Đào tạo - Bồi dưỡng

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ người dân tộc thiểu số tại Trường Chính trị Lê Duẩn, tỉnh Quảng Trị

02/05/2024 17:14

(LLCT) - Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên của tỉnh là một chức năng cơ bản của Trường chính trị. Thực hiện Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2025, chiến lược đến 2030, từ năm 2018 đến nay, Trường Chính trị Lê Duẩn, tỉnh Quảng Trị đã mở được 02 lớp đào tạo lý luận chính trị và 3 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên dành riêng cho đối tượng học viên là người dân tộc thiểu số. Qua đó, nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức này.

NGUYỄN THỊ CHÍNH
Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ người dân tộc thiểu số tại Trường Chính trị Lê Duẩn, tỉnh Quảng Trị
Trường Chính trị Lê Duẩn tổ chức học tập chuyên đề năm 2024 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí"_Ảnh: truongleduan.quangtri.gov.vn

Đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng có vai trò, vị trí quan trọng, là lực lượng nòng cốt đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Đồng thời, tổ chức cho nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Chỉ có đồng bào và cán bộ người dân tộc mình mới hiểu dân tộc mình sâu sắc nhất, để phát huy mọi truyền thống tốt đẹp của dân tộc và mọi tiềm năng của quê hương mình trong việc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”(1). Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ nói chung, cán bộ người DTTS nói riêng là nhiệm vụ quan trọng của Trường Chính trị Lê Duẩn, tỉnh Quảng Trị.

1. Những kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho học viên người DTTS

Thời gian qua, Tỉnh ủy Quảng Trị đã chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện cán bộ là người DTTS. Xác định đào tạo đội ngũ cán bộ người DTTS là nhiệm vụ hết sức quan trọng bởi đội ngũ này đóng vai trò quyết định trong lãnh đạo, quản lý, vận động đồng bào DTTS lao động sản xuất, tổ chức đời sống, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ người DTTS ở Quảng Trị có cơ cấu giữa các dân tộc khá hợp lý, được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao. Nhiều người giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trường Chính trị Lê Duẩn có chức năng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Quảng Trị và 02 tỉnh Salavan và Savannakhet của nước bạn Lào. Nhà trường đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh mở các lớp đào tạo về lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường ngày càng khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Thực hiện Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND, ngày 18 - 7 - 2018 vềchính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người DTTS tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 – 2025, chiến lược đến 2030, đến nay, Nhà trường đã mở được 02 lớp đào tạo lý luận chính trị và 03 lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên dành riêng cho đối tượng học viên là người DTTS. Qua đó, đã nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực quản lý cho học viên. Tính đến tháng 9-2023, 100% cán bộ người DTTS có bằng trung cấp lý luận chính trị, 93% cán bộ có chứng chỉ bồi dưỡng ngạch chuyên viên, 70% cán bộ chuyên trách có bằng trung cấp chính trị.

Kết quả trên cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt coi trọng; trong quá trình học tập, Nhà trường luôn động viên, giúp đỡ,tạo điều kiệnđể học viên yên tâm học tập, giúp học viên nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đối với các lớp được đào tạo, bồi dưỡng theo Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND, Nhà trường phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện các chế độ liên quan đến tổ chức lớp học. Công tác tổ chức lớp học được tiến hành khoa học, lựa chọn địa điểm thuận lợi nhất để bảo đảm cán bộ người DTTS có điều kiện tham gia học tập. Học viên đi học được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định. Trên cơ sở khung chương trình, Nhà trường đổi mới chất lượng bài giảng theo hướng sâu sát thực tế hơn để học viên dễ nắm bắt, tiếp cận. Tổ chức đi thực tế ở những địa phương khác để học viên có cơ hội tham quan, học hỏi. Từ những chuyến đi thực tế do Nhà trường tổ chức, học viên được trải nghiệm và học hỏi nhiều kinh nghiệm, giúp nâng cao nhận thức và tầm nhìn cho học viên.

Nhà trường bố trí đủ ký túc xá bảo đảm nơi ở và có bếp ăn cho học viên học tập tại trường. Sau giờ lên lớp, học viên có thể tham gia sinh hoạt văn hóa, thể thao ngay tại trường.

Trong đào tạo, bồi dưỡng cho học viên người DTTS, Nhà trường luôn chăm lo từ sinh hoạt hằng ngày đến việc học tập. Trường luôn ưu tiên bố trí ký túc xá cho họ, bố trí nơi ăn, chốn ở đầy đủ.

Trong học tập, đối với học viên người DTTS, giảng viên luôn gợi mở, đưa ra những ví dụ liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội ngay tại cơ sở, địa phương nơi họ sinh sống để họ dễ tiếp thu nhất; có chính sách miễn, giảm tiền học bù, học lại đối với họ. Việc ra đề thi luôn rõ ràng, ngắn gọn không mang tính đánh đố, phần liên hệ ngay tại địa phương để học viên có thêm nhiều thông tin. Với những học viên người DTTS có con nhỏ, Trường tạo điều kiện bố trí chỗ ở cho họ để họ vừa được tham gia học tập vừa có thể chăm con; phân công các tổ chức, đoàn thể trong Trường giúp đỡ về vật chất, động viên tinh thần để họ vượt qua khó khăn, bảo đảm học tập. Đến nay, 100% học viên người DTTS tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng đều hoàn thành chương trình học và được cấp bằng, chứng chỉ tốt nghiệp theo đúng quy định.

2. Những hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho học viên người DTTS

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho học viên người DTTS vẫn còn gặp những khó khăn như: Học viên người DTTS thường ở xa trường hoặc xa các trung tâm chính trị huyện nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn đặc biệt vào mùa mưa lũ, đời sống kinh tế của học viên còn khó khăn, trình độ học vấn còn hạn chế, một số học viên chưa nói rành tiếng của người Kinh nên khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng.

3. Nguyên nhân

Thứ nhất,do cơ hội học tập không nhiều, nhân thức về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn hạn chế, bị động trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan quản lý; cán bộ người DTTS thường muốn lựa chọn những lớp học được tổ chức tại Trung tâm chính trị huyện để thuận tiện hơn cho việc đi lại, phù hơp hơn với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân.

Thứ hai,cơ chế hỗ trợ của địa phương cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế; đa số học viên ở xa trung tâm, việc ăn, ở, đi lại đặc biệt khó khăn, phần lớn học viên tự túc kinh phí để trang trải cho việc học nên chưa tạo động lực thúc đẩy học viên tham gia học tập.

Thứ ba, thời tiết ở tỉnh Quảng Trị thường không thuận lợi, đặc biệt vào mùa mưa lũ, ở các xã vùng sâu dễ bị chia cắt, cô lập nhiều ngày khi trời mưa to dẫn đến học viên không thể ra trung tâm tham gia học tập đầy đủ; hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối mạng còn yếu, phương tiện máy móc còn hạn chế nên học viên khó tiếp cận tham gia các lớp học online.

4. Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho học viên người DTTS

Để khắc phục những hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho học viên DTTS góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng để bám làng, bám bản; lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; kịp thời giải quyết các chế độ chính sách liên quan cho học viên để họ yên tâm học tập. Đối với những học viên không thuộc các lớp thực hiện theo Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND và không học tập trực tiếp tại trường mà học ở các trung tâm chính trị các huyện, huyện cần quan tâm bố trí, sắp xếp chỗ ở cho học viên hoặc hỗ trợ thêm về vật chất, kinh phí để học viên có điều kiện học tập tốt hơn.

Hai là, các địa phương cần chủ động trong công tác thống kê số lượng cán bộ người DTTS đã qua và chưa qua đào tạo trình độ lý luận chính trị và các chương trình bồi dưỡng liên quan, báo cáo gửi các cơ quan, ban, ngành và Trường Chính trị Lê Duẩn để Nhà trường chủ động trong triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với học viên người DTTS.

Ba là, đối với những xã có học viên người dân tộc thiểu số đi học, lãnh đạo xã cần hết sức tạo điều kiện cho họ để họ chuyên tâm cho việc học tập; bố trí người thay thế đảm nhiệm công việc và có sự hỗ trợ cần thiết về vật chất lẫn tinh thần để học viên được yên tâm khi tham gia học tập và các hoạt động do Nhà trường tổ chức.

Bốn là, đối với những lớp có học viên người DTTS hoặc những lớp chỉ dành riêng cho đối tượng này, Nhà trường nên định hướng giảng viên soạn bài theo hướng sâu sát hơn với thực tiễn cơ sở; giải thích chi tiết, rõ ràng các quan điểm, luận điểm, có ví dụ minh họa từ thực tiễn để giúp học viên dễ hiểu, nắm bắt đúng vấn đề giảng viên truyền đạt. Nội dung các bài thi, bài kiểm tra phải vừa sức, phù hợp với trình độ nhận thức của học viên.

Năm là, Nhà trường cần thường xuyên thực hiện việc đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho học viên người DTTS sau mỗi khóa học; có kiến nghị, đề xuất với các cơ quan liên quan để thực hiện tốt hơn ở các khóa học tiếp theo.

Sáu là, bố trí đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, lối sống, cách nghĩ của đồng bào DTTS làm công tác chủ nhiệm lớp để nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng của học viên.

Bảy là, Nhà trường cần tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về giảng dạy cho đối tượng là cán bộ người DTTS để phát huy các sáng kiến, kinh nghiệm của cán bộ, giảng viên. Qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ là người DTTS.

_________________

Ngày nhận bài: 1-11-2023; Ngày bình duyệt: 5-11-2023; Ngày duyệt đăng: 2-5-2024.

(1) Phạm Văn Đồng: Truyền thống tốt đẹp của Việt Nam: Sự đoàn kết hòa hợp của các dân tộc anh em cùng nhau giữ nước và dựng nước, Báo Nhân dân ra ngày 15-01-1986, tr.3-4.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ người dân tộc thiểu số tại Trường Chính trị Lê Duẩn, tỉnh Quảng Trị
    POWERED BY