Thực tiễn

Thành phố Hải Phòng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới

20/03/2025 16:05

(LLCT) - Hải Phòng có vị trí quan trọng, chiến lược của vùng duyên hải và toàn vùng Bắc Bộ. Trong những năm qua, kinh tế Hải Phòng luôn tăng trưởng cao, sức cạnh tranh và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế không ngừng nâng lên. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới, đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội. Bài viết phân tích thực trạng nguồn nhân lực thành phố Hải Phòng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong kỷ nguyên phát triển mới.

ThS ĐẶNG THỊ HẠNH
Trường Chính trị Tô Hiệu Hải Phòng

Hải Phòng: Giải pháp phát triển lao động chất lượng cao - 1
Sinh viên Trường Cao đẳng Hàng hải I thực hành điều khiển tàu biển _ Ảnh: dantri.com.vn

1. Mở đầu

Trong những năm qua, kinh tế Hải Phòng đạt mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thành phố tăng lên rõ rệt. Hải Phòng ngày càng khẳng định được vị thế và tiềm năng là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố không đạt được; chưa hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ; kinh tế phát triển chưa tương xứng với lợi thế và nguồn lực của thành phố; liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội còn mờ nhạt; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao… Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là nguồn nhân lực của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, có lúc có nơi còn có biểu hiện nóng vội, duy ý chí hoặc thụ động, trông chờ, ỷ lại... Trước yêu cầu duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đáp ứng trình độ ngày càng cao của phát triển kinh tế, cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH thành phố Hải Phòng giai đoạn hiện nay.

2. Nội dung

2.1. Những ưu điểm của nguồn nhân lực thành phố

Về số lượng

Năm 2024, thành phố Hải Phòng có dân số 2,124 triệu người, trong đó, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc 1.030,1 nghìn người (chiếm 48,5% dân số)(1). Tổng số lao động đang làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn là hơn 200.820 người(2). Trong khu vực nhà nước, năm 2023, số lượng công chức từ cấp huyện trở lên là 2.628 người; số lượng cán bộ, công chức cấp xã là 4.141 người. Đội ngũ viên chức có 32.019 người, trong đó viên chức sự nghiệp giáo dục đào tạo là 23.326 người, y tế là 7.678 người, nghiên cứu khoa học là 198 người, văn hóa thông tin, thể dục thể thao là 245 người, sự nghiệp khác là 572 người...(3). Thành phố Hải Phòng đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động dồi dào, chiếm tỷ lệ cao trong dân số và duy trì ở mức ổn định, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Về chất lượng

Là địa phương có nhiều lợi thế tự nhiên, cùng tiềm năng phát triển, thành phố Hải Phòng thường xuyên quan tâm đến nâng cao chất lượng lao động của địa phương. Thành phố có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 25 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với quy mô đào tạo hơn 50.700 người/năm, giai đoạn 2019 - 2024, tổng số tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của toàn thành phố đạt khoảng 263.000 học sinh, sinh viên, học viên, tỷ lệ tốt nghiệp đạt khoảng 65%. Ở bậc giáo dục đại học, từ năm 2019 - 2024, Trường Đại học Hải Phòng tuyển sinh tổng số 18.600 sinh viên hệ chính quy, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam có tổng chỉ tiêu tuyển sinh gần 22.000 sinh viên. Nhờ đó, năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố Hải Phòng đạt 86,5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ từ 3 tháng là 38% và đang tăng dần theo từng năm(4).

Trong khu vực nhà nước, năm 2022 tổng số công chức, viên chức của thành phố là 34.504 người, số người có trình độ trên đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) là 3.974 người, tăng 982,8% so với năm 2008 (năm 2008 có 367 người); trình độ đại học là 25.343 người; trình độ cao đẳng trở xuống là 5.187 người(5).

Trong lĩnh vực giáo dục, ngân sách chi cho giáo dục của Hải Phòng các năm 2021 - 2024 là hơn 22.867 tỷ đồng, tăng hơn 10.845 tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020, quy mô giáo dục thành phố tiếp tục ổn định và có những bước phát triển tích cực. Toàn ngành giáo dục, đào tạo có 32.866 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019: mầm non 88%, tiểu học 98%, trung học cơ sở 95%, trung học phổ thông 100% và giáo dục thường xuyên 99,5%(6). Về giáo dục đại học, tổng số giảng viên của 4 trường đại học là 2.040 người (307 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học; 1.336 thạc sĩ; 379 cử nhân); trong đó, Trường Đại học Hải Phòng có 9 Phó Giáo sư, 97 Tiến sĩ, 407 Thạc sĩ, 150 Cử nhân và 91 người có trình độ khác(7).

2.2. Một số hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng đạt 11,01%, xếp thứ 3 cả nước và là năm thứ 10 liên tiếp thành phố tăng trưởng ở mức hai con số(8). Tuy nhiên, thành phố trong tình trạng thiếu lao động có trình độ, tay nghề cao; nhất là nguồn nhân lực ở các lĩnh vực logistics, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, điện đang ở tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế, có tính cạnh tranh cao tại các ngành trọng điểm, mũi nhọn của thành phố như cảng biển, logistics, đóng tàu, cơ khí, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, du lịch chưa nhiều. Theo dự báo, năm 2025, Hải Phòng cần bổ sung thêm khoảng 82.700 lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên và con số này sẽ tăng lên 127.800 lao động vào năm 2030(9).

Mặc dù chất lượng lao động nói chung của thành phố Hải Phòng tăng dần qua các năm (tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ từ 3 tháng năm 2019 là 34%, năm 2023 là 38%), nhưng vẫn thấp hơn so với các thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng (Quảng Ninh đạt 48%, Hà Nội đạt 52%)(10). Chất lượng nguồn nhân lực Hải Phòng ở mức thấp trong bậc thang năng lực quốc tế. Chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn hạn chế cả về trình độ chuyên môn kỹ thuật, khả năng ngoại ngữ, giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, ý thức, thái độ làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Đặc biệt, khi Hải Phòng đang là địa phương thu hút được nguồn đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Cơ cấu nguồn nhân lực theo lĩnh vực nghiên cứu/ngành nghề đào tạo chưa hợp lý. Tỷ lệ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ trên đại học tại một số ngành thuộc các lĩnh vực công nghệ cao hoặc thuộc ngành kinh tế trọng điểm của thành phố còn thấp như: Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (2,96%); Khoa học môi trường (1,60%); Công nghệ sinh học, Sinh học ứng dụng (2,16%); Kỹ thuật cơ khí (0,9%); Thủy sản (0,80%)(11)… Đáng chú ý là nhu cầu của thành phố về nguồn nhân lực chất lượng, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao tại các doanh nghiệp thuộc Khu kinh tế Hải Phòng ngày càng gia tăng, khi các ngành công nghiệp như sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, năng lượng tái tạo, sản xuất ô tô, cơ khí chế tạo phát triển. Điều này cho thấy sự không phù hợp về bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực, bộc lộ sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

Nhiều lao động dù có bằng cấp nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng làm việc nhóm, ngoại ngữ còn hạn chế. Thành phố hiện đang thiếu hụt kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề, đặc biệt trong các lĩnh vực cơ khí chính xác, điện - điện tử, tự động hóa; nguồn nhân lực có trình độ quản lý logistics, vận hành cảng biển, khai thác tàu biển còn ít; số lượng kỹ sư công nghệ thông tin có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các trường đại học, cao đẳng có số lượng đông đảo cán bộ khoa học và công nghệ, nhưng chưa tạo lập được những nhóm nghiên cứu mạnh. Hiện tượng chảy máu chất xám, đặc biệt từ khu vực công, từ các huyện diễn ra tương đối phổ biến. Nhiều nhân sự giỏi, đặc biệt là trí thức trẻ, chọn làm việc tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố chưa có đủ chính sách thu hút và giữ chân nhân lực trình độ cao; thiếu chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, khiến nhiều nhà khoa học, kỹ sư phải tìm cơ hội ở nơi khác.

2.3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố Hải Phòng hiện nay

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển; thành phố Hải Phòng cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt; chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh.

Để thực hiện được mục tiêu đã xác định cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm tạo hàng lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển tổng thể nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ nhất, cần xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là định hướng xuyên suốt, lâu dài đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng, trong đó chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao ở những lĩnh vực quan trọng, then chốt.

Nhu cầu về nguồn nhân lực ở các ngành trọng tâm, mũi nhọn của thành phố trong thời gian tới là rất lớn, vì vậy rất cần một tầm nhìn mới, một tư duy chiến lược để xây dựng kế hoạch, cơ cấu số lượng, vị trí, yêu cầu nguồn nhân lực ở từng giai đoạn. Thành phố cần có định lượng rõ ràng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tránh tình trạng ngành thừa lao động, ngành thiếu lao động, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ngành nghề then chốt của thành phố, bao gồm dịch vụ cảng biển, logistics, cơ khí chế tạo. Có chiến lược phát triển đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục - đào tạo…

Thứ hai, xây dựng quy hoạch, phát triển một số cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao theo định hướng phát triển.

Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhiệm vụ phát triển thành phố Hải Phòng là cần thiết và cấp bách nhằm hướng tới xây dựng thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững theo tinh thần của Nghị quyết số 45-NQ/TW. Hiện nay một số ngành kinh tế mà Hải Phòng đang có lợi thế và tập trung phát triển cần nguồn nhân lực lớn là kinh tế biển, hàng hải, vận tải biển, dịch vụ logistics, đóng tàu, cơ khí, chế biến, chế tạo, khai thác nuôi trồng thủy hải sản… Bên cạnh đó, nghiên cứu mở những ngành nghề đào tạo mới mà các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố đang có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các trường, cơ sở dạy nghề cần quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đào tạo những ngành nghề sử dụng lao động kỹ thuật cao, ngành nghề mới, mũi nhọn của thành phố. Trong đó, chú trọng đào tạo các ngành nghề: điện tử - tin học, cơ khí, tự động hóa, các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao. Tập trung phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp, thực hiện chương trình đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý doanh nghiệp, công nghiệp đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ ba, mở rộng liên kết đào tạo giữa các cơ sở, trung tâm dạy nghề với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Để nắm bắt được thực tế nhu cầu lao động của doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo cần có sự liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp sử dụng lao động và nghiên cứu thị trường lao động nhằm đào tạo đội ngũ lao động vừa có chất lượng cao, bắt kịp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn công việc.

Ngoài ra, cùng với đầu tư của ngân sách nhà nước cần tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực khác cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có tay nghề cao; thực hiện đặt hàng đào tạo nhân lực trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cấp độ quốc gia, quốc tế. Thành phố có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo trên địa bàn thực hiện hợp tác và hỗ trợ trong đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động trong doanh nghiệp.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực về khoa học - công nghệ biển để hướng tới xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm quản lý, nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước.

Thành phố Hải Phòng được xác định là địa phương trọng điểm kinh tế biển của cả nước, do đó, cần nghiên cứu xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực về khai thác thủy, hải sản và quản lý nghề cá (ưu tiên nguồn nhân lực về khai thác hải sản, kiểm ngư, đăng kiểm tàu cá, dịch vụ hậu cần nghề cá) tại các trường đại học hoặc viện nghiên cứu chuyên ngành của thành phố. Đồng thời, cần có cơ chế đặc thù thu hút, trọng dụng đãi ngộ đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ biển, kinh tế biển, y học biển trong và ngoài nước đến làm việc, nghiên cứu tại thành phố Hải Phòng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước phát triển trên thế giới về lĩnh vực khoa học công nghệ biển.

Thứ năm, có cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của thành phố, đặc biệt là đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, chuyên gia giỏi.

Thực tiễn cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là nguồn lực quan trọng nhất đối với mỗi tổ chức, vì vậy trong thời gian tới cần có chính sách để thu hút, tuyển chọn, sử dụng và giữ chân trí thức, chuyên gia, các nhà khoa học. Xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng để không chỉ thu hút nguồn lực tại chỗ mà còn nhân tài các lĩnh vực từ các địa phương khác tham gia vào xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng. Cùng với chế độ đãi ngộ, cần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo thông qua việc thành lập các viện nghiên cứu công nghệ cao, vườn ươm khởi nghiệp để tạo môi trường làm việc cho các chuyên gia; đầu tư mạnh vào hạ tầng khoa học - công nghệ, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học.

Ngoài ra cần hợp tác với các trường đại học lớn trong và ngoài nước nhằm xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm việc làm cho cán bộ, giảng viên học tập, nâng cao trình độ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác. Nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, cải thiện chất lượng sống để các chuyên gia yên tâm sinh sống và làm việc lâu dài tại thành phố.

3. Kết luận

Trước bối cảnh mới của đất nước, thành phố Hải Phòng đã và đang có những thay đổi nhanh chóng ở nhiều lĩnh vực nhằm phù hợp với đòi hỏi của thực tế, nhiệm vụ đặt ra trong quá trình phát triển. Do đó, nguồn nhân lực chất lượng cao giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng, đây là nguồn lực then chốt, nền tảng, động lực cơ bản cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần thực hiện đồng thời, có kế hoạch nhằm chuyển dần từ tăng về số lượng sang tăng lên chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốc độ phát triển của kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng và định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

_________________

Ngày nhận bài: 20-02-2025; Ngày bình duyệt: 11-3-2025; Ngày duyệt đăng: 18-3-2025.

Email: Olympia.elc@gmail.com

(1) Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng: Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 Thành phố Hải Phòng, https://thongkehaiphong.gov.vn, ngày 03-01-2025.

(2) Phương Minh: Hải Phòng: Giải pháp phát triển lao động chất lượng cao,

https://dantri.com.vn, ngày 06-12-2024.

(3) TP. Hải Phòng: Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo “Đề án thu hút và trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, https://moha.gov.vn, ngày 07-9-2024.

(4), (9), (10) Nâng cao quy mô, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực: Thêm động lực để Hải Phòng “tăng tốc, vươn xa” (Kỳ 1), https://baohaiphong.vn, ngày 07-10-2024.

(5), (11) Báo cáo số 258-BC/TU của Thành ủy Hải Phòng ngày 18-10-2022 tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(6) Lã Tiến: Giai đoạn 2021-2024, Hải Phòng chi hơn 22.867 tỷ đồng cho giáo dục, https://giaoduc.net.vn, ngày 27-12-2024.

(7) Vũ Ba: Trường Đại học Hải Phòng phải 'cất cánh' trong thời gian tới,

https://congly.vn, ngày 19-10-2023

(8) Phương Mai: Năm thứ 10 liên tiếp Hải Phòng duy trì tăng trưởng ở mức 02 con số, https://haiphong.gov.vn, ngày 06-01-2025.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành phố Hải Phòng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới
    POWERED BY