(LLCT) - Tham gia tổng kết thực tiễn là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là trường chính trị cấp tỉnh). Bài viết làm rõ vai trò của tổng kết thực tiễn trong phục vụ nâng cao chất lượng dạy học của trường chính trị - trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở địa phương; đồng thời, từng bước đẩy mạnh, nâng cao chất lượng tham mưu, cung cấp luận cứ xây dựng các chủ trương, chính sách, cơ chế của địa phương, cơ sở. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất giải pháp phát huy vai trò của trường chính trị cấp tỉnh trong tham gia tổng kết thực tiễn địa phương, cơ sở, đồng thời đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh hiện nay.
Học viện Chính trị khu vực II - Ảnh: hcma2.hcma.vn
1. Vai trò của trường chính trị cấp tỉnh trong tham gia tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở
Xây dựng đường lối chính trị đúng là yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ quá trình lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để có đường lối chính trị đúng, Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Đảng Lao động Việt Nam khi định ra đường lối chính trị của mình, luôn luôn cố gắng kết hợp chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam, đồng thời khiêm tốn học tập kinh nghiệm quý báu của các đảng anh em”(1). Tổng kết thực tiễn vừa cung cấp “chất liệu” cho hoạch định, bổ sung, phát triển đường lối, đồng thời cũng là cách thức, phương pháp để kiểm nghiệm đường lối sau quá trình triển khai thực hiện.
Tổng kết thực tiễn là việc khó, đòi hỏi sự tham gia hợp lực của toàn Đảng, trong đó chủ trì là những cơ quan, tổ chức chuyên trách và các đơn vị có chức năng, điều kiện nghiên cứu về khoa học lý luận chính trị. Các cơ quan tham mưu chiến lược ở Trung ương giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn trên mọi phạm vi, tập trung ở quy mô lớn và ở tầm khái quát lý luận. Tổng kết thực tiễn ở các địa phương đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh, trực tiếp là ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh. Các cơ quan tham mưu và đơn vị trực thuộc giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo quá trình tổng kết thực tiễn trên địa bàn.
Ngày 13-11-2018, Ban Bí thư ban hành Quy định số 09-QĐi/TW “về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, trong đó khẳng định trường chính trị cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng: tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.
Tổng kết thực tiễn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác của trường chính trị, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, như Kết luận số 479-KL/HVCTQG ngày 26-9-2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu: “Đối với trường chính trị, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn không chỉ phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập mà quan trọng hơn phải gắn với tư vấn cho cấp ủy, chính quyền địa phương hoạch định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”.
Trước đây, các trường chính trị cấp tỉnh tập trung chủ yếu vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học và tham gia tổng kết thực tiễn được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Trường chính trị cấp tỉnh có vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và là “trung tâm nghiên cứu lý luận” và tham gia tích cực công tác tổng kết thực tiễn của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn tác động nhau trong quá trình vận động, phát triển của các trường chính trị cấp tỉnh. Với chức năng, nhiệm vụ và nguồn nhân lực của mình, trường chính trị cấp tỉnh tham gia tổng kết thực tiễn vừa giúp cung cấp luận cứ cho cấp ủy trong hoạch định chủ trương, chính sách, đồng thời góp phần cung cấp “chất liệu” cho Trung ương trong tổng kết thực tiễn và khái quát lý luận ở tầm rộng và cao hơn.
2. Thực trạng tham gia tổng kết thực tiễn của các trường chính trị cấp tỉnh
Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị cấp tỉnh xác định chức năng tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương và trong thực tế, hoạt động này đã được Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo và trường chính trị cấp tỉnh thực hiện từ nhiều năm trước. Với những hình thức và mức độ khác nhau trong tham gia tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở, trường chính trị cấp tỉnh đã có những đóng góp nhất định cho việc xây dựng chủ trương, nghị quyết lãnh đạo của tỉnh ủy, thành ủy. Qua đó, góp phần cung cấp tư liệu giúp các cơ quan Trung ương tiếp tục nghiên cứu, khái quát lý luận, cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, nhìn chung công tác tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế. Kết luận số 117-KL/TW, ngày 20-11-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ rõ: “hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chưa được chú trọng”.
Thực tế cho thấy, kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn vẫn chưa ngang tầm với vị thế, tiềm năng, yêu cầu, nhiệm vụ của các trường chính trị cấp tỉnh. Hoạt động tổng kết thực tiễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên phần lớn là để phục vụ việc giảng dạy, học tập tại trường; tổng kết thực tiễn để tư vấn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương hoạch định chủ trương, xây dựng nghị quyết, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị còn ít.
Với vị thế là đơn vị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu lý luận chính trị ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, uy tín, vị thế của trường chính trị cấp tỉnh trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở địa phương được thể hiện, khẳng định rõ nét, tuy nhiên, trong tham gia tổng kết thực tiễn còn chưa tương xứng. Sự tham gia của trường chính trị cấp tỉnh vào tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở còn chưa sâu rộng, chưa thành nền nếp thường xuyên, hiệu quả đạt được còn khiêm tốn.
Việc Trung ương lần đầu tiên chính thức xác định chức năng, nhiệm vụ tham gia tổng kết thực tiễn địa phương của trường chính trị cấp tỉnh, một mặt thể hiện vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này, mặt khác, yêu cầu phải thúc đẩy, phát huy vai trò của trường chính trị cấp tỉnh trong tham gia hoạt động này.
3. Giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tham gia tổng kết thực tiễn địa phương, cơ sở của các trường chính trị cấp tỉnh
Tổng kết thực tiễn là công việc đòi hỏi nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, trong khi “nội lực” của trường chính trị cấp tỉnh cũng như những điều kiện, tiền đề cho trường chính trị cấp tỉnh trong tham gia tổng kết thực tiễn cũng còn hạn chế. Để phát huy vai trò của trường chính trị cấp tỉnh trong tham gia tổng kết thực tiễn địa phương, cơ sở cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, xây dựng lực lượng trực tiếp và gián tiếp tham gia. Xây dựng lực lượng trong nhà trường và lực lượng phối hợp thực hiện ngoài nhà trường; từ xây dựng con người đến tổ chức lực lượng; từ năng lực, nghiệp vụ chuyên môn đến đạo đức công vụ; từ nhận thức đến kỹ năng tổ chức thực tiễn;... Để thực hiện việc này, đòi hỏi phải có một kế hoạch, lộ trình rõ ràng, vừa tổng thể, bao quát vừa cụ thể, tuần tự, nhanh nhưng không nóng vội.
Nâng cao nhận thức của chủ thể trong tham gia tổng kết thực tiễn địa phương, cơ sở. Để tham gia tổng kết thực tiễn đúng hướng và đạt hiệu quả, trước hết, trường chính trị cấp tỉnh phải tạo lập được ở chủ thể trung tâm của hoạt động này - đội ngũ giảng viên - nhận thức đúng đắn và ngang tầm về chức năng, nhiệm vụ tham gia tổng kết thực tiễn của trường chính trị cấp tỉnh. Một trong những nguyên nhân khiến cho tổng kết thực tiễn chưa trở thành hoạt động phổ biến, thường xuyên trong hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh là do đội ngũ giảng viên chưa ý thức đầy đủ đó là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của mình. Vì thế, cần tiếp tục quán triệt Quy định số 09-QĐi/TW cho đội ngũ giảng viên, gắn liền với đó, cần triển khai các hoạt động tham gia tổng kết thực tiễn địa phương, cơ sở với yêu cầu nghiêm túc, thông qua hoạt động thực tiễn đó để tác động nâng cao nhận thức.
Định hướng cho đội ngũ giảng viên nhận thức đúng đắn về nội dung và hình thức tham gia tổng kết thực tiễn địa phương, cơ sở của trường chính trị cấp tỉnh. Quan niệm về tổng kết thực tiễn với những hoạt động ở tầm mức vĩ mô, khái quát hóa lý luận rất cao dẫn đến một bộ phận giảng viên xem đó là công việc của Trung ương.
Cần xác định rõ trong nhận thức của giảng viên, việc tổng kết thực tiễn là công việc của toàn hệ thống chính trị. Việc tổng kết thực tiễn nhằm đánh giá quá trình thực hiện các hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ đó, rút ra kinh nghiệm tạo tiền đề cho việc hoạch định phương hướng, bước đi trong tương lai. Ở các trường chính trị cấp tỉnh, tổng kết thực tiễn thể hiện ngay trong quá trình giảng viên liên hệ thực tế vào giảng dạy, ở hoạt động đi nghiên cứu thực tế hằng năm, ở quá trình thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học,...
Đối với các trường chính trị cấp tỉnh, hoạt động tổng kết thực tiễn không chỉ được xem một cách giới hạn là để phục vụ cho hoạt động nội bộ nhà trường mà còn phục vụ cho hoạch định chủ trương, chính sách phát triển địa phương. Hơn nữa, trong những điều kiện nhất định, cần hướng việc tham gia vào tổng kết thực tiễn vùng và cả nước góp phần xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Như vậy, ngoài việc quán triệt, nâng cao nhận thức về nội dung, hình thức tham gia tổng kết thực tiễn cho chủ thể thực hiện, cần chú ý đến tổ chức lực lượng thực hiện phù hợp. Ở phạm vi nội bộ thì tất cả giảng viên thực hiện; phạm vi tỉnh, vùng, cả nước thì phải sàng lọc, tuyển chọn người đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu.
Thứ hai, phát huy vai trò của tập thể lãnh đạo trường chính trị cấp tỉnh, nhất là người đứng đầu trong việc nâng cao nhận thức của tập thể nhà trường về công tác tổng kết thực tiễn. Từng thành viên ban giám hiệu, đảng ủy các trường chính trị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo và tích cực tham gia thực hiện tổng kết thực tiễn để trở thành tấm gương tác động, cải biến, nâng cao nhận thức về chức năng, nhiệm vụ tổng kết thực tiễn. Mỗi thành viên đảng ủy phụ trách các chi bộ phải trở thành “đầu tàu” định hướng, củng cố và phát triển nhận thức của đảng viên, lan tỏa nhận thức đúng đắn trong toàn nhà trường.
Thứ ba, nâng cao năng lực, phẩm chất chủ thể thực hiện. Để chủ thể am hiểu và có năng lực tư duy lý luận tốt, đủ khả năng tham gia hoạt động thực tiễn, cần quan tâm làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, bài bản, thực chất. Đồng thời, thông qua hoạt động tổng kết thực tiễn để tiếp tục củng cố và phát triển năng lực này. Mặt khác, phải đặt ra và kiểm soát chặt chẽ yêu cầu tăng cường liên hệ thực tiễn trong quá trình dạy học, để giảng viên phải luôn trong tư thế phấn đấu không ngừng nhằm nâng cao năng lực và phương pháp thực hiện. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giảng viên tham gia sâu rộng vào hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn của địa phương, sở ngành trên địa bàn để thông qua đó nâng cao hiểu biết và kỹ năng, kinh nghiệm tổng kết thực tiễn.
Rèn luyện năng lực tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên phải hướng đến trở thành một nhu cầu tự giác trong hoạt động chuyên môn. Để đạt được điều đó, một trong những cách làm cần được quan tâm vận dụng là lồng ghép những yêu cầu về tổng kết thực tiễn trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên cũng như trong quá trình giảng viên thực hiện nhiệm vụ công tác. Trong đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, khi cử tham gia các khóa học, nhất là đào tạo sau đại học, cần định hướng cho cán bộ được cử đi học ưu tiên lựa chọn đề tài luận văn, luận án gắn lý luận với thực tiễn, nhất là thực tiễn của cơ quan, địa phương. Quá trình làm luận văn, luận án cũng chính là quá trình tham gia tổng kết thực tiễn, qua đó, rèn luyện năng lực thực hành công tác này ngay trong quá trình được đào tạo, bồi dưỡng. Để khuyến khích việc lựa chọn đề tài luận văn, luận án gắn với tổng kết thực tiễn địa phương, cơ sở có thể nghiên cứu cơ chế để công nhận như là một đề tài nghiên cứu khoa học ở cấp độ thích hợp. Với việc công nhận này, người thực hiện có thêm “điểm” công trình khoa học, từ đó họ sẽ quan tâm bám sát tổng kết thực tiễn địa phương, cơ sở trong lựa chọn đề tài luận văn, luận án cũng như nghiên cứu nghiêm túc để sản phẩm khoa học có chất lượng.
Trong công tác thường xuyên, bên cạnh các hoạt động liên hệ thực tiễn vào bài giảng và đi nghiên cứu thực tế định kỳ hằng năm, trường chính trị cấp tỉnh cần đẩy mạnh các hoạt động khoa học thông qua tăng số lượng và nâng dần chất lượng các sinh hoạt khoa học, thực hiện đề tài nghiên cứu, hội thảo khoa học. Khuyến khích các chủ đề nghiên cứu ứng dụng bằng cách ấn định tỷ lệ hai phần ba trong tổng số đề tài, hội thảo, sinh hoạt khoa học hàng năm và hỗ trợ kinh phí nhiều hơn.
Trong đánh giá chất lượng giảng dạy của mỗi giảng viên, cần chú trọng nhiều hơn đến yếu tố thực tiễn - mức độ giảng viên liên hệ thực tiễn và giảng viên khai thác, phát huy khả năng cung cấp thực tiễn của học viên trong tiết giảng. Đây là một trong những tác động rất quan trọng buộc giảng viên phải tích cực đầu tư nghiên cứu để liên hệ thực tiễn cũng như tương tác với học viên để khai thác “nguồn” thực tiễn từ họ.
Thứ tư, phát huy vai trò của học viên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ tổng kết thực tiễn địa phương, cơ sở bằng cách gia tăng nguồn tài liệu tổng kết thực tiễn các địa phương, ban, ngành từ sưu tầm của học viên. Đến trường dự học, mỗi học viên đóng góp cho nhà trường một số tài liệu (văn kiện đại hội tổ chức đảng, chương trình, kế hoạch, báo cáo...) có vị trí quan trọng đối với hoạt động của cơ quan công tác hoặc địa phương, có mối liên hệ sát với lý thuyết trong nội dung, chương trình giảng dạy của trường chính trị.
Với cách làm này, nguồn tài liệu địa phương, cơ sở trong thư viện của các trường chính trị sẽ dồi dào, đa dạng, phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu thực tiễn để liên hệ, vận dụng trong giảng dạy cũng như tham khảo trong thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tăng cường thảo luận với phương pháp dạy học tích cực để phát huy việc tham gia ý kiến của học viên, nhất là những ý kiến cung cấp thực tiễn mà họ đã trải nghiệm, qua đó bổ sung, làm giàu vốn thực tiễn cho đội ngũ giảng viên.
Việc ra đề thi cần chú ý gắn lý thuyết với liên hệ thực tiễn. Tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học và cử học viên chủ trì cho các tiết thảo luận ở cuối mỗi phần học, qua đó, cung cấp dữ liệu về thực tiễn cho giảng viên. Mặt khác, cần tăng cường quản lý quá trình triển khai thực hiện và đánh giá đi nghiên cứu thực tế của học viên để bảo đảm thực chất, đạt mục tiêu.
Thứ năm, xác lập rõ cơ chế phối hợp giữa trường chính trị cấp tỉnh với các địa phương, sở, ban, ngành ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học. Tỉnh ủy, thành ủy cần chủ trì lãnh đạo xây dựng cơ chế phối hợp giữa trường chính trị với các huyện, thị, thành ủy và sở, ban, ngành trên địa bàn trong tất cả các mặt hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, xác định rõ nhiệm vụ của các bên. Trường chính trị khi đã có đội ngũ cán bộ nghiên cứu mạnh sẽ chủ yếu đảm trách các hoạt động học thuật của quá trình nghiên cứu; các địa phương, ban, ngành sẽ phối hợp thực hiện chủ yếu ở cung cấp cứ liệu thực tiễn, kinh nghiệm và nhận định rút ra qua trải nghiệm thực tiễn, cơ sở vật chất và phương tiện cần thiết. Các sở, ngành và địa phương chia sẻ kinh phí thực hiện tùy theo tính chất, yêu cầu, thỏa thuận đặt hằng với trường chính trị. Điều này cũng khá thuận lợi vì trong ngân sách được cấp hàng năm, các địa phương đều có một tỷ lệ nhất định dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Đây là nguồn lực tài chính cần được tận dụng thông qua thiết lập cơ chế phối hợp giữa trường chính trị với các ngành, các cấp ở địa phương.
Thứ sáu, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy trong tổng kết thực tiễn ở các địa phương. Trên cơ sở đó, Học viện tạo điều kiện cho trường chính trị tham gia thực hiện hoạt động này. Mặt khác, Học viện tăng cường giúp các trường chính trị trong bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn và tư duy lý luận, kỹ năng nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Những đề tài nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của Học viện ở các địa phương nên tạo điều kiện cho trường chính trị nơi đó tham gia để tạo môi trường rèn luyện, từng bước nâng cao năng lực.
Học viện không dừng lại ở việc tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Quy định 09-QĐi/TW, mà còn có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các trường chính trị có sự thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Học viện cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để các trường chính trị thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ này.
Học viện chủ trì xây dựng cơ chế phối hợp giữa các trường chính trị trong cùng khu vực để hình thành đội ngũ tham gia nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn ở địa bàn vùng. Sự tương tác, chia sẻ, phối hợp giữa các trường chính trị là rất cần thiết để tạo lập môi trường, cọ xát và hỗ trợ nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của mỗi trường. Bên cạnh đó, các trường chính trị cần tích cực, chủ động trong trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp thực hiện với các cơ sở nghiên cứu khoa học và giáo dục - đào tạo khác để mở rộng môi trường khoa học.
Tham gia tổng kết thực tiễn địa phương, cơ sở vừa là nhiệm vụ, vừa là biện pháp quan trọng để các trường chính trị cấp tỉnh vươn lên xứng đáng với vị thế là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Đồng thời, tham gia tích cực, có hiệu quả công tác tổng kết thực tiễn, góp phần xây dựng chủ trương, chính sách ở địa phương.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)
Ngày nhận bài: 16-01-2023; Ngày bình duyệt: 11-02-2023; Ngày duyệt đăng: 21-02-2023.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.395-396.
PGS, TS NGUYỄN TẤN VINH
TS NGUYỄN PHƯƠNG AN
Học viện Chính trị khu vực II