(LLCT) - Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đảng bộ nhiều năm liền được Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương công nhận, xếp loại “tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Thành tích này có nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân đóng vai trò quyết định là việc phát huy có hiệu quả truyền thống đoàn kết Trường Đảng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ khóa: truyền thống đoàn kết Trường Đảng, Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Hơn 70 năm xây dựng, phấn đấu, trưởng thành, phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm quốc gia hàng đầu duy nhất Việt Nam về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, đào tạo nguồn nhân lực khoa học lý luận chính trị; có đóng góp quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có uy tín cao trong nước và quốc tế; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của đất nước. Đây là những thành công của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng thời cũng là sự thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh các nhiệm kỳ. Thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020 có nhiều nguyên nhân như sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy với Ban Giám đốc Học viện. Đối với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện thì điều quan trọng là đã phát huy hiệu quả truyền thống đoàn kết Trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu vào lãnh đạo, chỉ đạo. Đây là một nhân tố quan trọng quyết định thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Điều này được thể hiện ở những nét cơ bản sau:
Thứ nhất, đoàn kết trong Thường trực. Thường trực gồm đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng bộ và hai đồng chí phó bí thư, trong đó có một đồng chí Phó bí thư thường trực. Ba đồng chí trong ba độ tuổi khác nhau, với ba chuyên ngành đào tạo khác nhau, những trải nghiệm cuộc sống, công tác khác nhau, với tuổi đảng và kinh nghiệm công tác đảng khác nhau nhưng đều có điểm chung là tâm huyết với công tác Đảng, tâm huyết với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước, tâm huyết với mục tiêu xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đặc biệt là cả ba đồng chí đều gương mẫu, đoàn kết thống nhất thực sự trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác Đảng. Đây chính là nguyên nhân sâu xa, là nền tảng để thực hiện, phát huy truyền thống đoàn kết Trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và trong toàn Đảng bộ.
Do các đồng chí trong Ban Giám đốc giai đoạn 2015-2020 đều không đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020, có 1 đồng chí được Đại hội giới thiệu, được Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đồng ý, đã trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện, nhưng không tham gia Ban Thường vụ, nên trong khoảng thời gian 8 tháng, Thường trực chỉ có hai đồng chí không phải là thành viên Ban Giám đốc. Tuy vậy, Thường trực và Ban Giám đốc vẫn đoàn kết, thống nhất, phối hợp với chặt chẽ, hiệu quả với nhau để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác của Học viện.
Thứ hai, đoàn kết trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy. Đại hội Đảng bộ Học viện nhiệm kỳ 2015-2020 đã lựa chọn, bầu ra 32/33 tổng số đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, do để khuyết chức danh Bí thư Đảng ủy chờ Bộ Chính trị điều động và bổ nhiệm. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện lần thứ nhất đã bầu 10 đồng chí Ủy viên ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2015-2020, để khuyết chức danh Bí thư Đảng ủy. Từ tháng 9-2015 đến tháng 4-2016, chưa có Bí thư Đảng ủy, Ban Chấp hành chỉ có 1 đồng chí Phó Giám đốc tham gia và Ban Thường vụ không có đồng chí Giám đốc Học viện tham gia nhưng giữa Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Giám đốc Học viện vẫn đoàn kết, thống nhất, phối hợp công tác ăn ý, nhịp nhàng, hiệu quả. Tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ luôn đoàn kết, nhất trí cùng thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Học viện.
Tháng 4-2016, Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữ chức vụ Giám đốc Học viện, Ban Chấp hành Đảng bộ đã thực hiện quy trình đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chỉ định đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức danh Bí thư Đảng ủy. Từ đó đến nay, tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ luôn củng cố sự đoàn kết, thống nhất dưới sự nêu gương, gương mẫu của các đồng chí trong Ban Chấp hành, nhất là của đồng chí Bí thư Đảng ủy. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng làm tiền đề để Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đoàn kết, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ Học viện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị. Chính vì vậy, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện được Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương xếp loại và công nhận tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền. Đảng bộ Học viện được khen thưởng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 3 năm liên tục là năm 2018, 2019 và 2020.
Thứ ba, đoàn kết trong toàn Đảng bộ Học viện. Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với 1333 đảng viên sinh hoạt ở 8 đảng bộ và 25 chi bộ cơ sở trải dài dọc đất nước từ Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, đến Đà Nẵng, Hà Nội, nhưng là một đảng bộ có truyền thống đoàn kết, thống nhất, một tập thể thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thống nhất ý chí và hành động dựa trên đường lối đúng đắn của Đảng vì mục tiêu chung xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh toàn diện. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Học viện luôn thấm nhuần tinh thần đoàn kết trong Đảng nói chung, đoàn kết trong Đảng bộ Học viện nói riêng là một nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặc dù, trong các Văn kiện của Đảng có lúc dùng từ “đoàn kết”, có lúc dùng “đoàn kết thống nhất” nhưng nội dung không thay đổi. Từ thấm nhuần nguyên tắc này mà mỗi đảng viên trong Đảng bộ luôn rèn luyện, phấn đấu, gương mẫu thực hành nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ. Đây là một cơ sở quan trọng để Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phát huy hiệu quả truyền thống đoàn kết Trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu!
Tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát huy được truyền thống đoàn kết của Trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu là do những nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, từng đồng chí trong tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy đều nhận thức thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”(1). Chính vì vậy, “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(2). Từ nhận thức, thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn này mà mỗi đồng chí trong tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy luôn luôn giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết của Trường Đảng mang tên Bác hơn 70 năm qua. Để phát huy truyền thống này, ngay sau Đại hội, tập thể Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới đã tập trung xây dựng, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện; Quy chế làm việc của các Ban thuộc Đảng ủy; Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Chấp hành, Ban Thường vụ với Ban Giám đốc. Quy chế quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc, chế độ công tác; chế độ kiểm tra, giám sát của cấp ủy; chế độ thông tin, báo cáo; phân công từng ủy viên Ban Chấp hành theo dõi, giúp đỡ từng chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc.
Tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện cũng thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”(3). Vì vậy, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, thực hành dân chủ được tổ chức rộng rãi trong toàn Đảng bộ Học viện. Thực hành dân chủ rộng rãi trong toàn Đảng bộ là thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thực hành dân chủ rộng rãi trong toàn Đảng bộ là cơ sở, nền tảng, hạt nhân để thực hành dân chủ trong toàn bộ hệ thống Học viện. Do vậy, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng bộ vừa là con đường, biện pháp, cách thức tốt nhất để thực hiện sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, vừa là con đường, biện pháp, cách thức tốt nhất để thực hiện sự đoàn kết, thống nhất trong toàn bộ hệ thống Học viện. Tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ hiểu rất rõ thực hành dân chủ là cơ sở, điều kiện, căn cứ để đi đến thực hiện tập trung, chứ thực hành dân chủ không phải là phân tán, tùy tiện, vô tổ chức, đối lập với tập trung. Do vậy, trong các cuộc họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, mọi công việc của Đảng bộ được thảo luận dân chủ công khai, rộng rãi và quyết định theo ý kiến đa số, ý kiến thiểu số được quyền bảo lưu. Các kết luận đều được lấy biểu quyết và khi đa số các ý kiến đã thông qua thì trở thành nghị quyết. Các ý kiến khác biệt được bảo lưu nhưng mọi thành viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đều tuân thủ nghiêm nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên.
Thứ hai, từng đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thực hiện nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ hiểu rất rõ “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”(4). Vì vậy, trong tự phê bình, mỗi đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ luôn cầu thị, chân thành, không giấu giếm khuyết điểm, nếu có khuyết điểm thì dám nhận khuyết điểm, biết tìm ra nguyên nhân của khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa. Trong phê bình đồng chí, đồng nghiệp thì từng đồng chí cũng chân thành góp ý, chỉ ra những ưu điểm, những gì còn hạn chế, nhược điểm để đồng chí mình khắc phục, sửa chữa, tiến bộ. Có thể nói, không khí chân tình, dân chủ, đầy tình người, mang đậm bản sắc văn hóa Trường Đảng được thể hiện rất rõ trong công tác tự phê bình và phê bình của từng đồng chí và của cả tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Bởi lẽ, trong tự phê bình và phê bình ở Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng bộ Học viện luôn có sự chia sẻ, đồng cảm, “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Do vậy, không có việc “bé xé ra to”, “bới lông tìm vết”, “bốc lửa bỏ tay người”,v.v..
Thứ ba, tinh thần nêu gương, gương mẫu của người đứng đầu Đảng bộ. Thực tiễn cho thấy, mất đoàn kết thường xảy ra giữa những cán bộ chủ chốt hoặc xảy ra do người đứng đầu tổ chức Đảng và chính quyền không đủ phẩm chất cũng như khả năng xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị. Đảng bộ, cơ quan có đoàn kết thống nhất, có phát huy được truyền thống đoàn kết thống nhất hay không phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu tổ chức Đảng và chính quyền. Trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng chí Bí thư Đảng bộ thực sự công bằng, công tâm trong xử lý công việc, thực sự là trung tâm quy tụ, đoàn kết trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và trong toàn Đảng bộ. Chính sự gương mẫu, nêu gương về tinh thần đoàn kết thống nhất, về phát huy truyền thống đoàn kết của Trường Đảng mang tên Bác nên đồng chí Bí thư đã lôi cuốn được từng đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, cả tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cũng như các đồng chí đứng đầu tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống Học viện đoàn kết thống nhất và phát huy truyền thống đoàn kết của Trường Đảng mang tên Bác trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Thứ tư, xây dựng kịp thời và thực hiện đúng quy chế làm việc. Như trên đã trình bày, sau Đại hội, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ trên cơ sở kế thừa quy chế làm việc của nhiệm kỳ trước, tham khảo quy chế làm việc của một số Đảng bộ bạn, đã nhanh chóng xây dựng quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, của các Ban thuộc Đảng ủy. Quy chế làm việc là cơ sở pháp lý bảo đảm sự thống nhất hoạt động của cả Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, của toàn Đảng bộ cũng như của từng ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Có được quy chế làm việc thiết thực và thực hiện nghiêm túc quy chế sẽ góp phần phòng, tránh những hiện tượng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, lạm quyền, lộng quyền, buông lỏng quyền và những hiện tượng mất đoàn kết. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện trong nhiệm kỳ qua luôn tuân thủ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng như nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tự phê bình và phê bình; nguyên tắc đoàn kết; nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân và nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và thực hiện nghiêm quy chế làm việc. Đây là một nguyên nhân quan trọng trong việc giữ gìn khối đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và còn là nguyên nhân quan trọng góp phần phát huy hiệu quả truyền thống đoàn kết của Trường Đảng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết giải quyết dứt điểm những hiện tượng mất đoàn kết trong nội bộ Đảng bộ. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, căn cứ vào Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2015-2020 của cấp mình; căn cứ vào Chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2015-2020 của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối, Ủy ban kiểm tra các cấp tham mưu và xây dựng Chương trình kiểm tra, giám sát của Đảng ủy Học viện, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Học viện nhiệm kỳ và từng năm. Trên cơ sở đó, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ Học viện được thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch đã góp phần quan trọng vào củng cố sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, những biểu hiện mất đoàn kết được xử lý kịp thời, đúng quy chế, quy định, nguyên tắc. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ủy Học viện đã thực hiện kiểm tra, giám sát 38 đảng bộ, chi bộ cơ sở, đồng thời kiểm tra người đứng đầu cấp ủy; 578 đoàn kiểm tra, giám sát của 8 đảng bộ cơ sở và kiểm tra 15 đảng viên. Đảng ủy Học viện lãnh đạo các chi bộ, Đảng bộ cơ sở thực hiện giám sát thường xuyên cán bộ, đảng viên các chi bộ, Đảng bộ cơ sở trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, tham gia đầy đủ và nghiêm túc các hoạt động nghe thời sự, nghị quyết các buổi sinh hoạt, học tập do Đảng ủy Học viện, Đảng ủy cơ sở tổ chức; công tác phát triển đảng của đảng bộ. Giám sát việc quán triệt, thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; việc chấp hành kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên, giữ gìn đoàn kết nội bộ; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; rèn luyện phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, ứng xử văn hóa Trường Đảng; đảng viên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng, thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; quy định về những điều đảng viên không được làm,v.v.. Nhờ vậy, đã kịp thời hạn chế được những sai sót, những biểu hiện mất đoàn kết, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở những cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm, xử lý kỷ luật kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng.
Như vậy, phát huy hiệu quả truyền thống đoàn kết Trường Đảng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là một nhân tố quan trọng, đóng vai trò quyết định thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Học viện nhiệm kỳ 2015-2020. Bởi lẽ, chỉ trên cơ sở đoàn kết thống nhất, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện mới quy tụ, tập hợp được cán bộ, đảng viên đồng lòng, chung sức, tập trung trí tuệ, vượt mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2020
(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.510, 510, 510.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.232.
GS, TS Trần Văn Phòng
Phó Bí thư Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh