Thực tiễn

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: một thập kỷ hình thành và phát triển

05/11/2024 10:31

(LLCT) - Thành lập từ năm 2014, trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trở thành cầu nối vững chắc cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, khẳng định vị thế là một trung tâm nghiên cứu hàng đầu Việt Nam về Ấn Độ. Trung tâm đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, xuất bản nhiều công trình khoa học giá trị và xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu uy tín của Ấn Độ. Những hoạt động này không chỉ nâng cao hiểu biết về văn hóa, kinh tế và chính trị Ấn Độ, mà còn góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho chính sách đối ngoại của Việt Nam.

TS NGUYỄN MẠNH HẢI
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

z5886261043212_e44c89876e36c2c426923913d2106e92.jpg
Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thăm và làm việc tại Quỹ Ấn Độ, Delhi, tháng 10-2024 _ Ảnh: cis.org.vn

1. Mở đầu

Ngày 15-9-2014, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được thành lập, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Pranab Mukherjee. Sự kiện là cột mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước và mở ra trang mới trong nghiên cứu, hiểu biết sâu sắc hơn về Ấn Độ tại Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ ra đời trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển mạnh mẽ, với mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và nghiên cứu khoa học. Sự ra đời của Trung tâm thể hiện tầm nhìn chiến lược của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong nghiên cứu khoa học chính trị và lĩnh vực đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Pranab Mukherjee cắt băng khánh thành Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, 15-9-2014.

2. Bối cảnh quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có lịch sử hơn 2.000 năm kể từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Sang thế kỷ XX, nhờ những nỗ lực và cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ bước sang một giai đoạn mới, đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “trong sáng như bầu trời không gợn mây”. Năm 1954, Thủ tướng Jawaharlal Nehru là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên đến thăm Việt Nam ngay sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Năm 1958, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh thực hiện chuyến thăm Ấn Độ, Người phát biểu về quan hệ giữa hai nước “nở rộ dưới bầu trời thanh bình”. Những bước đi tiên phong xuất phát từ tình bạn trong sáng, chân thành giữa các bậc tiền nhân lập quốc đã đặt nền móng vững chắc và tiếp tục có sức ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong giai đoạn hiện nay.

Bước sang thế kỷ XXI, Ấn Độ có tầm ảnh hưởng lớn cả về mặt chính trị và kinh tế toàn cầu, với vai trò là một cường quốc đang trỗi dậy tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi), nhóm G20 (gồm 20 quốc gia phát triển và công nghiệp hóa hàng đầu thế giới). Việt Nam cũng nổi lên như một quốc gia phát triển nhanh, có vị thế và vai trò chiến lược quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ đã triển khai Chính sách hướng Đông, sau đó điều chỉnh thành Chính sách Hành động hướng Đông nhằm tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó Việt Nam là thành viên tích cực của ASEAN.

Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, tháng 9-2022

Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng về chính sách đối ngoại. Đây là cơ sở quan trọng để hai nước tiến tới hợp tác lâu dài và nâng cấp quan hệ. Mối quan hệ với Ấn Độ được đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam là rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng; thúc đẩy mạnh mẽ và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chiến lược và nước lớn, trong đó có Ấn Độ. Việt Nam ưu tiên mở rộng hợp tác với Ấn Độ trên cả bình diện song phương, đa phương, khu vực và toàn cầu.

Những năm qua, Ấn Độ đẩy mạnh chiến lược ngoại giao đa dạng hóa, nhất là tăng cường quan hệ với các nước lớn, nhằm không ngừng nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Ấn Độ coi trọng quan hệ với các nước Đông Nam Á (ĐNA) thông qua chính sách “Hướng Đông” để từng bước hòa nhập vào cấu trúc an ninh ở ĐNA. Từ năm 2010, Ấn Độ tham gia Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và từng bước khẳng định trách nhiệm đối với an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu phải cùng nhau giải quyết an ninh các tuyến đường giao thông trên biển và nạn cướp biển, nhất là ở Biển Đông. Ấn Độ luôn coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ.

Nhìn lại quan hệ truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ thời gian qua có thể thấy mối quan hệ phát triển ngày càng sâu rộng, đặc biệt là trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, khoa học công nghệ và văn hóa giáo dục. Trên cơ sở những điểm tương đồng và lợi ích chung trong khu vực, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ được nâng cấp dần, từ quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2007, đến quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016, trở thành hình mẫu cho mối quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng, tin cậy và hiệu quả.

3. Kết quả hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với Ấn Độ

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh triển khai nhiều chương trình hợp tác học thuật với các trường đại học và viện nghiên cứu của Ấn Độ thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, hội thảo và nghiên cứu chung. Trước nhu cầu cấp thiết về việc nâng cao hiểu biết toàn diện và có hệ thống về Ấn Độ, một quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực và trên toàn cầu, Học viện quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.

Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ vào năm 2014 là sáng kiến quan trọng để hiện thực hóa và thúc đẩy hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các đối tác Ấn Độ trong nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn về Ấn Độ, quan hệ giữa Ấn Độ với các nước trong khu vực và thế giới, phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học của Học viện; tuyên truyền đối ngoại về đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; thúc đẩy và mở rộng các quan hệ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực hợp tác khác với Ấn Độ.

Hợp tác quốc tế với Ấn Độ trong nghiên cứu khoa học

Trong 10 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ là một trong những trung tâm nghiên cứu uy tín, thu hút các chuyên gia và các học giả chuyên nghiên cứu về Ấn Độ của Việt Nam và quốc tế. Trung tâm trở thành cây cầu kết nối các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam với các học giả Ấn Độ thông qua các hoạt động học thuật và kết nối, trao đổi chuyên gia.

Ngay từ khi mới thành lập, Trung tâm đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, chuyên đề khoa học thường niên với sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu đến từ Ấn Độ, Việt Nam và các nước trong khu vực, tiêu biểu như các hội thảo khoa học quốc tế: “Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN, Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng” (năm 2015); “Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới” (năm 2016); “Sức mạnh mềm Ấn Độ - Sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa” và “Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược” (năm 2017); “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng trong bối cảnh mới” (năm 2019); “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng” (năm 2023). Những sự kiện này không chỉ thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu mà còn tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam và Ấn Độ gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, liên quan đến quan hệ song phương, cũng như các vấn đề khu vực và thế giới.

Một trong những đóng góp lớn của Trung tâm là các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, được xuất bản và truyền thông, góp phần cung cấp thông tin, tư vấn và đề xuất chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong 10 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã thể hiện vai trò nổi bật trong nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam. Trung tâm đã triển khai và hoàn thành 10 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, tập trung vào các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của Ấn Độ cũng như sự ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực và trên thế giới. Kết quả nghiên cứu các đề tài không chỉ mở rộng hiểu biết khoa học về Ấn Độ ở các lĩnh vực chuyên sâu mà còn cung cấp những luận cứ vững chắc, đề xuất những giải pháp, biện pháp góp phần thực hiện tốt mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực.

Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, tháng 3-2024

Trung tâm thực hiện một số đề tài nghiên cứu quan trọng do Giám đốc Học viện giao nhiệm vụ, như: Văn hóa chính trị Cộng hòa Ấn Độ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam (năm 2022-2023); 50 năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng (năm 2023)... Đây là những đề tài mang tính đột phá trong nghiên cứu về Ấn Độ, yêu cầu sự nghiên cứu sâu rộng, đánh giá toàn diện về các lĩnh vực quan trọng như hợp tác quốc phòng, an ninh và các vấn đề khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, văn hóa chính trị của Ấn Độ.

Nhiệm vụ nổi bật khác của Trung tâm là xuất bản các ấn phẩm dịch thuật và sách nghiên cứu về Ấn Độ, tiêu biểu như: “Ấn Độ trong thế giới đương đại”, “Chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong quan hệ với các nước láng giềng”, “Người Ấn Độ thích tranh luận”, “Sự thật về lý do tại sao thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Ấn Độ”. Ấn phẩm gây tiếng vang trong nước và quốc tế, đặc biệt tại Ấn Độ là cuốn sách song ngữ Việt - Anh “Hồ Chí Minh với Ấn Độ”. Cuốn sách dày hơn 1.000 trang, gồm 4 phần với hơn 40 bài viết của nhiều tác giả Việt Nam, Ấn Độ, được ra mắt tại Hà Nội, New Delhi và Kolkata năm 2019.

Trong 10 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ là một trong những trung tâm nghiên cứu uy tín, thu hút các chuyên gia và các học giả chuyên nghiên cứu về Ấn Độ của Việt Nam và quốc tế. Trung tâm trở thành cây cầu kết nối các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam với các học giả Ấn Độ thông qua các hoạt động học thuật và kết nối, trao đổi chuyên gia.

Với sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tham gia nhiều cuộc hội nghị, hội thảo trực tuyến với các đối tác Ấn Độ và quốc tế, góp phần đưa quan điểm từ góc nhìn của Việt Nam tới các diễn đàn học thuật quốc tế. Cán bộ Trung tâm tích cực, chủ động tham gia và làm diễn giả chính tại các hội thảo khoa học quốc tế do Ấn Độ tổ chức tại Ấn Độ và Đông Nam Á.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thường xuyên tham gia các buổi giảng bài dành cho công chúng do Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức, về các chủ đề phân tích tư tưởng của các danh nhân Ấn Độ như Mahatma Gandhi trong phong trào bất bạo động, Vallabhbhai Patel trong sự nghiệp thống nhất đất nước Ấn Độ, hay nhà lập pháp theo tư tưởng Phật giáo Bhimrao Amberkar - cha đẻ của Hiến pháp Ấn Độ. Các bài giảng về tư tưởng của những danh nhân Ấn Độ làm sâu sắc thêm sự hiểu biết về những giá trị cốt lõi của lịch sử và văn hóa Ấn Độ, tạo điều kiện cho công chúng Việt Nam tiếp cận với những tư tưởng chính trị và xã hội có tầm ảnh hưởng lớn của Ấn Độ, đồng thời củng cố mối quan hệ hợp tác văn hóa và học thuật giữa hai quốc gia, cũng như khẳng định vai trò của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trong việc nâng cao sự hiểu biết, thúc đẩy giao lưu giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ.

Từ năm 2024, cán bộ Trung tâm được mời làm diễn giả trực tiếp và trực tuyến tại các trường đại học tại Ấn Độ. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ cũng là nơi tập huấn cán bộ trẻ của Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông qua các chuyên đề về hệ thống chính trị, đất nước, con người Việt Nam, từ đó giúp tăng cường năng lực nghiên cứu và đối ngoại của cán bộ ngoại giao Ấn Độ, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho quan hệ ngoại giao song phương.

Trung tâm đã chú trọng việc tổ chức các hoạt động trao đổi học thuật và mời các chuyên gia hàng đầu Ấn Độ đến chia sẻ kiến thức. Trung tâm đã mời hai chuyên gia hàng đầu từ Ấn Độ tham gia báo cáo chuyên đề cho lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng với chủ đề Sức mạnh mềm - Kinh nghiệm của Ấn Độ. Báo cáo chuyên đề giúp học viên hiểu rõ hơn về Ấn Độ, về việc Ấn Độ xây dựng và sử dụng sức mạnh mềm trong phát triển đất nước và trong hợp tác quốc tế; gợi mở những kinh nghiệm, bài học về sức mạnh mềm trong hoạt động thực tiễn.

Đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thăm và làm việc tại Học viện Hành chính công quốc gia Ấn Độ, ngày 1-10-2024.

Hoạt động đối ngoại được tăng cường

Trong 10 năm hoạt động, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách đối ngoại của Nhà nước và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Một là, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ xây dựng được mạng lưới hợp tác rộng khắp với các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ tại Ấn Độ như Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR), Đại học Jawaharlal Nehru, Đại học Delhi, Đại học Nalanda, Viện Nghiên cứu Chính sách công Ấn Độ (IIPA), Cơ quan nghiên cứu Các nhà quan sát (ORF), Cơ quan nghiên cứu Ấn Độ (Indian Foundation), Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ (ICWA), Viện Nghiên cứu và Phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA) và nhiều cơ quan khác của Ấn Độ. Các chương trình hợp tác đem lại nhiều cơ hội cho học giả và sinh viên Việt Nam tiếp cận với tri thức và thực tiễn của Ấn Độ, cũng như giúp giới học thuật Ấn Độ hiểu rõ hơn về Việt Nam, từ đó góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa giới nghiên cứu, học giả cũng như giao lưu nhân dân hai nước.

Hai là, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đóng vai trò kết nối quan trọng trong các hoạt động đối ngoại, tạo nên những dấu ấn nổi bật trong việc kết nối giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các đối tác Ấn Độ. Trong 10 năm qua, Trung tâm đã chủ động phối hợp và tổ chức nhiều buổi tiếp đón và làm việc của Giám đốc Học viện với Đại sứ Ấn Độ cùng các quan chức cấp cao của Chính phủ Ấn Độ đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Các buổi làm việc tăng cường sự hiểu biết giữa hai bên, mở ra những hướng đi mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã kết nối cho hàng trăm lượt học giả Ấn Độ và Việt Nam giao lưu, trao đổi học thuật cả trực tiếp và trực tuyến; kết nối các hoạt động trao đổi văn hóa thông qua giới thiệu các đoàn nghệ thuật Việt Nam và Ấn Độ đến biểu diễn và giao lưu tại mỗi nước.

Ba là, công tác thông tin đối ngoại được thực hiện có hiệu quả. Các báo cáo khoa học, các bài phân tích về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của Ấn Độ được xuất bản trên trang thông tin điện tử Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ tại địa chỉ www.cis.org.vn đã trở thành tài liệu tham khảo quan trọng, giúp cho giới học giả, nghiên cứu có cái nhìn sâu sắc, toàn diện, cập nhật hơn trong quá trình nghiên cứu về các vấn đề có liên quan. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thường xuyên đăng tải bài viết giới thiệu, quảng bá các lễ hội văn hóa Ấn Độ tới đông đảo công chúng Việt Nam, như: ngày Hiến pháp Ấn Độ, ngày hội tiếng Hindi, ngày Phật Đản Vesak, ngày quảng bá học bổng Kinh tế Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC), ngày sinh Gandhi… và nhiều chương trình nghệ thuật Ấn Độ khác. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tích cực hưởng ứng phong trào Ngày Yoga Quốc tế do Ấn Độ khởi xướng, tham gia các hoạt động đồng diễn Yoga thường niên do Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức tại Việt Nam.

4. Nhiệm vụ, giải pháp của Trung tâm Nghiên cứu Ấn độ giai đoạn tiếp theo

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng và phức tạp về chính trị, kinh tế và môi trường, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ cần thể hiện mạnh mẽ hơn nữa vai trò là trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam về Ấn Độ, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, là cơ quan thông tin đối ngoại Việt Nam - Ấn Độ uy tín và rộng mở, góp phần hiện thực hóa và thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong môi trường hội nhập toàn cầu, đa dạng hóa, đa phương hóa và nhiều bất định.

Để thực hiện được vai trò này, trong thời gian tới Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường hợp tác với các đối tác Ấn Độ để đẩy mạnh nghiên cứu, xuất bản chung, như: nghiên cứu chung với cơ quan India Foundation để phân tích giao thoa văn hóa Việt Nam - Ấn Độ, xuất bản sách và các số đặc biệt của Tạp chí India Foundation.

Thứ hai, hợp tác thúc đẩy tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Học viện đi học ngắn hạn tại Ấn Độ, như các khóa học theo chương trình học bổng Kinh tế Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC) về chuyển đổi số, quản lý dự án, tại Viện Hành chính công Ấn Độ; Giới thiệu các chương trình học bổng và nghiên cứu tại Ấn Độ dành cho cán bộ Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh, như các chương trình học bổng sau đại học và chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại Ấn Độ (học bổng ICCR, học bổng học giả Ấn Độ - ASEAN, học bổng của các trường đại học là đối tác của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ).

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại về Việt Nam với Ấn Độ, Ấn Độ với Việt Nam, tích cực chủ động tham dự các diễn đàn khoa học do Ấn Độ khởi xướng; đồng thời tăng cường phân tích chính sách mới của Ấn Độ, kịp thời tham mưu cho Học viện, Đảng và Nhà nước trong các hoạt động liên quan tới Ấn Độ, góp phần củng cố vị thế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trên các diễn đàn khoa học quốc tế.

Thứ tư, mở rộng phạm vi nghiên cứu và chú trọng các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai nước cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của các tổ chức đa phương trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, thích ứng nhanh với thế giới bất định, tận dụng mọi cơ hội cho phát triển bền vững.

Thứ năm, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tiếp tục kiện toàn ban lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, chuyên gia tâm huyết, chuyên sâu; kết nối đội ngũ chuyên gia trong và ngoài Học viện, trong nước và quốc tế trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

5. Kết luận

Nhìn lại 10 năm hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã không ngừng nỗ lực để đạt được những thành tựu đáng tự hào, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đóng góp tích cực, hiệu quả cho mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng sâu sắc hơn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cùng với định hướng phát triển rõ ràng và nhiệm vụ cụ thể, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ được tin tưởng và kỳ vọng sẽ là Trung tâm nghiên cứu hàng đầu về Ấn Độ, là cầu nối, nhân tố thúc đẩy phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong những thập kỷ tới.

_________________

Ngày nhận: 25-10-2024; Ngày bình duyệt: 28 -10-2024; Ngày duyệt đăng: 5-11-2024.

Email tác giả: manhnguyen7vn@gmail.com

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: một thập kỷ hình thành và phát triển
    POWERED BY