(LLCT) - Các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết vấn đề lao động ở nông thôn trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết. Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát ở một số địa phương, bài viết rút ra những kinh nghiệm chủ yếu trong lãnh đạo giải quyết vấn đề việc làm vùng nông thôn hiện nay như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát huy tính tích cực của người lao động; hỗ trợ đào tạo nghề; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; mở rộng thị trường lao động trong, ngoài nước.
Lao động nông thôn ở tỉnh Quảng Ninh được quan tâm đào tạo và chuyển đổi nghề - Ảnh: baoquangninh.com.vn
Nghiên cứu thực tiễn một số địa phương trong lãnh đạo giải quyết việc làm là yêu cầu quan trọng nhằm rút ra những kinh nghiệm từ thành công, thất bại trong xử lý vấn đề. Nghiên cứu khảo sát những chủ đề như: xây dựng và thực hiện các chính sách giải quyết việc làm; xây dựng các mô hình giải quyết việc làm; công tác đào tạo nghề; hỗ trợ giải quyết việc làm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động; chính sách đất đai, hỗ trợ tài chính, định hướng nghề nghiệp… trong giải quyết vấn đề việc làm vùng nông thôn ở quy mô cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, trong các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, các mô hình doanh nghiệp thu hút đông lao động là cơ sở để đúc kết những kinh nghiệm cơ bản về vấn đề này. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của các địa phương dựa trên các tiêu chí sau:
(1) Những địa phương có sự giống nhau về các thách thức, bối cảnh đang đặt ra trong giải quyết vấn đề việc làm tác động từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các thách thức ở đây bao gồm: tình trạng dư thừa việc làm; trình độ lao động thấp.
(2) Địa phương có sự đồng dạng (hoặc chênh lệch không đáng kể) về trình độ phát triển, kết cấu kinh tế - xã hội, đặc điểm địa lý, dân cư, học vấn…
(3) Những địa phương có những thành công nổi bật, những điển hình trong việc giải quyết vấn đề việc làm ở vùng nông thôn.
1. Thực tiễn một số địa phương trong giải quyết vấn đề việc làm cho lao động vùng nông thôn
- Kinh nghiệm của tỉnh Vĩnh Phúc
Xác định công tác giải quyết việc làm vùng nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện hiệu quả công tác này, đặc biệt trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hằng năm, Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm đã phối hợp với ngành chức năng, các hội, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... nhằm đẩy công tác mạnh tuyên truyền để người dân được biết về Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND ngày 12-12-2015 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 30/BCĐGQVL ngày 20-02-2020 của Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu tỉnh thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động trong ba ngày trước khi mở sàn giao dịch và thông báo trước 1 tuần khi có đơn hàng đi XKLĐ tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia, Đài Loan… Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng tờ rơi, tờ gấp thông tin với người dân về chính sách hỗ trợ chi phí xuất cảnh của tỉnh, chính sách vay vốn và các đơn hàng đi XKLĐ ở các nước, đồng thời, tuyên truyền qua bản tin của huyện, qua hội nghị của thôn đến người lao động ở các địa bàn dân cư về chính sách đào tạo nghề giải quyết việc làm, XKLĐ của tỉnh.
Nhằm đẩy mạnh XKLĐ, ngành Lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu tỉnh mở hội nghị tuyên truyền, vận động người dân trong định hướng nghề nghiệp, thị trường XKLĐ. Bình quân hằng năm tỉnh đã tổ chức khoảng 10 hội nghị tuyên truyền về công tác XKLĐ. Các hội nghị đã được tổ chức đến cấp xã, tập huấn cho lãnh đạo xã, cán bộ trực tiếp làm công tác lao động, việc làm, các gia đình có con em trong độ tuổi lao động có nguyện vọng đi XKLĐ.
Trên cơ sở nắm được mục đích, yêu cầu, các xã làm điểm đã chủ động phối hợp với Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu tỉnh, Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch triển khai đến tận tổ liên gia các thôn, xóm về chính sách XKLĐ.
Thực hiện niêm yết công khai các khoản chi phí đóng góp, quyền lợi và nghĩa vụ của người đi lao động, đi làm việc tại nước ngoài ở cấp xã, qua đó giúp người dân nắm vững yêu cầu và đăng ký tham gia chương trình.
Thông qua hoạt động XKLĐ trong 5 năm thực hiện chính sách, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 100.215 lao động, trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho 91.780 lao động, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 8.435 người; bình quân mỗi năm tỉnh giải quyết việc làm mới cho gần 23.000 lao động trong nước; đưa hơn 2.100 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp ở nông thôn hiện nay(1).
- Kinh nghiệm của tỉnh Phú Thọ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ xác định chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn là giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề lao động, việc làm ở nông thôn. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng đến mục tiêu giải quyết việc làm ở vùng nông thôn, ứng phó kịp thời với những biến đổi của khí hậu. Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã mở gần 2.200 lớp đào tạo sơ cấp nghề theo Đề án 1956 cho khoảng 66.600 lao động nông thôn ở lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Cùng với đào tạo nghề nông nghiệp, tỉnh định hướng đào tạo nghề đa dạng đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm giảm dần tỷ trọng nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Thực hiện chủ trương này, tỉnh đã đào tạo hơn 22.100 lao động trong các ngành nghề như: may mặc, kỹ thuật chế biến thực phẩm, kỹ thuật điện, điện tử… Số lao động nông thôn tìm được việc làm sau học nghề tăng lên, chiếm tỷ lệ khoảng 96% tổng số lao động được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 79.100 người (vượt chỉ tiêu kế hoạch 2,06%)(2).
Thực hiện chính sách này, địa phương đã tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận kiến thức KHCN, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm khu vực phi nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Từ năm 2010 đến nay, đã có khoảng 37.000 lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo theo Đề án 1956 của Chính phủ, nhờ đó góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng nghề, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định.
Các dự án hỗ trợ, xúc tiến việc làm đã được lồng ghép hiệu quả với các chương trình phát triển kinh tế như: phát triển khu, cụm công nghiệp, làng nghề, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn qua đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giải quyết việc làm cho khoảng 390.000 người (chiếm 45,51% lực lượng lao động đang làm việc). Tỉnh đã chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp và làng nghề để thu hút lao động, tạo việc làm cho gần 21.000 lao động ở các làng nghề. Làng nghề đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, giúp hàng vạn lao động “ly nông bất ly hương”, ứng phó kịp thời với các biến đổi khí hậu, ổn định cuộc sống.
-Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh
Trong những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng ở các đô thị như Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả ... tỉnh Quảng Ninh đã xác định công tác đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí để giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà cấp ủy, chính quyền các cấp phải tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm ổn định, nâng cao đời sống người lao động nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhằm giải quyết vấn đề lao động ở nông thôn, Tỉnh ủy đã ban hành một số chủ trương, biện pháp đào tạo nghề và giải quyết việc làm, trên cơ sở đó, các ngành chức năng và các cấp đã triển khai những giải pháp thực hiện cụ thể. Tỉnh đã đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm tạo tính chủ động cho người dân trong tìm việc làm nhằm chuyển đổi nghề nghiệp. Tỉnh đã tiến hành khảo sát để xây dựng chương trình, nội dung đào tạo nghề nghiệp đối với các nhóm đối tượng. Gắn quá trình đào tạo nghề nghiệp với sử dụng lao động và bao tiêu sản phẩm thông qua thiết lập mô hình liên kết: chuyển giao - tiếp nhận tri thức, kỹ thuật, sử dụng lao động và tiêu thụ sản phẩm của lao động trong và sau khi đào tạo nghề.
Nhằm hỗ trợ công tác đào tạo nghề, hằng năm tỉnh dành nguồn lực từ ngân sách để hỗ trợ lao động nông thôn bằng các hình thức như: cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ học phí đối với một số ngành nghề mà địa phương đang phát triển.
Mặc dù vẫn còn gặp không ít khó khăn trong đào tạo và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn vì không có trung tâm dạy nghề, thiếu thiết bị thực hành nhưng tỉnh đã chủ động đa dạng hóa các hình thức dạy nghề như: Dạy nghề tại chỗ, dạy nghề lưu động, lấy nông dân dạy nông dân, học trực tiếp tại đồng ruộng, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề gắn với sử dụng lao động…
Thông qua các chương trình đào tạo nghề nghiệp này, người lao động đã mạnh dạn áp dụng kiến thức vào sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm và nguồn thu nhập.
Từ cuối năm 2006 đến nay, nhằm khắc phục những hạn chế giữa cung cầu lao động, những bất cập trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tỉnh đã phối hợp với các Trung tâm Giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp tổ chức thành công các chợ phiên việc làm, hội chợ việc làm. Hoạt động này đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng; giữa doanh nghiệp và người lao động, đã thu hút được hàng nghìn lao động tham gia phỏng vấn, tìm việc; nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tuyển dụng lao động. Mỗi phiên có hàng nghìn lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ lao động thất nghiệp tại địa phương.
Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, tỉnh đã giải quyết được việc làm cho hàng vạn lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 67%; tăng thời gian lao động khu vực nông thôn lên gần 92%; xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả... Kết quả này góp phần rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua.
- Kinh nghiệm của tỉnh Đồng Nai
Đồng Nai là một trong một số ít địa phương có quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh nhất nước ta. Cùng với sự phát triển đó, vấn đề thu hồi đất sản xuất nông nghiệp cũng diễn ra rất nhanh. Tính từ khi đổi mới đến nay, tỉnh Đồng Nai đã thu hồi hàng trăm nghìn ha đất các loại để phát triển các công trình công nghiệp, dịch vụ, đô thị, và đi cùng với đó là hàng trăm nghìn lao động nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi quá trình này. Để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn bị thu hồi đất, Tỉnh ủy Đồng Nai đã lãnh đạo, thực thi các biện pháp nhằm ổn định đời sống của người dân nông thôn nhanh chóng tìm việc làm.
Thực hiện ưu tiên, ưu đãi đối với các dự án giải quyết việc làm cho người lao động nhường đất, đây là cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh đối với người dân. Trước hết, tỉnh đã rất quyết liệt trong công tác đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp đối với những lao động trên 30 tuổi, đây là lứa tuổi rất khó tìm kiếm việc làm ở các nhà máy, các khu công nghiệp. Với những chính sách đúng đắn, sự vào cuộc của các cơ quan và sự tích cực của người lao động, đã có hàng chục nghìn người trở thành những công nhân làm việc trong môi trường công nghiệp. Đối với những người lao động lớn tuổi hoặc những người không phù hợp với làm việc ở các nhà máy, khu công nghiệp, muốn tự do tìm kiếm những việc làm phù hợp, chính quyền hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi, tư vấn sản xuất, kinh doanh, do đó đã có hàng nghìn lao động sau khi nhường đất đã kiếm được việc làm mới, phù hợp, thậm chí còn trở thành những chủ doanh nghiệp sử dụng hàng trăm lao động.
Kêu gọi và khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động nhường đất. Tỉnh đã xây dựng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo, ưu đãi đối với doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho những lao động mất đất có điều kiện tham gia học nghề ở doanh nghiệp mình, sau đó được tuyển dụng vào làm việc. Các chính sách ưu đãi trong tuyển dụng đưa ra nhiều điểm mới có lợi cho người lao động như: hỗ trợ ăn ở, đi lại, nâng mức lương khởi điểm, đào tạo nghề miễn phí.
- Kinh nghiệm của tỉnh Thái Bình
Tỉnh Thái Bình có dân số 1,984 triệu người, đây là tỉnh thuần nông, điển hình của nông thôn miền Bắc. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm qua diện tích đất nông nghiệp của tỉnh không ngừng bị thu hẹp, ảnh hưởng nhiều đến thu nhập và việc làm của lao động nông thôn. Để giải quyết tình trạng thiếu việc làm, lãnh đạo các cấp chính quyền của tỉnh đã ban hành nhiều biện pháp, chính sách nhằm hỗ trợ người lao động ở khu vực nông thôn.
Để giải quyết vấn đề lao động ở nông thôn, tỉnh đã lãnh đạo đẩy mạnh phát triển các ngành nghề truyền thống để thu hút lao động dôi dư từ nông nghiệp. Với đặc điểm đa số là lao động phổ thông, trong khi yêu cầu các vị trí tuyển dụng trong các doanh nghiệp là phải tốt nghiệp phổ thông trung học, hơn nữa một số ngành nghề không tuyển dụng những lao động lớn tuổi có tay nghề thấp. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã chủ trương phát triển, khôi phục lại các ngành nghề truyền thống gắn với lịch sử, văn hóa của từng địa phương để giải quyết việc làm.
Để bảo đảm có việc làm cần phải phát triển những lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp hoặc các ngành nghề nông nghiệp để thích nghi với biến đổi khí hậu. Tỉnh đã lãnh đạo phát triển các ngành nghề truyền thống, các loại hình dịch vụ mới, các nghề như may, đan, thủ công mỹ nghệ, buôn bán nhỏ,...; đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, thông qua phát triển cụm công nghiệp làng nghề. Thực hiện các hỗ trợ trong đào tạo nghề để giúp người nông dân rời ruộng nhưng không rời làng, nhằm hạn chế những rủi ro trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình trình diễn; đào tạo khởi nghiệp; thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ; hỗ trợ quy hoạch và phát triển điểm, cụm công nghiệp làng nghề.... Do đó, số làng nghề ở Thái Bình đã tăng đáng kể, đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của nông thôn trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ngoài việc giải quyết việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động, doanh nghiệp làng nghề chính là nơi tổ chức sản xuất, cung cấp nguyên liệu và thu mua,
2. Một số kinh nghiệm
Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp và điều chỉnh chính sách phát triển nông thôn để giải quyết vấn đề lao động nông thôn trước tác động của biến đổi khí hậu. Để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động vùng nông thôn các hiện nay, bên cạnh việc phát triển kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn thì cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và điều chỉnh chính sách đất đai theo hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, chất lượng và tăng trưởng xanh. Đây là yêu cầu cơ bản nhằm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nhiều mặt đến sản xuất nông nghiệp và việc làm, cần phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa, phá thế độc canh cây lúa, gắn với tăng cường việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.
Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, trước hết cần chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong ngành; phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển dịch vụ - du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp - nông thôn dựa trên tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hóa, con người với hiệu quả kinh tế cao.
Thứ hai, tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đào tạo nghề nhằm bảo đảm để mỗi người có được kỹ năng nghề nghiệp nhất định là phương thức quan trọng để chuyển đổi lao động ở nông thôn, cũng như tạo cơ sở để người lao động có thể tìm kiếm được việc làm phù hợp khi di chuyển ra khu vực đô thị.
Từ thực tế kinh nghiệm của các địa phương, cần đặc biệt coi trọng việc lãnh đạo đào tạo nghề thông qua một số nội dung, như: (i) thiết lập và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (ii) phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là bảo đảm kinh phí; (iii) phát huy vai trò của nhiều chủ thể trong công tác đào tạo nghề, hình thành mạng lưới đào tạo nghề với sự tham gia của các tổ chức, đơn vị khác nhau.
Để hoạt động đào tạo nghề có hiệu quả, thực tế các địa phương cho thấy việc lãnh đạo tăng cường tuyên truyền, hướng nghiệp, nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn về đào tạo nghề đóng vai trò hết sức quan trọng. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, vai trò vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế -xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn biết và tự giác tham gia; nhân rộng các mô hình tuyên truyền phổ biến chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch lại mạng lưới cơ sở dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tế về đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở từng địa phương thông qua việc khảo sát, đánh giá chính xác nhu cầu đào tạo nghề và sử dụng lao động, xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với thực tiễn nhu cầu người học và người sử dụng lao động.
Trên cơ sở nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở từng địa phương, UBND tỉnh, thành phố xây dựng, quy hoạch lại mạng lưới, đa dạng hóa các loại hình trường, lớp dạy nghề trên địa bàn phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục phát triển và mở rộng quy mô, nâng cao năng lực của trung tâm dạy nghề; hoàn thiện, phát triển hệ thống dạy nghề theo ba cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, mở rộng các hình thức đào tạo để người lao động có thể dễ dàng tiếp cận cơ hội học nghề theo năng lực, trình độ.
Thứ ba, lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện cơ chế tài chính thúc đẩy giải quyết lao động, việc làm ở nông thôn. Tài chính là công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết và giải quyết tốt vấn đề lao động việc làm.
Thực tiễn cho thấy, cơ chế tài chính trong lĩnh vực lao động, việc làm thường gồm có ba loại, đó là: (i) loại thông qua thúc đẩy sự phát triển kinh tế để tạo cơ hội việc làm; (ii) loại thông qua thúc đẩy sự phát triển của giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nghề để thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm và (iii) loại cơ chế hỗ trợ người lao động tiếp cận vốn để khởi nghiệp, tự tạo việc làm.
Từ kinh nghiệm của các địa phương, để thúc đẩy việc giải quyết vấn đề lao động, việc làm ở vùng nông thôn cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính theo hướng có nhiều ưu đãi về vốn vay, thời hạn cho vay, mức cho vay; thực hiện ưu đãi về thuế, tài chính, đất đai, bảo đảm việc tiếp cận vốn sản xuất cho hộ gia đình nghèo; thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề.
Thứ tư, coi trọng phát triển khoa học và công nghệ gắn với giải quyết việc làm. Để phát triểnkhoa học - công nghệ, cần giải quyết ba vấn đề cơ bản, đó là: (i) tăng cường hoạt động khoa học - công nghệ theo hướng đầu tư củng cố các cơ sở nghiên cứu khoa học, đặc biệt ưu tiên cho các cơ sở nghiên cứu về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; tăng cường nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ để ứng phó với biến đổi khí hậu; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, cải tiến, đổi mới kỹ thuật, công nghệ.
_________________
Ngày nhận bài: 29-10-2022; Ngày bình duyệt: 5-11-2022; Ngày duyệt đăng: 11-10-2022.
(1) Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc: Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND, ngày 22-12-2015 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020.
(2) UBND tỉnh Phú Thọ: Kế hoạch số 39/KH-BCĐ về việc giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động giai đoạn 2021 - 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc: Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND, ngày 22-12-2015 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ: Kế hoạch số 39/KH-BCĐ về việc giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động giai đoạn 2021 - 2025.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh: Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh: Nghị quyết số 140/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh “Về chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh Quảng Ninh”, 2018.
5. UBND tỉnh Thái Bình: Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 10-7-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
6. UBND tỉnh Đồng Nai: Đề án “Nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế đến năm 2025”, 2008..
ThS TRẦN MINH NHẬT
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh