Phòng, chống tham nhũng vặt góp phần củng cố hệ thống chính trị cấp cơ sở

07/08/2023 09:53

(LLCT) - Tham nhũng vặt xảy ra phổ biến ở hầu hết quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do những đặc điểm khác với tham nhũng lớn nên ngoài những biện pháp chung, cần chú trọng những biện pháp đặc thù để phòng, chống tham nhũng vặt hiệu quả. Bài viết làm rõ tính chất đặc thù của tham nhũng vặt, đưa ra các biện pháp phòng, chống dạng tham nhũng này ở nước ta nhằm xây dựng hệ thống chính trị cấp cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Phòng, chống tham nhũng vặt góp phần củng cố hệ thống chính trị cấp cơ sở

Việt Nam tăng cường cải thiện chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân - Ảnh: thainguyen.org.vn

1. Khái niệm, đặc điểm của tham nhũng vặt

Thuật ngữ tham nhũng vặt thường dùng ở Việt Nam tương ứng với thuật ngữ “petty corruption” được sử dụng bởi nhiều tổ chức quốc tế. Ở đây, “petty corruption” có thể dịch là tham nhũng vặt hay tham nhũng nhỏ, hai cụm từ này tương đồng về ngữ nghĩa.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), tham nhũng vặt “petty corruption” được định nghĩa trong mối quan hệ so sánh với “grand corruption” (tham nhũng lớn). Cụ thể, “grand corruption” là hành vi “lạm dụng quyền lực ở cấp độ cao để làm lợi riêng cho một số ít người với chi phí của nhiều người, gây ra những tổn hại nghiêm trọng, trên diện rộng với công chúng và xã hội”(1); còn “petty corruption” là hành vi “lạm dụng quyền lực được giao của các cán bộ, công chức cấp cơ sở và cấp trung trong tương tác hằng ngày với người dân, thường khi người dân có nhu cầu tiếp cận với hàng hóa hoặc dịch vụ cơ bản như bệnh viện, trường học, cảnh sát và các cơ quan khác”(2).

Tham nhũng lớn và tham nhũng vặt khác nhau về chủ thể của hành vi, bối cảnh nảy sinh tham nhũng và thiệt hại gây ra. Về chủ thể, hành vi tham nhũng vặt thường do cán bộ, công chức cấp cơ sở và cấp trung thực hiện, trong khi hành vi tham nhũng lớn thường là do cán bộ, công chức cấp cao thực hiện. Về bối cảnh, tham nhũng vặt thường diễn ra ở cấp độ cơ sở, trong quá trình áp dụng chính sách, pháp luật; trong khi tham nhũng lớn thường diễn ra ở cấp độ cao hơn, trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật(3). Về thiệt hại, tham nhũng vặt thường thể hiện dưới dạng những khoản hối lộ có giá trị nhỏ mà người dân và doanh nghiệp phải trực tiếp trả cho cán bộ, công chức, thông thường để đẩy nhanh việc cung cấp các dịch vụ công; trong khi tham nhũng lớn thường gắn với khoản hối lộ có giá trị lớn hoặc rất lớn, thường được thực hiện một cách tinh vi, gián tiếp, liên quan đến việc xây dựng và điều hành, giám sát thực thi chính sách, pháp luật(4).

Tuy nhiên, phân tích sâu hơn có thể thấy, sự khác biệt giữa tham nhũng lớn và tham nhũng vặt còn thể hiện ở tính chất của hành vi. Cụ thể, từ góc nhìn quản trị nhà nước, tham nhũng vặt thường chỉ thể hiện qua việc cá nhân cán bộ, công chức ở cấp cơ sở cố ý lợi dụng những kẽ hở để làm trái, hay không thực hiện đúng, đầy đủ chính sách, pháp luật, qua đó thu lợi riêng, thông thường bằng cách đưa, nhận hối lộ một cách trực tiếp. Trong khi đó, tham nhũng lớn thường gắn với việc cá nhân cán bộ, công chức cấp cao cấu kết với một số doanh nghiệp để “lèo lái”, “định hướng”, “thao túng” việc hoạch định, áp dụng chính sách, pháp luật­ nhằm thu lợi riêng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, không chỉ qua việc đưa, nhận hối lộ mà còn qua những hình thức chia chác lợi ích khác. Chính vì vậy, tham nhũng lớn đôi khi còn được đồng nhất với “tham nhũng chính sách” (khái niệm thường dùng ở Việt Nam), tham nhũng chính trị (“political corruption” - khái niệm được dùng bởi một số học giả và tổ chức quốc tế(5)), hoặc với các hình thái tham nhũng nghiêm trọng như “lũng đoạn nhà nước” (state capture)(6), hoặc tư bản thân hữu (crony capitalism)(7).

Trong thực tế, có ý kiến cho rằng, không cần phân loại tham nhũng, bởi lẽ xét về bản chất, tham nhũng lớn hay tham nhũng vặt đều là sự lạm dụng quyền lực được giao để thu lợi riêng. Nói cách khác, đã là tham nhũng thì đều là hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, vì thế đều phải đấu tranh để xóa bỏ. Tuy nhiên, trong quản trị nhà nước (hay quản trị quốc gia), việc phân loại các hành vi tham nhũng là cần thiết để có thể xác định các điểm đặc thù, từ đó xây dựng những chiến lược, giải pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả với từng dạng tham nhũng. Nói cách khác, việc phân loại tham nhũng, bao gồm phân thành tham nhũng lớn, tham nhũng vặt không hàm ý có sự khác biệt về bản chất của mỗi loại tham nhũng, mà chỉ để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, khái niệm “tham nhũng vặt” không hàm ý dạng tham nhũng này kém nguy hại hơn tham nhũng lớn. Mặc dù trong thực tế, thiệt hại trong từng vụ việc tham nhũng vặt (thí dụ, các khoản hối lộ) thường nhỏ hơn nhiều so với tham nhũng lớn, song tham nhũng vặt cũng nguy hiểm không kém tham nhũng lớn vì những lý do sau:

Thứ nhất, so với tham nhũng lớn, hành vi tham nhũng vặt diễn ra thường xuyên, phổ biến và dễ thấy hơn trong xã hội, khiến cho người dân có cảm nhận tiêu cực về bộ máy công quyền, vì “nhìn đâu cũng thấy tham nhũng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng ví tham nhũng vặt “như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu”(8).

Về tính phổ biến của tham nhũng vặt, một số nghiên cứu cho biết, tham nhũng vặt ảnh hưởng đến một phần tư dân số thế giới, tức là gần hai tỷ người. Chỉ riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã có 900 triệu người thường xuyên phải trả các khoản hối lộ có tính chất tham nhũng vặt(9). Ở Việt Nam, một nghiên cứu cho thấy, 65% số người được hỏi cho biết đã từng phải hối lộ để tiếp cận dịch vụ công, trong đó, lĩnh vực giáo dục công lập là 57%, chăm sóc sức khỏe là 59%(10).

Thứ hai, tham nhũng vặt thường gắn với việc đòi hối lộ khi cung cấp những dịch vụ công thiết yếu (giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, đi lại, thủ tục hành chính...), vì thế gây tác động trực tiếp đến người dân bình thường do họ phụ thuộc vào các dịch vụ công nhiều hơn so với người giàu. Do thu nhập thấp, các khoản hối lộ mà người dân bình thường, đặc biệt là người nghèo, phải trả để tiếp cận các dịch vụ công trở thành gánh nặng lớn, tác động đến đời sống của họ nghiêm trọng hơn nhiều so với người giàu. Nói cách khác, người dân bình thường là những nạn nhân chính của nạn tham nhũng vặt. Như vậy, tham nhũng vặt đã góp phần làm cho sự bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng trầm trọng hơn, đồng nghĩa với nguy cơ bất ổn xã hội cao hơn.

Thứ ba, tham nhũng vặt làm nản lòng các nhà đầu tư, phá hoại môi trường kinh doanh và tính liêm chính của bộ máy nhà nước. Vì tham nhũng vặt gắn với việc cung cấp các dịch vụ hành chính công nên nó tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp. Mặc dù các khoản hối lộ mà doanh nghiệp phải trả để giải quyết những dịch vụ hành chính công thường không lớn, song do tính chất thường xuyên nên trở thành đáng kể. Một nghiên cứu ở châu Phi cho thấy, tham nhũng vặt có thể làm mất từ 2,5-4,5% doanh thu của các doanh nghiệp(11). Không chỉ vậy, tham nhũng vặt còn khiến các doanh nghiệp gặp những rủi ro pháp lý do phải thương thảo với các quan chức tham nhũng. Theo cách đó, tham nhũng vặt làm nản lòng các nhà đầu tư, phá hoại môi trường kinh doanh của quốc gia.

Nhìn từ một góc độ khác, tham nhũng vặt thường dẫn đến xu hướng làm gia tăng các thủ tục hành chính và làm giảm động lực giải quyết tệ quan liêu, vì đó là những yếu tố để nhũng nhiễu, bòn rút tiền hối lộ từ người dân và doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng nhất làm xói mòn niềm tin của người dân vào bộ máy nhà nước. Thí dụ, nghiên cứu ở Mêhicô cho thấy, khi tham nhũng vặt tăng lên thì niềm tin của người dân vào chính quyền giảm xuống(12); ở Xiêra Lêôn và Libêria, tình trạng tham nhũng vặt khiến người dân tránh sử dụng dịch vụ của các cơ sở y tế công dẫn đến lan truyền bệnh dịch(13).

Thứ tư, tham nhũng vặt làm giảm nguồn thu ngân sách quốc gia do việc hối lộ có thể được sử dụng cho mục đích trốn thuế. Nghiên cứu của Afrobarometer ở 31 quốc gia châu Phi cho thấy, tình trạng tham nhũng vặt xảy ra phổ biến, phá hoại niềm tin của công chúng với cơ quan thuế(14). Ở Việt Nam, mặc dù tình trạng lót tay để trốn thuế đã giảm so với trước đây, nhưng vẫn còn đến 30% doanh nghiệp cho biết vẫn trả khoản này cho cán bộ thuế(15).

2. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới phòng, chống tham nhũng vặt

Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) nêu ra một hệ thống toàn diện các chiến lược và biện pháp mà các quốc gia cần thực hiện để ngăn ngừa và xóa bỏ tình trạng tham nhũng. Về chiến lược, các quốc gia cần chú trọng việc phòng ngừa (preventive measures - chương 2) nhưng đồng thời cần chú trọng việc phát hiện, xử lý những hành vi tham nhũng (criminalization and law enforcement - chương 3). Bên cạnh đó, các quốc gia cần chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng (asset recovery - chương 5), hợp tác quốc tế (international cooperation - chương 4) bao gồm trợ giúp kỹ thuật và trao đổi thông tin với nhau (technical assistance and information exchange - chương 6).

Xét riêng về việc phòng ngừa, chương 2 UNCAC yêu cầu các quốc gia thành viên xây dựng và thực hiện các chính sách phòng, chống tham nhũng hiệu quả và đồng bộ, trong đó bao gồm những chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào lĩnh vực này; củng cố các nguyên tắc pháp quyền trong quản trị quốc gia, quản lý tốt tài sản công; kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ; bảo đảm tính liêm chính, minh bạch, trách nhiệm giải trình của bộ máy công quyền; thành lập cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng...

Các biện pháp đã nêu trong UNCAC đều có tác dụng phòng, chống mọi hình thức tham nhũng, bao gồm cả tham nhũng vặt và tham nhũng lớn. Tuy nhiên, do tính chất của mỗi dạng tham nhũng khác nhau, nên trong thực tế, có những biện pháp tỏ ra thích hợp và hiệu quả hơn với tham nhũng lớn hoặc với tham nhũng vặt.

Thực tế ở nhiều quốc gia cho thấy, các biện pháp phòng, chống tham nhũng vặt thường gắn liền với hoạt động của bộ máy nhà nước ở cấp cơ sở, chẳng hạn như: cải cách hành chính để giảm thủ tục và tệ quan liêu; cải cách tiền lương để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức; khuyến khích và tạo thuận lợi cho người dân tham gia chống tham nhũng, đặc biệt là thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin... Những biện pháp này giúp hạn chế cơ hội và giám sát, phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng vặt do cán bộ, công chức cấp cơ sở thực hiện trong quá trình áp dụng pháp luật.

Tuy nhiên, kinh nghiệm một số nước cũng cho thấy cần áp dụng đồng thời các biện pháp nêu trên. Thí dụ, Georgia đã kiềm chế, đẩy lùi nạn tham nhũng vặt bằng cách kết hợp các biện pháp cụ thể như: cải cách bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tự do hóa môi trường kinh doanh, giảm biên chế kết hợp với hoàn thiện chế độ tuyển dụng, tăng lương và giáo dục liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức(16)... Bên cạnh đó, chính quyền Georgia cũng ưu tiên giải quyết tình trạng tham nhũng trong cung cấp các dịch vụ công mà ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc sống hằng ngày của người dân nhằm tạo dựng niềm tin, qua đó khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Trong các biện pháp nêu trên, cải cách tiền lương có ý nghĩa quan trọng để khắc phục tình trạng tham nhũng vặt. Bởi vì, trong trường hợp mức lương thấp, không bảo đảm cuộc sống, cán bộ, công chức sẽ phải tìm cách kiếm thêm thu nhập và một số người sẽ chọn cách đòi hối lộ. Nói cách khác, mức lương thấp không chỉ làm suy yếu hiệu quả hoạt động của khu vực công mà còn tạo động lực cho hành vi tham nhũng vặt. Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng lương cần đi cùng với các biện pháp tăng cường kiểm soát, giám sát hoạt động và lương phải được tăng đến mức độ hợp lý thì mới có tác động giảm thiểu tham nhũng vặt. Thí dụ, một nghiên cứu ước tính rằng, “để giảm mức độ tham nhũng xuống mức của các quốc gia OECD, mức lương ở các quốc gia ngoài OECD cần phải tăng thêm bảy lần”(17).

Xét riêng về cải cách hành chính, một số nước chú trọng thiết lập cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính; chuẩn hóa, đơn giản hóa cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính; triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số(18)... Thực tế cho thấy, cơ chế một cửa giúp cung cấp hướng dẫn và giải quyết các thủ tục hành chính dễ dàng hơn, nhanh hơn và minh bạch hơn cho người dân và doanh nghiệp. Hầu hết các dịch vụ công đều có thể thực hiện qua cơ chế một cửa. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, cần đồng thời thực hiện việc chuẩn hóa định dạng và chia sẻ dữ liệu hành chính công giữa các cơ quan nhà nước nhằm khắc phục tình trạng người dân và doanh nghiệp được yêu cầu nộp cùng một loại chứng từ cho các cơ quan chức năng nhà nước khác nhau dưới các định dạng khác nhau.

Như vậy, chuyển đổi số, chính quyền điện tử và ở cấp độ cao hơn là chính quyền số không chỉ giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân mà còn triệt tiêu cơ hội đòi hối lộ của cán bộ, công chức, xuất phát từ việc hạn chế tương tác trực tiếp giữa người tiếp cận dịch vụ công và các chủ thể cung cấp dịch vụ công. Trong vài thập kỷ gần đây, sự phát triển của công nghệ thông tin tạo điều kiện về mặt kỹ thuật cho việc thực hiện những mục tiêu chuyển đổi số trong quản trị công, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số ở các quốc gia, vì vậy, việc có thực hiện được những mục tiêu đó hay không chủ yếu phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm chính trị của các nhà nước.

Công nghệ thông tin còn có thể được sử dụng để phòng, chống tham nhũng vặt theo những cách thức sáng tạo hơn, phù hợp với bối cảnh chính quyền ở cấp cơ sở. Thí dụ, công nghệ thông tin được sử dụng để công khai, minh bạch hóa tổ chức, hoạt động của chính quyền cơ sở; thiết lập các cơ chế, phương thức giám sát của công chúng với đội ngũ cán bộ, công chức. Cụ thể về sử dụng công nghệ thông tin để phòng, chống tham nhũng vặt ở cấp cơ sở trên thế giới như sau:

Thanh toán điện tử/thanh toán qua điện thoại di động: kinh nghiệm cho thấy việc sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử/thanh toán qua điện thoại di động không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực mà còn làm giảm tham nhũng vặt trong việc thu các loại phí chi trả cho một số dịch vụ công ở cấp cơ sở, như điện, nước, vệ sinh... Những hình thức thanh toán sử dụng công nghệ số này còn giúp minh bạch dữ liệu thanh toán và tiết kiệm chi phí hóa đơn và các loại giấy tờ tài chính khác.

Ứng dụng báo cáo tham nhũng: ở một số quốc gia, các ứng dụng báo cáo tham nhũng dựa trên nền tảng quần chúng (crowd-based) cho phép người dân tố cáo (công khai hoặc ẩn danh) những hành vi đưa, nhận hối lộ của cán bộ, công chức ở cấp cơ sở bằng điện thoại thông minh ngay lập tức. Thí dụ, ở Ấn Độ, ứng dụng nổi tiếng I paid a bribe(19) (Tạm dịch: Tôi phải trả tiền hối lộ) cho phép người dân báo cáo ngay khi bị một cán bộ, công chức yêu cầu trả hối lộ. Ứng dụng này rất hữu ích trong việc cảnh báo những cán bộ, công chức biến chất qua việc cung cấp bằng chứng nhanh chóng, đáng tin cậy về hành vi tham nhũng vặt của họ, vì thế đã được nhân rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ứng dụng điện thoại thông minh để phòng, chống tham nhũng vặt của cảnh sát giao thông ở Mêhicô: đây là một dạng thức cụ thể hơn của ứng dụng báo cáo tham nhũng. Ứng dụng này cung cấp hướng dẫn hành động cho các tài xế khi bị cảnh sát giao thông đòi hối lộ, trong đó bao gồm mọi thông tin cần thiết từ các luật lệ giao thông, cách tính tiền phạt vi phạm luật giao thông đến những hành vi nhũng nhiễu thường gặp ở cảnh sát. Ứng dụng cũng có kết nối nhanh đến các số điện thoại khẩn cấp để xin tư vấn hoặc để thông báo về việc cảnh sát đòi hối lộ(20).

Sử dụng công cụ trực tuyến để phê phán những kẻ tham nhũng: thực tế cho thấy việc nêu danh và lên án của công chúng cũng là một cách thức ngăn chặn tham nhũng vặt một cách hiệu quả. Theo hướng đó, chính quyền hoặc các tổ chức xã hội ở một số nước đã lập ra các trang web chứa thông tin về tình hình chống tham nhũng, trong đó cập nhật hồ sơ của những quan chức tham nhũng đã bị xử lý, để thông tin cho công chúng và để giáo dục cán bộ, công chức. Thí dụ, ở Inđônêxia, trang Korrupedia.org (Tạm dịch: Bách khoa toàn thư mở về tham nhũng) cung cấp một danh sách các quan chức tham nhũng đã bị kết án, bao gồm tên, số tiền tham nhũng và chế tài họ phải gánh chịu. Ngoài việc nêu đích danh để làm gương, cách làm này còn để ngăn ngừa khả năng các quan chức tham nhũng quay trở lại vị trí quyền lực một cách bất chính.

Ngoài ra, còn có nhiều biện pháp đơn giản khác nhưng cũng có hiệu quả thiết thực với việc phòng, chống tham nhũng vặt ở cấp cơ sở. Thí dụ, ở một số nước, công dân và các tổ chức xã hội có thể đưa ra đề xuất giảm tệ quan liêu, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để gián tiếp ngăn ngừa những hành vi tham nhũng với các cơ quan nhà nước trên các diễn đàn online. Pháp luật của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, có quy định buộc các cơ quan nhà nước phải tiến hành đánh giá tác động của các quy định pháp luật mới trước khi được thông qua, nhằm bảo đảm tính phù hợp của quy định đó, cũng như gián tiếp phòng ngừa khả năng quan chức lợi dụng quy định để nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.

3. Giải pháp phòng, chống tham nhũng vặt ở Việt Nam hiện nay

Thực tế ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, nhờ những nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước, công cuộc phòng, chống tham nhũng đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng được củng cố. Dù vậy, cần thấy rằng, thắng lợi đạt được trong thời gian qua chủ yếu là ở phòng, chống tham nhũng lớn - thể hiện qua việc phát hiện và đưa ra xét xử nhiều vụ tham nhũng của các quan chức cấp cao. Kết quả đạt được trong phòng, chống tham nhũng vặt còn rất hạn chế, tình trạng tham nhũng vặt vẫn rất phổ biến, diễn biến phức tạp, tiếp tục gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế kể trên, trong đó bao gồm: thứ nhất, về mặt chiến lược, chưa có sự phân biệt và vì thế, chưa có các biện pháp cụ thể và phù hợp để phòng, chống từng loại tham nhũng, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng vặt, dẫn đến hiệu quả hạn chế. Thứ hai, các biện pháp phòng, chống tham nhũng thường được quy định mang tính nguyên tắc, chung chung, thiếu các giải pháp cụ thể, đặc biệt là những giải pháp giúp phát huy vai trò giám sát của người dân và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giám sát, phát hiện hành vi tham nhũng vặt. Thứ ba, chưa chú ý đúng mức và chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng vặt.

Từ thực trạng nước ta và kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã làm tốt phòng, chống tham nhũng vặt, trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng vặt ở cấp cơ sở cần thực hiện tốt các nhóm biện pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cấp cơ sở, nhất là người đứng đầu phải nhận thức đúng, hiểu rõ về bản chất, sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực, nhất là những đặc điểm bản chất tham nhũng vặt để có quyết tâm và biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Cấp cơ sở là cấp cuối cùng trong hệ thống chính trị, là nơi thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào đời sống nhân dân nhanh nhất và hiệu quả nhất. Đội ngũ công chức, viên chức cấp cơ sở cũng là những người cán bộ gần nhân dân nhất. Do đó, nếu họ không am hiểu tường minh bản chất của tham nhũng vặt, không có bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ rất dễ bị cám dỗ vật chất làm cho “bị tha hóa”, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” thành những người tham nhũng và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người dân với Đảng, với chế độ và với Nhà nước.

Hiện nay, vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tham nhũng vặt với tính chất là dạng tham nhũng chủ yếu xảy ra ở cấp cơ sở, nên việc phòng, chống tham nhũng vặt cần được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Để hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng đó đòi hỏi tất cả các thành tố của hệ thống chính trị cấp cơ sở phải được huy động; đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cấp cơ sở phải thường xuyên nâng cao trình độ, nhận thức, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nêu gương, từ đó hoàn thiện bản thân, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở.

Thứ hai, cần kết hợp sử dụng các biện pháp nhằm hạn chế cơ hội tham nhũng vặt và tăng cường khả năng giám sát, phát hiện, tố cáo hành vi đòi và nhận hối lộ do cán bộ, công chức cấp cơ sở thực hiện trong quá trình áp dụng pháp luật, như: (1) Ưu tiên thực hiện các biện pháp ngăn chặn những hình thức tham nhũng vặt phổ biến nhất, ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc sống hằng ngày của người dân, gồm: giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt về cấp phép, giấy tờ chứng nhận đất đai, nhà ở, giáo dục, y tế, tham gia giao thông... từ đó tạo dựng niềm tin và huy động sự tham gia của công chúng vào các hoạt động phòng, chống tham nhũng vặt. (2) Thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào quản trị nhà nước, nhất là trong các hoạt động cải cách thủ tục hành chính ở cơ sở để giảm cơ hội nhũng nhiễu, đòi và nhận hối lộ của cán bộ, công chức biến chất, đặc biệt là việc chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử. (3) Tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở để “dưỡng liêm” kết hợp với việc thắt chặt kỷ luật, kỷ cương và cơ chế giám sát hoạt động công vụ...

Để thực hiện hiệu quả nhóm biện pháp này cần huy động sự tham gia của nhân dân, để nhân dân luôn là “ tai, mắt” cho Đảng, bằng các hoạt động cụ thể như tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, gồm: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên ở các tổ dân cư, khu phố, thôn, bản... Từ đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát, phản biện việc thực hiện nhiệm vụ chung mà cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cấp cơ sở đang thực thi, giúp cho cán bộ cơ sở phải tự soi, tự sửa, nghiêm khắc với bản thân và nghiêm túc trong công việc hơn. Để hướng tới một xã hội như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: cần tạo nên một xã hội “không muốn tham nhũng”, “không dám tham nhũng” và “không cần tham nhũng”.

Thứ ba, tiếp tục rà soát, củng cố những biện pháp phòng, chống tham nhũng đã được áp dụng, bao gồm: (1) Tiếp tục tăng cường điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng lớn (tham nhũng chính sách) để củng cố lòng tin của nhân dân, đồng thời tăng cường điều tra, xét xử các vụ tham nhũng vặt để tạo ra sự răn đe mạnh mẽ với cán bộ, công chức, viên chức ở cấp cơ sở, trên nguyên tắc đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng dưới bất kỳ hình thức và mức độ nào. (2) Tiếp tục cải cách khu vực công một cách sâu rộng, thực chất, lấy cải cách thủ tục hành chính là bước trọng tâm, đột phá; đồng thời chú trọng cải cách tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, đặc biệt là của một số cơ quan, tổ chức có rủi ro cao với tham nhũng như các cơ quan thuế, hải quan, tư pháp, thanh tra, kiểm toán, quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường... (3) Tiếp tục hoàn thiện và tăng cường thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch, tiếp cận thông tin và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền; củng cố, tăng cường sự liên kết các nguồn cơ sở dữ liệu trực tuyến về quản trị nhà nước, mở cho các chủ thể, bao gồm người dân được truy cập các cơ sở dữ liệu đó nhằm tạo điều kiện giám sát hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền và phát hiện tham nhũng vặt. (4) Hoàn thiện và thực hiện thực chất, hiệu quả các quy định pháp luật về huy động sự tham gia của nhân dân vào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó đặc biệt là các quy định về tố cáo tham nhũng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

Thứ tư, nghiên cứu áp dụng một số biện pháp mới để phòng, chống tham nhũng vặt trong hệ thống chính trị cấp cơ sở, bao gồm: (i) Áp dụng kinh nghiệm của Ấn Độ về việc thiết kế một ứng dụng báo cáo tham nhũng cho phép người dân thông báo ngay các hành vi đòi, nhận hối lộ và các hành vi tham nhũng khác một cách ẩn danh bằng điện thoại thông minh hay máy tính, với những chứng cứ hình ảnh và âm thanh thực tế. (ii) Áp dụng kinh nghiệm của Mêhicô về việc thiết kế một ứng dụng dành cho điện thoại thông minh nhằm ngăn ngừa tình trạng đòi và nhận hối lộ của cảnh sát giao thông và mở rộng ra một số chủ thể công quyền khác như cơ quan thuế, hải quan, quản lý đất đai, môi trường... (iii) Áp dụng kinh nghiệm của Inđônêxia công bố danh sách cập nhật quan chức bị kết án tham nhũng cùng thông tin chi tiết về hành vi tham nhũng trên internet (tốt nhất là của một cơ quan phòng, chống tham nhũng) để răn đe cán bộ, công chức và khích lệ nhân dân tham gia vào phòng, chống tham nhũng.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 543 (tháng 5-2023)

Ngày nhận: 12-4-2023; Ngày bình duyệt: 07-5-2023; Ngày duyệt đăng: 22-5-2023.

(1) TI: Grand Corruption, https://www.transparency.org, truy cập ngày 15-8-2022.

(2) TI: Petty Corruption, https://www.transparency.org, truy cập ngày 15-8-2022.

(3), (4) Vũ Công Giao: Tham nhũng vặt và phòng, chống tham nhũng vặt, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (414), tháng 7-2020.

(5) Inge Amundsen: Political corruption, U4 ISSUE 6:2006, https://www.u4.no/publications/political-corruption.pdf, truy cập ngày 15-8-2022.

(6) Hellman, Joel S.; Jones, Geraint; Kaufmann, Daniel.: “Seize the State, Seize the Day” : State Capture, Corruption, and Influence in Transition, Policy Research Working Paper No. 2444. World Bank, Washington, DC; xem Vũ Công Giao, Nguyễn Thị Kiều Viễn: Nhận diện và biện pháp phòng, chống lũng đoạn nhà nước, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 22 (398), tháng 11-2019.

(7) World Bank: Crony capitalism in Ukraine: impact on economic outcomes, Washington, D.C. http://documents.worldbank.org, truy cập ngày 15-8-2022.

(8) Tổng Bí thư: Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi rất khó chịu, https://dantri.com.vn/, truy cập ngày 20-8-2022.

(9), (10) Báo cáo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) của TI về Việt Nam năm 2017, https://towardstransparency.org, truy cập ngày 15-8-2022.

(11) Clarke G.: How petty is petty corruption? evidence from firm survey in Africa, https://mpra.ub.uni-muenchen.de/15073/, truy cập ngày 20-8-2022.

(12) Morris và Klesner: Corruption and trust: theoretical considerations and evidence from Mexico, https://www.vanderbilt.edu/, truy cập ngày 20-8-2022.

(13) Mackey T. K., Kohler J.C.; Savedoff W.D. Vogl F., Lewis M., Michaud J. , Vian T.: The disease of corruption: views on how to fight corruption to advance 21st century global health goals, https://www.ncbi.nlm.nih.gov, truy cập ngày 20-8-2022.

(14) Jahnke: How does petty corruption affect tax morale in Sub-Saharan Africa? An empirical analysis, https://ideas.repec.org, truy cập ngày 20-8-2022.

(15) VCCI: Tham nhũng vặt vẫn ‘làm khó’ doanh nghiệp, tại https://vnexpress.net, truy cập ngày 20-8-2022.

(16) World Bank: Fighting corruption in public services: chronicling Georgia’s reforms, https://documents.worldbank.org, truy cập ngày 20-8-2022.

(17) Kweon Y. An W.: Do higher government wages induce less corruption? Cross-country panel evidence. https://www.sciencedirect.com, truy cập ngày 20-8-2022.

(18) Martini M.: Best practices in reducing red tape and corruption. https://www.transparency.org, truy cập ngày 20-8-2022.

(19) https://www.ipaidabribe.com/#gsc.tab=0, truy cập ngày 20-8-2022.

(20) Chene M.: What can donors do to fight petty corruption in recipient countries?, https://knowledgehub.transparency.org, truy cập ngày 20-8-2022.

TS CẦM THỊ LAI

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PGS, TS VŨ CÔNG GIAO

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống tham nhũng vặt góp phần củng cố hệ thống chính trị cấp cơ sở
    POWERED BY