GS, TS NGUYỄN TUẤN ANH
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học quốc gia Hà Nội
(LLCT) - Trên cơ sở phân tích một số quan điểm lý luận, bài viết đề xuất quan điểm về mô hình trong nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam. Đây là một trong những cơ sở lý luận trong nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý phát triển xã hội và vận dụng mô hình trong quản lý phát triển xã hội hiện nay. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài “Mô hình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Cơ sở lý luận và thực tiễn”, mã số: KX.04.24/21-25, thuộc “Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025” (Chương trình KX 04/21-25) của Hội đồng Lý luận Trung ương.
Ảnh minh họa: vsa.net.vn
1. Mô hình từ góc nhìn ngữ nghĩa học
Từ góc nhìn ngữ nghĩa học (semantics), nhiều mô hình khoa học là những mô hình đại diện. Các mô hình đó đại diện cho một phần hoặc các chiều cạnh được lựa chọn của thế giới hay là các thực thể được mô hình phản ánh. Chẳng hạn mô hình quả bóng bi-a của chất khí, mô hình Bohr của nguyên tử, mô hình Mundell-Fleming của nền kinh tế mở(1). Các mô hình đại diện có thể được phân loại thành một số loại khác nhau, bao gồm: mô hình tỷ lệ (scale models), mô hình tương tự (analogical models), mô hình lý tưởng hóa (idealized models), mô hình “đồ chơi” (toy models), mô hình tối thiểu (minimal models), mô hình hiện tượng học (phenomenological models), mô hình khám phá (exploratory models), mô hình của dữ liệu hay mô hình dữ liệu (models of data hoặc data model).
Trước hết là mô hình quy mô hay mô hình tỷ lệ (scale models). Đó là bản sao thu nhỏ hoặc phóng to của hệ thống hay thực thể được mô hình phản ánh(2). Ví dụ điển hình là một chiếc ô tô nhỏ bằng gỗ được đưa vào đường hầm gió để khám phá các đặc tính khí động học thực tế của ô tô. Một mô hình tỷ lệ là một bản sao tự nhiên hoặc một hình ảnh hay sự phản chiếu trung thực của hệ thống hay thực thể được phản ánh. Vì lý do này, các mô hình tỷ lệ đôi khi còn được gọi là “các mô hình thực”(3). Tuy nhiên, không có thứ gọi là mô hình hoàn toàn thực. Ví dụ, mô hình ô tô theo tỷ lệ bằng gỗ mô tả trung thực hình dáng của ô tô chứ không phải chất liệu của ô tô(4).
Thứ hai là mô hình tương tự (analogical models), chẳng hạn mô hình bóng bi-a của chất khí. Mô hình tương tự hàm ý rằng ở cấp độ cơ bản nhất, hai sự vật tương tự nhau nếu giữa chúng có những điểm tương đồng nhất định(5). Để hiểu sâu hơn bản chất của mô hình tương tự, người ta cần phải phân biệt giữa mô hình, nguồn gốc của mô hình và thực thể mà mô hình phản ánh(6).
Thứ ba là mô hình lý tưởng hóa (idealized models). Mô hình lý tưởng hóa là mô hình liên quan đến việc đơn giản hóa hoặc “bóp méo” có chủ ý một điều gì đó phức tạp với mục tiêu làm cho nó dễ xử lý hoặc dễ hiểu hơn. Ví dụ, thị trường ở trạng thái cân bằng hoàn hảo chỉ là sự mô hình hóa mang tính lý tưởng về thị trường(7).
Thứ tư là mô hình “đồ chơi” (toy models). Mô hình đồ chơi là những biểu hiện cực kỳ đơn giản và bị bóp méo mạnh về các đặc điểm của thực thể được mô hình phản ánh và thường chỉ đại diện cho một số lượng nhỏ các yếu tố của thực thể được phản ảnh(8). Các mô hình đồ chơi thường không hoạt động tốt về mặt dự đoán và chúng dường như phục vụ các mục tiêu nhận thức khác. Điều này cho thấy mô hình đồ chơi có thể không mang tính đại diện, tức là không đại diện cho thực thể mà nó phản ánh(9).
Thứ năm là mô hình tối thiểu (minimal models). Mô hình tối thiểu có liên quan chặt chẽ với các mô hình đồ chơi ở chỗ được đơn giản hóa rất nhiều. Mô hình tối thiểu được đơn giản hóa đến mức một số người cho rằng chúng không mang tính đại diện (10).
Thứ sáu là mô hình hiện tượng học (phenomenological models). Mô hình hiện tượng học đã được định nghĩa theo những cách khác nhau. Một định nghĩa chung coi mô hình hiện tượng học là các mô hình chỉ biểu thị các thuộc tính có thể quan sát được của thực thể được phản ánh và không đưa ra các cơ chế hay đặc điểm ẩn và những thứ tương tự như các cơ chế hoặc đặc điểm ẩn(11).
Thứ bảy là mô hình khám phá (exploratory models). Mô hình khám phá là các mô hình không được đề xuất ngay từ đầu để tìm hiểu điều gì đó về một hệ thống hay thực thể cụ thể hoặc một hiện tượng cụ thể đã được thiết lập bằng thực nghiệm. Các mô hình khám phá hoạt động như điểm khởi đầu của các khám phá tiếp theo; trong quá trình đó, mô hình được sửa đổi và hoàn thiện. Các mô hình khám phá có thể cung cấp bằng chứng về nguyên tắc và đề xuất cách giải thích khả thi.
Chẳng hạn, trong sinh thái học, mô hình Lotka-Volterra mô phỏng tăng tốc độ và giảm tốc độ tăng dân số của các loài sinh vật trong môi trường có nguồn tài nguyên hạn chế(12). Mô hình này giả định rằng tốc độ tiêu thụ con mồi của kẻ săn mồi tỷ lệ thuận với sự phong phú của con mồi. Điều này có nghĩa là việc ăn của động vật ăn thịt chỉ bị giới hạn bởi số lượng con mồi trong môi trường. Mặc dù điều này có thể thực tế ở mật độ con mồi thấp, nhưng nó chắc chắn là một giả định không thực tế ở mật độ con mồi cao(13). Những mô hình như vậy không đưa ra giải thích chính xác về hành vi của bất kỳ tập hợp dân số của các loài thực tế nào, nhưng chúng cung cấp điểm khởi đầu cho sự phát triển của các mô hình thực tế hơn(14).
Thứ tám là mô hình của dữ liệu hay mô hình dữ liệu (models of data hoặc data model). Một mô hình dữ liệu là một phiên bản đã được sửa chữa, điều chỉnh và trong nhiều trường hợp được lý tưởng hóa của dữ liệu mà chúng ta thu được từ việc quan sát ngay lập tức hay còn gọi là dữ liệu thô(15). Về đặc trưng, trước tiên người ta loại bỏ các lỗi và sau đó trình bày dữ liệu theo cách “gọn gàng”, chẳng hạn bằng cách vẽ một đường cong trơn qua một tập hợp các điểm. Hai bước này thường được gọi là “giảm dữ liệu” và “khớp đường cong”. Ví dụ, khi chúng ta điều tra quỹ đạo của một hành tinh nào đó, trước tiên chúng ta loại bỏ những điểm sai sót khỏi hồ sơ quan sát và sau đó điều chỉnh một đường cong cho những điểm còn lại.
Các mô hình dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc xác nhận các lý thuyết vì nó là mô hình dữ liệu đã có sự sắp xếp khoa học, chứ không phải dữ liệu thô, thường lộn xộn và phức tạp(16).
2. Mô hình từ tiếp cận bản thể luận
Từ góc nhìn bản thể học hay bản thể luận (ontology), các đối tượng thường đóng vai trò là mô hình thuộc về các loại bản thể học khác nhau, như: đối tượng vật lý, đối tượng hư cấu, đối tượng trừu tượng, cấu trúc lý thuyết tập hợp, mô tả, phương trình hoặc sự kết hợp của một số trong số này.
Trước hết là mô hình dưới dạng các sự vật hay là đối tượng vật lý (physical objects). Những mô hình như vậy thường được gọi là “mô hình vật chất”. Ví dụ về các mô hình thuộc loại này là mô hình tỷ lệ của các vật thể như cầu hay tàu.
Thứ hai là mô hình giả tưởng hay mô hình hư cấu hay mô hình trừu tượng (fictional objects and abstract objects). Đó là mô hình không tồn tại thực tế theo nghĩa vật lý mà do nhà khoa học “tưởng tượng” ra.
Thứ ba mô hình dưới dạng các cấu trúc mang tính lý thuyết tập hợp (Set-theoretic structures). Ví dụ cho các mô hình như vậy là mô hình diễn giải và mô hình trung gian(17).
Thứ tư là mô hình dưới dạng mô tả và phương trình (descriptions and equations). Với cách nhìn này, một mô hình là một mô tả cách điệu về một hệ thống hay một thực tế hoặc là một mô tả cấu trúc toán học dưới dạng các phương trình(18).
3. Mô hình từ lăng kính nhận thức luận
Từ góc nhìn nhận thức luận (epistemology), một trong những lý do chính khiến các mô hình đóng một vai trò quan trọng trong khoa học là vì chúng thực hiện một số chức năng nhận thức. Chẳng hạn, mô hình là phương tiện để tìm hiểu về thế giới. Nhiều điều tra khoa học được thực hiện trên các mô hình chứ không phải trên chính thực tế bởi vì bằng cách nghiên cứu một mô hình, chúng ta có thể khám phá các đặc điểm và xác định sự thật về hệ thống hay thực thể mà mô hình đại diện. Các mô hình cho phép “suy luận thay thế”(19).
Từ tiếp cận nhận thức luận, một số chiều cạnh sau đây liên quan đến mô hình cần chú ý:
Thứ nhất là tìm hiểu về mô hình. Việc tìm hiểu về một mô hình diễn ra trong quá trình xây dựng mô hình và trong quá trình vận dụng mô hình(20). Không có quy tắc hoặc công thức cố định nào cho việc xây dựng mô hình. Sau khi mô hình được xây dựng, chúng ta phải sử dụng và điều khiển mô hình để tìm ra những quy tắc xây dựng, nguyên lý hoạt động vận dụng của mô hình.
Thứ hai là tìm hiểu về thực thể mà mô hình phản ánh. Một khi chúng ta có kiến thức về mô hình, kiến thức này phải được “chuyển” thành kiến thức về thực thể mà mô hình phản ánh hay đại diện. Tại thời điểm này, chức năng biểu diễn của các mô hình trở nên quan trọng. Nếu một mô hình đại diện, thì nó có thể hướng dẫn chúng ta về thực tế bởi vì ít nhất một số bộ phận hoặc khía cạnh của mô hình có các bộ phận hoặc khía cạnh tương ứng trên thực tế (21).
Thứ ba là ý nghĩa, sự giải thích các sự vật, hiện tượng, quy luật vận động, mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng qua các mô hình. Các mô hình là công cụ để tìm hiểu về mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện hoặc quy trình nhất định và chính những mối quan hệ này thực hiện công việc giải thích (22).
Thứ tư là chức năng nhận thức khác thông qua mô hình, như: thu thập kiến thức theo nhiều cách khác nhau (23), hình thành khái niệm và các quá trình nhận thức, xây dựng lý thuyết và có giá trị kinh nghiệm, giá trị sư phạm(24), xây dựng các mô hình khác và tạo ra các thực thể mới(25)...
4. Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội
Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh về phát triển xã hội ở Copenhagen năm 1995 khẳng định, phát triển xã hội là trọng tâm của nhu cầu và nguyện vọng của mọi người trên khắp thế giới cũng như trách nhiệm của các chính phủ và tất cả các lĩnh vực của xã hội. Tuyên bố của Hội nghị cũng nhấn mạnh về khía cạnh kinh tế và xã hội, các chính sách và đầu tư hiệu quả, nhất là những chính sách và hoạt động đầu tư giúp người dân phát huy tối đa năng lực, nguồn lực và cơ hội của họ (26).
Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Liên hợp quốc (United Nations Research Institute for Social Development) định nghĩa, phát triển xã hội là “quá trình thay đổi dẫn đến việc nâng cao sức khỏe, thịnh vượng, hạnh phúc của con người; cải thiện các quan hệ xã hội, thiết chế xã hội; đó là quá trình công bằng, bền vững, phù hợp với nguyên tắc quản trị dân chủ và công lý”(27); “là quá trình chuyển đổi mà quá trình này nâng cao sức khỏe, thịnh vượng, hạnh phúc của con người trong giới hạn tự nhiên của hành tinh. Phát triển xã hội thúc đẩy các quan hệ xã hội công bằng, phù hợp với nguyên tắc quản trị dân chủ và công lý. Phát triển xã hội bao gồm giáo dục tốt, sức khỏe tốt, cùng với việc tiếp cận tài nguyên, hàng hóa và dịch vụ đảm bảo cuộc sống tốt...” (28).
Như vậy, về bản chất, phát triển xã hội là một quá trình thay đổi hay một quá trình chuyển đổi. Quá trình này hướng đến ba nhóm mục tiêu. Thứ nhất là sức khỏe, thịnh vượng, hạnh phúc của con người trong giới hạn tự nhiên của hành tinh. Thứ hai là công bằng, dân chủ, công lý. Thứ ba là giáo dục tốt, sức khỏe tốt, tiếp cận tài nguyên, hàng hóa và dịch vụ bảo đảm cuộc sống tốt.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó xác định mục tiêu “quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” (29).
Về thuật ngữ “quản lý phát triển xã hội”, trong Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, khái niệm “quản lý phát triển xã hội” được xác định cụ thể là:
“Quản lý phát triển xã hội là sự tác động có định hướng, có tổ chức của chủ thể quản lý đến khách thể (con người, cộng đồng, các quan hệ xã hội, hoạt động xã hội, cơ cấu xã hội, chức năng xã hội...) nhằm mục tiêu phát triển xã hội bền vững. Quản lý phát triển xã hội tác động tích cực đến đời sống xã hội, điều tiết các quan hệ xã hội, hoàn thiện các thiết chế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm cho con người phát triển toàn diện. Quản lý phát triển xã hội lấy con người làm xuất phát điểm, làm trung tâm, và mục tiêu cuối cùng. Quản lý phát triển xã hội hướng vào các nhiệm vụ cốt lõi: 1- Phát triển hài hòa cơ cấu xã hội (cơ cấu các giai tầng xã hội; cơ cấu dân số, dân cư, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp,...); 2- Định hướng, kiểm soát các biến đổi xã hội (phân tầng xã hội, di động xã hội,...); 3- Thực hiện các bảo đảm xã hội (an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, hòa nhập xã hội và tái hòa nhập xã hội); 4 - Thực thi chính sách xã hội phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn... nhằm hài hòa quan hệ xã hội, quan hệ lợi ích; 5 - Xử lý các vấn đề xã hội nảy sinh (bất bình đẳng xã hội, rủi ro, mẫu thuẫn, xung đột xã hội...), bảo đảm sự đồng thuận xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”(30).
Như vậy, quản lý phát triển xã hội được hiểu là quản lý phát triển lĩnh vực xã hội - một lĩnh vực trong nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội tổng thể. Với góc nhìn này, quản lý phát triển xã hội chính là “phòng ngừa, ngăn chặn các vấn đề xã hội; giảm nhẹ các vấn đề xã hội; xử lý các vấn đề xã hội”(31) để phát triển xã hội; và dựa trên những quan điểm sau:
“Thứ nhất, phát triển hài hòa cơ cấu xã hội và định hướng, kiểm soát các biến đổi xã hội sẽ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vấn đề xã hội; giảm nhẹ các vấn đề xã hội; xử lý các vấn đề xã hội, chẳng hạn như vấn đề mất cân đối cấu trúc lực lượng lao động, mất cân bằng giới tính,v.v.
Thứ hai, thực hiện các bảo đảm xã hội, thực thi chính sách xã hội phù hợp sẽ giúp phòng ngừa, ngăn chặn các vấn đề xã hội; giảm nhẹ các vấn đề xã hội, xử lý nhiều vấn đề xã hội cụ thể. Chẳng hạn, thực thi chính sách bình đẳng giới sẽ giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới; thực thi chính sách việc làm sẽ giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp, v.v.
Thứ ba, xử lý các vấn đề xã hội nảy sinh sẽ góp phần bảo đảm sự đồng thuận xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Chẳng hạn, xử lý mâu thuẫn, xung đột xã hội sẽ góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Đồng thời, phát triển hài hòa cơ cấu xã hội, định hướng, kiểm soát các biến đổi xã hội, thực hiện các bảo đảm xã hội, thực thi chính sách xã hội cũng chính là góp phần đạt được đồng thuận xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người” (32).
Quản lý phát triển xã hội theo nghĩa là quản lý phát triển lĩnh vực xã hội trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội “là quá trình chủ thể quản lý thực hiện các chương trình, chính sách để giải quyết các vấn đề xã hội một cách phù hợp, hiệu quả, hiệu lực và có giá trị; từ đó thúc đẩy phát triển xã hội bền vững, công bằng”(33); là “quá trình chủ thể quản lý thực hiện các chương trình, chính sách để phòng ngừa, ngăn chặn các vấn đề xã hội; giảm nhẹ các vấn đề xã hội; xử lý các vấn đề xã hội một cách phù hợp, hiệu quả, hiệu lực, có giá trị; từ đó thúc đẩy phát triển xã hội bền vững, công bằng nhằm nâng cao sức khỏe, thịnh vượng, hạnh phúc của con người”(34).
Theo nghĩa rộng, quản lý phát triển xã hội là quản lý sự phát triển xã hội một cách tổng thể, hay quản lý tất các lĩnh vực khác nhau của xã hội. Tức là quản lý phát triển xã hội phải bao gồm tất cả các hoạt động quản lý đối với các lĩnh vực xã hội từ chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, môi trường, đến giải trí, truyền thông(35). Do đó, quản lý phát triển xã hội luôn tồn tại trong các xã hội và hướng đến hai mục tiêu: quản lý xã hội và phát triển xã hội. Vì vậy, đây là quá trình hoạt động mang tính tổng hợp trong nhiều lĩnh vực khác nhau và của toàn thể xã hội. Quá trình này dựa vào nhiều chủ thể, khách thể, đối tượng quản lý khác nhau, môi trường quản lý khác nhau, công cụ, phương pháp quản lý khác nhau. Quá trình đó cũng cần sự đóng góp của nhiều ngành khoa học khác nhau, từ triết học, chính trị học, khoa học quản lý, kinh tế học, văn hóa học, đến xã hội học, nhân học, địa lý học, y học, v.v.”(36) .
5. Khái niệm mô hình trong nghiên cứu mô hình quản lý phát triển xã hội
Tham chiếu với lý luận về các mô hình nhận thấy, khái niệm mô hình trong nghiên cứu về mô hình quản lý phát triển xã hội cần được xem xét dưới cả ba góc độ: góc độ ngữ nghĩa học, góc độ bản thể học/ luận, và góc độ nhận thức luận.
Từ góc độ ngữ nghĩa học, mô hình trong nghiên cứu về mô hình quản lý phát triển xã hội được hiểu là “mô hình lý tưởng hóa”. Đây là mô hình đơn giản hóa theo nghĩa là mô hình phản ảnh những đặc điểm cơ bản, “lý tưởng” của quản lý phát triển xã hội. Như vậy, mô hình trong nghiên cứu quản lý phát triển xã hội là sự mô hình hóa mang tính lý tưởng những đặc điểm cơ bản của quản lý phát triển xã hội.
Từ góc độ bản thể học/luận, mô hình trong nghiên cứu về mô hình quản lý phát triển xã hội được hiểu là “mô hình trừu tượng và mô tả”. Đây là mô hình mô tả cách điệu về một hệ thống hay một thực tế - đó chính là quản lý phát triển xã hội. Đồng thời, đây chính là mô hình trừu tượng theo nghĩa mô hình này là sự hình dung, hay hình ảnh về một hệ thống hay một thực tế - đó chính là quản lý phát triển xã hội. Như vậy, mô hình trong nghiên cứu quản lý phát triển xã hội là sự mô tả, là sự trừu tượng hóa, là sự hình dung, là hình ảnh về quản lý phát triển xã hội.
Từ góc độ nhận thức luận, chúng ta cần tìm hiểu về mô hình quản lý phát triển xã hội trong quá trình xây dựng và vận dụng mô hình. Chúng ta cần hiểu thực thể mà mô hình phản ánh - tức là quản lý phát triển xã hội trên thực tế. Nói cách khác, chúng ta có kiến thức về mô hình quản lý phát triển xã hội và kiến thức này phải được “chuyển” thành kiến thức về thực tế quản lý phát triển xã hội. Chúng ta phải hiểu mô hình quản lý phát triển xã hội để qua mô hình quản lý phát triển xã hội hiểu thực tế quản lý phát triển xã hội. Chúng ta cần coi mô hình quản lý phát triển xã hội là công cụ để tìm hiểu về mối quan hệ giữa các sự kiện hoặc quy trình trong thực tế quản lý phát triển xã hội.
Ngoài ra, mô hình quản lý phát triển xã hội còn cho phép chúng ta thu thập kiến thức theo nhiều cách khác nhau. Mô hình quản lý phát triển xã hội còn đóng vai trò trong quá trình hình thành khái niệm và trong các quá trình nhận thức khác. Mô hình quản lý phát triển xã hội còn là công cụ để xây dựng lý thuyết, có giá trị kinh nghiệm, có giá trị sư phạm. Đặc biệt là mô hình quản lý phát triển xã hội còn giúp tạo ra thực thể mới - cụ thể là cách thức quản lý phát triển xã hội mới.
Như vậy, nhìn một cách tổng thể, trong nghiên cứu về mô hình quản lý phát triển xã hội, quan niệm về mô hình từ cả ba tiếp cận, bao gồm: ngữ nghĩa học, bản thể học/luận, nhận thức luận cần được vận dụng. Bởi vì, cả ba tiếp cận này giúp nhận diện bản chất của mô hình quản lý phát triển xã hội trong các loại mô hình khác nhau. Đây cũng là một trong những cơ sở lý luận của quá trình nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý phát triển xã hội và vận dụng mô hình quản lý phát triển xã hội.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 547 (tháng 9-2023)
Ngày nhận bài: 15-8-2023; Ngày bình duyệt: 9-9-2023; Ngày duyệt đăng: 14-9-2023.
(1), (4), (5), (16), (18), (21) Roman, Frigg, and Stephan Hartmann: “Models in Science.” The Stanford Encyclopedia of Philosophy, Department of Philosophy, Stanford University, https://plato.stanford.edu/entries/models-science/, truy cập ngày 24-4-2023.
(2) Black, Max: Models and Metaphors: Studies in Language and Philosophy, Ithaca, NY: Cornell University Press, 1962.
(3) Achinstein, Peter: Concepts of Science: A Philosophical Analysis, Baltimore, MD: Johns Hopkins Press, 1968.
(6) Haig, Brian D: “Analogical modeling: a strategy for developing theories in psychology.” National Library of Medicine, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3683639/, truy cập ngày 20-06-2023.
(7) Potochnik, Angela: “Optimality Modeling and Explanatory Generality”, Philosophy of Science 74(5), 2007.
(8) Reutlinger, Alexander, Dominik Hangleiter, and Stephan Hartmann: Understanding (with) Toy Models 69(4), 2018.
(9) Luczak, Joshua: “Talk about Toy Models”, Studies in History and Philosophy of Science Part B: Studies in History and Philosophy of Modern Physics, 2017.
(10) Batterman, Robert W, and Collin C Rice. 2014. “Minimal Model Explanations,” Philosophy of Science 81 (3).
(11) Bokulich, Alisa: “How Scientific Models Can Explain”, Synthese 180 (1), 2011.
(12) Gelfert, Axel: How to Do Science with Models: A Philosophical Primer (Springer Briefs in Philosophy). Cham: Springer International Publishing, 2016.
(13) Křivan, V: “Prey-Predator Models”, ScienceDirect, https://www.sciencedirect.com, truy cập ngày 20-6-2023.
(14) Gelfert, Axel: How to Do Science with Models: A Philosophical Primer Springer Briefs in Philosophy, Cham: Springer International Publishing, 2016.
(15) Suppes, Patrick: “Models of Data”, in Ernest Nagel, Patrick Suppes, and Alfred Tarski (eds.), Logic, Methodology and Philosophy of Science: Proceedings of the 1960 International Congress, Stanford, CA: Stanford University Press, Reprinted in Suppes 1969.
(17) Da Costa, Newton, and Steven French: “Models, Theories, and Structures: Thirty Years On”, Philosophy of Science 67 (supplement), 2000.
(19) Swoyer, Chris: “Structural Representation and Surrogative Reasoning”, Synthese 87(3), 1991.
(20) Morgan, Mary S.: Learning from Models, in Morgan and Morrison”,1999.
(22) Woodward, James.: Making Things Happen: A Theory of Causal Explanation, Oxford: Oxford University Press, 2003.
(23) Knuuttila, Tarja: “Models, Representation, and Mediation”, Philosophy of Science 72, 2005.
(24) Hartmann, Stephan: Models as a Tool for Theory Construction: Some Strategies of Preliminary Physics, in Herfel et al. 1995”, 1995.
(25) Peschard, Isabelle: “Making Sense of Modeling: Beyond Representation”, European Journal for Philosophy of Science 1(3), 2011.
(26) United Nations - Department of Economic and Social Affairs: “Copenhagen Declaration on Social Development - Introduction”, United Nations, https://www.un.org, truy cập ngày 01-8-2021.
(27) United Nations Research Institute for Social Development: “Social Development in an Uncertain World”, Geneva: UNRISD https://www.unrisd.org, truy cập ngày 01- 08-2021.
(28) “Overcoming Inequalities: Towards a New Eco-social Contract”, Geneva: UNRISD, https://www.unrisd.org, truy cập ngày 01-8-2021.
(29) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.116.
(30) Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng và Nguyễn Viết Thông (Đồng chủ biên): Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.260-261; Đoàn Minh Huấn: Quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, Tạp chí Cộng sản, https://tapchicongsan.org.vn, truy cập ngày 11-9-2021.
(31), (32), (34), (36) Nguyễn Tuấn Anh: Vấn đề xã hội, phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội, Tạp chí Khoa học Xã hội và nhân văn 7(2b), 2021, tr.367.
(33) Phạm Quang Minh và Nguyễn Tuấn Anh: Thể chế và quản lý phát triển xã hội bảo đảm đất nước phát triển nhanh, bền vững: Kinh nghiệm quốc tế, những vấn đề của Việt Nam và định hướng đổi mới, hoàn thiện trong giai đoạn mới, tr. 217-34; trong Niên giám khoa học năm 2018 - Tập III Những vấn đề về văn hóa, xã hội và con người, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2019.
(35) Nguyễn Trung Kiên và Lê Ngọc Hùng: Quản lý xã hội dựa vào sự tham gia: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Xã hội học 117(1), 2012, tr.103-113.