Tin tức

Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” và Hội nghị về Chuyển đổi số trong hoạt động của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

03/04/2025 12:12

(LLCT) - Sáng 02-4-2025, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” và Hội nghị về Chuyển đổi số trong hoạt động của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì Hội nghị.

MINH NGỌC - Nhóm PV

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị _ Ảnh: Xuân Phú

Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện; đại diện các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các Học viện trực thuộc, hệ thống các trường chính trị toàn quốc và các đơn vị trong hệ thống Học viện; đại diện các trường đại học, cơ quan, đơn vị đối tác của Học viện; cùng đông đảo các cán bộ, giảng viên, chuyên viên trong toàn hệ thống Học viện tham dự theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm Học viện và trực tuyến tại các điểm cầu trên cả nước.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng chí nhấn mạnh, chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là việc xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - phương thức sản xuất số, là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo, đưa dữ liệu lớn (big data) trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng, đồng thời, quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất. Đây là một bước chuyển có tính cách mạng, có tác động đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội.

Trong đó, việc triển khai chuyển đổi số góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Học viện, từ công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học để tham mưu các vấn đề chiến lược, chính sách phát triển đất nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong về chuyển đổi số, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã sớm có chủ trương triển khai quá trình chuyển đổi số, ban hành Nghị quyết số 43-NQ/ĐU ngày 11-7-2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ về thúc đẩy chuyển đổi số của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó minh chứng nổi bật là việc triển khai thực hiện mô hình quản trị Học viện thông minh, chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 01-4-2025, đồng thời tích cực hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Đồng chí đánh giá, công tác triển khai chuyển đổi số ở Học viện tuy đã có một số kết quả bước đầu, nhưng cần nhận thức rõ, chuyển đổi số là quá trình không dễ dàng, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện về nhận thức, tư duy về chuyển đổi số, vận hành trên nền tảng số, trong đó tinh thần đổi mới tư duy của người đứng đầu đóng vai trò quyết định, nhưng trên hết là sự đồng lòng, quyết tâm của toàn thể đội ngũ cán bộ.

Đồng chí yêu cầu, Học viện cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành quy chế hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi số, vai trò của các chủ thể và cơ chế phối hợp, đồng thời có cơ chế kiểm tra giám sát. Bên cạnh đó, cần tiếp tục số hóa, tích hợp, cập nhật nội dung lên các nền tảng, hệ thống số đã đưa vào hoạt động để việc vận hành các nền tảng số trở nên thông suốt, thực sự thiết thực đối với cán bộ, giảng viên trong toàn hệ thống Học viện. Để việc triển khai chuyển đổi số có hiệu quả thực chất, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả, đưa vào thành nội dung xét thi đua khen thưởng trong hệ thống Học viện.

Trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt triển khai công tác chuyển đổi số trong toàn hệ thống Học viện, đồng chí GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đã chính thức phát động phong trào “Bình dân học vụ số” và nhấn nút chính thức ra mắt mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện báo cáo tổng kết các mặt công tác chuyển đổi số trong quản lý điều hành, đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy giai đoạn 2020-2025 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030 _ Ảnh: Xuân Phú

Tại Hội nghị, PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện đã báo cáo tổng kết các mặt công tác chuyển đổi số trong quản lý điều hành, đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy giai đoạn 2020-2025 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030. Báo cáo nêu rõ, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đã có nhiều nỗ lực, chủ động nắm bắt tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xuyên suốt, làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi số trong các mặt hoạt động của Học viện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết công việc.

Nhận thức của lãnh đạo các đơn vị, cấp ủy về ứng dụng công nghệ thông tin dần được nâng cao; hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống an toàn bảo mật của Học viện đã được quan tâm đầu tư và từng bước đáp ứng được yêu cầu; các cơ sở dữ liệu từng bước được hình thành và bổ sung; các phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp; quản lý hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phần mềm chuyên môn nghiệp vụ từng bước được xây dựng, hoàn thiện, phát huy hiệu quả trong các mặt hoạt động của Học viện.

Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Học viện đã từng bước tích hợp công nghệ kỹ thuật số và Internet nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý, tạo môi trường học tập hiện đại, linh hoạt, công khai, minh bạch trong tất cả các hệ đào tạo tại Học viện, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.

Trong thời gian qua, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số của Học viện từng bước được triển khai đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Từ việc thiếu cả về nguồn lực, hệ thống hạ tầng cũ, thiếu đồng bộ, đến nay hạ tầng công nghệ thông tin trên toàn hệ thống Học viện đã được hiện đại hóa, tiêu biểu là dự án nâng cấp hệ thống cầu truyền hình trực tuyến từ Trung tâm Học viện đến các Học viện trực thuộc và các trường chính trị; dự án xây dựng mô hình quản trị thông minh tại Học viện (là dự án công nghệ đầu tiên của Việt Nam sử dụng phương thức đấu thầu quốc tế với các sản phẩm, trang thiết bị thuộc các quốc gia tiên tiến), v.v..

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cùng các đại biểu nhấn nút khai trương Hệ thống quản trị thông minh của Học viện _ Ảnh: Xuân Phú

Học viện cũng đã triển khai sử dụng hệ thống phần mềm phục vụ nghiên cứu, đào tạo, như phần mềm đào tạo trực tuyến, phầm mềm rà soát chống sao chép, trùng lặp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trên toàn hệ thống. Hệ thống văn bản điều hành tác nghiệp Voffice được triển khai trên toàn hệ thống Học viện, bảo đảm việc liên thông văn bản từ Trung tâm Học viện đến các Học viện trực thuộc, các viện chuyên ngành và liên thông văn bản với trục liên thông văn bản của Đảng, Chính phủ, địa phương.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đều khẳng định tính tất yếu của xu thế chuyển đổi số trong thời gian tới, đồng thời bày tỏ ấn tượng trước những nỗ lực và kết quả mà Học viện đã đạt được trong việc triển khai công tác chuyển đổi số toàn hệ thống. PGS,TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, việc triển khai chuyển đổi số thể hiện tầm nhìn, sự đầu tư chuyên nghiệp và quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên trong toàn hệ thống Học viện. Đồng chí cũng trân trọng trao tặng Học viện phần mềm quản lý ký số văn bằng, chứng chỉ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do Đại học Bách khoa phát triển với mong muốn đồng hành cùng Học viện trong quá trình triển khai đổi mới và chuyển đổi số.

Cũng trong Hội nghị, đồng chí Giám đốc Học viện đã khẳng định, việc ra mắt và chính thức đưa vào hoạt động hệ thống quản trị thông minh của Học viện là dấu mốc quan trọng về chuyển đổi số của Học viện, đồng thời giao nhiệm vụ cho các Học viện trực thuộc, hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống Học viện tiếp tục triển khai nhanh chóng, đồng bộ, thực chất, toàn diện trong tất cả các mặt hoạt động của Học viện, trọng tâm phục vụ người học, nhà khoa học, cán bộ, viên chức, giảng viên của hệ thống Học viện, hệ thống các trường chính trị, góp phần đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động quản lý điều hành, tác nghiệp, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học trên toàn hệ thống Học viện; hình thành nền tảng cơ sở dữ liệu thống nhất về các mặt hoạt động của Học viện.

Các đại biểu dự Hội thảo _ Ảnh: Xuân Phú
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” và Hội nghị về Chuyển đổi số trong hoạt động của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
    POWERED BY