(LLCT) - Trong thời gian gần đây, công tác truyền thông của hệ thống cơ quan công quyền đã có nhiều đổi mới, có những đóng góp quan trọng vào việc thông tin đến người dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan công quyền, kết nối giữa hệ thống các cơ quan công quyền với nhân dân. Tuy nhiên, công tác truyền thông trong hoạt động công vụ còn bộc lộ một số hạn chế: phản ứng chưa nhanh, vào cuộc chưa quyết liệt, có nơi còn lúng túng. Đây là cơ hội để các thế lực phản động xuyên tạc, tuyên truyền sai sự thật, ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của cơ quan công quyền, trên hết là làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Bài viết nêu thực trạng và một số giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả công tác truyền thông trong hoạt động công vụ, đặc biệt là trong những tình huống đột xuất, góp phần phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch. Bài viết đạt giải Triển vọng trong Cuộc thi viết chính luận khoa học “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” lần thứ hai, năm 2022.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12-2022 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Ảnh: baochinhphu.vn
1. Đặt vấn đề
Công vụ là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước do cán bộ, công chức tiến hành theo quy định của pháp luật, nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, phục vụ lợi ích Nhà nước, nhân dân và xã hội. Điều 2, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định, hoạt động công vụ “là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan”(1).
Hoạt động công vụ bao gồm những hoạt động mang tính quyền lực nhà nước và hoạt động của các tổ chức do Nhà nước thành lập và ủy quyền để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức thực thi công vụ là những người đại diện cho Nhà nước, chính quyền; vì thế, ứng xử, hành động, phát ngôn của cán bộ, công chức đòi hỏi sự chuẩn mực, chính xác cao độ.
Cũng vì thế, các thế lực phản động, thù địch thường xuyên sử dụng chiêu bài giả mạo, bôi nhọ nhằm hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, khi có vấn đề hoặc sai phạm liên quan đến một hay một vài cá nhân làm việc trong các cơ quan công quyền, các thế lực phản động, thù địch thường tận dụng cơ hội để thêu dệt, bóp méo, thổi phồng thông tin, nhằm mục đích kích động, gây hoang mang dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đối với Đảng, Nhà nước. Từ sai phạm của cá nhân, sự việc cụ thể, các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, bôi nhọ cả một cơ quan, một ngành, lĩnh vực, nguy hiểm hơn là bôi nhọ, hạ thấp uy tín cả bộ máy chính quyền. Chúng thường xuyên lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, quy kết vấn đề cho sự lãnh đạo của Đảng...
Thông tin kịp thời, chính xác, và xử lý hiệu quả về mặt truyền thông khi có sự cố xảy ra không chỉ là để giải quyết vụ việc trước mắt, mà còn góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, chống lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc. Chính vì thế, các cơ quan nhà nước cũng như các cán bộ, công chức cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác, ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng trong thực thi công vụ.
2. Thực trạng công tác truyền thông trong hoạt động công vụ
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm cải cách hệ thống hành chính, trong đó có các biện pháp tăng cường công tác truyền thông của hệ thống cơ quan công quyền đối với nhân dân và với các cơ quan báo chí, truyền thông nhằm cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác đến đông đảo người dân về các hoạt động thường kỳ cũng như khi có tình huống đột xuất xảy ra.
Hệ thống pháp luật về hoạt động công vụ và quy định về thông tin, phát ngôn của cơ quan công quyền, cán bộ, công chức hiện nay đã hình thành tương đối đầy đủ, bao gồm Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019. Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó quy định về người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn, chế độ phát ngôn thường kỳ và trong trường hợp đột xuất, bất thường.
Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 12-5-2021 về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông, trong đó nhấn mạnh việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới. Đây là căn cứ quan trọng để các cơ quan công quyền triển khai nhiệm vụ thông tin, truyền thông.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực đổi mới hình thức, nội dung thông tin, tăng cường tương tác giữa cơ quan công quyền và người dân thông qua các nền tảng số đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số được triển khai sâu rộng trong hoạt động của cơ quan đảng, nhà nước, trong doanh nghiệp và toàn xã hội, trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công vụ, giảm chi phí, tăng hiệu suất công việc. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng mang lại hiệu quả cao trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, tài chính, hải quan, đăng ký kinh doanh, đất đai, hộ tịch, hộ chiếu…
Hầu hết các cơ quan công quyền đều có cổng thông tin điện tử, website, trang tin, cung cấp thông tin về hoạt động công vụ, các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình dịch vụ công. Công nghệ thông tin được ứng dụng vào giải quyết nhiều thủ tục hành chính, tiết kiệm nguồn lực cho Nhà nước và nhân dân. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tăng hơn hai lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019. Công tác bảo mật an ninh mạng có nhiều chuyển biến tích cực, đến hết năm 2019, hệ thống chia sẻ giám sát an toàn thông tin phục vụ chính phủ điện tử đã giám sát 20/30 bộ, ngành và 51/63 địa phương trên cả nước(2). Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ hành chính của cơ quan công quyền liên tục đạt trên 80% qua các năm 2017 đến năm 2020(3).
Những kết quả nêu trên là minh chứng cho những chuyển biến tích cực, những đóng góp quan trọng của các cơ quan công quyền trong phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực phản động, thù địch vẫn cố tình bác bỏ, xuyên tạc những thành tựu mà các cơ quan công quyền đã đạt được. Chúng còn tìm mọi cơ hội để xuyên tạc tình hình... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, là mối lo ngại lớn của người dân và hệ thống chính quyền, lợi dụng tình hình đó, các thế lực phản động, chống đối ở trong và ngoài nước đã dùng nhiều thủ đoạn lan truyền tin giả, tin độc hại, nhằm gây hoang mang trong dư luận, phá hoại thành quả chống dịch của Việt Nam.
Một số thủ đoạn của chúng gồm: tung tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch bệnh, về công dụng của thuốc, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh; xuyên tạc chính sách tiêm chủng vắcxin; bài xích quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một số quốc gia; công kích, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người mắc bệnh, người có nguy cơ lây nhiễm; gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân… Nguy hiểm hơn, chúng lợi dụng thời điểm cả nước đang tập trung chống dịch để gia tăng hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, lôi kéo người vào tổ chức phản động, phát triển lực lượng chống đối trong nước, như một số tổ chức khủng bố “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều Đại Việt”...(4).
Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ để gạn lọc thông tin, tìm ra nguồn phát tán thông tin độc hại để xử lý theo pháp luật. Trong năm 2020-2021, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã phối hợp cùng công an các địa phương triệu tập đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng về hành vi truyền bá thông tin sai sự thật(5).
Nhiều cơ quan, đơn vị đã ứng dụng hiệu quả các nền tảng mạng xã hội để tăng cường công tác truyền thông, tăng khả năng tương tác với người dân, đặc biệt là bộ phận giới trẻ. Nếu như trước đây chúng ta “yếu thế” hơn trên các nền tảng xã hội, để thông tin giả lan tràn, khó kiểm soát thì hiện nay, chúng ta đã khẳng định tiếng nói trên không gian mạng. Nhiều trang thông tin chính thức, như trang Thông tin Chính phủ với hơn 2,1 triệu người theo dõi trên Facebook, kênh VTV24 với hơn 3,6 triệu người đăng ký theo dõi trên YouTube cùng nhiều đơn vị thông tin khác đã và đang hoạt động tích cực, hiệu quả. Nhiều địa phương đã triển khai cổng thông tin chính thức trên nền tảng Zalo đến tận cấp quận, huyện, phường, xã, cung cấp thông tin hằng ngày tới từng người dân trong địa bàn về tình hình địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông trong hoạt động công vụ còn một số hạn chế: Cơ chế tổ chức bộ phận truyền thông ở từng cơ quan công quyền chưa thống nhất do chưa có quy định chung về cách thức tổ chức hoạt động truyền thông trong hệ thống cơ quan công quyền. Công tác phối hợp, cung cấp thông tin cho báo chí ở một số cơ quan còn lúng túng, thiếu chủ động.
Bên cạnh đó, tuy nền tảng công nghệ đã có, nhưng nội dung truyền thông chưa đa dạng, hình thức trình bày chưa đổi mới liên tục để bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ, vì thế lượng người dân tiếp cận còn chưa được như kỳ vọng, người dân chỉ biết đến khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin cụ thể. Lượng thông tin truyền tải chưa thực sự phủ sóng rộng rãi, chưa tối ưu hóa và chiếm lĩnh trên mặt trận thông tin.
Khảo sát toàn quốc của Bộ Nội vụ qua các năm cho thấy, tỷ lệ người dân tiếp cận thông tin về cơ quan hành chính và các thủ tục hành chính thông qua nền tảng internet vẫn ở mức rất thấp: năm 2018 là 4,92%, đến năm 2020 mới chỉ đạt 8,22%; đa số người dân vẫn sử dụng hình thức tham khảo thông tin trực tiếp từ cán bộ, công chức hành chính (62% năm 2020). Rất ít người dân có thói quen truy cập các trang tin chính thức khi cần tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính: chỉ có 5,2% người dân tiếp cận thông tin qua website Cổng dịch vụ công quốc gia, 5,0% người dân tiếp cận thông tin qua trang thông tin của tỉnh mình đang sinh sống.
Ngay đối với các tổ chức, dù có khả năng và điều kiện thuận lợi để sử dụng mạng internet và tiếp cận thông tin, thì cũng chỉ có 14,5% số tổ chức tham gia khảo sát đã tiếp cận thủ tục hành chính qua mạng internet(6). Như vậy, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc và dịch vụ công, đặc biệt là trong truyền thông và tiếp cận với người dân vẫn còn thấp, chưa tương xứng với sự đầu tư và kỳ vọng của Chính phủ.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn chậm thích ứng, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ, một số nền tảng mạng xã hội mới nổi lên gần đây đang là “mảnh đất màu mỡ” để các tổ chức, cá nhân phản động lợi dụng, khai thác, tác động đến tâm lý, nhận thức của giới trẻ. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan báo chí, truyền thông cũng như công tác truyền thông của hệ thống cơ quan công quyền cần cải tiến, hoạt động nhanh nhạy, hiệu quả hơn nữa.
3. Một số giải pháp tăng cường công tác truyền thông trong hoạt động công vụ, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Một là, mỗi cơ quan, đơn vị trong bộ máy thực thi công vụ cần thiết lập bộ phận chuyên trách truyền thông. Bộ phận truyền thông trong cơ quan công quyền cần làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo đổi mới hoạt động truyền thông, xây dựng hệ thống kênh truyền thông riêng, đủ mạnh, có sức lan tỏa.
Đồng thời, xây dựng, chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó với khủng hoảng truyền thông ở những cấp độ khác nhau, có tập dượt định kỳ và thay đổi, cập nhật kịch bản ứng phó cho phù hợp với tình hình thực tế. Khi có sự cố xảy ra, cần nhanh chóng kích hoạt các kịch bản đã chuẩn bị để không bị động, lúng túng, giảm độ trễ về thời gian xuống mức thấp nhất, tránh khoảng trống, “vùng xám” trong thông tin, không để các thế lực phản động, thù địch có cơ hội lợi dụng tình hình để tạo ra thông tin giả mạo, xuyên tạc.
Hai là, quy định cụ thể về cơ chế phát ngôn trong cơ quan công quyền. Mỗi cơ quan cần căn cứ vào Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước và dựa trên tình hình thực tế để xây dựng cơ chế phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí.
Theo đó, cần quy định cụ thể, tùy từng cấp độ của vấn đề mà quy định rõ ai sẽ là người phát ngôn, vấn đề nào do lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phát ngôn, vấn đề nào lãnh đạo ủy quyền cho người đứng đầu bộ phận chuyên trách trả lời, v.v.. Thông tin cung cấp cho báo chí cần được thống nhất trong nội bộ trước khi cung cấp, tránh tình trạng nhiều người phát ngôn, phát ngôn cảm tính, cung cấp thông tin không chính thức, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan.
Ba là, tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí - truyền thông trong nước và quốc tế. Các cơ quan cần duy trì liên hệ chặt chẽ với các đơn vị báo chí - truyền thông trong nước, đẩy mạnh thiết lập kênh thông tin ra các cơ quan báo chí quốc tế để chủ động cung cấp thông tin về tình hình hoạt động công vụ.
Đặc biệt, khi có vấn đề cần sự vào cuộc của hệ thống báo chí - truyền thông, cơ quan công quyền cần nhanh chóng, chủ động liên hệ cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông theo nguyên tắc minh bạch, khách quan. Cán bộ chuyên trách cần khẩn trương đánh giá tình hình, tham mưu cho lãnh đạo cơ quan về các phương án ứng phó, tùy mức độ nghiêm trọng và quy mô của sự cố mà tổ chức cung cấp thông tin ban đầu, thông tin chi tiết, ra thông cáo báo chí hay họp báo, trả lời phỏng vấn nếu cần thiết.
Cần bảo đảm tính xác thực của thông tin theo đúng diễn biến sự việc, đúng tình hình thực tế; sự việc đến đâu, thông tin đến đó; thể hiện trách nhiệm, sự cẩn trọng, nghiêm túc và cầu thị của cơ quan công vụ, tránh cung cấp thông tin theo kiểu “nhỏ giọt”, “úp mở”, tạo cơ hội cho những suy đoán, suy diễn thiếu căn cứ.
Bốn là, tăng cường đầu tư về nguồn lực con người. Bố trí cán bộ kiêm nhiệm, cán bộ chuyên trách phù hợp với quy mô, đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị và nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để cán bộ phụ trách truyền thông tham gia các khóa bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, đặc biệt là kỹ năng truyền thông, đưa tin, viết thông cáo báo chí, sản xuất tin, kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng ngoại ngữ, v.v.. Có cơ chế tuyển dụng, thu hút nhân sự có kinh nghiệm hoạt động truyền thông về phụ trách bộ phận truyền thông của cơ quan, đơn vị.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông và đấu tranh trên không gian mạng. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường cả về số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến để người dân dễ tiếp cận. Xây dựng cơ chế phản hồi, lấy ý kiến của người dân để chủ động giải quyết vấn đề khi được người dân phản ánh.
Bên cạnh đó, nghiên cứu và tận dụng các nền tảng số để tăng cường truyền thông về hoạt động công vụ của cơ quan, đơn vị; đổi mới, đa dạng hóa nội dung và hình thức truyền thông. Căn cứ vào tình hình, vào lĩnh vực công vụ, vào đối tượng phục vụ để nghiên cứu, xây dựng chiến dịch truyền thông, tạo dựng hình ảnh cơ quan cho phù hợp.
Sáu là, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông cần làm tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trên mặt trận thông tin, tổ chức hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong hệ thống công quyền khi được yêu cầu, đồng thời quản lý tốt hơn nữa thông tin trên các nền tảng mạng xã hội.
Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh xử lý các sai phạm trong đăng tải tin tức sai sự thật, vu khống, bôi nhọ danh dự người khác trên mạng xã hội để răn đe, hạn chế thông tin xấu độc, tiếp tục điều tra, xử lý hình sự các cá nhân, tổ chức phản động, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, phá hoại thành quả của cách mạng.
Các cơ quan công quyền cần nhận thức rõ, nhiệm vụ truyền thông là nhiệm vụ thiết yếu, sống còn, đóng vai trò màng lọc, lá chắn bảo vệ khi có sự cố xảy ra. Công tác truyền thông ứng phó, xử lý sự cố, khủng hoảng cần được quan tâm đúng mức so với vị trí, vai trò của nó. Truyền thông cung cấp thông tin hoạt động thường kỳ và truyền thông ứng phó với khủng hoảng, sự cố gắn bó mật thiết, không thể tách rời nhau trong hoạt động truyền thông, giúp cơ quan công quyền hoàn thành nhiệm vụ.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 538 (tháng 12-2022)
Ngày nhận bài: 25-11-2022; Ngày bình duyệt: 16-12-2022; Ngày duyệt đăng: 19-12-2022.
(1) Quốc hội: Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
(2) Bộ Thông tin và truyền thông: Sách trắng Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2020, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2020, tr.15-16.
(3), (6) Bộ Nội vụ: Báo cáo Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS 2020).
(4), (5) Cao Hồng - Xuân Mai: Không để tin giả phá hoại nỗ lực phòng chống dịch bệnh, Báo điện tử Công an Nhân dân, 8-8-2021, https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/khong-de-tin-gia-pha-hoai-no-luc-phong-chong-dich-benh-i623408/.
ThS LÊ MINH NGỌC
Tạp chí Lý luận chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh