Thực tiễn

Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi phía Bắc và giải pháp ứng phó

31/05/2024 17:39

(LLCT) - Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Ứng phó với biến đổi khí hậu được Đảng ta đặc biệt quan tâm và có nhiều văn kiện chỉ đạo. Bài viết phân tích tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi phía Bắc; đề xuất giải pháp giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu này là một phần kết quả của đề tài mã số 507.99-2021.03 được Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ.

TS NGUYỄN SONG TÙNG
THS CAO THỊ THANH NGA

Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi phía Bắc và giải pháp ứng phó

Tình hình thời tiết rét đậm, rét hại diễn biến phức tạp khiến nhiều gia súc ở vùng miền núi phía Bắc chết cóng _ Ảnh: cand.com.vn

1. Mở đầu

Khu vực miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, với tổng diện tích là 7,96 triệu ha, phía Bắc và Đông Bắc giáp Trung Quốc; phía Tây và Tây Nam giáp Lào; phía Nam giáp các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình và Thanh Hóa. Khu vực miền núi phía Bắc (MNPB) có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái vùng Bắc Bộ.

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) ở khu vực miền núi phía Bắc diễn ra hết sức phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ khốc liệt, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2010 - 2020, tổng thiệt hại do biến đổi khí hậu, thiên tai ở khu vực miền núi phía Bắc lên tới hơn 16 nghìn tỷ đồng(1).

2. Khái quát đặc điểm tự nhiên, kinh tếkhu vực miền núi phía Bắc

Khu vực MNPB được chia thành 2 vùng là Tây Bắc (gồm các tỉnh Lai Châu, Sơn La và Điện Biên,với độ cao so với mặt biển từ 100-800 m) và Đông Bắc (gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn có độ cao từ 50 -500 m). Nhiệt độ trung bình năm vùng Tây Bắc phổ biến là 21,1⁰C, vùng Đông Bắc là khoảng 21,9⁰C. Lượng mưa trung bình năm vùng Tây Bắc xấp xỉ 1.749mm, vùng Đông Bắc là 1.883 mm. Mùa mưa tại khu vực MNPB kéo dài trong khoảng từ tháng 5 đếntháng 9, trong đó,tháng 6, 7 và 8 có lượngmưa nhiều nhất, riêngtháng 7 có tổng lượng mưa lớn nhất trong năm. Tháng 12, 01 và 02 có lượng mưa ít nhất, trong đó, tháng 12 có tổng lượng mưa nhỏ nhất trong năm(2).

Địa hình khu vực MNPB khá đa dạng và phức tạpvới các đỉnh núi cao, thung lũng sâu và hệ thống sông suối dày; địa hình bị chia cắt và hiểm trở dễ gây lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Người dân khu vực MNPB sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp là chủ yếu.

Về trồng trọt: Với đặc điểm về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu nhiệt đới gió mùa,nóng ẩm, mùa đông lạnh, nên khu vực MNPB có thế mạnh để phát triển cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới. Trong đó, chè là một trong những loại cây được trồng phổ biến và có diện tích lớn nhất cả nước, phân bố nhiều ở các tỉnh:Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng.

Điều kiện khí hậu vùng giáp biên giới của Cao Bằng, Lạng Sơn, vùng núi cao Hoàng Liên Sơn rất thuận lợi cho việc trồng các cây thuốc quý (tam thất, đương quy, đỗ trọng, hồi, thảo quả…)vàcác cây ăn quả như đào, lê, mận. Tổng diện tích trồng cây lương thực có hạt khu vực MNPBkhông nhiều và có xu hướng giảm.Từ“2018-2022 khoảng 3.666,1 nghìn ha; trong đó năm 2022 là 656 nghìn ha, giảm 117,8 nghìn ha so với năm 2018 và giảm 90,7 nghìn ha so với năm 2020”(3).

Hoạt động sản xuất còn manh mún, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối và tình trạng thiếu nước tưới vào mùa Đông nên các lợi thế của khu vực chậm được phát huy, chưa khai thác tối đa được tiềm năng, thế mạnh.

Về chăn nuôi: Khu vực MNPB có nhiều đồng cỏ, chủ yếu trên các cao nguyên có độ cao 600-700 m. Diện tích của các đồng cỏ tuy không lớn, nhưng có thể phát triển chăn nuôi đối với các loại gia súc như trâu, bò, dê, ngựa, trong đó, bò sữa chủyếu được nuôi tập trung ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La). Trâu và bò thịt được nuôi rộng rãi, nhất là trâu. Năm 2022, tổng lượng gia súc của khu vực là5.341,49 nghìn con, tăng 154,11 nghìn con so với năm 2021 nhưng giảm 824,13 nghìn con so với năm 2018. So sánh giữa các tỉnh trong khu vực, Sơn La là tỉnh có số lượng gia súc nhiều nhất với 1.041,2 triệu con. Số lượng gia súc thấp nhất khu vực là tỉnh Bắc Kạn với 212,95 nghìn con(4).

Mặc dù có lợi thế về đồng cỏ nhưngdiện tích không lớn, do đó,hình thức chăn nuôi chủ yếu vẫn nhỏ lẻ; phần lớn theo phương thức truyền thống, tập quán thả rông, tận dụng thức ăn tại chỗ;chưa chủ động được thức ăn và con giống; chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh nhưng phát triển chưa bền vững, trâu bò bị chết do rét và dịch vẫn diễn ra hàng năm.

Về lâm nghiệp: Khu vực MNPB chủ yếu là đất lâm nghiệp, tổng diện tích rừng của các tỉnh khu vực MNPB có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Năm 2022, tổng diện tích rừng của khu vực đạt gần 4,6 triệu, chiếm 31,1% diện tích rừng trên cả nước(5). Tuy nhiên, chất lượng rừng nhìn chung thấp, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở một số địa phương trong khu vực còn nhiều yếu kém, cháy rừng vẫn diễn ra trên diện rộng.

Với những đặc điểm trên cho thấy, khu vực miền núi phía Bắc là khu vực dễ bị tổn thương bởi thiên tai và các tác động tiềm tàng của BĐKH do đa phần cộng đồng dân cư nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

MNPB cũng là một trong những vùng có tỷ lệ nghèo cao trong cả nước. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, 10 tỉnh miền núi phía Bắc có tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là hơn 465 nghìn hộ(6).

3. Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp

Đối với trồng trọt

Một là, làm suy thoái đất và giảm diện tích đất canh tác

Thiên tai có xu hướng ngày càng cực đoan và BĐKH ảnh hưởng nặng nề hơn đến sản xuất nông nghiệp. Quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do BĐKH. Bên cạnh đó, chất lượng đất sản xuất cũng bị suy giảm do bị xói mòn, thoái hóa và cạn kiệt chất dinh dưỡng. Theo số liệu từ Cục Khoáng sản Việt Nam năm 2021, kết quả điều tra tại khu vực MNPB, có tới 4.286,52 ha bị xói mòn, 4.894,38 ha bị khô hạn và 2.738 ha bị suy giảm độ phì.

Hai là, làm giảm năng suất cây trồng

BĐKH làm thay đổi quy luật thủy văn của các dòng sông, gây nên hiện tượng hạn hán,nắng nóng, lượng bốc hơi lớn hơn lượng mưa nhiều lần,làm cây trồng khô héovà có hiện tượng chết hàng loạt. Đối với sản xuất nông lâm nghiệp, nhiều loại thiên tai tồi tệ nhất, xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn, với tần suất và quy mô ngày càng lớn hơn, gây nhiều thiệt hại và kéo dài.

Trong những tháng đầu năm 2023, tình trạng khô hạn kéo dài tại nhiều tỉnh MNPB, nhiều hồ chứa nước nhân tạo tại các khu vực vùng cao đã cạn nước, rơi vào tình trạng “trơ đáy” trong nhiều tháng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, tính đến cuối tháng 5-2023, trong số 4/11 huyện, thành phố đã có hơn 2.000 ha lúa, ngô, đậu tương, lạc, rau vụ xuân bị nắng nóng, khô hạn, ảnh hưởng đến năng suất.

Tại tỉnh Bắc Kạn, có khoảng 880 ha lúa thiếu nước nghiêm trọng; hơn 600 ha ngô cùng một số diện tích cây công nghiệp ngắn ngày khác cũng bị ảnh hưởng do hạn hán với các mức độ thiệt hại từ giảm 40% năng suất đến mất trắng(7). Tại Tuyên Quang, hàng nghìn ha ngô đối mặt với nguy cơ giảm năng suất, thậm chí mất mùa.

Rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá cũng đã trở thành mối lo ngại thường trực ở vùng MNPB. Các loại thiên tai này thường diễn ra vào tháng 11 đến tháng 3 năm sau, với trung bình khoảng 5-15 đợt ở hầu hết các tỉnh MNPB, không chỉ gây ảnh hưởng lớn sức khỏe con người, mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp. Điển hình, đợt rét đậm rét hại năm 2008 ở MNPBđã phá hủy khoảng 100.000 ha lúa, gần 140.000 con trâu bò, ước tính tổng thiệt hại do đợt rét này lên đến 30 triệu USD(8). Đợt rét đậm, rét hại, băng giá ở mức lịch sử diễn ra từ ngày 23đến 27-1-2016 ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại nghiêm trọng về cây trồng, vật nuôi, ước tính thiệt hại khoảng 15.700 tỷ đồng(9).

Mưa bão, lũ quét, sạt lở đất xảy ra với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất và đời sống. Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chỉ từ ngày 22đến 24-4-2020, trên địa bàn các tỉnh trung du, MNPB có mưa rất to, kèm theo giông, lốc, sét, mưa đá, lũ và sạt lở đất đã làm 1.504,6 ha lúa và hoa màu bị đổ, dập nát (trong đó Lào Cai 1.110,3 ha, Hà Giang 634,2 ha, Bắc Kạn 68,6 ha, Cao Bằng 2,9 ha, Yên Bái 167,7 ha, Sơn La 96,3 ha, Tuyên Quang 29 ha, Lai Châu 4,3 ha, Hòa Bình 254,8 ha, Điện Biên 6,4 ha,…)(10).

Ba là, BĐKH làm cho sâu bệnh phát sinh và gây hại trên cây trồng, dẫn đến giảm năng suất, đặc biệt là ngô và lúa là những cây trồng chịu tác động rõ rệt nhất. Ngô được xem là cây màu phổ biến, là nguồn thu nhập chính của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, diện tích ngô ở nhiều địa phương đã bị thiệt hại do xuất hiện một số loại sâu bệnh mới phá hoại. Điển hình như sâu keo mùa thu, là loài sâu mới xuất hiện ở Việt Nam từ đầu năm 2019, có khả năng di trú xa, gây hại mạnh trên cây ngô và nhiều loại cây trồng khác. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ tháng 5 đến tháng 7-2019, sâu keo đã gây hại cho 3.300 ha ngô tại tỉnh Điện Biên và hơn 700 ha ngô tại tỉnh Lạng Sơn(11).

Đối với chăn nuôi

BĐKH đã gây ra thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của gia súc, gia cầm, đặc biệt là rét đậm, rét hại vào mùa Đông gây chết hàng loạt gia súc, gia cầm. Tại Lai Châu, năm 2016, ảnh hưởng của thiên tai và BĐKH đã làm 4.734 con gia súc, gia cầm bị chết (trong đó có 2.487 con gia súc, 2.247 con gia cầm)(12). Tại Lào Cai, năm 2021 số gia súc, gia cầm bị chết do thiên tai và BĐKH là 1.626 con (1.330 con gia cầm; 8 con lợn; 288 con trâu, bò, ngựa,...)(13); năm 2022 là 4.401 con gia súc, gia cầm bị chết (3.662 con gia cầm; 124 con lợn; 615 con trâu, bò, ngựa, dê)(14). Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, năm 2023 đã xảy ra 16 đợt thiên tai, gây thiệt hại 2.301 ha diện tích sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, 4.641 con gia súc, gia cầm bị chết… Ước tính thiệt hại khoảng 420 tỷ đồng(15).

Ngoài ra, BĐKH góp phần nảy sinh và gia tăng một số bệnh mới đối với gia súc, gia cầm, thậm chí phát triển thành dịch hay đại dịch như: cúm gia cầm; tai xanh, lở mồm long móng ở lợn, trâu và bò.

Đối với lâm nghiệp

Khi nhiệt độ tăng cao, lượng mưa giảm và thời tiết khô hanh là hiểm họa, nguy cơ cháy rừng. Bên cạnh đó, hoạt động canh tác nương rẫy theo lối truyền thống của người dân đã gây ra nhiều vụ cháy rừng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích rừng bị cháy của khu vực MNPB trong năm 2022 là 326,52 ha, trong đó tỉnh có diện tích rừng bị cháy nhiều nhất là Lai Châu với 200,79 ha.

Do điều kiện khí hậu biến đổi theo chiều hướng xấu đi nên các loài sâu bệnh, côn trùng phát triển, lây lan nhanh,gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái, nhất là loại rừng trồng trong khu vực. Theo kết quả điều tra sâu bệnh hại cây lâm nghiệp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai,4 tháng đầu năm 2018, do diễn biến bất thường của thời tiết khiến một số đối tượng dịch hại phát sinh gây hại mạnh trên những cánh rừng thuần loài như: Trên cây mỡ, ong ăn lá hại với mật độ phổ biến 3-5 con/cành, diện tích nhiễm 150 ha. Bọ cánh cứng hại cục bộ trên cây quế 2-4 năm tuổi với mật độ phổ biến 2 con/cành, diện tích nhiễm 10 ha; bệnh phấn trắng hại cây quế 2-5 tuổi với tỷ lệ phổ biến 10% cành, diện tích nhiễm 100 ha(16).

4. Quan điểm của Đảng và Nhà nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững khu vực miền núi phía Bắc

BĐKH ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Những ngành bị tổn thương lớn nhất là nông nghiệp, thủy sản, du lịch...; đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân ở khu vực miền núi và ven biển.Trước tác động của biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng đề ra các chủ trương, biện pháp ứng phó, thích ứng. Hội nghị Trung ương 7 khóa XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường,qua đó, khẳng định sự coi trọng đặc biệt vấn đề biến đổi khí hậu, nhấn mạnh sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm quốc tế, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung toàn cầu.

Đại hội XIII củaĐảng nhận định, BĐKH sẽ gay gắt, phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển của đất nước, từ đó xác định: “Chủ động thích ứng với BĐKH, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh” là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát huy thế mạnh, tiềm năng, tạo đột phá trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố vai trò “phên dậu” và “lá phổi” đối với đất nước của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian tới.

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01-8-2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó nhấn mạnh, Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có diện tích rừng lớn, tỷ lệ che phủ rừng cao và rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng, kể cả trong lịch sử bảo vệ đất nước và hiện tại. Bảo vệ và phát triển rừng hay giữ được rừng là giữ được đất và nước, giữ được môi trường sinh thái, bảo đảm được quốc phòng, an ninh.

Chương trình hành động đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có việc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số vào phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh và tiềm năng của vùng; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản; tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và thích ứng với BĐKH.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 04-5-2024),với quan điểm phát triển là tăng cường quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng, khoáng sản, đất và nước, coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trung tâm trong các quyết định phát triển vùng. Đặc biệt coi trọng bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái, an ninh nguồn nước, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên; chủ động ứng phó với thiên tai, thích ứng với BĐKH. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản, tuần hoàn, hiệu quả cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm có thương hiệu đặc thù và các sản phẩm OCOP chất lượng cao. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung với quy mô thích hợp gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

5. Giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậuđến sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi phía Bắc

Giải pháp chung:

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về vấn đềBĐKH; quan điểm của Đảng ta về chủ động thích ứng với BĐKH. Nâng cao nhận thức của người dân về các tác động tiềm tàng của BĐKH, qua đó, giúp định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với BĐKH.Lồng ghép các vấn đề ứng phó với BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Giải pháp cụ thể:

Một là, đối với trồng trọt

Quy hoạch phát triển hợp lý các loại cây trồng theo hướng bền vững. Ứng dụng công nghệ sinh học để cải thiện nguồn giống, loài, tăng khả năng thích nghi với môi trường. Nghiên cứu các loại giống phát triển nhanh,khả năng kháng bệnh tốt; bảo tồn, phát triển các loại cây trồng bản địa kết hợp nghiên cứu lai tạo để có được các loại cây trồng phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và có hiệu quả kinh tế cao.

Ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số để ứng phó với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp như: các kỹ thuật tưới tiết kiệm (tưới sương mù, tưới phun gốc, tưới nhỏ giọt), trồng cây trong nhà lưới, nhà kính... Các biện pháp đó ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, còn phòng ngừa, giảm thiểu tác hại, ổn định phát triển sản xuất nông nghiệp trong điều kiện BĐKH.

Tập trung khắc phục tình trạng hạn hán bằng việcxây dựng hệ thống thủy lợi dẫn nước về tới thôn, bản; tăng cường xây dựng, cải tạo các công trình trữ nước để phục vụ tưới chống hạn vào mùa khô; tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ (phân xanh, phân chuồng, phân ủ); sử dụng chất thải nông nghiệp (rơm, rạ,…) che phủ để tăng khả năng giữ ẩm, tăng độ phì cho đất và hạn chế khả năng bốc hơi nước; áp dụng trồng xen canh, trồng cây che bóng hoặc trồng cây che phủ đất để giữ ẩm cho đất.

Sử dụng có hiệu quả đất canh tác, đa dạng hóa cây trồng bằng các loại dược liệu; cây ăn quả ôn đới thích nghi hạn và có giá trị kinh tế cao; có thị trường bao tiêu sản phẩm ổn định gắn với phát triển doanh nghiệp nông nghiệp và hợp tác xã.

Hai là, đối với chăn nuôi

Nghiên cứu lựa chọn giống, loài vậtnuôi có khả năng kháng bệnh cao và thích nghi với điều kiện nóng, lạnh cực đoan;tích hợp công nghệ khí sinh học (biogas) trong chăn nuôi nhằm quản lý các chất thải chăn nuôi hiệu quả; sử dụng nguồn thức ăn chất lượng cao, sẵn có tại địa phương nhằm quản lý chất lượng thức ăn; tăng cường các giải pháp phòng tránh và xử lý các dịch bệnh, chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó đối với các hiện tượng khí hậu cực đoan cho đàn vật nuôi (hỗ trợ chuẩn bị tốt thức ăn dự trữ cho đàn gia súc vào mùa Đông, cứng hóa chuồng trại,phòng chống rét cho đàn vật nuôi; cho gia súc lớn khi có rét đậm, rét hại, đặc biệt tại các khu vực vùng cao).

Ba là, đối với lâm nghiệp

Chọn tạo, phát triển các loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao, có khả năng chịu được biên độ dao động lớn của nhiệt độ, khả năng chịu rét, chịu hạn;tập trung quản lý rừng bền vững nhằm giảm thiểu mức độ tổn thương cho các hệ sinh thái và gia tăng độ che phủ của rừng; nâng cao chất lượng rừng; thực hiện nghiêm quy định chi trả dịch vụ rừng, hệ sinh thái rừng nhằm bảo vệ nguồn nước; xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch quản lý và phòng, chống cháy rừng, sâu bệnh hại rừng; phục hồi rừng; có phương án giảm thiểu thiệt hại về rừng do cháy rừng gây ra.

6. Kết luận

BĐKH ngày càng có những biểu hiện rõ nét,đặc biệt là khu vực MNPB, đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của khu vực này và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững khu vực MNPB với tầm nhìn là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần có những giải pháp ứng phó và giảm thiểu tác động của BĐKH, đặc biệt là đối với sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân; cần có các giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả để phát triển bền vững. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sản xuất và đời sống.

Ngày nhận bài: 22- 5-2024; Ngày bình duyệt: 24 -5- 2024; Ngày duyệt đăng: 31-5-2024.

(1) Xem: VH: Quá trình giảm nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị tác động bởi biến đổi khí hậu, https://dangcongsan.vn, ngày đăng 7-3-2024.

(2) Xem: Bộ Tài nguyên và Môi trường: Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia, Nxb Tài nguyên môi trường và Bản đồ Việt Nam, 2021.

(3), (4), (5) https://www.gso.gov.vn

(6) Xem Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Quyết định số 71/QĐ-LĐTBXH ngày 19 tháng 01 năm 2023 về Công bố kết quả ràsoát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 -2025.

(7)XemKhô hạn kéo dài lo ngô mất trắng, https://laodong.vn, ngày đăng 3-5-2023.

(8) Xem Oxfram International in Vietnam, Climate change, adaptation and the poor, 2008.

(9) Xem Biến đổi khí hậu làm giảm hiệu quả giảm nghèo ở miền núi phía Bắc, https://baotainguyenmoitruong.vn, ngày đăng 29-2-2024.

(10) Xem Minh Ngọc: Thiên tai gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, https://qpt.org.vn, ngày đăng 24-4-2020.

(11) Xem Khánh Thi: Sản xuất nông nghiệp ở miền núi trước biến đổi khí hậu: Gánh nặng trong sản xuất, https://baodantoc.vn, ngày đăng 17-9-2021.

(12) Xem UBND tỉnh Lai Châu: Báo cáo số 06/BC-PCTT ngày 29 tháng 4 năm 2017 về Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, 2017.

(13) Xem UBND tỉnh Lào Cai: Báo cáo số 02/BC-BCH ngày 19 tháng 4 năm 2022 về Tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai năm 2021; Phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, 2022.

(14) Xem UBND tỉnh Lào Cai: Báo cáo số 78/BC-BCH ngày 13 tháng 4 năm 2023 về Tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai năm 2022; Phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, 2023.

(15) Xem UBND tỉnh Yên Bái: Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 26/3/2024.

(16) Xem Lưu Hòa: Lào Cai Phòng trừ sâu bệnh hại cây lâm nghiệp, https://khuyennongvn.gov.vn, ngày đăng 9-4-2018.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi phía Bắc và giải pháp ứng phó
    POWERED BY