(LLCT) - Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2023), sáng 18-8-2023, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Tôn Đức Thắng - Nhà lãnh đạo mẫu mực, tấm gương về đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Toàn cảnh Tọa đàm - Ảnh: TTXVN
GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì tọa đàm. Cùng chủ trì có PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởngViện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; TS Đinh Ngọc Quý, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Tham dự tọa đàm khoa học có đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo Nhân Dân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trường Đại học Công đoàn, Viện Công nhân và Công đoàn, các nhà khoa học, giảng viên, học viên của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng…
Phát biểu đề dẫn, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, đồng chí Tôn Đức Thắng là người chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc; nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước, người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
GS, TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Tọa đàm - Ảnh: TTXVN
Công lao to lớn, sự nghiệp vẻ vang và phẩm chất cao quý của đồng chí Tôn Đức Thắng sống mãi với cách mạng Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Từ tấm gương ngời sáng của đồng chí, chúng ta càng vững tin hơn vào con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại cù lao Ông Hổ, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ những năm 1910 và trở thành một trong những chiến sĩ cộng sản tiên phong ở nước ta.
Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tín nhiệm giao đảm nhiệm các trọng trách: Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (1946-1955); Quyền Trưởng Ban (1948-1955), rồi Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (1955-1960); Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960-1969); Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969-1980); Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Mặt trận Liên - Việt (1951-1955), Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955-1977).... Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng nêu tấm gương sáng về tinh thần kiên trung, tận tụy, phấn đấu quên mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Các tham luận và các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã khẳng định, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương An Giang và gia đình là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng. Với lòng yêu nước nhiệt thành, đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng, giác ngộ lý tưởng cộng sản và đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Các tham luận đã tập trung làm rõ những cống hiến to lớn của đồng chí Tôn Đức Thắng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, thể hiện trên các nội dung sau:
Thứ nhất, đồng chí Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam; có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong tiến trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Tôn Đức Thắng sớm tham gia phong trào yêu nước, chọn hướng đi cùng với giai cấp công nhân đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Xưởng Ba Son và bãi khóa của học sinh Trường Bá Nghệ Sài Gòn, trở thành lãnh tụ xuất sắc của giai cấp công nhân Việt Nam với sự kiện cuối năm 1920, đồng chí sáng lập Công hội bí mật ở Sài Gòn - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.
Sau khi được giác ngộ và trang bị lý luận cách mạng khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng chí trở thành cán bộ quan trọng của Kỳ bộ Thanh niên Nam Kỳ và Bí thư Thành bộ Sài Gòn - Chợ Lớn. Dưới sự hoạt động tích cực của đồng chí, thế hệ thanh niên yêu nước Nam Bộ đã rèn luyện thành đại biểu chân chính của giai cấp và dân tộc, mang tới cho phong trào công nhân hệ tư tưởng cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tạo bước phát triển nhảy vọt của phong trào công nhân và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, thúc đẩy nhanh quá trình vận động thành lập chính đảng tiên phong của giai cấp công nhân ở Việt Nam.
Thứ hai, đồng chí Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, sáng ngời đạo đức cách mạng.
Tháng 7-1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn (Sài Gòn) và một năm sau bị đày ra Côn Đảo. Gần 17 năm bị giam ở ngục tù đế quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn tỏ rõ là một nhà yêu nước vĩ đại, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; thương yêu đồng chí và những người cùng cảnh ngộ. Với ý chí bất khuất, kiên trung của người đảng viên cộng sản, đồng chí đã cùng với các chiến sĩ cộng sản đang bị giam giữ biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tham gia sáng lập, duy trì và phát triển Hội những người tù đỏ và Chi bộ khám Chỉ Tồn, Chi bộ Đảng đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo, hạt nhân lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù tàn bạo. Đồng chí luôn nêu cao tấm gương người cộng sản kiên trung, yêu thương đồng chí, động viên các đồng chí của mình tin tưởng vào tương lai tất thắng của cách mạng.
Thứ ba, đồng chí Tôn Đức Thắng, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Năm 1946, đồng chí Tôn Đức Thắng được điều động ra Hà Nội cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Từ đây, đồng chí đảm đương nhiều vị trí chủ chốt của Mặt trận, Quốc hội, Nhà nước Việt Nam. Trong công tác mặt trận, đồng chí Tôn Đức Thắng giữ chức Phó Hội trưởng Liên Việt (năm 1946), Quyền Hội trưởng Liên Việt, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Mặt trận Liên Việt (năm 1951), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1955), Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1977).
Trên cơ sở thấm nhuần và quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần to lớn vào việc lãnh đạo mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.Trong thời gian giữ các cương vị lãnh đạo Mặt trận, đồng chí Tôn Đức Thắng đã dành nhiều thời gian gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ trí thức, dân tộc, tôn giáo, kiều bào… Đến với quần chúng bằng sự gần gũi, thân tình, đồng cảm, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tạo sự gắn kết với quần chúng nhân dân, huy động, quy tụ được sức mạnh của nhân dân vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Một số tham luận đã làm rõ hơn về đóng góp của đồng chí Tôn Đức Thắng, người cán bộ lãnh đạo chủ chốt tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, trên cương vị Quyền Trưởng ban, Trưởng ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Phó Chủ tịch, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên cương vị lãnh đạo Quốc hội, đồng chí Tôn Đức Thắng đã điều hành Quốc hội thực hiện các chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát, thể hiện Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân; thảo luận tình hình quốc tế và trong nước, chủ trương, đường lối của Đảng trong giai đoạn mới; phê chuẩn về việc kiện toàn Chính phủ; thảo luận và thông qua các nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội; thông qua những đạo luật cơ bản về tổ chức Nhà nước, củng cố cơ sở pháp lý, triển khai xây dựng bộ máy nhà nước có hiệu quả, hiệu lực trên thực tế…
Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, mặc dù tuổi đã cao, đồng chí vẫn chỉ đạo và tham gia nhiều hoạt động quan trọng của đất nước, quan tâm đến mọi mặt của đời sống nhân dân, động viên toàn dân, toàn quân ra sức lao động, sản xuất, chiến đấu, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, động viên, đoàn kết toàn dân tộc, đưa sự nghiệp chống đế quốc Mỹ xâm lược đến thắng lợihoàn toàn.
Thứ tư, đồng chí Tôn Đức Thắng là người bạn chiến đấu gần gũi và thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức mẫu mực, chiến sĩ cách mạng quốc tế có uy tín được bạn bè quốc tế tin tưởng và kính trọng.
Trên mọi cương vị lãnh đạo, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn luôn thể hiện phẩm chất mẫu mực, trung thành tuyệt đối với cách mạng, người lãnh đạo kính mến, cống hiến xứng đáng của mình vào cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc vì độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đồng chí là người chiến sĩ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, suốt đời phấn đấu cho sự phát triển tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị anh em giữa nhân dân ta và nhân dân các nước trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, khí phách kiên trung, nhân cách, “chất người cộng sản Tôn Đức Thắng” mãi là niềm tự hào, là bài học sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Minh Phương