Tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định đầu tư cấp xã: Kinh nghiệm của tỉnh Nam Định

04/01/2024 10:59

TS NGUYỄN THỊ CÚC
ThS ĐOÀN BÍCH HỒNG

(LLCT) - Sự tham gia của người dân là một trong các thành tố của quản trị địa phương. Dựa trên khung lý thuyết về sự tham gia và mô hình ra quyết định, bài viết nghiên cứu kinh nghiệm ở tỉnh Nam Định trong việc tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định đầu tư cấp xã. Chính quyền các xã của tỉnh Nam Định đã lôi cuốn sự tham gia của người dân từ giai đoạn đầu của quá trình ra quyết định, song vẫn còn khoảng cách giữa nỗ lực của chính quyền và thực tiễn tham gia của người dân.

Tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định đầu tư cấp xã: Kinh nghiệm của tỉnh Nam Định

Xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - Ảnh: baonamdinh.vn

1. Đặt vấn đề

Sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định giúp chính quyền địa phương đưa ra các quyết định dựa trên bằng chứng, tăng tính hợp pháp, hiệu quả và hiệu lực của quyết định. Sự tham gia của người dân còn giúp chính quyền địa phương huy động được các nguồn lực trí tuệ, kinh nghiệm, công sức, tài chính, vật lực của nhân dân địa phương trong bối cảnh nguồn lực công hạn chế, tăng sự đồng thuận trong quá trình thực thi quyết định.

Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của chính quyền các xã ở tỉnh Nam Định trong việc tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định đầu tư cấp xã và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân. Bài viết dựa trên dữ liệu khảo sát năm 2018 về quá trình ra quyết định có sự tham gia của cộng đồng dân cư ở tỉnh Nam Định. Tác giả đã lựa chọn 53 xã trong tổng số 188 xã ở Nam Định có tính đại diện về địa lý (các xã không có biển và ven biển, xã nông thôn và ngoại vi) và về kinh tế (các xã thuộc các huyện xây dựng nông thôn mới và các huyện chưa xây dựng nông thôn mới). Đối tượng tham gia khảo sát là lãnh đạo xã và người dân: 82 lãnh đạo xã của 53 xã đã tham gia trả lời phiếu khảo sát và phỏng vấn phi cấu trúc; 347 người dân đến từ 6 xã được chọn lựa ngẫu nhiên trong 53 xã có lãnh đạo xã tham gia khảo sát. Phạm vi nghiên cứu giới hạn ở sự tham gia của người dân trong quá trình ra quyết định đầu tư thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp xã, trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án đầu tư do cộng đồng tài trợ một phần hoặc toàn bộ.

2. Khung lý thuyết về ra quyết định có sự tham gia của người dân

Quá trình ra quyết định gồm 05 giai đoạn: (1) xác định vấn đề ra quyết định; (2) xác định các mục tiêu cần đạt được khi ra quyết định; (3) xây dựng các phương án; (4) lựa chọn phương án; (5) ban hành quyết định.

Ra quyết định có sự tham gia là một quá trình xã hội trong đó người dân tham gia vào từng giai đoạn của quá trình ra quyết định để thể hiện mối quan tâm và nhu cầu của mình và tham gia với các mức độ từ việc thụ động tiếp nhận thông tin tới tham vấn, cộng tác ra quyết định và tới mức độ tham gia cao nhất là tự quyết.

Ở mức độ tiếp nhận thông tin, người dân được chính quyền xã thông báo về vấn đề cần giải quyết, các mục tiêu cần đạt được, các phương án cần lựa chọn, và quyết định của chính quyền.

Ở mức độ tham vấn, người dân được chính quyền xã hỏi ý kiến về vấn đề nào cần ưu tiên giải quyết, mục tiêu giải quyết, phương án phù hợp để thực hiện.

Ở mức độ cộng tác, người dân là một chủ thể tích cực và cộng tác với chính quyền xã để xác định vấn đề cần quyết định, xây dựng và lựa chọn các phương án.

Ở mức độ tự quyết - mức độ tham gia cao nhất, người dân quyết định lựa chọn phương án và chính quyền xã phải thể chế hóa sự lựa chọn của người dân.

Không phải tất cả các quyết định của chính quyền xã đều phải có sự tham gia của người dân. Người dân chỉ tham gia vào quá trình ra những quyết định liên quan đến lợi ích chung và lợi ích cộng đồng. Song, sự tham gia vào quá trình ra quyết định của chính quyền xã là cần thiết và có vai trò quan trọng. Trong một thế giới thay đổi liên tục, chính quyền xã không là chủ thể duy nhất giải quyết các vấn đề ngày càng trở nên phức tạp và khó lường. Sự tham vấn người dân và sự hợp tác tích cực giữa chính quyền và người dân thể hiện cao của sự dân chủ(1). Thể chế về sự tham gia của người dân sẽ bảo đảm những người bị ảnh hưởng bởi các quyết định của chính quyền địa phương được thể hiện nhu cầu trong quá trình xây dựng và thực thi quyết định của chính quyền.

Người dân có quyền tham gia và phải tham gia thực chất; không được coi sự tham gia của người dân chỉ là phương thức để đạt được mục đích ra quyết định. Khi tham gia vào quá trình ra quyết định, cộng đồng dân cư phản ánh được nhu cầu, mối quan tâm và ưu tiên của người dân, giúp chính quyền địa phương ban hành các quyết định dựa trên bằng chứng, thể hiện quan điểm lấy người dân làm trung tâm và quan tâm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư(2), có tính hợp pháp và khả thi.

Các yếu tố thể chế, các yếu tố kinh tế - xã hội và khả năng tham gia của người dân ảnh hưởng đến sự tham gia hiệu quả của cộng đồng dân cư. Quy định bắt buộc về sự tham gia của cộng đồng dân cư buộc chính quyền địa phương phải thúc đẩy sự tham gia người dân(3). Tiếp cận thông tin là điều kiện tiên quyết của quá trình ra quyết định có sự tham gia của người dân. Các yếu tố kinh tế - xã hội có tác động nhất định tới sự tham gia của cộng đồng dân cư(4), trong đó yếu tố giáo dục có ảnh hưởng nhiều nhất trong trường hợp những người còn hạn chế về trình độ học vấn thường không có kiến thức và kỹ năng tham gia. Thiếu hình thức đa dạng huy động sự tham gia của người dân, đặc biệt là người nghèo cũng là yếu tố hạn chế sự tham gia.

3. Các quy định liên quan đến đầu tư cấp xã

Theo Luật Đầu tư công năm 2019, căn cứ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn của cấp mình. Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã quyết định đầu tư chương trình đầu tư công đã được Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư; đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý, trừ dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo và các chương trình, dự án khác theo quy định của Chính phủ.

Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công, quyết định các giải pháp tổ chức điều hành kế hoạch đầu tư công thuộc nguồn vốn do cấp mình quản lý, tổ chức thực hiện và theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.

Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19-4-2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, yêu cầu phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, cộng đồng dân cư được đề xuất và tham gia ý kiến vào kế hoạch thực hiện nội dung, hoạt động, dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa bàn cấp xã. Nghị định quy định trình tự lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có sự tham gia của cộng đồng.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định chính quyền cấp xã phải thông tin cho người dân tình hình đầu tư xây dựng do cấp xã quản lý, người dân tham gia đóng góp ý kiến đối với việc quyết định đầu tư công dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được thành lập đối với chương trình, dự án đầu tư bằng vốn và công sức của cộng đồng dân cư hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã. Đối với các chương trình, dự án đầu tư bằng vốn và công sức của cộng đồng dân cư, dự án sử dụng ngân sách cấp xã hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã, chủ chương trình, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy trình, quy phạm kỹ thuật, chủng loại và định mức vật tư; kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình cho cộng đồng dân cư biết.

4. Mức độ tham gia của người dân trong quá trình ra quyết định đầu tư cấp xã ở tỉnh Nam Định

Nam Định là tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có dân số là 1.780.393 người, trong đó 81,8% sống ở nông thôn, 19,4% có trình độ tiểu học, 49,6% có trình độ trung học cơ sở, 12,8% có trình độ phổ thông trung học; 18,4% có trình độ từ sơ cấp trở lên(5). Tỉnh Nam Định có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 226 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 188 xã(6). Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 4,77%(7).

Thực trạng tham gia của người dân

Cộng đồng dân cư được chính quyền xã thông báo về chính sách đầu tư và xác định các vấn đề cần quyết định đầu tư, ví dụ như các ưu tiên đầu tư. Người dân tại các làng, xã xây dựng các phương án đầu tư để thực hiện các ưu tiên mà họ xác định. Cùng với cán bộ xã và phối hợp với các doanh nghiệp, họ đã xem xét các phương án thay thế và quyết định các giải pháp. Người dân đã tham gia vào giai đoạn đầu quá trình ra quyết định của chính quyền xã, đó là quá trình xác định các vấn đề cần ra quyết định hoặc các vấn đề cần giải quyết liên quan đến đầu tư của xã. Người dân tham gia vào tất cả các giai đoạn ra quyết định ở mọi cấp độ tham gia và đạt đến mức cao nhất là quyền tự quyết.

Cộng đồng dân cư đã được tham vấn về các hoạt động đầu tư của xã và 64,5% người dân được khảo sát cho biết chính quyền xã phản hồi rằng họ đã đưa ý kiến đóng góp của người dân vào các quyết định cuối cùng và 50,1% cho biết chính quyền đã đưa ra lý do tại sao không đưa ý kiến đóng góp của người dân vào các hoạt động đầu tư của xã.

Nhìn chung, có sự khác biệt giữa nỗ lực của chính quyền các xã trong việc cung cấp thông tin, tham vấn, phối hợp, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tại địa phương phát huy quyền và thực tiễn tham gia của cộng đồng vào tất cả các giai đoạn của quá trình ra quyết định đầu tư của xã. Ở giai đoạn xác định các vấn đề cần ra quyết định/vấn đề cần giải quyết, trong khi 76,8% lãnh đạo xã được khảo sát thông báo cho cộng đồng về các vấn đề đầu tư tại xã thì chỉ có 18,7% số người dân được khảo sát nắm được thông tin.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư cho cấp xã trong các chương trình mục tiêu quốc gia thì sự tham gia của cộng đồng dân cư là bắt buộc. Theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, chính quyền cấp xã có trách nhiệm cung cấp cho cộng đồng thông tin do họ tạo ra và nhận được trong quá trình thực hiện các chức năng của mình, bao gồm cả việc ra quyết định. Khả năng tiếp cận thông tin còn hạn chế đã tạo ra rào cản cho cộng đồng trong việc xác định các vấn đề ưu tiên cần giải quyết trong đầu tư cấp xã và cản trở sự tham gia của người dân ở cấp cao hơn.

Sự chênh lệch lớn khác được phát hiện trong giai đoạn xây dựng các giải pháp thay thế, đó là 78% lãnh đạo xã được khảo sát cho biết có tiến hành tham vấn cộng đồng và 20,7% người dân được khảo sát cho biết họ được xin ý kiến về các giải pháp. Sự chênh lệch này cũng tồn tại trong giai đoạn xác định các vấn đề cần ra quyết định và vấn đề cần giải quyết, trong đó 4,9% lãnh đạo xã được khảo sát cho biết là để cộng đồng dân cư tự quyết các vấn đề cần ra quyết định đầu tư của xã trong khi 2% số người dân được khảo sát cho biết họ được quyết định vấn đề đầu tư này.

Mức độ tham gia ở giai đoạn càng cao thì càng ít lãnh đạo xã thu hút người dân tham gia vào quá trình ra quyết định đầu tư của xã và càng ít người dân tham gia. Trong khi ngày càng nhiều lãnh đạo cấp xã thu hút cộng đồng tham gia ở lĩnh vực thông tin, tham vấn và hợp tác trong quá trình ra quyết định, thì lại có ít hơn các lãnh đạo cấp xã để cho cộng đồng tự quyết các vấn đề cần ra quyết định hoặc các vấn đề cần giải quyết, xây dựng các giải pháp thay thế và lựa chọn giải pháp. Gần một nửa số lãnh đạo xã được khảo sát (45,1%) trong các cuộc phỏng vấn phi cấu trúc cho biết “người dân không có khả năng quyết định” và “để cộng đồng tự quyết định mất rất nhiều thời gian” và hơn một nửa (58,5%) cho rằng “công việc của chính quyền là xác định các vấn đề cần ra quyết định và các vấn đề cần giải quyết”. Nhận thức này phần nào giải thích nguyên nhân tỷ lệ đáp ứng của chính quyền đối với quyền tự quyết của cộng đồng trong các giai đoạn còn thấp.

Điểm nổi bật là tỷ lệ lãnh đạo xã (được khảo sát) thu hút sự tham gia của cộng đồng trong giai đoạn xây dựng các giải pháp thay thế cao hơn so với các giai đoạn xác định các vấn đề ra quyết định/vấn đề cần giải quyết và mục tiêu cũng như lựa chọn giải pháp. Tương tự như vậy, số người dân  tham gia vào giai đoạn xây dựng các giải pháp thay thế nhiều hơn so với các giai đoạn khác. Pháp lệnh về dân chủ cơ sở làm căn cứ cho các lãnh đạo xã khi thu hút cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình ra quyết định quy định rằng chính quyền xã phải thông báo cho cộng đồng địa phương về bất kỳ chủ trương hoặc kế hoạch đầu tư nào của xã. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định chính quyền cấp xã cần thông báo cho cộng đồng về mục tiêu, các hoạt động được đề xuất, các nguồn hỗ trợ và kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã; điều đó có nghĩa là các vấn đề quyết định đầu tư hoặc các vấn đề cần giải quyết thông qua các giải pháp đầu tư phải được xác định từ trước.

Đánh giá kết quả đạt được và hạn chế trong tăng cường sự tham gia của người dân trong ra quyết định đầu tư cấp xã

Quá trình ra quyết định đầu tư của chính quyền cấp xã ở tỉnh Nam Định là quá trình có sự tham gia của người dân vào tất cả các giai đoạn ra quyết định. Các bên liên quan cần hoàn thành tốt nhất việc xác định các mối quan tâm và mục tiêu trong quá trình ra quyết định(8). Trong trường hợp này, cộng đồng xác định các ưu tiên đầu tư được thực hiện và quyết định các phương án thay thế. Theo Phổ Quy trình tham gia IAP2, cộng đồng dân cư tại các xã ở tỉnh Nam Định có ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định và thậm chí kiểm soát nó khi họ tham gia vào giai đoạn đầu của quá trình và quyết định các giải pháp trong một số trường hợp nhất định.

Sử dụng cách tiếp cận so sánh trong nghiên cứu đã đưa ra so sánh giữa nỗ lực của chính quyền xã trong việc thu hút sự tham gia của cộng đồng và thực tiễn tham gia của cộng đồng, điều này vốn không được chú trọng trong các tài liệu hiện có. Kết quả cho thấy những nỗ lực của lãnh đạo xã trong việc thu hút cộng đồng tham gia vào quá trình ra quyết định không mang lại sự tham gia cao của cộng đồng. Nguyên nhân của sự thất bại này cần được nghiên cứu làm rõ.

Cộng đồng hiếm khi đạt được mức độ tham gia cao nhất của quyền tự quyết trong tất cả các khâu quá trình ra quyết định đầu tư của chính quyền cấp xã. Trong bối cảnh người dân ngày càng đòi hỏi mức độ quyền lực hoặc kiểm soát cao hơn để bảo đảm rằng họ có thể quản lý quá trình ra quyết định(9) và Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững khuyến khích các chính phủ trên toàn thế giới bảo đảm quá trình ra quyết định có sự tham gia ở tất cả các cấp thì việc thu hút người dân tham gia nhiều hơn ở mức độ tham gia cao nhất cần được thực hiện. Điều này có thể được tiến hành thông qua bồi dưỡng các kỹ năng tham gia, đặc biệt là kỹ năng tham vấn, hợp tác và tự quyết.

Các yếu tố thể chế, thí dụ như các quy định nhằm thể chế hóa sự tham gia của cộng đồng, việc tuân thủ các quy định, nhận thức của công chức nhà nước về sự tham gia của người dân và tư cách thành viên của các tổ chức địa phương đã được trình bày trong tình huống trên được chứng minh có mối quan hệ với sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ra quyết định đầu tư của chính quyền cấp xã. Sự khác biệt trong nhận thức của lãnh đạo xã về sự tham gia của cộng đồng dẫn đến sự khác biệt trong việc thúc đẩy sự tham gia vào quá trình ra quyết định đầu tư. Ngược lại, với nhận thức của lãnh đạo chính quyền coi việc tham gia như một phương tiện để tăng cường thực hiện trách nhiệm của cơ quan thì người dân coi sự tham gia của họ như một phương tiện để bảo đảm rằng những người bị tác động bởi các quyết định của chính quyền là những người gây ảnh hưởng đối với quá trình ra quyết định(10) và thậm chí quyết định giải pháp. Việc bắt buộc tham gia có thể làm cho quá trình trở nên máy móc và dễ bị các nhóm lợi ích nắm bắt(11). Do đó, cần nâng cao nhận thức của các lãnh đạo địa phương về sự cần thiết và lợi ích của sự tham gia của cộng đồng.

Đây không chỉ là một yêu cầu pháp lý cần tuân thủ trong việc ra quyết định của chính quyền địa phương. Việc tham gia không phải là ưu tiên hàng đầu đối với nhiều người và họ cần được khuyến khích tham gia. Những người có trình độ học vấn thấp hơn thường thiếu các kỹ năng cần thiết để tham gia(12). Ngoài các chương trình phát triển nông thôn đang diễn ra, nên xem xét trao tư cách thành viên như một cách để khuyến khích người dân tham gia tích cực hơn.

5. Một số kinh nghiệm

Một số kinh nghiệm tham khảo để tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình ra quyết định đầu tư cấp xã:

Thứ nhất, kinh nghiệm về nâng cao nhận thức. Lãnh đạo xã cần hiểu rõ sự cần thiết và vai trò sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định tại địa phương. Cần thay đổi tư duy về vai trò của nhân dân trong xây dựng chính quyền, trong tham gia quản lý nhà nước ở địa phương. Lãnh đạo xã cần tuyên tuyền cho người dân về sự cần thiết tham gia và phổ biến các quy định liên quan đến sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định đầu tư cấp xã trong các cuộc họp thôn, cuộc tiếp xúc cử tri, thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến đa dạng, phù hợp với đặc điểm địa phương.

Thứ hai, kinh nghiệm về nâng cao năng lực. Cán bộ, công chức cấp xã cần nắm rõ quy định, quy trình liên quan đến sự tham gia của người dân vào các quyết định đầu tư cấp xã, đặc biệt các nội dung mà người dân được tự quyết. Nâng cao các kỹ năng giải thích, phổ biến, tham vấn, vận động, hợp tác với người dân. Cần tôn trọng các ý kiến đa dạng của người dân và luôn khuyến khích sự tham gia của mọi tầng lớp người dân tại địa phương, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các thiết chế cộng đồng như trưởng thôn, ban phát triển thôn, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ liên gia, người có uy tín, cán bộ công tác mặt trận và cán bộ các chi hội đoàn thể cần được bồi dưỡng nâng cao năng lực tham gia như kỹ năng trình bày ý tưởng, kỹ năng đóng góp ý kiến, kỹ năng xây dựng và lựa chọn phương án, đặc biệt đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp xã; kỹ năng quyết định, thái độ hợp tác, tinh thần làm việc nhóm để có thể tham gia hiệu quả vào quá trình ra quyết định đầu tư cấp xã.

Thứ ba, kinh nghiệm về cơ chế phản hồi. Để tăng cường sự tham gia của người dân, chính quyền xã cần xây dựng và thực hiện cơ chế phản hồi các ý kiến đóng góp của người dân. Cán bộ, công chức xã phải lắng nghe và ghi nhận các ý kiến của người dân, tư liệu hóa các ý kiến để làm cơ sở tham khảo trong quá trình ra quyết định, đặc biệt đối với các quyết định đầu tư có sự đóng góp của người dân. Lãnh đạo xã phải có trách nhiệm phản hồi đối với ý kiến đóng góp của người dân: đã tiếp nhận ý kiến như thế nào, nếu không tiếp nhận thì nêu rõ lý do không tiếp nhận.

Kết luận

Bài viết phân tích mô hình quá trình ra quyết định có sự tham gia của cộng đồng dân cư thông qua tình huống quy trình ra quyết định đầu tư có sự tham gia của người dân của chính quyền cấp xã tại tỉnh Nam Định.

Quá trình ra quyết định đầu tư của chính quyền cấp xã được gọi là quá trình có sự tham gia khi người dân tham gia vào tất cả các giai đoạn của quá trình. Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn giữa nỗ lực của lãnh đạo xã trong việc thu hút cộng đồng tham gia vào quá trình ra quyết định đầu tư và thực tiễn tham gia của người dân. Cộng đồng hiếm khi đạt được mức độ tham gia cao nhất là quyền tự quyết.

Có những bằng chứng trong tình huống nghiên cứu cho thấy, nếu lãnh đạo xã nhận thức sự tham gia không chỉ là yêu cầu pháp lý phải tuân thủ mà còn là sự cần thiết thì sẽ thu hút nhiều người tham gia hơn vào quá trình ra quyết định. Đặc biệt là, để họ tự quyết các vấn đề cần ra quyết định, xây dựng các giải pháp thay thế và lựa chọn giải pháp. Tình huống nghiên cứu cho thấy, người dân là thành viên của các tổ chức địa phương, và những người có thu nhập và trình độ học vấn cao hơn thì tham gia nhiều hơn và ở mức độ cao hơn. 

Cần khuyến nghị nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo địa phương về sự cần thiết và lợi ích của việc cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình ra quyết định và bồi dưỡng người dân về các kỹ năng tham gia. Tăng cường sự tham gia là điều kiện tiên quyết để xây dựng nền dân chủ, là mục tiêu cuối cùng của quản trị công.

Để thực hiện mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là không ai bị bỏ lại phía sau và quá trình ra quyết định phải mang tính toàn diện, có sự tham gia và đáp ứng yêu cầu của người dân, chính quyền địa phương cần thúc đẩy và tăng cường hơn nữa sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định.

_________________

Ngày nhận bài: 07-11-2023; Ngày bình duyệt: 25-12-2023; Ngày duyệt đăng: 04-1-2024.

(1) Ferlier, E., Ashburner, L., Fitzerald, L. & Pettigrew, A. (1996). The question of accountability: New forms or a democratic deficit? The new public management in action. Oxford Press, 195-223.

(2) Rydin, Y. & Pennington, M. (2000). Public participation and local environmental planning: the collective action problem and the potential of social capital.Local environment, 5(2), 153-169.

(3), (11) Schivao-Campo, S. & Sundaram, P. (2000). To serve and to preserve: improving public administration in a competitive world. Asian Development Bank.

(4), (12) Harrigan, J. J. & Nice, D. C. (2013). Politics and policy in states and communities, (7th ed.), Pearson.

(5)Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

(6) Nghị quyết số 858/NQ-UBTVQH14 ngày 10 - 1 - 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Nam Định.

(7) Quyết định số: 62/QĐ-UBND ngày 06-1-2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022.

(8) Renn, O., Webler, T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. (1993). Public participation in decision making: a three-step procedure. Policy Sciences26(3), 189-214.

(9) Arnstein, S. R. (1969/2011). A ladder of citizen participation.The City Reader (5th ed.), 238-250.

(10) Sewell, W. R. D & Phillips, S. D. (1979). Models for the evaluation of public participation programmes. Natural Resources Journal, 19, 337-358.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định đầu tư cấp xã: Kinh nghiệm của tỉnh Nam Định
    POWERED BY