DƯƠNG THỊ MAI HOA
Đại học Vinh
(LLCT) - Trong quá trình hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hóa có vai trò quan trọng. Ngoại giao văn hóa được đề cao là “quyền lực mềm”, “sức mạnh mềm” trong bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa được Đảng và Nhà nước ta xác định là ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam. Trong thời gian qua, ngoại giao văn hóa đã có vai trò tích cực trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước và góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một tiết mục biểu diễn trong khuôn khổ Ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga. Ảnh: baoquocte.vn
1. Chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về ngoại giao văn hóa
Ngoại giao văn hóa là các hoạt động ngoại giao gắn liền với văn hóa, theo đó, các quốc gia sử dụng văn hóa như một đối tượng và phương tiện nhằm thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại để đạt được các mục tiêu, lợi ích cơ bản của mình trên các lĩnh vực: an ninh, phát triển và mở rộng ảnh hưởng, đồng thời xây dựng bản sắc ngoại giao của quốc gia, dân tộc.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã xác định ngoại giao văn hóa là một lĩnh vực đặc biệt trong chiến lược ngoại giao toàn diện của Việt Nam: “liên quan đến việc sử dụng văn hóa như là đối tượng và phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại của quốc gia; tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ quốc gia ở nước ngoài”(1).
Chủ trương trên thể hiện sự đổi mới trong tư duy đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta khi xác định được tầm quan trọng của nội dung văn hóa trong hoạt động ngoại giao. Hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng được chú trọng, “Việc mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam… Hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hóa giúp đạt các mục tiêu mà chính sách văn hóa đặt ra là tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước, góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”(2). Hợp tác về văn hóa là nền tảng để mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Trên thực tế, mặc dù văn hóa là một lĩnh vực có những nét đặc thù riêng, song văn hóa luôn đan xen, thâm nhập, hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực.
Thời gian qua sự nghiệp đổi mới đất nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, song lĩnh vực văn hóa chưa có sự phát triển hài hòa, tương xứng. Do đó, Đại hội XI của Đảng (năm 2011) yêu cầu: “Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội... Tăng đầu tư của Nhà nước, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa”(3). Đảng ta yêu cầu trong quá trình phát triển văn hóa phải “vừa kế thừa, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội”(4).
Đại hội XI của Đảng chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” và khái niệm “ngoại giao văn hóa” lần đầu tiên được sử dụng và được đặt ở vị trí ngang hàng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế.
Đại hội chỉ rõ: “Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với hoạt động đối ngoại. Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh”(5). Đây là nội dung mới trong chính sách phát triển văn hóa và đối ngoại của Đảng, đã một bước ngoặt cho hoạt động ngoại giao văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế hiện nay.
Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 ban hành theo Quyết định số 208/2011/QĐ-TTg, ngày 14-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, tạo nên sự gắn kết và thúc đẩy ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia. Các điều ước và thỏa thuận quốc tế về văn hóa được ký kết đã tạo cơ sở pháp lý, nâng cao nhận thức về ngoại giao văn hóa và vai trò của ngoại giao văn hóa trong các hoạt động đối ngoại.
Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(6). Chủ trương của Đảng đã phản ánh sự trưởng thành của nền ngoại giao Việt Nam, đồng thời cũng là yêu cầu vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài đối với công tác đối ngoại nói chung và công tác ngoại giao văn hóa nói riêng.
Triển khai Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 30-11-2021, “Phê duyệt Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030”, nêu rõ ngoại giao văn hóa trong giai đoạn hiện nay được triển khai với 5 nhiệm vụ cụ thể là:
Một là, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ, lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia, khu vực, các tổ chức quốc tế.
Hai là, hội nhập chủ động, sâu rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế
Ba là, quảng bá và lan tỏa hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế
Bốn là, vận động, bảo vệ và phát huy các di sản Việt Nam được quốc tế công nhận
Năm là, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc(7).
2. Kết quả ngoại giao văn hóa trong thời kỳ đổi mới
Trong thời gian qua, ngoại giao văn hóa đã được triển khai mạnh mẽ, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú về hình thức, chú trọng chất lượng, linh hoạt, sáng tạo trong ý tưởng và biện pháp, trên cơ sở bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, góp phần nâng tầm và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế. Ngoại giao văn hóa ngày càng phát huy vai trò là một trụ cột đối ngoại quan trọng và có những đóng góp lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh đổi mới và hội nhập quốc tế:
Thứ nhất, ngoại giao văn hóa góp phần gửi đi thông điệp và thương hiệu quốc gia, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy giao lưu và hợp tác quốc tế
Việc tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa trong thời gian qua, với các hình thức đa dạng như: tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn định kỳ và thường niên như: Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương (Phú Thọ), Festival Huế, Festival Dừa (Bến Tre), Lễ hội Hoa Đà Lạt, Lễ hội Hoa tam giác mạch (Hà Giang), các lễ hội ẩm thực, các cuộc đua xe đạp vì hòa bình… Các hoạt động văn hóa đã phát huy vai trò là phương thức lan tỏa giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, cởi mở, với lịch sử hào hùng, bất khuất và vô cùng nhân văn; quốc gia có nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên với một nền văn hóa đậm đà bản sắc.
Ngoại giao văn hóa kết hợp chặt chẽ với ngoại giao kinh tế trong nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, tạo sức hút, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ngoại giao văn hóa góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước, cong người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, góp phần vào quá trình thúc đẩy du lịch, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra các nước, từ đó nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các địa phương và cả nước, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi, tiếp xúc văn hóa, các địa phương xác định được thế mạnh, khuyết thiếu của mình và định vị được mục tiêu hướng tới.
Trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới, thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, các đối tác, bạn bè quốc tế ngày càng hiểu hơn về đất nước, văn hóa, con người, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng nền tảng nhận thức và tình cảm của người dân các nước đối với Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác, nâng cao vị thế và sức mạnh tổng hợp quốc gia.
Thứ hai, ngoại giao văn hóa góp phần nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế
Các hoạt động ngoại giao văn hóa ngày càng gắn kết với ngoại giao chính trị, đã trở thành một hoạt động chính trong các đề án, chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại lớn của các cấp, các ngành, góp phần quảng bá văn hóa, tăng cường hiểu biết giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, tạo dựng lòng tin - nền móng vững chắc cho việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị lâu dài.
Trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương, ngoại giao văn hóa đã góp phần đưa nước ta hội nhập sâu rộng, nâng cao năng lực chủ động khi tham gia tại các diễn đàn quốc tế, đóng góp tích cực cho các mục tiêu hòa bình, an ninh, phát triển của thế giới, từ đó tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai đa dạng về đối tượng, phong phú về nội dung và hình thức, mở rộng về địa bàn, gồm các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra nước ngoài, tiếp đón nguyên thủ các nước đến Việt Nam, hội nghị, sự kiện quốc tế do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Tích cực đóng góp vào xây dựng và hoạt động của các định chế, diễn đàn đa phương tại các diễn đàn, tổ chức khu vực, liên khu vực và quốc tế về văn hóa mà Việt Nam là thành viên. Do đó, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, thể hiện qua việc được đăng cai nhiều sự kiện văn hóa, hội nghị, hội thảo lớn. Tại các sự kiện, diễn đàn quốc tế, Việt Nam có những đóng góp thực chất, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng, sáng kiến, xây dựng các công ước, văn kiện quan trọng… được đánh giá cao.
Ngoại giao văn hóa có vai trò lớn trong việc mở đường để Việt Nam truyền tải, lan tỏa giá trị truyền thống dân tộc, khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán là độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.
Thứ ba, tiếp thu các giá trị nhân văn, khoa học tiến bộ và ngăn chặn cái xấu, phi văn hóa trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Trong quá trình hoạt động ngoại giao văn hóa, sự trao đổi hai chiều lan tỏa và tiếp nhận luôn đồng thời diễn ra. Các quốc gia trao đổi, giao thoa về văn hóa, qua đó bồi đắp nền văn hóa của mỗi nước, mặt khác, các quốc gia cũng có những biện pháp để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và điều chỉnh các giá trị văn hóa riêng của quốc gia phù hợp với dòng chảy chung của thời đại để hòa nhập nhưng không hòa tan.
Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm xây dựng và phát triển, có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bản sắc riêng, trở thành “sức mạnh mềm” của quốc gia trong hội nhập quốc tế. Thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc các giá trị, tinh hoa văn hóa và tri thức của các nước nhằm góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân.
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã chỉ ra một nhiệm vụ trọng tâm là: “Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”. Nghị quyết chỉ rõ: “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc”(8).
Đảng ta chủ trương chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân. Vừa hợp tác vừa đấu tranh để tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và ngăn chặn những yếu tố văn hóa độc hại. Trong bối hội nhập quốc tế, thực hiện chủ trương của Đảng, ngoại giao văn hóa đã có đóng góp tích cực trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa và tri thức của các nước, làm giàu văn hóa dân tộc.
Thứ tư, vai trò của ngoại giao văn hóa trong vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời, một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài luôn được xác định là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong công tác ngoại giao của Đảng và Nhà nước phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về vấn đề này như: Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị khóa IX “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19-5-2015, của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX “về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”; Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12-8-2021, của Bộ Chính trị “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”.
Trong các văn kiện quan trọng trên, Đảng ta khẳng định: Người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển của quốc gia sở tại mà còn là một thành phần không thể thiếu trong công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Mỗi người Việt Nam ở nước ngoài là một sứ giả đưa văn hóa Việt Nam đến nhân dân các nước, vùng lãnh thổ nơi họ sinh sống, làm ăn, lao động, học tập.
Thực hiện các hoạt động ngoại giao văn hóa có liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vừa là một cách để duy trì bản sắc dân tộc, đồng thời, thông qua họ, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam sẽ được quảng bá rộng rãi và hiệu quả tới cộng đồng quốc tế.
Các hoạt động văn hóa phong phú hướng tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thúc đẩy gắn kết cộng đồng người Việt Nam trên thế giới hướng về Tổ quốc, có những đóng góp thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có tác động sâu sắc trong việc khơi gợi lòng tự hào dân tộc, tình cảm gắn bó với quê hương, thúc đẩy việc lan tỏa các giá trị Việt Nam ra thế giới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc.
Trong vai trò là một chủ thể của ngoại giao văn hóa, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều hoạt động như: tổ chức các sinh hoạt cộng đồng về văn hóa, văn nghệ, hội họa, tín ngưỡng, thể thao, xã hội, dạy và học tiếng Việt… , thông qua đó đưa đến người dân nước sở tại những cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với văn hóa Việt Nam, thưởng thức văn hoá Việt và có thể tiếp thu, kể cả việc học tiếng Việt hoặc những hình thức nghệ thuật trình diễn. Qua đó, quảng bá văn hóa Việt Nam, hiểu biết thwm về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, đối ngoại.
Các doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đưa hàng hóa, sản phẩm, dich vụ của Việt Nam ra nước ngoài, đưa du lịch quốc tế vào Việt Nam, qua đó góp phần quảng bá một cách hiệu quả văn hóa Việt Nam, kể cả văn hóa vật thể và phi vật thể.
3. Một số giải pháp đẩy mạnh ngoại giao văn hóa trong tình hình mới
Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013/Q Đ-TTg ngày 30-11-2021, đã đặt mục tiêu “sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước”(9).
Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 một lần nữa nhấn mạnh vai trò của ngoại giao văn hóa trong nền ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đạinhằm phục vụ các mục tiêu hòa bình, an ninh, phát triển và vị thế, ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; gắn kết chặt chẽ văn hóa với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế và những định hướng chính sách đối ngoại đến năm 2030 của Đảng, Nhà nước. Để thực hiện mục tiêu đó, cần một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện chủ trương, cơ chế, chính sách về ngoại giao văn hóa cho phù hợp với thực tiễn,hoàn thiện lý luận về ngoại giao văn hóa, bao gồm khái niệm, nội hàm cũng như xác định rõ vai trò, vị trí của ngoại giao văn hóa trong tổng thể nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam.
Để ngoại giao văn hóa phát huy được vai trò là một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam, cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế; gắn kết với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo sức mạnh ngoại giao tổng hợp toàn diện của Việt Nam. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về ngoại giao văn hóa một cách toàn diện, đồng bộ trên cơ sở phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cần nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa để nhằm đưa ngoại giao văn hóa trở thành một nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
Quan tâm đẩy mạnh công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo những xu hướng phát triển của văn hóa và ngoại giao văn hóa tác động đến Việt Nam để kịp thời có chính sách liên quan đến ngoại giao văn hóa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và các cam kết quốc tế.
Hai là, bảo đảm các nguồn lực cho ngoại giao văn hóa phát triển
Để các hoạt động ngoại giao văn hóa thực sự có chất lượng và hiệu quả, phát huy tốt vai trò trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa có trình độ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới là vô cùng quan trọng. Do vậy, cần phải thường xuyên tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức về văn hóa và ngoại giao văn hóa cho các cán bộ làm công tác đối ngoại trong nước cũng như ở nước ngoài. Nâng cao kiến thức về ngoại giao văn hóa cho các cán bộ làm công tác ngoại vụ và văn hóa thuộc các tỉnh, thành phố.
Cần tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng về kiến thức đối ngoại nói chung và ngoại giao văn hóa nói riêng, kiến thức về tổ chức sự kiện văn hóa có yếu tố nước ngoài tại các địa phương.
Chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành liên quan đến ngoại giao văn hóa. Đưa nội dung ngoại giao văn hóa vào giảng dạy một cách phù hợp tại một số trường đại học chuyên ngành liên quan nhằm nâng cao kiến thức của sinh viên, thanh niên đối với công tác ngoại giao văn hóa. Tăng cường tổ chức các sự kiện nhằm tạo cơ hội giao lưu văn hóa giữa học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.
Ba là, gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với công tác về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, các cấp, các ngành cần có chính sách quan tâm cụ thể cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Với vai trò vừa là chủ thể, vừa là đối tượng hưởng thụ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có vị trí quan trọng trong việc tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng người Việt Nam. Đồng thời, thông qua đó quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam với người dân nước sở tại.
Tích cực triển khai Đề án “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” nhằm gìn giữ và phát triển việc sử dụng tiếng Việt. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc nghiên cứu, chọn lọc những bài học kinh nghiệm quý, bổ ích, phù hợp của các nước để tham mưu về chính sách ngoại giao văn hóa và việc tổ chức hoạt động văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Từ đó, góp phần đưa quan hệ Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, bền vững, tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân các nước với Việt Nam, đồng thời vận động, thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch quốc tế, trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Bốn là, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại
Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế trong bối công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ số phát triển mạnh mẽ, con người và những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam ít nhiều bị tác động và biến đổi. Bên cạnh những nhân tố tích cực thúc đẩy nền văn hóa phát triển hiện đại, tạo ra những công cụ, phương tiện để giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thì cũng có nhiều nhân tố tác động tiêu cực, khiến cho giá trị văn hóa truyền thống trở nên lạc hậu hoặc bị mai một, bị biến dạng.
Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không có nghĩa là đóng cửa, khép kín, “nhốt” nền văn hóa dân tộc khỏi sự ảnh hưởng của bên ngoài mà cần chủ động, tích cực trong việc giao lưu, hợp tác văn hóa để tiếp nhận những giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại, làm cho nền văn hóa dân tộc giàu có hơn, hiện đại hơn, có sức sống mãnh liệt hơn, đề kháng trước những yếu tố phản văn hóa.
Tăng cường công tác nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, tri thức, kinh nghiệm hay, khoa học, tiên tiến của thế giới vào Việt Nam, kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, để hoàn thiện và làm phong phú hơn kho tàng văn hóa, tri thức của Việt Nam, phải đồng thời đưa tinh hoa văn hóa của Việt Nam ra thế giới, góp phần bổ sung tinh hoa văn hóa nhân loại.
Giáo dục chủ nghĩa yêu nước, trang bị tri thức văn hóa dân tộc cho người dân để mỗi người Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài đều cảm thấy tự hào về đất nước nghìn năm văn hiến đồng thời nâng cao trách nhiệm, tính tích cực, tự giác trong giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước bối cảnh mới của dân tộc và thời đại.
_________________
Ngày nhận bài: 12-9-2023; Ngày bình duyệt: 15 -9-2023; Ngày duyệt đăng: 2-10-2023.
(1) Vũ Dương Huân: Ngoại giao và công tác ngoại giao, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 311.
(2) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phát biểu của Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn tại Lễ khai mạc Hôi thảo “Văn hóa đối ngoại trong thế giới hội nhập”, tổ chức ngày 30 -11 -2011 tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội
(3), (4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.40, 41, 139.
(6) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 162.
(7), (9) Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 30-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030”.
(8) ĐCSVN: Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2011-2015, Sđd, tr.149.