(LLCT) - Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình mới. Hiện nay, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn nước ta tương đối dồi dào, song hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn mang tính tự phát, chồng chéo, chưa gắn với việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó hiệu quả chưa cao. Trên cơ sở phân tích thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nước ta trong thời gian tới.
Sản phẩm đồ gỗ được làm ra từ bàn tay tài hoa và tâm huyết của những nghệ nhân và thợ giỏi ở làng gỗ Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định - Ảnh: vietnam.vnanet.vn
1. Vai trò của đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nước ta
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn, xem đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Người đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ “Phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện”(1).
Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng vai trò của nông dân. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05-8-2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chỉ rõ mục tiêu: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ bản lĩnh chính trị và đóng vai trò làm chủ nông thôn mới, đồng thời giải quyết việc làm, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn”(2).
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đồng thời, đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; giảm thiểu các tệ nạn xã hội, giảm áp lực về nhu cầu việc làm tại các thành phố lớn; thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn.
Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” xác định: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn(3).
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nước ta hiện nay đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tổ chức, doanh nghiệp, xây dựng được nội dung, chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện rõ ràng. Hoạt động đào tạo nghề có sự tham gia của các trung tâm đào tạo hướng nghiệp, dạy nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh để hướng đến xuất khẩu lao động, khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, qua đó tạo việc làm cho lao động nông thôn trong độ tuổi lao động hoặc đã hết tuổi lao động nhưng vẫn còn sức lao động, có nhu cầu về việc làm để tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống.
Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 là 51,7 triệu người, trong đó, lực lượng lao động ở nông thôn là 32,2 triệu người. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong khu vực nông thôn là 61,9%; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực này là 6,68%. Năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên tại khu vực nông thôn là 16%(4).
Trong những năm qua, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực thúc đẩy công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp,nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Khu vực nông thôn với nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh đã đáp ứng nhu cầu việc làm tại chỗ cho người nông dân. Một bộ phận lao động trong độ tuổi lao động là thanh niên với ngành nghề thích hợp đã xuất khẩu lao động, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, trang trải cuộc sống gia đình, từng bước góp phần thay đổi diện mạo đời sống của người dân ở vùng nông thôn.
Chính quyền địa phương các cấp đã chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hằng năm, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, các địa phương đã có chính sách thu hút các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, các trường đào tạo lao động kỹ thuật tham gia đào tạo để có lao động tinh hoa tại các làng nghề. Do đó, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Điển hình như: tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tuyển sinh và dạy nghề cho 57.482 lao động nông thôn, trong đó, dạy nghề nông nghiệp cho 33.424 người; dạy nghề phi nông nghiệp 24.058 người. Trên 80% lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm và có thu nhập ổn định. Công tác đào tạo nghề đa dạng về hình thức và loại hình, số lượng cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tăng lên, đến nay có 22 cơ sở, gồm: 4 trường trung cấp, 2 trường cao đẳng, 9 trung tâm dạy nghề và các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp khác. Trong đó, cơ sở đào tạo nghề công lập chiếm 75%; quy mô đào tạo được mở rộng theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường…(5)
Hà Nội là địa phương thực hiện tốt Chương trình nông thôn mới, trong đó đặc biệt chú trọng mở rộng đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn. Giai đoạn 2010-2020, Hà Nội đã mở hơn 6.000 lớp đào tạo nghề cho gần 220 nghìn lao động nông thôn. Sau khóa học, hơn 80% lao động có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, chất lượng cao hơn(6).
Bắc Giang đã vượt qua những khó khăn, thách thưức trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thônvà đạt được nhiều thành công. Tỉnh đã tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề cho các đối tượng ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình… Từ đó, tổ chức đào tạo nghề phù hợp, đúng mục đích, đáp ứng nhu cầu của địa phương và nhu cầu của người lao động. Việc đào tạo nghề đã đem lại hiệu quả cao ở các huyện như Lục Nam và Yên Dũng.
Ở huyện Lục Nam, giai đoạn 2010-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo hơn 40.200 lao động trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên; hơn 80% người lao động sau khi học nghề được giải quyết việc làm, 100% người lao động học nghề nông nghiệp có thể ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào hoạt động sản xuất của gia đình. Huyện Yên Dũng, giai đoạn 2020-2021, có hơn 5.100 người lao động được đào tạo; trong đó đào tạo trình độ cao đẳng 181 người, trung cấp 662 người, sơ cấp hơn 1.000 người, đào tạo dưới ba tháng hơn 3.200 người. Số lao động được đào tạo có việc làm là hơn 4.300 người(7). | Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” xác định: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. |
Nhìn chung, hoạt động đào tạo nghề đã chú trọng các ngành nông nghiệp, chăn nuôi, nghề thủ công, kỹ thuật và dịch vụ - những ngành mà các địa phương có nhu cầu - gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Những thành công đạt được là kết quả của công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo địa phương cũng như các ban, ngành trong điều tra, đánh giá thực trạng việc làm ở mỗi địa phương, trên cơ sở đó xác định phương án đào tạo nghề phù hợp, hiệu quả, khơi dậy ý chí vươn lên làm giàu của lao động nông thôn. Đồng thời, các cơ sở đào tạo nghề đã chú trọng mở rộng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh để tuyển dụng, giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo nghề. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương nhìn chung đã gắn với phát triển hợp tác xã, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia mỗi xã một sản phẩm OCOP. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường, xây dựng xã hội học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn một số hạn chế: hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên, kịp thời; ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, chưa phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ ở mỗi địa phương; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” để sau khi đào tạo người lao động có thể áp dụngngay vào lao động sản xuất; cơ chế, chính sách bảo đảm cho quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, chất lượng đào tạo nghề chưa cao…
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, khơi dậy nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu: tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5-6%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn…
Để đạt được những mục tiêu đó, đòi hỏi phải phát triển toàn diện ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới.
2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới
Đây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay. Tổ chức đảng, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành ở các địa phương cần quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề cho người lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng.
Các địa phương cần xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nghề thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ ở mỗi khu vực. UBND tỉnh cần ban hành nghị quyết, kế hoạch liên quan,lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các trung tâm giới thiệu, tư vấn việc làm, chính quyền cấp xã, phường, thị trấn tiến hành tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, người lao động về chủ trương, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Điều tra, nắm bắt thực trạng trình độ và nhu cầu đào tạo, việc làm của lao động nông thôn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của lao động nông thôn; từ đó, đề ra những chủ trương, biện pháp phù hợp, hiệu quả.
Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành trong tổ chức thực hiện nghị quyết, kế hoạch hành động của tỉnh ủy, UBND tỉnh; đề cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, phối hợp thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng, vì sự phát triển toàn diện, ổn định, bền vững của địa phương.
Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo ở các trung tâm, các trường dạy nghề
Đây là giải pháp có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động ở nước ta thời gian tới. Nâng cao chất lượng đào tạo ở các trung tâm, các trường dạy nghề, góp phần giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức. Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động”(6).
Theo đó, tỉnh ủy, UBND các tỉnh rà soát, sắp xếp lại hệ thống các trung tâm, các trường dạy nghề ở địa phương, bảo đảm chất lượng trên các phương diện: cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống giáo trình, tài liệu; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề; đổi mới nội dung, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng dễ nhớ, dễ hiểu, thiết thực, gắn với nhu cầu địa phương; đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy nghề gắn với thực tiễn. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề, như: hỗ trợ kinh phí học nghề cho lao động nông thôn, cải thiện chế độ đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên; gắn việc dạy nghề với giải quyết việc làm cho người lao động ngay sau khi kết thúc khóa học, nâng cao thu nhập gia đình; làm tốt công tác dự báo về thị trường lao động trong và ngoài nước, từ đó kịp thời định hướng cho người học lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, trình độ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo nghề của các trường, các trung tâm để người học tự mình nghiên cứu, tìm hiểu thông qua hệ thống dữ liệu về thị trường lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng đào tạo nghề ở các trung tâm, các trường nghề ở các địa phương.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủyĐảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Cấp ủy các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với phát triển bền vững (tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm); cơ cấu lại ngành kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn.
Người đứng đầu chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận, lực lượng liên quan thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã ban hành; bổ sung những cơ chế, chính sách mới phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi khu vực, địa bàn; hỗ trợ người lao động về kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc vật nuôi, cây trồng, đánh bắt thủy hải sản, xây dựng mô hình vùng chuyên canh sản xuất rau rạch cung ứng cho thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu cho thị trường trong và ngoài nước.
Chính quyền các cấp phải là trung tâm của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; cần xác định rõ những đặc điểm, thế mạnh ở từng địa phương để tập trung đào tạo nghề ở các lĩnh vực phù hợp, tránh đầu tư dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ “4 nhà” (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) trong các khâu, các bước đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Bốn là, các địa phương làm tốt công tác sơ kết, tổng kết thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề.
Việc sơ kết, tổng kết thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề, giúp các địa phương đánh giá đúng thực trạng những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế và chỉ ra nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm; đặc biệt làm rõ vai trò, trách nhiệm của những bộ phận, lực lượng có liên quan, rút ra những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, từ đó đề ra được những giải pháp mang tính đột phá về mặt cơ chế, chính sách để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian tới.
Cần phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể trong thảo luận, góp ý vào quá trình tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề, trọng tâm là Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cần thẳng thắn, khách quan, toàn diện, cụ thể, sâu sắc, thực chất trên các mặt, lĩnh vực hoạt động để tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tránh hình thức. Trong quá trình tổng kết, cần gắn với thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05-11-2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”; đồng thời, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt việc thực hiện Đề án; chấn chỉnh, nhắc nhở những cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức chưa đúng về tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án.
_________________
Ngày nhận bài: 14-2-2023, Ngày bình duyệt: 17-2-2023; Ngày duyệt đăng: 17-5-2023.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.254.
(2) ĐCSVN: Nghị quyết số 26 - NQ/TW, ngày 05-8-2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
(3) Quyết định số 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, https://vanban.chinhphu.vn.
(4) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, https://www.gso.gov.vn/ , truy cập ngày 21-3-2023,.
(5) Tân Linh: Một số giải pháp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của tỉnh Quảng Trị hiện nay, truy cập ngày 22-02-2023, https://tinhuyquangtri.vn/.
(6) Hoàng Thị Phương: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn - giải pháp bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hà Nội hiện nay, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 11-11-2022.
(7)Vũ Thảo: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, https://nhandan.vn, truy cập ngày 21-3-2023.
TS PHẠM THỊ KIÊN
Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh