Thực tiễn

Phát triển du lịch về nguồn theo hướng đổi mới, sáng tạo

09/06/2024 20:34

(LLCT) – Du lịch về nguồn là một loại hình du lịch nhằm mục đích giáo dục truyền thống và tinh thần cách mạng. Đổi mới, sáng tạo trong phát triển du lịch về nguồn giúp mục đích giáo dục được thực hiện hiệu quả hơn mà không tạo cảm giác khô khan, nhàm chán cho du khách. Bài viết phân tích thực trạng hoạt động du lịch về nguồn, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển loại hình này theo hướng đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam.

TS VŨ LAN HƯƠNG
TS NGUYỄN THÙY TRANG

Trường Đại học Thương Mại

Phát triển du lịch về nguồn theo hướng đổi mới, sáng tạo

Khách du lịch sử dụng hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Nhà tù Hỏa Lò_Ảnh: hanoimoi.vn

1. Mở đầu

Du lịch về nguồn (DLVN) hay còn gọi là “du lịch cách mạng”, là loại hình du lịch với điểm đến là những di tíchl ịch sử, cách mạng đã và đang phát triển tại Việt Nam. Với bề dày truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam sở hữu hệ thống di tích lịch sửđa dạng và phong phú trải dài khắp mọi miền Tổ quốc. Trong đó, có hàng nghìn di tích lịch sử, cách mạng đã được công nhận xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, là di sản, là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển DLVN. Sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động du lịch tại các di tích lịch sử cách mạng giúp du khách có trải nghiệm tốt hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đổi mới, sáng tạo trong phát triển DLVN hiện còn nhiều hạn chế, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý các cấp.

2. Khái quát du lịch về nguồn theo hướng đổi mới, sáng tạo

DLVN là loại hình du lịch mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Khi tham gia các chuyến DLVN, về các di tích lịch sử cách mạng của mỗi địa phương, du khách không chỉ được tham quan, vui chơi, giải trí như các loại hình du lịch khác mà còn được tiếp cận, có cơ hội tìm hiểu những kiến ​​thức về lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc. Những chuyến DLVN đã và đang góp phần quan trọng vào việc giáo dục tri thức lịch sử, giáo dục truyền thống và tinh thần cách mạng, bồi dưỡng lòng tự hào về những giá trị tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy lòng yêu quê hương của mọi người, đặc biệt đối với giới trẻ.

DLVN phát triển dựa trên các địa điểm lịch sử liên quan đến lịch sử dân tộc, cách mạng kháng chiến được công nhận cấp quốc gia, cấp tỉnh và là nơi tưởng niệm các sự kiện cách mạng kháng chiến đã được gắn tên di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Mỗi một di tích đều gắn với những sự kiện, mốc son lịch sử trong quá trình đấu tranh và cách mạng của nhân dân ta.

Trước đây, đối tượng khách tham gia các chương trình DLVN chủ yếu là cựu chiến binh, gia đình cách mạng, thân nhân liệt sĩ,… thăm các di tích lịch sử cách mạng, thăm lại “chiến trường xưa”, tưởng nhớ, thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với những người có công với đất nước. Ngày nay, đối tượng khách của loại hình du lịch này đã có sự thay đổi lớn, rất đông giới trẻ (học sinh, sinh viên, thanh niên), thường đi theo tổ chức (các trường, cơ sở giáo dục, Đoàn Thanh niên doanh nghiệp,…) nhằm hiểu hơn về lịch sử dân tộc, tự hào hơn về quê hương, đất nước và thế hệ đi trước, từ đó trân trọng cuộc sống và nỗ lực phấn đấu rèn luyện, học tập tốt hơn.

Các chương trình du lịch dành cho đối tượng học sinh, sinh viên thường được tổ chức vào cuối năm học hoặc vào cuối năm hành chính đối với các cơ quan, tổ chức khác, với mục đích kết hợp học tập trải nghiệm và báo công. Các hoạt động thường thấy trong chương trình du lịch này là: tham quan, tìm hiểu các điểm di tích lịch sử, chứng tích lịch sử; nghe hướng dẫn viên kể về chiến công hào hùng của cha ông; chương trình tái hiện lịch sử tại khu du lịch(1)

Tham quan các di tích lịch sử hay DLVN không chỉ giúp du khách khám phá, tìm hiểu về các di tích, điểm đến mà còn mang ý nghĩa nhân văn, góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, thể hiện sự kính trọng, biết ơn những người có công với đất nước.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, tạo sức lan tỏa cho điểm đến, đồng thời thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống, lại vừa khẳng định sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch với tư cách là điểm đến của loại hình du lịch này.

Phát triển DLVN theo hướng đổi mới, sáng tạo nhằm phát huy thế mạnh tài nguyên, nâng cao hiệu quả của loại hình du lịch gắn với điểm đến là các di tích lịch sử vừa thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho phát triển du lịch, bổ sung nguồn kinh phí phục vụ trùng tu, bảo tồn di tích; tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân nơi có di tích. Vì vậy, đổi mới, sáng tạo chương trình du lịch, tăng tính hấp dẫn cho điểm đến, thu hút du khách là việc làm rất cần thiết.

Trước hết, cần khẳng định, phát triển DLVN theo hướng đổi mới, sáng tạo thực chất là hoạt động phát triển sản phẩm du lịch, là cách thức làm cho hoạt động du lịch tại các di tích diễn ra theo cách mới, khác với cách thông thường.

Phát triển DLVN theo hướng đổi mới, sáng tạo chính là thay đổi cách tiếp cận và trải nghiệm của khách du lịch tại các điểm đến. Theo đó, các chuyến DLVN cần được thiết kế mang tính đặc trưng riêng của từng điểm đến và gắn với các sự kiện lịch sử; Ứng dụng công nghệ tại các di tích giúp du khách trải nghiệm không gian, cảm xúc chân thực như sống trong những khoảnh khắc lịch sử đã qua,… Điều này giúp tạo sự khác biệt so với cách làm du lịch truyền thống là du khách đến chỉ để tham quan, nghe hướng dẫn viên thuyết minh, xem sa bàn rồi rời đi. Sự đổi mới giúp việc tham quan trở nên thú vị, giúp du khách ghi nhớ sâu sắc những thông tin tại điểm đến mà không cảm thấy nhàm chán.

3. Thực trạng phát triển du lịch về nguồn tại Việt Nam

Việt Nam sở hữu hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng dày đặc, phân bố khắp cả nước. Tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 41 nghìn di tích, danh lam, thắng cảnh, trong đó có hơn 4 nghìn di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9 nghìn di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Mật độ và số lượng di tích nhiều nhất ở 10 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm 56% số di tích quốc gia và 46% tổng số di tích). Trong số di tích quốc gia, có 112 di tích quốc gia đặc biệt và trong đó có 8 di sản thế giới(2). Sự đa dạng về địa danh lịch sử, di tích cách mạng phản ánh sự phong phú của các cuộc chiến tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam. Từ các cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc, chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đến các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc,… mỗi thời kỳ đều để lại những dấu ấn lịch sử, những địa điểm mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Phần lớn hoạt động du lịch tại các di tích lịch sử ở Việt Nam diễn ra theo cách làm truyền thống, tức là khách du lịch được đưa đến tại điểm để xem, để nghe thuyết minh với những câu chuyện lịch sử đặc trưng, được tham quan, trải nghiệm một vài hoạt động đơn giản tại điểm đến như: Trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực địa phương, trang phục địa phương và chụp ảnh,…

Tuy nhiên, những năm gần đây, một số điểm DLVN đã và đang dần đổi mới, sáng tạo trong cách triển khai hoạt động du lịch, tạo sự hấp dẫn lớn đối với du khách.

Một là, xây dựng chương trình theo chủ đề, nội dung phong phú, đa dạng. Ví dụ: tại Khu di tích nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, đội ngũ truyền thông của di tích đã sáng tạo trong hình thức thể hiện như lồng ghép những câu đố hài hước, lời bài hát, hình ảnh minh họa,... với những thông tin gắn liền với lịch sử tưởng chừng như “khô khan”. Thông qua nền tảng mạng xã hội, di tích đã thu hút đông đảo giới trẻ đến tham quan. Đặc biệt từ năm 2019, ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò đã triển khai hệ thống phiên dịch tự động để phục vụ du khách. Với thiết bị này, du khách có thể trải nghiệm 35 câu chuyện lịch sử qua lời kể của các tù nhân chính trị về cuộc sống trong tù… Du khách cũng có thể tham quan di tích nhà tù Hỏa Lò trên hai nền tảng Spotify và Apple Podcasts(3). Tại đây, 3 chương trình triển lãm trực tuyến mang tên “Thắp lửa tình yêu”, “Sắt son”, “Lời thề quyết tử” được truyền tải bằng những giọng điệu đầy cảm xúc, giúp khán giả, người nghe dễ dàng tiếp cận câu chuyện lịch sử hơn. Cùng với phương pháp sáng tạo trên nền tảng kỹ thuật số, di tích Nhà tù Hỏa Lò còn có các khu vực trưng bày theo chủ đề giúp công chúng có cái nhìn chi tiết về từng giai đoạn đấu tranh của đất nước.

Tại khu di tích Địa đạo Củ Chi, hoạt động du lịch cũng có nhiều thay đổi trong thời gian qua. Ngoài việc xem những thước phim tư liệu, quan sát bản đồ cũng như “trận đồ ngầm thu nhỏ”, nghe hướng dẫn viên tại điểm thuyết minh, khách du lịch còn được tham gia vào các hoạt động tham quan hầm địa đạo Củ Chi, khám phá khu vực tái hiện chiến tranh, thử sức bắn súng đạn thật tại khu bắn súng địa đạo Củ Chi, tham quan và trải nghiệm dịch vụ tại khu hồ tắm mô phỏng Biển Đông, vườn trái cây Trung An,... Các hoạt động tại đây đa dạng, vừa kết hợp học tập, trải nghiệm, vừa có không gian thư giãn nên tăng tính hấp dẫn, thu hút khách đến tham quan.

Hai là, bước đầu kết nối với các loại hình du lịch khác. Một số doanh nghiệp du lịch đã kết hợp DLVN với du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, tạo ra các chuyến dài ngày hấp dẫn. Việc kết nối này giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách, đồng thời tạo ra những trải nghiệm phong phú hơn. Ví dụ: du lịch Quảng Trị kết hợp thăm di tích lịch sử chiến tranh với trải nghiệm du lịch biển, hoặc DLVN ở Tây Nguyên kết hợp với du lịch cộng đồng, khám phá văn hóa bản địa.

Ba là, số hóa các di tích lịch sử, tạo nên những nét đổi mới, sáng tạo trong việc quảng bá, phục vụ khách du lịch. Bản chất của số hóa là sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để chuyển đổi những tài liệu, thông tin, hình ảnh thành định dạng số có thể xử lý, lưu trữ và truyền qua internet, phổ biến nhất là tạo mã QR nhằm cung cấp đa dạng thông tin về điểm đến cho khách du lịch và nhân dân địa phương. Tại Hà Nội, có hơn 300 di tích đã được số hóa, các điểm di tích được kết hợp cùng công nghệ hình ảnh 360 tạo nên tour tham quan thực tế ảo. Một số thành phố lớn khác cũng đã thực hiện số hóa các điểm DLVN và đem lại hiệu quả tích cực như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng,…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả DLVN đã đạt được, còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, cụ thể:

Một là, thiếu sự đồng bộ trong trùng tu, tôn tạo. Nhiều di tích xuống cấp chưa được trùng tu mất đi vẻ đẹp vốn có, ảnh hưởng đến giá trị lịch sử và văn hóa, đồng thời làm giảm sức hấp dẫn đối với du khách.

Hai là, khai thác chưa hết giá trị. Nhiều điểm đến chưa khai thác hết giá trị văn hóa, lịch sử để phục vụ du lịch. Có những di tích lịch sử chỉ dừng lại ở việc giới thiệu thông tin lịch sử, chưa tạo được trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Việc thiếu sáng tạo trong thiết kế các hoạt động, thiếu các dịch vụ bổ trợ, thiếu sự kết nối với văn hóa địa phương dẫn đến du khách chỉ tham quan trong thời gian ngắn, không có nhiều cảm xúc, ấn tượng.

Ba là, nguồn nhân lực hạn chế. Đội ngũ nhân viên phục vụ tại các điểm DLVN còn thiếu về số lượng, chưa chuyên nghiệp, thiếu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng phục vụ du lịch. Việc thiếu đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, am hiểu lịch sử, văn hóa, có khả năng truyền tải thông tin một cách sinh động, hấp dẫn, dẫn đến du khách chưa được tiếp cận đầy đủ với những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.

Bốn là, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Hệ thống cơ sở hạ tầng tại nhiều điểm DLVN còn hạn chế, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Thiếu các dịch vụ bổ trợ như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, bãi đậu xe, biển chỉ đường, giao thông kết nối chưa thuận tiện khiến du khách không có nhiều sự lựa chọn, giảm thời gian lưu trú, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Năm là, thiếu sự kết nối giữa các điểm đến. DLVN phát triển rời rạc, thiếu sự kết nối tour, tuyến, khiến du khách dễ cảm thấy nhàm chán. Việc thiếu sự liên kết giữa các điểm DLVN trên cùng một tuyến du lịch khiến du khách không có được trải nghiệm liên hoàn, không có cơ hội khám phá trọn vẹn văn hóa, lịch sử của một vùng đất, dẫn đến thời gian lưu trú ngắn, tăng chi phí đi lại cho du khách.

Sáu là, công tác quảng bá còn cục bộ. Chưa có chiến lược truyền thông tổng thể, hạn chế tiếp cận thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Việc quảng bá DLVN còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự đầu tư bài bản, hạn chế sử dụng các kênh truyền thông hiện đại, không thu hút được sự chú ý của du khách tiềm năng.

Những hạn chế này là do nhiều địa phương chưa đánh giá đúng tiềm năng và giá trị của DLVN, chưa có chiến lược khai thác hiệu quả, dẫn đến việc tài nguyên du lịch bị lãng phí. Cơ chế liên kết giữa các cấp, các ngành và doanh nghiệp du lịch chưa chặt chẽ, chưa thực sự gắn kết với cư dân sở tại. Ngoài ra, nguồn tài chính dành cho tôn tạo, trùng tu di tích, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng còn hạn chế và sản phẩm DLVN chưa đủ hấp dẫn, chưa tạo được điểm nhấn, chưa khai thác được sự thích thú của du khách.

Để phát huy tiềm năng của DLVN, cần có sự đầu tư bài bản từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch, và đặc biệt là sự chung tay của người dân địa phương. Việc nâng cao nhận thức về vai trò của DLVN, xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đổi mới sản phẩm và thực hiện liên kết giữa các địa phương là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy DLVN phát triển bền vững và đúng hướng.

4. Một số đề xuất nhằm phát triển du lịch về nguồn theo hướng đổi mới, sáng tạo

DLVN tại Việt Nam đang sở hữu tiềm năng to lớn, song để phát triển bền vững và thu hút du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần có những đổi mới, sáng tạo trong cách tiếp cận và khai thác giá trị di sản. Do đó, để góp phần thúc đẩy DLVN phát triển bền vững và đúng hướng, mang lại lợi ích cho xã hội và nền kinh tế, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, nâng cấp cơ sở hạ tầng và di tích. Để du khách có trải nghiệm tốt khi tham quan các di tích lịch sử, nhà nước cần chủ động rà soát và nâng cấp cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. Ưu tiên đầu tư những di tích có tiềm năng du lịch lớn, bảo đảm cơ sở hạ tầng phục vụ du khách như: bãi đậu xe, hệ thống biển chỉ đường, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí,...

Tăng cường đầu tư vào hệ thống giao thông kết nối giữa các di tích, thuận tiện cho việc di chuyển của du khách. Tập trung nâng cao chất lượng trùng tu, tôn tạo di tích, bảo đảm tính nguyên bản, đồng thời kết hợp những phương pháp khoa học hiện đại nhằm tạo sự hấp dẫn và trải nghiệm độc đáo cho du khách. Bên cạnh đó, kết hợp với văn hóa địa phương, khai thác những giá trị văn hóa địa phương xung quanh di tích nhằm tạo ra những trải nghiệm văn hóa hấp dẫn du khách.

Hai là, đổi mới sản phẩm dịch vụ. Thay vì tham quan theo cách làm truyền thống, du khách có thể tham gia các chương trình du lịch theo chủ đề, nội dung phong phú, đa dạng. Xây dựng các chủ đề du lịch hấp dẫn như: “Theo dấu chân chiến sĩ”, “Chuyện kể chiến trường xưa”, “Hành trình tri ân”, “Kết nối thế hệ”, “Văn hóa của chiến tranh”, “Di sản văn hóa của dân tộc”,... Tạo ra những hoạt động tương tác như: Trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, tái hiện lịch sử, trò chơi truyền thống, chương trình văn nghệ dân gian xung quanh di tích,… giúp du khách trải nghiệm và ghi nhớ sâu sắc hơn.

Số hóa các di tích lịch sử, tạo ra tour tham quan thực tế ảo, sử dụng mã QR để cung cấp thông tin, tạo hướng dẫn viên ảo, sử dụng các nền tảng trực tuyến như: Spotify, Apple Podcasts để truyền tải thông tin về di tích. Sử dụng nền tảng xã hội như: Facebook, Instagram, Youtube… để quảng bá DLVN, kết nối với các “travel blogger”, thu hút sự chú ý của khách du lịch tiềm năng. Tạo ra những nội dung sáng tạo, hấp dẫn mang lại những trải nghiệm mới cho du khách.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên chuyên nghiệp về lịch sử, văn hóa, có khả năng truyền tải thông tin một cách sinh động, hấp dẫn, giúp du khách hiểu biết sâu sắc về những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ phục vụ du khách, để phục vụ du khách quốc tế. Nâng cao kỹ năng truyền thông, marketing cho nhân viên phục vụ du lịch, giúp họ truyền tải thông tin về di tích một cách hiệu quả trên các kênh trực tuyến.

Bốn là, tăng cường liên kết. Tạo ra những tour, tuyến du lịch liên vùng, kết nối các di tích lịch sử trên cùng một tuyến du lịch, tạo ra trải nghiệm liên hoàn cho du khách. Khuyến khích sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và ban quản lý các di tích lịch sử, giúp cho việc xây dựng tour, tuyến, quảng bá du lịch hiệu quả hơn. Khuyến khích sự tham gia của người dân địa phương vào hoạt động du lịch, tạo ra các mô hình du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, giúp người dân có thu nhập, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Năm là, thực hiện quảng bá hiệu quả. Chủ động tiếp cận thị trường du lịch trong nước và quốc tế, tăng cường quảng bá trên các kênh truyền thông, sử dụng các nội dung sáng tạo, hình ảnh hấp dẫn. Tăng cường liên kết với các cơ quan truyền thông để quảng bá DLVN, tạo những bài viết, phóng sự hấp dẫn, giới thiệu di tích lịch sử một cách sống động. Tổ chức các sự kiện, lễ hội có liên quan đến DLVN, tạo cơ hội giới thiệu về di tích và thu hút du khách.

Sáu là, thực hiện liên kết với các chương trình mục tiêu quốc gia. Kết nối với chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Tập trung đầu tư cho phát triển DLVN ở những vùng có dân tộc thiểu số sinh sống, góp phần nâng cao đời sống và giữ gìn văn hóa truyền thống của cộng đồng. Kết nối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới: Khuyến khích phát triển DLVN gắn với các làng nghề truyền thống, nông nghiệp sạch, tạo ra trải nghiệm hấp dẫn cho du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của nông thôn.

5. Kết luận

Phát triển DLVN theo hướng đổi mới, sáng tạo là yêu cầu cấp thiết nhằm khai thác tối đa tiềm năng của loại hình du lịch này, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống và tinh thần cách mạng một cách hiệu quả và hấp dẫn hơn. Thực tiễn cho thấy, việc đổi mới, sáng tạo trong phát triển DLVN không chỉ tạo ra những trải nghiệm du lịch phong phú, đa dạng, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, mang lại những lợi ích kinh tế, xã hội lớn cho đất nước. Để đạt được điều này, cần có một chiến lược phát triển toàn diện, đồng bộ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của cộng đồng. Với những nỗ lực của các chủ thể, DLVN sẽ ngày càng phát triển, trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

_________________

Ngày nhận bài: 24-4-2024; Ngày bình duyệt: 30-4-2024; Ngày duyệt đăng: 8-6-2024.

(1) Nguyen Thanh Nam: Du lịch về nguồn tại Việt Nam - thực trạng và giải pháp, https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/01/06/du-lich-ve-nguon-tai-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap/, ngày đăng bài: 06-1-2022.

(2) http://diadaocuchi.com.vn/gioi-thieu-ve-khu-di-tich-lich-su-dia-dao-cu-chi-37.html

(3) T.Linh: Ứng dụng công nghệ số đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng trẻ, https://nhandan.vn/ung-dung-cong-nghe-so-dua-lich-su-den-gan-hon-voi-cong-chung-tre-post657247.html, ngày đăng bài: 28-7-2021.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển du lịch về nguồn theo hướng đổi mới, sáng tạo
    POWERED BY