TS PHAN THỊ THU HIỀN
Trường Đại học Ngoại Thương
ThS NGUYỄN THỊ THÚY THẢO
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Bài viết phân tích cách tiếp cận mới về năng suất và chất lượng, đó là kết hợp với nhau, đồng thời đưa ra kinh nghiệm thành công của Nhật Bản trong việc kết hợp nâng cao năng suất, chất lượng để phát triển đất nước. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia: “Nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo và triển khai đào tạo về năng suất chất lượng cho sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh của Việt Nam” mã số: 02.4/NSCL-2022.
Sự kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao năng suất và chất lượng cùng với sự hợp tác và tương tác chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính phủ là yếu tố mang lại thành công cho Nhật Bản - Ảnh: IT
Quá trình toàn cầu hóa về kinh tế mang đến cho các quốc gia cơ hội phát triển, mở rộng thị trường, tiếp cận với những phương thức sản xuất tiên tiến. Bên cạnh đó, quá trình này cũng tạo nên sự cạnh tranh gay gắt, buộc các doanh nghiệp phải liên tục đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng, giảm giá thành nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.
1. Quan điểm về năng suất
Thuật ngữ “năng suất” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1776 khi Adam Smith chỉ ra rằng sản xuất phụ thuộc vào số lượng lao động hoặc khả năng sản xuất của lao động. Ý nghĩa của khái niệm năng suất được một số nhà kinh tế biết đến từ cuối thế kỷ XVIII khi công nhân được thay thế bằng máy móc. Năng suất luôn xem xét giá trị sản xuất trong mối quan hệ với việc sử dụng các nguồn lực lao động, nguyên vật liệu. không gian hoặc tiền được sử dụng để đạt được giá trị sản xuất.
Trong giai đoạn đầu, người ta nhấn mạnh đến các yếu tố đầu vào và đặc biệt là lao động được sử dụng để sản xuất một khối lượng hàng hóa nhất định ở phân xưởng. Năng suất thời kỳ này được hiểu là năng suất lao động. Trong bối cảnh này, Adam Smith và Frederick Taylor tập trung vào sự phân chia lao động, xác định và tiêu chuẩn hóa phương pháp làm việc tốt nhất nhằm cải tiến năng suất, các công cụ kỹ thuật đã được phát triển nhằm nâng cao năng suất lao động phù hợp với nhu cầu của hệ thống sản xuất hàng loạt vào nửa đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, năng suất lao động chỉ ra mối quan hệ giữa đầu ra đạt được và lao động đầu vào nhưng không có nghĩa là nó chỉ phụ thuộc vào yếu tố lao động mà còn ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như công nghệ, phương pháp làm việc, hệ thống quản lý. Lợi ích đích thực của năng suất và ý nghĩa đầy đủ của nó chỉ được nhận biết sau Chiến tranh thế giới thứ hai cùng với sự thay đổi về điều kiện kinh tế.
Từ quan điểm về năng suất tập trung vào việc sản xuất hàng loạt, tối ưu hoá sử dụng tài nguyên, chú trọng đến hiệu quả tài chính… nhằm tối đa hóa lợi nhuận và giảm chi phí, với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh tế, chính trị, xã hội, công nghệ, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hoá nền kinh tế, tự do hoá thương mại và sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, về chi phí và phân phối nên khái niệm năng suất đã được nhìn nhận lại phù hợp hơn.
Năng suất theo cách tiếp cận mới quan tâm nhiều hơn tới các kết quả đầu ra chứ không chỉ quan tâm đến hiệu quả sử dụng đầu vào. Năng suất và chất lượng không còn là sự bù trừ lẫn nhau mà đồng hướng tạo nên hiệu quả chung, vì chất lượng chính là sự thỏa mãn khách hàng và nhu cầu xã hội. Năng suất không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội với sự xuất hiện khái niệm “năng suất xã hội”. Năng suất mới còn gắn với “năng suất xanh”, tức là năng suất cao nhưng không làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí và huỷ hoại tài nguyên thiên nhiên...
Năng suất hiện nay được tiếp cận theo nhiều cấp độ: năng suất cá nhân (năng suất lao động), năng suất doanh nghiệp, năng suất ngành và năng suất quốc gia.
Năng suất đóng một vai trò quan trọng bảo đảm sự cạnh tranh và thành công của một tổ chức, doanh nghiệp. Ở phạm vi quốc gia, năng suất là yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Nếu một quốc gia nâng cao năng suất của lao động và các nguồn lực, có thể tạo ra sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
2. Quan điểm về chất lượng
Thuật ngữ “chất lượng” ra đời rất sớm, gắn liền với hoạt động sản xuất và phát triển của con người. Cùng với sự phát triển của sản xuất, chất lượng được xem là phương thức quan trọng trong quản lý kinh doanh nhằm bảo đảm sự hài lòng của khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường(1).
Quan điểm về chất lượng trên góc độ của người sản xuất và quản trị sản xuất là sự phù hợp với các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật.
Trên góc độ của người tiêu dùng, theo Tổ chức Kiểm tra chất lượng châu Âu (European Organisation For Quality Control), chất lượng của một sản phẩm, dịch vụ là khả năng của một sản phẩm hoặc dịch vụ thoả mãn những yêu cầu của người sử dụng. Theo Hiệp hội Chất lượng Hoa Kỳ (ASQ), chất lượng là toàn bộ các tính năng và đặc điểm mà một sản phẩm hay dịch vụ đem lại nhằm đáp ứng những nhu cầu của khách hàng(2).
Ngày nay, sự cạnh tranh trên thị trường khiến cho vị trí, vai trò của người tiêu dùng ngày càng tăng lên, do vậy, quan điểm về chất lượng cũng ngày càng thiên về phía người tiêu dùng. Theo quan điểm này, Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO - International Organization for Standarddization) đã đưa ra các khái niệm về chất lượng được các quốc gia công nhận như: theo tiêu chuẩn ISO 8402:1994 “chất lượng là tập hợp các đặc tính của một thực thể (đối tượng) tạo cho thực thể đó có khả năng thỏa mãn nhu cầu đã công bố hay còn tiềm ẩn”. Theo tiêu chuẩn ISO 9000:2000, “chất lượng là mức độ của một tập hợp các đặc tính vốn có của một sản phẩm, hệ thống hoặc quá trình thõa mãn các yêu cầu của khách hàng và các bên có liên quan”(3).
Bên cạnh đó, chất lượng có thể được định nghĩa khác nhau bởi các cá nhân khác nhau, ở những môi trường văn hóa khác nhau. Chất lượng có thể được định nghĩa khác nhau theo các góc độ khác nhau là ở cấp độ công ty (nhà sản xuất), cấp độ cá nhân (người tiêu dùng) và cấp độ quốc gia.
3. Quan điểm mới về mối quan hệ giữa năng suất và chất lượng
Nhận thức chung cho rằng, nâng cao chất lượng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giá cả, từ đó dẫn đến năng suất suy giảm. Các định nghĩa về chất lượng và năng suất cho thấy cả hai có những đặc điểm chung nhất định, thí dụ như việc nhấn mạnh đến đầu ra và đầu vào của quá trình sản xuất. Sự khác biệt là, năng suất tập trung đến hiệu suất (tối đa số lượng đầu ra với một đơn vị đầu vào), trong khi chất lượng tập trung đến mức độ hoàn thiện của sản phẩm, dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng.
Nhiều quan điểm truyền thống cũng cho rằng, chất lượng và năng xuất là hai mục tiêu xung đột với nhau, không thể tồn tại đồng thời. Nhà sản xuất sẽ phải lựa chọn theo đuổi một trong hai mục tiêu đó. Nếu thúc đẩy chất lượng sản phẩm, nhà máy sẽ suy giảm năng suất, ngược lại nếu thúc đẩy năng suất, tăng sản lượng, chất lượng của đầu ra sẽ bị ảnh hưởng. Xung đột giữa năng suất và chất lượng trong ngành dịch vụ thậm chí còn phức tạp hơn bởi chất lượng dịch vụ thường khó định lượng và đo lường hơn.
Sự phát triển của khoa học quản lý và quản trị trong kinh tế đã cho ra đời các hệ thống quản lý năng suất và chất lượng. Những hệ thống này hoạt động độc lập, dẫn đến những ranh giới giữa năng suất và chất lượng là độc lập với nhau.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, năng suất và chất lượng là hai phạm trù triết học không thể tách rời. Những tổ chức quản lý năng suất và quản lý chất lượng riêng biệt dễ dẫn tới hiện tượng máy móc, thiếu đổi mới sáng tạo và hiệu quả hoạt động kinh doanh chưa tối ưu. Do vậy, hiện nay, năng suất và chất lượng được xem xét từ góc độ bảo đảm sự tích hợp cần thiết đối với các tổ chức có thể tham gia vào thị trường cạnh tranh toàn cầu.
Một số quan điểm về năng suất và chất lượng cho rằng, cải thiện đồng thời cả năng suất và chất lượng sẽ giúp tạo ra nhiều giá trị hơn. Mục tiêu của cải thiện năng suất là tối đa hóa việc sử dụng nguồn lực. Có 2 chiến lược chủ yếu là quản lý tổng chi phí và quản lý năng lực tổng thể. Hai chiến lược này có mối quan hệ với nhau, chi phí trên mỗi đơn vị sản lượng giảm giúp sản xuất nhiều sản lượng hơn trong cùng một thời điểm. Tương tự, việc cải thiện chất lượng được thực hiện trong các khâu thiết kế, thu mua, sản xuất, giao hàng, v.v.. Mục tiêu cuối cùng là giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng sản lượng và giảm giá bán. Theo đó, sản phẩm có chất lượng tốt hơn và giá bán thấp hơn sẽ làm tăng mức độ hài lòng của khách hàng, giúp doanh nghiệp duy trì thị phần và thâm nhập thị trường mới(4).
Quan điểm này không chỉ thể hiện quan hệ nhân - quả một chiều từ năng suất, chất lượng đến việc tạo ra giá trị. Trên thực tế, giá trị cao hơn sẽ dẫn đến lợi nhuận và đầu tư cao hơn, tạo ra sức cạnh tranh. Hiệu ứng tích lũy giúp tăng trưởng năng suất, thúc đẩy quy trình sản xuất và cải thiện chất lượng.
Như vậy, theo quan điểm mới về mối quan hệ giữa năng suất và chất lượng, nâng cao chất lượng có thể giúp tăng năng suất. Tăng năng suất không làm giảm chất lượng, cũng như việc giảm năng suất không làm tăng chất lượng. Chất lượng tốt sẽ có ít lỗi hơn, do đó chi phí cho khiếm khuyết sẽ ở mức tối thiểu, làm giảm tổng chi phí sản xuất và gia tăng năng suất trong hệ thống sản xuất. Trên tổng thể chu trình sản xuất và tiêu dùng, chất lượng và chi phí có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với nhau trong trường hợp các nguồn lực để cải thiện chất lượng không cao hơn so với các nguồn lực dùng để sửa chữa khiếm khuyết của hàng hóa hoặc khắc phục khiếu nại của khách hàng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng phương pháp “Quản lý năng suất và chất lượng tích hợp” (Integrated Productivity and Quality Management), một phương pháp quản lý tổng thể trong sản xuất và dịch vụ. Đây là một hướng tiếp cận trong quản lý tổ chức tập trung vào việc tối ưu hóa cả năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Hướng tiếp cận này nhấn mạnh sự liên quan chặt chẽ giữa hai khía cạnh này và xem xét chúng như một cơ hội để cải thiện hiệu suất tổng thể của tổ chức. Nó kết hợp hai khía cạnh quan trọng của quản lý trong một tổ chức: quản lý năng suất (productivity management) và quản lý chất lượng (quality management). Theo mô hình này, chất lượng là yếu tố quan trọng nhất. Doanh nghiệp cần bảo đảm sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và mong đợi của khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
4. Kinh nghiệm nâng cao năng suất chất lượng của Nhật Bản
Là quốc gia không được đánh giá cao về tài nguyên thiên nhiên, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như động đất, núi lửa…, nền kinh tế kiệt quệ do chiến tranh, nhưng với chính sách phát triển kinh tế phù hợp, Nhật Bản đã phục hồi nhanh chóng và vươn lên trở thành cường quốc kinh tế thứ 3 trên thế giới. Những bài học kinh nghiệm về nâng cao năng suất, chất lượng của Nhật Bản đã được nhiều quốc gia vận dụng.
Từ những năm đầu thế kỉ XX, Nhật Bản bước vào giai đoạn công nghiệp hóa theo định hướng xuất khẩu và đã thực hiện một chương trình quốc gia nhằm học hỏi công nghệ quản lý sản xuất nước ngoài để thúc đẩy công nghiệp khi các phương pháp quản lý của Mỹ được du nhập. Đây là thời điểm Nhật Bản nỗ lực tăng cường năng lực công nghiệp quốc gia cũng như sức mạnh quân sự.
Thua cuộc trong Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật Bản bị tổn thất lớn và mất khả năng sản xuất. Phong trào quốc gia về cải thiện năng suất, chất lượng được thực hiện bởi mục tiêu cấp bách về phục hồi kinh tế sau chiến tranh. Cải thiện chất lượng và năng suất là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình quốc gia.
Tại Nhật Bản, khu vực tư nhân có vai trò quan trọng trong quá trình cải thiện năng suất, chất lượng. Ba tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận đã dẫn đầu phong trào này là JMA, JUSE và JPC(5). Hiệp hội Quản lý Nhật Bản - JMA (Japan Management Association) đã góp phần thúc đẩy phong trào “noritsu” - tối ưu hóa hiệu quả, năng suất của nhân lực và thiết bị trong ngành công nghiệp Nhật Bản. Liên hiệp các nhà khoa học và kỹ sư Nhật Bản - JUSE (the Union of Japanese Scientists and Engineers) góp phần cải tiến chất lượng, chú trọng vào việc chuyển giao và phổ biến công nghệ quản lý sản xuất. Trung tâm Năng suất Nhật Bản - JPC (Japan Productivity Center) tập trung vào phát triển phong trào nâng cao năng suất từ góc độ kinh tế - xã hội vĩ mô. Ba tổ chức đều có ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh và cam kết phát triển các công ty và ngành công nghiệp để phục hồi kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh. Từ đó, hành động chủ động và tích cực trong việc giới thiệu kiến thức và công nghệ từ Mỹ và châu Âu, đặc biệt đã điều chỉnh cũng như phổ biến các phong trào cải tiến năng suất, chất lượng trên toàn quốc(5).
Để nâng cao chất lượng, JUSE đã mời WE Deming, một chuyên gia nổi tiếng người Mỹ về kiểm soát quy trình thống kê, giảng bài về kiểm soát chất lượng cho giám đốc điều hành, quản lý và kỹ sư của các ngành công nghiệp Nhật Bản. Năm 1951, JUSE đã thành lập “Giải thưởng Deming” trao thưởng cho các công ty Nhật Bản có những tiến bộ lớn trong cải tiến chất lượng. Lễ trao giải được phát sóng hằng năm trên Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản.
Năm 1954, JM Juran, một chuyên gia người Mỹ được mời thuyết trình về quản lý chất lượng. Juran nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm soát chất lượng trong bối cảnh quản lý tổng thể và giảng dạy các khóa đào tạo dành cho quản lý cấp cao và cấp trung của Nhật Bản. Điều này cung cấp cơ sở cho phương pháp Kiểm soát chất lượng toàn công ty mà JUSE giới thiệu trong những năm cuối thập niên 1950.
Từ năm 1955-1961, JPC đã nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ trong nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng suất, như gửi các đoàn nghiên cứu, mời các chuyên gia, thu thập tài liệu, thông tin và làm phim về công nghệ. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tham gia tích cực trong giai đoạn này. Từ năm 1956 đến 1966, đã có khoảng 170 báo cáo về cải thiện năng suất được xuất bản(6).
Bên cạnh đó, nhiều biện pháp đã được sử dụng để phổ biến các công nghệ cải tiến năng suất, chất lượng trong các công ty và phát triển năng lực của khu vực tư nhân; tư vấn về các phương pháp và kỹ thuật cải thiện năng suất. Chính sách của Nhật Bản ở giai đoạn này tập trung vào các nhiệm vụ: hướng dẫn, tư vấn về nâng cao năng suất, chất lượng; giáo dục, đào tạo kỹ năng và phương pháp nâng cao năng suất, chất lượng; hình thành hệ thống giải thưởng về cải tiến năng suất, chất lượng; tích cực tổ chức các hội nghị, hội thảo và xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền về cải tiến năng suất, chất lượng.
Các nhà sản xuất ở Nhật Bản sử dụng hệ thống Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) như một công cụ hiệu quả để liên tục nâng cao năng suất và sự hài lòng của khách hàng. TQM nhấn mạnh tất cả các hoạt động của công ty phải được cải tiến liên tục để hướng đến mục tiêu chất lượng.
Các mô hình sản xuất kinh doanh ở Nhật Bản đã khẳng định rằng khi các chương trình cải tiến chất lượng được thực hiện sẽ mang lại lợi nhuận cao và năng suất cao, từ đó sẽ mang lại hiệu suất cao cho tổ chức. Một khi hai khía cạnh thiết yếu này được áp dụng, việc chiến thắng trong cạnh tranh toàn cầu sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Các doanh nghiệp ở Nhật Bản cũng cho thấy, chất lượng và năng suất có thể cùng tồn tại khi các doanh nghiệp nhìn nhận một cách nghiêm túc về giá trị công việc, giá trị của sản phẩm/dịch vụ, nâng cao hiệu quả và theo đuổi những đổi mới sáng tạo. Trên thực tế, sự tích hợp giữa năng suất và chất lượng đòi hỏi sự kết nối, sự nhạy bén và sự tập trung của ban lãnh đạo. Do đó, chính năng suất (giá trị gia tăng) và chất lượng (nâng cao giá trị) sẽ quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Để duy trì tính cạnh tranh, các tổ chức phải có khả năng tích hợp và phối hợp cả hai.
Như vậy, sự kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao năng suất và chất lượng cùng với sự hợp tác và tương tác chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính phủ là một đặc điểm chính trong phong trào nâng cao năng suất, chất lượng của Nhật Bản. Các nhà khoa học Nhật Bản đã có những đóng góp rất quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn. Họ đã tích cực tham gia vào việc chuyển giao và thích ứng các nguyên tắc, công cụ và hệ thống quản lý cũng như phát triển những nguyên tắc, công cụ và hệ thống mới. Bên cạnh đó, một đội ngũ các kỹ sư và nhà quản lý nổi tiếng đã thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản có đội ngũ nhân sự có trình độ học vấn, kiến thức, kỹ thuật đầy đủ và nhiệt huyết để tiếp thu công nghệ nước ngoài và biến chúng thành của Nhật Bản. Sau đó, nhiều công ty đã phát triển hệ thống kiểm soát năng suất, chất lượng riêng. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã áp dụng việc tích hợp năng suất và chất lượng. Bằng việc sử dụng phương pháp này, chất lượng sản phẩm dịch vụ đã cải tiến năng suất tăng đáng kể, từ đó giúp giảm chi phí, dẫn đến tăng doanh thu và lợi nhuận.
_________________
Ngày nhận bài: 16-12-2023; Ngày bình duyệt: 18-12-2023; Ngày duyệt đăng: 19-12-2023.
(1) Arun Kumar G., Manjunath S. J., Naveen Kumar H.:“A study of retail service quality in organized retailing”, International Journal of Engineering and Management Sciences, 3 (3) (2012), tr. 370-372.
(2) Phan Chí Anh và cộng sự: Nghiên cứu các mô hình đánh giá chất lượng dịch vụ,Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh, Tập 29, Số 1 (2013), tr. 11-22.
(3) International Organization for Standarddization, https://www.iso.org/home.html.
(4) Mohanty, R. P. (1998): Understanding the integrated linkage: Quality and productivity, Total quality management, 9(8), tr.753-765.
(5), (6) Izumi Ohno and Getahun Tadesse Mekonen: National Movements for Quality and Productivity Improvement in Japan and Singapore:From a Perspective of Translative Adaptation, https://www.jica.go.jp/.