(LLCT) - Đối với các nhà trường Quân đội, việc giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị có ý nghĩa quan trọng bởi đây là những môn học trang bị thế giới quan, phương pháp luận và những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của quân nhân cách mạng. Trên cơ sở phân tích vai trò, thực trạng đội ngũ giảng viên lý luận trong các nhà trường Quân đội, bài viết đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ này, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Giờ học lý luận chính trị của các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt, Bộ đội biên phòng Quảng Trị - Ảnh: bienphong.com.vn
Trong những năm qua, quán triệt quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các nhà trường Quân đội đã tích cực đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị nói riêng theo phương châm “khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại” (1).
Các nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm về số lượng, cơ cấu và chất lượng; chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất nghề nghiệp; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng sư phạm. Trước yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo trong giai đoạn mới, cần quan tâm phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường Quân đội.
1. Vai trò của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường Quân đội
Giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường Quân đội có phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ giảng dạy các môn lý luận chính trị, nghiên cứu khoa học, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo chức trách, nhiệm vụ được phân công. Đây là những giảng viên giảng dạy 5 môn lý luận chính trị: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị học Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hiện nay, đa số giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường Quân đội được đào tạo bài bản, bên cạnh việc nắm vững lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, họ còn được trang bị những tri thức khoa học quân sự (khoa học công nghệ và kỹ thuật quân sự, khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự…).
Họ có khả năng giảng dạy, truyền đạt những vấn đề cơ bản về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung khoa học lý luận chính trị tới người học; có khả năng nghiên cứu khoa học nhằm góp phần bổ sung, phát triển lý luận, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xác định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới… Đồng thời, giảng viên lý luận chính trị có khả năng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Vai trò quan trọng của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở các nhà trường Quân đội được thể hiện trên những phương diện sau:
Một là, giảng viên lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng, phát triển thế giới quan, xây dựng phương pháp luận khoa học cho học viên. Đó là thế giới quan duy vật triệt để, phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cơ sở để người học vận dụng trong quá trình học tập, nghiên cứu và thực tiễn công tác.
Đây cũng là vai trò phản ánh chức năng đặc thù của giảng viên lý luận chính trị so với các giảng viên bộ môn khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật - quân sự… Vai trò này hướng vào rèn luyện, phát triển tư duy độc lập, sáng tạo cho người học, đáp ứng yêu cầu hoạt động trong lĩnh vực quân sự: cần có nhận thức đúng đắn, có căn cứ khoa học về sự vận động, phát triển của hiện thực; nhạy bén và xử lý kịp thời những diễn biến phức tạp về tư tưởng, chính trị, tinh thần, nhất là những tình huống phức tạp liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Hai là, giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường Quân đội là những người trực tiếp bồi dưỡng và góp phần hoàn thiện phẩm chất, nhân cách, đạo đức cách mạng, những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ nói chung, phẩm chất, nhân cách, đạo đức người cán bộ Quân đội trong từng lĩnh vực hoạt động cụ thể nói riêng cho đội ngũ học viên.
Bên cạnh việc trang bị kiến thức cho người học, giảng viên lý luận chính trị còn giúp họ trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị để sẵn sàng tiếp nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thông qua nghiệp vụ sư phạm và hoạt động thực tiễn, giảng viên lý luận chính trị truyền thụ kinh nghiệm thực tế ở đơn vị, bồi dưỡng năng lực tư duy quân sự, năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cho học viên.
Ba là, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong nhà trường Quân đội là lực lượng quan trọng tham gia nghiên cứu, góp phần phát triển khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ quan trọng của giảng viên. Sự phát triển của khoa học xã hội và nhân văn quân sự trong Quân đội thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của giảng viên lý luận chính trị các nhà trường. Những công trình nghiên cứu của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đã mang lại những giá trị lý luận, thực tiễn về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam;
cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; làm rõ quy luật vận động, phát triển của lĩnh vực quân sự ở khía cạnh chính trị - xã hội; mối quan hệ giữa con người với con người trong lĩnh vực quân sự; quan hệ giữa con người với vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và môi trường quân sự; nghiên cứu phát triển lý luận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; nâng cao bản chất giai cấp công nhân, giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. | Giảng viên lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng, phát triển thế giới quan, xây dựng phương pháp luận khoa học cho học viên. Đó là thế giới quan duy vật triệt để, phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cơ sở để người học vận dụng trong quá trình học tập, nghiên cứu và thực tiễn công tác. |
Bốn là, giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường Quân đội là lực lượng trực tiếp đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, trực tiếp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là vai trò quan trọng, góp phần giữ vững định hướng chính trị trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Thực hiện vai trò này, giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường Quân đội thực sự là những người lính, vũ khí của họ là ngòi bút, những dòng lý luận sắc bén đấu tranh, phản bác những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước vu khống, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Hoạt động của họ trực tiếp góp phần vào sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội, giữ vững sự ổn định chính trị, an ninh quốc gia, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
2. Thực trạng giảng dạy các môn lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội
Trong thời gian qua, với đóng góp to lớn của đội ngũ giảng viên, việc giảng dạy các môn lý luận chính trị trong nhà trường Quân đội đã đạt được những kết quả quan trọng. Một là, nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giảng viên, học viên về ý nghĩa, vai trò và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng được nâng lên. Phương pháp dạy học theo hướng tăng cường tính thực tiễn được đội ngũ giảng viên lý luận chính trị các nhà trường vận dụng khá linh hoạt theo từng đối tượng, mục tiêu đào tạo đối với từng môn học, bài học cụ thể, trên cơ sở kết hợp giữa các phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học hiện đại như: nêu vấn đề, dạy học nhóm và xây dựng các bài giảng theo hướng gắn liền giữa lý luận với thực tiễn. Việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị đã được tiến hành đồng bộ từ khâu chuẩn bị bài giảng, thực hành giảng, hướng dẫn xêmina, trao đổi, thực hành, thực tập đến công tác tổ chức, quản lý học tập.
Hai là, ở các nhà trường Quân đội, hệ thống giáo án, bài giảng các môn lý luận chính trị được biên soạn theo quy định mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Nội dung các bài giảng luôn giữ vững được định hướng chính trị tư tưởng, bảo đảm tính đảng, tính khoa học, tính thực tiễn, cập nhật được những thông tin lý luận mới, sát thực tiễn. Các hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính trị đã hướng vào các nội dung thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, trực tiếp phục vụ hoạt động sư phạm. Việc khai thác hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại cũng góp phần khắc phục được sự đơn điệu trong giảng dạy các môn lý luận chính trị, tăng tính khái quát và sức thuyết phục của bài giảng, tăng tính hấp dẫn, phong phú về nguồn tư liệu, tính trực quan về hình ảnh, thông qua đó giúp người học nhận thức logic về nội dung, phát triển tư duy lý luận và tác phong làm việc trong điều kiện đặc thù của thực tiễn quân sự.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị ở nhà trường Quân đội vẫn còn một số hạn chế: Việc vận dụng phương pháp dạy học tích cực ở một số nhà trường còn gặp khó khăn; nội dung một số bài giảng chưa sâu sắc, thiếu sức thuyết phục, tính thực tiễn không cao; một số giảng viên được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ song thiếu thời gian thực tế đơn vị. Phương pháp giảng dạy còn chú trọng truyền đạt kiến thức lý luận, chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Khâu thi, kiểm tra, đánh giá kết quả ở một số nhà trường chưa có sự đổi mới, còn nặng về tái hiện kiến thức, kiểm tra lý thuyết, học viên chưa biết cách liên hệ vận dụng thực tiễn, thiếu tính sáng tạo trong xử lý các tình huống nảy sinh trong thực tiễn.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên các môn lý luận chính trị
Hiện nay, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động giảng dạy các môn lý luận chính trị ở nhà trường Quân đội. Công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị càng đi vào chiều sâu càng nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp về lý luận và thực tiễn đòi hỏi phải được bổ sung, phát triển. Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09-2-2018 của Ban Bí thư “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”đã chỉ nêu nhiệm vụ: “Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, ứng dụng các phương pháp hiện đại, hấp dẫn người học, tạo hứng thú tìm tòi, nghiên cứu”(2).
Để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị ở nhà trường Quân đội, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao chất lượng công tác tạo nguồn và phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Bên cạnh nguồn chính là học viên các lớp đào tạo giảng viênlý luận chính trị,khoa học xã hội và nhân văn tại Trường Sỹ quan Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các nhà trường ngoài quân đội, đểđáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, các nhà trường cần xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung cho đội ngũ giảng viên các môn lý luận chính trị. Việc lựa chọn cán bộ gửi đi đào tạo giảng viên lý luận chính trị phải hợp lý; vừa bảo đảm công tác nghiên cứu, giảng dạy trước mắt có chất lượng, không bị xáo trộn, vừa bảo đảm nguồn đi đào tạo cơ bản, lâu dài. Cần lựa chọn các đồng chí có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức cách mạng trong sáng, có lối sống trung thực, mẫu mực, nhân văn; trình độ hiểu biết sâu rộng, năng lực nhận thức và khả năng tư duy nhanh nhạy, sáng tạo, có năng khiếu sư phạm, khả năng diễn thuyết, trình bày vấn đề lôi cuốn. Chú trọng tuyển chọn những cán bộ đã kinh qua vị trí chỉ huy, quản lý ở các đơn vị, dày dặn kinh nghiệm, hiểu biết sâu rộng về thực tiễn chính trị - xã hội, thực tiễn quân sự; đồng thời, phải chú ý tới độ tuổi, tính cách và các mối quan hệ xã hội của cán bộ tạo nguồn giảng viên lý luận chính trị.
Hai là, bồi dưỡng năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị.Đây chính là hoạt động củng cố và phát triển những tổ hợp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm dạy học - giáo dục, nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục đào tạo mà các nhà trường Quân đội xác định.
Để hình thành năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, các nhà trường phải chú trọng bồi dưỡng toàn diện về các kỹ năng: xây dựng kế hoạch dạy học, thiết kế, biên soạn bài giảng, xây dựng các tình huống dạy học, đưa người học thâm nhập vào thực tiễn; có năng lực thu thập, xử lý thông tin, khái quát các vần đề nảy sinh trong thực tiễn, tổng kết thực tiễn và rút ra bài học kinh nghiệm; có khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học hiện đại; hiểu biết cơ bản về tin học, ngoại ngữ, phương pháp nghiên cứu khoa học; có năng lực giao tiếp, ứng xử với học viên; năng lực nghiên cứu khoa học và đánh giá kết quả dạy học.
Ngoài ra, người giảng viên phải có những hiểu biết cơ bản về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, kiến thức cơ bản về tâm lý học; yêu nghề, tâm huyết với nghề; đặc biệt cần có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm, vốn sống về công tác quản lý chỉ huy, huấn luyện - giáo dục bộ đội.
Ba là, đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị theo hướng “khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”. Cần vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị theo hướng giảm tối đa việc truyền thụ một chiều, cung cấp kiến thức có sẵn, cần tăng cường việc hướng dẫn, tổ chức cho người học chủ động học tập, nghiên cứu về những nội dung của bài học, tạo điều kiện cho người học rèn luyện phương pháp tự học, phát triển năng lực, tính chủ động, tự chủ của cá nhân. Trong giảng dạy, cần tăng cường trao đổi, thảo luận về các vấn đề thực tiễn, nhằm tạo sự sinh động cho giờ học, khuyến khích người học phát huy khả năng tư duy độc lập và thể hiện chính kiến trong quá trình tiếp cận các vấn đề chính trị - xã hội.
Bốn là, tăng cường các hoạt động nghiên cứu thực tế và dự nhiệm ở đơn vị cho giảng viên các môn lý luận chính trị. Đưa cán bộ, giảng viên đi dự nhiệm và đi nghiên cứu thực tế ở đơn vị là một chủ trương đúng đắn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhằm thực hiện nguyên tắc dạy học “Gắn lý luận với thực tiễn, nhà trường với đơn vị”. Đây là một trong những biện pháp quan trọng và thiết thực để nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở nhà trường Quân đội hiện nay.
Thông qua dự nhiệm, thực tế ở đơn vị, giảng viên rèn luyện bản lĩnh chính trị, tác phong và năng lực công tác; đặc biệt kịp thời nắm vững thực tiễn hoạt động của các đơn vị trong Quân đội, liên hệ lý luận với thực tiễn cuộc sống, nhất là thực tiễn thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ sĩ quan ở đơn vị. Trên cơ sở đó, giảng viên rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, những thông tin bổ ích để tiếp tục hoàn thiện nội dung, phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị.
Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp ở nhà trường cần nhận thức rõ việc dự nhiệm, thực tế, luân chuyển đội ngũ là một nội dung quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên lý luận chính trị nói riêng. Việc đi nghiên cứu, khảo sát thực tế và dự nhiệm ở đơn vị phải trở thành chế độ bắt buộc đối với mỗi giảng viên. Các nhà trường cần có chương trình, kế hoạch cụ thể, chặt chẽ và triển khai thực hiện nghiêm túc.
Năm là, phát huy vai trò tự đào tạo, tự bồi dưỡng của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, giảng viên lý luận chính trị trong các nhà trường Quân đội cần kết hợp tốt giữa đào tạo, bồi dưỡng và tự đào tạo, tự bồi dưỡng của bản thân. Bởi chỉ có thông qua quá trình tự đào tạo, tự bồi dưỡng nâng cao nhận thức, hiểu biết, đặc biệt là hiểu biết về lý luận mới làm cho giảng viên lý luận chính trị kiên định về lập trường tư tưởng, có niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, là động lực thúc đẩy trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Giảng viên lý luận chính trị phải tự ý thức được vai trò quan trọng của hoạt động tự học tập nâng cao trình độ, tự bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giảng dạy, coi đây là phương thức cơ bản để phát triển bản thân, phục vụ nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như các nhiệm vụ khác.
_________________
Ngày nhận bài: 18-1-2023; Ngày bình duyệt: 22-1-2023; Ngày duyệt đăng: 03-7-2023.
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.183.
(2) Ban Chấp hành Trung ương: Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09- 02-2018 của Ban Bí thư “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”, Hà Nội.
ThS TRẦN QUỐC TUẤN
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng