(LLCT) - Quan hệ giữa tôn giáo, giáo hội và nhà nước ở Mỹ tạo ra những tranh luận kéo dài trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia này kể từ Tu chính án thứ nhất và được biểu hiện rõ nét ở việc theo dõi và giám sát tôn giáo của nhà nước, các hoạt động của các trường học do tôn giáo tài trợ, trong các chương trình giáo dục và phúc lợi, tranh luận mô hình của nhà nước thế tục hay nhà nước tôn giáo. Bài viết mô tả sơ bộ những tranh luận của nhiều khía cạnh trong lịch sử Mỹ về vị trí của tôn giáo trong xã hội của quốc gia này.
Thánh đường Quốc gia Oasinhtơn, Mỹ - Ảnh: vietnamplus.vn
Thực tế tôn giáo ở nước Mỹ trong một trăm năm qua đã cho thấy việc áp dụng điều khoản của Tu chính án thứ nhất luôn trong trạng thái cân bằng bấp bênh. Mặc dù giữa Giáo hội và Nhà nước cố gắng tìm cách tránh sự vướng mắc quá lớn hoặc không cần thiết nhưng vẫn có một số ý kiến cho rằng việc theo đuổi mục tiêu này một cách quá mức có thể dẫn đến các biện pháp công khai thù địch từ các tổ chức tôn giáo hoặc những người có đức tin tôn giáo mạnh mẽ. Tương tự như vậy, việc sửa đổi do các cá nhân đề xuất thường tuân theo các quy tắc trong lương tâm của họ, nhưng một xã hội muốn duy trì trật tự, thì việc thực hiện tự do tôn giáo theo quy tắc đó có thể đe dọa sự ổn định xã hội và chính trị? Điều gì sẽ xảy ra nếu việc thực hiện tự do tôn giáo liên quan đến việc vi phạm luật thế tục? hay tự do tôn giáo lại gây thiệt hại nhiều hơn cho hạnh phúc của xã hội? Lúc đó người ta thường cho rằng, nhà nước bắt buộc phải can thiệp và hạn chế tự do sinh hoạt tôn giáo. Do đó cần được hiểu như thế nào? Bài viết, bằng cách mô tả một vài biểu hiện chính trị trong lịch sử quan hệ giữa giáo hội và nhà nước ở Mỹ để nhận thức sâu hơn về thực tiễn phân ly của chúng.
1. Tu chính án thứ nhất về quan hệ nhà nước và tôn giáo
Với đóng góp tích cực của các nhà triết học, cơ sở cho những giá trị tích cực của lòng khoan dung tôn giáo bắt đầu hình thành, là cái nôi cho những quan niệm sau này về mối quan hệ giữa nhà thờ và nhà nước ở Mỹ. Các điều khoản tôn giáo trong Tu chính án thứ nhất của Mỹ đã đưa ra quy định gọn gàng, mạch lạc về vấn đề này: “Quốc hội sẽ không đưa ra luật nào thể hiện sự tôn trọng đối với việc thành lập tôn giáo, hoặc cấm việc thực hành tự do tôn giáo”.
Tuy nhiên, việc giải thích những từ ngữ trong điều luật này còn có sự khác biệt. Điều khoản trên đã từ chối khả năng thành lập cơ sở tôn giáo với sự hỗ trợ duy nhất của nhà nước liên bang, nhưng trong những thập niên đầu tiên của nền cộng hòa mới đã có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu có bang nào được hưởng đặc quyền (về tiền thuế) đối với các giáo phái tôn giáo hay không. Quan trọng hơn, những tranh luận về mối quan hệ giữa giáo hội và nhà nước không chỉ đơn giản là vấn đề pháp lý.
Vào giữa thế kỷ XIX, việc những người có quyền lực chính trị chủ động tìm cách nắm giữ một giáo phái Cơ đốc giáo cụ thể không còn được coi là hợp pháp nữa, nhưng điều này không có nghĩa là sự đan xen giữa chính trị và tôn giáo đã kết thúc.
2. Mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo
Hiện nay, đời sống chính trị và văn hóa của Mỹ vẫn thường được đặt trong bối cảnh của tôn giáo. Câu nói “Chúng ta tin tưởng vào Chúa” (In God We Trust) vẫn còn trên đồng tiền đôla Mỹ; trẻ em ở các trường công lập mỗi sáng có nghĩa vụ đọc lại Lời cam kết trung thành với đất nước đang “dưới quyền của Chúa” (under God) và các tổng thống vẫn kết thúc bài phát biểu của mình bằng câu nói “Chúa phù hộ cho nước Mỹ” (God bless America). Hầu như bất kỳ ứng cử viên nào cho chức vụ chính trị cao đều được khuyên nên tham dự các buổi lễ nhà thờ, chú ý đến các chương trình nghị sự cũng như chú ý đến sự phân bổ và cơ cấu các bộ trưởng thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Gần đây, Mỹ đã bầu chọn được Tổng thống da đen đầu tiên, nhưng việc bầu cử một tổng thống vô thần vẫn là một viễn cảnh khó có thể xảy ra. Cho dù sách luật có nói gì đi nữa, tôn giáo và chính trị vẫn có rất nhiều mối liên hệ.
3. Việc theo dõi các nhóm tôn giáo
Tại Mỹ, các nỗ lực nhằm kiểm soát các nhóm tôn giáo thường bị phân tán hơn so với nhiều quốc gia khác. Các điều khoản thiết lập và tự do hành đạo của Tu chính án thứ nhất thường được hiểu là các chính quyền ở tất cả các cấp phải tránh những nỗ lực trực tiếp theo dõi tôn giáo. Trong thời kỳ đầu những “cuộc chiến tranh sùng bái” vào những năm 1970 ở Mỹ, người ta đã nỗ lực yêu cầu Bộ Tư pháp liên bang hành động để kiểm soát một số phong trào tôn giáo mới gây tranh cãi. Tuy nhiên, nỗ lực này đã bị Tổng chưởng lý Benjamin Civiletti từ chối, ông đã viện dẫn những lo ngại của Tu chính án thứ nhất là ngăn cản các hành động chính thức như vậy.
Do Tu chính án thứ nhất bảo đảm việc tự do sinh hoạt tôn giáo, nên ở Mỹ không có “Bộ tôn giáo” tại cấp liên bang, tiểu bang hoặc địa phương. Tuy nhiên, không phải không có cơ quan chính phủ nào trực tiếp tham gia điều chỉnh tôn giáo. Các cơ quan liên bang như Sở Thuế vụ, Cơ quan Nhập cư và nhập tịch, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm đều có lý do để thu thập thông tin về các nhóm tôn giáo tham gia vào các hoạt động trong phạm vi của cơ quan đó phụ trách và các cơ quan này đều thực hiện các chính sách ảnh hưởng đến các nhóm đó.
Các bang được phân theo vùng của chính quyền địa phương, các tổ chức phúc lợi và dịch vụ xã hội ở địa phương và tiểu bang, các cơ quan quản lý nhà tù và nhà tù của tiểu bang và của địa phương cùng nhiều tổ chức khác cũng giải quyết vấn đề tôn giáo trong phạm vi hoạt động cụ thể. Điều này có nghĩa là, nhiều cơ quan khác nhau cần và tìm kiếm thông tin về tôn giáo, đôi khi những thông tin đó có thể được thu thập thông qua hoạt động giám sát và theo dõi.
Một lĩnh vực cụ thể liên quan đến việc giám sát và theo dõi các nhóm tôn giáo của các quan chức chính phủ ở nhiều cấp là đối với trẻ em. “Phong trào bảo vệ trẻ em” đã làm dấy lên lo ngại về phúc lợi của trẻ em trong xã hội Mỹ những thập niên gần đây và đã góp phần vào việc thông qua luật ở nhiều bang, trong đó có yêu cầu báo cáo về khả năng các quan chức lạm dụng. Những luật tương tự cũng vậy, nó mặc nhiên hoặc ngầm hiểu là cần giám sát và nếu thấy các nhóm tôn giáo trừng phạt trẻ em, thì họ có thể bị buộc tội làm hại trẻ em. Những lời buộc tội như vậy đã trở thành một phương pháp chính để kiểm soát các nhóm tôn giáo.
4. Viện trợ của nhà nước cho các trường của tôn giáo
Trong suốt lịch sử của mình, Quốc hội Mỹ đã tham gia rất nhiều vào các vấn đề phân định ranh giới giữa nhà thờ và nhà nước, cố gắng phù hợp với tôn giáo và đã ngừng sửa đổi Hiến pháp để duy trì việc phân định ranh giới. Một ngoại lệ đối với mô hình này liên quan đến viện trợ ban đầu của nhà nước cho các trường giáo xứ, khi đó Quốc hội chuyển từ hạn chế sang điều chỉnh, hỗ trợ chung cho tôn giáo. Mặc dù các chính quyền tiểu bang theo chính phủ liên bang trong việc vô hiệu hóa các nhà thờ tiểu bang, vô hiệu hóa quyền bá chủ của đạo Tin lành trong thế kỷ XIX, nhưng đã tạo ra một hình thức “thiết lập” văn hóa với việc sử dụng rộng rãi Kinh thánh James trong các trường học công. Để tự vệ, người Công giáo La Mã đã phát triển hệ thống trường học giáo xứ và sau đó trở thành hệ thống trường rộng lớn nhất của quốc gia. Khi người Công giáo trở nên đông đảo hơn, họ đã giành được ảnh hưởng chính trị ở một số bang miền bắc, nhờ sự hỗ trợ của bộ máy Đảng Dân chủ, những người này đã hòa nhập thành công vào làn sóng mới. Với ảnh hưởng mới, họ đã thúc ép các hình thức tài trợ của nhà nước cho các trường học do nhà thờ điều hành, đã tạo ra phản ứng dữ dội trong đa số người theo đạo Tin lành.
Vấn đề này trở nên nhức nhối dưới thời chính quyền của Ulysses S.Grant (1869 - 1877) khi những người thuộc Đảng Cộng hòa tìm cách khai thác những lo ngại của người Tin lành về ảnh hưởng của “giáo hoàng”. Cơ chế này đã dẫn tới một đề xuất sửa đổi Hiến pháp vào năm 1875 về sự ủng hộ của nhà nước cho các trường giáo xứ. Vì thế, Tu chính án thứ nhất đưa ra điều chỉnh sau: không bang nào được đưa ra bất kỳ luật nào tôn trọng việc thành lập tôn giáo hoặc cấm việc thực hành tự do tôn giáo; không có khoản tiền nào được quyên góp bằng thuế ở bất kỳ bang nào để hỗ trợ các trường công lập hoặc thu từ bất kỳ quỹ công nào; do đó, cũng như bất kỳ khu đất công nào dành cho nó, sẽ không bao giờ được nằm dưới sự kiểm soát của bất kỳ giáo phái tôn giáo nào, cũng như bất kỳ khoản tiền quyên góp hoặc đất đai nào như vậy được phân chia giữa các giáo phái tôn giáo hoặc giữa giáo phái trong một tôn giáo.
Tu chính án này đã trở thành một biểu hiện của thành kiến chống Công giáo. Đảng Cộng hòa cáo buộc Đảng Dân chủ là đảng của “chủ nghĩa La Mã và nổi loạn”. Việc sửa đổi cũng tiết lộ một số điều về quan điểm của Quốc hội đối với luật về nhà nước và giáo hội. Đầu tiên, nó rõ ràng tìm cách mở rộng các điều khoản tôn giáo đối với các bang, cho thấy sự hiểu biết của liên bang về Tu chính án thứ nhất. Thứ hai, nó cho rằng, những người theo đạo Tin lành không coi tòa án vào thời điểm đó là cơ quan ngăn cản họ trước viện trợ của giáo xứ, cả ở cấp liên bang lẫn tiểu bang. Mặc dù các tòa án của thế kỷ XX sau đó đã giải thích Tu chính án thứ nhất nhằm cấm chuyển ngân quỹ công vào các trường của giáo xứ, nhưng điều này dường như không được hiểu vào thời điểm trước đó.
Tu chính án đã được thông qua ở Hạ viện, nhưng không đạt được 2/3 phiếu thuận tại Thượng viện. Sự phản đối mạnh mẽ của Công giáo, cùng với mong muốn của một số người để vấn đề này cho các bang, đã thuyết phục đủ số thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại hoặc bỏ phiếu trắng. Mặc dù các tổ chức của Đảng Cộng hòa từ năm 1876 đến năm 1892 đã kêu gọi chấm dứt viện trợ của chính phủ cho các trường của giáo phái, nên vấn đề này đã không được đưa ra trước Quốc hội một lần nữa, nhưng ở cấp tiểu bang, những người theo đạo Tin lành đã thành công hơn và một số tiểu bang đã thông qua các sửa đổi của chính họ (được gọi là “Baby Blaines” thường được viện dẫn trong các trường hợp gần đây).
Trớ trêu thay, vào cùng thời điểm Quốc hội cân nhắc về Tu chính án Blaine, Quốc hội lại áp dụng một cách tiếp cận khác đối với chính sách liên bang về người da đỏ. Vì chính phủ liên bang không vận hành trường học, nên thỉnh thoảng Quốc hội cho phép các nhà thờ được đặc quyền lập các trường học trong sự theo dõi chặt chẽ. Sau cuộc nội chiến, các nhà lãnh đạo giáo hội (đặc biệt là Quakers) đã yêu cầu cải tổ các cơ quan của người da đỏ có tham nhũng. Tổng thống Grant đã phản ứng bằng cách đồng ý bổ nhiệm các đặc vụ da đỏ từ danh sách do các giáo dân cung cấp, thực tế đã mở rộng từ năm 1869 trở đi, đến mức các giáo phái khác nhau được chính thức chỉ định và được giao trách nhiệm giáo dục, cứu trợ cho các bộ lạc và các nhóm người da đỏ cụ thể.
Do đó, Hạ viện đã thông qua Tu chính án Blaine cho phép chuyển cho các trường của tôn giáo một số lượng tiền lớn theo các giáo phái khác nhau, với các định mức nhất định. Trong một phần tư cuối của thế kỷ XIX, chỉ riêng những người Công giáo La Mã đã nhận được 4,5 triệu đôla từ chính phủ liên bang cho các trường học của người da đỏ ở miền Tây. Mặc dù chính sách này phát triển mạnh mẽ từ những năm 1870 đến cuối thế kỷ này, nhưng một số nhóm Tin lành lại thờ ơ khi nhận được sự hỗ trợ của chính phủ và rút khỏi chương trình. Ngược lại, người Công giáo đã mở rộng các nỗ lực tài trợ của liên bang bằng tiền của tư nhân, làm dấy lên phong trào chống Công giáo mới. Năm 1894, Quốc hội Mỹ bắt đầu tranh luận về sự thông thái của chính sách, sau đó các khoản trích lập đã bị cắt giảm; đến năm 1899, luật pháp xác nhận chấm dứt thử nghiệm hỗ trợ của liên bang cho các trường của tôn giáo.
5. Tranh luận về quốc gia thế tục hay tôn giáo
Mặc dù nhà nước đã chấp nhận sự thừa nhận và ủng hộ chung đối với tôn giáo, nhưng nhà nước chống lại một sự thừa nhận công khai đối với một đức tin cụ thể. Ở một vài giai đoạn, đã có kiến nghị Quốc hội sửa đổi Hiến pháp để tuyên bố Mỹ là một quốc gia Cơ đốc giáo.
Trong cuộc nội chiến, một nhóm bộ trưởng đã thành lập Hiệp hội Cải cách quốc gia, tuyên bố mục đích của họ là: bảo đảm việc sửa đổi Hiến pháp Mỹ cũng như sẽ tuyên bố về lòng trung thành của quốc gia đối với Chúa Giêsu và thừa nhận luật đạo đức của Cơ đốc giáo, do đó bảo đảm Mỹ là một quốc gia Cơ đốc giáo.
Một sửa đổi sau đó đã được đưa ra Quốc hội vào năm 1864 để sửa đổi phần mở đầu của Hiến pháp. Ngôn ngữ được đề xuất thừa nhận “Đức Chúa Trời toàn năng là nguồn gốc của mọi thẩm quyền và quyền lực trong chính quyền dân sự, Chúa Giêsu, với tư cách là Đấng thống trị giữa các dân tộc và năng lực của Ngài được biết đến với tư cách là người có thẩm quyền tối cao”.
Tuy nhiên, việc sửa đổi đã bị Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện coi là “không cần thiết và gây tổn hại”. Một thập niên sau, ủy ban này chính thức bỏ phiếu chống lại việc áp dụng nó.
Gần một thế kỷ sau, vào năm 1947 và năm 1954, Hiệp hội Truyền giáo quốc gia Mỹ cũng đề xuất sửa đổi Hiến pháp với tuyên bố rằng: “Quốc gia này thiêng liêng công nhận thẩm quyền và luật của Chúa Giêsu, Đấng Cứu rỗi và là Người cai trị các dân tộc, qua đó người được ban phước lành của Chúa toàn năng”. Số phận của đề xuất sửa đổi đó tương tự như những nỗ lực đối với việc sửa đổi Hiến pháp nhằm cho phép tổ chức cầu nguyện trong trường học, việc đọc kinh và đọc Kinh thánh (Bible) trong trường học đã bị Tòa án Warren cấm vì vi hiến vào đầu những năm 1960. Trong vụ Engel kiện Vitale (năm 1962), tòa án đã hủy bỏ một thông lệ ở Niu Óoc đối với việc các giáo viên đọc một lời cầu nguyện được chỉ định vào đầu giờ mỗi ngày. Vụ Abington Township School District kiện Schempp (năm 1963) tuyên bố đạo luật Pennsylvania vi hiến khi yêu cầu đọc các câu Kinh thánh trước khi đến lớp. Những trường hợp này và những trường hợp tiếp theo đã gây ra một cơn bão phản đối, dẫn đến hàng trăm đề xuất hành động ở Quốc hội, một số ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp để đảo ngược các phán quyết của Tòa án tối cao, những người khác ủng hộ các biện pháp loại bỏ vấn đề này khỏi thẩm quyền của các tòa án liên bang.
6. Các chương trình giáo dục và phúc lợi
Việc thực hiện các chương trình giáo dục và phúc lợi là một lĩnh vực được xác định như phương tiện của nhà nước phù hợp với tôn giáo, liên quan đến các lựa chọn phương án khác nhau. Thí dụ, Dự luật GI cho phép các cựu chiến binh Chiến tranh thế giới thứ hai sử dụng các khoản trợ cấp đại học của liên bang trước khoản học phí tại các cơ sở giáo phái tư nhân. Các chương trình này đã được phổ biến rộng rãi, tạo ra một tiền lệ mà những người ủng hộ thường lựa chọn để minh họa nhằm thúc đẩy cách tiếp cận tương tự cho các sáng kiến khác.
Một vấn đề hóc búa khác giữa nhà thờ và chính quyền tiểu bang là sẽ làm gì khi ít nhất một phần ba số nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em được chính phủ liên bang trợ cấp là nhà thờ hoặc tổ chức nằm trong nhà thờ? Dự luật ban đầu cho phép trợ cấp cho dịch vụ chăm sóc trẻ em dựa vào nhà thờ như vậy, nhưng vì những lo ngại về Hiến pháp đã buộc nó phải thế tục hóa, thậm chí đến mức thế tục cả các đồ vật và tranh ảnh tôn giáo. Hơn nữa, các nhà cung cấp bị cấm thực hiện bất kỳ ưu tiên nào trong việc tuyển dụng những nhân viên có chung niềm tin với tổ chức. Điều này là không thể chấp nhận được đối với nhiều tổ chức tôn giáo và dẫn đến việc tìm kiếm ngôn ngữ thỏa hiệp. Ngôn ngữ thỏa hiệp được Hội nghị Công giáo Mỹ đề xuất yêu cầu một điều khoản mở rộng cho “phụ huynh lựa chọn”. Như đã được sửa đổi, dự luật bắt buộc các tiểu bang nhận trợ cấp gói chăm sóc trẻ em giới thiệu cho phụ huynh những “chứng chỉ” tùy chọn mà họ có thể sử dụng từ các nhà cung cấp giáo phái công khai (miễn là chúng được cấp phép hợp lệ). Ngoài ra, mặc dù cấm phân biệt đối xử trong tuyển dụng, nhưng nó cho phép các tổ chức giáo phái như vậy yêu cầu nhân viên tuân thủ các nguyên lý và giáo lý tôn giáo của họ. Ngôn ngữ này đã bị phản đối bởi các tổ chức ly khai mạnh mẽ, như Ủy ban hỗn hợp Baptist (BJC) và Hiệp hội Người Mỹ cho việc phân ly giáo hội và nhà nước (Americans United for Separation of Church and State). James Dunn - người của BJC - lập luận rằng, để giữ cho các nhà thờ trong sạch, luật pháp nên cấm bất kỳ viện trợ nào của chính phủ cho các chương trình của giáo phái, cả trực tiếp hay gián tiếp. Mặt khác, Sam Ericsson - người của Hiệp hội Pháp lý Cơ đốc (Christian Legal Society) - phản đối rằng, nếu không có sự sửa đổi, dự luật sẽ tạo điều kiện sinh ra lợi ích từ quyền hiến định nói trên. Mặt khác, một chương trình cấp chứng chỉ đòi hỏi “hợp tác giữa chính phủ và gia đình”, nhà cung cấp chỉ là người nhận sự hỗ trợ gián tiếp của liên bang, nhận trợ cấp “chỉ sau khi gia đình đã đưa ra lựa chọn mang tính riêng tư, cá nhân”. Cơ sở lý luận này cuối cùng đã thành công và luật sửa đổi tiếp tục cho phép tài trợ cho đến ngày nay.
7. Đạo luật cải cách phúc lợi
Bước đột phá cuối cùng vào quan hệ giữa nhà thờ và nhà nước bắt đầu với đạo luật cải cách phúc lợi năm 1996, thay thế việc hỗ trợ mở có giới hạn của chính phủ cho người nghèo (AFDC) bằng hỗ trợ tạm thời và khuyến khích mạnh mẽ việc chuyển đổi lực lượng lao động. Một sửa đổi quan trọng do Thượng nghị sĩ John Ashcroft tài trợ đã buộc các tổ chức dịch vụ xã hội tôn giáo phi lợi nhuận có được cơ hội bình đẳng trong xin trợ cấp liên bang nhằm hỗ trợ các sáng kiến “phúc lợi cho công việc” và những thứ tương tự. Điều khoản được gọi là “từ thiện có chọn lọc” này đã thiết lập một tiền lệ căn cứ vào “sáng kiến dựa trên đức tin” mà Tổng thống G.W.Bush đã ký.
Với sự ủng hộ của Tổng thống, khái niệm từ thiện có chọn lọc được áp dụng cho một loạt các chương trình tài trợ liên bang khác và có thể được mở rộng cho nhiều nhà cung cấp “giáo phái phổ biến” (pervasively sectarian) hơn. Do đó, luật do Tổng thống đề xuất đã vượt ra ngoài phạm vi chứng nhận tùy chọn thời gian chăm sóc và điều kiện, hoàn cảnh của cải cách phúc lợi. Điều này làm nảy sinh gay gắt vấn đề: trong những điều kiện nào thì các nhà cung cấp “có tính chất giáo phái phổ biến” có thể đủ tiêu chuẩn nhận các khoản trợ cấp của liên bang và những ràng buộc nào sẽ kèm theo? Một số tổ chức tôn giáo, bao gồm cả các nhà thờ Tin lành, lo sợ rằng chương trình sẽ gắn với việc chính quyền liên bang xâm nhập vào sổ sách tài chính của họ hoặc dẫn đến hạ thấp thông điệp tôn giáo của các tổ chức từ thiện dựa trên đức tin.
Các nhóm tự do, đặc biệt là nhóm Congressional Black Caucus, phản đối luật này, vì nó sẽ cho phép các tổ chức giáo phái chỉ thuê nhân viên có đức tin của họ và do đó dẫn tới sự phân biệt đối xử. Những người theo chủ nghĩa ly khai nhận thấy, sự hỗ trợ trực tiếp của chính phủ đối với các tổ chức tôn giáo đã làm cho các vấn đề trong Hiến pháp và trong thực tiễn trở nên tồi tệ.
Bản chất sâu xa trong đề xuất của Tổng thống G.W.Bush là đã chuyển thành việc trợ cấp trực tiếp của chính phủ cho các tổ chức dựa trên đức tin, giúp họ thành công trong việc giải quyết các vấn đề như nghiện ma túy và rượu, mang thai ở tuổi vị thành niên hoặc tái phạm do các phương pháp điều trị dựa trên tôn giáo. Quốc hội không thể đưa ra một công thức chung về các khoản tài trợ cho các nhà cung cấp như vậy mà không liên quan đến việc thúc đẩy các hoạt động tôn giáo một cách công khai. Đây là một ranh giới mà Quốc hội không muốn vượt qua. Cuối cùng, Tổng thống đã phải giải quyết các mệnh lệnh hành pháp như một phương tiện để thực hiện một phần tầm nhìn của ông về việc thống nhất “đội quân nhân ái” thông qua quan hệ vừa là đối tác, vừa là dựa trên đức tin. Tuy nhiên, cuộc tranh luận đối với thực tế này vẫn chưa kết thúc.
Cuộc tranh luận giữa giáo hội và nhà nước đã trở thành một cuộc tranh cãi của báo chí và các hành động pháp lý. Điều này có thể trở nên rất khó hiểu và thậm chí khá phức tạp, đặc biệt ở các sự kiện có tính cạnh tranh lớn và không thể thay thế. Qua đó, chứng tỏ vấn đề giáo hội và nhà nước vẫn sôi động và gây tranh cãi.
Một điều có thể được khẳng định chắc chắn là những cuộc tranh cãi về nhà thờ và nhà nước vẫn còn tồn tại. Thế kỷ XX đã chứng kiến nhiều truyền thống tôn giáo phi Cơ đốc giáo nở rộ: Hồi giáo và Ấn Độ giáo đã phát triển mạnh mẽ ở Mỹ, tín ngưỡng của người Mỹ bản địa đã được tôn trọng đúng mức và có rất ít quốc gia trên thế giới đã sản sinh ra nhiều giáo phái và phong trào tôn giáo mang phong cách riêng như vậy. Sự nở rộ các tôn giáo này là một điều đáng quan tâm và nó cũng làm cho vấn đề quan hệ giữa nhà nước và giáo hội trở nên phức tạp hơn. Song song với đó, việc bác bỏ thuyết hữu thần cũng được ghi nhận với những kết quả đáng chú ý và điều này cũng dẫn đến nhiều tranh luận. Tu chính án thứ nhất, theo hầu hết mọi người, được thiết kế để tạo ra một sân chơi chung cho những người có tín ngưỡng khác nhau. Nhưng cho đến nay, điều khoản về mối quan hệ giữa giáo hội và nhà nước khi được áp dụng vào thực tế ở nước Mỹ vẫn chưa hết những tranh cãi.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 543 (tháng 5-2023)
Ngày nhận bài: 03-12-2023; Ngày bình duyệt: 7-01-2023; Ngày duyệt đăng: 22-5-2023.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Anson Phelps Stokes and Leo Pfeffer: Church and State in the United States, vol.2, New York: Harper & Row, 1964, 285- 292.
2. Alice Butler and Melinda Gish: “The Child Care and Development Block Grant: Background and Funding”, Report to Congress, Congressional Research Service, April 7, 2003.
3. Charles Whittier: “The School Prayer Controversy: Pro-Con Arguments”, Congressional Research Service, August 26, 1985: 1.
4. Derek H. Davis: Church and State in the United States, Oxford University Press. Inc. 2010.
5. James E. Wood, Jr: “Public Religion vis a vis the Prophetic Role of Religion”, Journal of Church and State 41 (Winter 1999): 62.
6. James T. Richardson: “Social Control of New Religions: From ‘Brainwashing’ Claims to Child Sex Abuse Allegations,” in Children in New Religions, eds. Susan Palmer.
7. Jon Meacham: American Gospel: God, the Founding Fathers, and the Making of a Nation, New York: Random House, 2006.
8. Jonathan A. Wright: Separation of Church and State. Greenwood. 2010.
9. Michael Malbin: Religion and Politics: The
Intentions of the Authors of the First Amendment, Washington, DC: American Enterprise
Institute, 1978.
10. Louis Fisher: Religious Liberty in America:
Political Safeguards, Lawrence, KS: University of Kansas Press, 2002.
11. Thomas Robbins and Dick Anthony: “Deprogramming, Brainwashing and the Medicalization of Deviant Religion”, Social Problems 29, 1982, 283-297.
PGS, TS NGUYỄN ANH CƯỜNG
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội