1. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của vụ Hợp tác quốc tế
a. Công tác tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc về quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Vụ Hợp tác quốc tế, Ban lãnh đạo Vụ đã chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị nói chung, đặc biệt là công tác tham mưu cho Đảng ủy và Ban Giám đốc về việc quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong toàn hệ thống: bổ sung và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Vụ Hợp tác quốc tế; chỉnh sửa Quy chế hợp tác quốc tế (theo quy định mới của Đảng và Nhà nước); xây dựng quy chế quản lý thống nhất các dự án, chương trình quốc tế, sử dụng tài trợ quốc tế; tham mưu Ban Giám đốc chỉ đạo cũng như hướng dẫn, tư vấn cho các đơn vị trực thuộc xây dựng, thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với nhiệm vụ chính trị trọng yếu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp (đặc biệt là cấp lãnh đạo chiến lược), nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước. Các hoạt động hợp tác quốc tế toàn Học viện đã ngày càng được quản lý thống nhất và triển khai hiệu quả.
b. Công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch
Chi bộ đã lãnh đạo công tác xây dựng và tổ chức, thực hiện kế hoạch, xem đây là một nhiệm vụ chính trị then chốt. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Vụ Hợp tác quốc tế đã không ngừng từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và cách thức xây dựng các hoạt động hợp tác quốc tế, góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý đào tạo, chỉnh sửa giáo trình, tài liệu giảng dạy, năng lực nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách toàn hệ thống.
Việc chỉ đạo thực hiện, triển khai kế hoạch cơ bản được thực hiện tốt. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, toàn hệ thống Học viện đã tổ chức được gần 200 đoàn cán bộ đi công tác, nghiên cứu ở nước ngoài với khoảng gần 1.500 lượt người,đón gần 300 đoàn của nước ngoài và
các tổ chức quốc tế vào thăm, làm việc và hội thảo với khoảng hơn 1.000 lượt người.
c. Công tác xây dựng và quản lý các chương trình, dự án
Chi bộ đã lãnh đạo đơn vị chỉ đạo tổ chức, thực hiện công tác xây dựng và quản lý các chương trình, dự án, hoạt động hợp tác quốc tế có viện trợ nước ngoài. Hoạt động theo dõi, tham gia quản lý các chương trình, dự án cũng như vận động các dự án vẫn được duy trì và triển khai. Mặc dù giai đoạn 2015-2020 có nhiều thay đổi trong cách thức quản lý, Phòng Quản lý dự án giải thể theo cơ cấu, bộ máy mới cũng như cán bộ theo dõi, đã ảnh hưởng đến tính hiệu quả và hiệu lực của công tác tham mưu lãnh đạo Vụ và Học viện trong quản lý các dự án.Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ vừa qua, Học viện đã xây dựng và mở rộng được một số dự án trọng điểm, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tư vấn chính sách của toàn hệ thống Học viện. Học viện đã và đang thực hiện nhiềudự án nghiên cứu hợp tác quốc tế,phục vụ thiết thực cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Học viện: Dự án “Nâng cao năng lực của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức” hợp tác với JICA Nhật Bản; Dự án nghiên cứu chung với Hàn Quốc “Chương trình xây dựng nông thôn mới của Việt Nam - Nhìn từ phong trào Saemaul Undong của Hàn Quốc” hợp tác với KOICA Hàn Quốc; Dự án “Biên dịch các tác phẩm kinh điển Mác-Ăngghen từ tiếng Việt sang tiếng Lào”; Dự án “Biên dịch Hồ Chí Minh Toàn tập từ tiếng Việt sang tiếng Lào”; Đề án“Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”hợp tác với Ủy ban Nhân quyền Australia; Dự án “Tập huấn lồng ghép phương pháp nội dung và kết quả chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam vào bài giảng cho đội ngũ giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”; Dự án “Nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa giữa Việt Nam và Lào”;Dự án “Tư tưởng Hồ Chí Minh giữa Học viện với Đại học Xanh Pêtécbua, Liên bang Nga”, Dự án “Chương trình Đối tác chia sẻ kinh nghiệm phát triển vì Tầm nhìn Việt Nam (DEEP)” do Hàn Quốc tài trợ, Dự án “Truyền thông chính sách giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu” của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Dự án PAPI, các dự án của Trung tâm Ấn Độ, Viện Quyền con người, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,...
d. Công tác phối hợp quản lý học viên quốc tế
Chi bộ lãnh đạo sâu sát công tác quản lý học viên quốc tế, đặc biệt là học viên Lào, dù phần lớn nội dung quản lý học viên quốc tế được chuyển sang Vụ Quản lý đào tạo trong nửa nhiệm kỳ qua. Công tác lãnh sự, đầu vào, đầu ra, đón, tiễn học viên; khai giảng, bế giảng, tổ chức dịch giảng cho các hệ lớp; giải quyết các thủ tục, chế độ, hỗ trợ tổ chức các ngày lễ, tết truyền thống cho học viên; thăm nom, hỗ trợ học viên những lúc khó khăn, ốm đau đã được triển khai kịp thời, tạo thuận lợi cho các học viên quốc tế được học tập tại Học viện một cách hiệu quả nhất.
đ. Công tác lễ tân đối ngoại
Chi bộ lãnh đạo công tác lễ tân đối ngoại, đảm bảo theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng ủy và sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, liên tục của Ban Giám đốc về việc không ngừng nâng cao chất lượng, kỹ năng về lễ tân đối ngoại và thực hành văn hóa Trường Đảng, văn hóa Việt Nam trong công tác lễ tân đối ngoại. Chi bộ luôn xem đây là một trong những khâu yếu nhất của việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Chi bộ đã lãnh đạo đơn vị quán triệt thực hiện các giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng công tác này, đặc biệt bố trí, sắp xếp, tuyển dụng mới cán bộ và cử đi tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ... Công tác lễ tân thường xuyên được đổi mới, cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hơn. Tuy có nhiều biến động trong tổ chức bộ máy cũng như nhân sự làm công tác lễ tân đối ngoại,nhưng nhìn chung công tác này vẫn được duy trì đảm bảo hiệu quả và đang từng bước khắc phục những khó khăn bất cập để đạt được kết quả cao hơn.
2. Các kết quả đạt được
Nhiệm kỳ 2015-2020, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Chi bộ, các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị đã được thực hiện hiệu quả, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị mà Đảng ủy và Ban Giám đốc giao cho đơn vị. Kết quả công tác hợp tác quốc tế đã góp phần tích cực vào không ngừng nâng cao vị thế, vai trò và tầm quan trọng của Học viện trên trường quốc tế và trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo trung cao cấp và các nước bạn. Những đóng góp này đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, các đơn vị trong hệ thống cũng như các đối tác quốc tế đánh giá cao trong Hội thảo quốc tế kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Học viện vào năm 2019.
a. Mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế
Đến nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có quan hệ với hơn 200 đối tác quốc tế đại diện cho hơn 60 nước và vùng lãnh thổ bao gồm các đối tác truyền thống, ổn định và cả những đối tác mới. Ngoài các đối tác như Trường Đảng Trung ương Trung Quốc và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào, trao đổi hợp tác, nghiên cứu giữ vững quan hệ tình đồng chí với đối tác Cuba thông qua một số hoạt động trao đổi đoàn của lãnh đạo Học viện, Học viện đã thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới với các đảng chính trị và đảng cầm quyền các nước, các thiết chế học thuật danh tiếng và tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ như: Các đảng cánh tả ở khu vực Mỹ Latinh (Đảng Cộng sản Nam Phi, Chile, Mexico, Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuelavới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI,...), Đại học Harvard, Đại học George Washington, Đại học Nam California và Đại học Indiana, Hoa Kỳ; Trường Công vụ và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore; Học viện Quản lý nhà nước trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga; Học viện Quản lý nhà nước trực thuộc Tổng thống Belarus; Viện Nghiên cứu xã hội quốc tế Hà Lan; Cơ quan nhân sự quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc, Viện Hành chính công Ấn Độ, Liên minh châu Âu, UNDP, v.v.. Nhiệm kỳ vừa qua, Vụ đã hỗ trợ hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, tham mưu Đảng ủy và Ban Giám đốc ký kết hàng chục văn kiện hợp tác; hình thức và nội dung hợp tác quốc tế cũng đa dạng và ngày càng phong phú hơn.
b. Góp phần phục vụ công tác đào tạo cán bộ của Học viện và cán bộ lãnh đạo quản lý
Hoạt động hợp tác quốc tế ở Học viện đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện và cán bộ lãnh đạo quản lý của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, thông qua tuyển cử và quản lý hàng chục người đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài. Với sự tài trợ của các đối tác mới, đã có thêm nhiều cán bộ của Học viện được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở các cơ quan khoa học và đào tạo thuộc nhiều nước khác nhau như Australia, Thụy Điển, Anh, Mỹ, v.v..
c. Góp phần đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình và phương pháp quản lý đào tạo và phương pháp, kỹ năng giảng dạy hiện đại theo chuẩn quốc tế
Hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần tích cực vào việc đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy của Học viện.
Về đổi mới nội dung, chương trình: Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Học viện đã học tập kinh nghiệm của nước ngoài, nhất là của Trung Quốc, xây dựng chương trình giảng dạy theo các chuyên đề chứ không hoàn toàn theo các môn học như trước đây.
Bên cạnh việc đổi mới nội dung chương trình, Học viện cũng tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Dự án của JICA Nhật Bản giúp Học viện mở các lớp Tập huấn về phương pháp quản lý đào tạo (TOT) cho giảng viên thuộc hệ thống Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
d. Góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách
Trong 5 năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học đã trực tiếp góp phần nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng của đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách của Học viện. Hàng chục các dự án nghiên cứu quốc tế lớn đã góp phần tăng cường các nghiên cứu và công bố quốc tế cũng như quốc gia có giá trị,... Hơn 500 (chiếm hơn 20% trên tổng số 2.300) lượt cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của toàn hệ thống Học viện đã được tham gia các đoàn nghiên cứu, khảo sát, hội thảo, hội nghị ở nước ngoài; hàng trăm công trình công bố quốc tế dưới dạng sách viết chung, kỷ yếu hội thảo quốc tế và hàng chục bài báo quốc tế đã được xuất bản ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Học viện đã tổ chức thành công hàng trăm hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học quốc tế như Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore; các nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học Nga; các nhà khoa học từ các nước Anh, Mỹ, Canada, Mexico, Hà Lan, Nhật Bản, Australia, Đức, Hy Lạp... Đồng thời cũng cử cán bộ đi tham dự các hội thảo quốc tế tại Liên bang Nga, Trung Quốc, Lào, Hoa Kỳ, Australia, Cuba, Venezuela, v.v..
Kết quả của các hoạt động hợp tác quốc tế (nghiên cứu chung, tham dự, viết bài và trình bày tại hội thảo,...) của các nhà khoa học Học viện đã góp phần (cùng với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học dưới dạng các chương trình, đề tài trọng điểm quốc gia nói chung) vào việc xây dựng và hình thành các báo cáo kiến nghị chính sách trình Trung ương và Chính phủ, cũng như các bộ, ngành và địa phương; góp phần vào thành tích chung của Học viện về sự đột phá trong kiến nghị chính sách (chỉ tính trong năm 2019, đã có tới 35 báo cáo kiến nghị chính sách được trình tới Tiểu ban Văn kiện của Đại hội XIII của Đảng).
đ. Góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, đối ngoại của Đảng, Nhà nước giao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các đảng bạn
Trong 5 năm qua, thông qua hợp tác quốc tế, Học viện đã triển khai một cách có hiệu quả các lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Nhân dân Campuchia, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý nguồn của Đảng Frelimo, Mozambique nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng bạn. Kết quả hợp tác không chỉ góp phần nâng cao trình độ khoa học, mà còn nâng cao kỹ năng tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học cho cán bộ của các nước bạn.
3. Hạn chế và nguyên nhân
a. Hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong 5 năm (2015-2020) vừa qua, công tác hợp tác quốc tế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể:
- Công tác tham mưu Đảng ủy, Ban Giám đốc đã có những chuyển biến mạnh mẽ, nhưng chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong tình hình và bối cảnh mới của công tác hợp tác quốc tế hiện nay.
- Công tác xây dựng kế hoạch, thu hút các dự án, chương trình quốc tế, các hoạt động hợp tác quốc tế nói chung, quản lý thống nhất các hoạt động này còn hạn chế, chưa đồng bộ và hiệu quả thực sự; Học viện đã tích cực mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế, tìm kiếm thêm các đối tác mới, tuy nhiên, số lượng đối tác ổn định chưa nhiều. Chất lượng của một số đoàn ra chưa thực sự hiệu quả, chưa đi vào chiều sâu.
- Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu và thực hiện hợp tác quốc tế toàn Học viện không đồng đều, nhiều đơn vị còn mỏng, yếu về trình độ, kinh nghiệm và năng lực công tác.
- Tính liên tục và liên kết hoạt động hợp tác quốc tế giữa Trung tâm Học viện với các Học viện trực thuộc còn thấp, dẫn đến hiệu quả lan tỏa tại các Học viện trực thuộc còn hạn chế.
- Công tác lễ tân đối ngoại còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị cao, dù đã có nhiều chuyển biến.
- Nhiều tọa đàm, hội thảo còn nhỏ lẻ chưa có tính đột phá, còn mang tính hình thức, thiên về số lượng và đôi khi nhằm đáp ứng mục tiêu ngoại giao, duy trì đối tác chứ chưa thực chất đi vào chất lượng, chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thiết thực của các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy.
b. Nguyên nhân của hạn chế
Một là, nguyên nhân khách quan.
- Việc xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế (Quý IV) chưa đồng bộ với kế hoạch tài chính (Quý II), khoa học (Quý I) và đào tạo, dẫn đến những khó khăn cho công tác hợp tác quốc tế toàn Học viện.
- Học viện đã bước đầu chú ý khai thác kết quả của các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài, tuy nhiên, các hoạt động này còn chưa mang tính hệ thống, các tài liệu của các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài còn chưa được tập hợp và khai thác đầy đủ.
- Do không có kinh phí để mời chuyên gia nên các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế thường chủ yếu do đối tác quốc tế khởi xướng, điều này phần nào hạn chế tính tích cực, chủ động của Học viện trong việc lựa chọn nội dung cũng như phương thức tổ chức hội nghị, hội thảo.
Hai là, nguyên nhân chủ quan.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế toàn hệ thống còn chưa đồng đều về chuyên môn, nghiệp vụ; còn thiếu và yếu ở nhiều đơn vị trực thuộc; chưa ngang tầm với nhiệm vụ chính trị của Học viện trong bối cảnh mới cũng như yêu cầu của các đối tác quốc tế.
- Năng lực của đội ngũ làm công tác tham mưu, tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế của toàn hệ thống, đặc biệt là một số đơn vị trực thuộc chưa đồng đều, còn thiếu và yếu về công tác tham mưu xây dựng kế hoạch; trình độ ngoại ngữ, biên dịch, phiên dịch đạt chuẩn quốc gia và quốc tế, kỹ năng, nghiệp vụ còn chưa cao.
- Công tác phối hợp trong quản lý học viên quốc tế, nhất là học viên Lào: Chưa tham mưu Đảng ủy, Ban Giám đốc xây dựng được bộ giáo trình, tài liệu bồi dưỡng ngắn hạn dành riêng cho học viên Lào, tăng kinh phí, học bổng cho học viên và chế độ giảng dạy, cải thiện trình độ tiếng Việt,...
- Cơ sở vật chất và phương tiện làm việc phục vụ cho hoạt động hợp tác quốc tế chưa đáp ứng yêu cầu của công tác đối ngoại.
4. Một số kiến nghị và giải pháp
Nhằm tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng của công tác hợp tác quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển của Học viện - không chỉ là một trung tâm quốc gia về đào tạo cán bộ trung cấp cho hệ thống chính trị, trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị hàng đầu và tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước, mà còn là một trung tâm có uy tín ở khu vực và trên thế giới, trong thời gian tới, Học viện cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác hợp tác quốc tế của các đơn vị trực thuộc cũng như toàn Học viện; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các đơn vị trong khai thác, quản lý và sử dụng các nguồn lực nước ngoài phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị.
Hai là, cần sớm xây dựng và ban hành chiến lược hợp tác quốc tếcủa Học viện từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2045; đồng thời hoàn thiện các quy chế và quy định về quản lý thống nhất hoạt động hợp tác quốc tế, bộ quy trình chuẩn hướng dẫn thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là khai thác, quản lý các nguồn tài trợ nước ngoài,...
Ba là, đẩy mạnh chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện; tăng cường năng lực, kỹ năng và phẩm chất vừa hồng, vừa chuyên của đội ngũ làm công tác hợp tác quốc tế toàn Học viện.
Bốn là, tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác hợp tác quốc tế, xây dựng các hoạt động hợp tác quốc tế bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị và Học viện; tăng cường kết nối hệ thống giữa các đơn vị trực thuộc Học viện với các trường chính trị bộ, ngành trong hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách.
Năm là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung và công tác hợp tác quốc tế nói riêng; đổi mới cơ chế quản lý hoạt động hợp tác quốc tế, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của hệ thống Học viện cũng như nhu cầu phát triển đặc thù của từng đơn vị.
Sáu là, tiếp tục kiện toàn cơ cấu, tổ chức và bộ máy chuyên trách về hợp tác quốc tế (bao gồm việc tái lập các ban, phòng hợp tác quốc tế của các học viện trực thuộc; phân công cán bộ chuyên trách về hợp tác quốc tế của các đơn vị trực thuộc,...); tăng cường cơ sở vật chất cho công tác hợp tác quốc tế,...
__________________
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025
PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa
Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế