Phương thức Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết - Thực trạng và giải pháp

09/08/2022 16:11

(LLCT) - Đảng Cộng sản Việt Nam xác định 5 phương thức lãnh đạo, đã được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện trong những nhiệm kỳ vừa qua. Bài viết làm rõ thực trạng và đề xuất một số giải pháp tiếp tục đổi mới phương thức Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết, lãnh đạo để Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật.

Phương thức Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết - Thực trạng và giải pháp

Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết - Ảnh: dangcongsan.vn

Phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng bao gồm tổng thể những hình thức, phương pháp Đảng sử dụng để thực hiện quyền điều khiển Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội nhằm thực hiện nội dung cầm quyền. Các đảng cộng sản cầm quyền nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, sau khi giành được chính quyền, trở thành đảng cầm quyền đã lãnh đạo thiết lập bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị, các thiết chế xã hội để thực hiện đường lối của Đảng, đồng thời, Đảng bố trí đảng viên tham gia, nắm giữ những vị trí then chốt của Nhà nước, hệ thống chính trị... Trong đó, một trong những phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là bằng Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết, lãnh đạo để Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật.

Nghị quyết của Đảng được ban hành, các cơ quan nhà nước xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện nghị quyết. Đảng xác định đường lối, chủ trương, chiến lược lãnh đạo,cầm quyền, để Nhà nước cụ thể hóa thành Hiến pháp, pháp luật.

Pháp luật là kết quả của sự thể chế hóa Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chiến lược cán bộ, chiến lược phát triển nguồn nhân lực…. Pháp luật thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với hiện thực khách quan, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Đảng kiểm tra, giám sát các cơ quan nhà nước thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm vị trí tối thượng của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội.

Phương thức cầm quyền này đòi hỏi Đảng phải chăm lo xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực sự là cơ quan quyền lực của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết lãnh đạo của Đảng định hướng cho Nhà nước và toàn xã hội. Đảng tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước trong quản lý xã hội bằng pháp luật. Đảng định hướng, chỉ đạo Nhà nước xây dựng Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm cho Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được quán triệt và tổ chức thực hiện bằng pháp luật.

Chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền bằng Hiến pháp và pháp luật là dấu hiệu cơ bản khẳng định năng lực cầm quyền của Đảng trên thực tế. Vì vậy, cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu chấp hành pháp luật, không phải Đảng dùng quyền lực của mình để thay thế chính quyền, thay thế pháp luật. Đây chính là khâu then chốt trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Đảng cầm quyền bằng pháp luật và tuân theo pháp luật, bằng kỷ luật của Đảng nhằm ngăn chặn sự tha hóa quyền lực, bảo đảm cho quyền lực của nhân dân không bị biến thành quyền lực riêng của cá nhân hoặc một nhóm người có đặc quyền, đặc lợi.

1. Thực trạng phương thức Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết, lãnh đạo để Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật 

Những ưu điểm 

Một là, Đảng đã chủ động đề ra Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết lãnh đạo, cầm quyền đúng đắn, phù hợp để lãnh đạo đất nước và lãnh đạo các lĩnh vực cụ thể như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc các nhiệm kỳ và các nghị quyết chuyên đề cho từng mặt công tác.

Đồng thời, Đảng xác lập thể chế chính trị, cơ chế vận hành; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được quy luật khách quan, trong đó có việc xây dựng và tổ chức thực hiện Hiến pháp và pháp luật, pháp lệnh để tạo cơ sở pháp lý cho Đảng lãnh đạo, cầm quyền; xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hai là, sau hơn 35 năm đổi mới, năng lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước về thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết của Đảng ngày một nâng lên, giữ vững được kỷ luật, kỷ cương, đồng thời khắc phục dần những hạn chế, yếu kém. Hệ thống pháp luật được xây dựng và hoàn thiện theo hướng thống nhất, đồng bộ, hiện đại, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.

Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội”(1).

Thi hành Hiến pháp năm 2013, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành hơn 70 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng của hệ thống pháp luật, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Báo chí năm 2016, Luật Trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Chống tham nhũng năm 2018, Luật Thi hành án hình sự năm 2019(2)

Hoạt động của Quốc hội trong việc thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề lớn và quan trọng của đất nước đã có nhiều đổi mới, thực hiện đúng với chức năng, nhiệm vụ, chất lượng, hiệu quả được nâng lên; hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước địa phương.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, tập trung chỉ đạo xây dựng các thể chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý; chú trọng thường xuyên việc xây dựng các dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội và ban hành kịp thời các nghị định, hướng dẫn để thi hành luật, pháp lệnh. “Tổng số văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ đã ban hành từ năm 2012 đến nay là hơn 8.600 văn bản”(3).

Thực hiện “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước”, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có những mô hình hay, sáng kiến mới được nghiên cứu và áp dụng có hiệu quả tốt. “Từ năm 2015 đến nay, các bộ, ngành đã có khoảng 461 mô hình, sáng kiến cải cách hành chính; các tỉnh có khoảng 6.124 mô hình, sáng kiến cải cách hành chính, trung bình mỗi năm, mỗi tỉnh có hơn 16 mô hình, sáng kiến”(4).

Ba là, Đảng lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới. Đảng chủ trương, có những quyết định trong việc xây dựng mô hình, tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức quyền lực nhà nước, nhất là phân công, phân cấp và phối hợp quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương với chính quyền địa phương.

Đảng xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương. Chủ trương sáp nhập hoặc chia tách các đơn vị hành chính trong cả nước, các cơ quan bộ, ngành Trung ương, địa phương, phù hợp với sự phát triển và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trên cơ sở Hiến pháp quy định, Đảng xác định các nguyên tắc cơ bản định hướng xây dựng cơ cấu bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, là cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước đủ năng lực thực hiện quyền lực mà nhân dân ủy quyền. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thiết lập bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả để thực sự có quyền lực và thực thi được quyền lực.

Đảng xác định rõ các mối quan hệ làm việc giữa Ban Chấp hành Trung ương với Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; xây dựng quy chế hoạt động giữa các bên bảo đảm đủ năng lực chỉ đạo định hướng chính sách; thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối đầy đủ, kịp thời, đúng đắn, đồng thời cải tiến, khắc phục tình trạng Đảng buông lỏng vai trò lãnh đạo hoặc bao biện, lấn sân, làm thay công việc của Nhà nước.

Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý công tác cán bộ từ Trung ương đến cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu. Đồng thời, Đảng giới thiệu đảng viên ưu tú của Đảng để bầu vào các cơ quan trong bộ máy nhà nước; kiểm tra, giám sát, kiểm soát đảng viên thực hiện đúng Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Sau hơn 35 năm đổi mới, bộ máy nhà nước đã được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và đổi mới, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đại hội XIII đã đánh giá: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”(5). Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã giảm được nhiều đầu mối bên trong và tinh giản đáng kể biên chế của các cơ quan nhà nước.

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, thực hiện vai trò của một đảng lãnh đạo, cầm quyền, Đảng đã thường xuyên tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân tộc, đề ra Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, đặc biệt coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Những hạn chế

Một là, việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số chủ trương, nghị quyết của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa được bao quát đầy đủ, đôi khi chưa kịp thời; có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng: “hiện nay, qua rà soát còn 29 nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước với quy định của Đảng về tổ chức, cán bộ”(6).

Hai là, việc “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”(7). Vấn đề đổi mới đồng bộ và,phù hợp giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của mô hình tổ chức, bộ máy và cơ chế hoạt động của các cơ quan nhà nước có một số mặt còn hạn chế, lúng túng. Việc hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tiễn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn chậm, một số nơi thiếu kiên quyết, chưa đạt được mục tiêu đề ra, cá biệt có nơi còn nóng vội, chủ quan, chưa có lộ trình vững chắc.

Xây dựng vị trí, việc làm gắn với việc nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước còn lúng túng, chậm so với mục tiêu đề ra.

Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương một số nơi chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả, hoạt động còn hạn chế.

Ba là, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chưa hoàn thiện, vai trò giám sát của nhân dân chưa được thường xuyên quan tâm và phát huy mạnh mẽ. Đấu tranh phòng,chống tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước còn nhiều phức tạp.Trong giai đoạn 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 131 nghìn đảng viên, riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó trên 3.200 đảng viên liên quan đến tham nhũng.Năm2021, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng và 16.794 đảng viên; Ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 194 tổ chức đảng và 3.465 đảng viên(8).

Bốn là, hệ thống pháp luật còn một số vấn đề bất cập, chưa đủ tính răn đe;.một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứngđòi hỏi,yêu cầu thực tiễnđang đặt ra; việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm,.công cuộccải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển của đất nước. Qua kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật từ năm 2011đến tháng 5-2020, cho thấy: “Trong số 61.447 văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, còn 1.669 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật (chiếm 1,67%); kiểm tra 819.646 văn bản quy phạm pháp luật của các tỉnh, còn 7.841 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật (0,96%)”(9).

Năm là, trong những năm đổi mới, “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện một số nghị quyết còn chậm, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng chưa nghiêm, thậm chí vi phạm”(10).

Nguyên nhân

- Nguyên nhân của những ưu điểm 

Một là, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, thực hiện vai trò của một đảng lãnh đạo, cầm quyền, Đảng đã thường xuyên tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân tộc, đề ra Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, đặc biệt coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Hai là, Nhà nước đã chủ động thể chế hóa Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết của Đảng thành pháp luật để quản lý nhà nước và xã hội.

Ba là, công tác tổ chức, cán bộ được Đảng ta coi trọng và có nhiều đổi mới. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả.

Bốn là, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, của kinh tế tri thức, của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều thành tựu và điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới và phát triển của đất nước.

* Nguyên nhân của hạn chế

Một là, vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước hay tình trạng Đảng lấn sân hoặc bao biện làm thay công việc Nhà nước.

Hai là, việc Nhà nước thể chế hóa Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết, của Đảng thành Hiến pháp và pháp luật có lúc chưa đầy đủ, chưa kịp thời, nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn có một số quy định chưa phù hợp, tính khả thi thấp, hoặc còn có "lỗ hổng", nhưng chưa được sửa đổi bổ sung, hoàn thiện kịp thời để làm cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống tham nhũng.

Ba là, công tác cán bộ còn một số hạn chế, khuyết điểm. Việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ, chưa quan tâm chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự phù hợp để trọng dụng những cán bộ có đức, có tài; chưa kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực hạn chế, yếu kém. Chưa mạnh dạn sử dụng cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở một số cơ quan, tổ chức, địa phương chưa thường xuyên; còn tình trạng thiếu quyết liệt, trên nóng dưới lạnh trong đấu tranh với những vi phạm, trong đó có vi phạm kéo dài còn nể nang, né tránh, thiếu nghiêm túc. Vai trò giám sát và phản biện của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa được phát huy hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

2. Những giải pháp chủ yếu tiếp tục đổi mới phương thức Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết, lãnh đạo để Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật trong thời gian tới

Một là, Đảng cần đề ra Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Thực tiễn chứng minh rằng: Sự thành công của cách mạng luôn bắt nguồn từ việc Đảng đề ra Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết đúng đắn, phù hợp và lãnh đạo tổ chức thực hiện kiên quyết, kịp thời, sáng tạo. Sai lầm về đường lối là nguy cơ rất gần dẫn đến đánh mất niềm tin của nhân dân với Đảng, từ đó đánh mất vị trí cầm quyền của Đảng. Đường lối, chủ trương đúng đắn khi phản ánh đúng quy luật khách quan, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp nguyện vọng của nhân dân. Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng đúng đắn là phải xác định được mục tiêu, phương hướng và giải pháp cơ bản phát triển đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại cho dài hạn, trung hạn, ngắn hạn…

Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết của Đảng phải được cụ thể hóa thành Hiến pháp, pháp luật để tổ chức thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng thông qua hoạt động của Nhà nước, vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc nghiên cứu nắm vững giải pháp tổ chức thực hiện trong phạm vi cả nước hay từng địa phương nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đảng đề ra. Chính vì vậy, đối với bất cứ một đảng cầm quyền nào, việc nghiên cứu, đánh giá đúng và tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận để xây dựng Cương lĩnh, chiến lược và giải pháp phù hợp cho sự phát triển của đất nước là việc làm vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định củng cố vị trí cầm quyền và khẳng định năng lực cầm quyền của Đảng.

Hai là, việc thể chế hóa Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết của Đảng thành pháp luật của Nhà nước phải kịp thời, đúng đắn. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo việc thể chế hóa Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết của Đảng thành các văn bản pháp luật của Nhà nước để thực hiện.

Ba là, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan; khắc phục triệt để tình trạng trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi có sai sót. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, rõ ràng, minh bạch cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội phù hợp yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn, có hiệu quả hơn trong việc xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và của ngành, lĩnh vực.

Hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục được đổi mới theo hướng kiến tạo, tập trung vào điều hành vĩ mô, tháo gỡ những vướng mắc, rào cản, hỗ trợ tối đa cho phát triển.

Tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp cần tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và quyền con người, quyền công dân. Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, uy tín và chất lượng.

Bốn là, Đảng đề ra đường lối, chủ trương về xây dựng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và trực tiếp lãnh đạo thể chế hóa đường lối, chủ trương trong thực tiễn. Theo đó, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đổi mới; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; những chuyên gia, nhà khoa học nhằm huy động sự tham gia của họ vào hoạt động xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong thực tiễn. Chuẩn hóa và siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, cơ sở pháp lý, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, vì lợi ích chung. Phân công, phân cấp, gắn với giao quyền và ràng buộc trách nhiệm cá nhân; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh những sai phạm xảy ra.

Năm là, tăng cường công tác vận động nhân dân thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Sáu là, tiếp tục tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ từng giai đoạn cách mạng trên tất cả các lĩnh vực.

__________________

Ngày nhận bài: 26-7-2022; Ngày bình duyệt: 5-8-2022; Ngày duyệt đăng: 9-8-2022.

(1), (5), (7), (10)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 71-72, 71, 89, 90.

(2), (3), (4), (9) Báo cáo Tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 196.

(8) Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

TS NGUYỄN THỊ TỐ UYÊN

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phương thức Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết - Thực trạng và giải pháp
    POWERED BY