(LLCT) - Chiều ngày 25-7-2023, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi số hệ thống báo chí Học viện Chính trị quốc giaHồ Chí Minh”. PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Học viện dự và chủ trì tọa đàm.
PGS, TS Dương Trung Ý chủ trì và phát biểu khai mạc Tọa đàm - Ành: hcma.vn
Tham dự tọa đàm, có đồng chí Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet; đại diện lãnh đạo các tạp chí thuộc Học viện; đại diện Vụ Quản lý khoa học, Văn phòng Học viện, Vụ Kế hoạch - Tài chính; Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin; Nhà xuất bản Lý luận chính trị…
Phát biểu đề dẫn, khai mạc tọa đàm, PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Học viện khẳng định, việc chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 03-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tiếp đó, ngày 06-4-2023, Quyết định số 348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định rõ mục tiêu: đến năm 2025, sẽ có 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); đến năm 2030, có 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số.
Hiện nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có 14 tạp chí, 6 bản tin, 01 Cổng thông tin của Học viện và 05 Cổng thông tin của các Học viện trực thuộc, một số trang tin điện tử của các đơn vị như Trung tâm Việt - Úc; Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; Đề án Quyền con người; Nhà xuất bản Lý luận chính trị… Do đó, công tác chuyển đổi số hệ thống báo chí Học viện càng trở nên cấp thiết.
Mục tiêu chuyển đổi số của hệ thống báo chí Học viện là nhằm tăng cường quản lý hệ thống; phát huy hiệu quả nguồn lực báo chí Học viện, lan tỏa mạnh mẽ kết quả hoạt động khoa học của Học viện và tạo tiền đề phát triển các tạp chí khoa học theo hướng đạt chuẩn quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn
Tọa đàm tập trung vào 04 nội dung chính:
Một là, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số báo chí nói chung và một số kinh nghiệm chuyển đổi số tại một số cơ quan báo chí;
Hai là, làm rõ nội dung, bản chất của chuyến đổi số báo chí hiện nay;
Ba là, xác định mục đích chuyển đổi số báo chí;
Bốn là, xác định lộ trình, những giải pháp chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí Học viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại tọa đàm, đồng chí Vũ Huyền Linh, Giám đốc Maketing và phát triển sản phẩm của Báo Vietnamnet đã giới thiệu Hệ thống quản trị nội dung báo chí VMS. Đây là một nền tảng quản trị nội dung báo chí quốc gia, nhằm phục vụ công tác chuyển đổi số hiện nay với nhiều tính năng hiện đại như quản lý người dùng và tác giả; hiện thị quy trình sản xuất tin bài rõ ràng, chặt chẽ; trợ lý tin tức; sắp xếp tin bài; tính nhuận bút tự động…
Đồng chí Bùi Công Duyến, Chuyên gia tư vấn Trung tâm Chuyển đổi số báo chí Báo Vietnamnet đã phân tích nền tảng tạp chí số quốc tế và trong nước, từ đó xây dựng phần mềm tòa soạn hội tụ cho các tạp chí trong nước.
Các đại biểu đã tích cực trao đổi, đề xuất những nhiệm vụ cụ thể nhằm chuyển đổi số hệ thống báo chí Học viện trong thời gian tới như: xây dựng phần mềm biên tập trực tuyến cho toàn bộ các tạp chí, tiến tới đưa toàn bộ các bước xuất bản tạp chí trên nền tảng trực tuyến. Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống tạp chí của Học viện, với hệ thống tiêu chí tạp chí khoa học lý luận chính trị Việt Nam, tiệm cận các tiêu chí tạp chí khoa học quốc tế, bao gồm các tiêu chí đánh giá theo chuẩn quốc tế. Ứng dụng công nghệ số trong đánh giá chỉ số uy tín của các tạp chí theo thông lệ các cơ sở dữ liệu khu vực và quốc tế (Vcgate, ACI, ...) đang phổ biến hiện nay, qua đó định hướng phát triển các tạp chí Học viện theo quy chuẩn tạp chí khoa học. Xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu tạp chí, ấn phẩm khoa học Học viện trở thành Cơ sở dữ liệu uy tín của khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam. Trên cơ sở đó, thu hút các tạp chí khoa học khác tham gia vào Cơ sở dữ liệu của Học viện và lan tỏa quốc tế kết quả công bố.
Quang cảnh Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn
Các ý kiến trao đổi tại tọa đàm cũng khẳng định, sự phối hợp quan trọng giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Thông tin - Truyền thông trong xây dựng chiến lược chuyển đổi số báo chí Học viện; xây dựng nguồn nhân lực, chuyển giao ứng dụng công nghệ; cũng như tổ chức bộ máy quản trị, vận hành...
Tổng kết tọa đàm, PGS, TS Dương Trung Ý nhấn mạnh tính tất yếu của chuyển đổi số hệ thống báo chí Học viện trong bối cảnh hiện nay. Chuyển đổi số là điều kiện để hiện đại hóa, khoa học hóa hoạt động báo chí, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số giúp những người làm báo chí Học viện thay đổi tư duy báo chí, tạo ra những sản phẩm mới, thu hút độc giả, hội nhập quốc tế. Để chuyển đổi số thành công, trước hết các cơ quan báo chí của Học viện cần tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển giao ứng dụng công nghệ; đánh giá lại những quy trình, quy chuẩn hoạt động của các tạp chí của Học viện hiện nay; thống nhất mô hình tổ chức của cơ quan báo chí Học viện thích ứng với chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu của hệ thống báo chí Học viện…
T.T