(LLCT) - Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chịu sự tác động lớn của yếu tố luật tục. Luật tục của đồng bào một mặt đang tác động tích cực thúc đẩy quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở, mặt khác cũng đang tác động tiêu cực, kìm hãm quá trình này. Bài viết khái quát một số yếu tố trong luật tục của đồng bào đang tác động tiêu cực đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó đề xuất một số vấn đề cần được giải quyết nhằm thực hiện tốt hơn dân chủ ở cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ, mã số: B.23-07.
TS LÊ XUÂN HOA
Học viện Chính trị khu vực III
Luật tục vốn là sản phẩm của xã hội cổ truyền, xã hội mang tính “khép kín”... Mặc dù hiện nay, đồng bào các DTTS Tây Nguyên đã có những sự thay đổi nhất định, không còn là xã hội “khép kín” như trước, song ảnh hưởng của luật tục truyền thống của đồng bào đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở còn rất lớn. Vấn đề đặt ra là, làm sao để có thể kết hợp hài hòa, có sự hỗ trợ, bổ sung của luật pháp nhà nước với luật tục của đồng bào các DTTS. Cho nên, luật tục của đồng bào cũng cần được xem xét trên cả hai phương diện: tích cực lẫn tiêu cực trong quá trình thực hiện luật pháp nói chung và dân chủ ở cơ sở nói riêng.
2. Những tác động tiêu cực của luật tục đến thực hiện dân chủ ở cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Tây Nguyên là vùng cao nguyên rộng lớn, gồm 5 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum nằm ở phía Tây - Nam Trung Bộ Việt Nam, có diện tích 54.641km2 (chiếm 16,5% diện tích cả nước). Vùng đất này có sự hiện diện đầy đủ 54 thành phần dân tộc sinh sống với dân số 5.842.681 người. Trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số là 2.199.879 người chiếm 37,7% dân số toàn vùng.
Trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở trong vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên đã chịu sự tác động lớn của yếu tố luật tục. Một mặt, các yếu tố truyền thống của luật tục như tính tự quản, tính cộng đồng, truyền thống đoàn kết, hòa hợp, gắn bó lâu đời trong lịch sử tác động tích cực thúc đẩy quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở. Mặt khác, các yếu tố lối sống khép kín, chủ nghĩa bình quân, quyền lực chính trị kết hợp với thần quyền và tộc quyền, yếu tố văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng trong luật tụctác động tiêu cực, kìm hãm quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Qua khảo sát thực tế ở 05 tỉnh Tây Nguyên: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum với 500 mẫu điều tra (bao gồm nội dung phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm và bảng hỏi); đối tượng phát phiếu hỏi là đồng bào các dân tộc thiểu số; đối tượng phỏng vấn sâu là người hoạt động không chuyên trách các buôn, làng. Kết quả khảo sát về mức độ tác động của luật tục đến đời sống hàng ngày và đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở cho thấy: luật tục có sự tác động đến đời sống hàng ngày ở mức độ rất nhiều là 14,0%; nhiều là 31,7%, và có 42,7% số người được hỏi trả lời có tác động bình thường và 11,6% đánh giá không tác động đến đời sống hàng ngày. Đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, thì có đến 52,3% cho rằng không có tác động, 26% đánh giá mức tác động bình thường, 21,7% cho là những luật tục có tác động nhiều và rất nhiều.
Biểu đồ 1: Đánh giá của người dân về tác động của luật tục đến đời sống hàng ngày và đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Tây Nguyên (%)
Một là, lối sống khép kín, chủ nghĩa bình quân trong luật tục tác động tiêu cực đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở
Phương thức sinh sống theo kiểu “chọc lỗ, tra hạt”, khai thác tự nhiên là chính đã tạo tiền đề cho một xã hội theo kiểu tự quản, khép kín ra đời. Phương thức ấy đã tạo nên chủ nghĩa bình quân, và là đặc điểm nổi bật của sản xuất tự nhiên, tự túc, tự cấp, kinh tế hàng hóa chưa phát triển. Sản xuất cốt phục vụ cho mình đủ ăn, đủ dùng. Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu, rộng, hội nhập giữa các quốc gia, cũng như giữa các vùng lãnh thổ trong một quốc gia, đòi hỏi con người cần phải thay đổi cách thức sản xuất, từ sản xuất mang tính thủ công và dựa vào thiên nhiên như trước đây sang sản xuất hàng hóa. Phương thức sản xuất lạc hậu đã làm cho đời sống một bộ phận không nhỏ đồng bào các DTTS Tây Nguyêncòn nhiều khó khăn so với nhiều vùng khác. Hơn nữa, tính chất khép kín, tự cung, tự cấp đã làm cho các buôn, làng bị tách biệt, cô lập với các vùng khác.
Bên cạnh đó, thói quen trong phân phối sản phẩm theo kiểu bình quân lợi ích cũng đã làm nảy sinh trong một bộ phận đồng bào DTTS lối suy nghĩ “làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu”, thiếu ý thức “cầu tiến”, “cạnh tranh”, sức ỳ đó là một trong những nguyên nhân làm cho đời sống kinh tế của đồng bào chậm phát triển. Nó như một lối suy nghĩ cố hữu, tồn tại và bám rễ trong đồng bào DTTS thuần nông, đã trực tiếp kìm hãm sự phát triển dân chủ ở cơ sở. Bình quân trong tư tưởng của đồng bào DTTS là sự chia đều, sự cào bằng, không còn sự phân biệt trong cống hiến và hưởng thụ. Tư tưởng bình quân là một rào cản lớn đối với sự phát triển, bởi nó làm thui chột mọi nhân tố kích thích phát triển, làm suy giảm và mất đi động lực bên trong của sự phát triển. Tính chủ động, sáng tạo, tích cực của từng cá nhân bị kìm hãm bởi phương thức bình quân trong phân phối lợi ích. Người có năng lực, người giỏi sẽ suy giảm nhiệt tình và sự sáng tạo; người kém và lười biếng thì ỷ lại. Tâm lý này dẫn đến sự trì trệ trên mọi mặt đời sống của đồng bào.
Lối sống khép kín, tự quản, không giao lưu học hỏi dẫn đến sự tồn tại của những hủ tục nặng nề ở một số vùng DTTS Tây Nguyên. Hủ tục tồn tại cũng đồng nghĩa với sự lạc hậu về tư duy, làm cho những ứng xử trong quan hệ cộng đồng, xã hội của đồng bào chưa bắt kịp với điều kiện xã hội mới. Sự phân hóa giai cấp chưa sâu sắc và sự phát triển chậm về mặt xã hội đã dẫn đến một thực trạng đó là: tính chất dân chủ nhân ái của đồng bào các DTTS có nhiều điểm chưa phù hợp với nền dân chủ hiện đại, với các thiết chế về tự do, bình đẳng. Bản chất thuần phác của đồng bào dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Trong khi đó, thực hiện dân chủ ở cơ sở phải gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, hướng tới mục tiêu chung: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Hạn chế trong nhận thức và sức ỳ trong tâm lý là rào cản lớn hạn chế quyền làm chủ của đồng bào, khả năng đóng góp ý kiến, bàn bạc, kiểm tra, giám sát..., trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Hai là, quyền lực chính trị kết hợp với thần quyền và tộc quyền trong luật tục tác động tiêu cực đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở
Trong đồng bào DTTS Tây Nguyên, quyền lực chính trị thường kết hợp với thần quyền và tộc quyền. Trong điều kiện hiện nay, do sự giao lưu văn hóa giữa đồng bào ở Tây Nguyên với các vùng còn hạn hẹp, thiếu thông tin..., trong chừng mực nhất định đã hạn chế dân chủ và tự do, thiếu động lực sáng tạo của cá nhân. Điều này có thể dẫn đến hành vi sai lầm của một số cá nhân.
“Phép vua thua lệ làng” là thực tế thể hiện rất rõ sức mạnh của luật tục trong cộng đồng các DTTS Tây Nguyên. Ưu điểm của luật tục là có thể điều chỉnh những mối quan hệ mà pháp luật khó có thể với tới, thì đây cũng là nhược điểm lớn của luật tục. Vì sức ảnh hưởng của luật tục còn lớn, nên để điều chỉnh những nội dung còn lạc hậu, chưa tiến bộ (trái với ý chí của nhà nước và pháp luật) trong luật tục là một công việc khó khăn đối với Đảng và Nhà nước ta.
Thực tế, luật tục được hình thành qua quá trình lịch sử, nhiều thế hệ đã bám rễ trong đời sống cộng đồng. Trong cộng đồng các DTTS Tây Nguyên, sức ảnh hưởng và chi phối của luật tục còn rất lớn. Vì vậy, để điều chỉnh hay xóa bỏ những luật tục cổ hủ, lạc hậu ra khỏi đời sống xã hội của đồng bào thì Nhà nước, chính quyền cần có một quá trình lâu dài, “mưa dầm thấm lâu” để người dân tự giác từ bỏ các điều lệ trái với pháp luật mà không thể ép buộc, cưỡng bức người dân từ bỏ những luật tục ấy. Đảng, Nhà nước ta luôn áp dụng chính sách vận động, tuyên truyền xóa bỏ những luật tục lạc hậu, cổ hủ và đã đạt được những kết quả nhất định. Song, quá trình này vẫn cần tiếp tục thực hiện để sao cho luật tục chính là một bản “luật pháp” dễ nhớ, dễ hiểu, được nhân dân tự giác chấp hành.
Bên cạnh đó, nhiều bản luật tục còn tồn tại những hạn chế như: nhiều luật tục còn sơ sài về nội dung, sao chép, chưa thể hiện được đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như phong tục, tập quán, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa riêng của mỗi thôn, buôn, làng mà là ý chí của một bộ phận tộc người gắn với thần quyền và tộc quyền… Do đó, giá trị định hướng hành vi chưa cao, chưa cụ thể, ảnh hưởng tiêu cực tới việc phát huy cao nhất dân chủ ở cơ sở.
Ba là, yếu tố bảo thủ, phản tiến bộ của văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng quy định trong luật tục tác độngtiêu cực đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở
Khi nghiên cứu luật tục của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, không thể không đề cập đến nội dung văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào. Đây cũng là yếu tố hiện hữu khá rõ nét trong luật tục của đồng bào nơi đây. Đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào là một lĩnh vực phong phú và sinh động, được thể hiện rất cụ thể và chi tiết trong luật tục của từng vùng dân tộc. Từ tục lệ cưới hỏi, tang ma, thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần linh, kiêng kỵ… đến các hình thức tín ngưỡng khác. Những điều này chi phối mạnh mẽ đời sống. Sự đối lập giữa các giá trị và quy định của luật tục và các nguyên tắc dân chủ có thể gây ra sự xung đột và căng thẳng trong cộng đồng. Điều này có thể làm giảm tính ổn định và tạo ra những khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận, dân chủ trong triển khai các hoạt động cụ thể của cộng đồng và ra quyết định.
Những quy định của luật tục đã ràng buộc con người vào một khuôn khổ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng khép kín, theo thói quen truyền từ đời này sang đời khác. Bên cạnh mặt tích cực, tạo nên những gam màu văn hóa, tín ngưỡng đa dạng cho sự phát triển của văn hóa, tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu của con người thì ở khía cạnh khác, một số tập tục văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào đang đi ngược với những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và dân chủở cơ sở, cản trở sự phát triển, tiến bộ, văn minh của cộng đồng.
Thờ cúng thần linh trong đồng bào DTTS trên địa bàn Tây Nguyên cũng được quy định chặt chẽ trong luật tục. Con người phải cúng lễ cầu mong sự che chở. Hàng năm vào dịp tháng Giêng, tháng Hai, người Thái có tục thờ thần nước ở các văng nặm (vực nước) và thờ thần rừng, thần thổ địa tại các khu rừng cấm “đông sựa” của bản hay của cả mường; một số nơi còn có tục thờ thần co nghịu (cây gạo) hay cọ bạ (cây đa), tục thờ khoăn khạu (hồn lúa), khoăng ná (hồn ruộng)… Ở phương diện nào đó, việc thần linh hóa tự nhiên này đã góp phần bảo vệ tự nhiên, bảo vệ rừng và các tài nguyên khác khỏi sự tàn phá vô ý thức của con người.
Kiêng kỵ cũng được đồng bào DTTS Tây Nguyên chú trọng. Những kiêng kỵ thường liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất của người xưa. Với niềm tin: Cứ tuân theo những kiêng kỵ thì mọi việc sẽ tốt đẹp, niềm tin đó trở thành sức mạnh giúp họ vượt qua những khó khăn và bất trắc hàng ngày.
Mặc dù những điều này tuy là nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng gắn bó lâu đời với người dân, nhưng đánh giá dưới góc độ tiến bộ xã hội thì nó thể hiện sự lạc hậu, cổ hủ. Đặc biệt, nó là lực cản, thậm chí đi ngược lại mục đích hướng tới của dân chủ ở cơ sở. Do đó, quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở vùng đông bào các DTTS Tây Nguyêngặp không ít khó khăn.
3. Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn, tác động tiêu cực từ luật tục đến quá trình thực hiện dân chủ trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Một là, nhận thức về luật tục, về dân chủ cơ sở và tác động của luật tục đối với thực hiện dân chủ ở cơ sở của đồng bào DTTS, cán bộ lãnh đạo, quản lý còn hạn chế nên việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn chưa hiệu quả
Để thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở gắn với phát huy yếu tố tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của luật tục thì đòi hỏi đồng bào phải nhận thức đầy đủ và đúng đắn về dân chủ ở cơ sở cũng như cái hay, cái đẹp trong luật tục có thể áp dụng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và cái gì lạc hậu, hạn chế cần xóa bỏ. Tuy nhiên, đồng bào DTTS nhận thức về những vấn đề này chưa được đầy đủ. Đa số đồng bào nắm bắt luật tục thông qua truyền miệng, thông qua các cuộc họp triển khai ở buôn làng, chưa được tiếp cận bản giấy, chưa hiểu thật sâu sắc các nội dung của nó. Hơn nữa, quá trình thực hiện luật tục cũng thường theo thói quen, theo tiền lệ “trước làm sao, sau làm vậy” mà chưa chú ý vận dụng từng nội dung, điều khoản vào những công việc cụ thể.
Đặc biệt khó khăn khi đưa quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở vào thực hiện là nhận thức, sự hiểu biết của đồng bào DTTS hạn chế, một phần do trình độ hạn chế, một phần do nội dung của dân chủ ở cơ sở khó hiểu đối với họ, một phần nữa do công tác tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào DTTS chưa phù hợp... Do vậy, khi triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở, các nội dung của QCDC chưa được thực hiện đầy đủ. Chính từ điều này, nên chủ yếu người dân vẫn hoạt động theo khuôn khổ của luật tục (như một thói quen khó thay đổi) mà không thực hiện các nội dung của QCDC ở cơ sở.
Đây là vấn đề đặt ra, đòi hỏi trong thời gian tới, cần nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về tính hai mặt của luật tục, về QCDC ở cơ sở và tác động của luật tục đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn.
Hai là, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đa số đồng bào DTTS Tây Nguyên còn khó khăn, những yếu tố tiêu cực của luật tục còn tồn tại trong đời sống của người dân đã tác động đến việc thực hiện ở cơ sở
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu từ đánh giá của cán bộ, công chức, cán bộ lãnh đạo địa phương về sự hạn chế về điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội:
Biểu đồ 2: Đánh giá của cán bộ công chức về các yếu tố tác động đến thực hiện dân chủ cơ sở ở Tây Nguyên
Thang điểm từ 1 đến 5
Nguồn: Kết quả khảo sát của đề tài, 2023
Điều này cho thấy, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là cơ sở, nền tảng để thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điều kiện kinh tế phát triển cao, trình độ văn hóa, dân trí cao, các vấn đề xã hội được bảo đảm, thì dân chủ trong đời sống xã hội được phát huy, quyền làm chủ của con người càng được đảm bảo. Tuy nhiên, ở vùng đồng bào DTTS Tây Nguyên hiện nay đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân còn nhiều hạn chế. Sản xuất kinh tế mặc dù có bước đột phá phát triển ở một số địa bàn với nhiều mô hình phát triển kinh tế gắn kết công -nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,… nhưng về cơ bản, đồng bào các DTTS Tây Nguyênvẫn sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nông nghiệp mang tính tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ, phương thức sản xuất lạc hậu, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Hiện nay ở Tây Nguyên, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao trong đó đặc biệt vùng đồng bào DTTS. Đời sống văn hóa, xã hội của đồng bào DTTS có nhiều hạn chế, khó khăn; mức độ hưởng thụ văn hóa thấp, những nơi vùng sâu, vùng cao thậm chí còn “thiếu, đói” văn hóa; điều kiện giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch sinh hoạt còn thiếu thốn… Đây là cơ sở cho sự tồn tại của những tập tục, luật tục lạc hậu, tác động tiêu cực đến việc thực hiện dân chủở cơ sở của đồng bào DTTS nơi đây.
Ba là, vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc thực hiện dân chủ gắn với phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của luật tục còn nhiều hạn chế, bất cập
Qua khảo sát từ nhóm nghiên cứu:
Biểu đồ 3: Đánh giá của cán bộ, công chức về các yếu tố tác động đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Thang điểm từ 1 đến 5
Nguồn: Kết quả khảo sát của đề tài, 2023.
Từ kết quả khảo sát có thể thấy: Thực hiện dân chủ ở cơ sở là từ hai phía: người dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là cấp chính quyền ở cơ sở. Trong mối quan hệ này, không chỉ là giải quyết mối quan hệ giữa người dân với chính quyền (đây là mối quan hệ cơ bản nhất), mà còn phải giải quyết nhiều mối quan hệ khác như: Quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, giữa lợi ích và trách nhiệm; quan hệ giữa công dân với Nhà nước (chính quyền), giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng; quan hệ giữa dân chủ và pháp luật, kỷ luật, kỷ cương xã hội; quan hệ giữa dân chủ của cá nhân với dân chủ của cộng đồng; quan hệ giữa dân chủ với đoàn kết, hợp tác và đồng thuận xã hội, giữa dân chủ với luật tục trong đồng bào các dân tộc…
Tuy nhiên trong thực tế, chính quyền (cán bộ) đôi lúc né tránh trách nhiệm; người dân đôi lúc nghiêng về quyền lợi hơn là nghĩa vụ. Trong khi đó, dân chủ ở cơ sở lại chưa thể hiện rõ tính chế tài để buộc mọi người phải tuân thủ, phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, cần tiếp tục mở rộng hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân, đặc biệt là ở buôn, làng, thông qua các hoạt động tự quản của nhân dân, tạo những điều kiện thuận lợi để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc của nội bộ cộng đồng dân cư, chẳng hạn như việc xây dựng quy ước, hương ước phải để người dân tham gia bàn bạc, thảo luận, có như vậy mới sát với thực tế của từng buôn, làng theo phong tục, tập quán của từng dân tộc, mới phát huy được sức mạnh nội lực của đồng bào trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính gắn với tổ chức và triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời và đúng quy định các nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Bảo đảm công khai đầy đủ, kịp thời các nội dung liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân được quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở số 10/2022/QH15. Gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với công tác triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tây Nguyên.
Để làm tốt những nội dung trên, đòi hỏi phải đổi mới, hoàn thiện, phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng là yếu tố quan trọng, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy. Các cấp ủy đảng cần đưa nội dung chỉ đạo thực hiện dân chủ vào chương trình công tác hằng năm và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy các cấp; lấy kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những tiêu chí phân loại chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở đảng hằng năm. Ủy ban nhân dân các cấp cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch của địa phương và chỉ đạo thực hiện; hằng năm phải có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện. Mặt trận và các đoàn thể tăng cường và đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động kết hợp với hướng dẫn đoàn viên, hội viên và nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình đúng việc, đúng chỗ, không để người dân, nhất là đồng bào các DTTS bị lợi dụng quyền dân chủ vì thiếu hiểu biết pháp luật. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó có việc phát huy sự tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của luật tục
4. Kết luận
Những thành tựu đạt được trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên là kết quả của việc thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng: tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Để tiếp tục thực hiện dân chủ ở cơ sở trong vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, trong thời gian tới, các địa phương vùng Tây Nguyên cần phải xây dựng lộ trình cụ thể và vận dụng linh hoạt trong điều kiện cụ thể của từng địa bàn, đặc biệt chú ý tới sự tác động của luật tục. Tiếp tục phát huy những giá trị của luật tục trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời từng bước khắc phục tác động tiêu cực của nó.
Nghiên cứu tác động của luật tục đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là vấn đề rộng lớn, khó, nhạy cảm. Những vấn đề khái quát từ thực tiễn, trong bài viết chỉ bước đầu. Việc nghiên cứu vấn đề này chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian và công sức của các nhà khoa học.
Ngày nhận bài: 25- 5-2024; Ngày bình duyệt: 30-5- 2024; Ngày duyệt đăng: 8-6-2024.