(LLCT) - Nâng cao năng suất có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Với xuất phát điểm từ một nước nghèo, Xinhgapo đã thành công trong xây dựng phong trào năng suất quốc gia, từ đó phát triển nền kinh tế và trở thành quốc gia giàu có. Dựa trên việc phân tích quá trình nâng cao năng suất của Xinhgapo, bài viết rút ra những kinh nghiệm hữu ích cho việc xây dựng và phát triển phong trào năng suất ở Việt Nam.
Tại Xinhgapo, nâng cao năng suất trở thành một thói quen, một yếu tố của đạo đức làm việc - Ảnh: vietnamplus.vn
Năng suất là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Năng suất thể hiện việc kết hợp sử dụng các nguồn lực nhằm đạt được các kết quả mong muốn. Năng suất được xem xét ở các cấp độ khác nhau, như: toàn nền kinh tế, ngành kinh tế hay ở cấp độ vi mô là một tổ chức, phòng ban, cá phân.
Một phương pháp đo lường năng suất phổ biến nhất là năng suất lao động. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), “năng suất lao động toàn nền kinh tế là tổng lượng đầu ra (đo bằng tổng sản phẩm trong nước, GDP) tạo ra bởi tổng số lao động đầu vào (đo bằng tổng số người có việc làm) trong một kỳ tham chiếu cụ thể”(1).
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) quan niệm, năng suất lao động là tỷ lệ của đầu ra được đo lường bằng GDP hoặc tổng giá trị gia tăng trên tổng đầu vào lao động, đo bởi tổng số giờ làm việc hoặc tổng số người có việc làm(2).
Trên thực tế, năng suất lao động thường được đo lường bởi tổng giá trị sản phẩm trong nước thực tế (GDP thực tế) trên một giờ làm việc hoặc trên một lao động, tùy thuộc vào mục đích của việc so sánh hoặc dữ liệu khả dụng.
Năng suất lao động là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tăng năng suất lao động là mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới để thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành nước công nghiệp hiện đại. Vấn đề tăng năng suất lao động càng trở nên ý nghĩa khi các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, tài nguyên trở nên khan hiếm và nguồn nhân lực bị ảnh hưởng bởi xu thế già hóa dân số.
Tại Việt Nam, năng suất bắt đầu thu hút nhiều sự quan tâm từ khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Năng suất châu Á ngày 01-10-1996. Năm 2006, lần đầu tiên vấn đề nâng cao năng suất được đưa vào Văn kiện Đại hội X của Đảng, trở thành một mục tiêu quan trọng trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Theo đó, các mục tiêu về năng suất được lồng ghép trong định hướng phát triển của mỗi ngành, lĩnh vực: “Phải luôn luôn coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao”(3); “Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong từng ngành, từng lĩnh vực của nền kinh tế”(4)…
Ngày 21-5-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hoạt động thúc đẩy năng suất tại Việt Nam. Tiếp đó, ngày 31-8-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.
Dù đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tính theo sức mua tương đương 2017-2020, năng suất lao động của Việt Nam đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Xinhgapo(5).
Với xuất phát điểm là một nước nghèo, kinh tế kém phát triển, Xinhgapo là quốc gia điển hình trong việc thực hiện thành công phong trào năng suất quốc gia để nâng cao năng suất lao động, trở thành quốc gia phát triển thịnh vượng. Kinh nghiệm của Xinhgapo là bài học rất ý nghĩa đối với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam trong nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế.
Năm 1965, Xinhgapo chỉ là một hòn đảo nhỏ bị tách khỏi Malaixia và phải đối mặt với bất ổn nghiêm trọng về chủng tộc, tôn giáo, chính trị. Khi đó, khoảng 70% hộ dân Xinhgapo phải sống trong điều kiện tồi tàn, một nửa dân số mù chữ(6).
Không có tài nguyên thiên nhiên, Chính phủ Xinhgapo xác định nguồn tài nguyên quan trọng của đất nước là nguồn nhân lực. Chính phủ đã đặt ưu tiên cao nhất cho phát triển nguồn nhân lực, trong đó trọng tâm là nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Năm 1964, Xinhgapo thành lập Đơn vị Năng suất (Productivity Unit) trực thuộc Ban Phát triển Kinh tế (Economic Development Board - EDB) và ban hành Hiến chương về phát triển công nghiệp năm 1965. Bản hiến chương này được ký kết bởi Ủy ban Công đoàn quốc gia và Liên đoàn giới chủ Xinhgapo, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Lao động, để cùng nhau tăng năng suất làm việc theo Quy tắc Thực hành năng suất. Hiến chương cũng đề xuất thành lập Cơ quan Năng suất Xinhgapo với tư cách là một tổ chức thúc đẩy năng suất quốc gia(7).
Năm 1967, Trung tâm Năng suất Quốc gia trực thuộc EDB được thành lập. Năm 1972, Trung tâm được nâng lên thành Ủy ban Năng suất Quốc gia (National Productivity Board – NPB) trực thuộc Chính phủ. Năm 1973, Xinhgapo thành lập Hiệp hội Năng suất Xinhgapo trực thuộc Ủy ban Năng suất Quốc gia nhằm thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức và cá nhân trong nâng cao năng suất lao động.
Năm 1980, sau 15 năm kể từ khi trở thành một quốc độc lập, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao năng suất, tuy nhiên năng suất của Xinhgapo vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, còn thua kém nhiều nước trong khu vực.
Năm 1981, Xinhgapo trở thành quốc gia đầu tiên phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện Dự án Phát triển năng suất (PDP) để chuyển giao kinh nghiệm cải tiến năng suất, chất lượng của Nhật Bản. Dưới sự dẫn dắt của Chính phủ, đặc biệt là vai trò của Thủ tướng Lý Quang Diệu, Xinhgapo đã xây dựng phong trào năng suất quốc gia nhằm đẩy mạnh hơn nữa năng suất lao động, phát triển nền kinh tế.
Phong trào năng suất ở Xinhgapo phát triển theo ba giai đoạn: (i) giai đoạn nhận thức (từ năm 1981-1985); (ii) giai đoạn hành động (từ năm 1986-1988); và (iii) giai đoạn sở hữu (từ năm 1989 đến những năm 1990)(8).
- Giai đoạn1: nhận thức
Giai đoạn này nhằm tạo ra nhận thức rộng rãi về nâng cao năng suất trong các doanh nghiệp và người lao động. Trọng tâm chính là thúc đẩy thái độ tích cực và tinh thần đồng đội trong công việc. Cụ thể:
Giáo dục cộng đồng về nâng cao năng suất, bao gồm việc công bố dữ liệu về năng suất, hỗ trợ truyền thông và thúc đẩy đổi mới trong trường học và cơ sở giáo dục đại học. Để lan tỏa tinh thần làm việc hiệu quả, Xinhgapo đã tạo ra một linh vật mang tên Teamy The Bee (chú ong hoạt hình nhỏ nhắn, dễ thương), tượng trưng cho sự chăm chỉ, tinh thần đồng đội và hiệu quả. Các khẩu hiệu và áp phích của chiến dịch năng suất đã được tạo ra xoay quanh thông điệp chính “Cùng nhau chúng ta làm việc tốt hơn”. Tháng 11 hằng năm được chỉ định là “Tháng Năng suất”. Các thông tin và kiến thức được phổ biến tại các trường đại học thông qua các chương trình học về nâng cao năng suất, chất lượng hoặc thư viện tập hợp các nghiên cứu điển hình về nâng cao năng suất, chất lượng.
Đối với doanh nghiệp, để củng cố sự gắn bó của người lao động với công ty, nhiều chương trình đã được đưa ra như giải thưởng đặc biệt cho nhân viên làm việc lâu năm, giải thưởng cho nhân viên có năng suất tốt.
Các chiến dịch về nâng cao năng suất cũng được thực hiện ở quy mô quốc gia. Xinhgapo đã giới thiệu phong trào năng suất cho cả khu vực công và khu vực tư, nhằm thay đổi tư duy cho cộng đồng. Đáng chú ý là các “nhóm cải tiến công việc” (WIT) đã được triển khai trong khu vực công như một phần của chương trình cải cách dịch vụ công. Khu vực công là nơi sử dụng lao động lớn nhất ở Xinhgapo vào thời điểm đó. WIT là một nhóm công chức làm việc cùng một đơn vị, từ nhiều bộ phận, thường xuyên họp bàn để giải quyết vấn đề, xem xét các cơ hội cải tiến và phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề. Viện Dịch vụ Dân sự của Xinhgapo đã cung cấp các khóa đào tạo để thúc đẩy phong trào WIT. WIT nhấn mạnh sự tham gia của người lao động và quản lý từ dưới lên.
Đến năm 1985, người dân Xinhgapo đã có nhận thức cao về việc nâng cao năng suất lao động.
- Giai đoạn 2: hành động
Ở giai đoạn thứ hai, trọng tâm chuyển từ thúc đẩy năng suất quốc gia sang thúc đẩy cấp doanh nghiệp. Giai đoạn này nhằm chuyển nhận thức về năng suất thành hành động cụ thể thông qua các chương trình có sự tham gia của doanh nghiệp. Các giải pháp tập trung vào việc nâng cao kỹ năng quản lý nhân sự và hiệu quả hoạt động của các công ty. Năm 1986, Chính phủ Xinhgapo thành lập Trung tâm Hướng dẫn Quản lý để tư vấn quản lý cho các công ty địa phương. Các chương trình, hoạt động điển hình do Trung tâm triển khai như:
“Dự án Công ty kiểu mẫu” được các chuyên gia Nhật Bản (JICA) và các đối tác của Xinhgapo phối hợp thực hiện và hỗ trợ cho các công ty. Dự án đã mở đường cho việc đào tạo tại chỗ nhân viên nhằm trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết. Khu vực tư nhân cũng được tham gia học bổng đào tạo PDP tại Nhật Bản. Những người được đào tạo sau đó trở thành cộng tác viên hoặc chuyên gia tư vấn về nâng cao năng suất của Xinhgapo.
Một nhóm gồm hơn 200 chuyên gia tư vấn đã được thành lập để hỗ trợ nghiên cứu sâu hơn về năng suất, chất lượng trong các ngành công nghiệp quan trọng. Năm 1986, Chính phủ đã giới thiệu “Chương trình hỗ trợ theo ngành” nhằm nâng cao mức năng suất và hỗ trợ doanh nghiệp trong sáu ngành ưu tiên cải tiến năng suất. Những ngành này bao gồm: sản xuất thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ, dệt may và tài chính. Dưới sự quản lý của Trung tâm Hướng dẫn quản lý, Chương trình hỗ trợ theo ngành đã hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện hiệu quả kinh doanh và nâng cao năng suất.
- Giai đoạn 3: làm chủ
Đến năm 1989, các doanh nghiệp và cá nhân đã tích cực tham gia vào phong trào năng suất. Vì vậy, giai đoạn này nhằm mục đích tự duy trì phong trào quốc gia để bảo đảm rằng thói quen nâng cao năng suất trở thành một phần của đạo đức làm việc. Các tổ chức công, tư nhân và cộng đồng được khuyến khích tham gia phong trào năng suất. Chính phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy cải thiện năng suất ở cấp doanh nghiệp, bao gồm:
Thúc đẩy khu vực tư nhân dẫn đầu các chiến dịch năng suất hằng năm và chủ doanh nghiệp được khuyến khích làm Chủ tịch Ban chỉ đạo chiến dịch. Giải thưởng Năng suất Quốc gia ra đời vào năm 1994 và được trao cho cả các công ty khu vực tư nhân. Chương trình Phối hợp năng suất (Productivity Activist Scheme) được thực hiện từ năm 1996, nhằm phát triển một mạng lưới các công ty thành viên, so sánh năng suất của công ty với các đối tác và từ đó tìm ra các biện pháp cải thiện kỹ năng và phương pháp sản xuất, nâng cao năng suất của công ty.
Các chương trình liên quan đến năng suất và nội dung quản lý nguồn nhân lực cũng được thúc đẩy tại các cơ sở giáo dục đại học để đào tạo lực lượng lao động tương lai nhận thức về năng suất. Ở trường học, chương trình giảng dạy hướng đến phát triển các kỹ năng làm việc theo nhóm, giáo dục tầm quan trọng của nâng cao năng suất(9).
Xinhgapo đã hợp tác với nhiều tổ chức có uy tín, các tập đoàn đa quốc gia để thành lập các trung tâm đào tạo về nâng cao năng suất, chất lượng cho các ngành.
- Những nỗ lực nâng cao năng suất của Xinhgapo
Vào giữa những năm của thập niên 90, chương trình PDP do JICA hỗ trợ kết thúc, song, phong trào năng suất quốc gia của Xinhgapo vẫn tiếp tục được thực hiện với phương châm “Phong trào năng suất giống như một cuộc chạy đường dài không có vạch đích”(10).
Sau khi thoát khỏi tình trạng suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 gây ra, Chính phủ Xinhgapo nhận thấy cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế và tối đa hóa khả năng tăng trưởng trong kỷ nguyên hậu khủng hoảng. Tháng 5-2009, Chính phủ thành lập Ủy ban Chiến lược kinh tế cấp cao (ESC), trong đó nhấn mạnh việc tăng trưởng kinh tế dựa vào năng suất (nhằm mục tiêu tăng trưởng năng suất hằng năm 2-3% và GDP tăng trưởng trung bình 3-5% trong mười năm tới). Tháng 4-2010, Chính phủ đã thành lập Hội đồng Năng suất Quốc gia và Giáo dục thường xuyên (NPCEC) do để giám sát và nâng cao nỗ lực quốc gia về tăng năng suất cũng như nâng cao kỹ năng lao động.
Cách tiếp cận theo ngành là sự khác biệt của NPCEC với những hội đồng năng suất trước đó. Điều này đòi hỏi sự tập trung vào những lĩnh vực then chốt. NPCEC đã lựa chọn 12 ngành ưu tiên dựa trên tiêu chí về quy mô lao động, đóng góp vào GDP và tiềm năng tăng năng suất. Năm 2012, có thêm 4 lĩnh vực, nâng tổng số lên 16 lĩnh vực, chiếm 55% GDP và 60% việc làm của Xinhgapo(11). Mỗi ngành có một cơ quan đầu ngành chịu trách nhiệm quản lý và xây dựng lộ trình phát triển năng suất trong 10 năm với sự tham vấn của công đoàn, các doanh nghiệp và chuyên gia về nâng cao năng suất. Thí dụ, EDB chịu trách nhiệm về điện tử, kỹ thuật chính xác, kỹ thuật vận tải, hậu cần và lưu trữ, trong khi SPRING chịu trách nhiệm sản xuất chung, thực phẩm, đồ uống, và bán lẻ.
Ngày 01-11-2010, Xinhgapo thành lập Quỹ Năng suất Quốc gia (NPF), có Ban Quản lý Quỹ Năng suất. Quỹ này cung cấp tài chính như trợ cấp, học bổng cho các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức giáo dục hoặc cá nhân (ở Xinhgapo hay nơi khác) thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao năng suất. Đến năm 2014, gần 1,6 tỷ USD đã được quỹ NPF phân bổ cho các kế hoạch và sáng kiến nâng cao năng suất, nhiều nhất là trong lĩnh vực xây dựng(12).
Từ những thành công trong phong trào quốc gia về năng suất của Xinhgapo, bước đầu rút ra những bài học kinh nghiệm đó là:
Thứ nhất, nâng cao năng suất không chỉ là một phong trào nhất thời, trong một giai đoạn, mà cần được thực hiện thường xuyên, lâu dài cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Nâng cao năng suất phải trở thành một thói quen, một yếu tố của đạo đức làm việc.
Thứ hai, xây dựng cam kết quốc gia về nâng cao năng suất. Để nâng cao năng suất trở thành một chương trình quốc gia hiệu quả thì cần có sự tham gia tích cực của nhiều đối tượng, từ chính phủ, trường học, doanh nghiệp, người lao động và người dân. Để điều phối và duy trì phong trào năng suất, cần có sự cam kết mạnh mẽ của các lãnh đạo cấp cao, các chủ doanh nghiệp và lãnh đạo các tổ chức. Tại Xinhgapo, đã có sự cam kết và tham gia tích cực của Chính phủ, đặc biệt là vai trò quan trọng của Thủ tướng Lý Quang Diệu để phong trào năng suất lan tỏa trong toàn xã hội.
Thứ ba, xây dựng thể chế về nâng cao năng suất và cơ sở hạ tầng là điều cần thiết để hình thành phong trào năng suất ở cấp độ quốc gia. Điều này bao gồm việc thành lập các tổ chức cốt lõi, như tổ chức năng suất quốc gia, trung tâm kiểm soát năng suất, chịu trách nhiệm thực hiện và điều phối các hoạt động liên quan đến nâng cao năng suất. Vì nâng cao năng suất chỉ có thể thành công khi được thực hiện cả ở cấp độ vĩ mô (chính sách kinh tế và cơ cấu, hoạt động của chính phủ) và cấp độ vi mô (doanh nghiệp, người lao động), do đó thể chế để hỗ trợ phong trào năng suất quốc gia cần bao gồm cả hai cấp độ này. Hơn nữa, các thể chế và cơ chế hỗ trợ phải được xây dựng ở cấp trung ương và địa phương, cùng với việc liên kết với các tổ chức liên quan như các trường học, các viện nghiên cứu, tổ chức công đoàn, các tổ chức kinh tế - xã hội - nghề nghiệp.
Thứ tư, các chiến dịch nâng cao nhận thức về năng suất đóng vai trò quan trọng. Chính phủ Xinhgapo đặt ưu tiên cho các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về năng suất trong 5 năm đầu tiên để lan tỏa giá trị tích cực và hình thành văn hóa năng suất. Các chiến dịch nâng cao nhận thức được thực hiện rộng rãi cả ở khu vực công và khu vực tư, từ những nhà lãnh đạo, quản lý cho đến những người lao động, học sinh, sinh viên. Nhiều công cụ truyền thông đã được huy động, như các cuộc hội thảo, hội nghị, các chương trình tập huấn, các cuộc thi, các giải thưởng về năng suất được phát sóng rộng rãi trên truyền hình, báo chí… Đặc biệt, các giải thưởng về nâng cao năng suất là cách thức hiệu quả trong việc kích thích các tổ chức và người lao động nỗ lực nâng cao năng suất.
Thứ năm, các chương trình đào tạo và tư vấn về năng suất cần được thiết kế và chuẩn hóa phù hợp với thực tế của quốc gia; đào tạo các chuyên gia về năng suất. Để nâng cao năng suất thực sự đi vào đời sống cần có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Kinh nghiệm của Xinhgapo cho thấy, để nhanh chóng nâng cao năng suất cần (i) nghiên cứu các mô hình thành công của quốc tế; (ii) tạo ra mô hình năng suất mới phù hợp nhất với bối cảnh trong nước bằng cách lựa chọn, điều chỉnh và kết hợp các phương pháp của nước ngoài; và (iii) tiến hành đào tạo theo định hướng thực hành và ứng dụng.
Thứ sáu, cần có sự kết hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và nhà trường (bao gồm cả các trường học phổ thông, đại học, trung tâm đào tạo nghề) trong cải tiến năng suất. Điều này là cần thiết để hình thành và duy trì phong trào năng suất trên phạm vi toàn quốc cũng như huy động được nguồn lực của doanh nghiệp và người dân.
Thứ bảy, cần phát triển đội ngũ tư vấn trong khu vực tư nhân để duy trì phong trào năng suất quốc gia. Tại Xinhgapo, phong trào năng suất quốc gia được khởi xướng và lãnh đạo bởi chính phủ thông qua các cơ quan thẩm quyền. Tuy nhiên, sau đó, phong trào được chuyển giao dần cho khu vực tư nhân để duy trì tính bền vững. Điều đó là rất quan trọng để thúc đẩy phong trào năng suất tại các doanh nghiệp và trong cộng đồng.
Thứ tám, xác định những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tập trung nâng cao năng suất, từ đó lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế. Xinhgapo đã xác định những ngành, lĩnh vực chính, then chốt dựa theo tiêu chí về quy mô lao động, đóng góp vào GDP và tiềm năng tăng năng suất để xác định lộ trình phát triển, từ đó thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế.
_________________
Ngày nhận bài: 14-7-2023; Ngày bình duyệt: 30-7-2023; Ngày duyệt đăng: 15-8-2023.
*Bài viết là sản phẩm của đề tài KH&CN Cấp Quốc gia: “ Nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo và triển khai đào tạo về năng suất chất lượng cho sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh của Việt Nam”
(1) Ohno Kenichi, Nguyễn Đức Thành, Phạm Thị Hương: Nguồn gốc tăng trưởng của năng suất lao động Việt Nam trong ba thập niên cải cách và hội nhập 1990-2020, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2021, tr.4.
(2) OECD: Measuring Productivity OECD Manual Measurement of Aggregate and Industry-level Productivity Growth, https://www.oecd.org/, ngày truy cập 26-6-2023.
(3), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.65, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.268-269, 283
(5) Tổng cục Thống kê: Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp, https://www.gso.gov.vn/.
(6), (7), (8) Izumi Ohno, Daniel Kitaw: Productivity movement in Singapore, https://www.grips.ac.jp/.
(9), (10), (11), (12) Woon, Kin Chung, and Ya Lee Loo: 50 Years of Singapore’s Productivity Drive, World Scientific, Singapore, 2017.
ThS NGUYỄN THỊ THÚY THẢO
Tạp chí Lý luận chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS PHAN THỊ THU HIỀN
Đại học Ngoại Thương