Diễn đàn

Trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng

24/05/2024 10:53

(LLCT) - Phòng, chống tham nhũng nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là chủ trương xuyên suốt của Đảng ta qua các kỳ Đại hội. Để thành công trong công tác phòng, chống tham nhũng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chủ thể, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp. Bài viết phân tích làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng và đề xuất một số giải pháp phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác này.

TS DƯƠNG THỊ TƯƠI
Viện Nhà nước và Pháp luật,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng

Hội thảo công bố “Bộ công cụ Hướng dẫn các bước đi thực tế phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp” _Ảnh: IT

1. Trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng

Tham nhũng luôn gắn với quyền lực nhà nước, với một bộ phận người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước lợi dụng quyền lực nhà nước để vụ lợi. Tham nhũng làm cho bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước, làm suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Tham nhũng làm mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, do đó, “Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước”(1). Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ về phòng, chống tham nhũng (PCTN), đồng thời, đề ra chủ trương phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác đấu tranh, PCTN, tiêu cực. Đảng ta khẳng định: “Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước,... Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(2).

Bên cạnh đó, một trong những điểm mới của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 là đã cụ thể và mở rộng trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện PCTN. Tại khoản 1 Điều 3 Luật PCTN năm 2018 xác định: “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó vì vụ lợi”; Người có chức vụ quyền hạn gồm cả người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó(3). Do đó, có thể hiểu, người có chức vụ, quyền hạn là những người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công và cả những người giữ chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư và những người không có chức danh, chức vụ nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định.

Để phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và xã hội, bên cạnh các quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; của báo chí và nhân dân, Luật PCTN năm 2018 đã có những quy định tạo cơ sở pháp lý về trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước(4) trong PCTN (tại Điều 4 Luật PCTN năm 2018). Cụ thể như:

Thứ nhất, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Theo quy định của pháp luật, người đứng đầu doanh nghiệp có trách nhiệm:

Thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, như công khai, minh bạch về thực hiện chính sách, pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; về chế độ lương, thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các chế độ phúc lợi xã hội khác; quy tắc ứng xử, điều lệ doanh nghiệp; công tác tổ chức, bố trí nhân sự (tuyển dụng, điều động, chuyển đổi, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật...) và các nội dung khác phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật có liên quan.

Thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp thông qua các hoạt động như: “Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp xung đột lợi ích dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật cần phải ngăn chặn, xử lý kịp thời”(5).

Trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp do mình quản lý, vi phạm các quy định về áp dụng các biện pháp PCTN thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật.

Kiến nghị hoàn thiện và tham gia vào phản biện chính sách, hoàn thiện thể chế về PCTN. Để góp phần hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch, các doanh nghiệp tham gia góp ý kiến trong quá trình các cơ quan có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến dự thảo các chính sách, pháp luật; đồng thời, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các quy định, qua đó, khắc phục các “khiếm khuyết” từ cơ chế, chính sách tạo kẽ hở phát sinh tham nhũng.

Thứ hai, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng

Luật PCTN năm 2018 quy định 3 nhóm biện pháp phát hiện và xử lý tham nhũng, như: “tự kiểm tra; thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán; thông tin tố cáo về tham nhũng”(6).

Về biện pháp tự kiểm tra: Pháp luật quy định người đứng đầu doanh nghiệp có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới hoặc trực tiếp giải quyết công việc của đội ngũ người làm việc trong doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng. Khi phát hiện hành vi tham nhũng, người đứng đầu phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Về tố cáo tham nhũng: Theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Luật Tố cáo năm 2018, các cá nhân, doanh nghiệp có quyền phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng.

Về các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán: các biện pháp này do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành nhằm phát hiện và xử lý tham nhũng. Theo đó, trong phạm vi thẩm quyền, các doanh nghiệp chỉ thực hiện các biện pháp xử lý kỷ luật, các biện pháp hành chính, các biện pháp thu hồi và cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để tiến hành xử lý.

2. Thực trạng phòng, chống tham nhũng trong các doanh nghiệp

Quán triệt, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp là một trong những chủ thể có những đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua.

Đối với khối doanh nghiệp nhà nước, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã chỉ đạo sát sao các Đảng ủy Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ nhằm khắc phục những thiếu sót trong thực hiện chế độ, chính sách... Tích cực tham gia, góp ý vào các dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là những văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoặc có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và đến môi trường kinh doanh.

Chẳng hạn, tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xác định trách nhiệm tham gia góp ý vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đồng thời, luôn tích cực, chủ động nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, đưa ra các đề xuất, kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, qua đó, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Chẳng hạn như, trong 8 tháng đầu năm 2021, VCCI đã tham gia “17 Ban soạn thảo, tổ biên tập văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; tham gia 10 Hội đồng thẩm định, thẩm tra các đề xuất, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các dự thảo văn bản, phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, trong đó có những văn bản có tác động rất lớn tới doanh nghiệp”(7). VCCI đẩy mạnh công tác vận động doanh nghiệp, doanh nhân chủ động, tham góp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp, như “tổ chức 53 hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các hình thức khác để lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp góp ý 96 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách mang tính chiến lược, dài hạn liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp”(8).

Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, của xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, trong 10 năm (2012-2022) công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. “Qua công tác thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm”(9). Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ (33.868 bị can), truy tố 16.699 vụ (33.037 bị can); xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế(10).

Từ thực tế thống kê về xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự qua 10 năm triển khai, thực hiện đã cho thấy rõ “quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tuyên ngôn và đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế”(11).

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, vẫn còn một số vướng mắc từ quy định của pháp luật và thực hiện pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng, như:

Một là, mặc dù Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01-7-2019 của Chính phủ có quy định về việc thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm của các doanh nghiệp về việc thực hiện biện pháp PCTN, nhưng chưa quy định rõ về trách nhiệm pháp lý trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện không đúng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01-01-2021) về doanh nghiệp nhà nước thì chỉ doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước sẽ thực hiện trách nhiệm như cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật PCTN. Trong khi đó, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông trong doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước chi phối thì khó có thể thực hiện toàn bộ các biện pháp phòng ngừa và xử lý tham nhũng, dẫn đến việc thực thi sẽ vướng mắc.

Hai là, hiện chưa có quy định xử lý đối với hành vi tham ô, nhận lối lộ, đưa và môi giới hối lộ trong nội bộ doanh nghiệp. Luật PCTN năm 2018 xác định 3 hành vi tham nhũng là “tham ô, nhận lối lộ, đưa và môi giới hối lộ” đối với doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý theo quy định của pháp luật hình sự; nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì hiện chưa quy định xử phạt hành chính hay xử lý kỷ luật.

Ba là, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp thiếu liêm chính trong kinh doanh. Đối với các chủ thể kinh doanh, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, liêm chính điều chỉnh hành vi kinh doanh vì lợi ích cá nhân và cộng đồng, nhân cách doanh nhân được xã hội tôn vinh, qua đó tác động đến sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp, cũng như sự phát triển bền vững của nền kinh tế mỗi quốc gia. Do đó, trong phòng, chống tham nhũng, khi các chủ thể kinh doanh thực hiện sự “liêm chính”, một mặt bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, lợi ích của cộng đồng và sự phát triển của doanh nghiệp, mặt khác, góp phần bảo đảm sự “trong sạch” của bộ máy nhà nước, phát triển kinh tế đất nước bền vững.

Hằng năm, VCCI với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố. Chẳng hạn, theo Báo cáo PCI, khoảng 41,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI 2021 cho biết vẫn phải trả tiền “lót tay” khi thực hiện các thủ tục liên quan tới đầu tư kinh doanh, giảm 3,5% so với năm 2020. Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức trong hoạt động thanh tra xây dựng (khoảng 67,22%) và cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (khoảng 61,36%)(12).

Năm 2022, theo Báo cáo PCI, trong các thủ tục hành chính thuế có “vướng mắc với khâu quyết toán thuế - chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 49%; tiếp đến là khâu đề nghị miễn, giảm thuế (29%) và hoàn thuế (21%). Tính trung bình, thời gian mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra về thuế trong năm 2022 là 9 giờ, tăng so với kết quả năm 2021 và năm 2020 (lần lượt là 5 giờ và 8 giờ). Đáng chú ý, 53,8% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”, tăng so với mức 47,6% của năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế cũng gia tăng đáng quan ngại, từ mức 33,8% của năm 2021 lên mức 54,5% của năm 2022”(13).

Có thể thấy, đây là một dấu hiệu đáng lo ngại khi tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” lại gia tăng đáng kể, từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022(14). Hiện tượng này cho thấy, vẫn có một bộ phận doanh nghiệp không chỉ là nạn nhân, mà đôi khi cũng chính là đối tượng thúc đẩy các hành vi tham nhũng, tiêu cực từ phía cơ quan công quyền.

3. Một số giải pháp phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012- 2022, trong bài phát biểu kết luận, một trong những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đã được Tổng Bí thư chỉ rõ: “Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”(15). Theo đó, để phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp trong PCTN, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, “tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực””(16), qua đó, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác đấu tranh PCTN.

Trong thời gian tới, các cơ quan Đảng, Nhà nước cần rà soát để xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, như xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị;... Theo đó, cần có quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và doanh nghiệp ngoài nhà nước (công ty đại chúng, tổ chức tín dụng) trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Cần có chế tài đối với doanh nghiệp nhà nước trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định tại Luật PCTN. Cùng với đó, cần đặc biệt chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Một mặt, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng trong doanh nghiệp, mặt khác, đó là biện pháp thúc đẩy việc thực hiện pháp luật về PCTN của các chủ thể trong doanh nghiệp.

Cần tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Thông qua cơ chế thông tin, báo cáo về việc thực hiện các biện pháp PCTN trong các doanh nghiệp đòi hỏi các báo cáo phải toàn diện, đầy đủ, phản ánh đúng thực tiễn thực hiện công tác PCTN của các doanh nghiệp.

Thứ hai, người đứng đầu doanh nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền, động viên người lao động trong doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật về PCTN; tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; đồng thời, trường hợp người có chức vụ, quyền hạn có hành vi tham nhũng thì cần kịp thời cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, các cấp ủy đảng trong doanh nghiệp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện pháp luật về PCTN thông qua các chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra đảng ủy các cấp; trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát cấp ủy viên các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt diện cấp ủy quản lý về trách nhiệm nêu gương trong thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN, tiêu cực;...

Thứ ba, cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực, chủ động tham gia góp ý kiến vào dự thảo chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh và pháp luật về PCTN. Qua đó, một mặt, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, mặt khác, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, từng bước xóa bỏ tình trạng “lót tay” giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh; tuân thủ tính liêm chính trong kinh doanh.

Luật PCTN khuyến khích các doanh nghiệp ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh đối với người lao động, thành viên nhằm bảo đảm liêm chính trong kinh doanh. Để góp phần phòng ngừa tham nhũng, các doanh nghiệp cần xác định xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, tuân thủ tính liêm chính là yêu cầu cần thiết, bắt buộc trong hoạt động kinh doanh (ngay từ khi doanh nghiệp mới thành lập), là một trong những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 548 (tháng 10-2023)

Ngày nhận bài: 24-8-2023; Ngày bình duyệt: 07-10-2023; Ngày duyệt đăng: 18-10-2023.

(1), (10), (11), (15), (16) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.14, 27, 28, 134-135, 137.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.196.

(3) Xem: Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

(4) Xem: Khoản 9, 10 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

(5) Xem: Điều 54 Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01-7-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

(6) Xem: Điều 60 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

(7), (8), (9) Xem Quỳnh Chi: Tích cực góp ý xây dựng pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, https://vccinews.vn/, ngày 9-9-2021.

(12) Xem B. Ngọc: Năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh rất tốt, Hà Nội tốt, TP.HCM khá, https://tuoitre.vn/, ngày 27-4-2022.

(13), (14) Xem: https://moha.gov.vn/baucu/van-ban-huong-dan/cong-bo-bao-cao-thuong-nien-chi-so-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-2022-48853.html, truy cập ngày 06-7-2023.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng
    POWERED BY