Lao động - việc làm, giáo dục, y tế hiện nay và định hướng giải pháp

10/11/2023 06:45

TS NGÔ NGÂN HÀ
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
PGS, TS NGUYỄN ĐỨC CHIỆN

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(LLCT) - Bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ucraina diễn biến phức tạp, song tình hình kinh tế Việt Nam có sự phục hồi, khởi sắc, thị trường lao động có nhiều điểm sáng, lao động có việc làm và thu nhập của lao động. Thực tế này phản ánh chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã phát huy hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, một số vấn đề xã hội nảy sinh vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để.

1. Vấn đề lao động - việc làm

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trên cả nước là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với 2021. Trong đó lao động ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, lao động ở khu vực nông thôn là 31,9 triệu người; lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng lao động là 17,0 triệu người (chiếm 33,6%), lao động trong ngành dịch vụ tăng mạnh, đạt 19,7 triệu người (chiếm 38,9%), lao động trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,9 triệu người (chiếm 27,5%), giảm 352,7 nghìn người so với năm trước(1).

Trong bối cảnh nền kinh tế và lực lượng lao động chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 (2020 -2021), và xung đột Nga - Ucraina (từ tháng 2-2022),  Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng thực hiện các Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế -xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ ban hành ngày 30-01-2022 với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp… và được triển khai đồng bộ trên cả nước đã góp phần thúc đẩy thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ; thúc đẩy kinh tế - xã hội nói chung và lao động việc làm nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa kết thúc, một số quốc gia chưa khôi phục hoạt động kinh tế, dịch vụ, xung đột Nga - Ucraina diễn biến phức tạp đã tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhất là các chuỗi cung ứng và ngành kinh tế dịch vụ, ảnh hưởng đến thị trường lao động trong nước.

Hiện tượng công nhân các khu công nghiệp thất nghiệp, bị nợ lương và nợ BHXH phổ biến ở nhiều khu vực, đến hết năm 2022 cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động(2). Số liệu khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại 44 tỉnh thành cho thấy, có 1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất đã làm ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 8,8%)(3). Lao động các ngành bị ảnh hưởng liên quan đến dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí(4).

2. Vấn đề giáo dục, y tế, văn hóa và tôn giáo

Vấn đề giáo dục

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số học sinh cả nước tăng, trong khi số giáo viên tăng thấp hơn. Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra cục bộ ở một số môn học, như: Ngữ văn, Toán; thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, nghệ thuật... Nguyên nhân chủ yếu là do việc tuyển dụng giáo viên không sát nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh. Mặt khác, việc bố trí, điều động giáo viên chưa phù hợp, tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở các trường hiện nay. Năm 2022 có khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học. Tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc được lý giải là do chế độ, chính sách về tiền lương còn bất cập; dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là nhóm trẻ tư thục; một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; còn thiếu các chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn. Ngoài ra, thiếu giáo viên còn do việc tăng số buổi học từ 1 buổi lên 2 buổi/ngày; do chuẩn về mặt tỷ lệ giáo viên/học sinh - tỷ lệ số học sinh trên lớp cần bảo đảm. Thí dụ: chuẩn 35 giáo viên cho bậc tiểu học và 45 học sinh trên lớp của bậc trung học (chuẩn này đã được xác định từ năm 2010 và đến năm 2019). Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ, số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 người.

Về y tế

Đại dịch Covid-19 diễn ra 3 năm qua đã tác động lớn đến biến động nhân sự ngành y. Nhân viên y tế phải làm nhiệm vụ chưa từng có trong tiền lệ của ngành, như cách ly, xét nghiệm, chiến dịch tiêm chủng,… Có những thời điểm họ phải tổ chức tiêm chủng tới 4h mỗi ngày, áp lực công việc, căng thẳng tinh thần, liên tục, kéo dài, không có ngày nghỉ. Trong khi đó, chính sách, chế độ, nguồn thu của các bệnh viện tự chủ sụt giảm, không đủ tài chính bảo đảm thu nhập cho đội ngũ cán bộ y tế. Đây là nguyên nhân lớn dẫn đến người làm việc trong ngành y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc, tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân. Theo các báo cáo của tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế về số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc (từ tháng 01-2021 đến tháng 6-2022), trên cả nước có 9.680 người. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP Hồ Chí Minh (2.035), Thành phố Hà Nội (1.032), Đồng Nai (496), Bình Dương (368), An Giang (297), Long An (266), TP Đà Nẵng (248), TP Cần Thơ (238), Đồng Tháp (204). "Nhân lực y tế có trình độ bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập tập trung chủ yếu ở các cơ sở y tế thuộc tuyến tỉnh, thành phố là 4.477/8.810 và ít hơn ở tuyến huyện và tuyến xã và có ở tất cả các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội, ngoại, sản, nhi và cận lâm sàng". Nguyên nhân là do áp lực công việc, ngày nghỉ ít, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, làm việc trong môi trường nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, nhất là thời gian dịch Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.

Cùng với đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế xảy ra trên cả nước ảnh hưởng trực tiếp tới việc khám chữa bệnh cũng như sức khỏe cộng đồng. Có thể nói, một cuộc khủng hoảng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã xảy ra, nhất là ở các bệnh viện công tuyến Trung ương. Nguyên nhân của việc chậm trễ mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua được chỉ ra như giá dầu thế giới tăng ảnh hưởng đến giá mua sắm các thiết bị, nếu không xây dựng giá chặt chẽ sẽ bị vướng mắc; tình trạng cơ chế pháp lý còn có những bất cập, chưa minh bạch dẫn tới các đơn vị tham gia đấu thầu, không có được hành lang pháp lý đầy đủ, nên lúng túng trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu. Thực tế này cũng tác động bởi các cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra. Trong thời gian qua đã khởi tố nhiều vụ án và tạo ra tâm lý e ngại cho các cơ sở y tế. Ngoài ra là năng lực tham gia thực hiện công tác đấu thầu từ Trung ương cho đến cấp cơ sở và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn có những hạn chế nhất định. Thực hiện công việc này cần phải có những người có kinh nghiệm, am hiểu về trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh; các quy định của pháp luật về đấu thầu… Gần đây, Bộ Y tế đã có những điều chỉnh, sửa đổi quy định cho phù hợp với thực tiễn nhưng không phải trong thời gian một sớm, một chiều có thể khắc phục được vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở các cơ sở y tế.

Một nguyên nhân cơ bản nữa là do tác động dịch bệnh Covid-19, cắt đứt các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các chuỗi liên quan đến logistics, bảo quản, vận chuyển, tiền công, tiền lương của tất cả những người có liên quan đến chuỗi cung ứng thuốc, vật tư y tế toàn thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh sau khi dịch đã lắng xuống tăng đột biến, dẫn tới thiếu cung ứng thuốc ở nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng

Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, tất yếu dẫn đến sự xuất hiện và có xu hướng gia tăng các loại hành vi lệch chuẩn văn hóa trong đời sống xã hội. Hiện nay, trong nước đã xuất hiện không ít hành vi lệch chuẩn văn hóa gây sự chú ý của dư luận xã hội, tình trạng lệch chuẩn trong lối sống, văn hóa ứng xử của người nổi tiếng đang có biểu hiện gia tăng, nguy cơ gây tác động xấu, làm suy giảm nghiêm trọng tình cảm, sự tin yêu của công chúng, đặc biệt là ở giới trẻ(5).

Có hành vi lệch chuẩn có xu hướng diễn biến phức tạp trên môi trường không gian mạng, đã xuất hiện những cuộc "khẩu chiến"; “livestream” xúc phạm, chửi bới, đe dọa, công kích người khác bằng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa, không dựa trên bằng chứng xác thực chỉ để thỏa mãn sự ghen ghét, đố kị cá nhân(6), gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cá nhân và an ninh trật tự xã hội ở đời thực.

Cùng với đó hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng cũng diễn ra khá phức tạp trong năm qua. Trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp khó khăn trong công việc, gia đình, tình cảm, thay vì tìm hướng giải quyết trong thực tế, nhiều người tìm đến các hoạt động mê tín , như: xem bói,... để mong cầu tìm giải pháp trên trời rơi xuống. Trong thời đại số,  hoạt động xem bói cũng có hình thức online với nhiều phương thức độc hại, khó kiểm soát. Việc đưa các hoạt động bói toán mê tín lên mạng tràn lan như hiện nay đã gây nhiều rủi ro như lộ thông tin cá nhân, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của các nạn nhân.

Nguyên nhân của việc bói toán phát triển tràn lan hiện nay là do một bộ phận nhân dân có đời sống gặp nhiều khó khăn, bao gồm cả những khó khăn về tinh thần chưa giải quyết được trong đời sống thực tế. Nguyên nhân nữa, xuất phát từ việc chúng ta mong muốn tìm kiếm nguồn năng lượng mới, một số người coi việc xem bói như liều thuốc trấn an tinh thần nên phải tìm đến những kiến giải mang tính tâm linh. Thực tế này đặt ra những câu hỏi về việc quản lý, kiểm soát các nội dung mê tín dị đoan trên cả không gian mạng và trong thực tế đời sống của cộng đồng hiện nay.

Hiện tượng bói toán là một vấn đề rất cần quan tâm giải quyết trong đời sống xã hội, không ít cá nhân hành nghề này lợi dụng và biến tướng gây mất trật tự xã hội. Do đó, đòi hỏi các bộ, ngành cần thường xuyên nắm bắt, tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan ngày càng chặt chẽ và hiệu quả trong quản lý vấn đề này. Đồng thời, cần có sự chung tay mạnh mẽ hơn nữa của các đơn vị chức năng để xây dựng môi trường mạng xã hội văn minh, trong sạch và an toàn hơn cho người dùng. Cần tăng cường giáo dục nhận thức về các giá trị nhân văn tích cực và lối sống độc lập, tự chủ, tự trọng vươn lên trong cuộc sống cho con người, đặc biệt là giới trẻ.

3. Một số kiến nghị

Mặc dù năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức chung của toàn cầu liên quan đến đại dịch Covid-19, tác động của cuộc xung đột Nga - Ucraina khiến giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng toàn diện đến lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội ở nước ta. Song, với sự định hướng và chỉ đạo của Đảng, Chính phủ cùng quyết tâm của hệ thống chính trị trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân đã trở lại trạng thái bình thường. Nền kinh tế Việt Nam đang được phục hồi mạnh mẽ, thị trường lao động dần phục hồi và đạt được mức tăng trưởng khá, bảo đảm an sinh xã hội cho các nhóm xã hội. Tuy nhiên, triển vọng về các vấn đề xã hội của đất nước vẫn phụ thuộc rất lớn vào những rủi ro liên quan đến kết quả phục hồi kinh tế - xã hội hiện nay. Rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, hoặc các biến chủng Covid-19 mới có thể tiếp tục xuất hiện diễn biến khó lường. v.v...

Những thách thức thời gian qua liên quan đến thiếu hụt lao động, việc làm thiếu bền vững tiếp tục tạo ra thách thức đối với Việt Nam. Công việc không ổn định, thu nhập thấp đã ảnh hưởng tới nhiều hộ gia đình. Nhiều hộ gia đình đã cắt giảm chi tiêu cho giáo dục và y tế, thậm chí cả chi tiêu thực phẩm và do đó có tác động tới sức khỏe và dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em.

Các vấn đề khác liên quan đến chăm lo đời sống cho người dân cũng gặp nhiều thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực dự báo tiếp tục tăng trưởng ở mức thấp trong năm tới; thành tựu phát triển xã hội chưa bền vững; chất lượng về việc làm thấp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, nhất là miền núi, vùng đông đồng bào dân tộc, giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt diễn biến ngày càng phức tạp và trầm trọng...; hệ thống dịch vụ xã hội, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thiếu nhiều và chất lượng thấp có thể đối diện với nhiều thách thức cần dự báo trước.

Trên cơ sở những khó khăn và thách thức đặt ra, để quản lý phát triển xã hội cần quan tâm đến các định hướng và kiến nghị sau:

Thứ nhất, đối với vấn đề lao động và việc làm

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối diện với khó khăn, thách thức do bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, đặc biệt xung đột Nga - Ucraina diễn biến phức tạp, không ít doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn. Hiện trạng người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, thậm chí bị sa thải dẫn đến giảm thu nhập hoặc không có thu nhập vẫn  diễn ra, dẫn đến bộ phận người lao động phải hồi hương hoặc nếu bám trụ ở lại thì rất có thể phải chuyển sang công việc tự do, rủi ro cao và thiếu an toàn trong cuộc sống, thậm chí người lao động có thể tham gia vào các băng nhóm liên quan đến tệ nạn xã hội... Để bảo đảm lực lượng lao động có việc làm và thu nhập ổn định, Nhà nước tiếp tục điều chỉnh các chính sách vĩ mô, thực hiện hiệu quả các chương trình gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, tiếp tục đà khôi phục nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm bền vững cho lực lượng lao động. Đối với mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cũng cần nhận thức khó khăn đặt ra và nỗ lực đưa ra những sáng kiến nhằm chuyển đổi mô hình, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Đối với lực lượng lao động cần quan tâm tham gia tập huấn đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghề mới để thích ứng nhanh với bối cảnh mới, nhất là kỹ năng việc làm liên quan đến chuyển đổi số.

Thứ hai, đối với các vấn đề văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng

Vấn đề giáo dục và y tế tiếp tục gặp khó khăn liên quan đến nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Các dẫn chứng và phân tích cho thấy tình trạng đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế trong khu vực công nghỉ việc vẫn tiếp diễn và mang đến thêm những khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực y tế và giáo dục. Để giải quyết vấn đề này trong dài hạn, Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện tốt cơ cấu tuyển dụng nhân lực, bảo đảm tốt môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động để họ yên tâm công tác và cống hiến tài năng trong công việc. Tuy nhiên, trước mắt để giảm thiểu tình trạng đội ngũ giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế khu vực công không còn tư tưởng bỏ việc, làm thêm ngoài giờ, tận tâm làm tốt trách nhiệm thì Nhà nước cần trao quyền tự chủ triệt để cho các bệnh viện, có cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ xứng đáng với công sức của đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế, đồng thời kiểm soát minh bạch nhằm nâng cao chất lượng của dịch vụ công.

Vấn đề văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng trong bối cảnh xã hội đang chuyển đổi thì tất yếu nảy sinh các hành vi lệch chuẩn văn hóa, sự tha hóa và biến thái trong tôn giáo, tin ngưỡng. Chúng ta cần sớm nhận thức và nắm bắt được quy luật này để có phương thức quản lý phù hợp. Bên cạnh hoạt động tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, cần xem xét các chế tài xử lý đã đủ sức mạnh ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn văn hóa, biến thái trong tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng thời sự phản ứng nghiêm khắc từ dư luận với các hành vi lệch chuẩn, phản cảm cũng là cơ hội để những người có hành vi lệch chuẩn nhìn nhận lại và điều chỉnh bản thân, hướng đến những hành vi đúng đắn, chuẩn mực, có những việc làm ý nghĩa đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

_________________

(1) https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/04/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-i-nam-2022, truy cập ngày 25-2-2023.

(2) https://vnexpress.net/cu-soc-cuoi-nam-cua-thi-truong-lao-dong-4544106.html, truy cập ngày 25-2-2023.

(3) https://nld.com.vn/cong-doan/lao-dong-mat-viec-ngong-tien-ho-tro-20230203185352636.htm, truy cập ngày 25-2-2023.

(4) https://baodautu.vn/thi-truong-lao-dong-tram-lang-do-doanh-nghiep-thieu-don-hang-d182093.html, truy cập ngày 25-2-2023.

(5) https://nhandan.vn/chan-chinh-nhung-hanh-vi-lech-chuan-post696463.html, truy cập ngày 25-2-2023.

(6) https://nhandan.vn/chan-chinh-nhung-hanh-vi-lech-chuan-post696463.html, truy cập ngày 25-2-2023.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động - việc làm, giáo dục, y tế hiện nay và định hướng giải pháp
    POWERED BY