Tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay - Một số rào cản chính và gợi mở về giải pháp

27/02/2020 16:23

(LLCT) - Trên phương diện lý thuyết và kết quả rà soát các văn bản pháp luật hiện hành, có thể thấy về nguyên tắc, phụ nữ Việt Nam hầu như không có khó khăn trong việc theo đuổi một cuộc sống bình đẳng, tự do. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều rào cản mà phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị bạo lực gia đình phải đối mặt trong việc tiếp cận công lý để giải quyết các vụ việc của mình. Bài viết phân tích thực trạng việc tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo lực gia đình ở Việt Nam, từ đó gợi mở một số giải pháp nhằm cải thiện tình hình và hỗ trợ tốt hơn đối với nhóm phụ nữ yếu thế này trong xã hội.

Tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay - Một số rào cản chính và gợi mở về giải pháp

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là hành vi vi phạm quyền của phụ nữ tồn tại tương đối phổ biến ở Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về BLGĐ ở Việt Nam năm 2010, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người từng bị đánh, bị cưỡng bức về tình dục hay từng phải chịu các hình thức lạm dụng khác(1). Trong số các biện pháp phòng, chống BLGĐ, việc tiếp cận công lý của phụ nữ bị BLGĐ là điều kiện quan trọng để đảm bảo các quyền của phụ nữ, chấm dứt tình trạng BLGĐ và tiến tới thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ mọi sự phân biệt đối với phụ nữ.

1. Tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo lực gia đình - khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực tế

Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, thông qua luật pháp và những kênh thực thi công lý khác, các cá nhân tiếp cận được những nguồn lực phù hợp, từ đó có thể hành động một cách tự do và tự chủ(2). Theo chiều ngược lại, cũng có bằng chứng nghiên cứu cho thấy các khuôn khổ và quá trình pháp lý thiên vị giới là yếu tố chủ yếu cản trở tiến bộ trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới. Do vậy, sự thay đổi các khuôn khổ và quá trình pháp lý này cũng được xác định là một trong những nguyên nhân chính (cùng với sự gia tăng tiếng nói chính trị và quyền lực kinh tế của người phụ nữ) có thể dẫn tới sự thay đổi theo hướng bình đẳng hơn về quan hệ giới(3). Vì thế, việc gia tăng khả năng tiếp cận công lý là cần thiết trong quá trình xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và đạt tới các mục tiêu phát triển(4).

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều chính sách tiến bộ về bình đẳng giới nói chung và về phòng chống BLGĐ nói riêng. Trên phương diện quốc gia, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định cam kết thực hiện bình đẳng giới. Quyền bình đẳng giữa nam và nữ đã được công nhận liên tục kể từ bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (1946) cho đến các bản Hiến pháp sau đó vào các năm 1960, 1980, 1992 và 2013. Cùng với Hiến pháp, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số lượng lớn các văn bản pháp luật liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới. Luật Bình đẳng giới (2006) công nhận và mang đến hiệu lực pháp luật để giải quyết các vấn đề giới quan trọng, bao gồm bất bình đẳng giới. Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2014 cũng khẳng định quyền bình đẳng giữa nam và nữ, nghiêm cấm phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng đã được ban hành vào tháng 11-2007.

Trên phương diện quốc tế, với tư cách là quốc gia thành viên của công ước CEDAW (Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ) từ năm 1982, Việt Nam thể hiện sự cam kết đầy đủ của mình đối với việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử và xâm hại các quyền của phụ nữ. Những cam kết này đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản có hiệu lực thi hành ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Có thể nói, nhìn chung Việt Nam đã có khung thể chế tương đối đầy đủ cho hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới nói chung, bảo vệ các nhóm phụ nữ yếu thế nói riêng. Tuy vậy, trong thực tế, việc đấu tranh đòi lại công bằng của phụ nữ bị bạo lực gia đình bằng các công cụ pháp lý vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nhìn chung, từ kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, còn tồn tại khoảng cách khá lớn giữa nội dung của các khung khổ pháp lý chính thống với thực tế tiếp cận công lý của các nữ nạn nhân bị BLGĐ ở Việt Nam. Trái ngược với việc có rất nhiều văn bản pháp lý về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới nói chung, phòng, chống BLGĐ nói riêng, trong thực tế, các nạn nhân bị BLGĐ có rất ít nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các thiết chế và chủ thể pháp lý. Tình trạng phổ biến tồn tại ở tất cả các địa bàn nghiên cứu là đa số nạn nhân lựa chọn im lặng và chịu đựng BLGĐ. Một bộ phận không nhỏ phụ nữ bị bạo lực chưa từng có bất kỳ đòi hỏi nào về công lý, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Chỉ một số nữ nạn nhân cảm nhận được nhu cầu và đã thực sự sử dụng các hệ thống pháp lý để tìm kiếm công lý cho mình. Tuy nhiên, hầu hết những người đã từng tiếp cận hệ thống pháp lý để giải quyết vụ việc BLGĐ của mình đều là nạn nhân của các vụ bạo lực thể xác, với hậu quả khá nghiêm trọng và rõ ràng. Đối với các trường hợp bị bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế, có rất ít người đã từng tìm đến công cụ pháp lý để giải quyết vụ việc. Nội dung các cuộc phỏng vấn lặp lại - cho dù được thực hiện sau gần nửa thập kỷ - cũng vẫn thể hiện rõ nét khuynh hướng này.

2. Những lực cản của các nạn nhân bị bạo lực gia đình trong tiếp cận các thiết chế, chủ thể pháp lý

* Sự phổ biến của tình trạng im lặng,

chịu đựng

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nữ nạn nhân ít tiếp cận hệ thống pháp lý chính thống khi xử lý vụ việc BLGĐ của mình. Nhìn chung, họ thường chọn cách im lặng hoặc chỉ tiếp cận các sự trợ giúp phi chính thống nếu trường hợp bạo lực còn trong khả năng chịu đựng của bản thân, và xác định vẫn tiếp tục chung sống với người chồng.

Thực tế cho thấy, BLGĐ có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với phụ nữ nhưng vẫn có không ít người chấp nhận phương án “đóng cửa bảo nhau” hoặc im lặng và chịu đựng mà không tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý nào để đòi lại công bằng cho bản thân. Thông tin thu được từ các cuộc thảo luận và phỏng vấn sâu của cả hai đợt nghiên cứu ở các địa bàn nghiên cứu đều chỉ ra rằng, chính các giá trị văn hóa truyền thống đã làm hình thành khuôn mẫu chấp nhận và chịu đựng bạo lực đó ở phụ nữ.

Sự im lặng và cam chịu bạo lực của các nữ nạn nhân có nguồn gốc từ các quan niệm và giá trị truyền thống về vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Phần đông phụ nữ khi được hỏi vẫn cho rằng phụ nữ cần dịu dàng, mềm mại, nhẫn nhịn, kín đáo...; sau khi lấy chồng, phụ nữ về nhà chồng thì phải tôn trọng, nhường nhịn và phục tùng chồng vì chồng là chủ gia đình, là thể diện của gia đình. Chính vì vậy, một số người quan niệm rằng, hành vi bạo lực trong một số trường hợp là có thể chấp nhận được, chẳng hạn như trong quan hệ vợ chồng thì vợ phải phục tùng chồng, nếu vợ mà có lỗi hoặc vợ không chiều theo ý muốn của chồng thì chồng có thể đánh để dạy vợ. Các “lỗi” mà không ít nạn nhân tự nêu ra như “vợ nói nhiều”, “vợ không đáp ứng được nhu cầu tình dục của chồng”, “vợ không làm ra được nhiều tiền bằng chồng”... thể hiện rằng áp lực xã hội lệch lạc vẫn đang đè nặng lên người phụ nữ.

Thông tin từ các địa bàn nghiên cứu cho thấy, dù nơi cư trú là đô thị, nông thôn hay miền núi, người phụ nữ vẫn luôn được mong đợi là người chịu trách nhiệm chính trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình. Vì vậy, khi BLGĐ xảy ra, bản thân người phụ nữ thường cảm thấy xấu hổ và có lỗi do không đảm nhận tốt vai trò “giữ lửa” của mình. Áp lực xã hội trước nỗi lo bị mang tiếng như “không biết làm vợ”, “không biết chiều chồng”, “loại đàn bà vô phúc”... là lý do khiến nhiều phụ nữ bị BLGĐ không dám nói ra vấn đề của họ. Nỗi ám ảnh về nguy cơ bị mang tiếng không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân các nữ nạn nhân. Nhiều phụ nữ không muốn nói ra tình trạng bị bạo lực của mình vì họ muốn giữ thể diện cho gia đình, không muốn làm ảnh hưởng xấu tới các thành viên khác trong gia đình, thậm chí là không muốn làm xấu hình ảnh của người chồng đã cư xử không tốt với họ. Do đó, có không ít nạn nhân đã phải tự “bịa” ra lý do giải thích cho những thương tích mà người chồng gây ra trên cơ thể mình như “chồng đánh cho thâm tím mặt mày mà cứ phải nhận là mình bị ngã”.

Tương tự, đối với các trường hợp bị bạo lực kinh tế và tinh thần, cũng có không ít ý kiến trả lời phỏng vấn ở tất cả các địa bàn nghiên cứu cho rằng phụ nữ bị bạo lực nên im lặng vì “nói ra thì xấu chàng hổ ai”, và họ lo sợ “làm con cái xấu hổ với bạn bè nó”, “làm mất sĩ diện của chồng”, “làm mất hình ảnh của chồng”, “khiến chồng thêm tức giận”. Đặc biệt, đa số phụ nữ bị bạo lực tình dục chọn cách giữ im lặng, bởi vì họ quan niệm “tình dục là việc riêng tư chỉ giữa vợ với chồng”, “tình dục là điều cấm kỵ, không nên nói ra”, và hơn thế, “việc thỏa mãn chồng là trách nhiệm của người vợ, nói ra xấu hổ lắm”.

Một số nạn nhân tin rằng, giữ im lặng là giải pháp an toàn cho chính bản thân phụ nữ, với những lý do khá đa dạng. Với định kiến truyền thống, nhiều người cho rằng, việc chia sẻ chuyện bị chồng cư xử tệ bạc với cha mẹ đẻ và anh, chị em ruột - những người gần gũi và đáng tin cậy nhất - cũng không giải quyết được tình trạng của họ. Chính vì vậy, vẫn còn có trường hợp mặc dù phải chịu bạo lực thường xuyên nhưng nhiều nữ nạn nhân vẫn kiên quyết không nói cho người thân biết chuyện. Một số phụ nữ lo sợ việc nói chuyện trong nhà ra với người ngoài, ngay cả với những người có thẩm quyền thì vẫn không giải quyết được vấn đề của họ, thậm chí còn có thể khiến cho người chồng thêm tức giận, cư xử tệ hơn, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Một số nạn nhân khác lại chọn cách im lặng bởi họ không tin rằng công an hay hệ thống tư pháp, các cơ quan chức năng có thể ngăn chặn tình trạng bạo lực hoặc có thể giúp đỡ, bảo vệ họ.

Như vậy, im lặng và chịu đựng bạo lực đang là cách mà một bộ phận phụ nữ chọn để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Đây là giải pháp mang tính tiêu cực bởi nó không giải quyết hay làm thay đổi được nguyên nhân dẫn đến các hành vi bạo lực. Bản chất của việc gây bạo lực thường là nhằm kiểm soát quyền lực nên một khi người chồng còn muốn khẳng định vị thế của họ cao hơn so với vợ thì nhiều khả năng họ còn tiếp tục có các hành vi bạo lực. Nhiều phụ nữ cho biết dù không có lý do gì chính đáng thì người chồng vẫn có thể đánh họ. Vì thế, cho dù họ im lặng và chịu đựng, các hành vi bạo lực vẫn không chấm dứt mà ngược lại, vẫn tiếp tục tái diễn.

* Sự yếu kém trong hỗ trợ tiếp cận các thiết chế pháp lý

Các thiết chế và chủ thể thuộc hệ thống phi nhà nước, bao gồm gia đình, hàng xóm, bạn bè và những người có uy tín trong cộng đồng thường được các nạn nhân tiếp cận đầu tiên để tìm kiếm sự chia sẻ, giúp đỡ sau khi xảy ra vụ việc BLGĐ, bởi tiếp cận các chủ thể này là dễ dàng và thuận tiện nhất. Thông tin thu được từ tất cả các địa bàn nghiên cứu đều cho thấy, gia đình và họ hàng là chỗ dựa tin cậy nhất của các nữ nạn nhân bị BLGĐ, bởi vì mối quan hệ này được hình thành dựa trên các ràng buộc về huyết thống, tình cảm và pháp lý. Tuy nhiên, do quan niệm “đi lấy chồng là đã thành người của nhà chồng” nên sự giúp đỡ của bố mẹ đẻ và anh, chị, em ruột gặp phải khá nhiều rào cản. Chính vì thế, khi bị bạo lực, phụ nữ thường thông báo và tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình chồng nhiều hơn, và ít khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ bố mẹ đẻ và anh, chị, em ruột. Họ cũng thường trì hoãn việc thông báo tình hình với phía gia đình “bên ngoại” do không muốn bố mẹ, anh chị em ruột của mình bị buồn, lo lắng, hay bị mang tiếng là “bênh con nhà mình”. Bên cạnh đó, do ở gần, dễ báo tin và dễ có sự trợ giúp nên hàng xóm cũng là một trong những đối tượng được nạn nhân BLGĐ tiếp cận nhờ giúp đỡ khi xảy ra bạo lực. Đặc biệt, đối với các trường hợp mà hành vi bạo lực trở nên nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng mà gia đình và họ hàng không ở gần thì người phụ nữ có xu hướng tìm cách thông báo cho hàng xóm trước tiên để nhận trợ giúp kịp thời. Bạn bè cũng là đối tượng được nạn nhân tìm đến chia sẻ và nhờ cậy, nhưng điều này thường chỉ diễn ra sau khi vụ việc bạo lực đã xảy ra được một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, đối với một số trường hợp, nhất là ở những cộng đồng có tính gắn kết cao, sau khi vụ việc bạo lực xảy ra, các nữ nạn nhân còn tìm gặp những người có uy tín trong cộng đồng như già làng hay trưởng họ hoặc cha xứ để nhận được lời khuyên và sự giúp đỡ.

Các thiết chế và chủ thể thuộc hệ thống pháp lý nhà nước và mang tính nhà nước (ví dụ các tổ chức chính trị - xã hội), mặc dù có thể cung cấp sự trợ giúp chắc chắn và toàn diện hơn, nhưng không phải là lựa chọn hàng đầu và ngay lập tức của các nữ nạn nhân bị BLGĐ, bởi nhiều lý do khác nhau. Pháp luật chính thống của nước ta quy định rất rõ về trách nhiệm và biện pháp mà các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần thực hiện nhằm đảm bảo công lý cho phụ nữ bị bạo lực. Tuy nhiên, thông tin thu được từ các địa bàn nghiên cứu cho thấy tâm lý e ngại, không muốn tiếp cận với các chủ thể thuộc hệ thống pháp lý nhà nước ở địa phương còn khá phổ biến. Phụ nữ có xu hướng chỉ tiếp cận với các chủ thể thuộc hệ thống pháp lý nhà nước và mang tính nhà nước khi hành vi bạo lực liên tục tái diễn, gây hậu quả nghiêm trọng và đã vượt ra khỏi phạm vi mà họ có thể tự giải quyết. Về thứ tự tiếp cận, sau khi tìm sự giúp đỡ từ các thiết chế và chủ thể thuộc hệ thống phi nhà nước, chẳng hạn như gia đình và người thân, các nữ nạn nhân mới tìm kiếm sự trợ giúp từ các chủ thể thuộc hệ thống mang tính nhà nước (chẳng hạn người đứng đầu khu vực dân cư, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, thành viên tổ hòa giải...). Cuối cùng, họ mới tiếp cận các thiết chế và chủ thể thuộc hệ thống pháp lý nhà nước nhằm tìm kiếm sự công bằng cho mình.

Người đứng đầu khu vực dân cư là người đại diện cho chính quyền cơ sở, chịu trách nhiệm nắm bắt và can thiệp kịp thời các hành vi bạo lực trong khu vực. Trong khu dân cư, họ được người dân bầu chọn với tư cách là người đáng tin cậy, hiểu biết và có trách nhiệm đối với công việc chung. Vì vậy, các nữ nạn nhân bị BLGĐ cũng thường tiếp cận họ để nhờ cậy giúp đỡ, đặc biệt là ở giai đoạn nạn nhân bắt đầu tìm kiếm sự hỗ trợ chính thống để giải quyết tình trạng của mình. Mặc dù vậy, qua kết quả nghiên cứu, rào cản giới là một vấn đề tương đối lớn khiến việc tiếp cận này không phải lúc nào cũng dễ dàng và thuận tiện, bởi hầu hết những người đứng đầu khu vực dân cư là nam giới.

Chi hội trưởng chi hội phụ nữ là người đại diện bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ ở cơ sở và thường là thành viên tổ hòa giải cơ sở, vì thế họ thường được phụ nữ bị bạo lực báo tin và nhờ can thiệp, giúp đỡ cả khi đang xảy ra và sau khi đã xảy ra bạo lực. Tuy nhiên, số lượng cán bộ hội phụ nữ cấp cơ sở ở các địa phương tương đối ít, trong khi khối lượng công việc họ đảm nhận lại rất nhiều. Có lẽ cũng chính vì vậy, nhiều phụ nữ được hỏi cho biết họ không muốn trình báo về việc BLGĐ của họ.

Công an và Chủ tịch UBND xã/phường là những người có thẩm quyền xử lý các hành vi BLGĐ cao nhất ở cấp cơ sở, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ phụ nữ khỏi các hành vi bạo lực. Chính vì vậy, để tìm kiếm công lý, phụ nữ bị bạo lực cần phải thông báo và yêu cầu sự trợ giúp từ chính quyền và công an cả khi đang xảy ra và sau khi đã xảy ra bạo lực. Tuy nhiên, phụ nữ bị bạo lực rất e ngại và không muốn yêu cầu chính quyền và công an trợ giúp, vì sợ mang tiếng là “vợ mà lại đi kiện chồng”, sợ tiếp tục bị bạo lực nếu sự trợ giúp không mang lại kết quả như mong đợi... Thông thường, khi người phụ nữ đã viết đơn yêu cầu công an và chính quyền can thiệp thì cũng có nghĩa là vấn đề của họ đã trở nên nghiêm trọng, nạn nhân không thể tiếp tục chịu đựng hoặc tự giải quyết được nữa.   

Nhân viên tư pháp, với vai trò cung cấp, phổ biến tài liệu, thông tin, kiến thức pháp luật và theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật trên địa bàn(5), là một chủ thể mà phụ nữ cần tìm đến để tìm kiếm sự hỗ trợ và đảm bảo sự tiếp cận công lý. Tuy nhiên, đối tượng này rất ít được đề cập đến trong các cuộc thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu ở tất cả các địa bàn nghiên cứu. Đây là một hiện tượng rất đáng quan tâm, đặc biệt là ở những địa bàn có phần lớn phụ nữ là người dân tộc thiểu số, với hiểu biết xã hội và nhận thức về pháp luật còn hạn chế, rất cần được hỗ trợ pháp lý như trường hợp xã Dương Phong (Bắc Kạn).

Nhân viên y tế tại cộng đồng có khả năng và trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, tư vấn y tế cho nạn nhân bị bạo lực, nhưng kết quả nghiên cứu thể hiện rằng một số nữ nạn nhân bị BLGĐ vẫn chưa tiếp cận được nhân viên y tế. Tại Dương Phong (Bắc Kạn), các nạn nhân cho biết chưa nhận được sự chăm sóc y tế và tư vấn từ cán bộ y tế cơ sở, mặc dù ở địa bàn đã có những trường hợp phụ nữ bị bạo lực nghiêm trọng (bị chồng đánh gây tổn thương phải nhập bệnh viện tuyến huyện để cấp cứu hay bị chồng gây bạo lực tinh thần tới mức có các biểu hiện bị ám ảnh, đau đớn, dằn vặt về tinh thần, hoặc phải chịu đựng đồng thời cả 4 loại bạo lực thể xác, tinh thần, tình dục và kinh tế từ chồng là người nghiện ma túy nhiễm HIV). Khá nhiều nạn nhân trả lời phỏng vấn đã không nhận biết được hết vấn đề của bản thân, cho rằng cán bộ y tế không có liên quan, và do đó không có ý định tìm đến cán bộ y tế để được hỗ trợ.

Đối với các ban ngành khác ở chính quyền địa phương, sự tiếp cận của các nữ nạn nhân cũng rất hạn chế. Mặc dù Luật Phòng, chống BLGĐ quy định, đại diện của các ban, ngành liên quan như Văn hóa, Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trợ giúp cho phụ nữ bị BLGĐ, song ý kiến trao đổi của các đối tượng phỏng vấn và thảo luận nhóm đều thể hiện rằng việc tìm kiếm sự trợ giúp từ các ban, ngành này còn rất ít. Điều này thể hiện đặc biệt rõ ở xã Dương Phong - nơi chưa có dự án phòng, chống BLGĐ được triển khai.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, việc các nữ nạn nhân bị BLGĐ tiếp cận các nguồn trợ giúp thuộc hệ thống pháp lý nhà nước ở các cấp cao hơn như công an, tư pháp, tòa án... cấp huyện, tỉnh và trung ương lại càng ít. Tại Dương Phong (Bắc Kạn), trong số các hồ sơ được địa phương quản lý chưa có trường hợp BLGĐ nào được đưa ra xét xử ở tòa án cấp huyện.

Tại Nghi Hòa (Nghệ An), mặc dù số vụ BLGĐ được yêu cầu can thiệp khá nhiều, song chỉ có một vụ được đưa ra tòa cấp trên xét xử. Phụ nữ có xu hướng chỉ tiếp cận các chủ thể pháp lý cao hơn khi đó là trường hợp bắt buộc, ví dụ như việc BLGĐ dẫn đến ly hôn, có những tranh chấp đất đai, tài sản. Lý do thường được nêu ra gồm thủ tục pháp lý phức tạp, sự tốn kém về kinh phí và thời gian trong việc theo đuổi các thủ tục pháp lý đó. Đặc biệt, nếu việc xét xử vụ việc BLGĐ mà không dẫn đến ly hôn, người vợ thường phải đứng ra chi trả các phí tổn khi người chồng bị yêu cầu chấp hành hình phạt. Do vậy, các nạn nhân thường không muốn đẩy vụ việc của mình lên xử lý ở cấp cao hơn.

3. Một số gợi mở về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo lực gia đình ở Việt Nam trong thời gian tới

Có thể thấy, việc tiếp cận công lý của các nữ nạn nhân bị BLGĐ còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Để thúc đẩy sự tiếp cận công lý của các nữ nạn nhân, cần có những giải pháp phá vỡ sự im lặng và chịu đựng của họ, đồng thời tìm cách giải quyết các thách thức, rào cản khiến họ e ngại trong việc tìm kiếm sự trợ giúp. Do vậy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đòi hỏi sự tham gia của các bên liên quan, cụ thể là:

Một là, nâng cao hiểu biết xã hội và nhận thức pháp luật của phụ nữ để thúc đẩy sự tiếp cận công lý

- Tiếp tục tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, BLGĐ và Luật Phòng, chống BLGĐ, nhất là về các quyền của phụ nữ được pháp luật bảo vệ khỏi BLGĐ. Cần đặc biệt quan tâm phát triển các hoạt động này tại các cộng đồng dân tộc thiểu số.

- Tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tư vấn và hỗ trợ cho cán bộ phụ nữ cơ sở và thiết lập mạng lưới phụ nữ tham gia bảo vệ phụ nữ bị BLGĐ tại cơ sở.

- Xây dựng và mở rộng hoạt động của các câu lạc bộ phụ nữ bị BLGĐ nhằm nâng cao nhận thức về BLGĐ, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ bị bạo lực, tạo điều kiện cho phụ nữ được chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi cách giải quyết vấn đề BLGĐ, hỗ trợ tâm lý và tình cảm, và tham gia xây dựng các kế hoạch ứng phó với BLGĐ tại cộng đồng.

- Đẩy mạnh vai trò của truyền thông đại chúng, tăng cường việc truyền thông về luật bình đẳng giới và Luật Phòng, chống BLGĐ, tăng cường truyền tải các thông điệp lên án các hành vi bạo lực dưới mọi hình thức và hướng dẫn cách tìm kiếm sự hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, đồng thời mở rộng tuyên truyền xóa bỏ các định kiến giới.

Hai là, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ pháp lý nhằm giải quyết những khó khăn của phụ nữ bị bạo lực gia đình trong tiếp cận công lý

-  Nâng cao hiểu biết pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho cán bộ hỗ trợ pháp lý cơ sở, nhất là đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số - nơi các nữ nạn nhân rất cần được hỗ trợ pháp lý.

- Mở rộng phạm vi tư vấn và hỗ trợ pháp lý giúp phụ nữ bị BLGĐ tháo gỡ khó khăn trong khi theo đuổi công lý. Dịch vụ hỗ trợ pháp lý cần cung cấp thông tin và tư vấn cho phụ nữ về quyền của họ đối với tài sản và đất đai hoặc quyền nuôi con cũng như các vấn đề khác để giúp họ vượt qua được rào cản trong quá trình theo đuổi công lý.

- Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động hỗ trợ pháp lý, để giải quyết khó khăn khi nhu cầu hỗ trợ pháp lý lớn, nhưng nguồn lực nhà nước dành cho các dịch vụ hỗ trợ pháp lý còn hạn chế.

Ba là, tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện khung khổ pháp luật để nâng cao hiệu quả giải quyết và xử lý vấn đề bạo lực gia đình

- Tiếp tục nghiên cứu cải tiến để các thủ tục pháp lý trở nên đơn giản hơn, giúp cho nạn nhân dễ ghi nhớ để có thể thực hiện. Các thủ tục cũng cần được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn để có thể kịp thời thực hiện các hoạt động can thiệp và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, cơ quan chức năng trong giải quyết các vụ việc BLGĐ.

- Tiếp tục xây dựng khung hình phạt cụ thể cho những loại hành vi bạo lực mà hiện nay chưa có quy định về hình thức xử phạt, ví dụ bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh các biện pháp xử phạt chưa hợp lý, ví dụ nên chấm dứt sử dụng biện pháp phạt tiền (xử phạt hành chính) và thay bằng việc truy tố trước pháp luật, áp dụng những mức phạt nặng hơn đối với các trường hợp có hành vi bạo lực gây ra thương tích ở mức dưới 11% nhưng đã được xử lý nhiều lần mà vẫn tái diễn.

- Bổ sung chế tài xử lý đối với các trường hợp các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định khi giải quyết vụ việc BLGĐ.

Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết khiếu kiện, khiếu nại của các cơ quan chức năng

- Cam kết thực hiện phòng, chống BLGĐ ở tất cả các cấp chính quyền, xây dựng và sử dụng chỉ tiêu phòng, chống BLGĐ làm tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của các cá nhân và ban, ngành chức năng.

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm xóa bỏ định kiến giới và nâng cao năng lực giải quyết khiếu kiện, khiếu nại của cán bộ cơ sở. Bên cạnh đó, cũng cần tổ chức các hoạt động tập huấn về cách thức can thiệp và xử lý khi xảy ra BLGĐ.

- Thúc đẩy sự hợp tác đa ngành trong phòng, chống BLGĐ, xây dựng kế hoạch chung về phòng, chống BLGĐ, trong đó làm rõ cách phối hợp hoạt động phòng, chống BLGĐ giữa các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương. 

Năm là, phát huy sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội

- Tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở, tiếp tục tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới và nâng cao nhận thức pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ; mở rộng tập huấn nâng cao năng lực hòa giải và hỗ trợ pháp lý cho cán bộ đoàn thể cơ sở.

- Tiếp tục nâng cao năng lực và tạo cơ hội cho cán bộ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo ở chính quyền cơ sở. Cần đẩy mạnh việc tạo điều kiện để cán bộ nữ có quyền tham gia và giám sát quá trình điều tra và xét xử các vi phạm liên quan tới BLGĐ đối với phụ nữ.

- Thúc đẩy sự chủ động của các cấp hội phụ nữ trong việc tham gia hỗ trợ các nữ nạn nhân tiếp cận công lý thông qua các hoạt động cụ thể như hỗ trợ cơ quan hội phụ nữ đảm nhận việc lập hồ sơ, theo dõi và quản lý các vi phạm liên quan tới BLGĐ đối với phụ nữ ở tất cả

các cấp.

Sáu là, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, nhất là sự tham gia của nam giới

- Nâng cao nhận thức cho cộng đồng nói chung và nam giới nói riêng về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ. Cần đặc biệt chú ý thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức và ý thức thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ cho nam giới, tiến tới xóa bỏ định kiến giới trong cộng đồng.

- Cần xây dựng các câu lạc bộ cho nam giới có hành vi bạo lực để giúp họ nâng cao kiến thức và thay đổi hành vi, tập trung vào các nội dung như tăng cường hiểu biết về các quy định pháp luật bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ, học hỏi và thực hành các kỹ năng sống trong gia đình, khuyến khích ứng xử bình đẳng...

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019

(1) Tổng cục Thống kê: “Chịu nhịn là chết đấy” - Kết quả Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, Hà Nội, 2010.

(2) Martha Nussbaum (1999), “Women and Equality: The Capabilities Approach”, International Labour Review, 138(3), pp. 227-245; Amartya Sen (2009), The Idea of Justice, Harvard University Press.

(3) UNDP: Power, Voice and Rights: A Turning Point for Gender Equality in Asia and the Pacific, Macmillan Publishers India Ltd, 2010.

(4) Evalyn G. Ursua: Access to Justice for Women in Plural Legal Systems in South East Asia, UN Women, Bangkok, 2014.

(5) Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ: Thông tư Liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28-4-2009 về Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện và Công tác Tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã, 2009.

PGS, TS LÊ THỊ THỤC

Học viện Chính trị khu vực I

TS LÊ THÚY HẰNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay - Một số rào cản chính và gợi mở về giải pháp
    POWERED BY