(LLCT) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng tuy không dài nhưng đã để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân một tấm gương sáng ngời về trí tuệ, đạo đức, tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản; tấm gương tiêu biểu về ý chí, nghị lực của một lãnh tụ tài năng, một nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mãi được khắc ghi trong lịch sử dân tộc, để cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập và noi theo.
PGS, TS TRẦN MINH TRƯỞNG
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người thầy đầu tiên dẫn dắt đồng chí Trần Phú đi theo con đường cách mạng vô sản. Chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người phát hiện và giúp đỡ đồng chí Trần Phú trong suốt quá trình hoạt động, phấn đấu trở thành người cộng sản ưu tú, nhà lý luận xuất sắc, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta.
Ngay từ những năm tháng còn là học sinh của Trường Quốc học Huế, Trần Phú đã nghe đến tên tuổi của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, được đọc những bài viết của Người trên một số tài liệu, sách báo tiến bộ, bí mật lưu hành ở Huế lúc bấy giờ. Ảnh hưởng tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự ác cảm với “chốn quan trường nghiệt ngã”, đã giúp Trần Phú sớm hiểu rằng quan trường nô lệ không phải nơi “hành đạo”.
Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế (năm 1922), với tấm bằng Thành chung loại ưu, Trần Phú có thể nhận một chức quan, đi theo con đường “vinh thân phì gia”, nhưng anh đã quyết định chọn nghề làm thày dạy học, với mục đích góp phần đào tạo ra lớp người có chí hướng, làm lợi cho dân cho nước.
Được điều về dạy học tại Trường tiểu học Cao Xuân Dục, thành phố Vinh (Nghệ An), Trần Phú đã được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhà yêu nước (Nguyễn Đình Kiên, Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân...), qua đó được bồi đắp thêm tinh thần yêu nước, cách mạng. Tháng 7-1925, Trần Phú tham gia sáng lập Hội Phục Việt - một tổ chức của những người yêu nước cấp tiến.
Bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú là vào tháng 7-1926, đồng chí được Hội Phục Việt (khi đó đổi tên thành Hội Hưng Nam) cử sang Quảng Châu (Trung Quốc), để bàn việc sáp nhập với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tại Quảng Châu, đồng chí Trần Phú lần đầu tiên được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia lớp huấn luyện chính trị do Người trực tiếp giảng dạy. Khóa học đã trang bị cho đồng chí Trần Phú những kiến thức cơ bản về cách mạng vô sản và những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; về chủ trương, đường lối, nhiệm vụ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam...
Trong thời gian đồng chí Trần Phú học tập, nghiên cứu tại khóa huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện ở đồng chí có những phẩm chất, tài năng của nhà lãnh đạo cách mạng trong tương lai. Vì thế, đến cuối năm 1926, Người đã viết thư giới thiệu (qua đại diện của Quốc tế Cộng sản ở Quảng Châu), gửi đồng chí Trần Phú sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva (Liên Xô)(1). Kết thúc khóa học, đầu năm 1930, đồng chí Trần Phú nhận Chỉ thị của Quốc tế cộng sản, trở về nước hoạt động. Khi đồng chí đang trên đường về nước, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã được tiến hành tại Hồng Kông (Trung Quốc).
Do bị lộ tin tức, cho nên khi tàu vừa cập bến Sài Gòn, dù đã bắt được liên lạc với cơ sở, nhưng bị mật thám truy lùng gắt gao, đồng chí Trần Phú phải tiếp tục hành trình sang Hồng Kông. Tại đây, đồng chí Trần Phú đã gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người thông báo về sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và tình hình phong trào cách mạng trong nước.
Sau một thời gian nghiên cứu, nắm tình hình cụ thể, tháng 4-1930, đồng chí Trần Phú đã bí mật về nước hoạt động. Được sự giới thiệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trần Phú được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.
Để có thêm cơ sở cho việc dự thảo bản Luận cương chính trị, đồng chí đã đi khảo sát một số địa phương ở Bắc Kỳ như: Thành phố Hải Phòng, Nam Định, Thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh)... Kết quả chuyến khảo sát đã giúp đồng chí nắm được tình hình thực tiễn về phong trào công nhân, nông dân; về hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng; về tinh thần và thái độ cách mạng của các giai tầng trong xã hội Việt Nam.
Kết thúc chuyến khảo sát (tháng 7-1930), đồng chí Trần Phú bí mật về Hà Nội và được bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời (tức Ban Chấp hành Trung ương lâm thời). Chính tại nhà số 90, phố Hàng Bông (nay là phố Thợ Nhuộm), trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực tiễn, được phân tích, soi rọi bằng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng chí Trần Phú đã hoàn thành bản dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Tháng 10-1930, tại Hồng Kông (Trung Quốc), đồng chí Trần Phú đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Hội nghị đã thông qua bản Luận cương chính trị do đồng chí soạn thảo và đưa ra nhiều quyết nghị quan trọng khác (Án nghị quyết) về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng; về Điều lệ Đảng; về đổi tên Đảng (thành Đảng Cộng sản Đông Dương); về công nhân vận động; về vấn đề phản đế của Trung ương toàn thể Hội nghị... Đặc biệt, bản Luận cương chính trị của Đảng thể hiện trí tuệ, tài năng và tư duy lý luận sáng tạo của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú.
Đánh giá về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của bản Luận cương chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng ta đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân là nông dân. Vì vậy, Đảng ta đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình… Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân không ngừng được củng cố và tăng cường”(2).
Dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 đã thành công tốt đẹp. Kết quả của Hội nghị đã đánh dấu sự trưởng thành về nhiều mặt của Đảng ta. Với việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức (thay cho Ban Chấp hành Trung ương lâm thời); bổ sung một cấp lãnh đạo mới của Đảng cho phù hợp với địa giới hành chính (Xứ ủy), lần đầu tiên ban lãnh đạo cao nhất của Đảng được kiện toàn về mặt tổ chức từ Trung ương đến cơ sở. Qua đó, khẳng định vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng trên vũ đài chính trị, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam (nói riêng), cách mạng Đông Dương (nói chung) phát triển.
Với Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản. Ngày 11-4-1931, tại phiên họp thứ 25, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành (lần thứ XI), Quốc tế Cộng sản đã ra Quyết định công nhận: “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản”(3). Trong tình thế khó khăn, ác liệt, kẻ địch tăng cường đàn áp, khủng bố, sự công nhận và giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản là yếu tố thuận lợi cho Đảng ta củng cố và phát triển.
Về một số điểm hạn chế mang tính lịch sử của bản Luận cương chính trị, trước đây đã có một số ý kiến, nhận định mang tính phiến diện, chủ quan khi cho rằng: “có sự bất đồng về quan điểm cách mạng giữa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng Bí thư Trần Phú thể hiện trong Chánh cương vắn tắt và Luận cương chính trị”. Tuy nhiên, cần phải khẳng định ngay rằng, bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo đã được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 10-1930), tuy còn một vài vấn đề chưa thống nhất với Chánh cương vắn tắt, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo (được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, tháng 2-1930); nhưng những vấn đề cơ bản về đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng... trong các văn kiện được thông qua tại 2 Hội nghị của Đảng, không có sự “bất đồng, khác biệt” về quan điểm cách mạng.
Cụ thể là, về mục tiêu, tính chất của cách mạng, trong Chánh cương vắn tắt nêu rõ: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(4). Quan điểm này tiếp tục được khẳng định trong Luận cương chính trị: “Sau khi hoàn thành cách mạng tư sản dân quyền, xứ Đông Dương sẽ nhờ vô sản giai cấp chuyên chánh các nước giúp sức cho mà phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”(5).
Về nhiệm vụ cách mạng, cũng như Chánh cương vắn tắt, bản Luận cương chính trị đã phân tích về mối liên hệ mật thiết giữa hai nhiệm vụ cách mạng chống đế quốc và chống phong kiến, làm cho: “Đông Dương hoàn toàn độc lập và người cày có ruộng”.
Đây là những vấn đề cơ bản, nhất quán và xuyên suốt về con đường, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam: “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Những quan điểm, chủ trương, đường lối đó, ngay từ đầu đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trần Phú khẳng định trong các văn kiện của Đảng; được nhân dân ta lựa chọn, trở thành nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Do đó, không thể nói rằng “có sự bất đồng”, hay sự “khác biệt về quan điểm cách mạng” giữa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng Bí thư Trần Phú.
Sở dĩ có một số vấn đề hạn chế thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương (tháng 10-1930), không sát hợp với tình hình thực tiễn cách mạng Việt Nam, như về vấn đề lực lượng cách mạng; về tên Đảng... là do nguyên nhân bắt nguồn từ sai lầm của tư tưởng “tả khuynh, biệt phái”, nảy sinh trong Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (tháng 6-1928)(6). Chính sự chỉ đạo mang tính áp đặt, cực đoan, sự can thiệp “quá sâu” của một số nhà lãnh đạo trong Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản, đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của nhiều đảng cộng sản trên thế giới, nhất là những đảng vừa mới ra đời như Đảng Cộng sản Đông Dương.
Điều quan trọng là, Tổng Bí thư Trần Phú và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã sớm nhận thấy những ảnh hưởng bất lợi của tư tưởng “tả khuynh, biệt phái” của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam. Trên tinh thần cách mạng triệt để, xuất phát từ quan điểm thực tiễn, Tổng Bí thư Trần Phú đã kịp thời chỉ đạo Ban Thường vụ Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương, nghiên cứu, đánh giá về tình hình trong nước, điều chỉnh và đưa ra chủ trương, đường lối sát hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Vì vậy, chỉ sau hơn 1 tháng, Hội nghị Trung ương (tháng 10-1930) bế mạc, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương đã soạn thảo Chỉ thị về thành lập Hội phản đế đồng minh và thành lập các tổ chức Nông hội, Đoàn thanh niên cộng sản, Hội phụ nữ, Hội cứu tế đỏ...
Nhờ có sự điều chỉnh kịp thời những hạn chế, bất cập, Đảng ta đã khắc phục được những ảnh hưởng bởi “tư tưởng giáo điều, cô độc, hẹp hòi”, lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam phát triển đúng hướng. Đó là sự trở lại với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Giữa lúc phong trào cách mạng đang được củng cố, phát triển, ngày 18-4-1931, Tổng Bí thư Trần Phú bị thực dân Pháp bắt. Bất chấp mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ và tra tấn tàn bạo của mật thám Pháp, đồng chí đã nêu cao ý chí kiên cường, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đòn roi tra tấn, sự tàn bạo của chế độ nhà tù đế quốc đã làm sức khoẻ của đồng chí Trần Phú suy kiệt, đồng chí đã hy sinh ngày 06-9-1931 tại Bệnh viện Chợ Quán - Sài Gòn. Trước lúc hy sinh, lời nhắn gửi cuối cùng của đồng chí là: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.
Sau khi Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh, Tạp chí Quốc tế Cộng sản ra số đặc biệt (tháng 5-1932) đã đưa tin và khẳng định: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương, cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù của đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương”(7).
Đánh giá cao sự hy sinh, cống hiến của đồng chí Trần Phú đối với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về người học trò, người đồng chí thân thiết của mình: “Đồng chí Trần Phú… và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”(8); “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”(9).
Ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã khẳng định: “Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, Trần Phú đó có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện ấu trĩ tả khuynh, hữu khuynh trong Đảng. Đồng chí dành nhiều công sức để xây dựng và củng cố tổ chức, kiện toàn các cơ quan từ trung ương đến các xứ ủy và các đảng bộ, nhất là ở những vùng quan trọng, bị địch đàn áp”(10).
Tổng Bí thư Trần Phú anh dũng hy sinh khi mới 27 tuổi đời, gần một năm giữ cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; đồng chí đã để lại cho nhân dân ta một tấm gương sáng ngời về trí tuệ, đạo đức, khí phách hiên ngang của người cộng sản. Đó là tấm gương hy sinh, phấn đấu trọn đời cho Đảng; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là tấm gương bất khuất, kiên trung, hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; tấm gương tiêu biểu về ý chí, nghị lực của một lãnh tụ tài năng, một nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta. Tên tuổi, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Trần Phú - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mãi được khắc ghi trong lịch sử dân tộc, để cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta học tập, noi theo.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 554 (4-2024)
Ngày nhận bài: 3-4-2024; Ngày bình duyệt: 16 -4-2024; Ngày duyệt đăng: 22-4-2024.
(1) Trong thời gian học tập tại Trường Đại học Phương Đông (1927 - 1929), Trần Phú với bí danh Lý Quý, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Nga; được cử làm Bí thư Chi bộ của những người cộng sản Việt Nam đang học tại Trường Đại học Phương Đông.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 407.
(3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.309.
(4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.2, 94.
(6) Do ảnh hưởng bởi sự phản bội của giai cấp tư sản cầm quyền ở Trung Quốc (Chính phủ Trung Hoa Dân quốc do Tưởng Giới Thạch đứng đầu), đã đàn áp giai cấp công nhân và những người cộng sản Trung Quốc (sự kiện “Quảng Châu Công xã”, tháng 2-1927); cùng với sự phản bội của các chính phủ do giai cấp tư sản nắm quyền ở châu Âu, Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (tháng 6-1928) đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Đẩy mạnh cuộc đấu tranh giai cấp”; “Giai cấp tư sản là đối tượng của cách mạng vô sản” (bất kể là tư sản dân tộc hay tầng lớp tiểu tư sản), coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của các Đảng Cộng sản trên thế giới.
(7) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Trần Phú - Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.162-163.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.25.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.309.
(10) Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Phạm Thế Duyệt - Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, đọc tại “Lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, ngày 12-1-1999, Báo Nhân dân, số ra ngày 13-1-1999.