Diễn đàn

Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với cơ cấu xã hội giai cấp công nhân Việt Nam

20/11/2024 21:22

(LLCT)- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều biến đổi xã hội trong công nhân lao động, với sự gia tăng của lao động có trình độ cao và lao động trong lĩnh vực dịch vụ, thúc đẩy sự dịch chuyển lao động từ các ngành nghề truyền thống sang các ngành nghề mới, đòi hỏi trình độ cao hơn. Từ đó dẫn đến sự thay đổi về quy mô, chất lượng lao động cũng như cơ cấu xã hội của giai cấp công nhân thời gian qua.

PGS, TS HOÀNG THỊ NGA
TS VŨ THỊ BÍCH NGỌC

Trường Đại học Công đoàn

Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam_Ảnh: TTXVN

1. Mở đầu

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra nhiều biến đổi sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và lao động, trong đó có giai cấp công nhân, đòi hỏi sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong xác định các chủ trương, ban hành chính sách về lao động cũng như tổ chức các hoạt động công đoàn nhằm hỗ trợ và phát triển mạnh mẽ vai trò giai cấp công nhân - lực lượng lao động chính trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Một trong những điểm quan trọng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là khả năng tự động hóa và tự tối ưu hóa của các hệ thống sản xuất, giúp giảm thiểu sự can thiệp của con người, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning) cho phép các hệ thống sản xuất không chỉ hoạt động theo các quy tắc đã lập trình sẵn mà còn tự học hỏi, phân tích dữ liệu lớn để đưa ra các quyết định thông minh hơn. Điều này không chỉ làm tăng năng suất mà còn mở ra cơ hội để phát triển các mô hình kinh doanh mới, từ sản xuất dựa trên nhu cầu thời gian thực đến các dịch vụ hậu mãi được cá nhân hóa.

Ngoài ra, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc kết nối và chia sẻ dữ liệu, tạo ra một môi trường sản xuất liên kết toàn cầu, nơi mà thông tin được truyền tải và xử lý tức thì giữa các hệ thống khác nhau trên toàn thế giới. Sự kết nối này giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích đó là những thách thức to lớn về an ninh mạng, bảo mật dữ liệu và việc duy trì lực lượng lao động đủ trình độ để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao. Những đặc trưng, yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động làm biến đổi về quy mô, chất lượng lực lượng lao động nói chung, cơ cấu xã hội giai cấp công nhân nói riêng.

2. Biến đổi cơ cấu xã hội giai cấp công nhân dưới ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa X, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam. Nghị quyết xác định giai cấp công nhân Việt Nam là: i) lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển; ii) những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp. Trong đó, tiêu chí quan trọng nhất để xác định người lao động thuộc giai cấp công nhân, đó là những lao động công nghiệp, trực tiếp sản xuất hoặc tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp.

Biến đổi cơ cấu xã hội của giai cấp công nhân là một bộ phận trong biến đổi xã hội, biến đổi cơ cấu giai tầng xã hội ở nước ta. Đó là sự thay đổi so với trước, khác trước về cách thức tổ chức xã hội của giai cấp công nhân, cơ cấu các nhóm xã hội công nhân, tính chất, mức độ quan hệ xã hội của giai cấp công nhân.

Biến đổi cơ cấu xã hội giai cấp công nhân theo tiêu chí ngành, nghề, thành phần kinh tế

Giai cấp công nhân Việt Nam hiện đang làm việc ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, các thành phần kinh tế, trực tiếp tham gia vận hành và sản xuất vật chất chủ yếu của xã hội. Hiện cơ cấu giai cấp công nhân nước ta trong các ngành kinh tế, gồm: ngành công nghiệp, chế tạo (51,33%); ngành xây dựng (9,24%); thương mại, dịch vụ (27,92%); vận tải (4,63%); các ngành khác (6,88%)(1).

Về thành phần kinh tế, công nhân hiện nay tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp tư nhân trong nước (58,14%), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (35,25%) và doanh nghiệp nhà nước (6,61%)(2). Sự gia tăng về số lượng của giai cấp công nhân ở Việt Nam trong những năm qua chủ yếu do sự phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch của các thành phần kinh tế, trong đó có sự đóng góp lớn của thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Đây là khu vực có số lượng công nhân tăng lên nhanh chóng.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, giai cấp công nhân đã có sự tăng trưởng nhanh về số lượng. Nếu năm 2009, giai cấp công nhân là hơn 8,92 triệu người(3), chiếm 10,2% dân số và 18% lực lượng lao động xã hội(4), thì đến năm 2022, bộ phận giai cấp này đã tăng lên hơn 15,3 triệu người(5), chiếm 15,3% dân số và 29,3% lực lượng lao động toàn xã hội(6).

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh, công nhân khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, ngược lại, số lượng công nhân khu vực doanh nghiệp nhà nước lại có xu hướng giảm.

Năm 2009, số công nhân trong doanh nghiệp nhà nước là gần 1,74 triệu người (19,45%), trong doanh nghiệp ngoài nhà nước là gần 5,27 triệu người (59,03%) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1,91 triệu người (21,52%)(7).

Đến năm 2022, số công nhân trong doanh nghiệp nhà nước là hơn 1 triệu người (6,55%), doanh nghiệp ngoài nhà nước là hơn 9 triệu người (59,20%) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gần 5,3 triệu người (34,25%)(8). Công nhân thuộc các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm do sự sắp xếp lại cơ cấu, tiến hành cổ phần hóa.

Công nhân thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh do tác động của quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng nên số lượng các doanh nghiệp này tăng nhanh.

Sự đa dạng trong cơ cấu giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, ngoài sự tác động của chính sách kinh tế nhiều thành phần, còn có sự tác động do chuyển dịch cơ cấu ngành nghề.

Bảng 1. Cơ cấu giai cấp công nhân theo các ngành kinh tế năm 2009 và 2022

Ngành kinh tế
2009
2022
Số lượng (người)
Tỷ lệ (%)
Số lượng (người)
Tỷ lệ (%)
Tổng
8.921.535
100
15.341.632
100
Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản
376.169
4,2
215.312
1,4
Khai khoáng
201.705
2,2
144.842
0,9
Công nghiệp chế biến, chế tạo
4.131.096
46,3
7.653.794
49,9
Sản xuất và phân phối điện, khí đốt…
121.252
1,3
146.599
0,9
Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải
64.138
0,7
117.472
0,7
Xây dựng
1.371.982
15,4
1.351.124
8,8
Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy
1.120.931
12,6
1.989.292
13,0
Vận tải, kho bãi
438.047
4,9
730.433
4,8
Dịch vụ lưu trú và ăn uống
178.657
2,0
352.071
2,3
Thông tin và truyền thông
186.831
2,1
391.156
2,5
Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
196.685
2,2
464.207
3,0
Kinh doanh bất động sản
65.945
0,7
240.687
1,6
Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ
218.904
2,6
470.009
3,0
Hành chính, dịch vụ hỗ trợ
156.548
1,7
659.238
4,3
Giáo dục và đào tạo
28.569
0,3
169.704
1,1
Y tế, trợ giúp xã hội
19.044
0,2
143.919
0,9
Nghệ thuật, vui chơi, giải trí
29.417
0,3
60.011
0,4
Hoạt động dịch vụ khác
15.615
0,1
41.761
0,3

Nguồn: Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2010, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.191-196; Niên giám thống kê 2023, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.405-410.

Số liệu Bảng 1 cho thấy, từ năm 2009 đến năm 2022, số lượng công nhân trong các doanh nghiệp về nông, lâm nghiệp, thủy sản, khai khoáng và xây dựng giảm; ngược lại, số lượng công nhân trong các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ tăng nhanh. Điều này cũng phản ánh đúng những tác động của bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội của thế giới và trong nước.

Bảng 2. Lao động đang làm việc phân theo ngành kinh tế các năm 2001, 2010, 2019, 2022.

2001
2010
2019
2022
Số lượng (Triệu người)
Tỷ lệ (%)
Số lượng (Triệu người)
Tỷ lệ (%)
Số lượng (Triệu người)
Tỷ lệ (%)
Số lượng (Triệu người)
Tỷ lệ (%)
Tổng số
38,562
100
49,048
100
48,64
100
51
100
Nông nghiệp
24,469
62,7
23,896
48,7
14,81
30,5
14,1
27,6
Công nghiệp - xây dựng
5,555
14,5
10,629
21,7
14,46
29,7
17
33,3
Dịch vụ
8,538
22,8
14,523
29,6
19,37
39,8
19,9
39,1

Nguồn: Niên giám thống kê các năm 2001, 2011, 2020, 2022 (9).

Số liệu Bảng 2 cho thấy, cơ cấu lao động biến đổi theo xu hướng giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp từ 62,7% (năm 2001) xuống còn 48,7% (năm 2010) và 27,6% (năm 2022); quy mô lực lượng lao động giảm 10,369 triệu người (từ 24,469 triệu người năm 2001 giảm còn 14,1 triệu người năm 2022).

Cơ cấu lao động có xu hướng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ: tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ tăng lên từ 22,8% (năm 2001) lên 29,6% (năm 2010) và 39,1% (năm 2022). Trong giai đoạn 2010 -2022, số lượng lao động ngành này tăng 5,377 triệu người, chủ yếu là lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, vận tải kho bãi, thương mại điện tử, kinh doanh bất động sản…

Biến đổi cơ cấu xã hội giai cấp công nhân theo tiêu chí trình độ học vấn, trình độ chuyên môn

Dưới sự tác động của điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, hội nhập quốc tế, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, “chất lượng, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của công nhân ngày càng được nâng cao; quá trình trí thức hóa công nhân, nhất là công nhân trẻ trở thành xu thế khách quan tất yếu”(10). Trong thời kỳ đổi mới, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến quan trọng. Hiện nay, giai cấp công nhân Việt Nam là lực lượng xã hội to lớn với khoảng 14,8 triệu người, chiếm hơn 14% dân số và hơn 29% lực lượng lao động toàn xã hội(11). Giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, một bộ phận có trình độ học vấn và chuyên môn cao, tham gia ở những lĩnh vực sản xuất vật chất phức tạp, với hàm lượng trí tuệ kết tinh trong sản phẩm chất lượng cao trong các lĩnh vực điện tử, dầu khí, viễn thông, điện lực, cơ khí tự động, công nghiệp chế biến, công nghệ hóa học, công nghệ sinh học và các lĩnh vực công nghệ cao khác.

Cơ cấu theo tiêu chí trình độ học vấn, trình độ chuyên môn của giai cấp công nhân biến đổi theo xu hướng giảm tỷ lệ công nhân lao động có trình độ trung học phổ thông, tăng tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học. Tỷ lệ công nhân lao động có trình độ trung học phổ thông giảm từ 88,4% (năm 2009) xuống 43% (năm 2018). Trong khi đó, tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng tăng mạnh từ 7,7% (năm 2009) lên 33,5% (năm 2018). Có sự biến đổi này là do sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề, hệ thống giáo dục đại học và sau đại học, tạo cơ hội cho công nhân lao động được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, qua đó đã góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay, 90% công nhân trong các doanh nghiệp có trình độ trung học cơ sở và trung học phổ thông, trong đó khoảng 50% là trung học phổ thông. Trong tổng số lao động nước ta có khoảng 26,4% lao động đã qua đào tạo, trong đó 15,6% lao động có trình độ cao đẳng, đại học(12). Cơ cấu theo trình độ công nghệ, chỉ tính riêng trong ngành chế biến, chế tạo, công nhân có trình độ công nghệ cao chiếm 21,87%, công nhân có trình độ công nghệ trung bình chiếm 14,68%(13).

Như vậy, kinh tế - xã hội càng phát triển, đặc biệt là sự ra đời và phát triển của kinh tế tri thức, kinh tế số, đã tác động làm cho bộ phận công nhân trình độ thấp, lao động giản đơn ngày càng giảm, thay vào đó là bộ phận công nhân trí thức với trình độ học vấn và chuyên môn cao ngày càng tăng. Dự báo tỷ lệ công nhân trí thức có trình độ học vấn và chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên sẽ tăng nhanh và chiếm khoảng 35-40% tổng số công nhân vào năm 2030(14).

Biểu 2: Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn, nghề nghiệp
các năm 2009, 2014, 2018

Đơn vị: %

Nguồn: Tổng cục thống kê năm 2009, 2014, 2018

Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2020 về kiến thức, trình độ, chuyên môn của người lao động trong xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy, trong các ngành thâm dụng lao động, tỷ lệ người lao động có trình độ trung học phổ thông là 66,2%, trình độ trung học cơ sở là 31,5% và trình độ tiểu học là 2,3%. Tỷ lệ công nhân ngành may mặc, điện tử và da giày có trình độ chuyên môn, tay nghề cũng thấp hơn các ngành nghề khác: lao động chưa qua đào tạo là 56,5%, lao động có trình độ trung cấp là 22,4%, có trình độ cao đẳng là 10,6% và có trình độ đại học là 10,5%(15).

Đến năm 2021, tổng số lao động làm công hưởng lương trong các loại hình doanh nghiệp ở nước ta có khoảng 24,5 triệu người, trong đó công nhân, lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%, tương đương 14% số dân và 27% lực lượng lao động xã hội. Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, chính trị của giai cấp công nhân ngày càng được cải thiện. Số công nhân có tri thức, nắm vững khoa học - công nghệ tiên tiến đã tăng lên. Hình thành lớp công nhân trẻ có trình độ học vấn, văn hóa, được đào tạo nghề theo chuẩn nghề nghiệp, được rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại, phương pháp làm việc ngày càng tiên tiến.

Bên cạnh trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cũng là yếu tố quan trọng giúp người lao động thích ứng trước xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, các kỹ năng mà người lao động cần có gồm: kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng quản lý con người, kỹ năng hợp tác, đàm phán; kỹ năng tìm kiếm, chăm sóc khách hàng; kỹ năng lãnh đạo, quản lý; kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp; kỹ năng kinh doanh, giao tiếp, ra quyết định. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ người lao động đáp ứng được yêu cầu của các kỹ năng trên còn rất hạn chế. Trước yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ, đòi hòi nguồn nhân lực chất lượng cao thì chất lượng giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và kỹ năng nghề nghiệp của người lao động nói riêng vẫn còn nhiều bất cập.

Như vậy, trình độ nghề nghiệp của công nhân những năm gần đây tuy có tăng hơn nhưng nói chung tốc độ tăng còn tương đối chậm, chưa theo kịp đòi hỏi của thị trường lao động, chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Biến đổi cơ cấu xã hội giai cấp công nhân theo tiêu chí vùng, miền

Cơ cấu xã hội của giai cấp công nhân Việt Nam có sự biến đổi giữa các vùng kinh tế, địa phương.

Bảng 3. Cơ cấu giai cấp công nhân phân theo vùng miền năm 2009 và 2022

Khu vực địa lý – kinh tế
2009
2022
Số lượng (người)
Tỷ lệ%
Số lượng (người)
Tỷ lệ %
Tổng
8.921.535
100
15.341.632
100
Đồng bằng sông Hồng
2.665.659
29,9
5.210.612
34,0
Trung du và miền núi phía Bắc
478.526
5,4
1.002.115
6,5
Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung
1.071.787
12,0
1.831.015
11,9
Tây Nguyên
226.326
2,5
230.108
1,5
Đông Nam Bộ
3.342.308
37,4
5.339.210
34,8
Đồng bằng sông Cửu Long
667.346
7,5
1.279.491
8,3
Không xác định
469.583
5,3
449.081
3,0

Nguồn: Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2010, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.197-198; Niên giám thống kê 2023, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.385.

Số liệu Bảng 3 cho thấy, nhìn chung số lượng công nhân ở các vùng miền đều tăng. Trong đó, số lượng công nhân tăng nhanh nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là các tỉnh, thành phố thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Công nhân vùng trung du và miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 tăng gấp đôi so với năm 2009. Tuy nhiên tỷ lệ này có xu hướng giảm ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên trong cùng giai đoạn.

Những phân tích trên cho thấy tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm biến đổi cơ cấu xã hội giai cấp công nhân trên nhiều phương diện, trong đó nổi bật nhất là:

Thứ nhất, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy sự hình thành của một tầng lớp công nhân kỹ thuật cao, những người không chỉ tham gia vào các hoạt động sản xuất mà còn làm nhiệm vụ vận hành, bảo trì và cải tiến các hệ thống công nghệ phức tạp. Tầng lớp này thường có trình độ học vấn cao, được đào tạo chuyên sâu về công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các hệ thống sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó, khi công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, rôbốt hóa, tự động hóa ngày càng trở nên phổ biến trong các ngành công nghiệp, người công nhân càng cần phải có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về công nghệ, từ vận hành hệ thống tự động đến lập trình và quản lý dữ liệu. Sự phát triển này đang dần thay đổi cấu trúc lao động với nhu cầu ngày càng cao về lao động kỹ thuật cao trong sản xuất và dịch vụ.

Thứ hai, đội ngũ công nhân truyền thống, đặc biệt là những người lao động trong các ngành công nghiệp sản xuất đang phải đối mặt với sự suy giảm về số lượng. Các công việc lặp đi lặp lại, dần bị thay thế bởi máy móc và rôbốt, dẫn đến tình trạng thất nghiệp hoặc chuyển đổi nghề nghiệp bắt buộc đối với nhiều công nhân. Hậu quả là nhiều công nhân truyền thống, vốn thiếu kỹ năng hoặc trình độ để thích ứng với các yêu cầu mới, đang bị đẩy ra vòng ngoài của thị trường lao động. Sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến mức thu nhập và an sinh xã hội của họ, mà còn làm giảm vai trò của tầng lớp công nhân truyền thống trong cấu trúc lao động hiện đại. Điều này dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng trong xã hội và tạo ra nhiều thách thức cho cả người lao động và các chính sách kinh tế, xã hội của quốc gia.

Thứ ba, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng góp phần làm gia tăng bất bình đẳng xã hội trong nội bộ giai cấp công nhân. Những người có khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ mới sẽ có cơ hội phát triển, trong khi những người không theo kịp sự thay đổi có thể bị bỏ lại phía sau, đối mặt với tình trạng thất nghiệp kéo dài và mất vị thế trong xã hội. Nói cách khác, những công nhân có trình độ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu, đang được hưởng lợi từ các cơ hội việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn và môi trường làm việc hiện đại. Những công nhân truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm hoặc bị đẩy vào các vị trí công việc ít ổn định và có thu nhập thấp hơn.

Sự phân hóa này không chỉ gây ra sự bất bình đẳng về kinh tế mà còn kéo theo những bất bình đẳng xã hội khác, bao gồm sự hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, và phúc lợi xã hội. Tầng lớp công nhân có kỹ năng, trình độ kỹ thuật cao dần trở thành một tầng lớp mới trong xã hội, trong khi những công nhân truyền thống phải đối mặt với sự không ổn định trong thị trường lao động. Từ thực tiễn này đòi hỏi phải có những chính sách can thiệp hiệu quả từ chính phủ và tổ chức lao động để bảo đảm mọi người lao động đều có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ những tiến bộ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Như vậy, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ đến cơ cấu giai cấp công nhân đã tạo ra những biến đổi cơ cấu xã hội của giai cấp công nhân so với trước đây về tính chất và mức độ quan hệ xã hội của các nhóm công nhân.

4. Kết luận

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mang lại những thay đổi to lớn đối với cơ cấu giai cấp công nhân, không chỉ làm thay đổi bản chất của công việc mà còn tái định hình cấu trúc giai cấp. Sự xuất hiện của tầng lớp công nhân kỹ thuật cao, sự suy giảm của công nhân truyền thống và sự gia tăng của bất bình đẳng xã hội là những xu hướng chính. Trong bối cảnh đó, giai cấp công nhân cần thích ứng thông qua việc nâng cao kỹ năng, tìm kiếm các mô hình lao động mới, đồng thời vai trò của tổ chức công đoàn cần được phát huy mạnh mẽ để có những hỗ trợ kịp thời, hiệu quả đối với lực lượng này.

Giải pháp để có thể thích ứng với những thay đổi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trọng tâm là có xây dựng chiến lược đào tạo, đào tạo lại và nâng cao kỹ năng của công nhân, đặc biệt là các kỹ năng liên quan đến công nghệ số, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Công nhân cần tham gia các khóa đào tạo, học tập suốt đời, để không chỉ đáp ứng yêu cầu hiện tại mà còn sẵn sàng cho những thay đổi trong tương lai. Ngoài ra, công nhân cũng cần phát triển các kỹ năng mềm như tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, và kỹ năng giải quyết vấn đề - những yếu tố quan trọng trong môi trường lao động hiện đại.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong hỗ trợ công nhân. Công đoàn cần điều chỉnh và thích nghi với tình hình mới, bằng cách bảo vệ quyền lợi của công nhân trong các ngành nghề mới. Bên cạnh đó cần củng cố, nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn chuyên trách, quan tâm, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, kỹ năng trong hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, bản lĩnh tâm lý, tác phong công tác của công nhân lao động.

_________________

Ngày nhận bài: 27-8-2024; Ngày bình duyệt: 5-9-2024; Ngày duyệt đăng: 19-11-2024.

Email tác giả: ngaht@dhcd.edu.vn

(1), (2), (5), (8), (11), (12), (13) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2022, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.415, 412, 385, 404, 393, 179, 541.

(3), (7) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2010, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.191, 190.

(4) Tổng hợp dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê trong Niên giám thống kê 2010.

(6) Tổng hợp dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê trong Niên giám thống kê 2023.

(9) Vương Phương Hoa: Thực trạng lực lượng lao động ở Việt Nam hiện nay, https://tapchitaichinh.vn/thuc-trang-luc-luong-lao-dong-o-viet-nam-hien-nay.html

(10), (14) Bùi Đình Bôn: Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, Nxb Lao động, Hà Nội, 2022, tr.146, 147.

(15) Trần Tố Hảo: “Chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp”, https://laodongcongdoan.vn/nang-cao-ky-nang-nghe-nghiep-cho-nguoi-lao-dong-66331.html

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với cơ cấu xã hội giai cấp công nhân Việt Nam
    POWERED BY