Nghiên cứu và giảng dạy triết học Mác - Lênin góp phần củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng

01/03/2023 17:04

(LLCT) - Triết học Mác - Lênin là sự chọn lọc và kết tinh những thành tựu của nhân loại trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học về con người, về tư duy... Đồng thời, triết học Mác - Lênin bảo vệ lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là nền tảng tư tưởng của các chính đảng theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam, triết học Mác - Lênin là vũ khí lý luận, là nền tảng tư tưởng để Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ ý nghĩa, vai trò của triết học Mác - Lênin, bài viết khẳng định tầm quan trọng của việc giảng dạy triết học Mác - Lênin đối với việc bảo vệ, củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng.

1. Triết học Mác - Lênin là hạt nhân trong nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng

Ra đời trong bối cảnh CNTB đã được định hình, C.Mác - Ph.Ăngghen nhận định rằng, phải phân tích toàn diện hệ thống các thể chế kinh tế và chính trị của CNTB để nhận thức bản chất của nó. Muốn vậy, phải bắt đầu từ lĩnh vực triết học. Các ông đã tập trung viết “Hệ tư tưởng Đức” vào năm 1845. Trong “Lời nói đầu phê phán triết học pháp quyền của Hêghen”, C.Mác khẳng định, sự nghiệp giải phóng người Đức thời bấy giờ phải có “đầu não của nó là triết học” và trái tim của nó là giai cấp vô sản” và ông cũng tuyên bố: “Giống như triết học thấy giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của mình, giai cấp vô sản cũng thấy triết học là vũ khí tinh thần của mình”(1)

Triết học Mác - Lênin đòi hỏi khi nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn để cải tạo bất cứ sự vật, hiện tượng nào, cần phải nhận thức nó trong trạng thái toàn vẹn, sống động, đầy biến ảo, vận động và biến đổi không ngừng. Chủ nghĩa duy vật lịch sử là phát minh vĩ đại và thiên tài của C.Mác và Ph.Ăngghen, là công cụ lý luận sắc bén để phân tích lịch sử xã hội dưới dạng tổng quát nhất nhưng không bỏ qua những vấn đề mang tính đặc thù của xã hội con người. Khoa học ấy bắt đầu bằng tiền đề hiển nhiên rằng, tồn tại xã hội lấy nền tảng từ tồn tại người. Các ông chỉ ra hoạt động sản xuất và tái sản xuất ra của cải vật chất là hoạt động cơ bản nhất của tồn tại xã hội, đồng thời cũng bao chứa quy luật vận động và phát triển của xã hội. 

Tiếp cận của C.Mác đối với sự vận động, biến đổi của xã hội từ sản xuất của cải vật chất là cách tiếp cận ở cấp độ vĩ mô, tổng quát nhất về xã hội, đúng đắn với xã hội con người ở mọi nấc thang trong lịch sử kể từ thời kỳ cộng sản nguyên thủy cho đến khi nào loài người còn tồn tại trên trái đất. Thực chất của chủ nghĩa duy vật lịch sử là xác định được nhân tố vật chất - là cái chi phối toàn bộ sự vận động và biến đổi của lịch sử - xã hội. 

Trên cơ sở phân tích tính quy định của các yếu tố của nền sản xuất vật chất, các ông đã chứng minh rằng, suy đến cùng, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là nhân tố quyết định toàn bộ sự vận động của lịch sử. Đồng thời, quan hệ vật chất, cụ thể là quan hệ sản xuất là nhân tố trực tiếp quyết định mọi quan hệ xã hội, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng và tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. 

Dựa trên cơ sở đó, triết học Mác - Lênin đã tìm ra các quy luật vận động của lịch sử. Đó là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, quy luật về quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, quy luật đấu tranh giai cấp, quy luật về mối liên hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội... Không những thế, từ những tiền đề hiển nhiên trong sự phát triển của xã hội ở các nấc thang khác nhau đó, triết học Mác - Lênin đã xây dựng những phạm trù căn bản, phản ánh sự vận động và phát triển của lịch sử, như: nhà nước, tiến bộ, con người, cách mạng xã hội, chính trị… Triết học Mác - Lênin trang bị thế giới quan và phương pháp luận để nhận thức những vấn đề nảy sinh trong chủ nghĩa tư bản, chỉ ra những cách thức và con đường để xây dựng CNXH và chủ nghĩa cộng sản.

Với những yếu tố trên, triết học Mác - Lênin được Đảng ta xác định là hạt nhân trong nền tảng tư tưởng của Đảng. Nền tảng tư tưởng của Đảng chính trị không chỉ phụ thuộc vào tầm quan trọng của nó đối với chính Đảng mà chủ yếu phụ thuộc vào nội dung của nó, vào những vấn đề mà các nhà triết học đặt ra cho các mục tiêu phát triển, những giá trị xã hội mà cả xã hội đang hướng đến. C.Mác viết: “các triết gia không mọc lên như nấm từ trái đất, họ là sản phẩm của thời đại của mình, của dân tộc mình, mà dòng sữa tinh tế nhất, quý giá và vô hình được tập trung lại trong những tư tưởng triết học”(2). Những định hướng mục tiêu phát triển hay những quan điểm của các nhà triết học về vấn đề của xã hội đều có vai trò định hướng tư tưởng, lý luận và hành động của chính đảng.

Từ khi thành lập đến nay, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo dân tộc đi theo con đường XHCN, Đảng ta luôn khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin cung cấp nền tảng thế giới quan và phương pháp luận, không chỉ trong xây dựng tổ chức, bộ máy mà cả trong công tác ban hành chủ trương, đường lối lãnh đạo mọi mặt của đời sống xã hội ở Việt Nam. Những vấn đề lý luận căn bản nhất về mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH luôn được nhìn nhận bằng một thế giới quan khoa học, biện chứng sâu sắc. 

Bài học kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là kiên định những nguyên tắc phương pháp luận căn bản của nó được Đảng ta khẳng định trong suốt tiến trình đổi mới. Đại hội VI (12-1986) với trọng tâm là đổi mới tư duy, Đảng khẳng định: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(3)

Đại hội VII (6-1991), Đảng ta bổ sung: “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”(4). Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Từ đó xác định những đặc trưng cơ bản về mô hình CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và quyết tâm xây dựng. 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Cương lĩnh bổ sung, phát triển (năm 2011) xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”(5). Điều này không chỉ bảo đảm sự thống nhất nhận thức, mà còn khẳng định Đảng ta đã thấm nhuần tính khoa học, tính cách mạng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng CNXH. 

Tại Đại hội XII (năm 2016), Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”(6). Tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(7), là vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động(8). Từ những khái quát trên về vai trò của Triết học Mác - Lênin, có thể khẳng định tầm quan trọng của việc giảng dạy Triết học Mác - Lênin, góp phần củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng.

2.Giảng dạy triết học Mác - Lênin để củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng và tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên 

Việc nghiên cứu và giảng dạy triết học Mác - Lênin trong hệ thống các nhà trường, học viện đã có nhiều đóng góp, cụ thể:

Thứ nhất, nghiên cứu và giảng dạy triết học hướng đến mục tiêu xác lập thế giới quan biện chứng cho công cuộc đổi mới. Giảng dạy triết học Mác - Lênin đã chú trọng đến phương pháp tư duy để học viên nhận thức được tính chất đan xen, phức tạp, sự ràng buộc, chuyển hóa giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tích cực và tiêu cực, giữa cái ổn định và cái phát triển trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. 

Thứ hai, giúp học viên có nhận thức lý luận sâu sắc hơn về những hợp phần của mô hình CNXH hiện thực mới ở Việt Nam trên cơ sở một thế giới quan khoa học, biện chứng. Những phân tích về mặt triết học tập trung vào những vấn đề lý luận trong Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển (năm 2011), về mô hình CNXH trong tương lai. Những thành tố căn bản nhất của mô hình và con đường đi lên CNXH đã được Đảng ta nhận thức rõ hơn bằng thế giới quan khoa học và cách mạng của triết học Mác - Lênin.

Hệ giá trị của mô hình CNXH mà Việt Nam xây dựng là “ dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh” đã được đặt trên những nền tảng lý luận triết học rất chắc chắn.

Thứ ba, nhận thức và xác lập những động lực mới để phát triển đất nước theo định hướng XHCN từ việc xác lập mối liên hệ giữa nhân dân với khát vọng xây dựng CNXH ở Việt Nam. Trong những động lực này, triết học đã cung cấp cho công cuộc đổi mới những nền tảng căn bản từ thế giới quan duy vật lịch sử của triết học Mác - Lênin về yêu cầu phát huy nhân tố con người. Từ việc ban hành chính sách để phát huy mọi nguồn lực để phát triển đất nước đến chủ trương khơi dậy, phát huy nguồn lực tinh thần, khơi dậy khát vọng trong nhân dân về nước Việt Nam hùng cường theo định hướng XHCN.

Thứ tư, rèn luyện và cung cấp cho học viên một thế giới quan khoa học, biện chứng trong việc quán triệt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận thức về trách nhiệm và thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị và địa phương. 

Một số kết quả của việc giảng dạy triết học, cụ thể: Đối với công tác hoạch định chính sách, công tác giảng dạy triết học đã góp phần rèn luyện tư duy linh hoạt trong việc lãnh đạo, quản lý và ban hành chính sách. Ở cấp độ chủ trương, việc giảng dạy triết học đã cung cấp cơ sở khoa học để đội ngũ cán bộ nhận thức rõ hơn việc điều chỉnh quan hệ sản xuất để tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tư duy triết học giúp cho cán bộ lãnh đạo nhận thức rõ hơn những cách thức điều chỉnh quan hệ sản xuất để phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, cách thức thực hiện bỏ qua “giai đoạn phát triển” chủ nghĩa tư bản, kế thừa những hạt nhân hợp lý của chủ nghĩa tư bản để xây dựng CNXH.

Thông qua triết học, học viên nhận thức rõ về bản chất các nguyên lý, các quy luật, các phạm trù của phép biện chứng duy vật, phê phán các quan niệm tuyệt đối hóa ranh giới của các mặt đối lập mà không thấy mối quan hệ chuyển hóa giữa chúng, nhìn nhận phiến diện, một chiều, sai nguyên lý cơ bản về sự phát triển của CNXH, không gắn sự phát triển với các quy luật tất yếu, khách quan của nó, tách rời hiện tượng với bản chất, tất nhiên và ngẫu nhiên, dẫn đến những ảo tưởng, đơn giản hóa trong cách nhìn nhận về CNXH.

Công tác nghiên cứu, giảng dạy triết học còn góp phần phê phán bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều, rập khuôn máy móc, không xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử cụ thể, từ thực tiễn Việt Nam; rèn luyện tư duy lý luận, nâng cao vai trò của tư duy biện chứng, khắc phục lối tư duy siêu hình; đóng góp tích cực vào việc xây dựng lý luận về chiến lược phát triển con người Việt Nam hiện nay.

_________________

Ngày nhận bài: 25-5-2022; Ngày bình duyệt: 27-5-2022; Ngày duyệt đăng: 01-03-2023.

(1), (2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.589, 156.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.125.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.127.

(5) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.21.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.7-8.

(7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I., tr.33, 33.

TS PHẠM ANH HÙNG

Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS ĐỚI GIA THIÊN LINH

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiên cứu và giảng dạy triết học Mác - Lênin góp phần củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng
    POWERED BY