(LLCT) - Đảng Cộng sản Việt Nam xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bài viết khái quá trình đổi mới tư duy và nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm rõ những bước tiến về mặt nhận thức của Đảng về tính tất yếu khách quan, nội hàm, đặc trưng và các mối quan hệ phổ biến trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
NCS NGUYỄN THỊ NGỌC LAN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS TRẦN THỊ NGỌC THÚY
Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp
Kinh tế thị trường là phương thức, điều kiện tất yếu để xây dựng CNXH ở nước ta _ Ảnh: tuyengiao.vn
1. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò và tính tất yếu phát triển sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường
Trong 10 năm đầu xây dựng CNXH (1975-1985) trên cả nước, với mong muốn xóa bỏ mọi mầm mống của chủ nghĩa tư bản một cách nhanh chóng, Đảng ta đã phủ nhận sự tồn tại tất yếu của sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường, bởi cho rằng đó là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản. Bên cạnh đó, những thành tựu to lớn mà miền Bắc đã đạt được trong giai đoạn 1954-1975 khi áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, dẫn đến cho rằng có thể áp dụng mô hình xây dựng CNXH ở miền Bắc trong thời chiến vào miền Nam khi đất nước thống nhất.
Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy việc áp dụng mô hình kinh tế XHCN với hai thành phần chủ yếu là kinh tế quốc doanh và hợp tác xã, thực hiện kế hoạch hóa tập trung, bao cấp trong bối cảnh lực lượng sản xuất còn ở trình độ thấp đã khiến cho nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, sản xuất sa sút, lưu thông ách tắc, đời sống nhân dân khó khăn vào cuối những năm 1970. `Trong giai đoạn 1976-1980, tốc độ tăng GDP trung bình hằng năm chỉ đạt 1,4%; cả sản xuất công nghiệp và nông nghiệp bị ngưng trệ. Sản lượng lúa năm 1980 chỉ đạt 11,647 triệu tấn (chỉ tiêu là 21 triệu tấn), thấp hơn mức năm 1976, nước ta phải nhập 1,57 triệu tấn lương thực(1)...
Trong bối cảnh đó, với mong muốn đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những bước đột phá trong nhận thức.
Bước đột phá thứ nhất là tại Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 8-1979) với quan điểm “làm cho sản xuất bung ra”, Đảng ta đã thay đổi chủ trương, chính sách trên lĩnh vực kinh tế nhằm khắc phục những khiếm khuyết trong quản lý kinh tế. Theo đó, xóa bỏ những rào cản, tạo động lực để cho lực lượng sản xuất phát triển, chú ý kết hợp các lợi ích, trong đó có lợi ích thiết thân của người lao động...
Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 6-1985) đánh dấu bước đột phá thứ hai, với việc thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa. Đảng ta chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế một giá; xóa bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá thấp, chuyển mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh sang hạch toán kinh doanh XHCN, chuyển ngân hàng sang hoạt động theo nguyên tắc kinh doanh.
Bước đột phá thứ ba được đánh dấu bằng Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng (tháng 8-1986) và Hội nghị Trung ương 11 khóa V (cuối năm 1986), Đảng ta đã hình thành và khẳng định ba quan điểm kinh tế cơ bản. Một là, xác định lại thứ tự ưu tiên trong phát triển kinh tế, lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu; Hai là, xác định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ; Ba là, trong khi lấy kế hoạch làm trung tâm, phải đồng thời sử dụng đúng đắn các quan hệ hàng hóa tiền tệ, dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp; chính sách giá phải theo quy luật giá trị, tiến tới thực hiện cơ chế một giá.
Tại Đại hội VI, Đảng ta xác định kinh tế thị trường là thành tựu của văn minh nhân loại mà chúng ta cần sử dụng. Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (tháng 3-1989) đã phát triển thêm một bước khi đưa ra quan điểm phát triển kinh tế hàng hóa có kế hoạch gồm nhiều thành phần.
Đại hội VII (tháng 6-1991) khẳng định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”(2).
Tại Đại hội VIII (tháng 6-1996), Đảng ta đã đưa ra một kết luận mới rất quan trọng, đó là sản xuất hàng hóa không đối lập với CNXH mà là thành tựu phát triển của văn minh nhân loại, tồn tại khách quan cần thiết cho công cuộc xây dựng CNXH và cả khi CNXH đã được xây dựng. Tại thời kỳ này, Đảng ta mới bàn đến kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường, chưa dùng khái niệm kinh tế thị trường.
Như vậy, từ chỗ đồng nhất sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản và cự tuyệt nó một cách cực đoan, Đảng ta đã thay đổi nhận thức, khẳng định kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại và Việt Nam tất yếu phải sử dụng nó như một phương tiện chính yếu để phát triển theo con đường XHCN. Chính sự đòi hỏi cấp bách của thực tiễn và những bước đột phá về tư duy đã tạo nên nhận thức mới về quy luật phát triển trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, tạo ra bước đột phá lớn và toàn diện, đưa đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới, chuyển từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN.
2. Làm rõ nội hàm, bản chất, đặc trưng của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Giai đoạn tiếp theo trong đổi mới nhận thức của Đảng ta bắt đầu từ khi đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN và làm rõ nội hàm, bản chất, đặc trưng của mô hình kinh tế này qua các kỳ Đại hội của Đảng.
Đại hội IX (tháng 4-2001), Đảng ta chính thức đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN, đó là nền “kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(3). Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vừa mang những đặc trưng chung của kinh tế thị trường vừa mang tính đặc thù của định hướng XHCN. Việc định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường không phủ nhận các quy luật kinh tế thị trường, mà là cơ sở để xác định sự khác nhau giữa kinh tế thị trường ở nước ta với các nước khác. Đây là bước chuyển nhận thức quan trọng từ “nền kinh tế hàng hóa” sang “nền kinh tế thị trường”, từ nhận thức thị trường như một công cụ, một cơ chế quản lý kinh tế sang nhận thức thị trường là một chỉnh thể, là cơ sở kinh tế của xã hội trong giai đoạn tiến lên CNXH.
Việc khẳng định mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN làm cho việc xác định mối quan hệ giữa 2 phạm trù “kinh tế thị trường” và “định hướng XHCN” trở thành một nội dung cốt lõi trong đổi mới nhận thức ở nước ta hơn 35 năm đổi mới.
Đại hội IX của Đảng chỉ rõ:“Mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp trên cả ba mặt sở hữu, quản lý và phân phối”(4); “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc”(5).
Việc khẳng định mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN làm cho việc xác định mối quan hệ giữa 2 phạm trù “kinh tế thị trường” và “định hướng XHCN” trở thành một nội dung cốt lõi trong đổi mới nhận thức ở nước ta hơn 35 năm đổi mới.
Đại hội xác định, Nhà nước quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN “bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, sử dụng cơ chế thị trường, áp dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý của kinh tế thị trường để kích thích sản xuất, giải phóng sức sản xuất, phát huy mặt tích cực, hạn chế và khắc phục mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, của toàn thể nhân dân”(6). “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội. Tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển”(7)
Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã làm sáng tỏ hơn mô hình, bản chất, đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta có bốn đặc thù. Thứ nhất, về mục tiêu tổng quát, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN để hướng tới “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân thông qua giải phóng và phát triển sức sản xuất; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước khá giả hơn. Thứ hai, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tồn tại đa dạng các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Thứ ba, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục..., giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội. Thứ tư, phát huy quyền làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta tiếp tục bổ sung: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội”(8). Quy luật thị trường và tính định hướng XHCN là hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau, khiến cho mô hình kinh tế của nước tavừa khắc phục được những hạn chế và tiêu cực của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, vừa kế thừa và phát huy được các yếu tố tích cực và hợp lý của nó. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ chế thị trường được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu của CNXH là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đại hội XII (năm 2016) tiếp tục thống nhất nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(9).
Điểm mới là, tại Đại hội XI Đảng ta vẫn xác định nền kinh tế thị trường ở nước ta là một “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần...” thì Đại hội XII đã khẳng định, đó là một nền “kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế” - một trình độ phát triển cao hơn của kinh tế hàng hóa. Trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, tính định hướng XHCN không nằm ngoài mà là yếu tố“nội sinh” trong quá trình phát triển kinh tế, thể hiện ở những điểm chủ yếu như sau:
Một là, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”(10).Trong điều kiện trình độ phát triển của lực lượng sản xuất còn chưa đồng đều thì quan hệ sản xuất, đặc biệt là quan hệ sở hữu còn đa dạng, với “nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”(11) và “các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”(12).
Hai là, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, trong đó thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất. Bên cạnh đó, các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nhằm bảo đảm tính định hướng XHCN nhưng vẫn phải phù hợp với cơ chế thị trường.
Ba là, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường được xác định qua ba chức năng chính: (i) Nhà nước định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; (ii) Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế thông qua các công cụ, chính sách và các nguồn lực của mình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; (iii) Nhà nước bảo đảm sự hài hòa và gắn bó hữu cơ giữa tăng trưởng và tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển, từng chính sách, từng kế hoạch, chiến lược phát triển của đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN có vai trò quan trọng trong bảo đảm tính định hướng XHCN của mô hình kinh tế thị trường ở nước ta.
Bốn là, bên cạnh vai trò của Nhà nước, thị trường thì vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội được phát huy. Quan điểm tại Đại hội XII là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế là phù hợp với quy luật của thời đại. Một đặc điểm nổi bật của thời đại ngày nay là sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất ở một trình độ rất cao. Trong mô hình kinh tế thị trường hiện đại, do lực lượng sản xuất phát triển với trình độ xã hội hóa cao, phân công lao động và chuyên môn hóa sâu đã tạo điều kiện cho thị trường phát triển ở phạm vi quốc tế. Cùng với quá trình toàn cầu hóa, quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu, rộng. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu khách quan đối với các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập quốc tế đòi hỏi phải tuân thủ luật chơi, cách chơi của quốc tế để cùng tham gia phát triển; cần tuân thủ các cam kết quốc tế đã ký, hài hòa hệ thống pháp luật với pháp luật quốc tế và đặc biệt là nỗ lực cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế để được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03-6-2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã khái quát, làm rõ nội hàm tính hiện đại và hội nhập quốc tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam. Theo đó, “Tính hiện đại và hội nhập quốc tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thể hiện ở chỗ kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn hơn 30 năm đổi mới; có hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và các yếu tố thị trường, các loại thị trường đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới; vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường được xác định và thực hiện phù hợp với thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế phổ biến”(13).
Đến Đại hội XIII (năm 2021), nội hàm của kinh tế thị trường định hướng XHCN và vai trò của các thành phần kinh tế được làm rõ như sau: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(14).
Như vậy, trong quá trình đổi mới, từ thực tiễn, Đảng nhận thức rõ hơn, kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường là phương thức, điều kiện tất yếu để xây dựng CNXH; từ chỗ áp dụng cơ chế thị trường đến phát triển kinh tế thị trường, đưa ra quan niệm và từng bước cụ thể hóa mô hình, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình thống nhất giữa tính kinh tế thị trường và tính định hướng XHCN, là hai mặt mang tính bản chất, là yếu tố nội tại bền vững trong mô hình kinh tế tổng quát ở nước ta. Tính định hướng XHCN phải được quán triệt khi vận hành các nguyên tắc của thị trường, ngược lại, việc thực hiện định hướng XHCN không được tách rời với các quy luật của thị trường. Giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường là thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Một sự phát triển nhận thức quan trọng của Đảng về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam trong những kỳ Đại hội gần đây là nhận thức vềmối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Từ chỗ phủ nhận thị trường, lấy kế hoạch của Nhà nước làm công cụ bao trùm, Đảng ta đã thừa nhận vai trò khách quan của thị trường; khẳng định Nhà nước phải tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường, phối hợp cùng thị trường để vận hành, điều hành nền kinh tế. Vai trò của thị trường trong phân bổ các nguồn lực phát triển ngày càng được bảo đảm. Tính hai mặt của cơ chế thị trường được nhìn nhận theo hướng ngày càng khách quan và cân bằng hơn. Từ đó, nhận thức ngày càng rõ phương thức ứng xử có tính nguyên tắc trong mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp với thị trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động quản lý của Nhà nước đều phải bám sát vào những tín hiệu của thị trường để đưa ra phương án sản xuất, kinh doanh đúng đắn cũng như chính sách vĩ mô hiệu quả, bảo đảm các cân đối lớn, tổng thể của nền kinh tế như tổng cung - tổng cầu, sản xuất - tiêu dùng, hàng hóa - tiền tệ, xuất khẩu - nhập khẩu…
Từ chỗ chưa có sự tách bạch giữa vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ thể tham gia vào các hoạt động kinh tế và chủ thể quản lý kinh tế, càng ngày, nhận thức về vai trò của Nhà nước càng trở nên sáng rõ.
Với tư cách là chủ thể sở hữu tư liệu sản xuất, tham gia vào quá trình sản xuất (đặc biệt là cung cấp các hàng hóa và dịch vụ công) và chủ thể tiêu dùng (mua sắm chính phủ...), người mua và bán các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, thành phần kinh tế nhà nước hoạt động phải tuân thủ đúng theo quy luật thị trường, được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Với tư cách là chủ thể quản lý nền kinh tế, Nhà nước phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các chức năng tạo lập môi trường, định hướng, kiểm soát, điều tiết nền kinh tế bằng các bộ công cụ, cơ chế kinh tế và phi kinh tế. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong quá trình quản lý, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, trước hết bảo đảm môi trường để “doanh nghiệp nhà nước kinh doanh tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hợp tác và cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo pháp luật”(15).
Sự đổi mới quan trọng ở đây là “tách bạch vai trò của Nhà nước với tư cách là bộ máy công quyền quản lý toàn bộ nền kinh tế - xã hội với vai trò chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước ở doanh nghiệp nhà nước; tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; thu hẹp và tiến tới xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ, ủy ban nhân dân đối với tài sản, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có tài sản, vốn nhà nước”(16).
Đại hội XII của Đảng xác định mục tiêu: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng: doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư”(17).
Nhìn chung, nhận thức của Đảng ta hiện nay về quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - doanh nghiệp, về sự tồn tại của quyền lực thị trường bên cạnh quyền lực nhà nước và về sự phân định ranh giới, không gian tồn tại của hai loại quyền lực này đã tiến gần đến nhận thức chung của thế giới.
Từ Đại hội XII bổ sung thêm một cấu phần, nhân tố “xã hội” trong mối quan hệ Nhà nước - thị trường và làm rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã nêu rõ: “Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng”(18).
Đại hội XIII xác định rõ vai trò của Nhà nước, thị trường và xã hội, trong đó “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế...; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động... Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường. Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những những doanh nghiệp yếu kém. Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật”(19).
3. Kết luận
Như vậy, quá trình hình thành và phát triển nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là quá trình nhận thức về tính tất yếu khách quan của sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường cũng như vai trò của nó trong quá trình xây dựng những tiền đề vật chất của CNXH. Nhận thức về nội hàm, đặc trưng của một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, mang những nguyên tắc và bản chất của CNXH; nhận thức về những bộ phận cấu thành, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa các yếu tố ngày càng sáng rõ, định hình mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN - mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH, góp phần làm cho nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng rõ nét hơn. Đây là thành tựu của quá trình Đảng ta vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của nước ta thời kỳ đổi mới; là kết quả của quá trình gắn lý luận với thực tiễn, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, trên cơ sở nhận thức ngày càng đầy đủ về bối cảnh trong nước và quốc tế.
_________________
(1) Chu Văn Cấp: Thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, https://tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/41937/thong-nhat-nhan-thuc-ve-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam.aspx, ngày 11-11-2016.
(2), (3), (4), (5), (6), (7)ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ Đổi mới, phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 307, 864, 910, 910-911, 911, 911.
(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ Đổi mới, phần II (Đại hội X, XI, XII), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 413, 204-205.
(9), (10), (11), (12), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 102, 102-103, 103, 103, 106.
(13) ĐCSVN: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3-6-2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.
(14), (19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.128-129, 130-132.
(15) ĐCSVN:Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.
(16) ĐCSVN: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30-01-2008 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-x/nghi-quyet-so-21-nqtw-ngay-30012008-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-x-ve-tiep-tuc-hoan-thien-the-610.
(18) ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nghi-quyet-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-xii-ve-hoan-thien-the-che-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-440462.html, ngày 04-6-2017.