TS NGUYỄN KHÁNH VÂN
Viện Nghiên cứu châu Mỹ,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
TS HÀ HỒNG VÂN
Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
(LLCT) - Đông Bắc Á là khu vực tiềm ẩn các tranh chấp dai dẳng về chủ quyền lãnh thổ chủ yếu giữa ba quốc gia là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã khiến những tranh chấp nóng lên và châm ngòi cho nhiều căng thẳng, đụng độ tại khu vực trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. Trong bối cảnh đó, Mỹ tham gia mạnh mẽ hơn vào các tranh chấp lãnh thổ này với mục tiêu chính là ngăn chặn Trung Quốc đồng thời ủng hộ các đồng minh Đông Bắc Á của mình. Bài viết làm rõ sự tham gia của Mỹ vào tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Đông Bắc Á. Bài viết là là kết quả nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 506.01-2020.301
Vùng biển quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư là một ngư trường đầy tiềm năng - Nguồn: IT
1. Lịch sử và hiện trạng các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Đông Bắc Á
Ba quốc gia ở Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có tranh chấp lẫn nhau về quyền kiểm soát các quần đảo, đảo nhỏ và bãi đá ngầm tại các vùng biển trong khu vực.
Trên thực tế, vấn đề tranh chấp này khá phức tạp và kéo dài theo suốt chiều dài lịch sử. Ở biển Hoa Đông, các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải dù khác biệt nhưng có liên quan lẫn nhau. Tranh chấp lãnh thổ nổi lên về quyền sở hữu đối với các đối tượng địa lý nằm rải rác trên biển, còn các tranh chấp hàng hải liên quan đến các tuyên bố quyền tài phán chồng chéo đối với các khu vực biển. Các vùng hàng hải như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cung cấp các quyền chủ quyền nhưng không phải là chủ quyền đầy đủ.
Cơ chế pháp lý chính để quản lý, giải quyết các tranh chấp trên biển là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) với sự tham gia của 169 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc(1). Tuy nhiên, UNCLOS chỉ có các cơ chế giải quyết tranh chấp hàng hải mà không được áp dụng cho các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Hiện nay, hầu hết các đường biên giới trên biển ở Đông Bắc Á vẫn ở trong tình trạng tranh chấp kéo dài, một phần do nguyên nhân địa lý. Các quốc gia Đông Bắc Á nằm trên các vùng biển khép kín hoặc nửa kín, do vậy các tuyên bố chủ quyền về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chồng lấn ở biển Hoa Đông. Hàn Quốc và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền thềm lục địa kéo dài hơn 200 hải lý ở biển Hoa Đông. Hàn Quốc tuyên bố rằng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển Hoa Đông tạo thành một khối lục địa liên tục kéo dài từ bờ biển của nước này. Khi đệ trình lên Ủy ban Giới hạn của Thềm lục địa (CLCS) về một phần giới hạn bên ngoài của thềm lục địa, Hàn Quốc đã tuyên bố chủ quyền ở một số phần lên đến 350 hải lý.
Năm 2012, Trung Quốc đã đệ trình lên CLCS tuyên bố của họ rằng giới hạn bên ngoài của thềm lục địa của họ kéo dài đến Okinawa, nghĩa là vượt qua 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Trung Quốc. Các tuyên bố này dựa trên nguyên tắc kéo dài tự nhiên, có thể cho phép mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý. Trong khi đó, Nhật Bản lại sử dụng các nguyên tắc đường trung tuyến để xác định giới hạn của vùng đặc quyền kinh tế của mình. Điều này đã tạo ra một khu vực mà các tuyên bố chủ quyền trên biển chồng chéo lên nhau.
Tranh chấp hàng hải khởi phát khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên như trữ lượng cá hoặc các mỏ khí tự nhiên tiềm năng được phát hiện tại các vùng đặc quyền kinh tế bị chồng lấn(2). Các tranh chấp này có ý nghĩa lớn hơn về mặt chiến lược đối với các quốc gia liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, khi cạnh tranh nước lớn gia tăng buộc các quốc gia phải giành giật các lợi thế về địa chính trị. Các tranh chấp hỗn hợp liên quan đến cả khía cạnh hàng hải và lãnh thổ cũng có thể đại biểu cho tình cảm dân tộc chủ nghĩa và được lồng ghép vào trong những cuộc tranh giành lớn hơn liên quan đến sự khẳng định bản sắc và toàn vẹn lãnh thổ. Ở biển Hoa Đông, những tranh chấp như vậy càng thêm phức tạp bởi di sản để lại từ lịch sử, đặc biệt là những hiệp ước quốc tế phân định lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Một số nhóm tranh chấp đáng chú ý ở Đông Bắc Á bao gồm:
Nhóm tranh chấp Dokdo/Takeshima: Với diện tích không đến 19km2, nằm cách Hàn Quốc và Nhật Bản hơn 210km, quần đảo Dokdo/ Takeshima đã biến thành điểm nóng trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù hầu như không thể có các hoạt động dân sinh ở tại nhóm đảo này, nhưng cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có ý thức về chủ quyền đối với vùng đảo này. Hàn Quốc cho rằng tuyên bố chủ quyền của mình với vùng đảo này có ít nhất từ năm 512(3).
Đây là vùng lãnh thổ đầu tiên của Hàn Quốc bị đế quốc Nhật Bản chiếm đóng vào năm 1905, do đó, chủ quyền với các hòn đảo này đại diện cho tình cảm dân tộc chống Nhật trong các nhóm dân cư và chính giới Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng duy trì sự hiện diện quân sự tích cực trên các đảo nhỏ và tổ chức các cuộc tập trận quân sự định kỳ 6 tháng một lần ở các vùng biển xung quanh.
Trong khi đó, Nhật Bản tuyên bố các đảo nhỏ là lãnh thổ vốn có của mình do nó được hợp nhất trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Sự hợp nhất này được thực hiện trong phạm vi quyền hạn của Nhật Bản, quản lý theo nguyên tắc Terra nullius (lãnh thổ vô chủ). Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1952, chấm dứt sự chiếm đóng của Mỹ tại Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đã không liệt kê Dokdo/Takeshima là một trong những lãnh thổ sẽ được trao trả cho Hàn Quốc. Nhật Bản ủng hộ việc đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền tại đây ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Hàn Quốc từ chối lựa chọn này với lý do, nước này không thừa nhận có tranh chấp, mặc dù lập trường của Hàn Quốc phần nào được định hình bởi niềm tin rằng các quyết định của ICJ đã gây bất lợi cho các quốc gia từng là thuộc địa trước đây.
Từ năm 1965, Hàn Quốc đã ký với Nhật Bản Hiệp định bình thường hóa quan hệ, song thực chất quan hệ giữa hai nước vẫn còn nhiều nút thắt. Năm 2012, dù phải đối mặt với áp lực quân sự từ Bắc Triều Tiên, nhưng Hàn Quốc vẫn kiên quyết không đồng ý ký hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản. Tình trạng tranh chấp tại cụm đảo đá này sẽ còn kéo dài khi Hàn Quốc vẫn kiểm soát hiệu quả quần đảo Dokdo và đưa ra những tài liệu lịch sử chủ quyền, trong khi Nhật Bản cũng không nhân nhượng. Điều kiện lý tưởng nhất mà các học giả nghiên cứu về vấn đề này đưa ra là Hàn Quốc tiếp tục quản lý đảo nhưng vẫn để cho ngư dân Nhật đánh cá ở khu vực xung quanh.
Nhóm tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư: Các đảo Senkaku/Điếu Ngư được Nhật Bản chính thức tuyên bố chủ quyền vào năm 1895 và thuộc sở hữu tư nhân trong phần lớn thời gian, ngoài một giai đoạn ngắn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Mỹ kiểm soát lãnh thổ Nhật Bản. Trung Quốc bắt đầu khẳng định các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào những năm 1970 bằng việc viện dẫn các quyền lịch sử đối với khu vực này.
Trong giai đoạn 2006 - 2008, Trung Quốc đã sử dụng các tàu chấp pháp hàng hải di chuyển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đẩy mạnh các hoạt động hàng hải xung quanh quần đảo. Những sự kiện diễn ra sau đó càng thúc đẩy xu hướng tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc tại quần đảo này.
Tháng 9-2010, vụ va chạm xảy ra giữa một tàu đánh cá Trung Quốc và một tàu tuần duyên Nhật Bản dẫn đến việc chính quyền Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng của tàu đánh cá Trung Quốc, đã gây ra căng thẳng nghiêm trọng trong quan hệ Trung - Nhật(4).
Tiếp đến, tháng 9-2012, Chính phủ Nhật Bản đã mua 3 trong số các đảo ở Senkaku. Trung Quốc lập tức đã gia tăng triển khai các hoạt động ở khu vực quần đảo này, thể hiện một cách tiếp cận mới thách thức trực tiếp lập trường của Nhật Bản về chủ quyền đối với quần đảo.
Năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tiến hành hợp nhất lực lượng bảo vệ bờ biển dưới sự chỉ huy của Cảnh sát vũ trang nhân dân. Những phát triển này không chỉ nhằm giải quyết các yêu cầu về sự hiện diện ở biển Hoa Đông mà còn thể hiện mục tiêu chiến lược đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải. Các cuộc thảo luận giữa Nhật Bản và Trung Quốc để tìm kiếm công cụ hoặc cơ chế quản lý khủng hoảng ở Senkaku/ Điếu Ngư bắt đầu từ năm 2012, nhưng lập tức bị đình trệ khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không chồng lấn lên không phận của biển Hoa Đông năm 2013. Chỉ sau khi hai nước đạt được một văn bản đồng thuận 4 điểm nêu rõ những khác biệt của họ liên quan đến các đảo tranh chấp, các cuộc thảo luận song phương mới được nối lại đầu năm 2015. Các cuộc thảo luận này nhằm triển khai cơ chế liên lạc trên biển và trên không, chính thức ra mắt vào tháng 6-2018, sau 9 vòng tham vấn cấp cao(5).
Từ năm 2020, Trung Quốc đã thực hiện cuộc tuần tra thực thi pháp luật thường kỳ trên các vùng biển mà họ tuyên bố có chủ quyền. Các tàu của Trung Quốc cũng tìm cách tiếp cận các tàu đánh cá của Nhật Bản, khiến lực lượng tuần duyên của Nhật Bản phải triển khai các hoạt động ứng phó. Kể từ tháng 1-2020, các tàu Trung Quốc đã thực hiện các chuỗi tuần tra dài ngày nhất (hơn 100 ngày liên tiếp) xung quanh quần đảo này(6).
Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư có tác động quan trọng đối với sự ổn định của biển Hoa Đông và khu vực Đông Bắc Á vì nó diễn ra giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản. Hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy các hoạt động hàng hải của Trung Quốc xung quanh Senkaku sẽ dừng lại. Chính phủ Nhật Bản cũng đã tuyên bố rõ rằng lực lượng phòng vệ của mình sẽ đáp trả lại Trung Quốc và hành động kiên quyết khi cần thiết(7).
Trên thực tế, chủ nghĩa dân tộc gia tăng và sự ngờ vực chính trị ngày càng lớn đã cản trở các giải pháp hòa bình khả thi cho tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư. Nguy cơ đụng độ và xung đột gia tăng khi Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn còn Nhật Bản đã vạch rõ các lằn ranh đỏ của mình. Các tranh chấp hàng hải ở khu vực đang được đặt trong một môi trường quốc tế biến đổi nhanh chóng và khó dự báo.
Nhóm tranh chấp bãi đá Ieodo/Tô Nham Tiêu: Khu vực đá chìm ở đáy biển Hoàng Hải với tên gọi Ieodo ở Hàn Quốc và Tô Nham Tiêu ở Trung Quốc cũng là một điểm tranh chấp đáng chú ý.
Chính phủ Hàn Quốc phát hiện ra khu vực đá chìm này năm 1951 và đã đặt một tấm bảng trên khu vực đá này. Năm 1987, Hàn Quốc đã xây dựng một đèn hiệu cảnh báo vận chuyển trên bãi đá chìm. Từ năm 1995 đến năm 2003, Hàn Quốc đã xây dựng Trạm Nghiên cứu Đại dương Ieodo với sân bay trực thăng.
Đối với Trung Quốc, nước này cũng tuyên bố bãi đá này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Trung Quốc cho rằng từ thế kỷ thứ IV Trước Công nguyên, các sách sử của họ đã đề cập đến bãi đá được gọi là Tô Nham Tiêu này. Trung Quốc phản đối việc Hàn Quốc xây dựng Trạm Nghiên cứu Ieodo tại Tô Nham. Tuy nhiên, vào tháng 12-2006, hai nước đã đồng ý không có tranh chấp lãnh thổ đối với Ieodo vì đây là một bãi đá trong vùng biển.
Ieodo nằm trên vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn của hai nước, nhưng gần Hàn Quốc hơn nhiều so với Trung Quốc, nó nằm cách Marado của Hàn Quốc khoảng 80 hải lý về phía Nam, so với Đảo Ngọc Sơn ngoài khơi bờ biển phía Đông Trung Quốc là 150 hải lý. Vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố rằng khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc ngay cả trước cuộc họp về phân định ranh giới trên biển giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy nhiên, năm 2011 và 2012, tranh chấp song phương về quyền sử dụng tại các vùng biển chồng lấn xung quanh Ieodo/Tô Nham Tiêu đã bùng phát do các cuộc đụng độ giữa ngư dân Trung Quốc và Cảnh sát biển Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã tuyên bố vào tháng 3-2012 rằng Ieodo thuộc quyền tài phán của Hàn Quốc và bác bỏ yêu sách mới của Trung Quốc đối với khu vực hàng hải này(8).
Trung Quốc cũng đáp trả cứng rắn khi tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không vào tháng 11-2013 bao gồm cả vùng trời Ieodo. Chính phủ Hàn Quốc ngay lập tức, vào tháng 12-2013, đã công bố kế hoạch mở rộng Vùng nhận dạng phòng không của nước mình chồng lên vùng nhận dạng của Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó có cả Ieodo.
Thực chất, xung đột về khu vực đá chìm này ít được biết đến hơn so với các tranh chấp lãnh thổ khác trong khu vực như quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư ở biển Hoa Đông và chuỗi đảo Trường Sa ở biển Đông. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, Ieodo/Tô Nham cũng rất quan trọng. Một số nhà khoa học cho rằng khu vực đá ngầm này là nơi có khí đốt tự nhiên và các mỏ khoáng sản(9).
Năm 2013, Hàn Quốc cũng đã xây dựng một căn cứ hải quân mới trên đảo Jeju gần đó, một động thái mà một số nhà quan sát an ninh cho là phản ứng trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc(10). Tuy nhiên, hiện tại, nguy cơ xung đột căng thẳng ở khu vực này vẫn được đánh giá thấp.
2. Sự tham gia của Mỹ trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Đông Bắc Á
Đông Bắc Á vốn luôn là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á. Đây là khu vực có hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như đối thủ cạnh tranh lớn nhất hiện nay của Mỹ là Trung Quốc.
Sau một khoảng thời gian sa lầy ở Trung Đông với cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, nước Mỹ dưới thời Obama đã định hướng lại chiến lược theo hướng “tái cân bằng” và hướng nhiều hơn về châu Á - Thái Bình Dương nhằm kết nối các nguồn lực hoạt động của Mỹ với một loạt mục tiêu chính trị tại khu vực này. Các chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Joe Biden nhất quán với cách tiếp cận chiến lược này, đặc biệt xem khu vực Đông Bắc Á là nơi hàm chứa rất nhiều nguy cơ đối với an ninh quốc gia của Mỹ, từ sự trỗi dậy của “cường quốc xét lại Trung Quốc”(11) cho đến khủng hoảng hạt nhân ở Bắc Triều Tiên hay vấn đề Đài Loan. Những tham gia mạnh mẽ hơn của Mỹ vì mục tiêu an ninh ở khu vực do đó sẽ được tăng cường. Khi đó, Mỹ phải dựa vào các quan hệ với các đồng minh chủ chốt là Nhật Bản, Hàn Quốc để trấn áp các nguy cơ có thể xảy ra. Việc can dự vào những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực của Mỹ, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, sẽ được điều chỉnh và đẩy mạnh hơn trong bối cảnh này.
Những can dự vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực nhằm phục vụ cho các mục tiêu lớn hiện nay của Mỹ gồm: (1) thúc đẩy ảnh hưởng và vai trò của của Mỹ ở Đông Bắc Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương; (2) cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát hoặc thống trị vùng biển Hoa Đông.
Mỹ đồng thời có những lợi ích trực tiếp ở biển Hoa Đông mà nước này phải bảo vệ, đó là: (1) giữ vững uy tín toàn cầu đối với các cam kết liên minh của Mỹ; (2) duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không. Do vậy, về mặt chính sách, Mỹ không đưa ra các quan điểm của mình về yêu sách của các bên tranh chấp và đồng thời cũng không đưa ra các giải pháp hòa giải cụ thể. Thay vào đó, chiến lược của Mỹ tập trung vào việc bảo vệ các đồng minh, giữ cho vùng biển thông thoáng, đồng thời tạo điều kiện có lợi cho các bên tranh chấp quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo thời gian.
Về nguyên tắc, can dự của Mỹ đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Đông Bắc Á gồm: (1) Mỹ đóng vai trò là một trọng tài trung lập, khẳng định không can thiệp vào vấn đề chủ quyền của những quốc gia khác và không đứng về bên nào trong các tranh chấp; (2) Mỹ đề cao nguyên tắc giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Về cơ bản, Mỹ ủng hộ nguyên tắc giải quyết các tranh chấp này một cách hoà bình và dựa trên luật lệ; (3) Mỹ bảo vệ quyền tự do hàng hải, nghĩa là quyền tiếp cận của Mỹ cũng như tất cả các quốc gia đối với các vùng biển và vùng trời theo luật pháp quốc tế. Các lực lượng vũ trang Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên khắp thế giới để nhằm khẳng định quyền này.
Sự tham gia của Mỹ vào các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Đông Bắc Á thời gian qua phản ánh những điểm đáng chú ý như sau:
(i) Những tham gia của Mỹ vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong khu vực ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Từ chỗ “từ chối làm nhà hòa giải”, Mỹ đã chấp nhận vai trò “trọng tài trung lập” và thậm chí đã bỏ qua sự trung lập trong tranh chấp này.
Thời điểm ban đầu, Mỹ tuyên bố không bày tỏ quan điểm với các yêu sách cạnh tranh và trên thực tế giữ tư thế đứng ngoài, không muốn bị lôi kéo sâu vào xung đột. Tuy nhiên, khi căng thẳng tại Senkaku/Điếu Ngư bị đẩy lên cao trào vào năm 2012, Mỹ đã có nhiều động thái thể hiện sự ủng hộ đồng minh Nhật Bản của mình. Tổng thống Obama đã có một phát biểu đáng chú ý, cũng là phát biểu công khai đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đối với vấn đề tranh chấp ở Senkaku: “Hãy để tôi nhắc lại rằng cam kết trong hiệp ước của chúng tôi đối với an ninh của Nhật Bản là tuyệt đối và Điều 5 (Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật năm 1960) bao gồm tất cả các vùng lãnh thổ do Nhật Bản quản lý, bao gồm cả quần đảo Senkaku”(12).
Lập trường ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp Senkaku thể hiện rõ ràng hơn dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tháng 2-2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố: “Chúng tôi cam kết bảo vệ an ninh của Nhật Bản và tất cả các khu vực dưới sự kiểm soát hành chính của nước này”(13). Chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục khẳng định cam kết kiên định của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, bao gồm quần đảo Senkaku(14).
(ii)Trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp phối hợp để can dự vào tranh chấp. Ngoài các tuyên bố ủng hộ công khai về mặt ngoại giao và cam kết bảo vệ Senkaku theo nghĩa vụ hiệp ước an ninh chung, Mỹ cũng đã thúc đẩy hợp tác an ninh song phương để tăng cường khả năng phòng thủ biển và hải đảo của Nhật Bản.
Kể từ năm 2012, Mỹ đã tăng cường bán thiết bị không quân và hải quân tiên tiến cho Nhật Bản. Năm 2015, hai nước đã tiến hành sửa đổi Hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương nhằm giúp liên minh Mỹ - Nhật hoạt động tốt hơn, nhằm tăng cường khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ liên quan đến xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại khu vực biển Hoa Đông.
Chiến lược An ninh hàng hải châu Á - Thái Bình Dương năm 2015 của Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, những động thái này là một phần trong chính sách tổng thể của Mỹ nhằm “ngăn chặn xung đột”(15). Quân đội Mỹ cũng đã cung cấp cho Chính phủ Nhật Bản thông tin tình báo, giám sát và do thám về các hoạt động của tàu Trung Quốc trong và xung quanh Senkaku. Ngoài ra, quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc diễn tập trên biển với lực lượng phòng vệ Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng ứng phó trước những căng thẳng tại vùng biển Hoa Đông.
(iii) Mỹ lên tiếng phản đối ngày càng mạnh mẽ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Trung Quốc có nhiều tranh chấp tại biển Hoa Đông, không chỉ với Nhật Bản mà cả với Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan. Tuy nhiên, Senkaku là một điểm quan trọng về mặt chiến lược, điều này khiến tranh chấp tại đây trở nên quyết liệt. Quần đảo Senkaku nằm trong vành đai bảo vệ Okinawa của Nhật, nhưng đồng thời cũng nằm trong chuỗi đảo thứ nhất - tuyến phòng thủ đầu tiên của Trung Quốc. Trong bối cảnh mà chiến lược và tham vọng hải dương của Trung Quốc đang thay đổi, Mỹ rất lo ngại các hành động thay đổi nguyên trạng khu vực của Trung Quốc. Sự tham gia của Mỹ vào các tranh chấp biển đảo không ngoài mục tiêu ngăn cản sớm các nỗ lực kiểm soát của Trung Quốc tại biển Hoa Đông.
(iv) Đối với các tranh chấp không có sự tham gia của Trung Quốc trên vùng biển Hoa Đông, quan điểm trung lập và không can dự của Mỹ vẫn được duy trì. Trong trường hợp tranh chấp Dokdo/Takeshima, cả hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản đều là đồng minh chặt chẽ, quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với Mỹ. Vì thế, thông điệp của Mỹ là hai bên cần giải quyết các vấn đề một cách hòa bình, thông qua đối thoại.
Như vậy có thể thấy, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Đông Bắc Á là vấn đề tồn tại dai dẳng và có xu hướng gia tăng trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI trở lại đây. Chủ thể của tranh chấp này đều là những nước lớn, sự mâu thuẫn, đụng độ vì vậy càng khó giải quyết và sẽ có tác động mạnh hơn đến môi trường an ninh tại khu vực.
Sự tham gia của Mỹ vào giải quyết các tranh chấp lãnh thổ dựa trên cân nhắc về lợi ích và chi phí tiềm năng của việc can dự, nó cũng được đặt trong bối cảnh chính sách tổng thể của Mỹ đối với Trung Quốc, chính sách của Mỹ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung. Về cơ bản, sự tham gia mạnh mẽ nhất của Mỹ là tại điểm nóng tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, với sự hỗ trợ ngày càng lớn dành cho Nhật Bản - đồng minh quan trọng về mặt chiến lược của Mỹ tại khu vực.
Quan điểm kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại khu vực hiện đang dẫn dắt những hành động của Mỹ trong sự can dự vào các tranh chấp. Tại vùng biển Hoa Đông, Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục tập trung vào sự hợp tác với Nhật Bản cũng như các đối tác còn lại của nhóm Bộ tứ (QUAD) và các đồng minh châu Âu để tăng cường khả năng răn đe và chống lại các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. Mỹ đóng vai trò là người thực thi luật pháp quốc tế trong khu vực Đông Bắc Á một cách tích cực để “bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ” mà họ đề xướng, bảo vệ lợi ích của Mỹ cũng như đồng minh.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 546 (tháng 8-2023)
Ngày nhận bài: 9-6-2023; Ngày bình duyệt: 20-8-2023; Ngày duyệt đăng: 24-8-2023.
(1) United Nations: Convention on the Law of the Sea, https://treaties.un.org/pages, truy cập ngày 30-5-2023.
(2) Lợi ích chủ yếu đối với các nguồn tài nguyên dầu khí có thể nằm dưới đáy biển đã thúc đẩy các tranh chấp lớn tại Hoa Đông. Vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku không nổi lên cho đến năm 1969 khi Ủy ban Kinh tế châu Á và Viễn Đông của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc báo cáo rằng thềm lục địa của Hoa Đông có thể là “một trong những khu vực có nhiều dầu mỏ và hồ chứa khí đốt nhất của thế giới, có thể so sánh với Vịnh Ba Tư”. Sau đó, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều có nhiều kỳ vọng rằng có thể có các mỏ hydrocarbon lớn ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Xem: Pan, Junwu: Toward a New Framework for Peaceful Settlement of China’s Territorial and Boundary Disputes, Martinus Nijhoff Publishers, 2009, p.140.
(3) Jinman Cho, Hee Min Kim, Jun Young Choi: The Dokdo/Takeshima dispute between Korea and Japan: Understanding the whole picture, Pacific Focus, vol.24, Issue 3, 2009, p.365-378.
(4) Alessio Patalano: Sea Power and Sino - Japanese relations in the East China Sea, Asian Affairs, Vol.45, Issue 1, 2014.
5) South China Morning Post: China - Japan hotline launched to avoid sea, air clashes, https://www.
scmp.com, truy cập ngày 1-3-2022.
(6) Nikkei Asia: Chinese ships probe waters around Senkakus for 100th day, https://asia.nikkei.com, truy cập ngày 11-5-2023.
(7) The Asahi Shimbun: Kono tells China SDF will respond to intrusions around Senkakus, https://www.asahi.com/, truy cập ngày 6-6-2022.
(8) Korea Herald: Ieodo not part of territorial dispute with China: Lee, https://www.koreaherald.com, truy cập ngày 27-2-2022.
(9) Korea Times: Why Ieodo matters, http://www.koreatimes.co.kr, truy cập ngày 3-8-2022.
(10) Andrew Yeo: Will S. Korea’s New Naval Base Provoke China?, The Diplomat, https://thediplomat.com/, truy cập ngày 22-6-2022.
(11) U.S. Department of Defense, Indo-Pacific Strategy Report.