(LLCT) - Quản lý nhà nước về dịch vụ công là trách nhiệm và là một trong những lĩnh vực hoạt động cơ bản của mọi nhà nước. Cùng với sự phát triển kinh tế thị trường, hoạt động quản lý và cung ứng dịch vụ công ở các nước trên thế giới đã và đang có nhiều biến đổi. Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, Việt Nam đang tập trung đổi mới quản lý nhà nước về dịch vụ công, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Vì vậy, việc tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Xinhgapo về vấn đề này có thể gợi mở những giá trị tham khảo cho Việt Nam.
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH một thành viên Sawaco đầu tư mở rộng quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch - Ảnh: vietnamplus.vn
Khi giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, một trong những nguyên tắc căn bản đó là việc gì các khu vực kinh tế ngoài nhà nước làm tốt thì để cho các khu vực kinh tế đó làm; nhà nước chỉ làm những gì mà các lực lượng khác không thể làm, không muốn làm, không nên làm vì lý do hiệu quả kinh tế, hoặc vì mục đích chính trị - xã hội nhất định. Cũng chính trong kinh tế thị trường, rất nhiều loại hình dịch vụ công, vốn được xem là địa hạt của nhà nước, thuộc thẩm quyền của nhà nước đã được chuyển giao hoặc chia sẻ với các thành phần kinh tế, các khu vực kinh tế khác.
1. Quản lý nhà nước về dịch vụ công ở một số nước trên thế giới
Quản lý nhà nước về dịch vụ công ở Hoa Kỳ
Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ XX, xuất phát từ thực tế khu vực công ở nhiều nước, kể cả những nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Niu Dilân, Ôxtrâylia... hoạt động không hiệu quả, chi phí cao nhưng chất lượng thấp, nhiều quốc gia đã đi tìm giải pháp ở khu vực tư nhân(1). Quá trình cổ phần hóa các đơn vị cung cấp dịch vụ công trên thế giới được triển khai mạnh mẽ dưới ảnh hưởng của lý thuyết “Quản lý công mới” và “Dịch vụ công kiểu mới”; chuyển vị thế của các cơ quan hành chính thành “doanh nghiệp cung cấp dịch vụ”, chuyển người dân thành “khách hàng” và thương mại hóa các dịch vụ công trên nguyên tắc giá dịch vụ công tính đúng, tính đủ các chi phí.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đi đầu về cải cách quản lý dịch vụ công. Việc cổ phần hóa tại các đơn vị sự nghiệp công lập của Hoa Kỳ được thực hiện từ cuối thập niên 70 thế kỷ XX. Từ năm 1968, Quỹ Thế chấp nhà ở quốc gia liên bang (FNMA) đã được cổ phần hóa. Trong giai đoạn 1980-1990, việc cổ phần hóa ở Hoa Kỳ được đẩy mạnh đối với một số lĩnh vực như đường sắt, điện lực, giáo dục, đào tạo, trông coi tù nhân. Tiếp đó, Hoa Kỳ thực hiện cổ phần hóa các lĩnh vực như xây dựng và vận hành cầu, đường, cảng, đường ống dẫn dầu/khí, các dịch vụ mang tính chất quản lý nhà nước như cảnh sát, phòng cháy, chữa cháy, xử lý nước thải, xử lý rác, sở thú...
Cổ phần hóa đã góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu quả và năng suất hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ công; giảm sự can thiệp chính trị trong quá trình vận hành và cung ứng các dịch vụ này(2).
Năm 1992, phong trào “Sáng tạo lại chính phủ” theo tinh thần cuốn sách cùng tên của hai học giả David Osborne và Ted Gaebler được khởi xướng và có ảnh hưởng lớn đến quá trình cải cách công vụ của Hoa Kỳ. Theo đó, Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, chủ yếu thực hiện chức năng định hướng (lái thuyền chứ không chèo thuyền); Chính phủ gắn với cộng đồng, trao quyền cho công dân chứ không phải đơn thuần là phân phát dịch vụ; khuyến khích cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công; xem trọng đầu ra hơn là đầu vào; hướng tới một Chính phủ “làm kinh doanh”, phải kiếm tiền (thu thuế, phí) chứ không chỉ tiêu tiền từ ngân sách; Chính phủ tận dụng yếu tố thị trường, tạo xúc tác cho các khu vực công, tư nhân và tự nguyện cùng tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng(3).
Mô hình đối tác công - tư trên cơ sở hợp tác giữa các tổ chức của khu vực công và khu vực tư trở thành điểm nhấn quan trọng trong cung ứng dịch vụ công ở Hoa Kỳ. Trong đó, nhiều yếu tố của thị trường như cạnh tranh, đa dạng hóa sự lựa chọn, tạo động lực thông qua các biện pháp mang tính thị trường được áp dụng trong cung cấp dịch vụ công. Thông qua mối quan hệ chặt chẽ với khu vực tư (dưới hình thức ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với các tổ chức tư nhân), các cơ quan hành chính nhà nước ngày càng có nhiều đặc điểm giống với khu vực tư, như: áp dụng cạnh tranh, sử dụng các biện pháp tạo động cơ làm việc gắn với thị trường, áp dụng hợp đồng trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, các mục tiêu hoạt động phải được xác định cụ thể và đo lường được, sử dụng các hình thức đấu thầu giữa các tổ chức của nhà nước và tổ chức tư nhân trong cung cấp dịch vụ công.
Với việc áp dụng nguyên tắc đánh giá hiệu quả cung ứng dịch vụ công theo kết quả đầu ra, các nhà quản lý phải thay đổi sự quan tâm từ vấn đề quy trình, thủ tục, trình tự thực hiện cụ thể sang kết quả đầu ra; thay đổi tư duy từ chỗ chỉ quan tâm đến việc bộ máy hành chính nhà nước chi tiêu như thế nào, sang quan tâm tới vấn đề bộ máy hành chính nhà nước làm được những gì (cung cấp dịch vụ công với số lượng, chất lượng ra sao). Các nhà quản lý được trao quyền chủ động hơn trong quá trình hoạt động để đạt được mục tiêu đã định. Nhà quản lý, ngoài việc quan tâm đến mục tiêu và biện pháp thực hiện, còn phải chú ý đến phản hồi của các nhóm khác nhau để kịp thời điều chỉnh. Xu hướng này còn gắn kết các nhà quản lý với trách nhiệm cá nhân trong việc tạo ra kết quả hoạt động của tổ chức.
Quản lý nhà nước về dịch vụ công ở Nhật Bản
Đặc trưng nổi bật trong quản lý nhà nước về dịch vụ công ở Nhật Bản là xu hướng “trao quyền” - Nhà nước chuyển giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công cho chính quyền địa phương, khu vực tư nhân cũng như khu vực phi lợi nhuận. Trên tinh thần tách chức năng thực hiện chính sách và cung ứng dịch vụ công khỏi các bộ/cơ quan trung ương và thực hiện nguyên tắc tự quản địa phương, các bộ/cơ quan trung ương tập trung xây dựng chính sách, còn chính quyền địa phương được trao thẩm quyền quản lý cung ứng dịch vụ công cho xã hội.
Trên thực tế, ngoại trừ các dịch vụ hành chính công gắn liền với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của Nhà nước do chính quyền địa phương trực tiếp cung ứng, như đăng ký, cấp phép, quản lý dân cư, an sinh xã hội..., nhiều dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích đã được tư nhân hóa mạnh mẽ.
Trong lĩnh vực vận tải công cộng, mạng lưới đường sắt ban đầu được thành lập và vận hành bởi Chính phủ từ những năm 80 thế kỷ XIX. Tuy nhiên, do sức ép cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, mô hình quản lý ngành đường sắt trở nên kém hiệu quả, rơi vào khủng hoảng. Năm 1987, Chính phủ Nhật Bản buộc phải thực hiện giải pháp tư nhân hóa, nhằm khuyến khích cạnh tranh và giảm chi phí hoạt động, qua đó từng bước khôi phục sức sống của ngành đường sắt nhờ đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ(4).
Ngày nay, Nhật Bản là quốc gia sở hữu hệ thống đường sắt hiện đại và hiệu quả bậc nhất trên thế giới, với sự tham gia vận hành của hàng chục công ty đường sắt tư nhân bên cạnh công ty đường sắt quốc gia.
Trong lĩnh vực điện lực, thời điểm sau Chiến tranh thế giới thứ II, ngành điện ở Nhật Bản vẫn là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước ở cả cấp độ sản xuất, truyền tải và bán lẻ với khoảng 10 công ty điện khu vực. Đến năm 2000, thị trường bán điện bắt đầu nới lỏng. Đặc biệt, thảm họa động đất và sóng thần Sendai năm 2011, dẫn đến sự cố rò rỉ lò điện hạt nhân Fukushima, là một cú hích lớn để Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy cuộc cải cách ngành điện. Kết quả, thị trường điện ở Nhật Bản đã trở nên cạnh tranh đầy đủ ở tất cả các cấp độ sản xuất, truyền tải và đặc biệt là bán lẻ từ năm 2016. Hiện tại, người tiêu dùng Nhật Bản có thể lựa chọn mua điện trong số hơn sáu trăm đơn vị kinh doanh bán lẻ điện. Đơn cử, một khách hàng ở Tokyo khi cần mua điện sẽ có hơn hai trăm lựa chọn như vậy(5).
Trong lĩnh vực cấp nước, sau nhiều năm Nhà nước quản lý dịch vụ cấp nước, hệ thống cấp nước bắt đầu xuống cấp, tình trạng thiếu nhân lực cùng với nhu cầu sử dụng nước giảm do quy mô dân số thu hẹp khiến nhiều khu vực, đặc biệt là những địa phương nhỏ, gặp khó khăn ngày càng lớn. Dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy khoảng 30% nhà cung cấp nước trên toàn quốc làm ăn thua lỗ(6). Trước thực tế đó, năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Đạo luật Cấp nước sửa đổi, mở đường cho việc tư nhân hóa lĩnh vực này. Trước những lo ngại rằng Nhật Bản có thể đi theo “vết xe đổ” của những quốc gia từng gánh hậu quả vì tư nhân hóa hệ thống cấp nước(7), theo luật sửa đổi của Nhật Bản, các nhà khai thác tư nhân phải niêm yết giá nước trong ngưỡng được pháp luật quy định. Luật sửa đổi tạo điều kiện cho các địa phương cấp quyền điều hành dịch vụ nước sạch cho doanh nghiệp tư nhân trong thời gian dài thông qua hợp đồng nhượng quyền. Chính quyền địa phương vẫn giữ quyền sở hữu kết cấu hạ tầng, có quyền tiến hành điều tra tại chỗ các công ty tư nhân, yêu cầu họ báo cáo tình hình tài chính và hủy quyền điều hành dịch vụ của các công ty này nếu cần thiết.
Đối với lĩnh vực y tế, Nhật Bản thực hiện bảo hiểm toàn dân bắt buộc, bệnh nhân được quyền lựa chọn bác sĩ hoặc cơ sở y tế mà không cần phải đi khám chữa bệnh theo đúng bệnh viện đăng ký ở thẻ bảo hiểm. Bên cạnh các bệnh viện công, bệnh viện tư, rất nhiều bệnh viện, phòng khám ở Nhật thuộc sở hữu của các công ty phi lợi nhuận. Tất cả các phòng khám đều được quản lý và vận hành bởi các bác sĩ có chuyên môn, trình độ cao.
Đối với lĩnh vực giáo dục, hệ thống giáo dục Nhật Bản hiện hành được thiết lập ngay sau Chiến tranh thế giới thứ II, lấy hệ thống của Mỹ làm kiểu mẫu, bao gồm 9 năm giáo dục bắt buộc (6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở), tiếp theo là 3 năm trung học phổ thông không bắt buộc và 4 năm đại học. Trường học có 3 loại: trường quốc lập do Nhà nước quản lý, trường công lập do địa phương quản lý và trường tư do các tổ chức pháp nhân quản lý. Nếu là trường tiểu học và phổ thông cơ sở công lập, theo nguyên tắc, học sinh sẽ được nhập học trường ở nơi mình sinh sống mà không cần phải thi vào. Còn trường tư thì phải thi và chỉ có thể nhập học nếu thi đậu. Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng chuyển từ chế độ “sách giáo khoa quốc định” sang chế độ “sách giáo khoa kiểm định” và công nhận quyền tự do trong thực tiễn giáo dục của giáo viên.
Về phương thức quản lý dịch vụ công, Nhật Bản nổi tiếng với mô hình quản lý chất lượng toàn diện (Total Quality Management - TQM). Quản lý chất lượng toàn diện được hiểu là một hệ thống có hiệu quả để hợp nhất các nỗ lực về triển khai chất lượng, duy trì chất lượng và cải tiến chất lượng của các bộ phận khác nhau trong một tổ chức sao cho có thể sản xuất và thực hiện dịch vụ một cách kinh tế nhất, thỏa mãn được người tiêu dùng.
Phương thức quản lý theo TQM tập trung vào các quy trình với mục đích phục vụ khách hàng, áp đặt các tiêu chuẩn, xác định vai trò của cá nhân và tổ chức trong việc xây dựng và thực hiện các quy trình, giảm thiểu lỗi trong quá trình thực hiện, kiểm soát quy trình, thống kê, theo dõi, cải tiến bảo đảm các quy trình được thực hiện hiệu quả. TQM thúc đẩy các nhà lãnh đạo tạo nên văn hóa chất lượng trong tổ chức, thúc đẩy sự cải tiến liên tục để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các đơn vị sự nghiệp cung ứng dịch vụ công đa phần tự chủ ngân sách, có cơ chế chi trả thù lao linh hoạt (có thể trả theo tuần, tháng, năm), tự xây dựng chế độ tiền lương (thường phiên từ tiền lương công chức sang). Đối với đơn vị lớn, bộ trưởng (bộ chủ quản) bổ nhiệm người đứng đầu và chánh thanh tra(8).
Quản lý nhà nước về dịch vụ công ở Xinhgapo
Quá trình cải cách quản lý dịch vụ công của Xinhgapo gắn với những giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau của đất nước, chuyển từ nền hành chính gia trưởng, mệnh lệnh sang nền hành chính dân chủ, phục vụ.
Xuất phát điểm là một nước nhỏ, thiếu nguồn lực, nên sau khi độc lập năm 1965, Xinhgapo đã chủ trương chuyển dần dịch vụ công từ khu vực nhà nước sang cho khu vực tư nhân đảm nhiệm; còn nhà nước đóng vai trò điều tiết, dẫn dắt và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực dịch vụ công. Đầu những năm 1980, Xinhgapo tiến hành một cuộc cải cách hành chính lớn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, trong đó tập trung vào những yêu cầu về quản lý tài chính (cắt giảm ngân sách), cân bằng việc hợp tác công - tư (thành lập các ban quản lý độc lập nhằm thúc đẩy tư nhân hóa công bằng), trọng dụng nhân tài và chống tham nhũng quyết liệt.
Chính phủ Xinhgapo thành lập các cục tác nghiệp, chịu sự giám sát của các bộ chủ quản để cung ứng dịch vụ công; theo đó, các cục tác nghiệp được cấp vốn hoạt động thông qua hình thức trợ cấp, phí đại lý, vốn vay hoặc rót vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, các cục tác nghiệp có thể thu phí của người sử dụng đối với các dịch vụ mà họ cung cấp. Từ những năm 1980, Xinhgapo bắt đầu tái cơ cấu, cổ phần hóa các bệnh viện công (có các ban quản lý độc lập với quy định chặt chẽ về tài chính và tiêu chuẩn dịch vụ). Chính phủ Xinhgapo cũng áp dụng hình thức thuê khoán để tiết kiệm ngân sách và giảm biên chế trong các lĩnh vực dịch vụ, như: vệ sinh và quản lý cơ sở, thanh tra môi trường, cảnh sát giao thông...; thành lập ban quản lý khu vực dân cư nhằm thúc đẩy tự quản cộng đồng.
Năm 1991, Xinhgapo thực hiện chương trình đại cải cách trong hành chính nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng công vụ, xây dựng và phát triển chính phủ điện tử. Về cải cách công vụ, Chính phủ Xinhgapo thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có việc áp dụng bộ quy chuẩn ISO 9000 trong bộ máy hành chính, coi đó vừa là công cụ cải tiến lề lối làm việc, vừa là công cụ đánh giá hiệu quả, phân loại công chức.
Năm 1995, Xinhgapo ra mắt Dịch vụ công thế kỷ XXI (viết tắt là PS21) với hai mục tiêu cơ bản: giáo dục thái độ dịch vụ và khuyến khích sự thay đổi, áp dụng công cụ và kỹ thuật quản lý hiện đại, chú trọng tinh thần và phúc lợi công chức. PS21 khuyến khích tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của công chức với quy định hằng năm, mỗi công chức phải có tối thiểu 01 sáng kiến hoặc đề xuất cải thiện các dịch vụ hành chính công, qua đó giúp tiết kiệm được gần 5 tỷ đô la Xinhgapo(9).
Năm 2004, Xinhgapo đề ra chính sách “không có cửa nào là sai cả”, theo đó, trong trường hợp cơ quan nhà nước nhận được thông tin phản hồi không đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan này sẽ xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết và liên hệ với người gửi ý kiến, nếu liên quan đến nhiều cơ quan thì cơ quan tiếp nhận phải chủ trì phối hợp với các cơ quan khác để đưa ra câu trả lời chung(10). Cách tiếp cận này dựa trên tinh thần phục vụ, đặt công dân vào vị trí khách hàng và thúc đẩy trách nhiệm của công chức.
2. Giá trị tham khảo cho Việt Nam
Những kinh nghiệm trong quá trình cải cách quản lý và cung ứng dịch vụ công của các nước gợi mở những giá trị tham khảo cho Việt Nam:
Một là, nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng nhất trong bảo đảm cung cấp dịch vụ công, nhưng không nhất thiết phải là người trực tiếp cung cấp tất cả các dịch vụ đó. Vai trò của nhà nước cần thể hiện rõ hơn trong đẩy mạnh quản lý cung ứng dịch vụ công bằng luật pháp, chính sách và các biện pháp mang tính hỗ trợ, khuyến khích. Nhà nước tạo lập cơ sở pháp lý cho quản lý dịch vụ công, bao gồm cung ứng dịch vụ công và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm và giám sát tính hiệu quả trong cung ứng và tính công bằng trong thụ hưởng dịch vụ công.
Hai là, đa dạng hóa phương thức quản lý đối với cung ứng dịch vụ công của các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước. Nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công đối với những dịch vụ do nhà nước trực tiếp cung ứng, xu hướng hiện nay là áp dụng kinh nghiệm quản lý của khu vực tư nhân như: quản lý theo mục tiêu (MBO), quản lý theo kết quả (MBR), quản lý chất lượng toàn bộ (TQM), quản lý theo hợp đồng (MBC)(11) ... với những biện pháp cụ thể như: chuyển từ cấp phát ngân sách theo đầu vào sang hỗ trợ kinh phí theo đầu ra; giao kế hoạch, đặt hàng và thanh toán dịch vụ theo đơn đặt hàng với đơn vị cung ứng dịch vụ công; phân cấp quản lý và cung ứng dịch vụ công cho chính quyền địa phương.
Ba là, nhằm giảm gánh nặng tài chính cho nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, xã hội hóa cung ứng dịch vụ công ngày càng trở nên phổ biến với nhiều hình thức: nhà nước và nhân dân cùng phối hợp cung ứng dịch vụ công dưới hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác với các tổ chức tư nhân; nhà nước ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ với các nhà cung cấp dịch vụ ngoài nhà nước; nhà nước tạo điều kiện để các tổ chức ngoài nhà nước cùng tham gia cung ứng dịch vụ. Khi đó, cùng một dịch vụ công nhưng do nhiều tổ chức công, tư cùng cung cấp, người dân có thể tự do lựa chọn. Chính phủ chỉ đóng vai trò tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong cung ứng dịch vụ công.
Một số dịch vụ công được nhiều nước tiến hành xã hội hóa đó là: giao thông công cộng (Niu Dilân, Xinhgapo, Nhật Bản...); bưu chính viễn thông (Nhật Bản, Jamaica...). Trong những lĩnh vực dịch vụ công có tính truyền thống của khu vực nhà nước như điện lực, nước sạch, quá trình xã hội hóa cũng đã diễn ra với những cấp độ khác nhau ở nhiều nước, dù chậm hơn so với các lĩnh vực dịch vụ khác (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Malaixia, Philippin...)(12). Ngay cả ở các nhà nước phúc lợi như Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển, hiện nay, việc thúc đẩy cạnh tranh giữa khu vực công và tư đang là một tiêu điểm của các nhà hoạch định chính sách(13).
Bốn là, về nguyên tắc lựa chọn lĩnh vực dịch vụ công để tư nhân hóa/cổ phần hóa. Nhìn chung ở các nước trên thế giới, khu vực tư nhân tham gia ngày càng nhiều vào cung ứng dịch vụ công, nhưng nhà nước vẫn phải trực tiếp cung ứng một số loại dịch vụ công quan trọng, thiết yếu, liên quan đến lợi ích cộng đồng (như cứu hỏa, phòng, chống thiên tai...); đáp ứng các mục tiêu ưu tiên, phục vụ các đối tượng cần sự hỗ trợ (như giáo dục phổ cập, chăm sóc sức khỏe ban đầu...); những dịch vụ đặc thù chỉ có nhà nước mới có thể thực hiện (thuộc nhóm dịch vụ hành chính công như thủ tục đăng ký, cấp phép, các loại giấy xác nhận, chứng thực...).
Tư nhân hóa/cổ phần hóa dịch vụ công chỉ nên được thực hiện với những lĩnh vực dịch vụ có khả năng tính đủ chi phí vào giá dịch vụ, có tích lũy hợp lý cho nhà cung cấp mà vẫn nằm trong khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Có như vậy mới bảo đảm được mức độ sinh lời nhằm thu hút được nhà đầu tư tham gia mua cổ phần cũng như bảo đảm doanh nghiệp tiếp tục hoạt động được sau cổ phần hóa để cung ứng dịch vụ cho người dân.
Ngoài ra, cần phân biệt dịch vụ độc quyền và dịch vụ có cạnh tranh để lựa chọn lĩnh vực tư nhân hóa/cổ phần hóa. Những dịch vụ như nước sạch, hạ tầng đường bộ, cảng biển, sân bay, đường sắt có tính độc quyền tự nhiên rất cao do khách hàng khó có thể thay đổi bên cung cấp dịch vụ và cũng khó có thể có nhiều bên cùng tham gia cung cấp dịch vụ bởi sự lãng phí không cần thiết. Đối với những lĩnh vực mang tính chất độc quyền tự nhiên này, khi thực hiện tư nhân hóa/cổ phần hóa, cần có các biện pháp quản lý mạnh mẽ hơn lĩnh vực đã có thị trường cạnh tranh, nhằm bảo đảm mức giá dịch vụ hợp lý và khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân.
Năm là, về kiểm soát chất lượng dịch vụ công khi thực hiện tư nhân hóa/cổ phần hóa. Ngay cả khi nhà nước chuyển giao một phần việc cung ứng dịch vụ công cho khu vực tư nhân thì nhà nước vẫn có vai trò điều tiết nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ và khắc phục những bất cập của thị trường.
Trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân thường chú trọng đến lợi nhuận nên có xu hướng đẩy cao giá dịch vụ, các loại phí dịch vụ bị điều chỉnh tùy tiện, chất lượng dịch vụ không tương xứng, cơ chế tài chính thiếu minh bạch. Điều đó đặt ra vấn đề về kiểm soát chất lượng đối với các dịch vụ công do khối tư nhân cung ứng cho xã hội(14).
Trách nhiệm của nhà nước là phải ban hành chính sách, quy định tiêu chuẩn, định mức, chất lượng, giá, phí... của dịch vụ công; đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong cung ứng dịch vụ công để kịp thời xử lý những hiện tượng tiêu cực; tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân trong hoạch định chính sách và cung ứng dịch vụ công; hình thành các tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng dịch vụ độc lập theo ngành, lĩnh vực.
Sáu là, bảo đảm sự công bằng trong thụ hưởng dịch vụ công. Chú ý xác định đúng và đủ các đối tượng chính sách xã hội thụ hưởng dịch vụ công để bảo đảm công bằng, hiệu quả; xem xét tình trạng tài chính của các đối tượng thụ hưởng dịch vụ công. Ở châu Âu, sau Chiến tranh thế giới thứ II, nhiều quốc gia tạo điều kiện cho mọi công dân được hưởng các dịch vụ công về y tế, giáo dục, xã hội mà không tính đến thu nhập.
Hiện nay, nhiều quốc gia, đặc biệt ở khu vực Bắc Âu, có hệ thống an sinh xã hội tốt, cũng đang thực hiện cung ứng miễn phí cho toàn dân các dịch vụ cơ bản, thiết yếu. Trong khi đó, dưới áp lực gánh nặng ngân sách và khủng hoảng nợ công, nhiều quốc gia không áp dụng nguyên tắc miễn phí nữa mà đi theo chính sách chọn lựa đối tượng thụ hưởng, tức là chỉ có một số đối tượng như người nghèo, người thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương được hưởng dịch vụ công miễn phí hoặc được hưởng trợ giúp thông qua những hình thức nhất định (giảm phí dịch vụ công, hưởng dịch vụ tối thiểu, học bổng giáo dục, trợ cấp cho các đối tượng chính sách...).
Tuy nhiên, việc xác định tình trạng tài chính của các đối tượng thụ hưởng dịch vụ công không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là ở những nước có khu vực kinh tế phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài ra, nhóm đối tượng có thu nhập trung bình có thể rơi vào tình thế bị “mắc kẹt” khi họ không được hưởng các dịch vụ dành cho đối tượng nghèo nhất, nhưng cũng không thể tiếp cận được dịch vụ trả tiền chất lượng cao vì không đủ khả năng.
Bảy là, việc đổi mới quản lý cung ứng dịch vụ hành chính công ở các nước đều hướng tới làm cho cơ quan hành chính gần dân hơn, tạo sự thuận tiện cho người dân, bảo đảm công khai, minh bạch. Xây dựng tiêu chuẩn về cung ứng dịch vụ hành chính công, coi công dân là khách hàng; cung ứng dịch vụ theo yêu cầu và chú ý đánh giá kết quả hoạt động theo đầu ra, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường sự tham gia và tiếng nói của công dân, tạo điều kiện cho người dân được khiếu nại và giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh và gây áp lực từ bên ngoài để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ.
Phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số được triển khai thông qua những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, dựa trên sự chỉ đạo thống nhất của chính phủ, sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước và sự hiện diện của một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính cho việc phát triển dịch vụ công trực tuyến. Các dịch vụ hành chính công trực tuyến được thiết kế theo hướng lấy người sử dụng làm trọng tâm, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Đó cũng là xu hướng tất yếu trong quản lý nhà nước về dịch vụ công hiện nay.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 542 (tháng 4-2023)
Ngày nhận: 16-3-2023; Ngày bình duyệt: 07-4-2023; Ngày duyệt đăng: 20-4-2023.
(1), (14) Đỗ Anh Đức, Lê Hùng Sơn: Xã hội hóa dịch vụ công ở Việt Nam, https://www.tapchicongsan.org.vn, truy cập ngày 15-3-2023.
(2) Nguyễn Ngọc Khánh: Cổ phần hóa lĩnh vực dịch vụ công: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 7-2021.
(3) Đào Thị Thanh Thủy: Cải cách hoạt động cung ứng dịch vụ công của Chính phủ Hoa Kỳ, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 5-2013.
(4) Việt Lê: Khám phá hệ thống đường sắt hiện đại nhất thế giới, https://www.baosoctrang.org.vn, truy cập ngày 15-3-2023.
(5) Trương Trọng Hiểu: Thị trường điện cạnh tranh, nhìn từ Nhật Bản, https://thesaigontimes.vn, truy cập ngày 15-3-2023.
(6) Ánh Ngọc: Tranh cãi về tư nhân hóa hệ thống cấp nước ở Nhật, https://vnexpress.net, truy cập ngày 15-3-2023.
(7) Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những quốc gia phát triển như Pháp, Đức và Mỹ đã từng trao dịch vụ cấp nước cho các công ty tư nhân, nhưng cuối cùng đã phải lấy lại hệ thống cấp nước do các công ty tư nhân thiếu minh bạch tài chính, tăng giá dịch vụ và chất lượng nước giảm rõ rệt.
(8) Quốc Đạt: Nền hành chính công Nhật Bản:
Cải cách hành chính - Tự chủ là chìa khóa, https://tcnn.vn, truy cập ngày 15-3-2023.
(9), (10) Đặng Thúy Doan: Vai trò của Chính phủ Singapore trong hành trình cải cách dịch vụ công, https://tcnn.vn, truy cập ngày 15-3-2023.
(11), (12) Phạm Thị Hồng Điệp: Quản lý nhà nước đối với dịch vụ công - Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học, Đại học quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, tập 29, số 3-2013, tr.28.
(13) Bùi Tư: Kinh nghiệm cung cấp dịch vụ công của các nước trên thế giới, https://thoibaotaichinhvietnam.vn, truy cập ngày 15-3-2023.
ThS ÂU THỊ TÂM MINH
Viện Nhà nước và Pháp luật,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh