(LLCT) - Công tác quy hoạch cán bộ đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Công tác quy hoạch cán bộ đòi hỏi phải tiến hành theo trình tự, mục tiêu, thời gian nhất định đáp ứng cả nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới đất nước của Lào. Bài viết phân tích thực trạng công tác quy hoạch cán bộ ở 5 tỉnh miền Trung Lào và một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới.
BOUNLAY SOULIVANH
NCS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Mở đầu
Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có diện tích 236.800 km2 dân số 7.231.211 người, gồm thủ đô Viêng Chăn và 17 tỉnh. Miền Trung Lào gồm 5 tỉnh: Xaysổmbun, Viêng chăn, BolikhămXay, Khămmuộn, Savănnakhết, có vị trí địa chính trị, địa kinh tế rất quan trọng. Đây là các tỉnh có truyền thống cách mạng; hệ thống chính trị được hình thành sớm, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị tương đối ổn định. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, cộng đồng dân cư đa dân tộc tiềm ẩn những yếu tố bất ổn,... cho nên công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có công tác quy hoạch cán bộ của các tỉnh miền Trung của Lào có những khó khăn nhất định.
Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập khu vực và thế giới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới càng có vai trò quan trọng. Quy hoạch cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ, thuộc trách nhiệm của chủ thể lãnh đạo, trước hết là tập thể Ban Thường vụ cấp ủy và cá nhân người đứng đầu tổ chức, nhằm chủ động tạo nguồn nhân sự trẻ, thu hút và phát hiện nhân tài; làm cơ sở cho đào tạo, bố trí, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị có số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý. Chủ tịch Cayxon Phômvihản đã nói: Muốn thực hiện được đường lối, chính sách của Đảng, phải có một lực lượng cán bộ vững mạnh. Cán bộ là vốn quý nhất của Đảng, là người lãnh đạo nhân dân, là người phục tùng nhân dân, là cầu nối giữa Đảng và quần chúng. Sau khi Đảng đã có đường lối, chính sách đúng đắn, mọi công việc cách mạng của Đảng sẽ tốt hay xấu, sẽ thắng lợi hay thất bại đều do cán bộ của Đảng quyết định.
Luật Cán bộ công chức, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (năm 2015) ghi rõ: “Công tác quản lý, quy hoạch cán bộ của Đảng được phân công, phân cấp giữa Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng ở địa phương”. Theo đó, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý ở các tỉnh miền Trung là những người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu của các cơ quan trong bộ máy tổ chức: Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước, các tổ chức chính trị - xã hội và một số tổ chức xã hội ở cấp tỉnh, huyện.
Quy định số 02 ngày 17-10-2006 của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào quy định một số nguyên tắc trong công tác quy hoạch cán bộ, cụ thể:
Một là, tôn trọng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ. Quy hoạch cán bộ là trách nhiệm của cấp ủy đảng theo phạm vi trách nhiệm quản lý cán bộ, bảo đảm vai trò lãnh đạo tập trung của Ban Thường vụ tỉnh ủy, các cấp ủy, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Hai là, xây dựng quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý thực hiện đồng bộ, xác định rõ tiêu chuẩn từng chức danh cán bộ; bám sát các quan điểm, định hướng của cấp trên, thực hiện thận trọng, nghiêm túc, đầy đủ các bước, đúng tiến độ thời gian quy trình.
Ba là, công tác quy hoạch cán bộ có tính “động” và “mở”.
Công tác quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thực hiện công khai, mở rộng, dân chủ, bảo đảm khoa học, hợp lý và sát thực tiễn.
2. Thực trạng quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý ở các tỉnh miền Trung của Lào
Công tác quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý ở các tỉnh miền Trung của Lào đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: Đã tổ chức tốt nghiên cứu, quán triệt chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác quy hoạch cán bộ nói chung và quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý nói riêng, qua đó nhận thức của đội ngũ cán bộ đảng viên đối với công tác này từng bước được nâng lên. Ban Thường vụ tỉnh ủy các tỉnh đã tích cực chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, đề án, văn bản hướng dẫn nhằm thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ.
Công tác quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh uỷ quản lý được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng phương châm, nguyên tắc, quy trình, quy định và hướng dẫn của Trung ương (cán bộ đương chức các chức danh lãnh đạo quản lý bảo đảm mỗi cơ quan có 1 cán bộ cấp trưởng và từ 1 đến 3 cán bộ cấp phó theo quy định, số cán bộ trong quy hoạch các chức danh này bình quân đạt từ 2-3 người/chức danh). Số lượng, chất lượng quy hoạch cán bộ được nâng lên, cơ cấu hợp lý hơn và đáp ứng yêu cầu (tuổi đời bình quân là 55, trong đó, tuổi dưới 40: 54 đồng chí, chiếm 4,78%; tuổi từ 41- 45: 342 đồng chí, chiếm 32,94%; tuổi từ 46 - 50: 480 đồng chí, chiếm 39,98%, tuổi từ 51- 55:298 đồng chí, chiếm19,07%, tuổi trên 55: 129 đồng chí, chiếm 2,79%).
Công tác quản lý quy hoạch cán bộ bước đầu đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch cán bộ với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ (có 47,58% cán bộ có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C tiếng Anh và tin học sử dụng được máy vi tính trong chuyên môn). Định kỳ tổng hợp đánh giá số lượng, chất lượng, cơ cấu các cán bộ trong quy hoạch thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh uỷ quản lý để có những điều chỉnh kịp thời. Đội ngũ cán bộ này có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường kiên định, kiến thức về nhiều mặt được củng cố và từng bước hoàn thiện; năng lực lãnh đạo, quản lý và điều hành công việc được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch cán bộ tại các tỉnh miền Trung của Lào còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém đó là: Nhận thức của một số cấp ủy còn hạn chế dẫn đến việc học tập, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa sâu sắc, toàn diện. Trình độ đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, còn nhiều hạn chế. Tiến độ triển khai thực hiện công tác quy hoạch cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm. Thực hiện các nội dung, quy trình quy hoạch cán bộ còn lúng túng, chưa có sự đột phá; số lượng, chất lượng, cơ cấu cán bộ trong quy hoạch các chức danh cán bộ còn hạn chế, bất cập, chưa thể hiện rõ tầm nhìn xa, đáp ứng nhiệm vụ lâu dài. (Tuổi bình quân cán bộ nhìn chung còn cao, bình quân 55 tuổi, cán bộ trong quy hoạch có độ tuổi trên 55 còn chiếm 14,93%, trong khi cán bộ trẻ dưới 40 tuổi chỉ chiếm 4,78%, tỷ lệ cán bộ nữ vẫn ở mức thấp dưới 15,89%. Cán bộ là người dân tộc thiểu số: 254 đồng chí, chiếm 22,49%, cán bộ người dân tộc là nữ: 15 đồng chí).
3. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý ở các tỉnh miền Trung của Lào
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy và cấp ủy viên các cấp, cán bộ lãnh đạo các cơ quan đơn vị, địa phương về công tác quy hoạch cán bộ thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu quyết định đến kết quả tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ. Khi chưa nhận thức đúng, đầy đủ thì không thể hành động đúng và hiệu quả, vì vậy, phải tạo ra sự chuyển biến mới trong nhận thức để có sự đồng thuận, thống nhất cao trong hành động, tổ chức thực hiện. Thực tiễn cho thấy, nơi nào cán bộ nhận thức đúng ý nghĩa, nội dung, yêu cầu của công tác quy hoạch cán bộ thì nơi đó thực hiện công tác này đạt chất lượng tốt. Ngược lại, nơi nào nhận thức không đầy đủ thì việc thực hiện chỉ mang tính hình thức, đối phó, kém hiệu quả.
Ban Thường vụ tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải xác định rõ trách nhiệm trong công tác quy hoạch cán bộ; tiếp tục quán triệt sâu rộng trong cấp uỷ và trong toàn thể cán bộ, đảng viên quan điểm của Đảng được thể hiện ở nghị quyết các đại hội, nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, các kế hoạch, hướng dẫn của Ban Thường vụ tỉnh ủy về công tác quy hoạch cán bộ, làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn về vị trí, tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ, hiểu rõ quan điểm, nguyên tắc, phương châm, quy trình thực hiện quy hoạch cán bộ, từ đó tự giác, quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra.
Ban Thường vụ tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng từng tỉnh, đặc biệt là bí thư cấp ủy, ủy viên Ban Thường vụ, cấp ủy viên các cấp phải tích cực nghiên cứu, bám sát đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng trong từng thời kỳ, đề ra các nghị quyết, kế hoạch, quy chế, quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ. Từ đó lãnh đạo các cơ quan nhà nước, các đoàn thể nhân dân trong tỉnh tổ chức thực hiện tốt quy hoạch cán bộ.
Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị, địa phương về phương châm quy hoạch cán bộ "động" và "mở", không chỉ chú trọng vào một số chức danh, mà phải bao quát cả đội ngũ; nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa công tác quy hoạch cán bộ với bố trí nhân sự, trong đó quy hoạch cán bộ là cơ sở cho bố trí nhân sự. Quy hoạch cán bộ phải được tiến hành thận trọng, khách quan, bảo đảm dân chủ, phát huy được trí tuệ của tập thể.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy và các cấp ủy đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm cơ quan tham mưu và quần chúng nhân dân đối với công tác quy hoạch cán bộ
Theo Điều 23 của Quy định về phân cấp quản lý cán bộ ban hành kèm theo Quyết định số 11-QĐ/TW ngày 21-08-2019 của Bộ Chính trị Đảng nhân dân cách mạng Lào quy định: Ban Thường vụ tỉnh ủy và các cấp ủy đảng lãnh đạo toàn diện công tác quy hoạch cán bộ, có thẩm quyền xem xét, quyết định việc quy hoạch cán bộ. Quy chế làm việc của tỉnh ủy các tỉnh đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí tỉnh ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ, trong đó có nhiệm vụ lãnh đạo công tác cán bộ. Vì vậy, tăng cường công tác kiểm tra công tác quy hoạch cán bộ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Định kỳ tổ chức tổng kết, chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm, rút ra những bài học thực tiễn và đề ra những giải pháp lãnh đạo thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch cán bộ.
Đối với các cơ quan tham mưu: Chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng quy hoạch cán bộ diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý. Vì vậy, phải phát huy tốt vai trò của các cơ quan tham mưu giúp việc, đó là Ban Tổ chức tỉnh ủy, Sở Nội vụ và Ban Tổ chức cấp ủy ở các huyện, thành ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc; cơ quan tổ chức cán bộ ở các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.
Các cơ quan này phải thường xuyên nghiên cứu, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, xây dựng và ban hành các văn bản cụ thể hoá các quan điểm, chủ trương, phương châm, nguyên tắc của Đảng. Thu thập, tổng hợp các thông tin về nguồn cán bộ, rà soát, nhận xét, đánh giá cán bộ, kiểm tra công tác quy hoạch cán bộ ở cấp dưới, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ và chính sách đối với đội ngũ cán bộ, phục vụ một cách tốt nhất công tác quy hoạch cán bộ.
Đối với quần chúng nhân dân: Quần chúng nhân dân có mặt ở khắp mọi nơi, người cán bộ đi đến đâu, làm gì, quần chúng đều biết, năng lực, phẩm chất, ưu điểm, khuyết điểm cán bộ đều được quần chúng nhận xét, đánh giá khách quan nhất. Vì vậy, có vai trò rất quan trọng trong công tác cán bộ nói chung và quy hoạch cán bộ nói riêng.
Ban Thường vụ tỉnh ủy cần chỉ đạo các cơ quan chức năng trước khi quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải tổ chức xin ý kiến nhận xét của quần chúng nhân dân, quan tâm đến dư luận, thông tin phản ánh của quần chúng nhân dân đối với cán bộ đương chức và trong quy hoạch chức danh thuộc diện mình quản lý. Quần chúng nhân dân không những đóng góp tích cực nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ mà còn trực tiếp góp phần làm cho bộ máy của Đảng, chính quyền, đoàn thể ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện quy trình quy hoạch cán bộ, cụ thể hóa các tiêu chuẩn từng chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý phù hợp với đặc thù của các tỉnh miền Trung của Lào
Quy trình quy hoạch cán bộ bao gồm nhiều khâu, mỗi khâu lại có nội dung, cách làm khác nhau, nhưng chúng có mối liên hệ biện chứng với nhau, làm điều kiện, tiền đề cho nhau bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch cán bộ. Chính vì vậy, Ban Thường vụ tỉnh ủy phải lãnh đạo đổi mới, hoàn thiện, chuẩn hóa nội dung, quy trình quy hoạch cán bộ trên cơ sở quán triệt, nghiên cứu các nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị.
Trong từng thời kỳ, vận dụng khoa học, sáng tạo để cụ thể hoá quy trình phù hợp, bảo đảm thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý của từng tỉnh.
Tiến hành công tác quy hoạch cán bộ phải kết hợp thực hiện đồng bộ với các khâu trong công tác cán bộ, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của các cấp có thẩm quyền đối với các cán bộ trong quy hoạch.
Tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý là hệ thống các tiêu chí chuẩn mực về phẩm chất, năng lực, trình độ và uy tín cần có của người cán bộ để đảm đương tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công. Xây dựng, cụ thể hoá tiêu chuẩn chức danh cán bộ là để làm căn cứ xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ. Quá trình xây dựng đòi hỏi sự chính xác, khách quan, khoa học, quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ; đồng thời cũng phải xuất phát từ những đặc điểm cụ thể từng địa phương, đơn vị.
Thứ tư, làm tốt công tác đánh giá, tạo nguồn, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ, quy hoạch các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý
Đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên, hết sức quan trọng trong công tác cán bộ; để biết cán bộ tốt, kém, người có tài, bất tài, từ đó mới có thể lựa chọn, quy hoạch, bố trí, sử dụng đúng cán bộ, hạn chế được những thiếu sót, sai lầm trong công tác cán bộ.
Đánh giá đúng cán bộ sẽ kích thích được mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của mỗi cán bộ. Muốn thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ thì định kỳ phải đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, trình độ, kết luận rõ ràng, chính xác những ưu điểm, nhược điểm, sở trường, sở đoản của từng cán bộ kể cả đương chức và dự nguồn quy hoạch các chức danh này, có hồ sơ lưu trữ kết quả đánh giá để theo dõi, kiểm tra mức độ phấn đấu của cán bộ trên từng cương vị.
Quy hoạch cán bộ và việc bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ có quan hệ mật thiết với nhau, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ sẽ tạo nguồn cán bộ dồi dào, đáp ứng yêu cầu bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ. Quy hoạch cán bộ phải gắn liền với bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ hợp lý; từng bước đưa cán bộ trong quy hoạch vào các vị trí phù hợp, để qua công tác thực tế họ được rèn luyện, thử thách, tạo uy tín và vị thế cần thiết, chuẩn bị cho việc giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vào các chức danh quy hoạch.
Bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên, quyết định hiệu quả chất lượng của đội ngũ cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ phải thường xuyên quán triệt phương châm “động”, “mở”. Khi bố trí sử dụng, luân chuyển cán bộ, phải có kế hoạch, hoặc đề án cụ thể, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, phải bảo đảm tiêu chuẩn, thực hiện đúng lúc, đúng người, đúng việc và phải theo một quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan.
Thứ năm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hoàn chỉnh quy hoạch cán bộ; phát hiện, khắc phục các biểu hiện tiêu cực
Trên cơ sở quy hoạch cán bộ đã được xác nhận, cần tăng cường thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách hợp lý, tạo điều kiện để cán bộ trong quy hoạch được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là đối với các đồng chí còn chưa đủ các tiêu chuẩn.
Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh và cấp huyện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xây dựng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ được điều động, luân chuyển từ nơi khác đến địa phương công tác. Thực hiện tốt chính sách như: Bảo lưu lương và phụ cấp hiện hưởng nếu mức lương, phụ cấp của chức vụ sau khi luân chuyển thấp hơn.
Định kỳ tổ chức kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, đánh giá, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác quy hoạch cán bộ ở các cấp, các ngành trong tỉnh. Kiên quyết thay thế những cán bộ không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, cục bộ, bè phái, tư tưởng chủ quan, bệnh hẹp hòi, ích kỷ, cảm tình cá nhân hoặc định kiến cá nhân trong thực hiện công tác cán bộ, những hành vi lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để “móc ngoặc”, bao che giúp đỡ cho các đối tượng xấu trong việc “chạy vào quy hoạch”, “chạy chỗ”, “chạy chức”, “chạy tuổi”, “chạy bằng cấp”.
4. Kết luận:
Trong tình hình mới, trước yêu cầu nhiệm vụ sự nghiệp cách mạng của Lào, đòi hỏi công tác quy hoạch cán bộ phải đổi mới để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh uỷ quản lý ở các tỉnh miền Trung của Lào là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành, là công việc phức tạp với nhiều khâu, nhiều bước, nhiều nội dung, thời gian dài. Quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ phải kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời từng bước khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém.
Thực hiện quy hoạch cán bộ phải toàn diện, đồng bộ, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, nhất là Ban Thường vụ, cấp ủy đảng các tỉnh miền Trung của Lào, bảo đảm đúng quan điểm, nguyên tắc của Đảng, đúng phương châm “động” và “mở”, thống nhất, hiệu quả thiết thực.
_________________
Ngày nhận bài; 04-02-2024; Ngày bình duyệt: 21-02-2024; Ngày duyệt đăng: 26-4-2024.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.181.
2. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Nxb Quốc gia, Viêng Chăn, 2016.
3. Đinh Xuân Lý: Một số chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2008.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.309.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.269, 273.
6. Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào: Luật cán bộ công chức, năm 2015.
7. Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào: Chỉ thị về thực hiện chỉ thị số 34/TTCP, ngày 23/08/2017 số 14/TTATP, ngày 02-11-2011.
8. V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2005, tr.473.