(LLCT) - Với tư cách là một học thuyết, CNXH là hệ thống lý luận về giải phóng người lao động khỏi áp bức, bóc lột và bất công, chỉ ra con đường xây dựng xã hội ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện lịch sử xã hội cụ thể, vào sự nhận thức của các lực lượng xã hội khác nhau và với mong muốn vận dụng lý luận về CNXH vào nước mình, đã hình thành nên nhiều tư tưởng về CNXH với nhiều màu sắc khác nhau. Các nước Á - Phi có nhiều điểm tương đồng về mặt lịch sử xã hội với Việt Nam, tư tưởng XHCN ở những nước này cũng sớm hình thành trong phong trào giải phóng dân tộc, do vậy việc tìm hiểu tư tưởng XHCN ở các nước này có giá trị tham khảo đối với quan điểm lý luận và thực tiễn, cũng như khẳng định về những thành tựu xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay.
1. Nguồn gốc lý luận, kinh tế, xã hội của việc hình thành và phát triển tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở các nước Á - Phi
Việc nghiên cứu tư tưởng XHCN ở các nước Á - Phi đòi hỏi phải phân tích, làm rõ các điều kiện phát triển đặc thù của nó. Hiện nay, các nước Á - Phi sau khi đã giành được độc lập chính trị, hướng sang tăng cường đấu tranh vì độc lập kinh tế, hướng theo tư tưởng XHCN bằng việc đấu tranh chống hệ tư tưởng tư sản, chủ nghĩa thực dân mới. Đồng thời, các nước Á - Phi tiếp tục kiên quyết đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vì các lý tưởng XHCN (tự do, bình đẳng, công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội). Vậy thực chất tư tưởng XHCN ở các nước Á - Phi có đặc trưng nào?
Một là, sau khi giành được độc lập, sự phát triển của đa số các nước Á - Phi hầu hết đều diễn ra trong điều kiện phức tạp. Với cơ sở kinh tế lạc hậu, các quan hệ xã hội tiền phong kiến và phong kiến, bởi vậy số lượng giai cấp công nhân chiếm số lượng ít ỏi. Theo đó, về mặt ý thức hệ, với sự ảnh hưởng của các truyền thống cũ, của chủ nghĩa dân tộc, nên sự xét lại là rất mạnh. Hơn nữa, với chính quyền nhà nước tại đa số các nước này nằm trong tay các phần tử tư sản và tiểu tư sản, nên chính từ thực tế này cho phép giải thích rằng vì sao mà các quan điểm về “CNXH” phi mác - xít với nhiều dạng khác nhau lại trở nên phổ biến rộng rãi như vậy. Các khẩu hiệu XHCN phi mác - xít là luận thuyết tư tưởng chính trị quan phương ở hàng chục quốc gia. Nhà nghiên cứu châu Phi người Pháp, C.Wauthier viết: “Hiện nay không có một quốc gia độc lập non trẻ nào mà không thừa nhận một hình thức nào đó của CNXH”(1).
Xuất phát từ các đặc điểm trên, các nhà nghiên cứu tư sản tuyệt đối hóa các nhân tố sắc tộc - dân tộc, tôn giáo và thường cố gắng quy giản tư tưởng XHCN về CNXH “Arab”, CNXH “châu Phi”, CNXH “châu Á”, v.v.)(2). Khi đó, họ bỏ qua các tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá các tư tưởng xã hội, như bản chất giai cấp của các đảng chính trị để đưa ra tư tưởng ấy, con đường phát triển mà họ định hướng vào đó, v.v. Do vậy, việc phân loại tư tưởng XHCN ở các nước Á - Phi cần phải xuất phát ở chỗ, đó là tư tưởng được phản ánh từ sự phân bố lực lượng xã hội hiện có, cũng như vai trò của nó trong cuộc đấu tranh giữa hai hệ tư tưởng, hai con đường phát triển - TBCN và phi TBCN. Chính cách tiếp cận này là tiền đề để đánh giá đúng về tư tưởng XHCN ở các nước Á - Phi, từ đó rút ra những bài học tham khảo để nhận thức sâu sắc hơn nữa và kiên định định hướng XHCN ở Việt Nam.
Theo phương pháp luận duy vật lịch sử, việc hiểu đúng về những nội dung của tư tưởng XHCN, chỉ rõ về triển vọng tiến hóa tiếp theo của những trào lưu khác nhau về tư tưởng XHCN ở các nước Á - Phi, đòi hỏi phải có căn cứ và phân tích các điều kiện kinh tế - xã hội và lịch sử, cũng như nguồn gốc tư tưởng - lý luận cho sự ra đời của những tư tưởng đó. Đặc biệt, trong những nghiên cứu này cần phải quán triệt tư tưởng và phương pháp luận của V.I.Lênin về bản chất hai mặt của tư sản dân tộc(3) để nghiên cứu tư tưởng “XHCN” Á - Phi.
Hai là, từ xuất phát này, cần phải ghi nhận một thực tế là, bản thân tư sản dân tộc ở các nước Á - Phi thường không thể chịu đựng nổi cạnh tranh của tư sản mại bản độc quyền hùng mạnh. Hơn nữa, chính bởi sự không ràng buộc hay ít ràng buộc với các công ty xuyên quốc gia, nên tư sản dân tộc quan tâm đến việc thực hiện hàng loạt nhiệm vụ của phong trào phản đế, phản phong và đi đến thiên hướng tham gia vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Tuy nhiên, bản thân tư sản dân tộc vẫn không thay đổi bản chất bóc lột và có thể thỏa hiệp với xu hướng phản cách mạng trong nước và quốc tế.
Như vậy, về bản chất giai cấp của tư tưởng XHCN ở các nước Á - Phi vẫn chỉ là sự luận chứng cho hệ tư tưởng đại diện cho quyền tư hữu, cho dù có sự tuyên truyền thế nào về sự “hợp tác” giữa công nhân và tư sản, một sự “hợp tác” của sự tương phản ngày càng gia tăng về thu nhập giữa họ.
Còn về phương diện phản đế trong tư tưởng “XHCN”, dù thể hiện ở các khẩu hiệu đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân mới, ở lời kêu gọi củng cố độc lập của các nước Á - Phi, ở chứng minh cho sự cần thiết phát triển khu vực kinh tế quốc doanh và kế hoạch hóa kinh tế, khắc phục lạc hậu kinh tế và văn hóa, đạt tới trật tự kinh tế thế giới mới, song vẫn nhằm để bảo vệ cho nhà nước bóc lột mà thôi.
Về bản thân mình, tư sản dân tộc ở các nước Á - Phi không thuần nhất. Chẳng hạn, so với tư sản dân tộc ở các nước khác, tư sản dân tộc Ấn Độ giữ địa vị quan trọng hơn trong kinh tế. Ảnh hưởng của đại tư sản Ấn Độ trước hết bắt nguồn từ mức độ tập trung cao hơn của sản xuất và tư bản. Một số liên hiệp tư bản độc quyền đã hình thành. Do tâm trạng chống tư bản ngày một gia tăng của hàng triệu quần chúng nhân dân đã khiến một số đại diện lợi ích của tầng lớp tư sản đứng đầu buộc phải tuyên bố ủng hộ tư tưởng XHCN. M.R.Masani, ông chủ tập đoàn Tata, khẳng định: “Với mô hình về CNXH theo tôi phải thể hiện đó là thị trường tự do và cạnh tranh tự do hoàn toàn, vì sự gia tăng của sở hữu sẽ diễn ra hệt như ở các nước tiên tiến nhất, như Mỹ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nhật Bản, Ôtxtrâylia, Niudilân, Đức, v.v.”(4).
Khác với tầng lớp tư sản lớn, tầng lớp tư sản nhỏ và vừa ở Ấn Độ ít gắn bó hơn với các công ty xuyên quốc gia và có tâm trạng phản đế mạnh mẽ hơn. Điều này trước hết bắt nguồn từ sự phá sản của các doanh nhân nhỏ và vừa do cạnh tranh mang tính hủy diệt từ phía doanh nhân lớn. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp tư sản khác nhau, các đối kháng xã hội gay gắt thúc đẩy các tầng lớp tư sản nhỏ và vừa thừa nhận và ủng hộ các tư tưởng khác nhau về CNXH. Vốn có tinh thần yêu nước, đại diện lợi ích của tư sản nhỏ và vừa đấu tranh nhằm hạn chế sự thao túng của tư bản độc quyền mại bản và bản địa. Bản thân các khẩu hiệu XHCN do R.Gandi nêu ra đã không phản ánh quan niệm về CNXH của toàn đảng do chính ông đứng đầu. Ba trào lưu khác nhau tồn tại trong đảng gồm cánh hữu đại biểu lợi ích của tư sản lớn, kể cả tư sản độc quyền, cũng như của các tầng lớp nửa phong kiến. Cánh tả gắn liền với dân chủ cách mạng, đóng vai trò chính yếu trong đảng là các nhóm phản ánh lợi ích của tư sản dân tộc nhỏ và vừa.
Ba là, môi trường xã hội châu Phi dẫn đến sự hình thành tư tưởng “XHCN” mang các đặc thù. Các lĩnh vực hoạt động cơ bản của tư sản dân tộc gồm có công nghiệp nhỏ, đôi khi là công nghiệp vừa, thương mại, nông nghiệp, giao thông địa phương và các dịch vụ khác. Ở các nước phía Nam sa mạc Sahara, tư sản dân tộc yếu hơn đáng kể so với ở các nước đã được giải phóng. Về thực chất, các tư tưởng “XHCN” ở đây trước hết biểu thị lợi ích của tư sản và của các tầng lớp xã hội hữu sản, song tất nhiên, điều này không loại trừ có sự tham gia của nông dân, công nhân và thợ thủ công vào các đảng cầm quyền đã đưa ra các khẩu hiệu XHCN.
Trong điều kiện đối kháng giai cấp gay gắt, giới cầm quyền ở hàng loạt nước châu Phi luôn duy trì ảnh hưởng của mình đối với một số nhóm người lao động chủ yếu nhờ vào việc sử dụng rộng rãi khẩu hiệu “XHCN”. Do vậy, các biến thể khác nhau ở “CNXH châu Phi” thực chất đã luận chứng cho chính định hướng phát triển TBCN ở các mức độ khác nhau.
Tại một số nước Á - Phi, giới doanh nhân dân tộc hoặc không tham gia vào giới tinh hoa cầm quyền, hoặc không giữ địa vị quan trọng ở trong đó. Do vậy, để làm sáng tỏ bản chất giai cấp của tư tưởng “XHCN” đòi hỏi phải hiểu đúng vai trò và địa vị của giới quan chức trong đời sống kinh tế và chính trị - xã hội của đất nước với tầng lớp tư sản dân tộc.
Trên thực tế, trong một số trường hợp, đã nảy sinh các mâu thuẫn giữa một bộ phận quan chức với tư bản độc quyền mại bản. Song, mâu thuẫn này thường không có tính chất xung đột do quan hệ trực tiếp giữa giới quan chức với các tổ chức độc quyền mại bản, cũng như do trợ giúp tín dụng từ các nước TBCN phát triển. Các mâu thuẫn gay gắt bên trong giai cấp dẫn đến gia tăng cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản nhằm
bảo vệ quyền lợi của mình đã làm tăng xu hướng thỏa hiệp về mặt lập trường của tầng lớp quan chức đối với chủ nghĩa đế quốc. Nhiều đại diện của giới quan chức được giáo dục theo tinh thần sùng bái hệ thống TBCN từ thời thuộc địa đã đóng vai trò cản trở phong trào chống đế quốc. | Về bản chất giai cấp của tư tưởng XHCN ở các nước Á - Phi vẫn chỉ là sự luận chứng cho hệ tư tưởng đại diện cho quyền tư hữu, cho dù có sự tuyên truyền thế nào về sự “hợp tác” giữa công nhân và tư sản, một sự “hợp tác” của sự tương phản ngày càng gia tăng về thu nhập giữa họ. |
Nghiên cứu tình hình kinh tế - xã hội ở các nước Á - Phi về tương quan lực lượng giai cấp và hệ tư tưởng của các tầng lớp tư sản khác nhau đã chứng tỏ rằng, tư tưởng “XHCN” đại diện cho lợi ích hoặc của giai cấp thống trị, hoặc của một tầng lớp xã hội nào đó, hoặc là kết quả thỏa hiệp của hàng loạt các lực lượng xã hội khác nhau.
Sự lạc hậu kinh tế, sự hiện diện các quan hệ tiền TBCN, các đặc thù về cơ cấu xã hội của các nước Á - Phi cho thấy các nguyên nhân phổ biến rộng rãi tư tưởng XHCN phi mác xít. V.I.Lênin viết: “… Kinh tế không phát triển làm cho người ta trải nghiệm và phục hồi các hình thức lạc hậu của CNXH dưới hình thức này hay hình thức khác…”(5). Trong lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn dân cư làm việc trong nông nghiệp. Thêm vào đó, đại bộ phận nông dân làm việc trong các ngành sản xuất kinh tế bán phong kiến, hàng hóa nhỏ. Chỉ một bộ phận nhỏ nông dân gắn liền với lĩnh vực kinh tế hợp tác tăng trưởng dần dần. Các diện tích đất rộng lớn nằm trong tay các địa chủ bán phong kiến. Trong lĩnh vực công nghiệp, do công nghiệp phát triển yếu kém, giai cấp công nhân trong toàn bộ dân cư ở các nước này vẫn chưa giữ địa vị như so với các nước công nghiệp phát triển. Hơn nữa, đại bộ phận công nhân xuất thân từ nông dân, nên chưa đánh mất liên hệ với sản xuất kinh tế nông nghiệp. Người vô sản phân tán ở các xí nghiệp, các phân xưởng nhỏ và rất nhỏ, không có chuyên môn cụ thể. Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể trong giáo dục phổ thông nói chung, song số lượng người mù chữ vẫn chiếm hàng trăm triệu người.
Vì vậy, tư tưởng “XHCN” Á - Phi hiện đại thực chất là một hiện tượng mới trong phát triển của tư tưởng XHCN thế giới. Nó ra đời trong điều kiện khủng hoảng của hệ thống thuộc địa bắt đầu diễn ra sau Cách mạng Tháng Mười, trong bối cảnh phát triển như vũ bão của phong trào giải phóng dân tộc, sự tan rã và thủ tiêu hệ thống thuộc địa, gia tăng các mâu thuẫn giai cấp ở nhiều nước mới giành được độc lập, v.v. Thắng lợi của Cách mạng Tháng mười Nga đã khích lệ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa và lệ thuộc, đẩy nhanh quá trình phổ biến các tư tưởng XHCN trên phạm vi toàn thế giới. Các dân tộc Á - Phi đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong cuộc đấu tranh chống lại bóc lột TBCN. Nhà khoa học R.W.Sterling người Mỹ nhận định: “Thái độ trung thành tư tưởng với CNXH như sự đối chọi và bác bỏ CNTB, lịch sử đế quốc của CNTB đã và đang tiếp tục là lời hiệu triệu có ý nghĩa to lớn, là nguyên nhân quan trọng để đa số các nước Á - Phi tiếp nhận các mục đích XHCN”(6).
Hàng loạt tư tưởng “XHCN” hiện đại có đặc trưng là định hướng chống thuộc địa và chống đế quốc. Nếu trước khi giành được chủ quyền chính trị, nhiều chiến sĩ đấu tranh cho độc lập dân tộc đã nhận thấy các khẩu hiệu XHCN là vũ khí trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thì hiện nay tư tưởng “XHCN” được chính phủ các nước đang phát triển xem là một trong các phương tiện bảo đảm độc lập kinh tế.
J.Neru cũng đã từng viết: “Tại đất nước kém phát triển, các phương pháp TBCN không đem lại cơ hội. Tiến bộ nhanh trong một khoảng thời gian nhất định chỉ có thể đạt được nhờ quan điểm kế hoạch hóa căn cứ trên các nguyên tắc XHCN”(7).
Bốn là, cội nguồn lý luận của “CNXH” Á - Phi bao gồm các tư tưởng XHCN, chủ nghĩa Mác - Lênin được tiếp nhận trên đặc thù của châu Á và châu Phi. Các tư tưởng gia tư sản và tiểu tư sản hiện đại ở các nước này thường viện dẫn vào các tác phẩm của S.Vivekananda, Bonkimchondro Chottopadhai (Ấn Độ), Saljama Musa, Al-Afgana, S.Sumeil (Arab) và các nhà tư tưởng khác đã đưa ra các tư tưởng XHCN bình quân ngay ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Các tư tưởng gia của phong trào giải phóng dân tộc (M.K.Gandi, J.Neru, A.Sukarno, D.Kennatta, T.Mboi, v.v.) đã có ảnh hưởng đáng kể đến việc xây dựng các lý luận “CNXH dân tộc” hiện đại. Thực tế này thường được chỉ ra trong cương lĩnh và văn kiện của đảng chính trị ở các nước giải phóng. Chẳng hạn, Đảng Dân tộc Ấn Độ khẳng định: “… tiến hành cuộc đấu tranh lịch sử vì độc lập và bắt tay vào xây dựng một Ấn Độ mới dựa trên các nguyên tắc dân chủ, chủ nghĩa thế tục, CNXH và không liên kết”(8).
Chủ nghĩa Mác - Lênin là một trong các nhân tố tư tưởng quan trọng, có tác động đến phát triển của “CNXH” Á - Phi. Nhiều tư tưởng gia của phong trào giải phóng dân tộc chỉ ra sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin đến phát triển của loài người, đến tiến hóa của tư tưởng xã hội. Chẳng hạn, J.Neru viết: “Nghiên cứu Mác và Lênin có ảnh hưởng to lớn đến ý thức của tôi và giúp tôi nhìn nhận lịch sử và cuộc sống hiện đại dưới ánh sáng mới…”(9).
Tư tưởng “XHCN” Á - Phi hình thành do ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản ở các nước phương Tây. Nhiều nhà triết học và xã hội học châu Á, châu Phi hiện đại ở một chừng mực nhất định đều tuân thủ các quan điểm “hiện đại hóa”, “tích hợp”, “xã hội công nghiệp” và “xã hội hậu công nghiệp”, lý luận “tích hợp văn hóa”, vay mượn các tư tưởng khác nhau từ các học thuyết đa dạng của phương Tây.
Trên đây là các nguồn gốc kinh tế - xã hội và tư tưởng - lý luận của “CNXH” Á - Phi. Việc nghiên cứu chúng cho phép làm sáng tỏ bản chất của “CNXH dân tộc”. Kinh tế đa thành phần, cơ cấu giai cấp – xã hội phức tạp của đa số các nước giải phóng trở thành cơ sở làm xuất hiện các trào lưu và các khuynh hướng tư tưởng XHCN khác nhau căn bản tại các nước Á - Phi.
2. Thực chất của tư tưởng “chủ nghĩa xã hội” Á - Phi và định hướng xã hội chủ nghĩa đích thực
Khái quát các lý luận “CNXH” tư sản Á - Phi dựa vào quan niệm của các tư tưởng gia của nó về con đường và phương pháp xây dựng xã hội tương lai. Vốn rất đa dạng nhưng vẫn có một số đặc điểm chung.
Một là, “con đường phát triển thứ ba”. Các tác giả của tư tưởng “CNXH” Á - Phi đề nghị tiến hành một số cải cách kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, “CNXH Tunis” luận chứng quan điểm rằng, dường như có thể khắc phục sự lạc hậu của đất nước mà không cần vượt ra khỏi khuôn khổ của chủ nghĩa cải lương. Các tư tưởng gia của chế độ chính trị ở Tunis khẳng định “phát triển XHCN” cần phải được thực hiện cùng với sự tham gia của tất cả các giai cấp xã hội mà “không có chấn động và bạo lực”. Cương lĩnh “con đường đi lên CNXH” của Tunis là cương lĩnh thỏa hiệp giai cấp. Vốn đặc trưng cho tư tưởng “CNXH” Á - Phi, hy vọng vào các nhân tố đạo đức, giáo dục con người cũng đặc trưng cho học thuyết của Đảng XHCN Tunis. Nó liên tục lên tiếng ủng hộ việc tái giáo dục các nhà tư sản nhằm mục đích bắt họ phục vụ lợi ích dân tộc.
Đảng XHCN Senegal tuyên bố hệ tư tưởng của mình là “CNXH dân chủ châu Phi”. Các mục đích xã hội được Tổng bí thư L.S.Senghor trình bày, theo đó CNXH “không hẳn là học thuyết, mà chủ yếu là phương pháp hành động, đặt ra mục đích phát triển con người trong tất cả các lĩnh vực dựa trên hai nguyên tắc chủ yếu là: hiệu quả và công bằng xã hội”. Theo ông, trong xã hội “CNXH dân chủ” không có chỗ dành cho đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản(10).
Bản chất giai cấp của cương lĩnh “CNXH” của các tư tưởng gia tư sản dân tộc thể hiện rõ ở cách tiếp cận với vấn đề về tương quan giữa tiến hóa (cải cách) và cách mạng. Các tư tưởng gia tư sản dân tộc hữu khuynh hoàn toàn bác bỏ cách mạng chính trị - xã hội như điều kiện cần thiết để xây dựng CNXH. Họ thường luận giải cách mạng trên phương diện kinh tế - kỹ thuật.
Một trong các thành tố trung tâm dường như trong tất cả các cương lĩnh của tư tưởng “CNXH” Á - Phi là mong muốn luận chứng cho con đường phát triển “ở giữa”, “thứ ba”, được giải phóng khỏi các “thái cực” CNTB và CNXH. J.Neru cho rằng, “CNXH Ấn Độ” phản ánh con đường phát triển lịch sử và tinh thần độc đáo của Ấn Độ và đồng thời cũng cần phải tiếp thu những đặc điểm tích cực của “CNXH Xô viết” và “CNTB Mỹ”(11). L.S.Sengor nhận xét: “con đường thứ ba” là phương tiện duy nhất để củng cố nền độc lập. Nó giống với “CNXH dân chủ” tiếp nhận CNXH từ phương Đông và dân chủ từ phương Tây được đồng hóa theo kiểu châu Phi(12).
Tổng thống và Tổng bí thư Đảng XHCN Senegal, A.Diuf khẳng định: “Con đường XHCN và dân chủ của chúng ta tất nhiên có đặc trưng là sự can thiệp của nhà nước vào các khu vực kinh tế then chốt, như nông nghiệp, khai thác các nguồn nước, năng lượng, truyền thông, giao thông, v.v… Tính năng động và năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân là một trong các phương tiện vận động tiến lên theo con đường XHCN và dân chủ của chúng ta. Phát triển không thể là công việc chỉ của nhà nước. Trong tình hình đặc biệt của chúng ta, phát triển chỉ là hiện thực khi nó hợp nhất nỗ lực của tất cả mọi người”(13).
Tư tưởng “con đường thứ ba” không phải là mới. Song, ở hàng loạt quan điểm, tư tưởng này ở các nước Á - Phi khác với những biến thể của nó ở phương Tây. Một số người bảo vệ “CNXH” đề nghị xây dựng chế độ xã hội trung gian không chỉ nhờ tiếp thu những thành tố “tối ưu” của CNTB và CNXH mà còn bổ sung các thể chế dân tộc bản địa, như công xã nông thôn. Như vậy, quan điểm “con đường thứ ba” ở các nước đang phát triển bao gồm ba thành tố, song nó luôn biểu thị lợi ích của giai cấp tư sản dân tộc.
Hai là, quan điểm “kinh tế hỗn hợp”, có liên hệ mật thiết với tư tưởng “con đường thứ ba” là quan điểm rất phổ biến hiện nay. Tính chất đa thành phần kinh tế là đặc trưng cho cơ cấu kinh tế - xã hội của các nước đang phát triển. Ở đây diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa các lực lượng tiến bộ và các thế lực phản động, giữa những người ủng hộ CNXH và những người ủng hộ CNTB, giữa những người ủng hộ và những người phản đối phát triển khu vực kinh tế nhà nước. Phản ánh cuộc đấu tranh này chính là quan điểm “kinh tế hỗn hợp”. Những người ủng hộ quan điểm này cố gắng minh biện và luận giải nền kinh tế đa thành phần của các nước đang phát triển.
Trong một số trường hợp, giới cầm quyền ủng hộ quan điểm “kinh tế hỗn hợp” nhằm mục đích dung hòa các lực lượng xã hội thù địch, có quan điểm khác nhau về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là vấn đề quan hệ giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân trong nền kinh tế.
J.Neru là người ủng hộ quan điểm “kinh tế hỗn hợp”. Theo ông, cần phải sử dụng cả khu vực tư nhân, cả khu vực nhà nước trong kinh tế để xây dựng CNXH ở Ấn Độ. Đồng thời, đặc biệt ở những năm cuối đời, J.Neru cũng phê phán gay gắt kinh doanh tư nhân, trước hết là hoạt động của các tổ chức độc quyền, quan niệm đây không phải là một bộ phận cấu thành của nền dân chủ. J.Neru hy vọng làm suy yếu dần dần vai trò của khu vực tư nhân, loại thành phần kinh tế này ra khỏi các lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước theo con đường phát triển nền công nghiệp hiện đại trong khuôn khổ khu vực nhà nước. M.Gandi cũng ủng hộ quan điểm “kinh tế hỗn hợp”(14).
Các tư tưởng gia phương Tây tán thành các quan điểm “kinh tế hỗn hợp” và “con đường thứ ba”, vì họ nhận thấy chúng gần gũi với các lý luận “hội tụ”, “các giai đoạn phát triển xã hội”, “xã hội công nghiệp và xã hội hậu công nghiệp”. Đại bộ phận các nhà nghiên cứu phương Tây nhất trí với các phương diện của quan điểm “kinh tế hỗn hợp” mà việc thực hiện sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tư bản nước ngoài, các công ty xuyên quốc gia. Họ ủng hộ việc thu hẹp khu vực kinh tế nhà nước. Quan điểm “kinh tế hỗn hợp” thực chất là quan điểm tư sản.
Thực tế chứng tỏ khu vực kinh tế nhà nước là cơ sở cho tiến bộ nông nghiệp và công nghiệp của Ấn Độ(15). Phát triển khu vực kinh tế nhà nước góp phần thủ tiêu nền sản xuất kinh tế lạc hậu, củng cố độc lập kinh tế và tạo ra một số tiền đề vật chất để các nước châu Á và châu Phi phát triển theo con đường XHCN. Việc mở rộng và đẩy mạnh hoạt động kinh tế của nhà nước là nhân tố quan trọng cho phép nắm bắt và sử dụng những thành tựu của cách mạng khoa học - kỹ thuật.
Ba là, quan điểm “CNXH hợp tác xã”. Những người ủng hộ quan điểm “CNXH dân tộc” lý tưởng hóa các truyền thống và các thể chế công xã ở nơi chúng được giữ lại trên một quy mô đáng kể, kiên định quan điểm “CNXH hợp tác xã”. Vốn là tiền bối của quan điểm “CNXH Ấn Độ”, M.Gandi đã lý tưởng hóa công xã nông thôn gia trưởng cùng với cơ cấu xã hội trì trệ của nó. Việc M.Gandi coi nhẹ phát triển đại công nghiệp không được chấp nhận, song việc ông lý tưởng hóa công xã nông thôn đã có ảnh hưởng đến việc hoạch định kế hoạch “xã hội hóa” sản xuất kinh tế nông nghiệp Ấn Độ và chính sách thực hiện các dự án công cộng, ảnh hưởng đến một số quan điểm “CNXH công xã” ở các nước châu Á và châu Phi. Việc hợp tác hóa trong nông nghiệp, việc phát triển các dự án công cộng được trực tiếp gắn liền với việc xây dựng “xã hội theo khuôn mẫu XHCN”.
Một số tư tưởng gia châu Phi kiên định tư tưởng “CNXH công xã”, đồng nhất nó với việc phục hồi công xã nguyên thủy, với các truyền thống công xã và ý thức công xã. Các tư tưởng này được trình bày rõ ràng trong quan điểm “chủ nghĩa nhân văn Zambia”. Tổng thống Zambia, K.Kaunda kêu gọi giữ gìn công xã, các nguyên tắc của xã hội truyền thống. Theo ông, “chủ nghĩa nhân văn Zambia” thể hiện “sự tích hợp CNTB thế kỷ XIX với CNCS”(16). Nhà tư tưởng tiểu tư sản B.Onuola người Nigeria cũng cố gắng lý tưởng hóa các truyền thống công xã(17).
Vai trò của công xã trong sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng tại các nước châu Phi. Tuy nhiên, việc phục hồi các thể chế công xã lỗi thời, việc đem đối lập chúng với CNTB không phải là lối thoát ra khỏi thực trạng lạc hậu và nghèo nàn.
Việc các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác phê phán một số đại diện của CNXH tiểu tư sản khẳng định điều đó, đem lại các định hướng phương pháp luận để phân tích các dự án hiện đại của “CNXH công xã”. Các ông viết: “CNXH này có khả năng vạch ra rất rõ những mâu thuẫn trong quan hệ sản xuất hiện đại… Nhưng, xét về nội dung tích cực của mình, chủ nghĩa xã hội này cố gắng hoặc là phục hồi các tư liệu sản xuất và trao đổi cũ, và cùng với chúng là các quan hệ sở hữu cũ và xã hội cũ, hoặc là dùng bạo lực để nhồi nhét tư liệu sản xuất và trao đổi hiện đại vào khuôn khổ quan hệ sở hữu cũ, quan hệ đã bị phá vỡ và cần phải bị phá vỡ. Trong cả hai trường hợp, nó đều đồng thời là phản động và không tưởng. Tổ chức công việc phân xưởng và sản xuất nông nghiệp gia trưởng - đó là tiếng nói cuối cùng của nó”(18).
Sự phản đối của các tư tưởng gia “CNXH châu Phi” chống lại áp bức, khủng hoảng, bóc lột, chiến tranh do CNTB tiến hành, là hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, ý định lý tưởng hóa và phục hồi chế độ công xã là xa rời thực tế. Đặc trưng cho CNCS nguyên thủy là sự phát triển rất yếu kém của lực lượng sản xuất, không thể phục hồi nó ở thời đại cách mạng khoa học - kỹ thuật, khi mà nhu cầu vật chất và tinh thần của các dân tộc Á và Phi tất yếu tăng lên. Những biện pháp nông nghiệp ở các nước đi theo định hướng TBCN trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ mang tính chất dân chủ tư sản. Các công xã nông dân bị tan rã do tác động của quan hệ TBCN đang phát triển. Ảnh hưởng của phú nông và tư bản đầu cơ - thương mại tăng lên trong các liên minh hợp tác xã. Tại nhiều khu vực, sự phát triển của CNTB đi liền với việc duy trì quan hệ nửa phong kiến. Thực tiễn cho thấy, chỉ có định hướng phát triển XHCN mới đem lại cho nông dân ruộng đất, tiến bộ tinh thần và vật chất.
Tư tưởng “CNXH” Á - Phi là sự minh biện về hệ tư tưởng cho nền dân chủ tư sản. Các nhà tư tưởng “CNXH” Á - Phi bảo thủ cố gắng hợp nhất các tầng lớp xã hội đông đảo nhất dưới những khẩu hiệu của mình. Sự phát triển của tư tưởng “CNXH” Á - Phi bao hàm các xu hướng dân chủ, phản đế. Chẳng hạn, gắn liền với tên tuổi J.Neru là việc nghiên cứu và thực hiện vào cuộc sống các nguyên tắc “CNXH Ấn Độ” như quan điểm “kinh tế hỗn hợp” và tăng cường vai trò của khu vực kinh tế nhà nước, áp dụng nguyên tắc kế hoạch hóa vào đời sống kinh tế, tiến hành chính sách trung lập và không liên kết tích cực với các nhóm quân sự - chính trị, phê phán chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Việc thực hiện các nguyên tắc này đã có ảnh hưởng tích cực đến phát triển kinh tế và chính trị đất nước. Các phương diện tiến bộ trong nền chính trị Ấn Độ được tiếp tục phát triển ở giai đoạn cầm quyền của Chính phủ do Indira Gandi đứng đầu. Radji Gandi tuyên bố sự kiên định kế tục con đường trung thành với sự nghiệp XHCN và chế độ xã hội công bằng.
Tư tưởng “CNXH” Á - Phi phổ biến ở châu Á và châu Phi thể hiện các đặc điểm chung, riêng và đặc thù. Xét về nội dung xã hội, các quan điểm này phục vụ mục đích làm “cái bình phong” cho sự phát triển quan hệ TBCN. Tuy nhiên, các khuynh hướng dân chủ và bảo thủ trong “CNXH” Á - Phi là khác nhau đáng kể. Một số lý luận “CNXH” Á - Phi dân chủ luận chứng cho sự cần thiết phải đấu tranh nhằm củng cố độc lập kinh tế, chống lại chủ nghĩa đế quốc, kêu gọi thủ tiêu các “thái cực” khi phân phối thu nhập quốc dân, tôn trọng các quyền dân chủ của công dân, hạn chế kinh doanh lớn. Thực tiễn phát triển kinh tế và xã hội của các nước đi theo định hướng phát triển TBCN cho thấy rõ tính vô căn cứ của các phương pháp và các mục đích của những người bảo vệ tư tưởng “CNXH” Á - Phi bảo thủ, của tư tưởng “hợp tác xã hội”.
_________________
Ngày nhận bài : 7-12-2-22 ; Ngày bình duyệt : 16-12-2022 ; Ngày duyệt đăng : 20-02-2023.
(1) C.Wauthier: L’Afrique des africains. Inventaire de la négritude, Paris, 2017, p. 207.
(2)M.Harrington. Socialism, N.Y., 2019, p. 214-149 ; S.Good. The Prophet and the Revolutionary. Arab Socialism in the Modern Middle East, N.Y., 2015 ; D.Austin. Politics in Africa. Manchester, 2018; International Affairs. (L.), 1980/81, Vol. 57, p. 19-20.
(3) Xem V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.243.
(4) Những vấn đề đấu tranh tư tưởng tại các nước châu Á và châu Phi, Mátxcơva, 1999, tr.172.
(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.284.
(6) R.W.Sterling: Macropolitics. International Relations in a Global Society, N.Y., 2019, p. 505.
(7) Economic Review, 1958, 15.VIII.
(8) Indian National Congress (I) Election Manifesto, 1980 – All India Congress Committee. New Delhi, 1979, p. 2.
(9) J.Neru: Phát hiện Ấn Độ. Delhi, 1995, tr.24.
(10) Xem: Châu Á và châu Phi hôm nay, 2019, No 10, tr.43.
(11) T.Mende: Conversations with mr.Neru, London, 1996, p.77.
(12) L.S.Senghor: La poésie de l’action. Conversations avec Mohamed Aziza. Paris, 1980, p.246.
(13) Le Soleil (Dakar), 1985, 17.V.
(14) Hindustan Times (Delhi), 1985, 7.V.
(15) Xem: Châu Á và châu Phi hôm nay, 1981, No8, tr.10; 1985, No1, tr.11.
(16) K.Kaunda: Humanism in Zambia. Lusaka, 1994, p. 11.
(17) B.Onuola: The Elemants of African Socialism, London, 1995, p.30-35.
(18) C.Mác, Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.450.
ThS MAI PHƯƠNG THẢO
Ban Dân vận Trung ương