(LLCT) - Nhân sinh quan của người Êđê thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa con người, thiên nhiên và các thế lực siêu nhiên, được phản ánh qua các nghi lễ như lễ cúng lúa mới, lễ cầu mưa và tang lễ. Tuy nhiên, sự xâm nhập của các tôn giáo mới, quá trình đô thị hóa và sự thay đổi trong đời sống đã làm biến đổi nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Bài viết làm rõ những giá trị nhân sinh cốt lõi, phân tích sự biến đổi trong bối cảnh mới và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo này.
ThS NGUYỄN ĐÌNH HUẤN
Trường Đại học Tây Nguyên
1. Mở đầu
Người Êđê có đời sống tinh thần rất đặc sắc, gắn bó chặt chẽ với môi trường tự nhiên và tín ngưỡng truyền thống. Nhân sinh quan của người Êđê được hình thành qua hệ thống tín ngưỡng phong phú như tôn thờ thần linh (Yang), và các nghi lễ cộng đồng, phản ánh sâu sắc cách họ nhìn nhận cuộc sống, con người và thế giới xung quanh. Tín ngưỡng đa thần đã trở thành một bộ phận hữu cơ, gắn bó mật thiết với sinh hoạt cộng đồng của đồng bào nơi đây. “Chính quan niệm vạn vật có linh hồn này là cơ sở của mọi hình thức tín ngưỡng của các tộc người thiểu số, khiến họ luôn luôn sống trong trạng thái không tách biệt giữa thế giới hiện hữu và thế giới siêu hình, mọi hành động của con người đều có thể bị chi phối bởi quan niệm siêu hình ấy…”(1). Những giá trị này không chỉ giúp duy trì bản sắc văn hóa mà còn góp phần tạo nên sự đa dạng của di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, sự phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa đã tác động sâu sắc đến đời sống tín ngưỡng và nhân sinh quan của người Êđê. Các giá trị truyền thống dần mai một, nghi lễ bị giản lược hoặc mất đi, trong khi những quan niệm sống thực dụng hơn đang xuất hiện. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Êđê.
2. Nhân sinh quan của người Êđê qua tín ngưỡng truyền thống
Trong các hình thái tín ngưỡng, tín ngưỡng đa thần là loại hình phổ biến nhất trên thế giới và được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sinh sống trong môi trường cao nguyên, hoạt động kinh tế nương rẫy chịu những tác động khách quan của các điều kiện địa lý và của hoàn cảnh lịch sử, xã hội Êđê phát triển khá chậm và hiện vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó có tín ngưỡng đa thần.
Theo tín ngưỡng truyền thống Êđê, thế giới phân chia thành ba tầng: tầng trời, tầng đất và tầng dưới; ở ba tầng ấy có những cặp thần ngự trị: tầng trời có Mtao Kơla và Hơbia; ở mặt đất có Mtao Tơlua và Aeơgơhăn, ở tầng dưới có Băngbơda và Băngbơdung trị vì. Người Êđê cho rằng, mọi vật đều có sức sống, có “yang” - tức linh hồn. Quan niệm vạn vật có linh hồn tạo nên những giao cảm tinh thần giữa người và vật, nhân cách hóa mọi vật, tạo ra những xúc cảm, những tưởng tượng bay bổng trong những sáng tạo nghệ thuật. Mặt khác, nó cũng vây hãm con người trong trùng điệp những hồn vía, ma quỷ, mê tín, làm cho người Êđê luôn sợ hãi, sùng bái, tôn thờ các thần. “Hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của thần linh, từ lao động sản xuất, đến ốm đau chết chóc, mọi hành động, việc làm đều phải cầu xin và được thần linh cho phép… Con người muốn tìm sự che chở bảo đảm cho cuộc sống của mình nơi thần linh”(2).
Bên cạnh đó, người Êđê có hệ thống nghi lễ phong phú gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa và tín ngưỡng. Trong đó, lễ cầu mưa, lễ cúng bến nước, lễ cúng lúa mới và tang lễ là những nghi thức quan trọng, phản ánh sâu sắc nhân sinh quan của họ.
Lễ cầu mưa, hay kăm mah “là một nghi lễ rất quan trọng của người Êđê: Đánh dấu thời điểm một mùa rẫy mới đã bắt đầu, với mong ước cầu cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt, thóc lúa đầy kho”(3). Lễ hội diễn ra vào đầu mùa mưa hoặc khi hạn hán kéo dài, với mục đích cầu xin thiên nhiên ban tặng nguồn nước dồi dào cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Nghi thức này thường được tổ chức tại các khu vực linh thiêng như bến nước hoặc cánh đồng. Lễ vật cúng tế bao gồm cơm, gà, rượu cần và các sản phẩm nông nghiệp. Người Êđê tin rằng lễ cầu mưa không chỉ giúp duy trì sự sống mà còn là cách để khẳng định mối quan hệ gắn bó với thiên nhiên và các thần linh.
Lễ cúng bến nước là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Êđê, thể hiện lòng biết ơn và sự tôn kính đối với nguồn nước - yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống và sản xuất nông nghiệp. Người Êđê “tổ chức lễ cúng bến nước để tạ ơn các vị thần linh, tạ ơn thần nước (yang êa) đã giúp dân làng có nguồn nước sạch để sinh hoạt, có nguồn nước dồi dào để cho lúa bắp xanh tốt, mùa màng bội thu, con người ấm no, đồng thời cầu mong các vị thần linh giúp buôn làng mùa rẫy mới có nguồn nước vô tận, mùa màng phát đạt, nhà nhà lúa thóc đầy kho…”(4).
Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, lễ cúng bến nước còn là dịp để cộng đồng tụ họp, củng cố tình đoàn kết và truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua nghi lễ này, người Êđê thể hiện nhân sinh quan hài hòa với tự nhiên và sự gắn bó sâu sắc giữa con người với môi trường sống.
Lễ cúng lúa mới, hay Hma Ngắt, được tổ chức vào cuối mùa thu hoạch, thường vào khoảng tháng 12 âm lịch, như một cách bày tỏ lòng biết ơn đến thần linh, đặc biệt là Thần Lúa, đã mang lại mùa màng bội thu. “Người Êđê cho rằng, hồn quyết định sự sống của con người, của cỏ cây, vạn vật. Vì thế, hồn Lúa chi phối, quyết định sự sinh sôi nảy nở, tươi tốt hay héo úa trong chu kỳ sống của cây lúa”(5). Nghi lễ thường được thực hiện tại nhà dài hoặc nơi trồng trọt, với sự tham gia của tất cả thành viên trong cộng đồng.
Tang lễ của người Êđê không chỉ mang ý nghĩa tiễn đưa người đã khuất mà còn là dịp để kết nối người sống với thế giới tâm linh. Lễ tang thường kéo dài từ ba đến bảy ngày, với các nghi thức như xây dựng nhà mồ, dâng lễ vật cúng tế và tổ chức lễ hội chia tay. Nhà mồ được xem như nơi an nghỉ của linh hồn và biểu tượng của lòng hiếu kính. Các lễ vật, bao gồm thực phẩm và vật dụng, được chuẩn bị kỹ lưỡng để người mất có đủ đầy ở thế giới bên kia. Người Êđê quan niệm rằng tang lễ là cách để bảo đảm linh hồn người đã khuất trở về với tổ tiên một cách bình an, đồng thời duy trì mối liên kết thiêng liêng giữa các thế hệ.
Quan niệm nhân sinh của người Êđê qua tín ngưỡng truyền thống
Quan niệm về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên: hài hòa và phụ thuộc.
Người Êđê luôn coi tự nhiên là một phần không thể tách rời trong đời sống của mình, thể hiện rõ qua quan niệm sống hài hòa và phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên. Trong hệ thống tín ngưỡng truyền thống, tự nhiên không chỉ là môi trường sinh tồn mà còn là nơi trú ngụ của các thần linh - những đấng bảo hộ sự sống. “Người Êđê sinh ra trong không gian rừng, sống với rừng và khi chết thân xác được gỗ và đất rừng bao bọc. Đời sống tâm linh của họ phần lớn là có cơ sở, có mối liên hệ mật thiết với rừng”(6). Với quan niệm cho rằng, rừng là “cái nong, cái nia, cái lưng của tổ tiên, ông bà”(7) nên luật tục Êđê khuyến cáo không được chặt, phá cây rừng tùy tiện, mặt khác luật tục cũng đưa ra những hình thức xử phạt rất nặng, thể hiện rõ nét ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên của đồng bào Êđê: “Kẻ vô cớ đem thuốc độc đổ xuống thác nước, hòa thuốc độc vào nước suối, nước sông… là kẻ có tội, có việc nghiêm trọng phải đưa ra xét xử giữa người ta với hắn”(8).
Người Êđê tin rằng, sự cân bằng giữa con người với tự nhiên chính là yếu tố bảo đảm cuộc sống bình an, mùa màng bội thu. Quan niệm này được thể hiện rõ trong các nghi lễ nông nghiệp truyền thống. Người Êđê luôn cố gắng khai thác tài nguyên một cách bền vững, tránh làm tổn hại đến môi trường tự nhiên. Triết lý hài hòa và phụ thuộc của người Êđê không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là bài học ý nghĩa về mối quan hệ bền vững giữa con người và thiên nhiên, đặc biệt trong bối cảnh môi trường hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức. Ý thức của cộng đồng Êđê về sự hài hòa giữa con người với tự nhiên vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, phù hợp với quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường: “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu… xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”(9).
Triết lý sống cộng đồng: đề cao tình đoàn kết và trách nhiệm. Người Êđê từ lâu đã xây dựng cho mình một triết lý sống cộng đồng bền vững, trong đó tình đoàn kết và trách nhiệm là những giá trị cốt lõi. Triết lý này không chỉ là nguyên tắc tổ chức xã hội mà còn được thể hiện sâu sắc qua tín ngưỡng và các nghi lễ truyền thống, phản ánh cách người Êđê gìn giữ sự gắn bó giữa con người với nhau và với cộng đồng.
Trong tín ngưỡng Êđê, các nghi lễ như lễ cúng lúa mới, lễ cầu mưa và lễ cúng bến nước đều mang tính cộng đồng cao, thể hiện sự phối hợp, chia sẻ và cùng nhau hướng đến mục tiêu chung. Triết lý sống cộng đồng của người Êđê cũng được thể hiện trong việc chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày. Triết lý sống cộng đồng, với trọng tâm là tình đoàn kết và trách nhiệm, không chỉ giúp người Êđê duy trì một xã hội ổn định mà còn tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo, là bài học giá trị về tinh thần tập thể.
Quan niệm về sự sống và cái chết. Người Êđê có quan niệm sâu sắc về sự sống và cái chết, phản ánh qua hệ thống tín ngưỡng và các nghi lễ truyền thống. Đối với họ, cái chết không phải là sự kết thúc mà là sự chuyển tiếp từ thế giới thực tại sang thế giới tâm linh, nơi linh hồn tiếp tục một hành trình mới. Niềm tin này được thể hiện qua sự tôn trọng đặc biệt đối với linh hồn và thế giới bên kia.
Quan niệm về sự sống và cái chết của người Êđê nhấn mạnh sự kết nối giữa các thế hệ. Người sống có trách nhiệm duy trì mối quan hệ với tổ tiên qua các lễ cúng, để thể hiện lòng biết ơn và sự tôn kính. Đồng thời, những nghi lễ này cũng là cách người Êđê bảo đảm rằng họ luôn nhận được sự che chở và hướng dẫn từ thế giới tâm linh.
Với người Êđê, sự sống và cái chết là một vòng tuần hoàn liên kết chặt chẽ, phản ánh triết lý nhân sinh coi trọng sự hài hòa giữa thế giới hữu hình và vô hình. “Sinh đẻ, đón chào cái mới, cái sống. Bỏ mả, giã từ cái cỗi, cái chết. Hai sự việc vẫn giống nhau ở nội dung “đón chào cái mới” vì sinh đẻ là đón chào cái mới đã có mặt. Giã từ cái chết (lễ bỏ mả) lại đẩy nhanh thời gian tiếp cận cái mới trong tương lai đang đến gần. Sự vĩnh biệt và chào đón gặp gỡ, hội tụ với biểu tượng giọt sương. Giọt sương là sự kết tinh từ đất, từ thế giới dưới đất báo hiệu sự hội tụ, hồi sinh, tiếp nối sự sống của một tộc người bắt đầu”(10). Đây không chỉ là niềm tin tín ngưỡng mà còn là giá trị văn hóa sâu sắc, góp phần duy trì bản sắc của dân tộc Êđê.
3. Sự biến đổi nhân sinh quan của người Êđê
Các yếu tố tác động đến sự biến đổi
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa làm thay đổi cấu trúc xã hội truyền thống của người Êđê, dẫn đến nhiều biến đổi trong lối sống, quan hệ cộng đồng và các giá trị văn hóa. Trước đây, người Êđê sống chủ yếu trong các buôn làng với cấu trúc nhà dài truyền thống, đó không chỉ là không gian sinh hoạt mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và tính cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã làm giảm dần mô hình này. Người Êđê chuyển sang sống trong các ngôi nhà hiện đại, nhỏ hơn, dẫn đến sự suy giảm tính kết nối giữa các thành viên gia đình và cộng đồng.
Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế mang đến những thay đổi trong các hoạt động kinh tế của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Người Êđê chuyển từ canh tác nông nghiệp truyền thống sang các công việc thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, vì vậy đã phần nào phá vỡ mối quan hệ mật thiết với tự nhiên, làm mai một các giá trị văn hóa đúng như nhận định: “Toàn bộ đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên từ tín ngưỡng, lễ hội, phong tục, nghi lễ, đời sống tình cảm của con người gắn liền với rừng núi và nương rẫy khiến ta có thể nói, văn hóa của đồng bào là “văn hóa rừng”. Thay đổi nếp sống nương rẫy là thay đổi tận gốc đời sống của con người”(11).
Ngoài ra, ảnh hưởng của nền giáo dục hiện đại, mạng xã hội và các công nghệ mới cũng làm thay đổi quan niệm sống, đặc biệt ở thế hệ trẻ, dẫn đến sự phân hóa trong cộng đồng. Những thay đổi này đặt ra những thách thức trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa Êđê trong bối cảnh hiện nay.
Sự xâm nhập của các hiện tượng tôn giáo mới có yếu tố Tin lành, Công giáo, Phật giáo như: Bơ khắp Brâu, Thanh Hải Vô Thượng sư, Cây Thập giá của Chúa Giêsu Christ, Tâm linh Hồ Chí Minh, Amí Sara, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Tâm linh đạo, Canh Tân Đặc sủng, Đạo Trời Thái Bình, Bửu tòa Tam giáo (Đạo Trời), Trường Sinh học... đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân sinh quan truyền thống của người Êđê, dẫn đến nhiều biến đổi trong cách nhìn nhận về cuộc sống, tự nhiên và các giá trị văn hóa. Trên địa bàn Đắk Lắk hiện nay có 4 tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài với tổng số 616.005 tín đồ, chiếm 32% dân số toàn tỉnh, trong đó, tín đồ người DTTS là 256.106 người với 4 tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao Đài. Trong đó, Phật giáo: 193.488 tín đồ (chiếm 10,3% tín đồ tôn giáo) (DTTS 5.000 người); Công giáo: 217.026 tín đồ (chiếm 11,6% tín đồ tôn giáo) (DTTS 56.000 người); Tin lành: 199.593 tín đồ (chiếm 10,3% tín đồ tôn giáo) (DTTS 195.016 người); Cao Đài: 5.898 tín đồ(12). Khi các tôn giáo mới xuất hiện, niềm tin vào các thần linh truyền thống dần bị thay thế bởi các quan niệm tôn giáo độc thần, làm thay đổi sâu sắc nhân sinh quan mang tính cộng đồng của người Êđê.
Việc hòa nhập với đức tin mới thường gắn liền với việc xa rời, thậm chí loại trừ chính cái gốc văn hóa truyền thống của mình. Sự chuyển đổi đó diễn ra khá nhanh theo xu hướng mất đi những yếu tố truyền thống và tích hợp, dung hòa vào các sinh hoạt tôn giáo hiện đại. Niềm tin thay đổi, lễ hội gắn với niềm tin ấy dĩ nhiên không còn cơ sở để tồn tại và chính vì thế, tính cố kết cộng đồng trong xã hội Êđê truyền thống cũng mất dần cơ sở tồn tại và ngày càng bị mai một.
Ảnh hưởng của giáo dục, truyền thông và kinh tế thị trường đang tác động mạnh mẽ đến sự biến đổi nhân sinh quan của người Êđê, làm thay đổi cách họ nhìn nhận cuộc sống, các giá trị văn hóa và mối quan hệ với tự nhiên, nó cũng khiến thế hệ trẻ dần xa rời các giá trị văn hóa truyền thống, chẳng hạn như niềm tin vào Yang hoặc các nghi lễ gắn bó với thiên nhiên. Giáo dục còn khuyến khích tư duy cá nhân hóa, khiến người Êđê chuyển từ tập trung vào cộng đồng sang quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển cá nhân.
Dưới tác động của truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội đã làm thay đổi các chuẩn mực truyền thống của người Êđê, như cách đánh giá về vai trò gia đình, phong tục tập quán và trách nhiệm cộng đồng. Người Êđê, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng coi trọng giá trị vật chất và lối sống hiện đại hơn các giá trị tâm linh truyền thống.
Sự phát triển của kinh tế thị trường đã tác động sâu sắc đến nhân sinh quan của người Êđê, làm thay đổi cách nhìn nhận về tự nhiên, tự nhiên từ đối tượng được tôn trọng và bảo vệ trở thành nguồn tài nguyên để khai thác.
Diện tích rừng giảm mạnh do sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của việc khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, di dân tự do. Nhất là việc khai thác rừng bừa bãi, xây dựng các thủy điện, nhà máy và các khu công nghiệp làm suy giảm tài nguyên môi trường sinh thái và điều kiện sống của cư dân. Rừng thu hẹp khiến nguyên liệu làm nhà, nguồn đất làm nương rẫy bị thu hẹp dẫn đến không gian sinh tồn, không gian thiêng bị phá vỡ. Những khu rừng thiêng của buôn làng giờ chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là các rẫy cà phê, cao su. Diện tích rừng tự nhiên ở Đắk Lắk suy giảm theo thời gian: Năm 2014, có l475.908 ha, chiếm 94% diện tích đất có rừng(13), đến năm 2022 còn 413.845 ha, chiếm 83% diện tích đất có rừng. Như vậy, trong chưa đầy 10 năm, diện tích rừng tự nhiên ở Đắk Lắk đã giảm 62.063 ha, chỉ còn 5 huyện có diện tích rừng khá lớn là Buôn Đôn (103.229,3 ha), Lăk (74.321,2 ha), Krông Bông (66.234,5 ha), Ea Súp (65.085,5 ha) và M’Drăk (58.093 ha), huyện Cư Kuin có diện tích rừng tự nhiên ít nhất (0,3 ha)(14).
Trên thực tế, diện tích rừng có mối quan hệ với vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó có tín ngưỡng và lễ hội của người Êđê. Dĩ nhiên, còn nhiều lý do khác nhưng không thể phủ nhận sự biến mất không gian sinh tồn đặc thù là rừng cũng đồng nghĩa với thần linh trong tâm thức đồng bào đã bị giảm uy lực, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người Êđê trong ứng xử với môi trường tự nhiên. Đồng thời, các giá trị cộng đồng như sự chia sẻ và đoàn kết cũng dần bị thay thế bởi tư duy cạnh tranh và lợi ích cá nhân.
Những tác động của giáo dục, truyền thông và kinh tế thị trường đang tạo ra sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại trong nhân sinh quan của người Êđê, đặt ra thách thức lớn trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Hệ quả của sự biến đổi nhân sinh quan của người Êđê
Mai một giá trị văn hóa truyền thống. Quá trình biến đổi nhân sinh quan của người Êđê, đặc biệt thông qua sự thay đổi trong tín ngưỡng, đang góp phần làm mai một nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Trước đây, tín ngưỡng đa thần của người Êđê đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì các nghi lễ như lễ cúng lúa mới, lễ cầu mưa, hay lễ bỏ mả, thể hiện sự hài hòa giữa con người, tự nhiên và thần linh. Tuy nhiên, sự xâm nhập của các tôn giáo mới, cùng với tác động của hiện đại hóa, đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người, đặc biệt ở giới trẻ.
Các nghi lễ truyền thống dần bị giản lược hoặc loại bỏ, khiến nhiều phong tục, tập quán độc đáo của người Êđê rơi vào nguy cơ mai một. “Lễ vật cúng thần linh đã biến đổi theo xu hướng đơn giản hóa theo chiều hướng “có gì cúng nấy”…Trong quá trình thực hành nghi lễ hiện nay, gần như thiếu vắng hoàn toàn hoạt động diễn xướng các loại hình văn hóa Êđê…”(15). Sự mất đi của các giá trị này không chỉ ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa dân tộc mà còn làm giảm ý nghĩa gắn kết cộng đồng, vốn là nét đặc trưng trong đời sống xã hội của người Êđê.
Mâu thuẫn giữa thế hệ trẻ và người lớn tuổi về lối sống và niềm tin. Sự biến đổi nhân sinh quan của người Êđê, đặc biệt là qua tín ngưỡng, đã tạo ra mâu thuẫn giữa thế hệ trẻ và người lớn tuổi về lối sống và niềm tin. Trong khi người lớn tuổi vẫn duy trì những giá trị truyền thống, như niềm tin vào các Yang (thần linh), các nghi lễ tôn thờ tổ tiên và các phong tục cổ xưa, thì thế hệ trẻ có xu hướng xa rời những giá trị này. Họ đặt niềm tin vào khoa học, công nghệ và các tôn giáo độc thần, dẫn đến sự thay đổi trong cách nhìn nhận về cuộc sống, cái chết và mối quan hệ với tự nhiên.
Mâu thuẫn này thể hiện rõ trong các nghi lễ truyền thống, khi thế hệ trẻ không còn mặn mà tham gia hoặc thậm chí từ bỏ những nghi thức thiêng liêng của cộng đồng. Điều này gây ra sự xung đột về quan điểm sống, khi người lớn tuổi cảm thấy lo ngại về việc mất đi bản sắc văn hóa và các giá trị cộng đồng. Sự thay đổi này tạo ra một khoảng cách lớn giữa các thế hệ, làm dấy lên những câu hỏi về việc bảo tồn và phát triển văn hóa trong bối cảnh xã hội hiện đại.
3. Bảo tồn và phát huy nhân sinh quan truyền thống của người Êđê
Tầm quan trọng của việc bảo tồn nhân sinh quan truyền thống của người Êđê
Việc bảo tồn nhân sinh quan truyền thống của người Êđê đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của cộng đồng. Một trong những yếu tố nổi bật của nhân sinh quan này là tinh thần cộng đồng, sự tôn trọng thiên nhiên và các nghi lễ truyền thống như lễ cúng lúa mới, lễ cầu mưa và tang lễ, tạo nên sự đoàn kết và gắn bó trong mỗi buôn làng. Việc bảo tồn những giá trị này không chỉ giúp người Êđê duy trì sự kết nối sâu sắc với tổ tiên, mà còn giữ cho cộng đồng vững mạnh, xây dựng được một nền tảng xã hội ổn định theo quan điểm của Đảng: “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”(16) và “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(17).
Ngoài ra, bảo tồn nhân sinh quan truyền thống còn giúp người Êđê giữ gìn các kỹ năng, tri thức nông nghiệp, nghệ thuật và các phương thức sinh hoạt truyền thống. Điều này không chỉ giúp duy trì sự phát triển bền vững trong bối cảnh hiện đại hóa, mà còn giúp cộng đồng tự tin đối mặt với sự thay đổi, bảo vệ được những giá trị độc đáo của mình trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển… Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc”(18).
Các giải pháp cơ bản nhằm bảo tồn và phát huy nhân sinh quan truyền thống của người Êđê
Thứ nhất, bảo tồn và phát huy các nghi lễ truyền thống. Các nghi lễ truyền thống như lễ cúng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cúng bến nước và tang lễ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhân sinh quan của người Êđê. Do đó, cần tổ chức thường xuyên các lễ hội văn hóa, tạo cơ hội để thế hệ trẻ tham gia và học hỏi. Điều này giúp họ hiểu rõ hơn về giá trị tâm linh và cộng đồng của dân tộc.
Thứ hai, giáo dục và truyền thông về văn hóa Êđê. Các chương trình giáo dục tại các trường học, đặc biệt là tại các khu vực có đông người Êđê, cần chú trọng giảng dạy về các giá trị văn hóa, tín ngưỡng và nhân sinh quan của dân tộc. Các phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về sự cần thiết bảo tồn các giá trị truyền thống.
Thứ ba, khuyến khích sự tham gia của thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ là đối tượng cần được giáo dục và khuyến khích tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa. Các dự án, hoạt động giao lưu, hội thảo về văn hóa Êđê có thể giúp thế hệ trẻ nhận thức được giá trị của nhân sinh quan truyền thống và từ đó tự giác bảo vệ những giá trị ấy.
Thứ tư, hỗ trợ cộng đồng duy trì nghề truyền thống. Bên cạnh các nghi lễ tín ngưỡng, các nghề truyền thống như dệt vải, làm rượu cần, hay nghề nông cũng là một phần quan trọng trong nhân sinh quan của người Êđê. Cần có các chính sách hỗ trợ cộng đồng gìn giữ và phát triển các nghề truyền thống, tạo điều kiện cho những sản phẩm thủ công, nghệ thuật truyền thống của người Êđê được tiêu thụ và phát triển.
Thứ năm, phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Du lịch cộng đồng là một phương thức hiệu quả để bảo tồn văn hóa truyền thống của người Êđê. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển bền vững, du lịch cần được tổ chức một cách hợp lý, bảo vệ môi trường và tôn trọng các giá trị văn hóa. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động văn hóa, học hỏi về tín ngưỡng, nghi lễ và lối sống của người Êđê, từ đó góp phần tạo ra nguồn thu nhập cho cộng đồng mà không làm mất đi bản sắc văn hóa.
4. Kết luận
Nhân sinh quan của người Êđê qua tín ngưỡng truyền thống không chỉ phản ánh mối quan hệ sâu sắc giữa con người và thiên nhiên, mà còn là nền tảng vững chắc cho các giá trị văn hóa, tôn giáo và lối sống cộng đồng. Nhân sinh quan của người Êđê luôn chú trọng đến sự hòa hợp và tôn trọng thiên nhiên, cũng như bảo vệ sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và sự xâm nhập của các hiện tượng tôn giáo mới, nhân sinh quan truyền thống của người Êđê đang đối mặt với những biến đổi sâu sắc. Điều này đặt ra những thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.
Việc bảo vệ và phát huy nhân sinh quan truyền thống của người Êđê đòi hỏi sự nỗ lực từ cộng đồng, các tổ chức văn hóa và chính quyền. Chỉ khi các giá trị văn hóa truyền thống được kết hợp một cách hài hòa với sự phát triển của xã hội hiện đại, người Êđê mới có thể duy trì được bản sắc văn hóa đặc sắc của mình, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng trong một thế giới đa dạng và thay đổi không ngừng.
_________________
Ngày nhận bài: 11-12-2024; Ngày bình duyệt: 17-12-2024; Ngày duyệt đăng: 15-1-2025.
Email tác giả: ndhuan@ttn.edu.vn
(1) Anne de Hautecloque - Howe: Người Ê Đê, một xã hội mẫu quyền (Nguyên Ngọc dịch), Nxb dân tộc, Hà Nội, 2004, tr.23.
(2) Nguyễn Tấn Đắc: Văn hóa xã hội và con người Tây Nguyên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr. 26.
(3), (4) Trương Bi: Lễ hội truyền thống dân tộc Êđê, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2011, tr. 36, 61.
(5), (15) Mai Trọng An Vinh: Nghi lễ gia đình của người Êđê hiện nay ở Buôn Ma Thuột, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2023, tr. 76; 79 - 80.
(6) Đỗ Hồng Kỳ - Y Kô Niê: Niềm tin tôn giáo của người Êđê ở Đắk Lắk trong xã hội cổ truyền và xã hội đương đại, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 3, 4-2017, tr. 167.
(7), (8) Ngô Đức Thịnh - Chu Thái Sơn - Nguyễn Hữu Thấu (Sưu tầm - giới thiệu - dịch): Luật tục Êđê (tập quán pháp), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012, tr.33, 410.
(9), (16), (17), (18) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.171, 110, 115, 170.
(10) Ngô Đức Thịnh: Văn hóa dân gian Êđê, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1992, tr. 232.
(11) Ngô Đức Thịnh: Nghi lễ và phong tục các dân tộc người ở Tây Nguyên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr.18.
(12) Ban dân tộc tỉnh Đắk Lắk: Báo cáo số 25/BC-BDT về Tổng kết công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc năm 2022 ngày 20 - 12 - 2022, tr. 2.
(13) Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk: Quyết định số 255/QĐ-UBND ngày 27-01-2015 về việc phê duyệt kết quả thực hiện kiểm kê rừng tỉnh Đắk Lắk, Đắk Lắk.
(14) Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk: Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 08-3-2023 về việc phê duyệt kết quả thực hiện kiểm kê rừng tỉnh Đắk Lắk, Đắk Lắk.