(LLCT) - Công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc (từ năm 1978) đã đạt nhiều thành công với mô hình “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”, vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, kiểm soát quân đội mạnh thứ ba thế giới và là quốc gia công nghệ khổng lồ, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc hướng đến đó là: xây dựng một xã hội khá giả vào năm 2021 đúng dịp Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập; tiến tới xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa vào năm 2049 kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ảnh: Đồ họa sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc. Nguồn: tapchinghiencuu.org
Để thực hiện mục tiêu trên, ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (11-2012) và sau đó là Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (3-2013), ông Tập Cận Bình đã đưa ra những ý tưởng lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế như “Giấc mộng Trung Hoa” và đáng chú ý hơn cả là sáng kiến “Vành đai và con đường” (Belt and Road Initiative - BRI).
1. Sáng kiến “Vành đai và con đường” - chiến lược toàn cầu của Trung Quốc trong thế kỷ XXI
Tên ban đầu là “Một vành đai, một con đường” (One Belt, One Road - OBOR) được công bố lần đầu vào năm 2013. Sau đó, từ năm 2016, “Một vành đai, một con đường” được đổi tên thành sáng kiến “Vành đai và con đường”.
Có rất nhiều diễn giải về ý nghĩa địa chiến lược rộng lớn của sáng kiến “Vành đai và con đường”, nhưng về mặt thực tế, có thể được hiểu bao gồm ba sáng kiến liên kết với nhau:
Một là, việc thiết lập “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” (SREB) trên bộ với ba nhánh chính, mục tiêu là hình thành cầu nối Á - Âu và phát triển các hành lang kinh tế Trung Quốc với Mông Cổ, Nga, Trung Á và Đông Nam Á.
Hai là, việc xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” (MSR), nhằm xây dựng các hành lang kinh tế qua Ấn Độ Dương, kết nối Trung Quốc với Nam Á, Trung Đông, châu Phi và Địa Trung Hải.
Ba là, việc hình thành dự án “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” nhằm hướng tới xây dựng một siêu xa lộ thông tin kết nối nước này với châu Âu và châu Phi.
Hai trụ cột đầu tiên của sáng kiến “Vành đai và con đường” là “con đường tơ lụa” trên bộ và “con đường tơ lụa” trên biển, bắt nguồn trong lịch sử, kết nối Trung Quốc với các nước Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Đông Phi và châu Âu. Dọc theo hành lang này, một loạt các dự án cơ sở hạ tầng được thiết lập bao gồm đường ống dẫn dầu, đường bộ, đường sắt và cảng biển, cùng với đó là các khoản đầu tư công nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi. Tham vọng của Trung Quốc là phát triển và hoàn thiện các tuyến đường sắt, đường bộ cùng hệ thống cảng biển, từ đó tạo ra một “vành đai” nối Trung Quốc với các trọng điểm kinh tế Đông Á, Tây Á, Nam Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ; tạo cơ hội kết nối Trung Quốc về hạ tầng và thương mại với các nền kinh tế (chiếm khoảng 40% GDP và 60% dân số thế giới).
Trụ cột thứ ba của sáng kiến “Vành đai và con đường” là “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” được công bố lần đầu trong diễn đàn sáng kiến “Vành đai và con đường” tháng 5-2017, trong đó đưa ra việc lắp đặt tuyến cáp quang dưới biển cung cấp đường truyền internet ngắn nhất giữa các quốc gia châu Á - châu Âu và châu Phi, đồng thời cung cấp “cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến cho các quốc gia tham gia “Vành đai và con đường”, bao gồm mạng băng thông rộng, trung tâm thương mại điện tử và thành phố thông minh”(1).
Tham vọng của Trung Quốc bao gồm xây dựng mạng viễn thông và thành phố thông minh, thương mại điện tử, công nghệ nano, điện toán lượng tử và một hệ thống vệ tinh đa chức năng toàn diện. Kế hoạch chiến lược Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025 (Made in China 2025) đặt mục tiêu thiết lập vị trí lãnh đạo của Trung Quốc trong một loạt các lĩnh vực công nghệ cao. Cùng với đó, sáng kiến Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035 (China Standards 2035) cho thấy Trung Quốc quyết tâm trở thành nhà thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu trong các công nghệ mới nổi bao gồm 5G, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (Internet of Things). Hiện nay, tham vọng của Trung Quốc đối với “Vành đai và con đường” là tập trung vào “năm kết nối và ba cộng đồng” (năm kết nối gồm kết nối về cơ sở hạ tầng, thương mại, tài chính, lòng dân và chính sách, ba cộng đồng gồm cộng đồng cùng quan tâm, cùng định mệnh và cùng trách nhiệm). Để làm được điều này, “con đường tơ lụa kỹ thuật số” là cách cải thiện kết nối khu vực và quốc tế về hạ tầng, thương mại, tài chính và “trái tim của người dân”(2). Trung Quốc kỳ vọng đóng vai trò là nhà hoạch định chính sách và trở thành người đi đầu trong việc xác định cách thức công nghệ sẽ được thương mại hóa trên thị trường toàn cầu(3).
Một khía cạnh khác nữa của “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” là việc Trung Quốc thu thập và sở hữu “Dữ liệu lớn - Big Data” mà nhiều nhà phân tích cho rằng nó sẽ tạo ra một nguồn tài nguyên quốc gia chiến lược quan trọng nhất trong tương lai. Dữ liệu lớn này ngày càng trở thành đối tượng của các cuộc chiến địa kinh tế và địa chính trị, là mối quan ngại lớn, tạo thách thức chiến lược đối với các nước phương Tây cả về an ninh và thương mại.
Ngoài ba trụ cột trên, mặc dù không thường xuyên được thảo luận, “Vành đai và con đường” cũng bao hàm ý nghĩa đối với chính sách không gian, một lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược trong cạnh tranh quốc tế. Trung Quốc coi việc phát triển năng lực vũ trụ để sánh ngang với Mỹ là trọng tâm trong tham vọng vươn lên thành một siêu cường toàn diện về kinh tế và quân sự. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh điều này từ năm 2013: “giấc mơ không gian là một phần của giấc mơ làm cho Trung Quốc mạnh hơn”(4). Năm 2019, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lần phóng vào không gian. Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ năm 2019 đã công bố một báo cáo cho thấy Trung Quốc đã chuẩn bị triển khai vũ khí laser để làm mù các vệ tinh quỹ đạo thấp được trang bị cảm biến(5).
Chương trình không gian của Trung Quốc nhằm củng cố nghiên cứu về truyền thông lượng tử, robot, trí tuệ nhân tạo và hàng không nhằm xây dựng căn cứ trên mặt trăng, khai thác không gian bằng một loạt các vệ tinh dẫn đường, có khả năng hỗ trợ giao thông vận tải trên đất liền và các hành lang hàng hải mà Trung Quốc đang xây dựng.
Với nhiều điều chỉnh chiến lược đối với sáng kiến “Vành đai và con đường”, sau 8 năm thực hiện, sáng kiến này đã đạt được khá nhiều thành tựu trên các phương diện.
Sáng kiến “Vành đai và con đường” ra đời trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động địa chính trị tại nhiều quốc gia lớn, tạo ra thế xoay trục đáng kể trong cán cân thương mại toàn cầu. Những biến động trong quan hệ quốc tế cũng tạo nhiều cơ hội cho Trung Quốc định hình lại “luật chơi” về thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vào ngày đầu nhậm chức năm 2017, Tổng thống Mỹ D.Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Không có vai trò dẫn đầu của Mỹ trong Hiệp định, thỏa thuận thương mại mới sẽ ít đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Trung Quốc lặng lẽ hoan nghênh quyết định của Mỹ rút khỏi TPP và sau đó nêu bật sáng kiến của chính họ, trong đó có “Vành đai và con đường”, nhằm củng cố vị trí trung tâm của trật tự thương mại châu Á. Peter Cai - nhà nghiên cứu tại Viện chính sách quốc tế Lowy nhận xét: “Trung Quốc chính là phương án thay thế cho Mỹ ở vai trò người thúc đẩy toàn cầu hóa. Trong trường hợp này, toàn cầu hóa được lót đường bằng bê tông - với đường sắt, cao tốc, ống dẫn và cảng biển”(6).
Thông qua “Vành đai và con đường”, Trung Quốc đã nỗ lực kết nối với các châu lục, các quốc gia dọc tuyến đường trên tất cả các phương diện như xây dựng hạ tầng, đầu tư thương mại, văn hóa du lịch, an ninh chính trị, quân sự, ngoại giao,... nhằm tạo dựng những hành lang hợp tác kinh tế lớn quan trọng, kết nối Á - Âu, một đầu là vành đai kinh tế Đông Á đầy năng động, một đầu là vành đai kinh tế châu Âu phát triển và ở giữa là các nước có tiềm năng kinh tế lớn.
Với việc đưa ra cơ chế hợp tác rộng mở, nới lỏng các rào cản thương mại, kinh doanh, đầu tư xuyên biên giới, trái ngược với các cơ chế hợp tác “khắt khe” do Mỹ đang đóng vai trò chủ trì, Trung Quốc đã mở rộng và phát triển quan hệ ngoại giao với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, tạo dựng thị trường hướng tâm về Trung Quốc để đẩy lùi sức ép cạnh tranh từ Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ.
Về phía các nước tham gia sáng kiến, một lợi thế dễ nhận thấy là, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động lớn bởi dịch bệnh, chủ nghĩa dân tộc, hoạt động thương mại gặp nhiều khó khăn, “Vành đai và con đường” sẽ giúp cải thiện hạ tầng ở các nước, nhất là các nước đang phát triển, từ đó đẩy mạnh toàn cầu hóa, thúc đẩy đầu tư, thương mại quốc tế.
Tính đến cuối năm 2020, đã có 125 quốc gia ký kết thỏa thuận hợp tác sáng kiến “Vành đai và con đường”, bao gồm cả một số quốc gia châu Âu. Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) ước tính, đến thời điểm năm 2019, Trung Quốc đã chi 200 tỷ USD cho các dự án BRI(7) và dự đoán con số đó có thể tăng lên khoảng giữa 1,2 và 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2027(8). Theo Ngân hàng thế giới, đến năm 2030, việc xây dựng “Vành đai và con đường” dự kiến sẽ giúp 7,6 triệu người trên thế giới thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực và 32 triệu người thoát khỏi mức nghèo vừa phải(9).
Trước nhiều thách thức của dịch bệnh trong năm 2020, một lượng lớn các dự án nước ngoài của Trung Quốc vẫn tiến triển đều đặn, ổn định. Năm 2020, đầu tư trực tiếp phi tài chính vào các nước dọc tuyến đường là 17,8 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước; đầu tư trực tiếp vào các nước dọc tuyến là 18,61 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án đường sắt lớn như Trung Quốc - Lào, Jakarta - Bandung,... đã đạt được những tiến triển tích cực. Trong quý đầu năm 2020, các quốc gia dọc theo “Vành đai và con đường” đã thành lập 1.241 doanh nghiệp mới ở Trung Quốc, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và đầu tư thực tế là 3,25 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm trước 64,6%(10).
Sáng kiến “Vành đai và con đường” cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc thời gian gần đây luôn kêu gọi thúc đẩy phát triển “Vành đai và con đường” chất lượng cao, ngăn ngừa và giải quyết các rủi ro kinh tế - tài chính, đồng thời xây dựng một “Vành đai và con đường” xanh, kiểm soát ô nhiễm, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, song trên thực tế, các quốc gia tham gia đang ngày càng trở nên cảnh giác hơn với các dự án của Trung Quốc.
Các nhà quan sát và phân tích quốc tế nhận định, nhiều mục tiêu của “Vành đai và con đường” có bản chất kinh tế nhằm tiếp cận các thị trường mới, giải quyết vấn đề của Trung Quốc về tăng trưởng quá nóng, dư công suất đối với nhiều ngành công nghiệp nặng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở các nước láng giềng vì lợi ích lâu dài của các thương nhân Trung Quốc hoặc để tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu(11).
Trên khía cạnh chính trị và quân sự, một số nhà phân tích cảnh báo, mục tiêu của “Vành đai và con đường” là nâng cao danh tiếng của Trung Quốc trong khu vực lân cận, bảo đảm các dòng năng lượng đáng tin cậy đến Trung Quốc từ Trung Á và Trung Đông mà hải quân Mỹ không thể cản trở; giành được quyền tiếp cận cảng hoặc các căn cứ quân sự mới, giúp tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc. Đây trở thành mối lo ngại chung và lớn nhất của các nước tham gia “Vành đai và con đường”. Bởi lẽ, ngân sách dành cho quân sự của Trung Quốc tăng liên tục, các cuộc tập trận với tàu chiến, máy bay xuất hiện ngày một dày đặc. Nếu như “Vành đai và con đường” thực chất là chiến lược thâu tóm và bành trướng sức mạnh của Trung Quốc trên khắp châu lục thì cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các siêu cường sẽ là nguy cơ hiện hữu đối với toàn cầu. Trung Quốc sẽ vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước như Mỹ, Ấn Độ, Nga và cả châu Âu. Điều này sẽ chẳng đem lại kết quả tốt đẹp gì đối với cục diện thế giới hiện đại.
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ, xung đột, bất ổn khu vực tại các quốc gia trong phạm vi “Vành đai và con đường” cũng là vấn đề còn tồn tại. Chẳng hạn, việc Trung Quốc không ngừng bồi đắp phi pháp, cải tạo các bãi đá ngầm trong khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; trấn áp hoạt động nghề cá của ngư dân Việt Nam và Philíppin; đưa tầu quân sự vào sát vùng biển của Malaixia,... khiến cho dư luận quốc tế hết sức phẫn nộ.
Ngoài ra, các quốc gia thành viên của “Vành đai và con đường” cũng đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề về chủ quyền quốc gia, thiếu minh bạch, ngoại giao “bẫy nợ”, gánh nặng tài chính không bền vững, rủi ro địa chính trị, môi trường suy thoái.
Tham vọng của Trung Quốc đối với “Vành đai và con đường” là rõ ràng và đại dịch Covid - 19 đã không làm giảm tham vọng của quốc gia này (ở một số khía cạnh, đại dịch này đã tạo ra một số cơ hội trên mặt trận ngoại giao). Đây là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới trải qua đại dịch lớn dẫn tới suy thoái nhưng đây cũng là quốc gia đầu tiên đã khôi phục lại được đời sống kinh tế tương đối bình thường sau khi cố gắng hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đối mặt với đại dịch, Trung Quốc có thể thấy mình ở một vị trí độc nhất để tiếp tục tham vọng kinh tế và chiến lược quốc tế của mình.
2. Cơ hội và thách thức đặt ra với Việt Nam
Trung Quốc triển khai sáng kiến “Vành đai và con đường” đặt ra những cơ hội và thách thức như thế nào với Việt Nam?
Cơ hội hợp tác:
Trong bối cảnh các quốc gia ASEAN rất ủng hộ và chào đón sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc, Việt Nam - với tư cách là một thành viên có vị thế trong ASEAN khó có thể đứng ngoài. Giáo sư David M. Lampton - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế cao cấp (SAIS) thuộc trường Đại học Johns Hopkins nhận xét, sẽ rất bất lợi với Việt Nam nếu không gia nhập “Vành đai” kéo dài từ Côn Minh, Lào, Thái Lan, Malaixia cho tới Xingapo trên đất liền và “Con đường tơ lụa” trên biển(12). Một điều dễ nhận thấy, khi tham gia vào “Vành đai và con đường”, Việt Nam sẽ có cơ hội kết nối, hội nhập khu vực và quốc tế một cách sâu rộng, toàn diện hơn.
Về lĩnh vực kết cấu hạ tầng, trong khi nguồn vốn của Việt Nam còn hạn chế, Việt Nam có cơ hội tranh thủ hợp tác với Trung Quốc trong các dự án nâng cấp, hiện đại hóa các tuyến đường sắt, đường bộ, dịch vụ cảng biển và vận tải biển. Trung Quốc đã thiết lập hàng loạt các dự án tại các nước láng giềng của Việt Nam như dự án đường sắt Viêng Chăn - Côn Minh dài 500km, dự án Băng Cốc - Nakkon với tổng chiều dài 873km tại Thái Lan,... Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ thúc đẩy sự phát triển của Lào, Thái Lan, Campuchia nhưng lợi thế của hạ tầng cứng của Việt Nam sẽ suy giảm khi không có kết nối với các nước trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam có thể bị bỏ lỡ những trọng điểm kinh tế tiềm năng dọc theo “con đường tơ lụa”.
Về lĩnh vực hợp tác tài chính, Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn cho vay ưu đãi từ các định chế tài chính do Trung Quốc “cầm trịch” như AIIB, SF,... để phát triển hạ tầng trong phạm vi “Vành đai và con đường”. Hợp tác tài chính - ngân hàng với Trung Quốc cũng sẽ được mở rộng hơn thông qua các ký kết song phương về trao đổi tiền tệ, mở chi nhánh ngân hàng ở hai nước,...
Về lĩnh vực hợp tác thương mại, du lịch, thông qua việc tiếp cận nguồn vốn phát triển hạ tầng khi tham gia “Vành đai và con đường”, Việt Nam sẽ có cơ hội hội nhập, phát triển mạnh mẽ thương mại, đầu tư với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, duy trì lợi thế cầu nối giao thương trong khu vực châu Á, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc nới lỏng rào cản thương mại, đẩy mạnh mở cửa, thúc đẩy giao thương và du lịch. Đồng thời, Việt Nam cũng có cơ hội gia tăng tiềm năng du lịch trong nước.
Về lĩnh vực đầu tư, việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vốn ra nước ngoài để thực hiện các siêu dự án phục vụ “Vành đai và con đường” sẽ giúp cho Việt Nam có cơ hội hợp tác với Trung Quốc trong nhiều dự án phát triển hạ tầng, đô thị và thương mại(13), Việt Nam có thể tranh thủ nguồn vốn từ quỹ đầu tư và nguồn vốn từ các ngân hàng của Trung Quốc.
Thách thức tiềm ẩn:
Về kinh tế, để phát triển hạ tầng ở Việt Nam, nếu áp dụng hình thức vay vốn từ các định chế tài chính lớn của Trung Quốc, gánh nặng nợ vay và bài toán nợ công sẽ trở thành vấn đề rất đáng lo ngại. Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần tăng cường năng lực quản trị, kiểm tra chất lượng và chi phí của các dự án để tránh tình trạng không kiểm soát được nguồn vốn. Hơn thế, sự thiếu công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu và tính hiệu quả thấp trong các dự án của Trung Quốc cũng là điều cần đặc biệt quan tâm. Thực tế, rất nhiều công trình xây dựng hạ tầng mà Trung Quốc thắng thầu và vay vốn Trung Quốc đã bị đội vốn so với dự toán ban đầu, thậm chí gấp ba đến bốn lần(14). Công nghệ của các dự án thường lạc hậu, các khoản vay trong dự án thường đi kèm với điều kiện sử dụng vật tư và nhân công từ Trung Quốc khiến cho nhân công Việt Nam bị chiếm mất việc làm.
Về an ninh, đối ngoại, “Vành đai và con đường” gây chia rẽ nội bộ ASEAN, tác động bất lợi cho Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc muốn thông qua khuôn khổ hợp tác này thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương với từng nước ASEAN và lôi kéo ngày càng nhiều các nước ASEAN vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình(15).
Hơn nữa, việc Trung Quốc yêu cầu UNESCO công nhận con đường tơ lụa là di sản sẽ bất lợi cho Việt Nam. Trung Quốc có thể sử dụng con đường tơ lụa trên biển như một cách để khẳng định sự hiện diện của mình ở khu vực từ trong lịch sử, cho phép nước này tăng cường hiện diện và đẩy mạnh yêu sách ở Biển Đông(16). Hiện Trung Quốc xúc tiến “con đường tơ lụa trên biển”, đi kèm theo đó là những khoản đầu tư ngân sách xây dựng các công trình khổng lồ, hàng tỷ USD, bồi đắp trái phép các đảo của Việt Nam ở khu vực Biển Đông, tiến hành các cuộc tập trận, kéo tên lửa, bắn đạn thật,... đang trở thành mối đe dọa lớn đối với các nước, trong đó có Việt Nam. Các đề xuất hợp tác song phương mà Trung Quốc đưa ra như Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, Hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương,... nhằm phục vụ cho kế hoạch “Vành đai và con đường” cũng tiềm ẩn những rủi ro về an ninh kinh tế, an ninh biên giới, lãnh thổ đối với Việt Nam.
Về môi trường, các dự án hạ tầng đường sắt, đường bộ và đường thủy trong “Vành đai và con đường” khi được triển khai tại Việt Nam và các nước trong khu vực, vùng biên giới sát Việt Nam nếu như không được quan tâm đúng mức đến “các chuẩn mực về môi trường, các tiêu chuẩn xã hội” sẽ gây ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng.
Như vậy, có thể thấy, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thời cơ và thách thức với tư cách là quốc gia thành viên tham gia vào sáng kiến “Vành đai và con đường”, bởi sáng kiến này nằm trong xu thế liên kết khu vực và hội nhập quốc tế nhưng ẩn sau nó là sự thể hiện “sức mạnh mềm” của Trung Quốc nhằm hướng các nước xoay trục về phía Trung Quốc.
“Vành đai và con đường” chỉ có thể thành công thực sự khi Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình”, đặt nền kinh tế của mình trong nền kinh tế thế giới, dung hòa lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Điều mà các quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) mong đợi đó là, với tư cách một nước lớn có dân số đông nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc sẽ ứng xử có trách nhiệm, tôn trọng luật pháp quốc tế, thực hiện nguyên tắc “hòa bình”, “đôi bên cùng có lợi” chứ không chỉ có Trung Quốc hưởng lợi và “trỗi dậy”.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2021
(1) El Kadi, Tin Hinane, The Promise and Peril of the Digiatal Silk Road, Chatham House, ngày 6-6-2019, https://www.chathamhouse.org.
(2), (3) Dekker, Brigitte, Maaike Okano-Heijmans and Eric Siyi Zhang, Unpacking China’s Digital Silk Road, Clingendael Report, https:// www.clingendael.org, ngày 27-7- 2020.
(4) Aluf, Dale, China’s Space Silk Road reaches Mars and beyond: China’s envisioned cosmic corridor comes into clearer view as competition with the US for galactic supremacy intensifies, Asia Times, 31-7-2020, https://asiatimes.com.
(5) Nakamura, Ryo and Tomoyo Ogawa, US, China and Russia lock horns over weaponization of space, Nikkei, 29-7-2020, https://asia.nikkei.com.
(6), (12) “Vành đai và con đường” - Toàn cầu hóa kiểu Trung Quốc, https://vnexpress.net.
(7) Chatzky, Andrew and James McBride, China’s Massive Belt and Road Initiative, Council on Foreign Relations, Hội đồng Quan hệ đối ngoại, 21-5-2019, https://www.cfr.org.
(8) Morgan Stanley, Inside China’s Plan to create a modern Silk Road, 14-3-2018, https://www.morganstanley.com. (Morgan Stanley, Bên trong Kế hoạch của Trung Quốc để tạo ra Con đường Tơ lụa hiện đại, ngày 14-3-2018, https://www.morganstanley.com).
(9), (10) Dẫn theo: Chung tay xây dựng “Vành đai và con đường” để tìm kiếm sự phát triển toàn cầu, http://ydyl.china.com.cn.
(11) Xem: Chatzky, Andrew and James McBride, China’s Massive Belt and Road Initiative, Council on Foreign Relations, 21-5-2019, https://www.cfr.org.
(13) Xem: Nguyễn Quốc Trường: Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Thực trạng và những vấn đề đặt ra” của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016.
(14) Xem: Những cơ hội và thách thức của sáng kiến “một vành đai, một con đường”, http://hoangsa.net.
(15), (16) Cơ hội và thách thức từ Vành đai và Con đường của Trung Quốc, https://vnexpress.net
TS PHẠM THANH HẰNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh