(LLCT) - Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Đảng cần phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân. Bài viết phân tích tính cấp bách của cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay và sự cần thiết phát huy sức mạnh của nhân dân trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, qua đó xác định những vấn đề mới cần lưu ý để nâng cao sức mạnh, hiệu quả của cuộc đấu tranh.
PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm: Nhân dân là động lực và mục tiêu của cách mạng. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chiến lược phát huy sức mạnh nhân dân để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để đạt mục tiêu đó, cách mạng Việt Nam nhất thiết phải đẩy lùi nguy cơ “diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch gây ra. Đây là trận chiến cam go, muốn giành được thắng lợi thì phát huy tối đa lực lượng và sức sáng tạo của nhân dân vào cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là giải pháp trọng yếu.
1. Tính cấp bách của cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và sự cần thiết phát huy sức mạnh của nhân dân trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta nhất quán thi hành chính sách ngoại giao hòa bình, hữu nghị và hợp tác, nhưng cách mạng Việt Nam vẫn luôn là mục tiêu tấn công của các thế lực thù địch. Bởi vì, sau khi chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, phong trào cộng sản rơi vào thoái trào, kẻ thù của CNXH đắc ý tuyên bố về “sự cáo chung” của học thuyết Mác và tương lai vĩnh hằng của CNTB. Thành công của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam và ở một số nước theo định hướng XHCN đã phản bác lại luận điệu đó. Do đó, cách mạng Việt Nam đã trở thành “tâm điểm” chống phá của các thế lực thù địch.
Để xác định đâu là thế lực thù địch, cần dựa vào quan điểm của Hồ Chí Minh về “Bạn - Thù”: “ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù”(1). Do đó, tất cả những ai - cá nhân hay tổ chức, nhà nước hay phi chính phủ, hợp pháp hay bất hợp pháp, ở trong nước hay ở ngoài nước, người Việt Nam hay người nước ngoài... nếu có âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” để chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam đều là thế lực thù địch.
Lực lượng này đa dạng về thành phần: đó là những kẻ có tư tưởng chống cộng quyết liệt, có mối thâm thù với chủ nghĩa cộng sản; là các tổ chức người Việt cực đoan, phản động như: Việt Tân, Việt Nam phục quốc, Triều đại Việt... có mưu đồ tạo phản; là một số cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống Đảng, chống nhân dân. Với mục đích thâm độc là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và thể chế chính trị ở nước ta, các thế lực thù địch đã tung ra vô vàn luận điệu sai trái, phản động: (1) Tấn công, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng - chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kêu gọi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”; (2) Xuyên tạc, công kích quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, ngoại giao; (3) Phủ nhận mọi thành tựu của sự nghiệp đổi mới; (4) Xuyên tạc đời tư của các lãnh tụ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; (5) Xuyên tạc mục tiêu, bản chất cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng; (6) “Đánh đồng” sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên thành bản chất của Đảng; (7) “thổi phồng” những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý thành “lỗi hệ thống”, không thể sửa chữa... Không đấu tranh, phản bác các quan điểm xấu độc đó, một bộ phận dân chúng, đặc biệt là lớp trẻ, có thể bị dẫn dụ đến các nhận thức và hành động sai lầm, gây hại cho bản thân nhân dân, Tổ quốc.
Luôn cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) của Đảng đã xác định “diễn biến hòa bình” là một trong bốn nguy cơ lớn mà cách mạng Việt Nam phải đấu tranh, phòng ngừa. Vì thế, nhiệm vụ “phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch” đã được Đại hội VIII đưa vào văn kiện Đại hội và nhấn mạnh trong các Đại hội IX, X, XI của Đảng. Đại hội XII của Đảng xác định, “chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”(2) là một nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng về tư tưởng.
Cụ thể hóa chủ trương đó, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết chỉ rõ, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”(3) để bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Ông cha ta từng đúc kết “Dân là dân nước, nước là nước dân”(4); sức mạnh bảo vệ Tổ quốc không chỉ là sức mạnh của lực lượng vũ trang mà trước hết là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh lòng dân, niềm tin của nhân dân dành cho Đảng. Do đó, phải phát huy sức mạnh của nhân dân trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ do mình là chủ. Tính tất yếu, đúng đắn của chủ trương này được quy định bởi những điều sau:
Trước hết, phát huy sức mạnh của nhân dân trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là tiếp tục truyền thống toàn dân đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh mới. Từ bao đời nay, nhân dân không chỉ là lực lượng bảo vệ Tổ quốc mà còn có sức mạnh, là nhân tố quyết định sự thịnh suy, tồn vong của một chế độ. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ta trong thời kỳ đổi mới rút ra kinh nghiệm: “Lấy dân làm gốc” hay “Dân là gốc”. Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(5). Trong thời đại Hồ Chí Minh, yêu nước phải gắn liền với yêu CNXH, bảo vệ Tổ quốc thì phải bảo vệ Đảng. Các thế lực thù địch tấn công vào Đảng, vào chế độ tức là tấn công vào nhân dân, đe dọa cuộc sống yên bình của nhân dân nên nhân dân phải là lực lượng chủ đạo trong cuộc đấu tranh với chúng.
Thứ hai, phát huy sức mạnh của nhân dân vào việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chính là trung thành với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. V.I.Lênin khẳng định, “một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”(6) nên một Đảng chân chính phải biết phát huy sức mạnh của nhân dân để giành thắng lợi trước mọi sự tấn công của các thế lực thù địch.
Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(7). Tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, Người đã đề ra và thực hiện tư tưởng khởi nghĩa toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân để phát huy sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Khẳng định lại quan điểm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(8). Nền tảng tư tưởng của Đảng là cơ sở lý luận khoa học để Đảng lãnh đạo đất nước, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân nên phát huy sức mạnh của nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là việc làm hợp quy luật và thuận lòng dân.
Thứ ba, trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch tất yếu phải dựa vào dân bởi nhân dân chính là đối tượng tấn công, lôi kéo của các thế lực thù địch. Chúng biết rằng, sức mạnh của Đảng, của chế độ bắt nguồn từ sự ủng hộ của nhân dân; do đó, đưa ra các luồng tin xấu độc để ly gián dân và Đảng là mưu kế thâm độc của chúng. Nếu để lực lượng thù địch thao túng, “mị dân” thì vô cùng nguy hiểm vì mất dân là mất nước. Nhân dân chính là nền tảng dư luận xã hội, tạo dựng được dư luận xã hội đúng đắn chính là tạo xung lực cho sự phản bác, tạo tính áp đảo, “sự miễn dịch” trước các luận điệu xuyên tạc, thù địch.
Do đó, nhân dân là “bức tường thành” kiên cố để vô hiệu hóa âm mưu lôi kéo, ly gián của địch. Đúng như Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc chính là “Đại đoàn kết toàn dân” nên các tầng lớp nhân dân là cơ sở xã hội để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - sức mạnh vô địch và “pháo đài kiên cố” nhất để ngăn chặn mọi sự tấn công của địch.
Thứ tư, sự cần thiết phải phát huy sức mạnh nhân dân vào cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn bắt nguồn từ việc nhân dân chính là lực lượng chính giúp Đảng phát hiện các âm mưu và các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, nhất là trên không gian mạng. Hồ Chí Minh từng nói: Lực lượng quân đội, công an rất nhỏ bé so với nhân dân nên muốn chống bọn xâm lược và bọn phá hoại thì phải dựa vào dân.
Việt Nam là đất nước có số lượng người dân sử dụng internet và mạng xã hội rất cao; người dân có mặt ở mọi nơi, mọi lúc nên dễ dàng phát hiện, nhận diện được đối tượng, nội dung, phương thức, thời điểm chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Bức xúc trước các chiêu trò kích động, bịa đặt, xuyên tạc của chúng, nhiều người dân đã dùng các trang mạng xã hội (facebook, youtube, twitter, zalo...) của mình để phản bác lại các kênh “truyền thông bẩn”. Đảng cần nâng cuộc đấu tranh mang tính “tự phát” của quần chúng lên trình độ “tự giác” và tổ chức toàn dân tham gia “chống giặc trên không gian mạng” để nâng cao sức mạnh của cuộc đấu tranh và qua đó, ý thức chính trị của người dân cũng được nâng cao.
Thứ năm, chủ trương huy động sức mạnh của nhân dân vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng sẽ khơi nguồn cho sức sáng tạo vô tận trong nhân dân để hình thành nên sự đa dạng, phong phú của các hình thức đấu tranh. Nói về trí tuệ vô tận của nhân dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(9). Ngày nay, khi trình độ dân trí không ngừng được nâng cao, mỗi người dân là một chủ thể tư duy, hành động với năng lực sáng tạo không giới hạn. Do đó, khơi nguồn và phát huy được sức sáng tạo đó thì cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ mang vóc dáng của cuộc chiến tranh nhân dân với sự đa diện, đa sắc thái, làm cho thế lực thù địch khó lòng chống đỡ.
Khi “Dân là gốc của nước” thì muốn giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”, Đảng phải dựa vào dân và phát huy sức mạnh vô địch của nhân dân.
2. Vấn đề mới trong phát huy sức mạnh của nhân dân vào cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
So với các cuộc kháng chiến trước đây, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, cần nhận thức rõ những điểm mới để tìm ra cách thức đấu tranh phù hợp. Bước đầu, có thể xác định một số vấn đề mới sau:
Thứ nhất, hoàn cảnh đấu tranh mới
Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng ngày nay diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Trên thế giới, sự thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã làm xuất hiện trong một bộ phận cán bộ và nhân dân tâm lý hoài nghi về tính chân xác trong nền tảng tư tưởng của Đảng và định hướng XHCN của đất nước. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” cho sự xâm nhập của các luận điệu sai trái, thù địch. Quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ trên thế giới đã tạo ra nhiều sự phát triển mới của các quốc gia nhưng đi kèm với nó là những âm mưu thâm độc do thế lực thù địch mang lại. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một hình thức chiến tranh mới là chiến tranh mạng. Các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị đã triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội, các hình thức truyền thông mới để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng tận dụng tối đa hệ thống phát thanh, báo chí, xuất bản ở nước ngoài, các kênh Facebook, Youtube... mà hầu hết máy chủ đặt ở nước ngoài để phát tán các tin, bài bình luận, video - clip có nội dung xấu độc, để lừa mị dân chúng. Chúng khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước để chèn thêm đường dẫn (link) đăng tải nội dung, thông tin giả mạo để làm sai lệch bản chất thông tin nhằm dẫn dắt dư luận, làm người đọc mơ hồ mất cảnh giác, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước sự tiện dụng của mạng xã hội, không ít cán bộ, đảng viên thường xuyên tiếp xúc với các nguồn tin, không được kiểm chứng và bị phân tâm trước những nguồn thông tin đó.
Ở trong nước, so với giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, việc đoàn kết lực lượng hiện nay khó khăn hơn. Về điều này, Hồ Chí Minh từng giải thích: “Trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó kéo hơn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai từng trong nước”(10). Công cuộc đổi mới đang đi vào chiều sâu, không ngừng đặt ra những vấn đề rất mới, chưa thể giải quyết dứt điểm. Lợi dụng tình hình đó, thế lực phản động xuyên tạc về năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, mặt trái của kinh tế thị trường đã làm xuất hiện tâm lý “sùng bái đồng tiền” và chủ nghĩa cá nhân. Điều này dẫn tới sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, không còn là hiện tượng cá biệt, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền và tạo cớ để kẻ thù kích động trong nhân dân tâm lý thù ghét, tẩy trừ cán bộ. Những đặc điểm mới trong đời sống thế giới và trong nước đã làm cho cuộc đấu tranh trên địa hạt tư tưởng trở nên rất cấp bách và cam go.
Thứ hai, lực lượng nhân dân tham gia đấu tranh
Khái niệm nhân dân hiện nay rất rộng. Nếu Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) xác định đặc trưng thứ hai của CNXH ở Việt Nam là “Do nhân dân lao động làm chủ” thì đến Cương lĩnh (năm 2011) đã được mở rộng thành “Do nhân dân làm chủ”. Sự thay đổi này đã mở rộng nội hàm nhân dân và thể hiện chủ trương mới của Đảng là phải thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, trí thức đóng vai trò quan trọng. Nếu các cán bộ lý luận, các nhà khoa học trực tiếp tham gia “bút chiến” thì đội ngũ giảng viên lý luận chính trị làm nhiệm vụ giáo dục lý tưởng, lập trường cách mạng cho sinh viên, cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ nhà báo, văn nghệ sỹ có uy tín góp phần lan tỏa những thông điệp chính trị của Đảng và Nhà nước.
Không chỉ nhân dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh với các luồng thông tin sai trái, thù địch. Với sự gắn bó với đất nước và sự thấu tỏ bản chất của các tổ chức phản động núp bóng “ngọn cờ yêu nước”, “phục quốc” ở quốc gia họ đang sống, sẽ tạo ra tiếng nói khách quan để bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Việt Nam đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư quốc tế nên cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam khi được tạo điều kiện sinh sống, làm việc tại Việt Nam cũng sẽ góp tiếng nói khách quan để phản bác các quan điểm cực đoan, bôi xấu Việt Nam. Vai trò của các “cộng đồng dân cư” đặc biệt này, nếu được phát huy, sẽ tạo ra xung lực mới để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ ba, nội dung đấu tranh
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là công việc tất yếu của một đảng chính trị. Chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời, luôn phải đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa xét lại dưới nhiều hình thức. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đối với bọn tờrốtxkít, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”(11). Người khẳng định, “đấu tranh chính trị là hình thức đấu tranh cao nhất của giai cấp vô sản”(12) và “tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”(13).
Phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung trọng yếu nhất của công tác xây dựng Đảng về tư tưởng của Đảng bởi không chỉ thế lực chống CNXH đang ra sức tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng bằng những luồng thông tin thất thiệt mà ngay trong “hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội... Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa”(14).
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì tất yếu phải phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch nhưng nội dung đấu tranh không được “bó hẹp” trong việc phản bác mà phải hết sức đa dạng.
Do “xây đi đôi với chống”, “xây” là cách “chống” lâu dài và hữu hiệu nhất nên nội dung đấu tranh phải hướng đến việc khẳng định, tuyên truyền cái tốt, cái đúng để củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về tính đúng đắn của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Chúng ta không thể thuyết phục kẻ thù thay đổi quan điểm, mục tiêu chống phá nhưng những thông tin chính thống, tích cực đến với người dân kịp thời, chuẩn xác thì nhân dân không bị các luồng tin độc hại xâm nhập, dẫn dụ.
Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền, thì không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm”(15). Do đó, chống “giặc ngoại xâm” phải đi đôi với chống “giặc nội xâm”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vì nếu không có nhân tố bên trong làm “bệ đỡ”, âm mưu “diễn biến hòa bình” không thể thành công.
Để bác bỏ các luận điệu phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phải khẳng định sức sống trường tồn của các di sản đó trong thời đại ngày nay bằng cách chống các quan điểm bảo thủ, giáo điều và phát triển mạnh mẽ khoa học lý luận chính trị để làm sáng rõ hệ thống lý luận về CNXH ở Việt Nam và thực hiện thắng lợi nó trên thực tế.
Khi phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, điều quan trọng không chỉ là nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của chúng mà cần phải tìm cách bác bỏ các luận điệu đó một cách thuyết phục ở góc độ lý luận và thực tiễn. Kẻ thù luôn ngụy biện, đánh tráo khái niệm khi xuyên tạc về nền tảng tư tưởng của Đảng và tình hình đất nước, nên lực lượng đấu tranh phải vạch trần những cái giả tạo, sai lầm được che đậy bên trong bằng những hệ thống luận điểm, luận chứng, luận cứ khoa học, thuyết phục chứ không áp đặt, võ đoán, quy kết, định kiến. Nội dung đấu tranh đòi hỏi ở lực lượng “bút chiến” sự thông tuệ về tri thức và sự nhạy cảm chính trị chứ không chỉ đơn thuần là nhiệt tình cách mạng.
Thứ tư, về giải pháp đấu tranh
Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong điều kiện Việt Nam phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đòi hỏi một số giải pháp mới, mang tính đặc thù.
Trước hết, đó là khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dùng internet và dùng mạng xã hội rất lớn. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động tấn công mạnh trên không gian mạng. Thủ đoạn của chúng là “giật tít câu view” để đánh trúng tâm lý tò mò của nhiều người hay bước đầu đưa ra thông tin đúng để gây dựng niềm tin của công chúng rồi sau đó dẫn dắt vào “ma trận” thông tin độc hại, tiêm nhiễm những suy nghĩ lệch lạc, nhất là đối với lớp trẻ.
Mạng xã hội là “không gian ảo” nhưng sức mạnh và mặt trái của nó lại là thật. Do đó, tổ chức nhân dân đấu tranh trực tiếp, trực diện trên không gian mạng và thông qua các phương tiện truyền thông xã hội chính là sự đáp trả quyết liệt nhất. Nhận thức rõ điều này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25-7-2018 “về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”. Lúc này, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, tăng cường “hàng rào kỹ thuật” hữu hiệu giúp nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc trên mạng xã hội; phát hiện, sàng lọc các trang web, mạng xã hội thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch để ngăn chặn từ sớm, từ xa.
Để nhân dân tích cực tham gia cuộc đấu tranh trên không gian mạng, phải tiến hành tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp đấu tranh, đào tạo họ thành “công dân số”, có khả năng hình thành các trang web cá nhân, mở rộng phát triển các blogger, ứng dụng hiệu quả các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại để kịp thời thu nhận và phản bác tức thời các thông tin độc hại. Cán bộ và nhân dân phải được giáo dục về Luật An ninh mạng, về kỷ luật phát ngôn, về trách nhiệm không phát tán, chia sẻ thông tin xấu độc, không nói trái chủ trương, chính sách, pháp luật trên mạng xã hội. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ký kết các văn kiện hợp tác đa phương và song phương với các nền tảng mạng xã hội nước ngoài để giải quyết từ gốc các thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Tóm lại, làm chủ thế trận tiến công, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là một phần của chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Hai là, cần phát huy cao độ vai trò của Ban Chỉ đạo 35 các cấp. Ngoài việc phát huy vai trò của người đứng đầu, cần có phương thức phối hợp hiệu quả giữa những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị với đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia kỹ thuật mạng, phóng viên... có nhiệt huyết và tầm cao về lý luận để trực tiếp “bút chiến” với kẻ thù. Cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận trẻ bởi cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng là cuộc đấu tranh vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Ba là, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng phải được đặt trong chiến lược củng cố Đảng về mọi mặt và phát triển toàn diện đất nước. Nhân dân không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu của cách mạng. Do đó, phải kiên trì làm tốt công tác dân vận, công tác tuyên truyền, giáo dục để chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống tinh thần xã hội. Muốn xây dựng “thế trận lòng dân” trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thì Đảng và Nhà nước phải quyết tâm, quyết liệt chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, tăng cường đối thoại với nhân dân để nhân dân thấy Đảng đúng là “Đảng ta”, là đối tượng xứng đáng được bảo vệ.
Cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện tốt chính sách xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân để tăng cường niềm tin của nhân dân vào chế độ và tương lai của đất nước; qua đó, tạo sự đồng thuận xã hội trong cuộc đấu tranh “không tiếng súng” mà rất cam go hiện nay.
Đảng chỉ có thể tự bảo vệ mình và được nhân dân bảo vệ, tin tưởng trao quyền lãnh đạo khi thực sự dựa vào dân để vì dân. Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, Đảng cần cụ thể hóa và vận dụng, phát triển sáng tạo nguyên tắc “Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” vào mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng phải thấm nhuần tinh thần ấy.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 549 (11-2023)
Ngày nhận bài: 28-8-2023; Ngày bình duyệt: 07-10-2023; Ngày duyệt đăng: 22-11-2023.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.264.
(2) ĐCSVN: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.201.
(3), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.183, 27-28.
(4) Phan Bội Châu: Hải ngoại huyết thư, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2017, tr.97.
(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.145.
(7), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.270,114.
(8), (14) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.28,18.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.335.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.19.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Sđd, tr.167.
(12), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.291,52.