(LLCT) - Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga Xô viết. Đây là chuyến đi đầu tiên của Người đến đất nước của V.I.Lênin - người thầy vĩ đại đã làm Nguyễn Ái Quốc chuyển biến trong nhận thức và hành động về con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Bài viết trình bày quá trình thực hiện chuyến đi đầu tiên đến nước Nga Xô viết của Nguyễn Ái Quốc và nêu ra những bài học có ý nghĩa sâu sắc với Nguyễn Ái Quốc trong chuyến đi này.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (người ngồi đầu tiên bên trái) chụp ảnh với một số đại biểu tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva, Nga từ ngày 17-6 đến 8-7-1924 - Ảnh tư liệu TTXVN
Đầu những năm 1920, Nguyễn Ái Quốc sống và hoạt động tại nước Pháp và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Tại Đại hội II của Đảng Cộng sản Pháp họp tháng 10-1922 tại Pari, Người đã có một bài diễn văn ngắn nhưng chứa đựng nội dung quan trọng và phong thái trình bày sôi nổi, cùng với lời đề nghị đưa các vấn đề thuộc địa vào chương trình nghị sự thảo luận với tư cách là một trong những mục chính, Nguyễn Ái Quốc đã khiến cho đồng chí M.Manuinxki (Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản) rất hài lòng và đồng tình, “Đồng chí vừa nghe vừa luôn gật đầu tán thành”(1). Đây chính là lý do mà Manuinxki đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp cử Nguyễn Ái Quốc sang Mátxcơva để làm việc. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã đến nước Nga theo lời mời của đồng chí M.Manuinxki. Người đã có khoảng thời gian hoạt động sôi nổi, có những bài học quý giá, những người đồng chí, người bạn quốc tế thân thiết từ chuyến đi này.
Đến nước Nga, Người tiếp tục thực hiện mục đích ban đầu của mình là sang nước Nga để có cơ hội học tập kinh nghiệm tổ chức một đảng cách mạng, bí mật, bất hợp pháp nhưng lớn mạnh, có sức lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền. Nếu vẫn ở lại Pháp, Người sẽ không học được điều cần thiết này, vì “Thuở ấy, trên đất Pháp, trên các nước Tây Âu, không có kinh nghiệm tổ chức đảng bí mật, bất hợp pháp mà lại có thực lực lớn trong quần chúng, chỉ có những đảng cộng sản công khai, hợp pháp hoạt động ngoài và trong nghị trường”(2). Trong khi đó tại Việt Nam, “trên xứ Đông dương thuộc Pháp này…không có đảng nào sống được lâu dài ở trong nước, mà sớm muộn cũng đều bị thực dân tiêu diệt hoàn toàn”(3). Vì vậy, chỉ có sang Nga, Nguyễn Ái Quốc mới học được kinh nghiệm tổ chức đảng bí mật như vậy.
Tới Nga cũng là cơ hội để Người kiểm chứng về sự đúng đắn của lý luận Mác - Lênin khi vận dụng vào thực tiễn, là cơ hội để Người kiểm chứng những thông tin tích cực về Nhà nước Xô viết theo chủ nghĩa Mác-Lênin, một nhà nước vì lợi ích của quần chúng nhân dân mà Người đã từng được biết đến qua các bài báo cánh tả ở Pháp.
Mục đích mọi hoạt động của Người đều nhằm giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập…”(4). Sau đó, Người từ Nga đến Trung Quốc, để được về gần Tổ quốc hơn. Từ đó, tìm cách liên lạc với những người yêu nước Việt Nam ở Trung Quốc và bắt đầu công tác tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện cán bộ lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến tới thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Tại Nga, Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong Quốc tế cộng sản để tranh thủ kêu gọi mọi sự hỗ trợ cho cuộc cách mạng giải phóng ở các thuộc địa. Phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa, theo quan sát và nghiên cứu thực tiễn của Người, tại thời điểm đó, vẫn còn chưa thật sự nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ cần thiết từ Quốc tế Cộng sản và các đảng cộng sản. Vì vậy, các phong trào này ngoài sự đơn độc thì còn chưa có kinh nghiệm và chưa được tổ chức, huấn luyện. Chuyến đi đầu tiên đến nước Nga sẽ giúp Người có cơ hội kêu gọi Quốc tế Cộng sản và các tổ chức quốc tế, các đảng cộng sản quan tâm đến vấn đề của các dân tộc thuộc địa.
Sau lời đề nghị của đồng chí M.Manuinxki và sự chấp thuận của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã lên kế hoạch để thực hiện chuyến đi này. Người đã thực hiện vài hoạt động để qua mắt mật thám Pháp và chuẩn bị cho việc rời Pari.
Tối 13-6-1923, Người mua vé xem buổi chiếu phim cuối cùng, nhưng chỉ xem đến giữa chừng. Sau đó, Người lặng lẽ rời khỏi rạp bằng lối cửa sau, nhanh chóng xuống điện ngầm đến ga xe lửa ở phía Bắc Pari. Từ đây, Người đã đáp xe lửa đến Béclin (Đức). Đại diện toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga tại Đức đã cấp cho Người Giấy thông hành số 1829, mang tên người thợ ảnh “Chen Vang”.
Ngày 27-6-1923, Người đã rời cảng Hamburg trên con tàu mang tên nhà cách mạng Đức Karl Liebknecht. Sau ba ngày trên biển, ngày 30-6-1923, con tàu đã cập “Bến tàu số 7” cảng Vũng Gutuev, ở quận Kirov thuộc Cảng vụ St. Petersburg, vịnh Gutuépxcaia. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đặt chân lên đất nước Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết.
Ngay sau khi vừa đặt chân đến nước Nga, Nguyễn Ái Quốc với khả năng quan sát thực tiễn và tư duy nhạy bén, độc lập, tự chủ đã nhận ra ngay những bài học cho bản thân Người và cho cách mạng Việt Nam:
Thứ nhất, bài học về ý chí cách mạng và niềm tin cộng sản vào một tương lai tốt đẹp cho đất nước, cho dân tộc
Đến nước Nga, Người được tận mắt chứng kiến khung cảnh hiện thực của đất nước và con người nơi đây. Một đất nước Xô viết đang trong những năm đầu được thành lập, hàng loạt những khó khăn, thử thách đặt ra với chính quyền non trẻ: “chiến tranh tàn phá, đói rét, bọn đế quốc bao vây và can thiệp nội chiến…”(5). Nhưng trước tình hình vô cùng khó khăn như vậy, những người Bônsêvích đã cho Nguyễn Ái Quốc và những chiến sĩ cách mạng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang có mặt ở nước Nga lúc đó thấy được sự “nhiệt tình cách mạng mạnh mẽ, vô hạn của công - nông; về niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng”(6)của họ khi họ “dũng cảm nắm chính quyền trong một nước mênh mông và lạc hậu”(7).
Niềm tin ấy đã lan truyền sang Nguyễn Ái Quốc, Người học được một bài học giá trị về tinh thần cách mạng và sự quyết tâm của những người cộng sản trước những khó khăn, thử thách đối với cách mạng. Đảng cộng sản lãnh đạo đã chuyển sức mạnh tinh thần ấy thành sức mạnh vật chất.
Người đã viết cảm nghĩ của mình về lần đầu tiên đến Liên Xô như sau: “Trong những ngày đầu tiên mới đến Liên Xô, tôi đã thấy nhân dân Xô viết phải sống và lao động trong những điều kiện vô cùng gian khổ như thế nào để xây dựng Đất nước Xô viết của mình. Biết bao câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng cao đẹp, về sự quên mình của công nhân, nông dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng những thành tựu đầu tiên của nhân dân Xô viết cũng đã hiện ra trước mắt tôi. Tiến bộ nhanh chóng của Đất nước Xô viết cũng như bất kỳ một thành tích nào cũng làm cho mỗi người cách mạng cảm thấy vui mừng và hạnh phúc, cảm thấy tự hào về sự nghiệp của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại”(8).
Thứ hai, Người học được kinh nghiệm về vị trí, vai trò của các giai cấp trong cách mạng vô sản
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước mất, nhà tan, Nguyễn Ái Quốc từng được tìm hiểu về những bài học kinh nghiệm trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng phong kiến, các phong trào theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Với Cách mạng Tháng Mười Nga, Người có một bài học về vị trí, vai trò của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Trong đó, có bài học về công nông là gốc cách mệnh, “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc”(9). Chính điểm mới này cả trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và từ thực tiễn nước Nga đã giúp cho Nguyễn Ái Quốc có được chủ trương đúng đắn | Một đất nước Xô viết đang trong những năm đầu được thành lập, hàng loạt những khó khăn, thử thách đặt ra với chính quyền non trẻ: “chiến tranh tàn phá, đói rét, bọn đế quốc bao vây và can thiệp nội chiến…”. Nhưng trước tình hình vô cùng khó khăn như vậy, những người Bônsêvích đã cho Nguyễn Ái Quốc... thấy được sự “nhiệt tình cách mạng mạnh mẽ, vô hạn của công - nông; về niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng”của họ khi họ “dũng cảm nắm chính quyền trong một nước mênh mông và lạc hậu”. |
khi chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và cùng với Đảng Cộng sản tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng Việt Nam, phân định đối tượng cách mạng, đồng minh.
Người đã “rút kinh nghiệm của những người bôn sơ vích Nga trong tổ chức đảng cách mạng kiểu mới, đảng của chủ nghĩa Lênin”(10). Đây là những nội dung cơ bản và quan trọng để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. “Trong toàn bộ chủ nghĩa Mác-Lênin thì vấn đề xây dựng đảng là một trong các vấn đề cơ bản, bao gồm những nguyên tắc tổ chức hết sức rõ ràng về tính chất của đảng, về sự tuyển lựa đảng viên, về việc xây dựng cơ sở và hệ thống, về nguyên tắc tập trung dân chủ, về “kỷ luật sắt” trong đảng, về mối quan hệ giữa đảng và quần chúng, về quy luật phê bình và tự phê bình”(11).
Thứ ba, Người đã có thêm cơ sở thực tiễn cho quyết định lựa chọn con đường cứu nước và giải phóng dân tộc
Chuyến đi này không chỉ giúp Người củng cố thêm niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin và quyết định lựa chọn con đường giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản, bởi trên những gì Người tận mắt chứng kiến ở nước Nga Xô viết.
Khi ở Pháp, Người đã được biết đến Cách mạng Tháng Mười và Nhà nước Nga Xô viết, nhưng do sự bưng bít, xuyên tạc của chính quyền Pháp, những thông tin mà Người có được còn quá ít ỏi, chủ yếu qua một vài tờ báo của các đảng cánh tả ở Pháp và những người cộng sản Pháp, qua đại diện của Quốc tế cộng sản. Thậm chí ngay cả kênh này, tin tức tốt đẹp về nước Nga cũng thường chậm hơn các tờ báo “cánh hữu” nhưng “những tin tức chân thực về thực tế ở nước Nga được đăng trên các báo cảnh tả thường chậm”(12). Trong khi mà “Báo chí tư sản Pháp đã trổ hết tài năng vu khống đất nước của giai cấp vô sản chiến thắng”(13). Nước Nga Xô viếthiện thực mà Người được tận mắt chứng kiến đã chứng minh mọi thông tin trên báo cánh tả nước Pháp, và thực tế còn sâu sắc hơn, sinh động hơn, đầy đủ hơn.
Quyết định về con đường cách mạng Việt Nam sau này được Người khẳng định trong tác phẩm Đường Cách mệnh (xuất bản năm 1927): “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”(14).
Thứ tư, Người có thêm cơ sở để nghiên cứu, so sánh, lựa chọn mô hình nhà nước để sau này thực hiện vận dụng ở Việt Nam khi cách mạng thành công
Nhà nước Xô viết mà Người đang tận mắt chứng kiến nó, học hỏi nó về nội dung, nguyên tắc và phương pháp hoạt động chính là kết quả, đồng thời cũng là sự minh chứng một cuộc cách mạng thực sự thành công. Trong bài viết “Lênin và các dân tộc thuộc địa” (ngày 27-1-1924), Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định tính ưu việt của Cách mạng Tháng Mười và Nhà nước Xô viết, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin và Đảng Cộng sản “đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền”(15); “lập nên chính quyền của những người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có người bóc lột người"(16); chính quyền đã “phát đất ruộng cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền… ra sức tổ chức kinh tế mới, để thực hành chủ nghĩa thế giới đại đồng”(17).
Sau này, Người khẳng định: "sự ra đời của Nhà nước đó mở đầu thời đại mới trong lịch sử loài người"(18). Cuộc cách mạng vô sản này thật sự đề cao vai trò của nhân dân, không chỉ giành lấy chính quyền về tay nhân dân, đem lại quyền lợi cho nhân dân, mà còn giúp các dân tộc thuộc địa giải phóng khỏi ách nô lệ.
Thứ năm, đến nước Nga giúp Nguyễn Ái Quốc có thêm cơ hội để hoạt động trong phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế
Đây là cơ hội để Người thu hút sự quan tâm, chú ý của Quốc tế Cộng sản đối với Việt Nam; gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, qua những hoạt động không mệt mỏi của Người với cương vị công tác ở Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản.
Người bắt đầu công việc trên cương vị mới bằng việc viết thư cho Chủ tịch đoàn Quốc tế Cộng sản, trình bày ý kiến và kết luận của mình về phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương. Trong đó nêu rõ “giai cấp vô sản ở các thuộc địa của Pháp mới chiếm không quá 2% dân số và chưa có tổ chức riêng của mình”(19). Cũng qua bức thư này, Người đã thể hiện tầm nhìn và sự đánh giá chính xác về khả năng cách mạng của giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức trong phong trào giải phóng dân tộc. Cùng với sự cần thiết phải có sự phối hợp hành động giữa những người cộng sản với những người yêu nước: “quần chúng nông dân là bộ phận cùng cực nhất trong nhân dân, vì vậy, khả năng cách mạng của họ rất to lớn; trí thức cũng là một lực lượng cách mạng dân tộc. Một trong những điều kiện đầu tiên để phát triển phong trào giải phóng ở Đông Dương mạnh mẽ là phải phối hợp hành động chung giữa những người cộng sản với các phần tử cách mạng yêu nước”(20).
Ngày 10-10-1923, phát biểu trong hai phiên họp của Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt nhân dân lao động ở thuộc địa Đông Dương phát biểu ý kiến. Trong đó, Người đã chỉ ra nỗi thống khổ 2 tầng áp bức của nông dân thuộc địa và đề nghị Quốc tế nông dân phải mở rộng kết nạp nông dân trên toàn thế giới tham gia tổ chức này để tăng thêm lực lượng và để dẫn dắt, tổ chức nông dân thành một lực lượng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân. Người nói: “Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một quốc tế khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các nước thuộc địa là những người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí, đều tham gia Quốc tế của các đồng chí”(21).
Cũng tại Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân gồm 11 ủy viên. Với tư cách là Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Nguyễn Ái Quốc đã ký một số văn kiện, trong đó có “Lời kêu gọi nông dân toàn thế giới đấu tranh đòi chặn bàn tay Chính phủ phản động Bulgarie không được giết hại các lãnh tụ cách mạng”(22). Những hoạt động này của Người đã góp phần thu hút sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản nói chung và Quốc tế Nông dân nói riêng tới phong trào của nông dân các nước thuộc địa, đặc biệt là phong trào của nông dân Việt Nam.
Trong 14 tháng ở Mátxcơva, bên cạnh việc thiết lập và củng cố mối quan hệ với Quốc tế Cộng sản, Người tranh thủ thời gian để củng cố và thiết lập thêm nhiều mối quan hệ với những người cộng sản thế giới. “Ngay từ những ngày đầu sống ở Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều bạn bè, đặc biệt là cán bộ Liên Xô và các nước khác làm việc tại Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản”(23). Những cuộc gặp gỡ đó của Nguyễn Ái Quốc đã giúp cho Việt Nam được biết đến nhiều hơn và có thêm những người bạn mang tinh thần quốc tế chân chính của giai cấp công nhân.
Trong thời gian ở Liên Xô, Người viết bài cho các tờ báo, tạp chí như: Thư tín quốc tế, Nhân đạo, Đời sống công nhân, Người cùng khổ. Trong đó, phạm vi đề cập trong các bài báo này của Người thể hiện sự đa dạng nhưng vẫn tập trung chủ yếu vào việc vạch trần tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, của đế quốc Anh ở Trung Quốc, về sự áp bức chủng tộc ở Mỹ; tố cáo chính sách bành trướng của các nước đế quốc ở châu Á và khu vực Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Người cũng viết bài phản ánh về sự phát triển của phong trào công nhân ở các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ,…; về tình hình nông dân ở các nước châu Á…
Đặc biệt, trong thời gian này, Người đã có cơ hội thực hiện ý định của mình về việc viết một cuốn sách theo thể chính luận để lên án chủ nghĩa thực dân Pháp. Ý định này đã được Người nung nấu khi còn ở Pháp, nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Khi sang Nga, “các đồng chí trong Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và Ban biên tập tạp chí “thư tín quốc tế” đã tích cực giúp anh thực hiện ý định này”(24). Cuốn sách sau đó đã được viết bằng tiếng Pháp với nhan đề “Bản án chế độ thực dân Pháp” và được xuất bản tại Pari vào năm 1925. Đây là tác phẩm mang tính chất lý luận đầu tiên đề cập đến một số vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Thứ sáu, Người có điều kiện trực tiếp nghiên cứu sâu hơn các tác phẩm của V.I.Lênin và các văn kiện của Quốc tế Cộng sản
Nhờ việc nghiên cứu các tài liệu này, Nguyễn Ái Quốc đã có thêm điều kiện để củng cố những kiến thức lý luận cách mạng mà Người đã tiếp thu được trong những năm tháng công tác tại Đảng Cộng sản Pháp.
Tại Nga, Người tham dự những khóa học ngắn hạn tại Trường đại học cộng sản dành cho những người lao động phương Đông - ngôi trường chính trị đầu tiên ở nước Nga Xô viết, ngôi trường được thành lập theo chỉ thị của V.I.Lênin với nhiệm vụ là đào tạo cán bộ cách mạng tuyển lựa từ cách nước phương Đông. Nguyễn Ái Quốc chính là học viên đầu tiên của Đông Dương đến học tại ngôi trường này. Tại đây, Người thu nhận được rất nhiều kiến thức cơ bản rất cần thiết cho hoạt động cách mạng sau này. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Unita, Người đã kể: “nhà trường đã dạy cho chúng tôi nguyên lý đấu tranh giai cấp, nhà trường đã đặt mối liên hệ giữa chúng tôi với các dân tộc phương Tây và trang bị cho chúng tôi, những người bị áp bức, những hiểu biết về việc phải làm và làm như thế nào…”(25).
Người cũng đã tranh thủ tận dụng tất cả các diễn đàn, kêu gọi sự ủng hộ một cách thiết thực của những người cộng sản ở “chính quốc” cho phong trào giải phóng ở các thuộc địa nói chung và phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam nói riêng. Người đã đề nghị Quốc tế Cộng sản phải có hành động để gắn phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa với phong trào cộng sản ở Nga và Pháp, cần “tổ chức đường dây liên lạc vững chắc và thường xuyên giữa Mátxcơva, Đông Dương và Pari… Ban lãnh đạo Quốc tế cộng sản quan tâm hơn nữa đến phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, trong đó có Đông Dương”(26).
Như vậy, trong 6 tháng tại nước Nga Xô viết, trong lần đến đất nước của V.I.Lênin đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc đã có những sự trải nghiệm thực tiễn khi được “tắm mình” trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Những hoạt động không mệt mỏi đã cho thấy phẩm chất chính trị đặc biệt, cùng với lý tưởng cộng sản và quyết tâm chính trị rất cao của Người. Những bài học kinh nghiệm về cuộc cách mạng vô sản, về sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích đối với cách mạng Nga và những kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng đã giúp Nguyễn Ái Quốc có thêm cơ sở thực tiễn. Từ đó, Người vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, chuẩn bị sẵn sàng về chính trị, tư tưởng, phương pháp cho sự thành lập Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh, giành độc lập tự do và xây dựng đất nước đi lên CNXH.
_________________
Ngày nhận bài: 25-5-2023; Ngày bình duyệt: 27-5-2023; Ngày duyệt đăng: 30-6-2023.
(1), (5), (6), (7), (8), (12), (13), (19), (20), (21), (22), (23), (24), (25), (26) E.Cô-bê-lép: Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, Hà Nội, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1985, tr.91, 95, 95, 95, 97, 97, 97, 99, 99, 99, 101, 100, 102, 110, 99.
(2), (3), (10), (11) Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, t.III,Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.129, 129, 129, 129.
(4), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.209, 256.
(9), (14), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.297, 304, 304.
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.388.
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.409.
ThS NGUYỄN THỊ HẢI VÂN
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong