TS ĐINH QUANG THÀNH
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Đồng chí Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh ngày 30-7-1908 tại thôn Yên Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Với 27 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Bình được Đảng, Nhà nước và Quân đội tin cậy giao nhiều chức vụ quan trọng. Dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng luôn tỏ rõ phẩm chất của một tài năng quân sự, quyết đoán và dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc ở những nơi nguy hiểm vào những thời điểm khó khăn nhất; đồng chí đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập.
Quân dân Nam Bộ những ngày đầu kháng chiến - Ảnh tư liệu
1. Nguyễn Bình - Vị tướng có tài thao lược quân sự
Từ một người yêu nước, từng tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng và rời bỏ con đường cách mạng cực đoan, cải lương để lựa chọn và phụng sự lý tưởng cộng sản, Nguyễn Bình đã vận dụng những kiến thức học tập được, để không chỉ tuân thủ mà phát triển sáng tạo đường lối quân sự của Đảng và lãnh đạo, chỉ đạo thành công chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân ở miền Bắc trong những năm trước và trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và tại Nam Bộ giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Không chỉ hội tụ đủ những phẩm chất và tài năng của một người cộng sản chân chính, Nguyễn Bình còn luôn bản lĩnh, quyết đoán, linh hoạt, khoa học và sắc sảo trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động quân sự.
Nói về Trung tướng Nguyễn Bình, là nhắc đến những trận đánh gắn liền với tên tuổi của đồng chí ở Hưng Yên, Đông Triều, Chí Linh, Tràng Bạch, Mạo Khê, Uông Bí, Bí Chợ… Đó là sự mưu trí, dũng cảm, tài cải trang, với sự phối hợp từ trong ra ngoài đã giúp đồng chí cùng đồng đội táo bạo, bất ngờ tấn công đồn Bần Yên Nhân (Hưng Yên) tối ngày 12-3-1945, bắt sống toàn bộ trung đội địch mà không không tốn nhiều sức lực, tịch thu các loại vũ khí, đạn dược.Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định đây là “Trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ”(1). Cách đánh du kích bất ngờ, mưu trí, có sự phối hợp giữa các lực lượng được Nguyễn Bình sử dụng nhiều lần để tấn công quân Pháp.
Đó là đánh trại Bạch Thái Tông - một trại huấn luyện quân sự của Nhật ở Bắc Bộ (tháng 5-1945); tham gia chỉ huy đội vũ trang Đông Triều diệt 4 đồn địch (Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh (tháng 6-1945), phá kho thóc của giặc chia cho nhân dân và thành lập Chiến khu Đông Triều (sau đổi tên là Chiến khu Trần Hưng Đạo).
Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Ủy ban quân sự cách mạng Chiến khu Trần Hưng Đạo đổi thành Ủy ban quân sự liên tỉnh miền Duyên hải Đông Bắc và Nguyễn Bình được cử làm Tư lệnh. Cũng trong tháng 6-1945, Nguyễn Bình tiếp tục chỉ huy trận phục kích trên sông Kinh Thầy, chặn thuyền vận tải địch, thu nhiều lương thực và vũ khí; tiến công đồng loạt vào 5 đồn địch: Thanh Hà, Kinh Môn, Thủy Nguyên, Uông Bí, Bí Chợ, thu nhiều vũ khí, tạo điều kiện để phát triển lực lượng vũ trang của Chiến khu Trần Hưng Đạo.
Thắng lợi liên tiếp của Chiến khu Trần Hưng Đạo đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Ngày 16-7-1945, Nguyễn Bình chỉ huy các trung đội du kích tiến đánh Quảng Yên. Chỉ trong một đêm, quân ta đã làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ Quảng Yên và huyện Yên Hưng (Quảng Ninh). Đây cũng là địa phương đầu tiên ở miền Bắc được giải phóng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tháng 8-1945, đồng chí dẫn đầu lực lượng về tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại thành phố Hải Phòng, Đồ Sơn, Kiến An, Hải Dương, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cát Bà…
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước độc lập chưa được bao lâu, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tái xâm lược nước ta tại Nam Bộ. Lúc này, tình hình chiến sự và lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ không chỉ gặp nhiều khó khăn trước sự tiến công ác liệt của thực dân Pháp, mà còn có nguy cơ tan rã bởi dù có nhiều lực lượng kháng Pháp, nhưng các đơn vị hoạt động nhỏ lẻ, không có cơ sở trong nhân dân; nhiều tổ chức vũ trang phức tạp, không có sự chỉ huy thống nhất, toàn diện. Vì thế, Nguyễn Bình - Người có tài cầm quân, bản lĩnh, quyết đoán, sáng tạo trong hoạt động quân sự, đánh trận trên chiến trường, giỏi công tác vận động quần chúng, công tác binh vận đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng lựa chọn trao trọng trách vào miền Nam để “chỉ huy” thống nhất các lực lượng, cùng quân dân miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” trụ vững trước sự tấn công của kẻ thù.
Tại Nam Bộ, tư duy quân sự và những quyết định lịch sử vừa kịp thời, đầy sức thuyết phục, vừa mang tầm chiến lược của Nguyễn Bình lại tỏa sáng. Khi đến chiến trường miền Nam, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, phức tạp, Nguyễn Bình thực hiện thành công việc nắm bắt tình hình và tìm mọi cách tập hợp, thống nhất các lực lượng kháng chiến dưới sự chỉ huy chung, đồng thời, nhanh chóng tổ chức các lực lượng, tập trung cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là triệu tập, tổ chức các đơn vị vũ trang của các lực lượng về họp tại An Phú (ngày 20-11-1945) để thống nhất nhận thức, tổ chức và chỉ huy; khắc phục tình trạng cát cứ kiểu “lãnh chúa”, “xưng bá” của các nhóm, phái, với nhiều màu sắc chính trị, tôn giáo (bộ đội Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao đài) nhằm tránh sự phân hóa, tan rã của các lực lượng chống Pháp, gây bất lợi cho sự nghiệp kháng chiến. Tại cuộc họp này, tâm, tầm và uy tín của một người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động, đánh trận, xây dựng lực lượng trên nhiều địa bàn ở miền Bắc; từng là Tư lệnh Chiến khu Trần Hưng Đạo, Chiến khu Duyên hải Đông Bắc; người được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta lựa chọn, đã phân tích tình hình, nhấn mạnh những nguy cơ đối với vận mệnh của Nam Bộ khi các lực lượng vừa nhỏ lẻ, tự phát, vừa không thích ai chỉ huy mình... đã đi đến thống nhất các lực lượng theo sự chỉ đạo của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên chung là “Giải phóng quân”. Hội nghị đã thống nhất bầu Nguyễn Bình làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ.
Với tài năng, tính cách nghĩa hiệp, Nguyễn Bình đã thu phục được các thủ lĩnh giang hồ Bảy Viễn (Lê Văn Viễn), Mười Trí, Bá Dương, Tám Mạnh, Năm Hà...; đã đem quân Bình Xuyên kết hợp với Quân đội quốc gia Việt Nam để cùng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Nhờ đó, lực lượng vũ trang cách mạng tại Nam Bộ có sự phát triển mạnh mẽ. Việc bỏ qua những dị biệt nhỏ, giữ vững cái tương đồng lớn là yêu nước, đoàn kết và thống nhất các lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng để tập trung chống thực dân Pháp, suy nghĩ, tinh thần, quyết định, lời tuyên thệ trước Hội nghị: “Tôi Nguyễn Bình, Đặc phái viên của Trung ương và Bác Hồ, Tư lệnh, xin thề đem hết tinh thần và nghị lực cùng các đồng chí và đồng bào quyết tâm đến cùng đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi Nam Bộ - mảnh đất thân yêu của Tổ quốc”(2) đã thể hiện bản lĩnh và sự quyết đoán của đồng chí.
Ngày 10-12-1945, Xứ ủy lâm thời Nam Bộ họp hội nghị mở rộng tại Bình Hòa Nam (Chợ Lớn), quyết định tổ chức chiến trường Nam Bộ thành ba chiến khu 7, 8, 9 và xây dựng các chiến khu An Lạc, Đồng Tháp, U Minh. Đồng chí Nguyễn Bình được Xứ ủy lâm thời chỉ định làm Khu trưởng Khu 7 (Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh và thành phố Sài Gòn...). Thực tế cũng cho thấy, từ những kinh nghiệm chỉ huy cách đánh du kích trước và trong Cách mạng Tháng Tám ở miền Bắc; từ việc thị sát nắm tình hình và chỉ đạo hoạt động đấu tranh với địch, nhận định của Nguyễn Bình về việc quân ta có thể | Trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, Nguyễn Bình không chỉ bình tĩnh, tự tin trước hiểm nguy; không chỉ bình dị, chân tình, thu phục lòng người trong ứng xử đời thường, mà sự nghĩa hiệp của đồng chí còn toát ra từ tấm lòng của một người yêu nước, sẵn sàng và luôn gương mẫu đi đầu trong đấu tranh, nhất là khi cần phải ra quyết định. Sự thông minh và mưu lược; sự cảm hóa và thu phục lòng người trong ông không chỉ thuần túy là “thiên phú” mà chính là kết quả của sự trau dồi tinh thần, ý chí trong lao tù thực dân, trong từng trận đánh nơi chiến trường. |
“đánh du kích ngay trong lòng địch xuất phát từ căn cứ nằm giữa lòng dân” đã góp phần dẫn đến sự ra đời của các chiến khu An Phú Đông, Rừng Sác, Vườn Thơm - Bà Vụ, chiến khu Đ, Đông Thành ở miền Đông; Đồng Tháp Mười, Long Hưng, Hòa Tú, Cù Lao Bảo, Cù Lao Minh...
Đặc biệt, tư duy quân sự nhanh nhạy, chính xác và những quyết định của Nguyễn Bình trong việc mở lớp quân chính Vĩnh Tân; thành lập Trường Quân chính miền Đông, sau này là Trường Quân chính Khu 7(ngày 12-12-1945); thống nhất các đơn vị vũ trang trong nội thành với tên gọi là Ban Công tác thành (tháng 1-1946); sắp xếp tổ chức tự vệ nội đô thành 15 khu và các Đội tự vệ, hoạt động theo địa bàn dân cư thành lực lượng Tự vệ thành… không chỉ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của lực lượng vũ trang Nam Bộ và phong trào cách mạng, mà còn cho thấy tư duy chiến lược của Nguyễn Bình về quân sự nói chung và chiến tranh nhân dân nói riêng. Tháng 10-1948, Bộ Tư lệnh Nam Bộ được thành lập thay thế tổ chức Ban Quân sự Nam Bộ và Trung tướng Nguyễn Bình được bổ nhiệm làm Tư lệnh Nam Bộ…
Vượt lên những khó khăn, phức tạp của tình hình Nam Bộ cũng như sự phân tán, tự phát của phong trào kháng chiến, của các lực lượng vũ trang tại Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến, Nguyễn Bình với lời hứa trước Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nhận nhiệm vụ vào Nam, tháng 10-1945: “Thưa Bác, được Bác tin cậy trao cho nhiệm vụ vô cùng lớn lao, vô cùng hiểm nguy và nặng nề, Nguyễn Bình xin bái mệnh, nhưng... cháu chưa phải là đảng viên cộng sản...
Khi nghe Nguyễn Bình “bộc bạch”, Bác Hồ cười hiền từ, nhưng giọng đanh từng lời: “Đảng viên cộng sản ư? Tổ quốc trên hết! Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bình ái quốc, ái dân và bình thiên hạ cho an sinh hòa mục”(3). Đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ bằng trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách của mình.
Với trọng trách của người “đứng mũi chịu sào”, dù chưa là đảng viên cộng sản, nhưng với niềm tin vào quần chúng nhân dân, dựa vào nhân dân đã giúp Nguyễn Bình quy tụ thành công và thống nhất lực lượng kháng chiến tại chiến trường Nam Bộ. Suy nghĩ, hành động và những quyết định của Nguyễn Bình không chỉ cho thấy một tài năng quân sự đặc biệt được tỏa sáng trên chiến trường Nam Bộ, mà còn khẳng định vai trò quan trọng của đồng chí đối với quá trình phát triển của lực lượng vũ trang miền Nam, đúng như đồng chí Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Đặc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã khẳng định: “Không thể không nhắc đến vai trò của đồng chí Nguyễn Bình, phái viên quân sự do Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào ngay giai đoạn đầu Nam Bộ kháng chiến. Đó là lời hiệu triệu thống nhất các lực lượng vũ trang dưới ngọn cờ của Chính phủ Cụ Hồ, một động tác chính trị trong tình thế “sứ quân” này thật nhiều ý nghĩa. Cá nhân đồng chí Nguyễn Bình, trong một giai đoạn lịch sử nhất định đã có những đóng góp quan trọng cho sự chuẩn bị tư thế kháng chiến của Nam Bộ”(4).
Những cống hiến của Trung tướng Nguyễn Bình tại chiến trường Nam Bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1951) đã góp phần tạo ra thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân miền Nam.
2. Minh chứng sinh động cho tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, trong bất cứ thời kỳ nào của cách mạng, cán bộ và công tác cán bộ luôn là vấn đề hệ trọng; chẳng những có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng, mà còn góp phần quyết định sự thành bại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức của Đảng. Người từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(5) và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(6). Thực tế, tư duy quân sự vượt trội, khả năng vận động, tập hợp quần chúng của Nguyễn Bình là những yếu tố để Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn cử vào nơi tiền tiêu - nơi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa nổ ra. Người đã tin cậy và lựa chọn Nguyễn Bình - một người yêu nước chân chính, cương nghị và quả cảm, dám nghĩ, dám làm - một người có sức mạnh nội tâm sâu sắc và tư duy quân sự thiên bẩm để vào nơi “thử lửa” nhằm tập hợp, thống nhất các lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ cách mạng tại Nam Bộ.
Trong gian nan, thử thách và nguy hiểm, Nguyễn Bình đã bộc lộ bản lĩnh quyết đoán nhưng không liều lĩnh mà rất khoa học, chính xác trong suy nghĩ và hành động. Cụ thể:
1) Lời thề cứu nước của Nguyễn Bình: “Chưa thành công ta quyết chưa lui về. Nam Bộ mất, ta sẽ vì Nam Bộ chết. Để vì dân tận diệt kẻ thù. Để vì nước hủy mình không sống nhục”.
2) Thông báo số 1 Nguyễn Bình gửi nhân dân Nam Bộ: “… Tôi được lệnh vào Nam, cùng đồng bào đánh giặc giữ nước. Với nhiệm vụ này tôi thề trước đồng bào rằng: Sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, chưa thành công tôi không chạy trốn, chưa thành công tôi quyết không lui về. Nếu Nam Bộ mất tôi cùng chết với Nam Bộ. Khẩu súng Wicker tôi mang theo người là vật kỷ niệm của đồng bào, đồng chí thành Tô Hiệu (Hải Phòng) tặng tôi trong giờ đưa tiễn với ý thức dặn dò và gửi gắm niềm tin. Tôi đã lặng lẽ nhận nó với tâm nguyện: “vì dân vì nước tận diệt quân thù và sẽ dùng nó tự sát khi phải cái nhục mất nước”. Đây là cuộc toàn dân kháng chiến cứu nước, không phân biệt già, trẻ, gái, trai. Đồng bào hãy đồng tâm quyết đánh và quyết thắng. Chống giặc tại nhà, tại làng, thôn, ấp, suối, rừng. Không cộng tác với giặc. Thực hiện triệt để vườn không nhà trống. Đối với địch thực hiện 3 không: không nghe, không thấy, không biết. Đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, không có súng thì dùng dao, cuốc, xẻng, gậy, gộc... Chúng ta quyết đánh và quyết thắng”;
3) Thông báo số 2 Nguyễn Bình gửi nhân dân Nam Bộ: “Hịch chống xâm lăng có 3 điều chống: 1. Chống hợp tác với giặc. 2. Chống tổ chức và hoạt động vô chính phủ. 3. Chống khủng bố và ức hiếp nhân dân. Từ ngày 20-11-1945, các lực lượng võ trang sẽ thống nhất quân hiệu: GIẢI PHÓNG QUÂN NAM BỘ. Ngoài lực lượng chính quy, các tỉnh còn tổ chức các đơn vị trợ chiến gồm địa phương, dân quân du kích, gọi tắt là dân quân. Các tổ chức võ trang nhiều hay ít, tập thể hay cá nhân không nằm trong hệ thống quân giải phóng kể trên coi như hoạt động bất hợp pháp, phải giải tán để tránh tình trạng manh động, vô chánh phủ”(7).
Trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, Nguyễn Bình không chỉ bình tĩnh, tự tin trước hiểm nguy; không chỉ bình dị, chân tình, thu phục lòng người trong ứng xử đời thường, mà sự nghĩa hiệp của đồng chí còn toát ra từ tấm lòng của một người yêu nước, sẵn sàng và luôn gương mẫu đi đầu trong đấu tranh, nhất là khi cần phải ra quyết định. Sự thông minh và mưu lược; sự cảm hóa và thu phục lòng người trong ông không chỉ thuần túy là “thiên phú” mà chính là kết quả của sự trau dồi tinh thần, ý chí trong lao tù thực dân, trong từng trận đánh nơi chiến trường. Quyền uy của của người Tư lệnh chính là những phẩm chất cao quý của người làm “tướng”, được thể hiện rõ nét trong suy nghĩ và hành động; được thực tiễn đấu tranh cách mạng rèn luyện, gọt rũa, bồi đắp và nhất là được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, lựa chọn đã tạo ra uy lực, tăng thêm sức mạnh cho Nguyễn Bình. Và cũng vì thế, Nguyễn Bình không chỉ ghi dấu ấn của mình trong những trận đánh, những quyết định liên quan đến quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang… mà còn từ sự thấu hiểu vùng đất và con người phương Nam để cảm hóa, tập hợp các trí thức như kỹ sư Lanh, kỹ sư Lê Tâm, đốc công Kỳ, đốc công Quý, đốc công Hợi (thân phụ bà Nguyễn Thị Bình), bác sĩ Hồ Văn Huê, bác sĩ Võ Cường, bác sĩ Trần Nam Hưng, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, bác học Lưu Văn Lang, giáo sư Phạm Thiều, luật sư Trịnh Đình Chi, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh… đi theo kháng chiến, phát huy tài năng của mình phục vụ sự nghiệp cách mạng. Con người Nguyễn Bình, trong công việc cũng như trong giao tiếp luôn chân thành, cởi mở, nên đã “thành công trong công việc dẫn dắt người khác đến với cách mạng”.
Nguyễn Bình là một mẫu mực của tấm gương người chiến sĩ cách mạng luôn đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết; luôn không thụ động trước hoàn cảnh, mà là chủ động tìm tòi để đi đến quyết định sáng suốt. Nguyễn Bình không chỉ là người thực hiện sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, mà còn đóng góp to lớn cho quá trình xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, đào tạo cán bộ chính trị và quân sự cho cách mạng miền Nam và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tài thao lược trên chiến trường, khoa học trong xây dựng và tổ chức lực lượng, công tâm, khách quan, vị tha nhưng rất thận trọng trong nhìn nhận, đánh giá con người, cán bộ; trí tuệ, bản lĩnh, nguyên tắc và kỷ luật nghiêm trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo… của Nguyễn Bình chính là một minh chứng sinh động cho việc lựa chọn, dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyễn Bình chính là mẫu người cán bộ đã góp phần làm nên thành công của sự nghiệp cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”(8).
Phẩm chất đạo đức, tài năng, tác phong lãnh đạo, chỉ huy sâu sát thực tiễn, trọng nghĩa tình, gần gũi, thương yêu đồng chí, đồng đội và luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao đã đưa ông trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 6-1946 và tham gia vào Xứ ủy Nam Bộ.
Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ngày 25-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 115/SL phong quân hàm Trung tướng cho Nguyễn Bình - Khu Trưởng chiến khu VII kiêm Ủy viên quân sự Nam Bộ. Năm 1951, Trung tướng Nguyễn Bình được Trung ương triệu tập ra Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ. Trên đường đi thi hành nhiệm vụ, ông đã bị phục kích và hy sinh ngày 2-9-1951 tại tỉnh Ráptanakiri, Campuchia.
Năm 2000, được sự giúp đỡ của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Đoàn công tác Bộ Quốc phòng đã tìm thấy hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình và đưa về nước mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Bình được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Bình xứng đáng với sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta; thực sự “là một người cộng sản kiên trung, một tướng lĩnh quả cảm, nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, lòng dũng cảm và tài thao lược. Đồng chí đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng… Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập và noi theo” đúng như Lời điếu do Thượng tướng Phạm Văn Trà - Ủy viên Bộ chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đọc tại Lễ Truy điệu Trung tướng Nguyễn Bình, ngày 11-3-2000.
_________________
Ngày nhận bài: 25-7-2023; Ngày bình duyệt: 27-7-2023; Ngày duyệt đăng: 29-7-2023.
(1) Nguyễn Thế Trường: Trung tướng Nguyễn Bình (Nguyễn Duy Tường hoàn chỉnh bản thảo), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.28.
(2) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Danh nhân quân sự Việt Nam, t.5, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr. 81-82
(3) Phan Thanh: Trung tướng - liệt sĩ Nguyễn Bình: Tổ quốc trên hết!, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 26-7-2007.
(4) Trần Bạch Đằng: Sự ra đời của lực lượng vũ trang cách mạng ở Nam Bộ - Mấy nét riêng, Tạp chí Lịch sử quân sự số 5/1994, tr.40
(5), (6), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.309, 280, 324.
(7) Tư lệnh Nguyễn Bình và ba văn kiện lịch sử trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, Tạp chí Xưa & Nay, số 448, tháng 6-2014, tr.38.