KHAMKIENG CHONGHOUATHOR
NCS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Xây dựng bản phát triển là biện pháp tổng hợp để phát triển nông thôn và cần phải được thực hiện ngay từ chính những người dân ở cộng đồng dân cư. Sự tham gia của cộng đồng vào xây dựng bản phát triển sẽ góp phần hỗ trợ quá trình phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm; đồng thời phát hiện và giải quyết tốt những khó khăn, bức xúc của người dân trong sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của họ.
Nông dân là lực lượng chủ yếu trong các hoạt động kinh tế, lao động sản xuất ở khu vực nông thôn Luông Pha Băng - Ảnh: IT
Theo quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen, nông dân là lực lượng cách mạng to lớn, lực lượng chính trị to lớn và là lực lượng lớn trong nền sản xuất của mỗi quốc gia.
V.I. Lênin cho rằng, người nông dân được xét đến dưới hai khía cạnh, thứ nhất họ là những người tư hữu (tư hữu về ruộng đất - một loại tư liệu sản xuất quan trọng), thứ hai, họ cùng đồng thời là những người lao động trong nền sản xuất xã hội. Theo V.I. Lênin, giai cấp nông dân được hình thành trong lịch sử thông qua quá trình tan rã của chế độ “công xã nguyên thủy” và tồn tại từ đó cho đến nay. Nông dân sinh ra, lớn lên, sinh sống và lao động sản xuất ở địa bàn nông thôn gắn với tư liệu sản xuất chính là ruộng đất nông nghiệp và tạo ra các sản vật nông nghiệp phục vụ cho đời sống của con người. Do đó, muốn giữ được lòng tin của nông dân với cách mạng phải cải thiện được đời sống của quần chúng lao động và phải khởi đầu từ chính người nông dân.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xét về chính trị, nông dân là cơ sở chính của Mặt trận Dân tộc thống nhất trong kháng chiến; sau độc lập, liên minh công - nông là nền tảng của chính quyền, là công cụ sắc bén trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ mới.
Như vậy, nông dân là lực lượng to lớn trong xã hội, được hình thành bởi sự tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia, dân tộc. Người nông dân về cơ bản sống ở khu vực nông thôn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, có vai trò to lớn trong việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho nhu cầu của toàn xã hội.
Với đặc thù là một nền nông nghiệp cơ bản còn nhiều lạc hậu, yếu kém, người nông dân Lào nhìn chung có trình độ dân trí chưa cao, do đó phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn được Đảng, Nhà nước Lào quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, vấn đề tam nông luôn là mối quan tâm thường trực, là nhiệm vụ trọng yếu trong phát triển kinh tế - xã hội Lào. “Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, xây dựng bản phát triển là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội”(1).
Nghị định 348/CP của Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về xây dựng bản phát triển xác định 6 nhóm tiêu chuẩn, gồm: nhóm các tiêu chuẩn về quy hoạch đất đai và thực hiện quy hoạch đất đai; nhóm các tiêu chuẩn về cơ sở kinh tế - xã hội (1-Giao thông, 2-Thuỷ lợi, 3-Điện, 4-Trường học, 5-Y tế, 6-Văn hóa, 7-Kinh tế nông thôn, 8-Bưu điện, 9-Nơi ở); nhóm các tiêu chuẩn về kinh tế và tổ chức sản xuất (1-Thu nhập, 2-Việc làm, 3-Tổ chức sản xuất); nhóm các tiêu chuẩn về văn hóa - xã hội và môi trường (1- Giáo dục và đào tạo nghề, 2-Văn hóa, 3-Môi trường và an ninh lương thực); nhóm các tiêu chuẩn về hệ thống chính trị; nhóm các tiêu chuẩn về quốc phòng - an ninh.
Do đó, xây dựng các bản phát triển ở Lào cần bảo đảm 6 nhóm tiêu chuẩn cụ thể trên. Tuy vậy, ở mỗi địa phương sẽ có những đặc thù riêng về khả năng, điều kiện kinh tế - xã hội, về trình độ dân trí, về giáo dục, về y tế, về cơ sở hạ tầng, do đó việc thực hiện xây dựng bản phát triển đáp ứng các tiêu chuẩn/tiêu chí này cũng có những nét đặc thù.
Tỉnh Luông Pha Bang nằm ở miền Bắc Lào, có địa hình đồi núi cao (chiếm 85%), các đồng bằng nhỏ hẹp nằm xen kẽ dọc theo các con sông. Luông Pha Băng là trung tâm kinh tế - văn hóa - khoa học và công nghệ của khu vực miền Bắc, có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và liên tục với sự đóng góp trong ngành nông nghiệp chiếm khoảng 35% tổng GDP của tỉnh.
Hiện nay Luông Pha Băng có 12 huyện, 758 bản với dân số 454.095 người, 77.712 hộ gia đình. Cơ cấu xã hội dân số của tỉnh Luông Pha Băng phần lớn làm nông nghiệp, nghề làm ruộng 14.509 hộ gia đình, làm nương 38.301 hộ, làm cả ruộng và nương 4.337 hộ, làm dịch vụ 12.455 hộ và 4.909 hộ là nghề khác. Hiện số lao động đang làm trong các ngành kinh tế chủ yếu ở khu vực nông nghiệp là 186.390 người; chiếm 74,6% lực lượng lao động toàn tỉnh.
Đặc điểm về tự nhiên, kinh tế - xã hội có nhiều thuận lợi cho xây dựng bản phát triển của tỉnh: kinh tế phát triển trong nhiều năm liên tục tạo ra những thuận lợi cơ bản cho hệ thống chính trị cơ sở thực hiện tốt vai trò lãnh đạo bản trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng bản phát triển; … Tuy nhiên, Luông Pha Băng là tỉnh đa tộc người, tỷ lệ dân tộc thiểu số của tỉnh chiếm số lượng lớn, trình độ dân trí chưa cao; đồng thời cơ cấu lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Đó là những khó khăn trong thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng bản phát triển của hệ thống chính trị cấp cơ sở cũng như trong phát huy vai trò của người nông dân trong xây dựng bản phát triển.
1. Vai trò của nông dân trong xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Băng
Là chủ thể quan trọng ở khu vực nông thôn, nông dân là lực lượng to lớn trong quá trình phát triển kinh tế, cải thiện nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân. Từ khi Đảng và Nhà nước Lào ban hành, triển khai Nghị quyết về xây dựng tỉnh thành đơn vị chiến lược, huyện thành đơn vị vững mạnh, xây dựng bản phát triển thì vai trò “chủ nhân” của người nông dân càng được thể hiện một cách sâu sắc. Những vai trò “chủ nhân” đó được biểu hiện cụ thể trên các phương diện:
Một là, nông dân là chủ thể trực tiếp tiếp thu các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước Lào trong xây dựng bản phát triển
Là chủ thể trung tâm và là lực lượng đông đảo ở khu vực nông thôn, đối với chủ trương xây dựng bản phát triển thì chính người nông dân là chủ thể tiếp thu, lan tỏa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước Lào về xây dựng bản phát triển.
Xây dựng bản phát triển là một chương trình lớn, mang tính tổng thể của Đảng, Nhà nước Lào trong những năm gần đây. Vì vậy, để chương trình đạt được những mục tiêu đã đặt ra, Chính phủ Lào đã xây dựng và ban hành đồng bộ các chính sách để tổ chức thực hiện. Trong đó, Nghị định 348/CP của Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào về tiêu chuẩn của bản phát triển được thể hiện trên 6 nhóm tiêu chuẩn và 88 tiêu chí cụ thể. Song song với Nghị định 348/CP, Chính phủ Lào cũng đã chỉ đạo chính quyền các tỉnh, các huyện kịp thời ban hành các hướng dẫn cụ thể khi tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với đặc thù của địa phương.
Thời gian qua, ở tỉnh Luông Pha Băng, 100% các bản đã có nghị quyết chuyên đề về việc triển khai thực hiện các nội dung, tiêu chí xây dựng bản phát triển ở bản mình. Các nghị quyết về cơ bản đã bám sát đặc thù của bản, theo sát với thực tiễn của đời sống người dân, đặc thù của sản xuất, phong tục, tập quán các dân tộc trên địa bàn(2). Do đó, người dân ở các bản phần lớn có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước Lào về xây dựng bản phát triển.
Hai là, người nông dân là chủ thể chính trong thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn. Là lực lượng to lớn, chủ yếu trong các hoạt động kinh tế, lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, do vậy có thể khẳng định, các chủ trương, chính sách về xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực kinh tế của Đảng, Nhà nước Lào có đi vào thực tiễn hay không phụ thuộc lớn vào quá trình tổ chức thực hiện của người nông dân. Xuất phát từ việc làm tốt nhiệm vụ quán triệt, tuyên truyền, giáo dục của hệ thống chính trị các cấp, lực lượng nông dân ở tỉnh Luông Pha Băng tích cực, nỗ lực trong việc tổ chức đưa các mục tiêu, chỉ tiêu của xây dựng bản phát triển trên lĩnh vực kinh tế ở địa phương sinh sống thành những việc làm cụ thể, thành những phong trào hành động rộng khắp trong sản xuất kinh doanh, trong cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thể hiện cụ thể trong các hoạt động đóng góp sức lực cùng với chính quyền bản khắc phục những khâu yếu kém, hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế ở từng bản.
Kết quả là, trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất lúa của toàn tỉnh hiện có diện tích 41.928 ha, thu hoạch được 107.809 tấn, so với kế hoạch đặt ra , đạt 84%; trồng rau sạch, sản xuất hoa quả, trồng cỏ nuôi gia súc phát triển; đàn gia súc, gia cầm phát triển, như: trâu, bò, lợn, gà… Hiện tại, cả tỉnh có 125 trang trại lớn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá… thu nhập khoảng 35,65 tỷ kíp/năm(3).
Cùng với đó là ý thức về phát triển kinh tế rừng bền vững của người dân được nâng lên. Cụ thể, ở Luông Pha Băng hiện nay, “rừng sản xuất, rừng bảo tồn quốc gia đã được bảo quản hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt. Cùng với bảo vệ, quản lý rừng tự nhiên, Luông Pha Băng còn tổ chức trồng cây công nghiệp, cây cảnh, cây ăn quả với tổng diện tích 21.818 ha, chiếm 70% kế hoạch (31.365 ha); diện tích trồng cây công nghiệp 57.119 ha, trong đó: cây gỗ tếch 27.481 ha, cây cao su 16.900 ha, trầm hương 751,23 ha, cây dương 1.365 ha, cây chẩu 9.278 ha và cây trồng khác 1.344 ha”(4).
Những kết quả trên đây đã thể hiện vai trò to lớn của nông dân trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn Luông Pha Băng thời gian qua. Đồng thời cũng cho thấy tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế.
Ba là, nông dân là chủ thể quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng theo các tiêu chí của bản phát triển
Trong 6 nhóm tiêu chuẩn xây dựng bản phát triển thì các tiêu chí như: đường giao thông, hệ thống thủy lợi (kênh, mương phục vụ cho sản xuất nông nghiệp), hệ thống điện, nguồn điện, hệ thống trường học, hệ thống y tế, văn hóa trong đó có hệ thống nhà văn hóa, các thiết chế văn hóa, truyền thông và thông tin; tiêu chí về phát triển kinh tế như chợ,... được đáp ứng. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách ở nhiều địa phương còn khó khăn, một phần ngân sách hoạt động trên tất cả các ngành, các lĩnh vực của tỉnh còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước thì vai trò trong tổ chức thực hiện nội dung này của người nông dân ở tỉnh Luông Pha Băng là hết sức to lớn và có ý nghĩa quyết định.
Nhận thức đúng vị trí, vai trò của nông dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở các địa phương, của từng bản, chính quyền các cấp tỉnh ở Luông Pha Băng quan tâm chú trọng phát huy vai trò nông dân. Trong những năm qua, tỉnh đã huy động đông đảo nguồn lực từ nông dân trong đóng góp xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã huy động được các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội và nhân dân đóng góp được 42.198,81 triệu kíp, 15.575 ngày công lao động, 195 tấn xi măng; xây dựng 15 nhà hội trường bản, 287 cột bóng đèn, hiến 19.170 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn.
Các phong trào thi đua được đẩy mạnh, cụ thể như: Phong trào thi đua “Phát triển đường giao thông nông thôn rộng, thoáng, an toàn”, vận động nhân dân duy tu bảo dưỡng 113 km đường giao thông nông thôn, sửa chữa và làm mới 0,9 km đường nội đồng, khơi thông 66 km cống rãnh; “Phát triển sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - an toàn - bền vững”. Qua công tác tuyên truyền, người dân đã tự nguyện, tích cực tham gia, ủng hộ trên 1.856 ngày công để dọn đường nông thôn tại các bản. Vận động trồng cây làm rừng được hơn 20.000 cây tại 39 bản trên địa bàn tỉnh(5).
Qua đó cho thấy, người nông dân trên địa bàn tỉnh Luông Pha Băng có nhận thức rõ và bước đầu khẳng định vị trí, vai trò trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng theo các tiêu chí của bản phát triển, góp phần quan trọng để đạt các tiêu chí ở địa phương.
Bốn là, nông dân là chủ thể quan trọng trong hoạt động văn hóa, xã hội, trật tự, an ninh ở khu vực nông thôn. Lịch sử và thực tiễn đã chứng minh, văn hóa mà biểu hiện trực tiếp nhất là phong tục, tập quán trong sinh hoạt, trong lao động sản xuất ở khu vực nông thôn được tạo dựng bởi hoạt động hằng ngày của người nông dân.
Cũng chính người nông dân trong việc bảo vệ địa bàn, bảo vệ các điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa ở địa bàn mà họ cũng là chủ thể to lớn trong việc duy trì trật tự, an ninh, an toàn ở khu vực nông thôn.
Vai trò quan trọng trong các hoạt động văn hóa, xã hội của người nông dân ở tỉnh Luông Pha Băng được thể hiện khá rõ nét qua việc tỉnh Luông Pha Băng đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1995. Cùng với đó là ý thức bảo vệ, giữ gìn kho tàng di sản văn hóa vật thể vô cùng đồ sộ và phong phú, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của tỉnh. Hiện nay, Luông Pha Băng có nhiều di sản, địa danh đặc sắc về văn hóa như: múa Nang Kẹo, múa Pha Lặc Pha Lam, múa lăm vông, dân vũ, dân ca của các dân tộc…: Khắp thúm, An Năng Sư, dân tộc Khơ Mu, dân tộc Mông,... Đặc biệt Bun Py May Lào (tháng 4 âm lịch) ở Luông Pha Băng là nổi tiếng nhất trong cả nước. Tỉnh có các di tích lịch sử văn hóa, tài sản vô giá của dân tộc: toàn tỉnh có tới 38 chùa, trong đó riêng thành phố Luông Pha Băng có hơn 17 chùa. Hiện nay, Luông Pha Băng có 230 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 107 danh lam thắng cảnh, 37 di tích lịch sử và 86 di tích văn hóa được phân chia theo vùng, cụm du lịch chính.
Nông dân trong tỉnh đã phối hợp tốt với công an ở bản trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bản thân người dân có ý thức khá đầy đủ về vai trò của an ninh trật tự, an toàn xã hội với phát triển kinh tế, xã hội cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế (“du lịch và dịch vụ là ngành đóng góp vào GDP của tỉnh Luông Pha Băng nhiều nhất với 46% năm 2018”(6)). Người nông dân trên địa bàn tỉnh Luông Pha Băng đã và đang tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, giữ gìn trật tự, an ninh trên địa bàn bản.
Năm là, nông dân có vai trò quan trọng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Với phương châm lấy dân là gốc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng từ khi thành lập đến nay, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn khẳng định quyền làm chủ của nhân dân trong xã hội. Quán triệt tinh thần ấy, phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát” đã được hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương ở Lào nói chung, tỉnh Luông Pha Băng nói riêng thực hiện có nền nếp, hiệu quả và thường xuyên.
Là chủ thể trực tiếp được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát các hoạt động của đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở (cấp bản), nông dân có vai trò quan trọng trong phản biện xã hội qua các kênh dư luận xã hội về các quyết sách, quá trình triển khai tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách về xây dựng bản phát triển của đội ngũ cán bộ ở cơ sở, đỏi hỏi họ phải thực hiện nghiêm túc, minh bạch, công khai, đầy đủ các chủ trương, chính sách trong xây dựng bản phát triển nói riêng, trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển bản toàn diện nói chung. Qua việc thực hiện, phát huy dân chủ cơ sở, các ý kiến của người nông dân đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.
2. Giải pháp phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Băng
Đại hội XI Đảng Nhân dân cách mạng Lào khẳng định: “Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng bản phát triển. Hỗ trợ, khuyến khích nông dân học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ. Nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp, mở rộng và nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ cơ bản về điện, nước sạch, y tế, giáo dục, thông tin…, cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xóa đói giảm nghèo, khuyến khích làm giàu hợp pháp”(7). Theo đó, để phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Băng theo tinh thần của Đại hội XI Đảng Nhân dân cách mạng Lào cần bảo đảm thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao trình độ dân trí cho toàn dân, đặc biệt là nông dân ở các thôn bản, tạo điền đề phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng bản phát triển ở tỉnh Luông Pha Băng. Từ đó giúp các hộ nông dân khắc phục được những hạn chế trong nền sản xuất cũ mang tính khép kín, cục bộ. Cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động người dân cho trẻ đến trường đúng đủ độ tuổi theo quy định; có các biện pháp để khuyến khích người dân học tập, nâng cao trình độ và sự hiểu biết.
Thứ hai, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, ý nghĩa xây dựng bản phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân. Trong đó xác định vai trò của người nông dân trong quá trình xây dựng bản phát triển vừa là người thực hiện, vừa là người thụ hưởng, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nói chung, người nông dân nói riêng. Tích cực tuyên truyền để người nông dân nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật liên quan trực tiếp đến chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt là cán bộ cấp bản trong việc quán triệt, tuyên truyền, giáo dục đến người dân để họ nắm vững và tổ chức thực hiện phù hợp với năng lực và khả năng của họ. Nếu người nông dân không nắm bắt một cách sâu sắc các chủ trương, đường lối, cũng như chỉ thị và nghị định về xây dựng bản phát triển thì họ không thể triển khai thực hiện các tiêu chí đã được đề ra.
Hơn thế, nông dân cũng cần nắm rõ sự điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí phù hợp với từng địa phương nơi họ sinh sống. Nông dân - chủ thể xây dựng bản phát triển phải là người quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách và chương trình xây dựng bản phát triển.
Thứ ba, các cấp ủy đảng cơ sở ở nông thôn tỉnh Luông Pha Băng, trực tiếp là chi bộ, đảng bộ ở bản phải thường xuyên phân công, giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận, phụ trách từng nhóm gia đình người dân. Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên ở bản trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân trên địa bàn trong quá trình xây dựng bản phát triển. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên cần động viên người dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể cơ sở thông qua đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức và hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để nông dân giám sát đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền.
Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các cuộc vận động nông dân tham gia các phong trào thi đua gắn với xây dựng bản phát triển. Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương dân chủ, phối hợp với chính quyền bản và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và phát triển nhằm phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, đổi mới sáng tạo của các tầng lớp nhân dân nói chung và nông dân nói riêng trong thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng bản phát triển. Tiếp tục tổ chức tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, hướng tới xây dựng bản phát triển bền vững” ở tất cả các bản trong toàn tỉnh, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, sát hợp với thực tế đời sống của nhân dân ở từng bản.
Thứ năm, tăng cường phát huy dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân, đặc biệt là nông dân tham gia bàn bạc, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng bản phát triển phù hợp với năng lực kinh tế, điều kiện đặc thù của từng bản, cụm bản. Qua đó giúp họ có thêm động lực, tích cực, hăng hái đóng góp tinh thần và vật chất xây dựng bản phát triển. Cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 13-11-2017 của Tỉnh uỷ Luông Pha Băng về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là thực hiện dân chủ ở bản. Thông qua đó, thực hiện đúng đắn, sáng tạo phương châm dựa vào dân, phải cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, kiểm tra trong quá trình xây dựng bản phát triển.
Cần coi trọng công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Lào có liên quan trực tiếp đến đời sống của các tầng lớp nhân dân ở cơ sở; các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; quy hoạch đất đai và quản lý đất đai; các khoản thu, chi từ ngân sách và các nguồn thu khác.
Việc thực hiện thành công Chương trình xây dựng bản phát triển sẽ góp phần tạo ra bộ mặt mới cho khu vực nông thôn Luông Pha Băng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nông dân trong tỉnh. Để đạt được những mục tiêu đề ra, việc phát huy vai trò chủ thể của người dân ở các bản, cụm bản là việc làm cần thiết và quan trọng. Vấn đề quan trọng đó là phải tìm ra những cách làm hay, biện pháp khả thi nhằm khơi dậy khát vọng cũng như thức tỉnh các nguồn lực to lớn trong nhân dân.
_________________
Ngày nhận bài: 10-9-2023; Ngày bình duyệt: 12-9-2023; Ngày duyệt đăng: 7-10-2023.
(1) Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Nhà nước, Viêng Chăn, 2016, tr.63.
(2) Uỷ ban nhân dân huyện Xiêng Ngân: Báo cáo tổng kết nhiệm vụ xây dựng bản phát triển năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, tr.4.
(3) Ủy ban nhân dân tỉnh Luông Pha Băng:Báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hộinăm 2021.
(4) Sở Nông - Lâm nghiệp tỉnh Luông Pha Băng:Báo cáo tổng kết năm 2021 và định hướng kế hoạch năm 2022 về nhóm công việc kế hoạch và đối ngoại.
(5) Uỷ ban nhân dân tỉnh Luông Pha Băng: Báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, tr.11.
(6) Uỷ ban nhân dân tỉnh Luông Pha Băng: Báo cáo việc phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển năm 2017 của tỉnh Luông Pha Băng, tr.11.
(7) Đảng Nhân dân Cách mạng Lào:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Nhà nước, Viêng Chăn, 2021, tr.82.