Nhân vật - Sự kiện

Phong cách làm việc mẫn cán của cụ Bùi Bằng Đoàn

12/11/2023 11:54

(LLCT) - Cụ Bùi Bằng Đoàn là một chí sĩ yêu nước thương dân sâu sắc, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng. Dù trên bất cứ cương vị và hoàn cảnh nào, khi còn làm quan cho triều đình Huế, cho đến khi tham gia Chính phủ cách mạng, trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn nêu cao tinh thần vì nước, vì dân, xả thân vì nghĩa lớn. Cụ Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương tiêu biểu của một chí sĩ yêu nước chân chính, đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bài viết làm rõ phong cách làm việc mẫn cán của cụ Bùi Bằng Đoàn.

TS VÕ THỊ HOA
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
ThS LÊ MINH PHƯƠNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Phong cách làm việc mẫn cán của cụ Bùi Bằng Đoàn

Cụ Bùi Bằng Đoàn là một chí sĩ yêu nước thương dân sâu sắc, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng - Ảnh:tuyengiao.vn

1. Về phong cách sống và làm việc mẫn cán

Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh năm 1889 tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Đông, nay thuộc thành phố Hà Nội(1). Từ một vị quan thanh liêm, chính trực, yêu nước, chăm dân, cụ đi theo cách mạng và trở thành nhà lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ với phong cách làm việc mẫn cán hướng theo phong cách Hồ Chí Minh ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Phong cách làm việc (hay phong cách công tác, gồm cả phong cách lãnh đạo, quản lý) mẫn cán là kết quả tổng hợp của phong cách sống mẫn cán. Có thể cho rằng, phong cách sống mẫn cán là phong cách của một người với cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái trí minh mẫn, cái thực hành mực thước. Phong cách này được trau dồi, hun đúc, thăng hoa tự nhiên từ chính nhân cách của họ, không cốt để cho mọi người tôn trọng, ca ngợi, chiêm ngưỡng, mà để làm việc hiệu lực, hiệu quả và sống trong sạch, chính trực. Từ đó nó “hữu xạ tự nhiên hương”, mặc nhiên lan tỏa. Phong cách sống mẫn cán là một hệ thống, một chỉnh thể, gắn bó chặt chẽ với nhau, phát triển theo logic: Từ suy nghĩ (phong cách tư duy) đến nói, viết (phong cách diễn đạt) mà rốt cuộc được thể hiện qua phong cách làm việc và phong cách ứng xử, sinh hoạt hàng ngày.

Phong cách làm việc mẫn cán là thể hiện trực tiếp, rõ nhất của phong cách sống mẫn cán. Đó là tác phong, cách thức luôn chủ động, tự giác hoàn thành tốt công việc được giao mà không cần hướng dẫn hay nhắc nhở với các phẩm chất như: Chăm chỉ, năng nổ, tháo vát, cẩn thận, chu đáo, tận tâm, tận lực, hiệu lực, hiệu quả trong công tác(2). Phong cách này không xa rời phong cách khoa học và dân chủ; từ đó có thể hướng dẫn, định hướng và phát huy được sức làm việc hăng hái của tập thể. Phong cách làm việc gắn với phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt hàng ngày.

Trước hết, phong cách tư duy là tác phong, thói quen, cách thức tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo; không lệ thuộc, phụ thuộc, bắt chước, theo đuôi, giáo điều. Phong cách tư duy mẫn cán, như của cụ Bùi Bằng Đoàn, được hình thành trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam, nhờ nắm vững thực tế của tình hình đất nước, của cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã và đang thay đổi cái cũ ở nước ta theo hướng tiến bộ. Tư duy của một vị quan chính trực, trong sạch, yêu nước, chăm dân như cụ Bùi Bằng Đoàn được hình thành trên cơ sở nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các học thuyết Nho, Phật, Lão và cả học thuyết Mác - Lênin, nhất là chịu ảnh hưởng trực tiếp của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư duy của cụ vì thế hướng tới cái mới, cái tiến bộ của đất nước, của nhân dân.

Tiếp đó là phong cách diễn đạt: được thể hiện ở sự kết hợp hài hòa giữa cái dân giã với cái bác học, cái cổ điển truyền thống với cái hiện đại, giữa phong cách phương Đông với phong cách phương Tây; và được biểu hiện nhất quán trong diễn đạt, dù viết hay nói đều chân thật, không vòng vo mà đi thẳng vào hiện tượng, sự vật. Phong cách diễn đạt mẫn cán là nói, viết đi thẳng vào sự thật, thiết thực, ngắn gọn, chắc chắn, giản dị, trong sáng, dễ hiểu, dễ làm theo.

Và phong cách ứng xử thể hiện ở tính đúng mực, hòa thuận, sâu sát với đồng nghiệp, với cấp trên, cấp dưới, với tất cả mọi người trên cơ sở có lòng tin vào con người; sẵn sàng tiếp thu ý kiến, sửa chữa khuyết điểm; không ngừng học hỏi những ý kiến hay, việc làm tốt; tôn trọng quyền làm việc tự chủ, sáng tạo của mọi người. Phong cách ứng xử mẫn cán là lối ứng xử có văn hóa, được thể hiện ở ngôn từ, cử chỉ thích hợp và đúng mực với đối tượng giao tiếp trong công việc và trong quan hệ hàng ngày. Phong cách ứng xử đó chứa đựng những giá trị nhân bản của con người như yêu thương, quý mến, trân trọng con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Khi cần hướng dẫn, nhắc nhở thì không quên chỉ vẽ tận tình; khi cần phê bình thì nghiêm khắc, nhưng phải độ lượng, khoan dung và không bao giờ bao biện, bao che, nhằm nâng con người lên chứ không hạ thấp, vùi dập con người trong công việc cũng như trong quan hệ, sinh hoạt hàng ngày. Hành vi, cử chỉ đó thể hiện thái độ bình dị, khiêm nhường không tự đặt mình cao hơn người khác. Với những kẻ chống đối hay kẻ thù của cách mạng, phong cách ứng xử của người mẫn cán là tự chủ và lịch lãm, bình tĩnh và đĩnh đạc, chủ động và tỉnh táo để vượt qua mọi cạm bẫy, đẩy lùi mọi đòn tấn công hiểm độc và mọi thủ đoạn xảo trá của đối phương.

Cuối cùng là phong cách sinh hoạt, được thể hiện ở tính giản dị, thanh liêm (trong sạch), thanh cao, chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian. Dù làm việc hay sống trong hoàn cảnh nào, phong cách sinh hoạt của người mẫn cán vẫn giữ đúng nguyên tắc là: Dựa vào khiêm tốn, giản dị để giữ chừng mực, điều độ; dựa vào việc gắn bó, hòa thuận với mọi người, với thiên nhiên để nuôi dưỡng niềm say mê với công việc; dựa vào trong sạch, thanh cao để sống vui, sống khỏe;…

Cụ Bùi Bằng Đoàn, trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội ở Chiến khu Việt Bắc, luôn sát cánh làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh “như hai người bạn tri kỷ”(3). Cụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm hóa từ phong cách làm việc đến phong cách sống nói chung. Có thể nói, phong cách làm việc mẫn cán của cụ thể hiện phong cách sống của bản thân cụ và chịu ảnh hưởng của phong cách Hồ Chí Minh.

2. Phong cách vị quan đức độ, thanh liêm, chính trực, yêu nước, chăm dân(4)

Trong thời gian làm quan, phong cách làm việc mẫn cán của cụ, trước tiên thể hiện ở tư duy đề cao tinh thần dân tộc, thương nước đang còn dưới ách nô lệ, thương người dân còn đói khổ, lầm than, gắn với tác phong, cách thức làm việc mẫn cán nhằm hoàn thành hiệu lực, hiệu quả công việc được giao. Tinh thần dân tộc, thương nước của cụ chẳng hạn thể hiện khi làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án cụ Phan Bội Châu (năm 1925). Tại đó cụ đã bênh vực lẽ phải bằng cách thông dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, biện luận đanh thép của cụ Phan để sau đó tòa án đã không khép được cụ Phan vào án chung thân mà phải giảm xuống hình thức "an trí ở Huế". Hoặc khi được mời tham dự phiên tòa xét xử đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, cụ đã tìm mọi cách để giảm tội tử hình do thực dân Pháp đã nghị án xuống thành khổ sai đày đi Côn Đảo.

Tác phong, cách thức làm việc chủ động, tự giác hoàn thành công việc đúng với yêu cầu mà không cần hướng dẫn hay nhắc nhở khi cụ đề xuất và thực hiện việc đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn, tạo lập được một vùng lúa, dâu rộng lớn lúc làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Việc xây dựng một công trình trị thủy lớn như đê Bạch Long có ý nghĩa vô cùng quan trọng về dân sinh và kinh tế nông nghiệp cho nhân dân địa phương. Nhờ đó cả một vùng đất đai rộng lớn, phì nhiêu được tạo lập; và người nông dân trồng lúa, trồng dâu ở địa phương dần dần có cuộc sống ổn định. Ghi công đức của cụ, người dân Xuân Trường đã làm lễ tế sống vị "phụ mẫu chi dân" trẻ tuổi ngay tại nơi nhậm chức.

Phong cách làm việc mẫn cán của cụ thể hiện ở sự siêng năng, tháo vát với tác phong làm việc cẩn trọng, tự giác, nhiệt thành; và dù khó khăn hay thuận lợi thì vẫn chủ động, tích cực tìm ra được phương hướng, cách thức giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu lực, hiệu quả nhằm đạt kết quả cuối cùng trọn vẹn. Thí dụ năm 1925, trước việc báo chí lên án cảnh phu đồn điền ở miền Nam bị bóc lột dã man, Chính phủ Nam triều đã cử cụ vào Nam thanh tra các đồn điền cao su của Pháp. Cụ đã tiến hành điều tra trực tiếp, thấu đáo tại 45 đơn vị đồn điền cao su tại Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Chợ Lớn và Gia Định về việc tổ chức sản xuất, sử dụng và đời sống người lao động, chủ yếu là người lao động di cư từ các tỉnh Bắc Kỳ thông qua tiền lương, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, số giờ lao động trong ngày, số tiền lãi của chủ đồn điền,.... Kết thúc điều tra, cụ đã viết báo cáo, kiến nghị dày 100 trang bằng tiếng Pháp nêu trung thực, khách quan, công minh và đầy đủ những điểm vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền. Từ đó, nhà đương cục lúc bấy giờ phải chấp nhận giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su.

Từ năm 1933, trên cương vị Thượng thư bộ Hình trong chính phủ do Phạm Quỳnh đứng đầu, cụ đã có công lớn trong việc cải cách tư pháp, sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời của hệ thống tư pháp cổ xưa trên 17 tỉnh, đạo thuộc Trung Kỳ. Đồng thời, cụ đã tấu trình và được nhà vua chấp thuận việc biên soạn, ban hành một số luật mới có nội dung tiến bộ, tổ chức các tòa án và quy định cơ chế tư pháp tân tiến, lựa chọn và đào tạo thẩm phán và đội ngũ nhân viên chuyên môn nghiệp vụ chuyên trách,... Sau này, nhiều người được tiếp tục phục vụ trong các cơ quan pháp luật của chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập chính phủ, ông đã từ chối tham gia Chính phủ này và cáo quan về quê. Tuy vậy, Chính phủ Nam triều đã giữ cụ ở lại và giao cho cụ giữ chức Chánh nhất Tòa thượng thẩm Hà Nội. Tại đây, tổ chức Việt Minh đã tiếp xúc và mời cụ làm hội trưởng Hội bảo vệ tù chính trị.

Phong cách làm việc yêu nước, chăm dân, thanh liêm, tiết tháo, công minh, chính trực, hiệu lực, hiệu quả của cụ được nhà vua quý mến, trọng dụng; các quan trong triều tôn trọng, tin tưởng; và nhân viên, các quan chức dưới quyền, nhân dân kính trọng, tin cậy. Trên công đường ở những nơi cụ làm quan, đều có treo một bảng thông báo "không nhận quà biếu". Với người nhà, cụ cấm ngặt việc nhận quà, nếu trót nhận thì phải mang trả lại.

3. Phong cách nhà lãnh đạo mẫn cán của Quốc hội và Chính phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Trong phiên họp của Chính phủ ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đề nghị cụ Bùi Bằng Đoàn là một trong 10 thành viên thuộc Ban Cố vấn của Chủ tịch. Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minhký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 80-SL cử cụ vào Ban Thanh tra đặc biệt. Ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78/SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết quốc gia trực thuộc Chính phủ, đặt dưới quyền điều khiển của Chủ tịch Chính phủ. Ủy ban gồm 40 vị nhân sĩ, trí thức, các bộ trưởng và thứ trưởng; trong đó cụ Bùi Bằng Đoàn là thành viên. Sau khi trúng cử vào Quốc hội khóa I, cụ Bùi được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cử giữ chức Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Ngày 2-3-1946, cụ được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, tham gia thành lập Hội liên hiệp quốc dân. Ngày 8-11-1946, cụ được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay cho cụ Nguyễn Văn Tố. Ngày 31-12-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 5/SL thành lập Ủy ban tản cư và di cư Trung ương, Ủy ban tản cư của các tỉnh, phủ, huyện; và ngày 22-01-1947, Chủ tịch Chính phủ ký Sắc lệnh số 8/SL cử các thành viên Ủy ban tản cư và di cư gồm 11 người, trong đó cụ Bùi Bằng Đoàn được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban(5). Trong thời gian giữ chức Trưởng Ban thường trực Quốc hội (từ tháng 11-1946 đến khi mất), cụ đã được Ban Thường trực Quốc hội ủy nhiệm làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để góp ý kiến về nhiều công tác trong giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Với nhiều cương vị, chức trách như vậy, phong cách làm việc mẫn cán của cụ trong thời gian này không xa rời phong cách khoa học và dân chủ. Tính mẫn cán của cụ, trước hết là cách thức, tác phong làm việc khoa học, khi cụ đi sâu, đi sát, điều tra, nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể và xu hướng biến đổi của tình hình chung một cách kịp thời, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm nhằm làm việc đến nơi đến chốn. Chẳng hạn, từ công tác thanh tra, cụ đã tổng kết thực tiễn để làm tiến đề đầu tiên để xây dựng tư tưởng thanh tra nhân dân sau này. Cụ đã cùng với Đoàn Thanh tra điều tra, xem xét, làm rõ, xử lý được nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, giải quyết oan sai, khuất tất của người dân một cách thấu tình, đạt lý; qua đó cán bộ và nhân dân tâm phục, khẩu phục, góp phần làm trong sạch bộ máy hành chính các cấp. Tính mẫn cán của cụ luôn gắn với tác phong, cách thức dân chủ, như trân trọng ý kiến của mọi người, không phân biệt chức vụ, cấp bậc; từ đó có thể góp phần hướng dẫn, định hướng và phát huy được sức làm việc chủ động, tích cực của tập thể; và chỉ đạo các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương trong việc lấy nguyện vọng nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ nhằm lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp thành công.

Phong cách làm việc mẫn cán của cụ, thường hợp lý, hợp tình. Cụ luôn thể hiện biết vừa đủ trong mọi trường hợp, không quá nhiệt tình, có nguy cơ dễ tạo cảm giác “lên gân lên cốt” để mong được ca ngợi. Đối với cụ, dù công việc nhỏ nhất cũng luôn tận tâm, tận lực, cúc cung tận tụy nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của công việc và luôn tự giác hoàn thành trách nhiệm được giao với sự nghiêm cẩn, nhiệt huyết từ nội tâm nhân cách chính trực, trong sạch và cả khí khái của mình(6).

Khi trên cương vị Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, mặc dù Ban chỉ có hai người (Bùi Bằng Đoàn và Cù Huy Cận), nhưng với kinh nghiệm phong phú, và với sự giúp đỡ của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ đã tham mưu kịp thời để chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động của bộ máy nhà nước, nhằm giúp giữ nghiêm kỷ cương phép nước, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ trong cơ quan chính quyền. Tiêu biểu là cụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành sắc lệnh có tác động tích cực đến đời sống xã hội, như Sắc lệnh số 40/SL về việc Bảo vệ tự do cá nhân do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 29-3-1946. Đây là sắc lệnh đầu tiên quy định cụ thể những trường hợp bắt người, giam giữ, cấm tra tấn để lấy cung, bảo vệ quyền tự do của mỗi công dân Việt Nam nhằm giúp Ban Thanh tra đặc biệt giải quyết các vụ việc oan trái được hiệu quả.

Do tình hình ngày càng cấp bách và khó khăn, để thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường trực Quốc hội, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn được yêu cầu tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, để tham gia bàn bạc góp ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn và tham gia giám sát các công việc của Chính phủ. Với tinh thần trách nhiệm cao, cụ đã tham gia đóng góp vào cải tổ nhân sự của Chính phủ (năm 1947); thực hiện những chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất;…

Mặc dù vẫn làm việc chủ yếu ở Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ nhưng cụ đã tham gia một số hoạt động đối nội khác của Chính phủ, như tham gia Ban vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên - Việt) để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường lực lượng cách mạng. Cụ đã có nhiều cuộc khảo sát đến các địa phương, gửi thư thăm hỏi đồng bào, để động viên nhân dân, huy động lực lượng, sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong đó cụ rất quan tâm, động viên cán bộ, chiến sỹ để khích lệ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của “bộ đội cụ Hồ”.

Cụ đặc biệt coi trọng việc phát huy tinh thần đoàn kết của các dân tộc. Cụ viết: “Hai mươi nhăm triệu đồng bào ta cùng chung Tổ quốc, cùng chung giang san, cùng chung vận mệnh, cuộc kháng chiến này là cốt bảo toàn vận mệnh của chúng ta, chúng ta có giữ được chủ quyền, có bảo vệ được hoàn toàn lãnh thổ của nước ta thì mới giữ được vận mệnh của dân tộc ta” (Thư gửi đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai năm 1947)(7). Nhân dịp khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I khi hòa bình được lập lại tại miền Bắc (kỳ họp thứ 4) vào tháng 3 - 1955, cụ gửi thư thiết tha kêu gọi: “Các vị đại biểu Quốc hội, các vị nhân sĩ trí thức, toàn thể quân đội và đồng bào đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, kiên quyết đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”(8).

Đồng thời, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cụ tuyên bố: “Quốc dân ta chỉ có một Chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do Quốc dân công nhận tại kỳ họp tháng 11 năm 1946”(9). Ngày 28-3-1947, cụ khẳng định rõ: “Ngài cố vấn Vĩnh Thụy được đại diện Pháp vận động đứng ra lập Chính phủ, nhưng với tôi, chỉ khi nào cụ Hồ Chí Minh yêu cầu tôi về cầm chính quyền thì tôi mới về, vì chỉ có cụ Hồ Chí Minh là tiêu biểu lòng dân Việt Nam mà thôi”(10). Lời tuyên bố và khẳng định của cụ đã góp phần làm thất bại âm mưu chia rẽ của chính quyền thực dân và mưu toan lập chính quyền bù nhìn thân Pháp cũng như làm giảm uy tín của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu.

Ngoài các hoạt động đối nội, lập pháp, cụ Bùi Bằng Đoàn còn tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại, như tham gia đàm phán với Chính phủ Pháp sau khi ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946. Cụ thường xuyên trả lời phỏng vấn báo chí, đài phát thanh trong và ngoài nước về một số vấn đề trọng đại của đất nước, về chủ quyền của Việt Nam trong thời gian trước và sau khi hai đoàn đại biểu Việt Nam và Pháp ký Hiệp ước 6-3-1946 tại Đà Lạt.

Khi bị ốm nặng và được chữa bệnh tại vùng tự do Thanh Hóa (cuối năm 1948- cuối 1954), cụ vẫn thường xuyên gửi thư góp ý với Trung ương và Chính phủ ở chiến khu Việt Bắc về những vấn đề quan trọng của đất nước; và viết bài trên báo, đài phát thanh để động viên quân và nhân dân tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Mặc dù đã được tận tình cứu chữa, nhưng do tuổi cao, sức yếu, bệnh tình ngày càng trầm trọng, cụ đã từ trần vào ngày 13 - 4 - 1955.

Tựu chung, phong cách làm việc mẫn cán của nhà chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn được hun đúc bởi truyền thống văn hóa của gia đình, quê hương, đất nước và chịu ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; được hình thành bởi sự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi liên tục không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời của cụ Bùi Bằng Đoàn. Với tinh thần "Dĩ công vi thượng”, Cụ Bùi Bằng Đoàn - một vị quan thượng thư trong bộ máy chính quyền phong kiến nhà Nguyễn - đã vượt qua những định kiến của thời cuộc và trăn trở suy nghĩ của bản thân(11) để đặt việc công và lợi ích của nước, của dân, của Đảng lên trên hết và luôn đem lòng chí công vô tư đối với người, đối với việc. Dĩ công vi thượng cũng là một trong những nội dung cốt lõi của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm hóa, chịu ảnh hưởng và học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, cụ luôn nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chí công vô tư, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Cụ đã cùng Quốc hội và Chính phủ đoàn kết toàn dân, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ đã phát huy “học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú”(12) để giúp ích cho công tác của Quốc hội, phục vụ lợi ích của nhân dân, của cách mạng. Cụ đã làm trọn trong trách của người đại biểu nhân dân đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Những cống hiến to lớn trong hoạt động thanh tra, trong cải cách tư pháp của cụ đã góp phần xây dựng ngành thanh tra, ngành tư pháp tiến bộ ở nước ta. Cụ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, và trở thành một người bạn, người cộng sự thân thiết, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ là tấm gương đạo đức cao đẹp trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và bước đầu xây dựng nền dân chủ mới. Cuộc đời, sự nghiệp của cụ Bùi Bằng Đoàn là tấm gương sáng có sức lan tỏa đến các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

_________________

(1) Cụ sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học; năm 1906 đỗ cử nhân; sau được bổ làm quan tại các tỉnh Bắc Ninh, Cao Bằng, Ninh Bình và làm đến Thượng thư bộ Hình của triều đình Huế, trong nội các của Phạm Quỳnh, tước Thái tử Thiếu bảo. Ngày 6 - 1 - 1945 cụ trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Đông, và được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cử làm thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Năm 1946, cụ được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I, được cử vào Ban Thường trực Quốc hội. Ngày 8 - 11 - 1946, được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay cho cụ Nguyễn Văn Tố. Năm 1947 - 1948, cụ hoạt động ở Việt Bắc. Tháng 8 - 1948 cụ bị bạo bệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lệnh đưa cụ về Thanh Hóa chữa bệnh. Trong thời gian chữa bệnh, cụ vẫn theo dõi tin tức và đóng góp ý kiến. Hòa bình lập lại cụ về Hà Nội dưỡng bệnh và mất năm 1955 tại đây.

(2), (6) Xem: https://jobsgo.vn/blog/man-can-la-gi/

(3) Xem: http://baohoabinh.com.vn/238/133034/cu-bui-bang-doan-la-nha-lanh-dao-man-can-cua-quoc-hoi-va-chinh-phu.htm

(4)Xem: https://binhphuoc.gov.vn/vi/news/chien-luoc-du-an-quy-hoach/cu-bui-bang-doan-tam-guong-sang-de-chung-ta-hoc-tap-noi-theo-22050.html

(5) Xem:http://baohoabinh.com.vn/238/133034/cu-bui-bang-doan-la-nha-lanh-dao-man-can-cua-quoc-hoi-va-chinh-phu.htm

(7) Văn kiện Quốc hội: Toàn tập, t.1, Công văn số 86/QH-Ban Thường trực của Trưởng Ban Thường trực Quốc hội ngày 9-4-1947 gửi các ông lãnh tụ dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.136.

(8)Dẫn Theo: https://quochoi.vn/vanphongquochoi/cocautochuc/Pages/trang-chu.aspx?ItemID=41750

(9), (12) Dẫn theo: https://quochoi.vn/vanphongquochoi/tintuc/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=719

(10) Dẫn theo: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nhan-vat-su-kien/item/3050-bui-bang-doan-tam-guong-tieu-bieu-cua-mot-chi-si-yeu-nuoc-chan-chinh.html

(11) Chủ tịch Hồ Chí Minh 2 lần mới cụ tham gia chính phủ cách mạng và đến lần thứ 3 cụ mới nhận lời. Xem: https://tienphong.vn/cu-ho-viet-gi-trong-la-thu-lan-thu-ba-gui-cu-bui-bang-doan-post1564962.tpo

Dẫn theo: https://quochoi.vn/vanphongquochoi/tintuc/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=719

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phong cách làm việc mẫn cán của cụ Bùi Bằng Đoàn
    POWERED BY