(LLCT) - Phát biểu tại Đại học Nadabaép ngày 7-9-2013 nhân chuyến thăm chính thức Cadắcxtan, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình lần đầu tiên khởi xướng: “Để kết nối chặt chẽ kinh tế, tăng cường hợp tác và mở rộng phát triển trong khu vực Á - Âu, chúng ta nên có một cách tiếp cận sáng tạo và cùng nhau xây dựng một vành đai kinh tế theo con đường tơ lụa”. Một tháng sau, phát biểu trước Quốc hội Inđônêxia, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục đưa ra sáng kiến xây dựng con đường tơ lụa trên biển nhằm đưa kết nối kinh tế - hàng hải đi vào chiều sâu.
Tháng 11-2014, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 22 Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Bắc Kinh, nguyên thủ nước chủ nhà chính thức nêu Sáng kiến Hợp tác “Một vành đai, một con đường”. Liền sau đó, các văn kiện của Đảng và Chính phủ Trung Quốc nhanh chóng công bố nội dung chi tiết của sáng kiến gồm hai bộ phận:
Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa (Silk Road Economic Belt - SREB) được xây dựng dọc theo hành lang Âu - Á trên nền của con đường tơ lụa vốn có trong lịch sử. Đây là một không gian mạng kinh tế bắt đầu từ thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông đi qua 10 thành phố khác của Trung Quốc và kết nối với hàng loạt trung tâm kinh tế - thương mại Âu - Á như: Alma Ata (Cadắcxtan), Bishkek (Kiếcghidia), Samarcanda (Udơbêkixtan), Dushanbe (Tastghikixtan), Teheran (Iran), Ixtambul (Thổ Nhĩ Kỳ), Mátxcơva (Nga), Diusburgo (Đức), Rotterdam (Hà Lan), Venezia (Italia)... và đến các thành phố khác của châu Âu, châu Phi.
Con đường Tơ lụa trên biển (Maritime Silk Road - MSR), còn được gọi là Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (21st Century Maritime Silk Road Economic Belt), là một mạng lưới kinh tế - hàng hải bắt đầu từ thành phố Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, đi qua một số thương cảng phía Nam Trung Quốc, kết nối với các thành phố thuộc các quốc gia Đông Nam Á, qua eo biển Malacca để vươn tới các thành phố phía Tây Ấn Độ Dương, qua Biển Đỏ, Địa Trung Hải..., cuối cùng đến Venezia (Italia) và từ đó tỏa đi Nairobi (Kenia) cũng như một số thành phố khác ở châu Phi.
Như vậy, Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển tạo thành một vành đai, một con đường kết nối Trung Quốc với đại lục Á - Âu và toàn thế giới bằng cả hành lang trên bộ và hành lang trên biển. “Một vành đai, một con đường” tạo ra không gian kinh tế thương mại khổng lồ với dân số 4,4 tỷ người (2/3 dân số toàn cầu), tổng sản phẩm quốc nội hơn 21 nghìn tỷ USD (1/3 GDP thế giới), có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD/năm...
Sáng kiến hợp tác “Một vành đai, một con đường” xác định 5 lĩnh vực kết nối: chính sách, kết cấu hạ tầng, thương mại, tiền tệ và giao lưu nhân dân thông qua các biện pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư; phát triển kết cấu hạ tầng (đường sắt, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển, viễn thông, đường ống dẫn năng lượng và kho vận); hợp tác kinh tế công nghiệp và tiểu khu vực (các khu công nghiệp chủ yếu đặt ở nước ngoài và các hành lang kinh tế); hợp tác tài chính và thúc đẩy quan hệ đối ngoại nhân dân.
Báo cáo của Chính phủ Trung Quốc cũng nêu ra các cổng kết nối cụ thể từ Trung Quốc tới các nền kinh tế:
Khu tự trị Tân Cương ở phía Tây sẽ là trung tâm để kết nối Trung Quốc với các nước khu vực Trung Á, Nam Á và Tây Á; đồng thời, đây cũng là một trong những điểm cuối của hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan.
Tỉnh Hắc Long Giang sẽ trở thành cửa ngõ kết nối Trung Quốc với Mông Cổ và vùng Viễn Đông của Nga, là hành lang giao thông tốc độ cao Á - Âu nối Bắc Kinh với Mátxcơva.
Khu tự trị Tây Tạng sẽ được tận dụng vị trí địa lý đặc thù để kết nối Trung Quốc với Nepal.
Hai khu vực ở phía Tây Nam Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam sẽ là trung tâm kết nối với các quốc gia Đông Nam Á. Thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam sẽ là điểm cuối của Hành lang kinh tế Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar (BCIM)...
2. Cuối năm 2014, Tổ Chỉ đạo Trung ương xúc tiến triển khai “Một vành đai, một con đường” được thành lập và chính thức ra mắt ngày 1-2-2015 do Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ đứng đầu. Cũng vào cuối năm 2014, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình công bố kế hoạch thành lập Quỹ Phát triển với tổng vốn 40 tỷ USD nhằm đầu tư kinh doanh và cung cấp tín dụng cho các dự án liên quan đến “Một vành đai, một con đường”.
Theo quan điểm chính thống của Trung Quốc, Sáng kiến hợp tác “Một vành đai, một con đường” là một dự án mang nội dung thuần túy kinh tế, thương mại, không có nội hàm an ninh, chính trị; không có quốc gia chủ đạo, Trung Quốc là nước khởi xướng và mong muốn thực hiện trách nhiệm lớn hơn; không có thời hạn kết thúc; phi nhất thể hóa, không liên minh thuế quan, không xây dựng khu chế xuất; không loại trừ các quan hệ song phương, đa phương vốn có; vì mục đích cùng nhau hưởng thụ, các bên đều thắng...
Ngày 24-10-2014, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung Quốc, 20 quốc gia đã ký Bản ghi nhớ về việc thành lập Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank - AIIB). Bản ghi nhớ ấn định: ngày 31-3-2015 là thời điểm cuối cùng để các đối tác trên thế giới đăng ký tham gia như chủ thể đồng sáng lập AIIB. Ngày 1-4-2015, Trung Quốc công bố AIIB có 46 đối tác sáng lập với quy mô vốn ban đầu là 100 tỷ USD. Trong 46 thành viên khởi lập, có nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu như: Anh, Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha...; một số đồng minh khác của Mỹ như Hàn Quốc, Ôxtrâylia; các nền kinh tế mới nổi (BRICS: Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi); các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO); các nước ASEAN... Tính đến cuối tháng 4 - 2015, đã có tổng cộng 57 quốc gia tham gia AIIB, trong đó 37 quốc gia thuộc châu Á và châu Đại Dương, 20 quốc gia thuộc châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Các quốc gia đăng ký sau ngày 31-3-2015 sẽ có ít quyền hạn hơn trong quá trình xây dựng bộ văn bản nền móng cho tổ chức và hoạt động của AIIB. Việt Nam công bố tham gia từ ngày 24-10-2014.
Theo thỏa thuận ban đầu, khác với cơ chế hoạt động của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), AIIB sẽ không có thành viên nào có quyền phủ quyết; đồng thời, giá trị của lá phiếu phụ thuộc vào quy mô tổng thu nhập quốc nội (GDP) hoặc tổng thu nhập tính theo sức mua tương đương (PPP) của từng quốc gia, đối tác. Mục tiêu của AIIB không chỉ đơn thuần là đầu tư tiền tệ, mà còn là chuyển giao công nghệ và hướng tới sự phát triển hài hòa giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác.
Đến nay, AIIB chính thức hoạt động như một tổ chức khu vực; một thiết thế tài chính quốc tế do Trung Quốc khởi xướng, có trụ sở tại Thủ đô Bắc Kinh, có Ban Thư ký lâm thời. Mục đích hoạt động của AIIB được xác định là cung cấp tài chính cho các dự án kết cấu hạ tầng ở châu Á. Ngày 24-10-2014 được ghi là thời điểm ra đời của AIIB.
3. Sáng kiến hợp tác “Một vành đai, một con đường”, cũng như AIIB, là sản phẩm của một thế giới toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay và của một hệ thống kinh tế, chính trị quốc tế đang được cấu trúc lại.
Từ vài thập kỷ trở lại đây, nhất là từ cuối thế kỷ XX đến nay, quá trình toàn cầu hóa đem lại cho thế giới nhiều diện mạo địa kinh tế, địa chính trị sinh động, phức tạp. Các vành đai liên kết, các không gian nhất thể hóa, các vòng tròn hội nhập cùng với nhiều mối quan hệ đa phương phong phú liên tục xuất hiện và cũng thường xuyên biến động. Do sự tác động của các tầng nấc hội nhập đa dạng ấy, thế giới ngày càng nhất thể hóa, trong đó các hoạt động kinh tế được tổ chức thành chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trong những hiện thực điển hình của thế giới toàn cầu hóa đương đại, chứa đựng trong mình nhiều không gian liên kết, hội nhập, nhất thể hóa. Xét về quy mô, đầu tiên phải kể đến Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tập hợp 21 nền kinh tế lớn và năng động nhất thế giới, chiếm 40% dân số, đóng góp trên 55% GDP và gần 50% giá trị thương mại toàn cầu. Tiếp đến là Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ làm chủ đạo với tính cách là một hiệp định dẫn đến một khu vực thương mại tự do khổng lồ gồm 12 quốc gia với trên 800 triệu người, chiếm gần 40% GDP thế giới và 30% thương mại toàn cầu; bên cạnh là Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu, tập hợp 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên 3 tỷ người, chiếm khoảng 1/2 thị trường toàn cầu và 1/3 sản lượng kinh tế thế giới. Ở quy mô nhỏ hơn nhưng không kém phần năng động, phải kể đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước, dân số trên 600 triệu người, GDP gần 2 nghìn tỷ USD đang tích cực thành lập Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng chính trị - an ninh và Cộng đồng văn hóa - xã hội. Riêng trên dải lục địa Trung Á, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation - SCO) đã được thành lập năm 2001 bao gồm Trung Quốc, Liên bang Nga, Cadắcxtan, Cưrơgưtxtan, Tastghikixtan và Udơbêkixtan, chiếm 60% diện tích châu Á và 25% dân số thế giới, từ năm 2003 hoạt động như một thiết chế hỗ trợ và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên.
Đặt trong toàn cảnh liên kết đa tầng, đa dạng như trên, Sáng kiến hợp tác “Một vành đai, một con đường” xuất hiện như một sự bổ sung, làm phong phú thêm những mô hình, biện pháp hội nhập quốc tế; tạo thêm một không gian hợp tác cùng có lợi cho các quốc gia, đối tác thành viên.
Nhìn trên phương diện của những chuyển động địa kinh tế và địa chính trị to lớn của thế giới ngày nay, trong đó Trung Quốc nổi lên như cường quốc đang phát triển lớn nhất, sự xuất hiện của Sáng kiến hợp tác “Một vành đai, một con đường” và AIIB được dư luận quốc tế đánh giá như sự kiện tất yếu và tích cực.
Trong nhiều thập kỷ vừa qua, 7 nền kinh tế của nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G7) thường xuyên chiếm lĩnh ngôi vị thống trị toàn cầu, trong đó nền kinh tế Mỹ ở đỉnh chóp. Tình hình bắt đầu thay đổi từ vài năm qua, khi 7 nền kinh tế mới nổi (Emerging economies - E7) bao gồm Trung Quốc, Braxin, Nga, Ấn Độ, Mêxicô, Inđônêxia và Thổ Nhĩ Kỳ vươn lên với tốc độ phi mã. Năm 2014, GDP tính theo PPP của E7 đã vượt G7. Trung Quốc lần lượt vượt qua Đức năm 2008 và Nhật Bản năm 2010 trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. Mặc dù có suy giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng năm 2014 Trung Quốc tiếp tục đứng ở vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với GDP xấp xỉ 10,4 nghìn tỷ USD; là nước đứng đầu thế giới về thương mại và đầu tư: tổng kim ngạch ngoại thương năm 2014 đạt hơn 4.300 tỷ USD, thu hút FDI thực tế đạt 119,6 tỷ USD, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) đạt 102,9 tỷ USD, đóng góp 27% cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, là nước có mức dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới với khoảng 4 nghìn tỷ USD.
Sau gần 40 năm tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, sức mạnh tổng hợp quốc gia được nâng lên rõ rệt, có vai trò, vị trí và ảnh hưởng không thể bỏ qua trong cục diện kinh tế, văn hóa, quân sự, an ninh và chính trị toàn cầu. Trên tầm cao sức mạnh ấy, Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2012) nêu mục tiêu phát triển chiến lược tổng thể là thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” với lộ trình 2 bước: đến năm 2020 “hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả, với tổng lượng GDP và thu nhập bình quân đầu người đều tăng gấp đôi so với năm 2010”; đến năm 2049 “hoàn thành xây dựng Trung Quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa”.
Những thay đổi trong so sánh lực lượng trên bản đồ thế giới là rõ ràng như vậy, nhưng trong thể chế kinh tế, chính trị toàn cầu chưa có sự điều chỉnh tương ứng. ADB vẫn được duy trì và hoạt động như công cụ quyền lực chủ yếu của Mỹ và Nhật Bản: mỗi quốc gia này độc quyền 13% lượng phiếu biểu quyết, trong khi Trung Quốc chỉ có 6%, bất chấp một thực tế rằng riêng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã phát hành lượng vốn cho vay lớn hơn cả ADB; Tổng Giám đốc ADB luôn luôn là người Nhật Bản. Sự phân chia quyền lực tại WB và IMF cũng tương tự như vậy: Mỹ và châu Âu thống trị tuyệt đối; Trung Quốc chỉ vẻn vẹn có 3,65% lượng phiếu. Mặc dù tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2010 tại Xêun (Hàn Quốc), các thành viên chủ chốt của hai tổ chức tài chính, tiền tệ nêu trên đã nhất trí nâng lượng phiếu của Trung quốc lên 6,19%, nhưng do Quốc hội Mỹ không phê chuẩn, nên sự mất cân bằng trong quyền lực tài chính - tiền tệ thế giới tiếp tục tồn tại một cách đầy nghịch lý. WB, IMF, ADB và hàng loạt thiết chế chính trị, an ninh, kinh tế quốc tế được ra đời trong chiến tranh lạnh, như thực tế chứng minh, cần phải được cải tổ, thậm chí thay thế kịp thời bằng các thiết chế mới phản ánh đầy đủ hơn tương quan lực lượng toàn cầu trong một thế giới đang thay đổi mau lẹ, phức tạp hiện nay.
Sáng kiến hợp tác “Một vành đai, một con đường” nói chung và AIIB nói riêng giờ đây không còn là chủ trương, hoạt động chỉ của Trung Quốc, mà đã trở thành ý chí chung của gần 60 quốc gia châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Đại Dương. Mỗi quốc gia đối tác thành viên có thể theo đuổi mục tiêu, lợi ích riêng của mình, vì vậy, Sáng kiến hợp tác “Một vành đai, một con đường” cũng như AIIB hoàn toàn có khả năng trở thành không gian hợp tác cùng có lợi. Hơn nữa, nếu không gian đó hoạt động hiệu quả, hiển nhiên nó sẽ là một trong những nhân tố góp phần làm thay đổi cục diện khu vực và thế giới theo hướng đa cực, đa trung tâm.
___________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2015
PGS, TS Nguyễn Viết Thảo
Phó Giám đốc
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh