ấn Độ là một trong 10 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, chiếm tỷ trọng 2,1% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản toàn cầu. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Ấn Độ đạt 49,6 tỷ USD, tăng 20% so với mức 41,3 tỷ USD năm 2021. Trong đó, gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ và đóng góp hơn 19% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2022. Đường, gia vị và thịt trâu là những mặt hàng xuất khẩu lớn với tỷ trọng đóng góp lần lượt là 9%, 8% và 7% vào kim ngạch xuất khẩu nông sản giai đoạn 2021-2022. Xuất khẩu lúa mì đạt giá trị 2,1 tỷ USD năm 2022, tăng đáng kể so với mức 568 triệu USD năm 2021. Xuất khẩu cà phê lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD. Xuất khẩu hải sản đạt 7,7 tỷ USD(5).
Ấn Độ duy trì vị trí trong top 10 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới bởi Chính phủ đã thực hiện những sáng kiến chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Chính phủ Ấn Độ đã ban hành chính sách xuất khẩu nông sản với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản 60 tỷ USD trở lên vào năm 2022, hướng tới mục tiêu đạt 100 tỷ USD trong những năm tới; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và thúc đẩy xuất khẩu nông sản có giá trị và giá trị gia tăng cao; thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đặc sản địa phương; cung cấp cơ chế để nông sản tiếp cận thị trường, vượt qua các rào cản về vệ sinh và kiểm dịch; tăng gấp đôi tỷ trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo điều kiện cho nông dân tận dụng cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Các biện pháp thực hiện cụ thể là:
Một là, phát triển sản phẩm nông sản địa phương và thúc đẩy giá trị gia tăng. Các mặt hàng thuộc danh mục nông sản địa phương được hỗ trợ tài chính để phát triển và nghiên cứu các sản phẩm giá trị gia tăng như các sản phẩm chế biến từ hạt điều: mứt hạt điều, hạt điều rang, hạt điều tẩm hương…
Hai là, thúc đẩy xuất khẩu nông sản hữu cơ có giá trị gia tăng cao. Chương trình quốc gia về sản xuất hữu cơ (NPOP) được thực hiện để hỗ trợ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu lớn của ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủysản. Cùng với đó, nhiều hoạt động được thực hiện nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản hữu cơ như: xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và bao bì thống nhất cho nông sản hữu cơ.
Ba là, tiếp thị và quảng bá “Thương hiệu Ấn Độ”. Thành lập các quỹ dành riêng cho hoạt động tiếp thị nông sản, đặc biệt là nông sản hữu cơ, chỉ dẫn địa lý... để thực hiện các chiến dịch truyền thông cho từng loại sản phẩm nhằm xây dựng thương hiệu nông sản Ấn Độ trên các thị trường mục tiêu, như chiến dịch “Chuối Ấn Độ”, chiến dịch “Trái bưởi tuyệt vời”. Các chiến dịch quảng cáo về chỉ dẫn địa lý cho các nông sản độc đáo của Ấn Độ với thương hiệu “Sản xuất Ấn Độ” góp phần làm gia tăng xuất khẩu.
Bốn là, thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng phục vụ xuất khẩu nông sản, bao gồm: cụm nhà ở, cơ sở hạ tầng xử lý nông sản, kho lạnh, kết cấu hạ tầng kiểm soát, hạ tầng logistics, phục vụ vận chuyển… Điều này giúp gia tăng thời hạn sử dụng sản phẩm, bảo đảm chất lượng nông sản khi vận chuyển xa. Hệ thống logistics tốt làm tăng khả năng xử lý khối lượng hàng hóa nông sản, mở rộng thị trường xuất khẩu, bảo đảm mức giá tốt đối với sản phẩm, làm tăng tính cạnh tranh của nông sản Ấn Độ trên thị trường quốc tế.
Năm là, số hóa hoạt động xuất khẩu nông sản. Quá trình số hóađược thực hiện ở hầu hết các khâu trong chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản, như: số hóa đất đai; xây dựng cổng thông tin thị trường và sản phẩm; tiến hành thông quan một cửa đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu dễ hư hỏng tại các cảng trọng điểm; giải quyết khiếu nại liên quan đến xuất nhập khẩu.
Số hóa hồ sơ đất đai của nông dân bao gồm: lập bản đồ vệ tinh về đất đai; thực hiện đăng ký hoạt động cho các tổ chức sản xuất trang trại và nông dân, liên kết hệ thống bản đồ này với thẻ AADHAR của nông dân, tạo cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc và liên kết thị trường. Số hóa đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp nhất và tổng hợp quỹ đất canh tác định hướng xuất khẩu là một yếu tố quan trọng trong chính sách xuất khẩu nông sản của Ấn Độ.
Sở Thương mại (DoC) xây dựng Cổng thông tin về phân tích thương mại để cung cấp các thông tin về xu hướng tiêu dùng ở các thị trường. Cục Phát triển xuất khẩu nông sản và thực phẩm chế biến và Cục Phát triển xuất khẩu thủyhải sản Ấn Độ cũng hình thành Cổng thông tin trao đổi nông sản và Cổng thông tin trao đổi thủy sản để cung cấp thông tin thị trường cho các bên liên quan. Bên cạnh đó, Cổng thông tin thương mại Ấn Độ do Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu vận hành với sự hỗ trợ của DoC cung cấp thông tin liên quan đến các kịch bản thuế quan trong các tình huống FTA và phi FTA, các thông báo SPS và dự báo về thị trường.
Ấn Độ xây dựng Sổ tay yêu cầu của quốc gia nhập khẩu (MICOR) đối với tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Ấn Độ, giúp các công ty có thể tra cứu yêu cầu của các nước nhập khẩu để tuân thủ, từ đó giảm thiểu rủi ro bị từ chối lô hàng xuất khẩu. Chính phủ Ấn Độ chủ trương tạo một cổng thông tin trực tuyến tích hợp tất cả những thông tin liên quan đến đến thị trường, giá cả, bảo hiểm rủi ro, các thông báo SPS và cơ chế giải quyết khiếu nại. Từ đó, tạo cơ sở dữ liệu quan trọng cho quá trình ra quyết định của các nhà xuất khẩu.
Sáu là, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Việc thiết lập các tiêu chuẩn và thực thi các tiêu chuẩn đó là cơ sở để hàng hóa, đặc biệt là nông sản có thể xuất khẩu dễ dàng hơn. Đây là một biện pháp giải quyết rào cản SPS và TBT của các quốc gia, góp phần thúc đẩy nhanh hơn tốc độ tiếp cận thị trường của nông sản Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cũng rất quan tâm tới hoạt động nghiên cứu và phát triển các giống mới nhằm quản lý chất lượng mạnh mẽ hơn.
Bảy là, thiết lập và duy trì chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn duy nhất cho cả thị trường trong nước và quốc tế. Bảo đảm sự ổn định về số lượng và chất lượng là rất quan trọng để có được các đơn hàng xuất khẩu một cách bền vững. Việc hài hòa các tiêu chuẩn trong nước và thị trường xuất khẩu sẽ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao nhận thức về thực hành nông nghiệp tốt và giảm chi phí giao dịch cho xuất khẩu.
Tám là, cơ chế ứng phó với SPS và TBT. Trong khi các rào cản thuế quan được giảm dần do việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, các hàng rào phi thuế quan và các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch động, thực vật đang trở thành rào cản hạn chế nông sản Ấn Độ tiếp cận thị trường quốc tế. Do đó, Chính phủ Ấn Độ đã có cơ chế ứng phó với các rào cản này từ ứng phó với các cảnh báo nhanh; thành lập cổng thông tin cung cấp cơ sở cho việc công nhận phòng thí nghiệm có đủ năng lực thực hiện các thử nghiệm đối với nông sản xuất khẩu,giúp tạo nền tảng trực tuyến để duy trì truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xuất khẩu bằng cách chuẩn hóa các giao thức thử nghiệm; lập kế hoạch giám sát dư lượng (RMP) trong sản phẩm. Từ đó, nông sản Ấn Độ có thể vượt qua rào cản SPS và TBT thuận lợi hơn, tiếp cận thị trường quốc tế dễ dàng hơn.
3. Một số kinh nghiệm
Từ thành công của Thái Lan và Ấn Độ trong xuất khẩu nông sản sang các khối liên minh hay một cộng đồng kinh tế dưới sự ràng buộc thuế quan và phi thuế quan đã được đàm phán và thông qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm là:
Một là, xác định đúng vị trí quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế. Từ đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hướng về xuất khẩu.
Hai là, xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp hướng về xuất khẩu dựa trên các lợi thế cạnh tranh. Từ đó, tập trung đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu.
Ba là, xây dựng chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm phát triển sản xuất và hiện đại hóa kết cấuhạ tầng nông thôn.
Bốn là, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại hàng nông sản, đổi mới hệ thống tiếp thị từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu; coi trọng chữ tín để tạo lập thị trường mới. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, bởi đây là là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công trong sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản. Phối hợp đồng bộ các hệ thống chính sách như chính sách giá, chính sách thuế, chính sách xuất khẩu… và các giải pháp để phát triển sản xuất, đặc biệt đối với nông sản xuất khẩu các nước đều có chính sách bảo hộ và các chương trình hỗ trợ đặc biệt, để tạo dựng ngành hàng xuất khẩu…
Năm là, xây dựng và thực hiện bộ tiêu chuẩn chất lượng nông sản, đáp ứng tốt các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, vượt qua rào cản phi thuế quan như SPS, TBT thuận lợi hơn. Đặc biệt coi trọng từ khâu tạo giống, nhằm tạo ra lợi thế so sánh một cách bền vững.
Hiện nay, việc sử dụng giống cây trồng ở Việt Nam còn tùy tiện, không rõ nguồn gốc xuất xứ, do vậy năng suất và chất lượng cây trồng thấp, tính đồng nhất về quy cách của sản phẩm không cao. Chính phủ cần hỗ trợ công tác nghiên cứu và lựa chọn giống cây trồng mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng. Ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất trong quá trình canh tác.
Sáu là, đầu tư thích đáng vào công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, cũng như đóng gói, vận chuyển. Đổi mới thiết bị và công nghệ hiện đại cho chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch là yếu tố quyết định để tạo ra những đột phá về chất lượng sản phẩm.
Bảy là, Chính phủ cần tăng cường vai trò trong các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu như hỗ trợ thông tin về thị trường xuất khẩu nông sản cho nông dân và doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại,như tổ chứccác đoàn khảo sát thị trường, các hội chợ. Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, giúp nông dân dễ dàng tiếp cận với đầu vào quan trọng như giống, thủy lợi, điện, phân bón với chất lượng cao và giá thấp. Chính phủ cần tăng cường công tác giám sát chất lượng sản phẩm xuất khẩu, bảo đảm uy tín cho nông sản.
Tám là, tăng cường năng lực của các hiệp hội ngành hàng. Đây là đơn vị tập hợp và liên kết các doanh nghiệp kinh doanh nông sản nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, thu hút được sự đồng thuận, ủng hộ của các doanh nghiệp và người nông dân trong thực hiện các chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, trong đó quan trọng nhất là thực hiện quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn SPS và TBT của thị trường quốc tế.
_________________
Ngày nhận bài: 17-7-2023; Ngày bình duyệt: 25-7-2023; Ngày duyệt đăng: 28-8-2023.
(1) Dragneva, R.: Chapter 8: Russia’s Agri-Food Trade Within the Eurasian Economic Union, https://doi.org/10.1007/978-3-030-77451-6_9, 2022.
(2) Agriculture Stats: Compare key data on Thailand & Vietnam, https://www.nationmaster.com.
(3) Vĩnh Bảo Ngọc: Chính sách phát triển nông nghiệp Thái Lan và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam, VNU Journal of Science: Economics and Business, Vol. 36, No. 1 (2020) 72-85.
(4) Lương Thanh Hải: Những vấn đề về xuất khẩu nông sản của Việt Nam: kinh nghiệm xuất khẩu nông sản của một số nước ASEAN và bài học cho Việt Nam (phần 8), https://vioit.org.vn/vn/, ngày 15-12-2022.
(5) Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ: Chính sách xuất khẩu nông sản, https://apeda.gov.in/, ngày 27-01-2021.