(LLCT) - Với đặc tính không biên giới, không gian mạng có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu, đã và đang tác động đến mỗi chúng ta. Những nguy cơ từ không gian mạng gia tăng tỷ lệ thuận với sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống xã hội. Vì vậy, để phát huy vai trò tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, từ việc ban hành và thực thi chính sách, pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, sự sáng tạo, tự chủ trong sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên không gian mạng đến ý thức tham gia xây dựng một không gian mạng an toàn, lành mạnh của mỗi chủ thể sử dụng.
Sử dụng không gian mạng là nhu cầu không thể thiếu của mỗi người đã và trở thành xu hướng của thời đại- Ảnh minh họa: Internet
1. Mạng xã hội - những chiều cạnh tác động
Hiểu một cách khái quát, mạng xã hội là một dịch vụ liên kết những tài khoản cá nhân trên không gian internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau. Sự kết nối giữa các thành viên được thực hiện thông qua các thông tin về cá nhân, bạn bè, đối tác hoặc cũng có thể thông qua một nhóm có chung đặc điểm về sở thích, nghề nghiệp, lĩnh vực quan tâm. Có thể thấy, khởi nguồn mạng xã hội là một mạng lưới hình thành không phân biệt không gian và thời gian của những cá nhân để bày tỏ những nhận xét, cảm xúc, kinh nghiệm sống, riêng tư...
Qua thời gian, với tính chất liên kết, chia sẻ rộng rãi thông tin, mạng xã hội đã không còn là những cảm xúc, suy nghĩ của những cá nhân mà đã trở thành tâm trạng, cảm xúc chung của nhiều người và ở một góc độ nào đó, sự vận động của mạng xã hội đã ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của cả cộng đồng.
Hiện nay, việc sử dụng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã trở nên rất phổ biến ở Việt Nam, không còn phân biệt thành thị hay nông thôn, cũng không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp… Tính đến năm 2021, nước ta có hơn 63 triệu người sử dụng Faecbook cùng hàng chục triệu tài khoản YouTube, Instagram, Facebook Messenger, TikTok, Twitter, Skype, Viber, Wechat, Whatsapp...
Tính đến tháng 11-2021, Zalo là nền tảng mạng xã hội trong nước lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng; xếp sau là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu), Lotus (2,5 triệu) và VCNet (gần 2 triệu).
Internet và mạng xã hội giúp chúng ta dễ dàng nắm bắt được các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, với tốc độ nhanh chóng, vượt ra ngoài những giới hạn về địa lý và thời gian. Việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc nâng cao kiến thức, tiếp cận các tri thức mới, chia sẻ tình cảm, phản ánh các vấn đề mình quan tâm, thể hiện quan điểm và năng lực cá nhân, phục vụ nhu cầu giải trí, kết nối với nhau, đồng thời tham gia giám sát xã hội tích cực. Chính điều đó đã góp phần quan trọng vào việc phát huy quyền làm chủ của người dân, phát huy các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…
Với rất nhiều tính năng được tích hợp, mạng xã hội đang trở thành nơi chia sẻ thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng và nhanh chóng, không gian mạng thực sự đã mở ra một thế giới vô cùng hấp dẫn với người dùng, nơi mà tất cả các giác quan của họ đều được thỏa mãn một cách tốt nhất.
Không gian mạng, nơi diễn ra các hoạt động trao đổi thông tin, một mạng lưới toàn cầu; một môi trường mới, nơi diễn ra tất cả các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… một “thế giới ảo”, tồn tại và tương tác, đan xen, gắn kết mạnh mẽ với thế giới thực của con người. Sử dụng không gian mạng là nhu cầu không thể thiếu của mỗi chúng ta hiện nay và trở thành xu hướng của thời đại.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, việc cán bộ, đảng viên ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội đã góp phần tạo ra hiệu quả nhất định đối với hoạt động của đơn vị. Lợi ích của mạng xã hội đã được phân tích ở nhiều chủ đề. Dưới góc độ ảnh hưởng tích cực của mạng xã hội đến cán bộ, đảng viên, có thể nêu một số lợi ích như: Một là, mạng xã hội giúp mọi người thu thập, trao đổi thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện, giúp cán bộ phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng; Hai là, mạng xã hội là công cụ truyền thông mạnh mẽ, góp phần tích cực vào sự phát triển văn hóa của cơ quan, đơn vị; Ba là, mạng xã hội góp phần truyền thông, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, công việc hàng ngày.
Bên cạnh những thông tin tích cực, thúc đẩy sự phát triển xã hội, một số cá nhân, tổ chức “lợi dụng” quyền tự do ngôn luận cung cấp những thông tin sai trái, độc hại, không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Thậm chí, có những thông tin xuyên tạc, gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây mâu thuẫn trong xã hội. Do đó, việc nhận diện những biểu hiện lệch lạc về văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện nay và đưa ra những biện pháp điều chỉnh kịp thời là vấn đề cấp thiết.
Không gian mạng dần dần đã không còn “ảo” nữa khi mà mọi người đang dành nhiều thời gian cho mạng. Lẽ tất yếu, trên đó giờ không chỉ có lời hay ý đẹp, mà cũng đang bị ô nhiễm bởi tràn ngập những hành động bêu rếu, xúc phạm nhau, thậm chí cả ăn cắp, lừa đảo lẫn nhau… Mọi thứ “lệch chuẩn” đó còn dễ dàng phát tán trên không gian mạng hơn bởi pháp luật và các công cụ quản lý còn chưa bao phủ được hết “cuộc sống” còn khá mới này.
Do không gian mạng có tính mở, với đặc trưng tự do, đa dạng, nhiều khi xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo, giữa vật lý và hiện thực, vì vậy không gian mạng mang đến những thách thức to lớn đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Lợi dụng triệt để những ưu thế của không gian mạng, một cách trực tiếp hay gián tiếp, các thế lực thù địch đã và đang công khai hay ngấm ngầm chĩa mũi nhọn vào lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự phát triển của khoa học - công nghệ làm cho các thiết bị thông minh ngày càng có nhiều tính năng, tiện ích trong việc chia sẻ, lan tỏa thông tin thì cũng chính là công cụ mà kẻ xấu lợi dụng để tuyên truyền những thông tin xuyên tạc, sai sự thật.
Không gian mạng đã cải thiện đáng kể khả năng của các cá nhân và tổ chức trong việc công bố, trao đổi, tiếp cận và tiếp thu thông tin, đồng thời nâng cao tính độc lập, tính đa dạng, tính chọn lọc và sự khác biệt của các suy nghĩ. Mọi người có thể tự do bày tỏ ý kiến của mình (một cách ẩn danh), và có thể nhanh chóng trao đổi và chia sẻ thông tin cũng như suy nghĩ của mình với những người khác về mọi vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, lối sống… trên không gian mạng.
Có một tâm lý chung của những người dùng mạng xã hội là thích hướng về những thông tin nóng, mới hơn là xem nguồn gốc chúng đến từ đâu, có chính xác hay không. Có rất nhiều các tin đồn không được kiểm chứng xuất hiện từ các trang web không đáng tin cậy nhưng chẳng làm cho cư dân mạng để ý. Các mạng xã hội dường như cũng không quan tâm đến điều này. Vì vậy, nhiều người lo lắng rằng những giá trị cốt lõi của truyền thông đang đứng trước nguy cơ mất dần. Thế giới giờ đây đã bắt đầu cảm nhận được những những nguy hiểm từ sự quá tự do trên mạng xã hội và đang cùng nhau tìm cách khắc phục.
Thực trạng hiện nay cho thấy, bên cạnh đại đa số cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm, tham gia mạng xã hội một cách có văn hóa, có lập trường và chính kiến, chủ động nhận diện, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động và những thông tin xấu độc trên mạng xã hội thì vẫn còn một số cán bộ, đảng viên thờ ơ, vô cảm trước những thông tin sai trái đó. Không dừng lại ở lời nói, hành động trong cuộc sống, một vài cán bộ, đảng viên đã lợi dụng mạng xã hội lan truyền những thông tin không rõ nguồn gốc, với cách phát ngôn tùy tiện, thiếu tính xây dựng, gây phân tâm trong dư luận; ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cán bộ, đảng viên.
Mạng xã hội khá lỏng lẻo trong việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn cộng đồng với người dùng. Điều này tạo kẽ hở cho một bộ phận người sử dụng đăng tải, bình luận, chia sẻ nội dung sai sự thật, kém văn minh, phản văn hóa… Lâu nay, nhiều người thường nghĩ, môi trường ảo nên những phát ngôn, lời lẽ khi đưa lên mạng xã hội sẽ không trực tiếp tác động đến người khác và tới cộng đồng. Đây là quan điểm rất sai lầm, bởi khi đưa thông tin trên mạng thì hiệu ứng của nó sẽ rất lớn và không thể kiểm soát được do tốc độ chia sẻ của những người dùng. Hệ lụy lớn nhất đó là một xã hội hoang mang, mất phương hướng, mất lòng tin. Còn đối với những người trẻ, việc tiếp cận mạng xã hội nếu không được kiểm soát, định hướng, rất dễ bị lệch chuẩn văn hóa từ những trào lưu đi ngược lại thuần phong mỹ tục…
Có một bộ phận tham gia mạng xã hội rất vô tổ chức, nói, viết thiếu văn hóa, lợi dụng mạng xã hội để tung hô mình, kích động điều xấu, xâm phạm nghiêm trọng quyền nhân thân của người khác.
Qua những góc nhìn nêu trên, chúng ta có thể nhận thấy sự phát triển của mạng xã hội là thành tựu của nhân loại và trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, mang lại những tiện ích nhiều mặt cho con người trên toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển xã hội trên nhiều lĩnh vực, đó là điều chúng ta không thể phủ nhận. Tuy nhiên, mặt trái của internet và mạng xã hội cũng không ít. Nhận diện và đấu tranh với những hành vi tiêu cực, vụ lợi trên mạng xã hội là việc làm cần thiết đối với mỗi chúng ta và trách nhiệm của mỗi công dân, trước hết là của mỗi cán bộ, đảng viên.
2. Tăng cường kỹ năng, trách nhiệm xã hội của người sử dụng mạng xã hội
Một là, phát huy vai trò tiên phong của người đảng viên trong công tác bảo vệ Đảng trên không gian mạng. Theo dõi, giám sát và phản bác lại các luận điệu sai trái, thù địch, đồng thời phải xây dựng mạng lưới, kết nối chặt chẽ với nhân dân trên không gian mạng xã hội để truyền tải được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân là một nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra đối với đảng viên trong việc tham gia mạng xã hội.
Hai là, các mạng xã hội đều cho phép bày tỏ thái độ đối với một status của người trong friendlist. Chẳng hạn, Facebook cho phép người xem có thể “thích”, “thả tim”, “ngạc nhiên”, “buồn”, “phẫn nộ”, cùng các chức năng bình luận, chia sẻ (tùy theo mức độ công khai của người đăng); Zalo thì cho phép “thả tim” cùng với chức năng bình luận (dù người xem chỉ thấy được bình luận của bạn chung)… Khi tiếp xúc với một bài đăng mà bản thân thấy “có vấn đề” hoặc gây ra xúc cảm nào đó thì không nên lẳng lặng cho qua. Bởi trong một số trường hợp, “im lặng là đồng ý”. Các hình thức biểu thị thái độ tùy theo tính chất của vấn đề và mối quan hệ với chủ nhân thông tin đó có thể lựa chọn là:
- Trao đổi trong tin nhắn riêng về điều mà mình cho là chưa phù hợp. Thí dụ, một người đưa thông tin chưa được kiểm chứng về một nghi án, thì nên đưa thông tin có ý kiến khác, hoặc giải thích rằng sự việc chưa được xác minh thì không nên quy trách nhiệm cho cá nhân nào đó…
- Thể hiện ý kiến ngay bằng các bình luận dưới bài. Tất nhiên, các ý kiến nêu ra cần có sự xác thực và được thể hiện bằng thái độ phù hợp để bảo đảm tính thuyết phục, hợp lý. Với những bài cần động viên, khích lệ, thì có thể dùng các biểu tượng “cảm ơn”, “tuyệt vời”… có sẵn nếu chúng ta không có điều kiện viết lời bình luận.
- Chia sẻ link (nếu có thể chia sẻ) hoặc dẫn lại thông tin từ trang của người đó và phản bác hoặc khen ngợi trên trang của chính mình. Tức là, khi đó, chúng ta muốn biểu đạt: “tôi thấy anh/chị A. nêu vấn đề này ở link dưới đây, theo tôi là chưa đúng, với các căn cứ sau…”; hoặc “tôi thấy anh/chị A. nêu vấn đề ở link này, tôi thấy rất tuyệt vời nên chia sẻ lại ở đây”…
- Chép lại thông tin chưa phù hợp và “nói lại” về thông tin đó ở trang của mình. Bằng cách nào đó nên để người mà ta muốn “nói lại” đọc được ý kiến của mình, như gắn tên người đó vào, hoặc thông qua một người khác mà người đó có kết bạn…
- Với các link bài trên một trang facebook của người khác, người phản đối hoặc muốn bạn mình đọc được thông tin đó có thể gắn tên (tag) người đó trong một bình luận. Chẳng hạn, trang facebook của anh A. có thông tin chưa phù hợp về vấn đề X., khi đọc trang faecbook của anh B. có nội dung “nói lại” phù hợp thì ta có thể bình luận ở trang B. và tag tên anh A vào đó để A có thể đọc được thông tin này và tự khắc biết rằng có người muốn mình hiểu vấn đề theo cách khác.
- Có thể dùng các icon, sticker để biểu lộ thái độ. Chẳng hạn, đọc một link chia sẻ về một tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta có thể “thả tim”; đọc một chia sẻ về hành vi sai trái của một người nào đó, ta có thể dùng biểu tượng “phẫn nộ”…
Ba là, cần xem xét nguồn gốc của thông tin. Một cá nhân hoặc một fanpage, nhóm nào đó đưa một thông tin thì chúng ta nên xem nguồn thông tin đó từ đâu. Nếu người đưa thông tin không dẫn nguồn, ta có thể tự tìm nguồn bằng những “từ khóa” trong nội dung đó, bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài. Trong trường hợp không thể tìm được nguồn gốc, có thể tiếp tục áp dụng các lưu ý tiếp theo.
Bốn là, tìm hiểu người đưa thông tin. Lưu ý, thực tế chỉ áp dụng được cho một số người sử dụng mạng xã hội đã thể hiện được quan điểm, chính kiến cụ thể (chẳng hạn, là người hay đưa các thông tin trái chiều hoặc là người vốn có thành kiến với chế độ…). Bởi có không ít trường hợp, người đưa thông tin đó vốn chỉ vì cả tin hoặc không đủ điều kiện để kiểm chứng thông tin chứ bản thân không có dụng ý xấu.
Năm là, tìm hiểu động cơ, mục đích của người đưa thông tin. Nếu có cơ sở người đưa thông tin mang dụng ý xấu (thông qua lịch sử đăng tải hoặc có thêm các bình luận mang tính dẫn dắt) thì chúng ta nên tránh dẫn lại. Nếu không có căn cứ xác định được mục đích của họ thì bản thân ta cũng nên tự làm rõ, vậy mục đích của ta là gì khi đăng lại thông tin đó?
Sáu là, thông tin đó có lợi cho ai. Có nhiều bài viết thể hiện tính vô thưởng vô phạt nhưng cũng có những đăng tải mang một dụng ý cụ thể nào đó, sẽ thúc đẩy sự nhìn nhận có lợi cho ai đó (như bênh vực hoặc đánh bóng tên tuổi ai đó, thế lực nào đó…). Vì vậy, phải xem xét thận trọng những loại thông tin như vậy.
Bảy là, thái độ của người đăng tải. Bên cạnh những trường hợp tỏ rõ sự ủng hộ, tán thành ý kiến được chia sẻ thì cũng có những người ghi rõ “để đây và không nói gì” nhưng không vì thế mà ta không nhìn nhận được thái độ của họ, không chỉ từ nội dung được đăng tải mà còn các bình luận dưới đó hoặc thái độ đối với các bình luận đó. Nếu có thái độ tích cực thì hẳn nội dung được dẫn lại sẽ tích cực và thường có ý kiến “nói lại” hay có các biểu tượng (icon) với các bình luận mang một quan điểm, thái độ cụ thể. Ngoài ra, cũng nên xem lời lẽ của người đăng, như có nghiêm túc không, có thể hiện sự châm biếm, mỉa mai, giễu nhại hay phê phán không…
Việc ứng xử một cách khéo léo, có kỹ năng và trách nhiệm xã hội trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là trên không gian mạng sẽ góp phần nuôi dưỡng, xây đắp cho con người những lý tưởng cao quý, những tư tưởng và tình cảm lớn, những phẩm chất cao đẹp để giúp cho con người vươn tới cái chân, thiện, mỹ, không ngừng hoàn thiện bản thân để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Do đó, mỗi cá nhân cần có thái độ tích cực, ứng xử có văn hóa khi sử dụng mạng xã hội; các tổ chức, cơ quan nhà nước cần tuyên truyền về cách ứng xử phù hợp trên không gian mạng, đồng thời theo dõi sát sao từng cá nhân trong đơn vị để kịp thời xử lý khi phát hiện những vấn đề ứng xử thiếu văn hóa trên không gian mạng.
_________________
Ngày nhận bài: 10-11-2022; Ngày bình duyệt: 13-11-2022; Ngày duyệt đăng: 14-11-2022.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Chính trị: Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI ngày 25-12-2013 về “Phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet”.
2. Báo cáo Nghiên cứu thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam 2018, vinaresearch.net, ngày 27-4-2018.
3. Trúc Giang (2021): Ý nghĩa của việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội có trách nhiệm, https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/
4. Trúc Giang (2021):Những điều nên làm khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội, https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/
5. Trúc Giang (2021): Những điều nên tránh khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội, https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/
6. Thông tấn xã Việt Nam (2022): Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, đúng luận và văn hóa, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-do
PGS, TS NGUYỄN HOÀNG GIÁP
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh